Mười một tuổi tôi học lớp Ðệ Thất. Khoảng giữa niên học, một buổi chiều ra chơi tôi ngồi lại lớp nuốt trộng hết tám viên thuốc trong cái ống Optalidon lẻ mang theo từ nhà. Không hề gì; tôi được đưa đi bác sĩ và gia đình được giải thích đây là một trường hợp thiếu máu, cơn chóng mặt sẽ giã sau một vài giấc ngủ đầy, tránh thức khuya, tẩm bổ bằng Hormodausse.
Tôi tiếp tục đi học, lớn, bị ám ảnh bởi ống thuốc rỗng đã ném ra đường cho xe cán bẹp dí, móp méo. Mười sáu tuổi tôi viết nhật ký, bắt đầu yêu, thù gia đình. Sinh nhật thứ mười bảy tôi uống Tranquanil và ngủ một mình trong phòng hai ngày không ai hay biết. Tỉnh dậy thấy mình còn sống tôi bắt đầu trang điểm, ra phố sắm những chiếc áo dài hoa hòe đầu tiên. Hai mươi mốt tuổi tôi thành đàn bà sau một đêm đi biển với người bạn không thân. Tôi thất vọng nhưng vui thích với sự đau khổ. Năm nay tôi hai mươi bốn tuổi, yêu lang bang. Tôi có vẻ ốm yếu. Trong cái toa dài hai trang của ông P. Tôi đếm thấy mười ba thứ thuốc đủ loại. Thuốc viên, thuốc nước, thuốc ống, thuốc bọc trong giấy bạc, thuốc bột: Bryrel, Vecenol, Chymocyline, Dilar, Franol, Periactin, Suprazid, Nicoscorbine, Litrison, Frubios, Valium 5, Iminasthme, Bronco Piristina. Tôi uống đúng theo toa bác sĩ và bị phản ứng dữ ở mấy ngày đầu. Một cái dose kinh khủng. Những giấc ngủ bất tỉnh, nhưng cơn lảo đảo tơi tả, cơn xỉu lúc nào cũng muốn chụp xuống trán như có tấm màn đen phủ trước mặt bay hụt lay lắt, hai thái dương đau buốt, tê rần. Tuyệt nhiên tôi không đá động tới vỉ thuốc 20 viên Valium bọc trong giấy bạc. Mỗi lần nhìn thấy tôi cảm thấy ngần ngại.
Hai ngày trước khi lấy vé xe tôi gửi cho ông Khai cái điện tín vắn tắt: Ðón ở bến xe chiều 26-5. Thì giờ còn lại ở Sài Gòn tôi gắng dàn xếp với chị Lưu cho xong mọi chuyện một cách êm xuôi. Tôi không dám nói êm đẹp. Tình chị em đã sứt mẻ. Nghĩ mà coi, chồng của chị ngoại tình với tôi thì tôi phải giải thích ra làm sao đây? Tôi đang nghỉ hè ở Ðà Lạt, bị gọi về.
– Tao kêu mày về để nghe chính mày nói rõ chuyện đó ra.
– Thì em phải nói chứ ai.
– Tao đã nghe nhiều người nói rồi nhưng tao muốn thử nghe mày.
– Chị đã nghe như thế nào thì chuyện nó đã như thế ấy.
– Nhưng như thế nào mới được chứ?
Như thế nào mới được chứ? Người đàn ông vắng mặt không có cơ hội để biện hộ, tôi tha hồ nói quàng xiên.
– À, một đêm nọ Giáng Sinh, anh ấy rủ em đi ăn réveillon, và sau đó tỏ tình.
– Rồi sau đó?
– Sau đó, giống như những cuộc ngoại tình khác.
Coi bộ chị Lưu không thỏa mãn. Cách tôi tường thuật không được chi tiết. Ðàn bà họ ghen và đồng thời cứ muốn biết tường tận mọi chi tiết về cuộc ngoại tình của chồng để ghen tường tận hơn. Tôi hy vọng chị Lưu không ghen. Chị là một người đàn bà sinh động, bao dung, đầy xã hội tính. Chị lớn hơn tôi mười tuổi, yêu tôi như một người mẹ, thân với tôi như một người bạn. Một người chị hoàn toàn, nói cho đúng. Nhưng chị ghen. Tôi cho trên đời chưa lần nào tôi cảm thấy thất vọng hơn. Ðó là một phản ứng tất nhiên nhưng làm tôi ngạc nhiên. Dù sao, tôi tìm cách xoa dịu chị:
– Em chọn chị mà.
Ðêm, trước khi lên giường ngủ, chị tuyên bố bỏ chồng. Tôi nín khe, nết ý kiến.
Sáng hôm sau bình tĩnh hơn, hai chị em rủ nhau đi ăn sáng. Chị Lưu đột nhiên phân vân không biết có nên trở lại với anh ấy hay không.
– Tao không chấp nhận một người chồng như thế nhưng tao là đàn bà; rồi mày nghĩ coi, một đời chồng cũng là một cách gọi rồi.
– Anh ấy lấy chị vì tình hẳn sẽ trở lại với chị vì tình.
– Ðể đó, còn mày?
– Em không có chương trình gì tốt.
Nghĩa là tôi sẽ tiếp tục cuộc nghỉ hè trong khi chị Lưu chưa quyết định được dứt khoát sẽ làm gì. Không có quyết định nào là quyết định cuối cùng của người đàn bà cả. Chị Lưu, theo thói quen – sẽ suy luận mọi chuyện theo đủ các chiều hướng triết lý siêu hình, sẽ phân tích kỹ càng tâm lý của từng nhân vật thuộc từng trường hợp, và sau cùng chị sẽ tha thứ, có lẽ thế. Cũng có lẽ chị không có lý do gì không trở lại địa vị làm vợ của chị một khi tôi không có chương trình gì tốt, và sau nữa, mọi chuyện rốt cục chỉ là một cuộc ngoại tình mà thôi. Ðiều chắc chắn hơn hết là chị Lưu đầy thiện chí hàn gắn, trước tiên cũng để tự thu xếp cho mình một đời sống bình thường yên ổn. Chị sợ tai tiếng, sợ những biến cố làm xáo trộn hạnh phúc đã thành thói quen, sợ ảnh hưởng của những thay đổi đó làm lỡ dở các dự tính tương lai của chị, sợ công việc hàng ngày không được theo đúng thời dụng biểu đã xếp. Tôi hi vọng chị Lưu sẽ không làm một cuộc cách mạng nào nữa. Chị đã có cái bến. Ðôi mắt chị vẫn còn tung tăng sóng nước, nụ cười chị vẫn mát mẻ nhưng chị đã muốn dừng lại nghỉ chân. Cái trạm dừng êm ái và có khi vĩnh viễn. Thôi chúc chị may mắn.
Cũng trong hai ngày này, tôi đồng thời lo giải quyết hết các chuyện lặt vặt còn dở từ niên học trước. Tôi soạn đốt sạch những lá thư tình, những tập thơ, xếp lại tủ sách tủ áo. Tôi ghé thăm những người bạn học cũ. Những việc tôi làm thực ra không có nguyên do gì rõ rệt, không biết từ sự thúc đẩy nào. Tôi đang nghỉ hè ở Ðà Lạt, và chị Lưu gọi về để giải quyết chuyện tình. Hai ngày nữa tôi sẽ trở lên, sẽ gặp lại ông Khai. Mùa hè còn lâu. Sao có vẻ như tôi đang rắp tâm làm chuyện gì nữa trong các sửa soạn đó? Tôi không biết. Tôi tưởng tượng trước chuyến xe.
Dĩ nhiên phải mang theo cả mớ thuốc của ông P. Chuyến xe sớm bảy giờ rưỡi sáng, chỗ ngồi số 7 kế bên một bà xẩm có đứa con nhỏ. Tôi đặt cùi tay lên thành xe, ngó mông. Ðể coi, nếu đường sá suôn sẻ xe sẽ đến nơi khoảng 3 giờ chiều. Hi vọng ông Khai có mặt. Tôi sẽ xách nguyên hành lý như thế đi uống cái gì với ông ta trước khi về nhà Diệp. Hoặc nếu ông Khai rủ đi ăn tối, hai người sẽ trở lại hiệu ăn cũ mọi lần, có lẽ ông Khai sẽ bắt tôi ăn crème volaille, chúng tôi sẽ uống rượu chát. Ðại khái thế. Ðứa nhỏ bên cạnh bắt đầu khóc nhè từ lúc xe mới vào đường trường. Những nóc lầu cao lùi lại sau lưng, những trái bưởi vàng thưa dần, không khí như loãng bớt bụi khói. Sáng sớm sủa, trong mát. Chúc chị Lưu may mắn, nhé. Tôi sửa thế ngồi, dỗ giấc ngủ.
Ðứa nhỏ khóc dữ. Người đàn bà bực mình dằn mạnh con vào ngực, đội cho nó thêm cái mũ. Gió phật ngược tơi tả. Những chiếc xe vượt qua mặt nghe réo ồn sát bên tai rồi bon xa, mất dạng. Tôi nhắm mắt tưởng tượng chị Lưu đang ngồi viết thư, hôm nay thứ bảy có thể chị gội đầu, chị quấn tóc, hoặc chị ngồi trang điểm trước bàn phấn, hoặc ở một góc nào đó trong phòng, chị thừ người suy tính trước một thái độ như thế nào khi gặp lại chồng. Chị là một người sống nhiều về tình cảm nhưng luôn luôn không quên để thêm một chút lý trí, đạo đức vào mỗi hoàn cảnh. Một người đàn bà phong phú, trí thức, cẩn thận và giới hạn. Một người vợ tốt. Một người bạn cởi mở. Tuy nhiên, một người chị dè dặt. Chị đã nhìn tôi như nhìn một kẻ nguy hiểm. Coi chừng, cái chương trình nói không nói ra. Coi chừng, những ngày hè tiếp tục của nó hứa hẹn những chuyện tày trời khác. Coi chừng, giọng điệu mùi mẫn phục thiện của nó che giấu một tâm địa ác độc. Tôi thấy chị Lưu dè dặt rõ ràng. Dù sao, chúc chị may mắn. Tôi mệt trong những liên tưởng dài dòng, và thây kệ đứa nhỏ eo sách giẩy nẩy, tôi ngoẹo đầu ngủ trên vai bà xẩm hồi nào không biết.
Xe dừng lại Bảo Lộc cho hành khách ăn trưa. Bà xẩm thức tôi dậy:
– Cô ngủ trên vai tôi lâu dữ.
– Xin lỗi, xin lỗi bà. Tôi cười xẽn lẽn.
– Xuống ăn cơm chớ?
Quán đông nghịt. Hành khách trên xe đi ngược về cũng dừng lại ăn trưa. Những chiếc áo len bèo nhèo đã được mở nút phong phanh. Hành khách của chuyến xe đi lên cũng soạn áo len ra mặc. Tôi chọn một góc bàn trống, gọi đĩa cơm sườn và ly cà phê đá. Những bữa ăn dọc đường gần như lúc nào cũng giống nhau, hay đã trở thành thói quen, giản tiện. Tôi vẫn ước được có lúc đi đường trường với một người bạn, tôi sẽ thử gọi một đĩa cơm gà thay vì cơm sườn, có thể cà phê sữa đá hoặc coca. Không biết một bữa ăn như thế có vui hơn không? Ông Khai có lần nửa đùa nửa thật:
– Hôm nào tôi thử ăn dọc đường với cô một bữa. Coi bộ cô chuyên môn đi chơi một mình?
Ông Khai. À, ông Khai. Quên khuấy. Không biết ông ta đã nhận được điện tín của tôi chưa. Ðón ở bến xe chiều 26-5. Xe sẽ đến nơi 3 giờ. Có thể ông Khai sẽ xoay được chiếc Jeep, và với hành lý tôi sẽ đi uống cái gì với ông ta trước khi trở về nhà Diệp. Ðó là tưởng tượng của tôi đã có sẵn từ hôm chưa lấy vé xe. Cũng có thể tôi sẽ nhờ ông Khai đưa thẳng về nhà cất hành lý rồi mới bắt đầu buổi chiều. Hai người đi uống cái gì trong khi chờ giờ ăn tối. Ông Khai sẽ hỏi thăm tôi về mấy ngày ở Sài Gòn.
– Thế nào, sao?
Tôi sẽ ngậm câm như thường lệ, hoặc sẽ mô tả dài dòng, hoặc giản lược khó hiểu? Chưa bao giờ tôi tâm sự điều gì với ông Khai cả. Tôi ghét tâm sự tỉ mỉ. Tôi chuyên một đi chơi một mình và vì thế tôi cũng quen chịu được mọi chuyện một mình. Dù vậy, tình trạng hai người đang ở chỗ khả quan, tôi thì có vẻ náo nức chờ gặp lại ông Khai. Cứ mửng này có khi tôi sẽ cởi mở huỵch tẹt. Tôi sẽ nói:
– Mọi sự đều tốt đẹp, tôi đã…, tôi nghĩ… tôi định rằng… vân vân.
Trong lần trở lại Ðà Lạt kỳ này y như có dấu hiệu chứng tỏ tôi đang hăm hở đến gần ông Khai hơn.
Hoặc là, vẫn tiếp tục buổi chiều tưởng tượng bắt đầu từ chỗ gặp ông Khai ở bến xe, hai người sẽ đi uống cái gì – với hành lý, chờ giờ ăn tối và rồi sẽ trở lại hiệu ăn cũ của bà Renée – cũng với hành lý, ăn crème volaille hay soupe vermicelle, rượu chát, như đã tính hồi mới lên xe đò.
Nhưng còn sau bữa ăn? Bữa ăn sẽ kéo dài có khi đến chín mười giờ tối. Giới nghiêm cũng khoảng đó. Hay ăn luôn bữa tối ngay chỗ đã uống nước? Có thể là P. – Diệp sẽ hỏi
– Sao chị về nhà muộn?
– À tôi gặp một nguời bạn rủ đi ăn, nghĩ rằng trở lên không báo trước sẽ phiền chuyện ăn uống Diệp chưa chuẩn bị kịp.
Hay nhờ ông Khai thuê hộ luôn một phòng chiếc ở P. tầng nhì. Tôi sẽ ngủ lại đó một đêm, hẹn ông Khai hôm sau đến ăn sáng, đi chơi cả ngày hôm ấy rồi về nhà Diệp khoảng ba giờ chiều, giờ của chuyến xe đến nơi ngày hôm trước? Ðêm một mình ở khách sạn chắc thú. Vẫn có những cô gái lãng mạn, buồn tình, thuê phòng một đêm để tự tử. Tôi còn mớ thuốc ngủ của ông P., chỉ cần thêm một lượng Valium gấp năm lần hay hơn thế. Tôi sẽ tự tử. Ông Khai sẽ đến sáng hôm sau, tầng nhì, gõ cửa phòng số…, phát giác một cái xác đã lạnh ngắt. Nhân viên hữu trách đến lập biên bản, bác sĩ khám nghiệm tử thi, ông Khai bị phỏng vấn điều tra về mối liên hệ với kẻ chán đời.
Nhưng như thế để làm gì chứ? Tôi lấy muổng vớt viên đá nhỏ dưới đáy ly bỏ vô miệng ngậm. Hành khách lục tục lên xe, tôi gọi trả tiền, dáo dác tìm bà xẩm và đứa con nhỏ.
Càng lên gần Ðà Lạt trời càng sậm sì, buồn hiu, cây cối núi đồi sũng lạnh trong màn sương mỏng. Ðường nhựa ướt loáng như vừa qua cơn mưa. Tôi tháo khăn đội, chải lại tóc, mặc thêm áo khoác. Ðúng như dự đoán, xe đến nơi gần ba giờ chiều. Xe quanh ngang hồ qua cầu, tôi ngóng cổ ngó sang bến. Làm thế nào để biết ông Khai đứng đâu? Ông ta có xoay được chiếc Jeep không?
Cái lưng sau bảy tiếng đồng hồ ngồi chết cứng, bây giờ mỏi nhừ. Xe đỗ ở đầu cầu để kiểm soát. Tôi đứng dậy xoay trở, bẻ xương vai lục cục. Hành khách cũng xuống từ chỗ ấy, không qua bến. Một cái xắc máng trên vai, một cái khác xách tay, tôi lụp chụp xuống xe, băng qua khoảng đường rộng có bồn hoa tròn xoay quanh cái trụ điện nhiều ngọn cao sững. Ngó ngoái qua con dốc dẫn lên phố thấy hoan hỉ đủ màu áo ấm, xe cộ nhộn nhịp. Ngó xéo xuống chợ dưới thấy những đốm hoa nhỏ rực rỡ, xa, nhòe. Ðà Lạt chiều thứ bảy, trời tạnh. Ông Khai không lý do gì bận việc không ra đón được. Tôi băng qua bến xe đi vòng vòng. Thôi đừng giỡn nữa ông bạn, núp đâu đó? Tôi đi vòng cây xăng, láo ngáo nhìn ra cầu phía bên kia hồ. Ông bạn, núp đâu? Những chiếc xe lam quần lại gần, về đâu cô, còn một chỗ, cô. Về đâu?
Về đâu? Nếu có ông Khai, tôi sẽ di uống cái gì với ông ta trước khi cùng ăn cơm tối ở quán bà Renée. Tôi sẽ… Về đâu, làm sao biết được. Tôi khát nước khô cổ. Một ông lính Biệt Ðộng Quân cà rà đi theo nhiều vòng, về đâu cô tôi đưa về? Ngó bộ vó tôi giống khách lạ, giống gái quê đi tỉnh xa tìm việc, bộ vó dễ gạt. Tôi vừa bị một vố chuyện nhà, tôi đi nghỉ hè. Một cuộc đào tẩu thơ mộng; vòng vây gia đình họ hàng tôi bứt bỏ, tôi đi nghỉ hè. Ngó bộ tôi bị tình phụ, muốn cứu vớt? Vẫn đi theo lãi nhãi, khỉ.
Tôi tẽn tò, cuối cùng bước lên chiếc xe lam trống.
– Về đâu cô?
– Hải Thượng.
– Số mấy?
– Số…, khỉ. Quên mất. Ông cứ chạy rồi tôi nhớ mà.
Xe qua cầu, bỏ số một lên dốc. Tôi ngó xuống trũng rau bên dưới, nước chảy xoáy trắng, tung bọt trên những tảng đá lớn, rau xanh ướt. Chiều mát mẻ, êm. Không thể tính chuyện gì tiếp nếu không có ông Khai. Tôi không thể tự tử tại nhà Diệp. Căn phòng dành riêng trên gác không có cửa khóa phía trong. Cửa sổ lớn ngó ra thành phố nhấp nhô, trụ đèn, dây điện, dây ăng-ten cắt những đường mảnh nhạt trên nền trời xám. Cây thông to xòe trước sân. Không có gì bảo đảm tôi có thể biệt lập được vơi đời sống bên ngoài để lo chuyện riêng tư xuôi chẩy. Căn phòng Diệp dành cho, trời đất, rồi những bữa ăn Diệp chăm chút, nhưng câu thưa trình, mời, gọi của chị giúp việc. Thưa cô xuống tắm, thưa cô ăn sáng, thưa cô ăn mì, phở, cháo. Tôi không thể làm phiền Diệp nhiều quá, tôi tiếp tục nghỉ hè, đồng ý, nhưng đâu có phải cách tôi nghỉ hè như thế.
Buổi chiều trở lại Ðà Lạt, đi xe lam về nhà Diệp, tắm rửa, soạn hành lý trong xắc ra máng trên móc, cất vào tủ. Nằm lại cái giường cũ, kéo chăn tới cổ. Năm giờ. Tôi muốn ngủ một chút.
Ông Khai đến tìm năm giờ rưỡi. Chiều như muốn tối. Tôi xuống nhà bèo nhèo. À, ông Khai. Tôi làm bộ điềm tĩnh. Trán ông Khai lấm tấm mồ hôi, ngực phập phồng.
– Tôi nhận điện tín 3 giờ ngày hôm nay, đến nơi ngồi chờ hết các chuyến xe không thấy cô đâu.
– Ông có vẻ mệt?
– Tôi vừa uống bia, ở cái quán ngoài bến xe.
– Tôi đến nơi hồi ba giờ.
Im lặng một lát. Ông Khai cười dò hỏi:
– Ði nữa được chứ?
– Ðược chứ !
Tôi trở lên phòng thay áo.
Trở lại hiệu ăn cũ lần trước, hiệu do các bà sơ trông coi; bữa ăn quá sớm, hai người chỉ uống rượu cầm chừng.
– Thế nào, mọi chuyện êm đẹp cả chứ?
– Tạm coi như thế.
– Cô sao?
– Tôi vẫn thường.
Ông Khai dịu dàng,
– Mấy ngày nay cô biết tôi làm gì không, tôi làm thơ. Cô ăn gì, một tí crème volaille nhé.
Người nữ tu mang đổi một bông hồng khác tươi hơn:
– Cô vẫn còn ở Ðà Lạt?
– Tôi chưa định hôm nào đi, niên khóa mới bắt đầu giữa tháng sáu.
– Công việc vẫn thường?
– Cám ơn, vẫn thường.
– Ngày mai chủ nhật cô và ông có chương trình gì chưa?
– Chúng tôi sẽ gặp nhau.
Người nữ tu châm thêm rượu vào hai ly để gần, mỉm cười.
Tôi chỉ có thể bắt đầu câu chuyện được như thế rồi bí tịt. Ông Khai kể tung tăng về tuần lễ tôi vắng mặt, tự nhiên đổi cách xưng hô.
– Em biết không, anh làm thơ, anh thổi khẩu cầm, anh chơi domino với bọn thằng Thái thằng Vĩnh, anh có gặp Ðiền hỏi em đã lên chưa hắn bảo ở Sài Gòn chờ nhập học đi thẳng lên Kontum luôn, có phải em định như thế không?
– À, đáng lẽ thì như thế, nhưng phải chạy.
– Chạy sao?
– Chạy như vịt.
Ông Khai cười nhỏ,
– Anh biết em phải gặp khó khăn mà.
Tôi nín thinh. Phải giải thích như thế nào với ông Khai về những chuyện tôi toan tính, ông Khai có giúp được gì không, có hiểu ra sao không?
Nhạc bỏ ở volune thấp, có những nốt điếc, lặng câm. Những đoạn thì thầm nghe được xa tít, những nốt nẩy đột ngột như bị đánh bật. Lần nào cũng chỉ có Tứ Thời Khúc của Vivaldi, không khá được. Hơi lạnh ẩy nhẹ qua khe cửa kính, run gợn tấm màn mỏng. Tôi gài nút cổ áo ấm, thở dài.
– Em mệt hả ?
– Ðâu có, nhưng có lẽ em cũng không muốn ngồi nữa.
– Thôi đi một vòng đồi coi trăng.
Tôi mệt thiệt. Một ngày đường, bữa ăn tối kéo dài, những câu chuyện mỗi người phải tự bươi móc từ trí nhớ để lấp đầy các khoảng trống bỏ không, để lấp đầy mình. Những điều tôi xếp đặt, lần lựa, giữ lại một mình. Còn những buổi gặp nhau khác. Còn mớ trụ sinh kháng sinh của ông P. Còn chị Lưu. Tôi muốn tự tử. Không biết ý định này có từ lúc nào. Có cái gì dẫn dụ rủ gọi. Tôi nhớ ống thuốc rỗng bị xe cán nát méo giữa đường nhựa trước cửa trường, nhớ giấc ngủ quên hai ngày không ai hay biết, nhớ niên học sẽ bắt đầu tháng tới và tôi sẽ phải trở lại nhiệm sở cũ. Ông Khai biết gì? Ngó bộ tôi giống kẻ bị tình phụ cần được cứu vớt?
Xe trườn vào đồi. Trăng no và úa, muộn như một trái cây chín chưa được hái. Tôi run lập cập trong cánh tay quàng của ông Khai. Gió dữ. Tim đập rõ, chậm nhẹ. Ông Khai thở đều đặn, nhìn ra xa. Thành phố dưới thấp đèn đóm lù mù trong hơi sương. Ðêm như đóng băng, đen khối. Mặt hồ đặc. Bãi đất rộng dài, sáng trắng.
Ðêm trở về loạng choạng muốn xỉu qụy. Ông Khai đưa lên mấy bậc đá, cỏ ướt bám chân. Mai nhé. Tôi gục gật, ngó chào.
Hai vợ chồng Diệp đã ngủ. Tôi đi thẳng lên phòng không trở xuống rửa mặt đánh răng. Mở hé tủ nhìn hai vĩ thuốc bọc giấy bạc, nằm lắng nghe tiếng còi hụ giới nghiêm vang xa, tiếng chó sủa rộ sau tiếng súng lạc.
Ngày hôm sau gặp nhau, và tiếp theo những ngày hôm sau. Tôi tiếp tục nghỉ hè. Mớ thuốc của ông P. vật trơ trấc. Vẫn những bữa ăn ở hiệu cũ, crème Volaille hoặc đôi khi một cái château-briand xẻ hai, bánh mì trét beurre frais, rượu chát, hoa hồng. Tứ thời khúc của Vivaldi. Tình cảm coi bộ hứa hẹn thắm thiết. Ông Khai tỏ vẻ săn sóc tỉ mỉ. Tôi lảo đảo hơn mỗi tối về nhà Diệp, yếu quặt, rũ liệt. Có những buổi chiều ông Khai không đến đón, ngại gặp Ðiền, tôi đi bộ ra chỗ hẹn một mình. Những mẫu giấy viết để lại trên bàn phấn của Diệp. Tôi buồn quá. Tôi đi chơi. Tôi không ăn cơm. Tôi cám ơn. Tôi xin lỗi. Những con dốc lên xuống, trì níu, xô đẩy hào hển. Mưa như lúc nào cũng mưng trên bầu trời thấp, sa sầm. Gió quần đuổi lập cập.
– Em uống gì? Xanh dữ, xanh lè. Lại đi bộ nữa? Mấy băng nhạc anh thu cho em, sao ?
– Ðược, được, cái Mozart rất được.
– Concerto pour clarinette thật tuyệt. Little Suite của Bach nhỏ nhẹ dễ thương quá hả? Khúc Mùa Xuân của Beethoven, sao, em thích không? Toccata and Fugue?
– Tràn trề, yêu đời, nồng nàn…
– Bữa qua anh đi uống với Vĩnh gặp Thái hắn hỏi thăm em. Châu vừa lấy vợ đấy. Vừa được thư của Ngạn đây:.. Nàng T. còn đó không, hay đã đi Kontum? Có amourette cũng vui vui, cứ như mình nhấm lạc rang ấy. Tôi cũng đang nhấm lạc và có lẽ sắp đổi sang hạt dẻ, Lạc rang hay hạt dẻ đều bùi. Bùi thì bùi nhấm mãi cũng chán…
– Trời đất, té ra là lạc rang à? Gắt cổ không?
– Yên chí, rồi anh sẽ đi chiếu phổi.
– Bùi không, em bùi không?
– Anh xin lỗi, anh say. Em mặc thêm cái áo ấm của anh nhé.
– Ðược được, để em.
Diệp vẫn áy náy những bữa cơm tôi không ăn, đêm ra mở cửa muộn ngửi thấy mùi rượu nồng nực, kêu khẽ
– Trời ơi, đi đâu vậy?
Diệp bảo tôi xoay lưng, gỡ lá cỏ bám trên áo đưa cho tôi.
– Ði đâu vậy?
– Ðâu có đi đâu.
Tôi cầm xoanh xoe cọng cỏ cười xẽn lẽn.
– Tưởng con sâu chứ. Ðâu có đi đâu.
– Ăn chưa?
– Rồi, rồi mà.
Tôi khóc mùi mẫn những buổi tối về lại phòng. Vẫn chưa nói gì được. Em muốn tự tử. Dễ quá. Tôi vặn nhạc nhỏ, để từng nốt thấm đẫm trong ngực, trái tim nhỏ nhẻ đập chậm, rõ. Ðể coi, chương trình còn phong phú nữa. Chiều thứ tư năm giờ rưỡi. Chiều thứ năm năm giờ rưỡi. Chiều thứ sáu bốn giờ đãi ăn ở quán bà Renée có ông Thái ông Vĩnh. Chiều thứ bảy xem Air Port ở Hội Việt Mỹ. Sáng chủ nhật…. Dễ quá. Chỉ cần nói một câu với ông Khai. Em muốn tự tử.
Một ngày nắng. Gần trưa tôi dắt thằng con trai nhỏ của Diệp lên đồi sau nhà, mang theo chiếc xe đạp. Thằng nhỏ chạy sướng. Nắng và gió cùng một lúc trong trẻo rõ nếp như chiếc áo xếp kỹ thơm băng phiến. Ðứng giữa bãi đất trống nhìn ra xa thấy đường lộ nhỏ xíu, tiếng xe chạy nghe bằn bặt, trùng điệp màu xanh mát của cây lá, thung lũng rau xinh xắn thẳng hàng, khói mỏng đục bay nhẹ từ các ngôi nhà dưới thấp. Khung cảnh êm, tĩnh, dễ chịu. Tôi cười sướng. Tóc mới gội khô xơ quật bít mặt mũi. Gió dữ. Tôi gọi
– Ê thằng nhỏ, nhỏ!
Tôi chạy tay khoanh quanh ngực che hai đầu vú đen không mặc áo lót. Còn cái hẹn với ông Khai nữa, chiều nay năm giờ rưỡi, xem nào.
– Ê thằng nhỏ, đừng lại phía ấy té chết con!
Tôi thấy cảm động.
Trưa trời vẫn đẹp. Tôi trùm chăn, nằm thẳng tránh hai lọn tóc quấn hai bên mang tai. Gắng ngủ một chút nhưng coi bộ mắt tỉnh. Tôi khóc sau đó khi đột nhiên tự nhủ thử khóc xem. Khóc dữ. Ngồi dậy soi mặt ở tấm gương tròn máng chỗ cửa sổ, đỏ ké. Tấm màn đỏ, mọng ánh sáng từ bên ngoài chiếu lên mặt một màu thẫm, hai mí mắt sưng rộp, da trong bóng. Tôi xuống nhà rửa mặt thấy Ðiền và Diệp còn đang sửa soạn chưa đi làm. Thắng nhỏ ngủ trên chiếc võng thấp đu đưa nhẹ. Tôi cúi mặt rửa, rửa. Trở lên lau mặt, soi gương. Xem nào, sưng vù.
Ông Khai hẹn năm giờ hay năm giờ rưỡi? Tôi đến không? Có lẽ tôi sẽ đón xe lam đi ngã nhà thờ, tránh cơn mệt. Còn hai tiếng nữa, làm gì, xem nào. Tôi khom lưng mở ngăn kéo tìm hộp dao cạo. Phải chọn một lưỡi mới không rỉ để tránh làm độc. Tay nào, tay trái. Bông Bạch Tuyết bỏ sẵn ra bàn. Tôi cứa thử nhẹ nhẹ lên cổ tay trái có sợi gân xanh nhỏ. Tĩnh mạch hay động mạch? Mặt da bị tách đôi một rãnh mỏng, máu tươm ra đỏ, nhỏ giọt. Cườm tay kê úp trên miếng bông dày, giật tê lẩy bẩy, máu thấm sũng. Tôi xem đồng hồ ba giờ rưỡi; còn một tiếng rưỡi. Ông Khai nói sẽ đi tắm trước khi đến P. Tôi lạnh run, lục ví tìm miếng handyplast chùi quẹt cổ tay trái, băng ngang. Rát. Tôi vuốt vuốt miếng băng cho nằm sát vòng cổ tay, vất miếng bông nặng ướt máu, xong dẹp các thứ, tới nằm vật xuống giường, kéo chăn đắp.
Tôi đi bộ ra P. kém mười lăm năm giờ khởi hành từ nhà. Cảm giác giống mấy lần trước, bàng hoàng như vừa khỏi bệnh. Kể từ hôm trở lên Ðà Lạt, chưa hôm nào tôi ra khỏi nhà mà lý do không phải là ông Khai, mặc dù có những buổi sáng rất nắng và nắng mời gọi ráo riết trong cái vẻ hăng hái quyến rũ. Tôi cột tóc túm sau ót bằng sợi cao su, mặc áo len đen, máng cái xắc trên vai. Chỗ cứa vẫn rát và coi bộ còn rỉ máu. Hai mí mắt nặng sụp. Ông Khai hoạch định riêng chiều thứ tư và chiều thứ năm chỉ ngồi uống nước ở P. rồi cho về nhà trước bảy giờ. Như thế thật đỡ mệt. Tôi thật tình chán mấy buổi tốt ngồi cà kê dê ngỗng ở hiệu ăn bà Renée với mấy món ăn cũ, nơm nớp ngại hai vợ chồng Diệp ngủ sớm hoặc chị giúp việc đã xong việc chùi rửa lên gác trước khi tôi kịp về tới gọi cửa.
Khá hơn hôm nào hết tôi tới nơi mà không thấy mệt quỵ.
– Vẫn chanh soda nhé.
– Vâng, vâng.
– Trông em đỡ hơn mấy lần trước.
Tôi mỉm cười, mắt ngó xuống nặng sụp.
– Trông anh bảnh bao không?
Ông Khai vừa hỏi vừa vuốt mái tóc mới cắt. Tôi thoáng nghe mùi xà-phòng thơm. Nhạc ở đâu vẳng lại những điệu cũ rích quê mùa và buồn. Ông Khai vói cầm ngửa cườm tay tôi coi:
– Cái gì đây?
Tôi làm bộ bình tĩnh:
– Cứa tay nhưng sực nhớ có hẹn. Tôi nói xong cười nhỏ.
Im lặng lâu lắm rồi ông Khai nói:
– Em không muốn gặp anh nữa thì cứ nói thẳng, chương trình ngày mai ta có thể hủy bỏ. Tôi vẫn ngồi im. Tôi không hiểu ông Khai đã lý luận thế nào để đi đến một câu nói như vậy.
– Em sensible quá.
– Em sensible? Em làm gì đâu?
Ông Khai lại nắm lấy cổ tay có dán miếng băng:
– Ðưa anh coi.
Tôi giải thích:
– Em để bông sẳn sợ vây, em chọn lưỡi dao không rỉ để tránh làm độc, em cứa cổ tay trái để dành tay mặt đeo đồng hồ – tôi tặc lưỡi – vậy đó, em có tính gì đâu, còn nhớ chiều nay có hẹn với anh để ra.
Tôi vừa nói vừa thở như sắp thổn thức. Ông Khai lắc đầu:
– Em phải nói chứ; không phải anh không quan tâm đến những cái em giữ không chịu nói, em có thể giữ lại để chịu một mình thì giữ, tính anh không thích hỏi nhưng như thế không có nghĩa là anh cynique như tụi nó vẫn bêu riếu.
Thấy ông Khai dài dòng phân bua, tôi đùa:
– Tính em hễ không ai hỏi thì thôi không nói, vậy mới kẹt.
– Bởi em không nói nên anh không hiểu, anh phải nói thay, em dồn anh vào chỗ bí mà.
Hai người ra khỏi P. trời sẩm tối, từ đó đi ngược về quán ăn của bà Renée. Ông Khai định cho về trước 7 giờ nhưng nghĩ sao lại rủ tôi trở lai hiệu ăn cũ. Trong bữa ăn, cũng crème volaille, bánh mì trét beurre frais, thêm một cái Filet des Iles xẻ đôi. Ông Khai nhìn miếng băng trên cổ tay:
– Anh rất sợ và rất ghét.
– Chỉ là một chuyện chơi, em muốn thử chơi.
– Thử, như em đã thử chơi với anh vậy, đôi khi có một ma lực nào đó lôi cuốn mà mình không biết.
– Ðúng, đúng.
Tôi gật đầu lia lịa. Có vẻ tôi đang lấy lại sức, có vẻ vui. Ông Khai cũng tỉnh táo hơn. Tôi tự nhủ quá sức, thật quá sức. Băng nhạc cũ của Vivaldi vẫn lẳng tẳng những nốt điếc, nhỏ, có lúc như sắp sửa nín bặt rồi vụt nẩy những tràng cao ồn. Người nữ tu ở đâu tới gần:
– Mạnh giỏi?
– Cám ơn, cám ơn.
– Cô đi chủ nhật tới hả? Chia tay buồn nhỉ!
– À, ông ấy sắp được tôi trả tự do.
– Có thật vậy không – bà ta tò mò – hai người chắc biết nhau đã lâu?
– Tôi tình cờ nghỉ hè qua đây và gặp ông ta, rủi thay!
Bà cười ngắt ngắt mái tóc ngắn. Tôi nói nghiêm nghị:
– Nhìn tôi xem tôi nói thật hay nói dối?
– Có những bông hồng nở trong mắt cô.
Bà ta ví von cầu kỳ quá. Ông Khai nói:
– Chúng tôi sẽ trở lại tối mai với vài người bạn nữa.
– Vẫn cái bàn này chứ, hay chọn gian bên kia?
– Ồ bên ấy đèn sáng thế tôi xấu thì ai cũng thấy.
– Mọi thứ dưới ánh sáng đều đẹp.
Lại ví von nữa. Tôi uống nốt chỗ trà dưới đấy tách rồi giục ông Khai về.
Con đường dốc nhỏ dẫn lên mặt lộ chỗ đậu xe sáng trắng điện nê-ông. Ông Khai quàng tay quanh vai tôi dìu sít sao như đẩy ngược cho sóng lưng ẩy ra.
– Em nói bậy nhiều dữ.
– Em say mà!
Lên gần tới mặt lộ ông Khai cúi sát vào tai tôi:
– Em say thật không?
Có vẻ như ông ta muốn hôn tôi, cử chỉ lúc ấy giống như vói tay mở một cánh cửa. Hôn anh đi, em nhỏ.
– Không, tại sao?
– Nếu không, để anh hôn em, em nhỏ.
– Tại sao?
– Không bao giờ hả, không bao giờ em hôn anh hả?
Ông Khai kéo sát tôi vào ngực.
– Ðừng làm em run, anh.
Xe rồ chạy. Hai người không nói gì. Có cái gì đã sụp đổ, đã hư, hỏng. Có cái gì vẫn còn lại đìu hiu như một đốm lửa nguội, thoảng hơi khói bay nhẹ.
Ông Khai đưa lên tới cửa nhà, hôn lên trán:
– Bonne nuit, mai anh đón em.
Tiếng chó sủa rời, tiếng cỏ bị giẫm rối, tiếng mở máy xe ực ực, những viên đá bị nghiến chậm, nhỏ xa dần.
Trần Thị NgH
Ðà Lạt, 1973