có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 5 17, 2024

Câu Chuyện Của Nó


(Triển lãm sắp đặt Gleaming Lights of the Souls với kiếng và bóng đèn tại Humlebæk, Đan Mạch)

Nhóm chúng tôi thường gặp nhau nói chuyện gẩu vào ngày chủ nhật. Những ngày khác lao động liên miên từ sáng sớm đến chiều tối đâu có thì giờ rảnh rổi để tụ tập. Càng tốt nếu buổi sáng đó có chút mưa, ngồi tụm năm tụm ba riêng một góc “hội trường” khỏi bị ai quấy rầy.

Hội trường là một ngôi nhà lợp tranh trống trải, khá rộng, không có vách bao quanh, nền đất lồi lõm, mái nhiều chỗ dột nát, và không có lấy một chiếc bàn hoặc một chiếc ghế. Ngồi trệt giữa đất vậy. Tên nào nhanh chân giành được một cái cột tre dựa vào thì khỏe cái lưng.

Một nhóm khác kẻ đứng người ngồi vây quanh một bàn cờ tướng đặt trên lưng cái chậu to làm bằng tôn lợp nhà chăm chú theo dõi hai cao thủ quần nhau từ sáng sớm lúc vừa mới ngủ dậy. Dăm ba tên khác nữa đem một ít thức ăn thăm nuôi ra nấu nướng ở cuối hội trường kế với nhà bếp: luộc khoai lang, khoai mì, nướng khô cá sặt, khô mực, nhậu suông với lá ớt, đọt sắn. Lại còn vài tên “vô sản”, tức là không có người thăm nuôi, hết chỗ ăn ké, buồn tình nướng cào cào, châu chấu, mùi thơm tỏa ra làm điếc con ráy. Chúng nó cho vào mồm nguyên con nhai luôn cả cánh lẫn chân cháy sém.

Chút mưa nhỏ cố nhiên là gây được cái không khí xúm xít nhau ấm cúng. Trời không mưa không nắng mây xám âm u cũng xui chúng tôi đi quẩn quanh nhiều vòng trên sân trại, chân xủi bụi bay lên thành đám nhỏ. Đi chán rồi cuối cùng cũng tụ tập lại nơi hội trường ngồi trệt xuống đất tán nhảm với nhau.

Chỉ trừ khi trời nắng. Nắng lên, túa ra cái giếng nước đỏ ngầu chen nhau lấy gàu múc nước dội vào những thân hình ốm tong teo.

Đó là ban ngày. Còn ban đêm? Tối đến ngủ sớm như gà để lấy sức cho ngày mai. Ngay cả tối thứ bảy muốn thức khuya cũng không được phép. Mới sáu giờ đã phải vào chuồng, không đèn đóm, cửa bị khóa trái ở bên ngoài, leo lên chõng tre nằm yên, giữ im lặng, không được nói năng “linh tinh”. Thao thức hoài rồi giấc ngủ cũng đến lúc nào không hay.

Nghĩa là chỉ có ngày chủ nhật là rảnh rỗi. Rảnh rỗi nếu không gặp lúc phải lao động khẩn trương thêm; không có lệnh đem “bày hàng”, tức là đồ đạc lỉnh kỉnh lấy ra từ những cái bị treo lòng thòng trong lán, để cán bộ khám xét đột xuất; không học tập bổ sung cho thông suốt đường lối chính sách; không khai báo phụ đính bản trích dọc, trích ngang v.v … Thì chúng tôi được sinh hoạt tự do như đã nói trên.

Riêng nhóm chúng tôi là những tên ưa đấu láo, và đề tài hấp dẫn nhất vẫn là ăn nhậu. Nhưng hôm nay, chỉ hôm nay thôi, mọi người hạ quyết tâm không nhắc đến chuyện ăn uống nữa. Nhắc hoài thêm thèm thuồng chỉ tổ làm cho cái bụng càng thêm mau đói. Thử chuyển đề tài.

*

“Tao thì nhớ con mèo. Quấn quýt dưới chân meo meo, nhảy lên đùi, ngả ngớn trên tay, rù rù bên tai những giấc ngủ trưa. Đi ăn đâu tao cũng để dành đem về cho nó một vài miếng thứ nó thích. Lấy miếng giấy nhỏ gói miếng da vịt chiên, sụn gà hấp, đuôi tôm xào, đầu cá nướng… Meo meo, meo meo mừng rỡ. Khi nào có bầu rồi chuyển đẻ, không nhảy lên nóc nhà tìm tác giả của nợ mà cứ quấn lấy chân tao. Tao lót cho cái ổ dưới giẻ rách trên giấy bổi khô ráo. Đẻ xong nó không ăn nhau, mang tới cho tao lấy hên.

“Tao thương nó, có khi thương quá hành hạ nó một chút thử coi. Đánh nó, đánh khá đau. Đó là cái tật xấu của tao, tao biết nhưng không bỏ được. Tụi mày coi chừng tao thương nhé! “

Người lớn tuổi nhất trong bọn có ý kiến:

“A, tao biết rồi. Vậy là mày có cái bệnh…bệnh gì tao quên mất. Chắc là bệnh bạo dâm? Ưa hành hạ người yêu? Tiếng Pháp gọi là…”

Người vừa kể chuyện ngắt lời:

“Thôi đi bồ! Đầu óc méo mó rồi. Không lẽ tôi yêu con mèo theo cái nghĩa của bồ? Tôi nói tôi thương nó mà. Thương và yêu khác nhau! Nhất là con mèo này có bốn chân đàng hoàng. Mèo hai chân thì may ra. Nhưng các ông phải để yên cho tôi kể … cho có đầu có đuôi. Không được ngắt lời. Nghe chưa! Kể ngang đâu rồi? À, à đánh nó …

“Đánh, nó không chạy, cụp tai, cụp đuôi co mình nằm yên, chịu đòn. Tao đi đâu về nhà mà không phải từ quán nhậu, nó cũng biết, để tao yên. Nhưng nhậu nhẹt xong trở về quên phần nó, nó cự nự, meo meo, meo meo, quấn lấy chân tao, đeo như đỉa đói. Nó đánh hơi được mùi thức ăn tao đã nuốt vô bụng, mùi la-de. Làm tao nổi cáu. Này này, mày cứ quấn vào chân tao đi, tao không đuổi, không đánh mày đâu, cũng không thèm tỏ vẻ khó chịu gì cả. Mình quên đem đồ ăn về là có lỗi mà. Phải công bằng với nó chứ. Cho nên tao đứng lại nhìn nó một cách dịu dàng. Rồi quay mặt bước đi. Đường tao tao đi không mắc mớ tới ai. Ai cản đường, người đó có lỗi, sẽ lãnh đủ. Nó quấn dưới chân bị những cú đá ” vô tình ” của tao, ráng chịu nhé. Những cú đá thoạt đầu nhẹ, nghĩa là chưa vô tình cho lắm, nó chưa đau. Vậy mình hãy đi nhanh hơn, chân khua mạnh hơn. Hự! Sạ…ạc! Con mèo văng vào góc nhà. Thấm đòn chưa cưng! Không thèm nhìn tao cũng biết. Không thấy tiếng nó chạy theo. Tao đi lui lại xem thử ra sao. Thấy thế nó tưởng bở, nhìn tao dè dặt rồi lại meo meo. Rồi lại nhổm dậy quấn lấy chân tao. A! cái điệu này phải cho mày nếm mùi đau khổ. Vướng chân, tao lấy sức đá thật mạnh. Nó gào lên một tiếng.

“Tao sực nhớ nó lại đang có bầu. Chết cha! Tao hoảng hốt nhìn nó. Nó nằm im, thở dốc, lim dim cặp mắt ngạc nhiên nhìn lại. Ô, nó khóc, nó biết khóc. Nước mắt chảy xuống ướt vạt lông gần lỗ mũi. May quá, nó không chết. Tao ân hận quá. Tao vuốt đầu nó, hai tai nó cụp xuống cảm động, suy nghĩ mình phải làm gì đây gọi là để ‘đái công chuộc tội’. A, nhớ rồi. Tao liền xách xe chạy mua cho nó một hột vịt lộn, thứ nó thích nhất mà trước giờ chỉ được chia cái bao trứng. Tụi mày biết cái bao trứng không? Bên trong vỏ trứng gà, trứng vịt có cái bao dai dai đó mà. Mua về, tao ngâm cái trứng nóng hổi vào tô nước lạnh cho mau nguội, lột vỏ ra cho nó, đưa đến tận miệng nó. Nó nhìn tao, đi thụt lùi, không dám ăn. Ăn đi mà! Không ai bẫy mày đâu! Nó vẫn không ăn, ngồi yên, lim dim đôi mắt. Thì tao phải ăn vậy, và chia cho nó cái bao trứng như mọi khi. Nó mừng rỡ vồ lấy.

“Trời, tao nhớ nó quá! Tao ở đây lâu ngày, ở nhà có ai biết ý nó đâu, có ai biết mà cho nó ăn thứ nó thích, có ai săn sóc nó. Bốn năm tháng tao mới có một lá thư mà chẳng thấy ai nhắc tới nó. Chắc nó cũng nhớ tao chờ mãi không được bỏ nhà đi kiếm tao rồi! Hay nó đi lạc đường? Hay nó đã chết ?”

Một người tò mò hỏi:

“Vậy mày chỉ nhớ con mèo thôi sao?”

“Hỏi gì khỉ vậy! Ờ… mà cũng có thể. Hai đứa em gái cà chớn cứ bắt bẻ tao hoài. Tao làm gì nó cũng chê, cũng kê tủ đứng trước mặt. Tao ở tù khuất mắt chắc chúng hài lòng lắm. Nhớ tụi nó làm gì cho nhọc xác. Ô, mà cũng có nhớ chứ. Còn con bồ thì…Nhưng thôi…”

Một anh chàng xương xẩu, cao lỏng khỏng, vội vàng lên tiếng:

“Chuyện của mày xong chưa? Vậy thôi hả? Bây giờ tới phiên tao.”

“Chưa. Tao chưa kể hết. Tao còn đoạn chót. Như thế này. Một đêm cách đây không lâu, nó mò đến tìm tao. Tao muốn nói con mèo…”

Mọi người cùng ồ lên một tiếng. Một tên đứng dậy gân cổ cãi:

“Vô lý, vô lý. Nhà cậu cách nơi này ít nhất là … là hàng mấy trăm cây số. Đường sá rối rắm. Cậu ở Sài Gòn chứ gì. Ngã tư, ngã năm, ngã bảy, rồi quốc lộ, rồi vô rừng. Thế mà con mèo của cậu mò lên đây được! Nói cho có sách chứ.”

Người kể chuyện lắc đầu chán nản đưa hai tay khoác khoác:

“Cái gì mà nhao nhao vậy? Nghe cho hết đã nào! Làm tao cụt. Để thủng thẳng tao nói cho mà nghe, được không?

“Đêm đó có trăng, tao nằm nhắm mắt đã lâu dỗ giấc ngủ mãi không được. Dưới ánh trăng ngoài mép rừng qua khe cửa, mọi thứ trông trắng bềnh bệch, tai tái, như da người bệnh. Trăng cũng chiếu loang lổ vào nền nhà bằng đất qua các lỗ thủng trên mái lá. Tao cứ trở người qua trở người lại làm cho thằng Cự nằm kề càu nhàu chưởi thề ĐM, ĐM. Còn tất cả những thằng khác đều ngủ mê mệt. Mỗi thằng ngủ mỗi cách. Có thằng co quắp như cái xác chết, có thằng nói ú ớ trong cổ họng, có thằng cười rú như điên, có thằng bặm môi bặm miệng như muốn ăn tươi nuốt sống ai, có thằng khò khè ngột ngạt hơi thở không thoát ra khỏi cổ trông giống như con cá ngáp ngáp nằm trên thớt, hay con heo bị chọc tiết máu đã ra gần hết sùi bọt. Nhưng lạ thật, tao không hề nghe tiếng ngáy pho pho. Bọn tù ốm đói chúng mình hình như quên tiếng ngáy rồi.

“Chán chê những cảnh tượng ấy quá, tao mở mắt nhìn thẳng lên trần nhà. Lại gặp những cái bị đựng gia tài của chúng mình. Những cái bị rách nát hơn bị ăn mày treo lòng thòng từ trần nhà tránh chuột phá. Ngu quá. Thật ra chuột biết trèo dây, vẫn tới tấn công như thường.

“Ban ngày những cái bị ấy thấy cũng vậy vậy, nghĩa là chỉ thiếu chút mỹ thuật mà thôi. Thế nhưng ban đêm loang loáng dưới ánh trăng chúng hiện hình thành những con vật quái đản. Chúng nó là những con vật sống, đứa co ro, đứa phưỡn ngực, đứa khúm núm, đứa kề vai thích cánh vào nhau, hoặc châu mỏ thì thầm bàn tán, hoặc có lúc khoái chí gục gặc cái đầu to tướng, hoặc nổi hung nghiến răng trèo trẹo, đu đưa thân hình dị dạng, hoặc ngổng cái cổ cò dài ngoằng ngong ngóng những cơn gió đi ngang về tắt từ ngoài rừng lẻn vào cùng nhau thì thầm bàn tán âm mưu.

“Nhìn những cái bị quái đản đó mãi lại cũng chán, tao quay người nằm nghiêng xây lưng về phiá thằng Cự định bụng lần này nhất định ngủ. Bỗng tao thấy hai chấm sáng phản chiếu ánh trăng. Tao giật mình, nín thở, chú mục nhìn. Khi đã quen mắt, tao biết đó là hai con mắt mèo. Lạ thật ở đây hơn một năm, có bao giờ tụi mình thấy mèo chó nào đâu. Chó dĩ nhiên không dám bén mảng tới. Con nào vô phúc lạc bước tới thì đã bị hoá kiếp nằm yên trong bụng tụi mình rồi. Phải không tụi mày?

“Nhưng còn mèo? Mèo trốn tránh giỏi, và chỉ đi mò mẫm trong đêm tại những cái lán tù ở này. Nó tìm gì? A, chắc là tìm chuột. Con mèo nào đây? Dường như nó biết tao vừa biết nó có mặt ở đây, nó quay người lặng lẽ như chiếc bóng chuồn mất vào trong đêm.

“Từ đó những đêm không ngủ được, tao mở mắt nhìn quanh, con mèo ở đâu? Đôi khi tao thấy được hai chấm sáng hướng về tao. Tao hồi hộp quá đỗi, muốn kêu to lên meo meo nhưng sợ tụi mày ngủ không được chửi bới om sòm. Biết đâu lại có thằng mang chuyện này đi báo cáo … Không bao giờ báo cáo hả, không ăng – ten hả? Càng tốt.

“Chắc là con mèo cưng của tao mò lên đây tìm tao. Tao ước mong như vậy. Ước mong là quyền của tao, tụi mày đừng la ó.

“Một buổi trưa Chủ Nhật, một mình tao cầm một cây gỗ to bằng cổ tay dài khoảng nửa thước chuốt nhọn một đầu, đi đào hà thủ ô ở gần một trảng tranh rậm rạp. Không có cuốc, tụi mình cấm có cuốc mà, nhưng nghe nói hà thủ ô kỵ sắt, dùng cây gỗ đào là hết sẩy. Khoét cái lỗ sâu hoắm đứng ngập tới háng lần theo rể cái mãi vẫn chưa thấy củ. Tao mừng quá, rể càng sâu, củ càng to. Cái củ này phải to bằng trái chuối sứ không chừng. Ôi, thủ ô ngàn năm ăn vào tăng cường nội lực ngàn lần! Sách võ thuật của Tàu từng ghi chép như vậy. Biết đâu, biết đâu. Hai tay mỏi nhừ, lưng muốn gãy làm đôi, tao bước lên khỏi lỗ, ngồi bệt xuống đất nghỉ mệt một lát rồi đào tiếp. Bỗng tao thấy nó, con mèo…”

“Ồ, ồ…ồ…”

“Tụi mày kỵ mèo chắc? Nghe nói con mèo là ồ ồ. Thì cứ để tao nói tiếp cái đã nào! Lẽ dĩ nhiên không phải con mèo tao nuôi ở nhà, mà là một con mèo mun lông đen tuyền, mắt vàng khè, gầy như que củi, chắc vì thiếu ăn như bọn mình. Mèo hoang? Nó ngồi sau một bụi cây nhỏ nhìn tao trừng trừng. Tao nhìn lại nó. Gặp con mắt tao, nó lim dim vờ vĩnh, giống y chang con mèo cưng của tao. Bỗng tao thấy nhớ con mèo của tao đến thắt ruột rồi đâm ra thương con mèo này quá. Tao meo meo với nó. Nó từ từ đứng dậy, vươn vai, chổng cái đuôi dựng đứng, đi lui đi tới, cọ đầu vào một bụi cây nhõng nhẽo. À ra con mèo cái, cô này muốn làm quen với mình. Hẳn đây là con mèo đêm khuya thỉnh thoảng tìm đến thăm mình. Tao vốn hạp với mèo. Tao vừa cười vừa meo meo rồi đưa tay vẫy nó lại. Nó dè dặt, đề phòng, tiến tới từng bước một, làm bộ đưa bàn tay sè vuốt khều cục đất, hất cục sỏi, từ từ bước, cái đuôi dài vẫy qua, vẫy lại, thong thả.

“Khi nó đến vừa tầm tay của tao, tao chợt nghĩ ra. Ô! Nguy quá! Chết mẹ mày rồi! Tao vồ lấy cây gỗ vụt vào lưng nó. Trúng! Nó hoảng hồn phóng nhanh. Tao vùng đứng dậy, rượt theo, không kịp mang dép râu vào. Tao biết rằng chạy chân không nơi rừng rú như thế này nguy hiểm lắm, đá nhọn, gai gốc, mảnh đạn còn sót, nhưng tao cố gắng chạy thật mau, mau hết sức. Nó chạy mau hơn tao, tao cũng cứ cắn răng đuổi theo, vừa đuổi vừa quát tháo vừa vung cây gỗ lên túi bụi. Cuối cùng tao vấp phải gốc cây té lăn cù. Con mèo biến mất dạng.”

Cả bọn đang ngồi chăm chú nghe, la lên:

“Mày bết quá! Hoài của quá! Thế là đi đoong bữa tiệc thịt mèo!”

Một tên phản đối:

“Ăn con mèo nghèo ba năm. Đừng có ham!”

Một tên khác bẻ lại ngay:

“Khỏi lo. Bọn mình chín, mười, thằng, ăn một con mèo thì mỗi đứa chỉ nghèo … cỡ bốn tháng thôi. Uổng quá! Phí của trời!”

Tên vừa kể chuyện tỏ vẻ bực dọc:

“Phần nào thôi, mấy cha nội! Chỉ vì tụi mày mà tao muốn thương con mèo cũng không xong. Tao đâu quên được những lần đi cắt tranh ngoài trảng, mỗi khi nghe những tiếng gào “Thỏ! Thỏ! Thỏ!”, thế là cả bọn vứt hết liềm hái xuống đất vùng chạy đuổi theo con thỏ rừng bất kể vướng vào cây, vấp vào đá. Thỏ rừng chân dài, lông nâu xám, chạy nhanh như gió chứ đâu phải rù rờ như thỏ nhà, dễ gì bắt được nó. Họa hoằn con nào chạy hoảng xui đụng vào gốc cây nằm quay đơ, thì cả bọn mới vồ được nó. Thằng nắm tai, thằng lôi chân, thằng rờ đuôi, gọi là xí phần, mặt mày hí hửng như bắt được vàng, đem về cho vào nồi hầm thật rục, chia nhau đớp mỗi đứa được một miếng nhỏ xíu không đủ xức răng. Ăn xong thòm thèm nhìn lại nhau. Đứa thì sứt đầu u trán, đứa thì té lọi giò, đứa thì tróc ngón chân cái. Thịt thỏ còn mê đến thế huống là thịt mèo. Cho nên tao làm bộ hung dữ đuổi nó đi biệt tích. Cho nó biết thân. Cho nó tản thần hồn. Cho nó không bao giờ dám bén mảng tới gần tao, gần tụi mày.

“Từ đó tao không dám nhớ con mèo của tao nữa. Lỡ tao nhớ nó, nó mò tới, chúng mày thịt.”

Anh chàng gầy đét cao lỏng khỏng tiếp lời:

“Mày đúng là thằng vớ vẩn, vô tích sự. Tao cứ tưởng… Nhưng thôi, tới phiên tao kể chuyện được chưa?

“Tao không nhớ mèo như mày. Tao nhớ thứ khác. Nhớ da diết. Khi nào được về, dành dụm một ít tiền, một buổi sáng để bụng thật đói, tới một tiệm phở nổi tiếng trong thành phố, kêu một tô ‘hàng không mẫu hạm,’ không, một tô ‘xe lửa’, xe lửa dài hơn, bự hơn hàng không mẫu hạm nhiều, gạ gẫm thêm chút mỡ gầu rẻo, hay tủy xương ống, thêm nước lèo, thêm hành chần nước béo, nhưng xin đừng bớt bánh … Còn rau, giá, chanh, tương, ớt, thì tha hồ gắp …”

Có tiếng phản đối:

“Ê, ê trật chìa rồi ông bạn ơi. Lần này không được nói chuyện ăn nhậu! Đã giao hẹn, phải theo đúng. Nói chuyện khác đi, tiá.”

“Ừ nhỉ. Quên mất. Nhưng các ông làm tôi cụt hứng. Biết nói gì đây. Thôi, chú em này, nói thay cho anh đi!”

Chú em này còn trẻ lắm so với nhiều chú, nhiều bác đã ở tù cải tạo năm, bảy năm rồi. Chắc chú bị dính vào một tổ chức phản động, vừa bị điều về nơi này.

“Xin mấy bác, mấy chú tha cho. Cháu chưa chuẩn bị, và nói dở lắm. Mủ mít.”

“Không cần hay, dở. Có chuyện để nói là OK thôi.”

“Dạ, dạ. Cháu xin hưá lần sau cháu kể chuyện tếu. Chuyện tiếu lâm.”

“Chớ, chớ. Kể chuyện tiếu lâm phạm nội quy.”

“Dạ, thì, thì cháu sẽ …”

Anh chàng gầy đét thèm phở cướp lời:

“Sẽ cái gì mà sẽ! Thôi được, cứ chuẩn bị câu chuyện đi, chú em. Bây giờ ông bạn mặt mày muôn năm rầu rĩ hãy tạm thay tôi nhe, nhe!”

“Hả? Tôi hả? Tôi…tôi thì tôi nhớ vợ tôi …”

Một tên thúc giục:

“Ô, quá hấp dẫn. Nhớ những cái giống gì nào?”

“Đừng nghĩ bậy. Tôi … tôi chỉ có vậy thôi!”

“Cụt ngủn như thế không được! Bộ muốn ăn gian hả?”

“Cho tôi khất vậy. Hôm nay rầu quá, kể chuyện gì nổi.”

Anh chàng lớn tuổi nhất và ồn ào nhất lên tiếng:

“Được, tao cho mày khất vào kỳ sau. Tao áp chót. Sau tao là, …, là chú em nhé. Lo chuẩn bị đi là vừa. Nhớ không được kể chuyện tiếu lâm.

“Tao thì…cái cảnh này ám ảnh tao mãi. Ghê quá tụi mày ơi. Hồi đó tao làm việc ở phi trường quân sự Nha Trang phụ trách tiếp tế xăng cho máy bay nhà binh. Tao nói linh tinh chuyện cũ là vi phạm nội quy quy định, tụi mày đừng có ngứa miệng làm ăng-ten báo cáo nghe!

“Chiều nào tao cũng muốn về sớm một chút để kịp ra Ninh Hòa thăm bồ. Thường buổi chiều ít có máy bay về lấy thêm xăng bay tiếp. Muốn bay tiếp phải về sớm, khoảng hai ba giờ chiều là đã trễ. Những chiếc về trễ hơn đôi khi cũng lấy xăng rồi đậu qua đêm, sáng ngày mai bay. Đậu qua đêm tụi Mỹ gọi là RON. RON là cái con khỉ gì hả, là remain overnight. Tao có tiếp tế xăng cho hãng máy bay Air America gần nửa năm nên tao biết mấy chữ đó. Đối với những chiếc máy bay trễ, đôi khi tao có thể sắp đặt để hôm sau châm xăng thật sớm cũng được. Khỏi chờ. Chờ máy bay về trễ sốt ruột lắm.

“Hôm đó vào lúc ấy lẽ ra tao phải tắm rửa xong, lái xe Jeep phóng nhanh về hướng đèo Rù Rì. Vượt đèo, qua khỏi eo biển Lương Sơn, dông thêm mấy đoạn đường nữa là tới. Tổng cộng mất chưa đầy một tiếng là cùng. Thế mà có lệnh phải chờ. Đứng lì tại phi trường ngóng ngóng mới khổ chớ. Nhìn đồng hồ mãi đâm sốt ruột, tao ngó mông qua bên kia sân bay, qua mấy dãy nhà ngói lụp xụp, qua đám nhà tranh tồi tàn, rồi phóng cái nhìn xa hơn, xa mãi, đến tận dãy núi ở chân trời. Đó là vùng Đồng Bò. Khói từng ụ bốc lên lờ vờ nơi chân trời. Thế là có đánh lớn nơi đó. Không nghe tiếng bom đạn. Xa quá hoặc bị ngược gió?

“Mãi vẫn chưa thấy chiếc máy bay nào về. Buồn miệng muốn châm một điếu thuốc, sực nhớ thuốc lá, hộp quẹt, đã để lại ngoài cổng gác. Có một lần tao suýt bị đổi đi đơn vị chiến đấu vì cái tội hút thuốc lá trong kho xăng.

“Bỗng, kìa, một chấm đen xuất hiện trên không. Có thế chứ. Chiếc máy bay đang lao tới. Châm xăng cho chiếc máy bay này xong là mình nhất định về. Ô, sao nó không chịu giảm độ cao để đáp xuống? Bánh xe chưa chịu nhú ra? Kẹt bánh xe phải đáp bằng bụng nguy hiểm lắm. Tao chăm chú nhìn theo. Và hoảng hồn. Một cái dù vướng vào đuôi máy bay. Dù và người xoắn tít như chong chóng. Chiếc máy bay tiếp tục bay qua khỏi phi trường, mất dạng sau dãy núi chắn ngang ven bờ biển. Chỉ mươi phút sau chấm đen lại xuất hiện trên không, rõ dần. Chiếc máy bay đã quay lại, sau đuôi vẫn là cái dù và thân người xoắn tít. Viên phi công tính toán gì đây? Cầu cứu ? Nhưng còn có cách nào để tiếp cứu trong hoàn cảnh này? Máy bay tiếp tục bay rồi lại quay vòng bay lui.

“Làm nghề tiếp liệu xăng cho máy bay lâu ngày, tao biết những chiếc máy bay nào đã dự trù đáp ở một địa điểm nhất định nào đó sẽ không có nhiều xăng dự trữ để bay lui bay tới nhiều lần. Cứ bay mãi hết xăng là tiêu tùng!

“Lẽ dĩ nhiên nếu phi công cho máy bay đáp xuống phi đạo, anh chàng nhảy vướng dù đó sẽ bị nện xuống nền xi măng cốt sắt nát thây. Bị xoay tít như thế hắn bị tắt thở rồi cũng nên. Nhưng lỡ hắn còn sống? Tao cảm thấy cái khó xử của anh phi công. Không biết xoay xở làm sao đây. Nếu các ông ở địa vị viên phi công, các ông tính sao? Hoặc ở địa vị tôi, các ông có rán đứng lại chờ xem cái phần kết thúc?”

Đám người ngồi nghe xì xầm bàn tán. Người thì bảo phi công phải đáp máy bay xuống ngay, hết xăng chết cả lũ, kẻ bảo còn nước còn tát, bay thêm vài vòng nữa xem sao, biết đâu trực thăng có cách cứu. Còn cái vụ đứng lại chờ xem phần kết thúc…Bỗng một tên nóng nảy đứng dậy la lớn:

“Ông anh ơi, cuối cùng thế nào, kể phứt đi. Tui sốt ruột lắm.”

“Cuối cùng một cảnh tượng ghê rợn xảy ra, nó ám ảnh tôi mãi. Các ông có thể nghĩ ra cái cảnh đó được mà. Đừng bắt tôi nhắc lại chuyện kinh hoàng đó! Tôi nhất định không nói hết ra đâu.”

*

Nửa buổi sáng đã trôi qua. Bầu trời nhiều mây trắng. Rồi mây đen kéo tới. Mưa. Mưa to. Những người đi quanh quẩn ngoài sân một số chạy vào hội trường, số còn lại trở về lán. Mưa càng nặng hạt. Nhóm chúng tôi ngồi phải chỗ bị dột, kéo nhau qua góc khác. Mấy tên nấu nướng củi lửa tắt ngấm, mặt nhăn như khỉ.

Chỉ có bọn chơi cờ tướng là bình chân như vại. Chúng nó có kinh nghiệm xí chỗ tốt tránh được mưa rò hoặc tạt vào.

Không đầy năm phút sau, mưa tối trời tối đất, gió nổi lên ào ào, cây cối ngả nghiêng, lá rừng bay tán loạn. Cái cổng tre nóc lợp tranh cùng hai cây bút bút cổ thụ ở hai bên cổng, và tất cả những hàng rào chông vót nhọn bao quanh trại tù, nghĩa là những gì rất gần chúng tôi, đều dần dần lẫn trong mưa mù. Không còn thấy gì nữa, chúng tôi tưởng như đang sống trên một ốc đảo xa hẳn xã hội loài người.

Những ngọn đồi kế tiếp, cánh rừng, trảng tranh, truông cỏ, cũng đã biến mất khỏi tầm nhìn của chúng tôi từ bao giờ trong cơn thịnh nộ của trời đất. Tôi có cái cảm tưởng rằng sau cơn mưa dữ dội này vật sẽ đổi, sao sẽ dời, mọi chuyện sẽ khác hẳn. Và nhân đó tôi sẽ có cách thoát ly ra khỏi nơi đây. Rồi sẽ đi đâu? Còn nơi nào để đi? Về Sài Gòn, về Gò Đen, Mỹ Tho? Hay về miền Tây? Hay lại ra ngoài Trung xa xôi, nghèo đói?

Dù sao tôi cũng đã thoát khỏi cục nợ ngay trước mắt. Không lẽ người kể chuyện phải gân cổ hét thật to cho át tiếng mưa, tiếng gió? Sức nghỉn đâu nữa mà la hét. Nhưng trước sau gì cũng đến phiên tôi kể chuyện. Tôi lại là thằng mủ mít. Hơn nữa, tôi chẳng biết kể chuyện gì ngoài mấy chuyện tiếu lâm tào lao, nhạt nhẽo, đã kể đi kể lại nhiều lần cho mấy chú, mấy bác, nằm ngủ cạnh.

Tôi cố đào bới trong trí óc, cố nhớ trong đời mình có xẩy ra chuyện gì có thể lôi cuốn được người nghe. Chả có chuyện gì hay ho cả. Đời của tôi không vui. Hay là cứ đem đại cái chuyện này ra kể. Chuyện “nó.” Mà “nó” có là một câu chuyện đáng kể ra hay không? Đã nhiều lần tôi muốn sắp đặt “nó” cho gọn gàng, mạch lạc, có đầu có đuôi, có lý có sự. Nhưng tôi biết là tôi sẽ chẳng thể nào làm được cái việc ấy.

Tôi đã gặp “nó” mấy lần. Lại cũng có thể gặp “nó” dài dài sau này. Thật ra chuyện này khá mơ hồ. Nhưng nó cứ cù nhầy, dai dẳng, bám lấy tôi mãi. Đó không phải là những mẩu chuyện bay vèo qua trí nhớ tôi rồi bay đi mất như một câu nói của một người nào đó trong cơn mê sảng tôi tình cờ nghe; như một tiếng cười trong đêm vắng khi không lọt vào tai tôi lúc tôi rảo bước trên đường khuya; như cái dáng dấp thơ ngây của một thằng bé con chạy quanh một mình trong sân trường, hai bàn chân lia lịa như hai bánh xe, một trưa chủ nhật tôi đi ngang qua đó thấy. Những chuyện không đâu vào đâu ấy thỉnh thoảng đến với tôi rồi đi nhanh có khi không để lại một vết tích gì. Còn cái chuyện này khác lắm, vẫn nằm phục kích trong ký ức của tôi chờ có dịp là lộ diện.

Một lần, hồi đó, đánh liều vào tiệm nhảy mong may ra gặp Phượng, người yêu. Người yêu đã vội vàng bỏ tôi mà đi một buổi sáng sớm có chiếc xe gắn máy chờ sẵn trước nhà. Thật ra có phải đó là người yêu của tôi hay không? Sao lại không phải, dù yêu một chiều. Biết đâu Phượng cũng có… cũng có … Mà yêu một chiều cũng là yêu, tôi ngẫm nghĩ. Tìm Phượng tại nhiều nơi Phượng và tôi thường lui tới, không gặp. Nay vào vũ trường tìm. Dáo dác nhìn quanh tìm tòi dù biết rằng chẳng khác gì tìm dấu chim bay. Đành móc túi xem còn đủ tiền hay không. Rồi gọi một vũ nữ.

Hôm đó đông quá, đêm giao thừa tây thì phải, tôi gặp “nó”. Trông cái dáng hao hao giống mình trong bóng tối của một bản “slow“. Không như nhiều người khác trong đêm giao thừa thắng bộ đồ vét, “nó” cũng mặc sơ-mi hở cổ như tôi. Tôi vô tình nhìn nó cười, nó cười lại. Tôi đánh bạo đưa bàn tay phải đập đập nhẹ lên cái vai trần của cô gái, nó cũng làm như thế. Ngộ quá! Đúng là thứ chịu chơi! Và vui tính!

Thường tôi hay bị bắt nạt hoặc khinh nhờn. Anh chàng này lại hưởng ứng theo tôi. Được thể, tôi thử làm thêm một cử chỉ nữa xem sao. Tôi đưa nghiêng nghiêng cái cằm cho chạm lướt lên mái tóc bồng bềnh của cô gái nhảy. Trong bản “slow”, nhiều người, thất tình chăng, đang gục đầu lên vai vũ nữ, hai tay thì ôm choàng lấy cái eo ếch. Tôi kín đáo quan sát nó. Hình như, hình như thôi, nó không gục đầu như những kẻ khác, trái lại làm theo tôi, đưa nghiêng cái cằm …

A! Phải làm quen với anh chàng này. Tôi dìu cô gái nhảy tiến đến gần nó. Sàn nhảy chật quá. Cứ đến điệu “slow” mọi người đổ xô ra đầy sàn. Không phải để nhảy mà để ôm nhau cứng như keo sơn. Trừ tôi ra. Chật như nêm. Đám người nhích lui nhích tới từng bước ngắn lùa tôi và cô gái trong tay đi hướng khác với chàng ta, “nó”. Và lạc mất. Trở về bàn đảo mắt nhìn không thấy nó đâu cả. Ngồi chờ sàn nhảy vắng, nhìn quanh các bàn, lại cũng không thấy “nó”. Lo gì, cái anh chàng chịu chơi này thế nào cũng mò tới tiệm nhảy thường xuyên. Sẽ gặp nhau sau cũng không muộn.

Đêm đó về nhà khi đã bớt hơi rượu, tôi bần thần suy nghĩ. Ngày mai lúc hãy còn ban ngày, mình tìm cách nói quanh với nơi làm việc để kiếm chút thì giờ chạy tới tiệm nhảy xem sao. Tôi vẫn ngờ ngợ. “Nó” lạ quá. Nó khác tất cả những người mà tôi đã gặp, nghĩa là nó gần gũi với mình lắm chứ không như những tên khác mình thường gặp xưa nay. Chắc chắn khi gặp lại nhau, nó và tôi sẽ trở thành bạn thân ngay, sẽ là một cặp ăn ý như đã biết nhau từ kiếp nào. Nhưng tôi vẫn ngờ ngợ. Đêm đó mình đâu có uống nhiều rượu, tiền đâu mà kêu hết ly này đến ly khác như các công tử bột. Và thật ra tôi có phải là dân rượu chè đâu, nói chi đến chuyện say túy lúy, nhìn gà hoá cuốc.

Nhưng sao trên đời này lại có một thằng “nó” như nó vậy. Tôi phải đến tiệm nhảy đó vào lúc ban ngày. Tất nhiên không phải tìm “nó” tại tiệm nhảy lúc ban ngày khi tiệm chưa mở cửa. Tôi muốn tìm cái khác, cái chuyện làm tôi ngờ ngợ mãi. Ban đêm, dưới ánh đèn mờ, dễ lẫn lộn. Tôi nhắc đi nhắc lại cái ý định tìm cho ra manh mối.

Phải chăng ngay trên tường của vũ trường có một tấm gương lớn? Mình nhìn mình mà cứ tưởng nhìn ai. Chẳng khác gì con thú dữ tình cờ thấy chính nó trong gương, hoảng hốt bỏ chạy, hoặc nổi điên thì chồm tới nhe răng cấu xé.

Bởi cái tính lần khân hẹn rày hẹn mai, tôi chưa thực hiện ý định nói trên thì đùng một cái, tôi biết là tôi không thể làm được điều ấy, nghĩa là trở lại tiệm khiêu vũ xem thực hư ra sao. Bởi vì chẳng bao lâu sau đó, trong một lần ẩu đả, tôi bị đem đi nhốt, rồi bị kết tội là thành phần đáng nghi, là phản động. Lại không có giấy tờ hợp pháp được phép cư trú tại Sài Gòn. Thế là vào tù. Tôi có phản động hay không, chính tôi cũng không hiểu rõ.

Bây giờ trong tù, nghĩ đến chuyện đó tôi vẫn thấy bần thần không biết múi mớ nơi nào. Không lẽ có một tấm gương lớn dựng ngay trên tường nơi hông sàn nhảy để mình thấy mình mà cứ tưởng là thấy “nó”. Mình trong gương chắc? Thật không thể nào biết được! Nhưng từ cái đêm tôi thấy “nó” trong tiệm nhảy trở về sau, “nó” trở nên có thanh thế lớn đối với đời tôi, xui cho tôi dễ dàng thấy những thằng “nó” khác, không phải trong tiệm nhảy, mà ngay cả ở ngoài đường. Ngoài trời thì làm gì có tấm gương lớn dựng sẵn để tôi hù doạ tôi. Như vậy, có lẽ tôi đã gặp “nó” hôm đó. Rồi, thật là lạ lùng, tôi lại gặp “nó” những lần sau đó nữa.

Như thường lệ, mỗi cuối tuần tôi xuống Mỹ Tho dạy nhạc vài ngày tại một ngôi trường nhỏ. Thiếu thầy lắm, đặc biệt là thầy dạy nhạc nên tôi mới được cho dạy. Thật ra tôi biết đánh trống lai rai, biết qua loa nhạc lý, và thuộc nhiều bài hát, hầu hết là những bài hát “nguỵ”. Trường cũng rất cần thầy dạy vẽ, tiếc thay tôi không biết vẽ.

Lần đó trở về Sài Gòn. Chiếc xe đò chạy tới Tân An thì hỏng máy. Hành khách lục tục xuống xe tìm bóng mát đứng chờ xe sửa. Vài người có việc gấp thuê xe nhỏ hay xe ôm đi nốt đoạn đường còn lại. Dường như tôi không bận bịu vì chuyện gì cả nhưng cứ bươn bươn đi hỏi các xe đò khác xem có còn chỗ trống nào cho tôi về Saì Gòn ngay hay không. Ô, chắc là phải có chuyện chi gấp chứ, nhưng tôi quên khuấy đi mất.

Đang lúc tôi đang hớt hơ hớt hải dòm ngó hết xe đò này đến xe đò khác, thì “nó” đột ngột xuất hiện. Tôi kinh ngạc nhưng tôi nhận ra nó ngay.

Nó ngồi sau tay lái của một chiếc xe hơi láng coóng màu trắng đậu quay đầu về phía Mỹ Tho, tức là ngược hướng Sài Gòn, bên cạnh một dọc hàng bán thơm, bán dứa, khóm miếng Bến Lức, và vài loại trái cây khác như cam, quýt, bưởi, xoài, mãng cầu, sầu riêng, v.v… Tay trái nó cầm điếu thuốc lá đang cháy dở buông thỏng ra ngoài cửa xe, chốc chốc lấy ngón tay trỏ đập nhẹ vào điếu thuốc cho tro tàn rơi xuống đất, tay phải để hờ trên cái vô-lăng, mắt lơ đãng nhìn người qua lại.

Trông nó rất “điệu nghệ”. Nhất là nét mặt êm ái, thanh thản, vô tư. Ngồi bên cạnh nó, một cô gái đang quay đầu ra phía lề đường nói năng gì đó, có lẽ đang mặc cả mua trái cây. Không thấy rõ mặt người con gái đó, nhưng tôi biết chắc rằng cô này đẹp. Cái dáng dấp đó bắt buộc phải đi đôi với khuôn mặt giống như khuôn mặt của Phượng. Chiếc áo xoa bông bông mỏng dính, hở cổ; đôi vai trần thon, tròn; mớ tóc cột hờ theo kiểu đuôi ngựa đu đưa theo cái đầu ngún nguẩy một cách ngây thơ duyên dáng; mấy sợi tóc mai tơ như râu bắp non chảy dài xuống một bên má phớt phấn hồng.

Cô này đã hẳn không phải là Phượng của mình, nhưng nó đúng là thằng “nó”. Tôi có cùng một cảm giác như khi gặp thằng “nó” kia trong tiệm nhảy đêm hôm ấy. Thân thiết, bồi hồi, và một chút xót xa. Tại sao vậy, tôi chẳng biết. Như có thần giao cách cảm, bỗng dưng nó quay nhìn tôi. Tôi thoạt tiên ngoảnh nhìn nơi khác ngay, tôi vốn có tánh e ngại, sợ “nó” biết mình nhìn trộm. Nhưng rồi tôi hối hả nhìn lại nó. Chúng tôi nhìn nhau trong một khoảnh khắc rất ngắn mà đã tìm thấy trên mắt của nhau điều đó: “Nó”. Vâng, nó và tôi là “nó” của nhau. Trong hai cặp mắt của chúng tôi đã có sự thỏa thuận ngầm như thế.

Có tiếng còi xe hơi giục sau lưng. Nó quay nhìn cô gái xinh đẹp xem đã mua xong mớ trái cây hay chưa, dùng ngón tay giữa búng tàn thuốc lá văng xa, rồi rút tay vào, đề xe nổ, rồi nhìn thoáng lại tôi một lần chót, cười vu vơ. Chỉ cười thôi. Tôi biết nụ cười đặc biệt đó nó để dành cho riêng tôi. Chiếc xe lăn bánh từ từ chạy, như thể không muốn chạy mau, nhưng cuối cùng cũng mất hút ở cuối đường, để lại tôi đứng một mình khá lâu nơi đó cùng với cái ý nghĩ nửa vui nửa buồn rằng thế ra trên đời này tôi có thêm một thằng “nó” nữa. Nhưng nó lại vừa bỏ tôi mà đi. Tôi tự nhủ trong cuộc đời còn lại của mình, có bao giờ mình gặp lại thằng “nó” này nữa hay không. Và tôi cảm thấy bơ vơ thêm một chút.

*

Nếu mưa tạnh mà ngày chưa hết, có thể chúng tôi còn muốn tụm nhau lại kể tiếp chuyện cho nhau nghe, hoặc cũng có thể chúng tôi mất hứng đổi ý đi quanh quẩn nhiều lần trên cái sân bây giờ đã đầy bùn nước ngập ngụa — tên nào “vô ý” láng cháng bước qua các vũng nước ra khỏi cái cổng tre hoặc lớp hàng rào bao quanh sẽ bị bắn bỏ liền tay — cốt làm sao cho qua hết ngày chủ nhật quá dài. Hoặc đi lấy quần xà lỏn, áo cụt cánh ba lỗ may bằng vải bao cát đem ra vá chùm vá đụp cho đỡ lòi “da thịt”. Chỉ một chốc ngắn thôi là xong việc may vá, thì cũng có thể tới phiên tôi phải kể chuyện.

Cùng quá, nếu bí đề tài, tôi đem câu chuyện “nó” ra kể. Cố nhiên tôi sẽ thêm bớt một số chi tiết cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn và nghe sao cho có lý. Dù vậy chăng nữa, tôi đoán biết, nghe tôi kể xong, mấy chú, mấy bác kia sẽ nhao nhao chọc quê tôi. Xạo, vớ vẩn, bịa đặt, giả tạo, vô duyên, vô lý, lập dị, vân vân …

Thằng “nó” trong tiệm nhảy là thằng “nó” trong gương, tức là chú em, chứ ai vào đấy. Có gì lạ đâu mà cứ “lải nhải cái luận điệu đó hoài”. Còn cái thằng trên xe hơi có con bồ đẹp chẳng qua là giấc mơ của chú em. Ai cũng có quyền mơ ước khi lâm vào cảnh khốn cùng.

Nhưng nếu lúc ấy tôi nói tôi cũng sống tạm tạm qua ngày, có gì là khốn cùng đâu, thì họ lại “cả vú lấp miệng em” bảo rằng có thể chú em mong được sống một cuộc đời khác, có vợ đẹp, ngoan, xe hơi, nhà lầu, như thằng ngồi trên xe. Một chú khác sẽ lên tiếng ra vẻ bênh vực tôi, bảo rẳng, “Thấy sang bắt quàng làm họ” là chuyện thường tình trong thiên hạ, nên được thông cảm.

Tôi sẽ cãi lại không phải thế. Các chú, các bác biết không, sau này tôi còn gặp mấy thằng “nó” khác nữa, mà là những thằng nó khốn khổ hơn tôi nhiều. Cho nên làm gì có chuyện mơ ước, mong mỏi trong đó! Không lẽ tôi mơ làm anh chàng bị xoắn tít trong chiếc dù sau đuôi máy bay.

Mấy chú, mấy bác nghe ngang đó sẽ ngẩn người không hiểu tôi muốn nói cái gì. Tôi sẽ nói chẳng hạn khi nghe bác này đây kể chuyện xẩy ra ở phi trường Nha Trang hồi đó, tôi cũng cảm thấy rằng anh phi công ấy chính là thằng “nó”, mà cái anh chàng xấu số vướng dù cũng là “nó” luôn.

Một chú sẽ bảo rằng tôi mát dây trầm trọng, hoặc nếu không thì cũng giở trò bịp bợm nói càn dở cho xong câu chuyện nhảm nhí. Một chú khác sẽ nhắc chuyện con mèo bị đánh ẹo xương sống mới đích thị là thằng “nó”, tức là thằng “tôi” đây.

Tôi sẽ không thèm cãi cù cưa với bọn họ làm gì, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng một ngày nào đó không xa, họ cũng sẽ thấy những thằng “nó” như tôi đã thấy.