Họa Mi trình diễn trong chương trình " 30 năm sân khấu màu hồng" của nữ ca sĩ Thanh Thanh, Paris, Pháp, ngày 07/04/2024. © Nicolas Pham
Trong 50 năm qua, ngoại trừ một khoảng thời gian bị ngắt quảng do hoàn cảnh gia đình, tiếng hát của Hoa Mi vẫn vang lên thánh thót tại Việt Nam, tại Pháp và tại nhiều tiếng Pháp. Trở về hát ở Việt Nam từ năm 2015, nữ ca sĩ đã quay lại Paris cuối tháng 3 năm nay để tham gia trình diễn trong một số chương trình. Nhân dịp này, mời quý vị cùng với chúng tôi gặp gỡ Họa Mi tại phòng thu của đài RFI.
Họa Mi: Họa Mi xin chào Thanh Phương và khán thính giả RFI.
RFI: Thưa chị Họa Mi, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau gợi nhắc lại những kỷ niệm đã đánh dấu cuộc đời của chị tại Paris. Nhưng trước hết, đã 50 năm đứng trên sân khấu, bây giờ khi hồi tưởng lại những ngày đầu bước vào nghề, chị có những kỷ niệm gì, những cảm xúc gì?
Họa Mi: Hôm trước Họa Mi có được trình diễn trong một show của ca sĩ Thanh Thanh đánh dấu 30 năm ca hát, lúc đó Họa Mi nhớ lại mình đã có được 50 năm trong nghề! Họa Mi bắt đầu hát chuyên nghiệp vào năm 1974 tại Sài Gòn. Họa Mi được may mắn thi vào Trường Quốc gia Âm nhạc năm 1972, là một trong 8 người đầu tiên luyện về thanh nhạc và học ký xướng âm tại trường này.
RFI: Trước đó không có ai dạy thanh nhạc ở Sài Gòn?
Họa Mi: Không. Trước đó Trường Quốc gia Âm nhạc chỉ dạy đàn thôi. Lần đầu tiên có một môn mới là môn dạy hát và luyện giọng về thanh nhạc và Họa Mi được là người đầu tiên đậu vào khóa đầu tiên của trường.
RFI: Vậy những người thầy nào đã dạy thanh nhạc cho chị vào thời gian đó?
Họa Mi: Thời gian đó thì Họa Mi học thầy Đoàn Chính, con của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, một nhạc sĩ nhạc tiền chiến rất nổi tiếng.
RFI: Thời đó thì đa số các ca sĩ là xuất thân từ các lò nhạc như lò Nguyễn Đức, trong khi chị được học thanh nhạc hẳn hoi. Nhưng chúng tôi được biết là trước đó, Họa Mi cũng đã đi hát rồi. Thế thì trước đó chị hát trong những chương trình gì?
Họa Mi: Họa Mi đã mê hát từ lúc còn nhỏ. năm 15 tuổi, Họa Mi có tham gia một ban hợp xướng. Hồi xưa ở Viện Pasteur có một ông bác sĩ là Bùi Duy Tâm sáng lập ra một ca đoàn gọi là ca đoàn Gió Khơi, tập hợp những người amateur thích nhạc và có một số ca sĩ có tiếng, lâu lâu đến tham gia hát những bài hợp xướng. Ca đoàn mời những nhạc sĩ nổi tiếng đến hòa âm và tập cho những người amateur hát những bài hát nổi tiếng ngày xưa, cũng như rất nhiều bản trường ca. Họa Mi được hát trong "nhóm bè soprano" và được lĩnh xướng vì có giọng tốt, được lên TV!.
Nhạc sĩ Đoàn Chính có được mời đến để hát trong ca đoàn đó và hát đơn ca nữa. Nhờ cơ hội đó, ông mới gặp Họa Mi và nói là Họa Mi có giọng rất tốt, nên thi vào trường nhạc, vì có một lớp thanh nhạc đầu tiên để học, luyện về giọng, ký xướng âm, nhạc lý. Họa Mi đồng ý đi thi và đậu vào năm 1972.
RFI: Một trong những nhạc sĩ để lại nhiều dấu ấn trong cuộc đời nghệ thuật của chị, đó là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Chính ông đã đặt nghệ danh Họa Mi cho chị. Chị bắt đầu làm việc cho Hoàng Thi Thơ như thế nào?
Họa Mi: Phải nói là nghề ca hát tìm đến Họa Mi, chứ Họa Mi chỉ là một người yêu âm nhạc thôi, cũng giống như mọi người, tức là thích hát, thích tham gia các chương trình âm nhạc để thoả ước muốn của mình. Nhưng một hôm, Hoàng Thi Thơ tìm đến Họa Mi qua một người nhạc sĩ là anh Bùi Thiện. Bùi Thiện lúc đó làm việc cho chương trình Maxim của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, một chương trình đại nhạc hội, ca múa rất nổi tiếng của Sài Gòn hồi xưa, trình diễn mỗi đêm ở nhà hàng Maxim.
Ông Hoàng Thi Thơ coi đài truyền hình mới thấy Họa Mi hát trong các chương trình amateur. Trường nhạc cũng được lên, trường Gia Long mà Họa Mi học cũng được lên và Họa Mi đều được hát solo hết. Rồi Ban Gió Khơi cũng lên truyền hình. Ông Hoàng Thi Thơ thích giọng hát của Họa Mi nên tìm đến Họa Mi. Ông muốn đưa Họa Mi vào chương trình Maxim với tư cách một ca sĩ chuyên nghiệp và ông đã lăng-xê Họa Mi. Hồi xưa Họa Mi hát lấy tên là Trường My, chứ chưa phải là Họa Mi. Chính nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã mời Họa Mi và đặt tên là ca sĩ Họa Mi năm 1974.
RFI: Kể từ năm 75, sau một thời ngắn, chị cũng đã trở lại sân khấu ở Việt Nam với tư cách ca sĩ chuyên nghiệp. Nhưng trong cuộc đời của chị, năm 1988 là một bước ngoặt rất lớn, bởi vì lúc đó chị sang trình diễn Paris và đã quyết định ở lại Pháp. Những năm sau đó chị có tiếp tục đi hát?
Họa Mi: Từ năm 88, Họa Mi có đi hát một thời gian khoảng 3 - 4 năm, vì nghề của mình là ca sĩ. Vừa mới định cư tại Pháp thì Họa Mi bắt đầu đi hát cho trung tâm Thúy Nga vì được mời. Sau đó thì Họa Mi đi khắp các nước ở châu Âu và hát tất cả các show của Paris by Night, hát cho mấy nhà hàng để có thu nhập cho mình. Nhưng từ lúc gia đình Họa Mi qua, thì Họa Mi tạm ngưng công việc ca hát thường xuyên để lo cho các con.
Nữ danh ca Họa Mi tại phòng thu của đài RFI, Paris, ngày 12/04/2024. © Thanh Phương/RFI
RFI: Thưa chị Họa Mi, chị gắn bó với Paris không phải chỉ vì chị đã sống lâu năm ở thủ đô nước Pháp, mà cũng bởi vì đây là nơi đã ra đời một ca khúc gắn liền với tên tuổi của chị đó là ca khúc “Em đi rồi” của nhạc sĩ Lam Phương. Bài hát đó ra đời trong hoàn cảnh như thế nào?
Họa Mi: Thật sự thì một kỷ niệm mang dấu ấn trong cuộc đời Họa Mi chính là bài hát “Em đi rồi”. Khi Họa Mi ở lại Pháp, tất cả các báo đều đăng tin tức của cô ca sĩ định cư tại Pháp. Hoàn cảnh của Họa Mi lúc đó là có gia đình, 3 đứa con và ông xã thì bị bệnh mắt, không nhìn rõ được, phải đi trị bệnh. Cho nên Họa Mi ở lại Pháp để lo cho chồng và con sang, chồng thì được trị bệnh và các con được ăn học.
Anh Lam Phương thì có một kỷ niệm rất là lạ với Họa Mi tại vì anh ấy không hề biết Họa Mi. Khi anh Lam Phương đã là một nhạc sĩ rất nổi tiếng ở Việt Nam thì Họa Mi còn trẻ. Họa Mi biết những bài hát của anh ấy, nhưng không bao giờ có dịp để diện kiến được vì anh ấy là một nhạc sĩ lớn, còn Họa Mi là một đứa trẻ 15-16 tuổi thì làm sao. Nhưng vì yêu âm nhạc, Họa Mi đều biết tất cả những nhạc phẩm hồi xưa của Lam Phương.
Khi qua bên đây năm 1998 thì Họa Mi lúc đó đã 33 tuổi, khi đọc được câu chuyện của Họa Mi trên báo chí thì anh Lam Phương có cảm xúc và viết bài hát “Em đi rồi”. Anh ấy đã tìm gặp Họa Mi và tặng cho Họa Mi bài hát này: “ Anh viết bài này để tặng cho em”. Và anh đem đàn guitar đến để đàn cho Họa Mi hát tại nhà một người bạn, đó là chị Thảo. Một kỷ niệm có thể nói là Họa Mi không bao giờ quên. Trong một căn bếp, anh đàn guitar và đàn melody của bài hát đó, rồi anh cho Họa Mi xem những lời anh viết. Họa Mi phải nói là rất cảm động. Thật sự thì anh không quen Họa Mi, cho nên những lời hát đó chưa có sát lắm với cuộc sống của Họa Mi, cho nên Họa Mi có xin phép Lam Phương sửa một vài câu để cho nó gần gũi hơn và tình cảm hơn khi mình trình diễn một bài hát nói về cuộc đời của mình. Anh đồng ý và nói :” Em cứ việc sửa theo ý của em!”
RFI: Trong khung cảnh đơn sơ đó, tức là trong căn nhà bếp với tiếng đàn của Lam Phương, khi hát những câu đầu tiên trong bài hát, cảm xúc của chị như thế nào?
Họa Mi: Rất cảm động, vì Họa Mi tự nghĩ là mình có may mắn được một người nhạc sĩ nổi tiếng viết cho mình một bài hát về mình. Có nhiều người ca sĩ, nhưng đâu phải ca sĩ nào cũng được nhạc sĩ viết riêng cho mình như vậy? Họa Mi may mắn gặp được Lam Phương và anh cũng ở Paris, thấy Họa Mi đến Paris thì anh ấy cảm động và viết một bài hát để tỏ lòng thương cảm với cuộc sống và hoàn cảnh của Họa Mi. Họa Mi rất cám ơn anh ấy.
Sau đó, Lam Phương đề nghị cho Trung tâm Thúy Nga lần đầu tiên quay Họa Mi bài hát đó trong chương trình Paris by Night 6.
RFI: Khi chị trình diễn bài hát “Em đi rồi” lần đầu tiên, khán giả khắp nơi đã đón nhận như thế nào?
Họa Mi: Rất là ngạc nhiên. Sau khi chương trình đó được phát hành, tất cả những người Việt Nam sống ở nước ngoài đều mủi lòng và bài hát đó trở thành một hiện tượng trong năm 1988 đó và Họa Mi được yêu mến rất nhiều.
RFI: Có lẽ đó là bởi vì nội dung bài hát phù hợp với hoàn cảnh của khá nhiều người vào thời gian đó?
Họa Mi: Thì một thời gian Họa Mi đi hát khắp nơi gặp những khán giả nói với Họa Mi: "Chị ơi, chị hát bài đó em rất là cảm động vì sao mà giống hoàn cảnh của em quá vậy!". Cho nên Họa Mi nghĩ rằng vì hoàn cảnh của mình cũng giống như của nhiều người khác, nhưng mình là người đã hát lên tâm tình của chính mình và của chính những người cùng cảnh ngộ, cho nên mình được yêu thương. Nhờ vậy bài hát đó gắn liền với tên tuổi của Họa Mi cho đến bây giờ.
RFI: Ngoài ca khúc “Em đi rồi” mà nhạc sĩ Lam Phương sáng tác riêng cho chị, chị có giữ những kỷ niệm nào khác với Lam Phương khi anh còn ở Paris?
Họa Mi: Sau buổi gặp anh hôm đó thì anh nói: “Bây giờ có đài RFI mời anh em mình lên phỏng vấn và em sẽ hát một bài nhe. Em hát một bài của anh đi”. Họa Mi nói :" Dạ". Thế là hai anh em được mời lên đài RFI. Lam Phương cầm cây đàn guitar, nhưng Họa Mi không hát bài “Em đi rồi” mà hát bài “Trăm nhớ ngàn thương” của anh Lam Phương. Chính anh đã đệm đàn cho Họa Mi hát direct. Đó chính là kỷ niệm đáng nhớ của Họa Mi với anh Lam Phương tại Paris.
RFI: Sau đó hai anh em có thường xuyên gặp nhau không?
Họa Mi: Sau đó, anh Lam Phương vẫn ở Paris và chúng tôi rất thường xuyên gặp nhau. Ở Paris, như Thanh Phương cũng biết, nghệ sĩ khó mà sống bằng nghề của mình thường xuyên được. Anh Lam Phương có làm việc trong một restaurant. Mỗi week-end, anh có một buổi dành cho những người yêu nhạc, tối thứ bảy hay tối chủ nhật. Anh là người đàn guitar, bạn bè tới ăn cơm ở đó, ai muốn hát thì anh đàn cho hát. Rất đơn giản, nhưng rất ấm cúng. Anh Lam Phương có làm việc đó trong một thời gian và Họa Mi có đến chơi thường để gặp anh.
RFI: Sau nhiều năm vắng mặt ở thủ đô Pháp, lần đầu tiên quay lại Paris, chị có cảm xúc như thế nào. Tất cả những hình ảnh của Paris có gợi nhớ chị những kỷ niệm trước đây?
Họa Mi: Họa Mi đã ở Pháp 36 năm. Sau một thời gian ngưng công việc khác rồi thì Họa Mi trở lại nghề của mình từ 2015. Hoa Mi rất là vui và khi trở lại Paris, Họa Mi đem tiếng hát để gặp gỡ lại anh chị em, các khán giả tại Pháp, tại Paris, nơi mà Họa Mi rất yêu mến, nơi đã cưu mang mình trong 36 năm.
Họa Mi rất cảm động, tại vì sau một vài show thì mọi người đều nhớ Họa Mi, rất thương Họa Mi và rất muốn Họa Mi tiếp tục nghề này. Họa Mi hứa là từ đây về sau Họa Mi chỉ có ca hát thôi, không làm gì khác nữa!
RFI: Hiện nay phần lớn thời gian là chị sống ở Việt Nam. Vì sao chị đã quyết định quay về Việt Nam để tiếp tục nghề ca sĩ?
Họa Mi: Tại sao Họa Mi về Việt Nam để trình diễn thường hơn? Như Thanh Phương nói, đó cũng là một bước ngoặt của cuộc đời. Năm 1988 khi Họa Mi sang Pháp thì vẫn còn ca hát, nhưng vài năm sau thì mình không thể tiếp tục. Cho đến 2015, rất là lâu, thì Họa Mi có một lời mời từ Việt Nam thông qua chị Bạch Yến. Bên đó, đài truyền hình muốn vinh danh những người ca sĩ nổi tiếng đã có cuộc đời ca hát lâu dài, trong đó có Họa Mi. Họ đã nhờ Bạch Yến liên lạc với Họa Mi bên Pháp và Họa Mi đã đồng ý trở về làm chương trình đó tại nhà hát Hòa Bình, trước từ 2.000 đến 2.500 khán giả.
Rất là ngạc nhiên. Sau một thời gian rất lâu Họa Mi mới trở về Việt Nam, thì đêm đó đã có rất nhiều khán giả từ xa đến. Họa Mi rất cảm động, nghĩ rằng mình được yêu thương như vậy, khán giả nhớ mình như vậy, mà mình đã bỏ phí biết bao nhiêu thời gian, cả hơn 10 năm không tiếp tục nghề này, Họa Mi cảm thấy thật sự mình có lỗi với chính mình và với khán giả. Khán giả trách: “ Tại sao chị không đi hát nữa? Chị vẫn có giọng ca như thế này, chị vẫn được chúng tôi chờ đợi, yêu mến, mà tại sao chị không hát nữa?". Họa Mi rất áy náy và quyết định từ đó Họa Mi sẽ trở lại nghề hát và tiếp tục tới bây giờ là đã 9 năm rồi.
RFI: Ngoài việc hát cho những chương trình đó thì chúng tôi được biết chị cũng có những hoạt động văn nghệ mang tính chất từ thiện. Chị vẫn tiếp tục công việc đó?
Họa Mi: Từ năm 2015, khi trở về Việt Nam, Họa Mi vẫn tiếp tục làm cho hội "Tiếng hát vì người nghèo", do một cha thành lập mười mấy năm rồi. Khi Họa Mi về nước thì cha đã mời Họa Mi tham gia, đi đến những vùng xâu, vùng xa, gặp tất cả những đồng bào nghèo, cho họ gạo, mắm muối, mì, nước, rồi hát cho họ nghe, không bán vé. Khi xem chương trình này thì các mạnh thường quân trên thế giới gởi tiền ủng hộ cha, để cha xây những ngôi nhà tình thương, cho những người già neo đơn. Họa Mi còn nhớ có một lần, một mạnh thường quân ở Mỹ gởi cho cha 1.000 chiếc xe đạp gởi tặng những trẻ em nghèo ở vùng quê miền Tây. Cha đã phân phát những xe đạp đó để các em có phương tiện đi học.
Họa Mi rất vui là được cộng tác với chương trình "Tiếng hát vì người nghèo", vì Họa Mi được làm một cái gì đó có ý nghĩa. Còn những chương trình lớn, hát để lấy tiền, thì thỉnh thoảng Họa Mi mới tham gia, chứ không tham gia nhiều như những người khác. Họa Mi tham gia hoạt động từ thiện nhiều hơn, ngoài việc hát trên đài truyền hình hoặc làm giám khảo để góp ý, truyền kinh nghiệm cho các ca sĩ trẻ.
Bây giờ Họa Mi hát khi mình thích, làm những gì mà mình cảm thấy có ý nghĩa cho cuộc đời, làm cho mình vui, hạnh phúc và đem hạnh phúc cho những người xung quanh mình. Đó là điều Họa Mi mong muốn nhất.
RFI: Chúng tôi rất cám ơn chị Họa Mi đã tham gia chương trình hôm nay và xin chúc chị được nhiều sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống, để tiếp tục sự nghiệp âm nhạc của mình.
Họa Mi: Cám ơn Thanh Phương đã mời Họa Mi đến đây để nói chuyện tâm tình với Thanh Phương, cũng như với các khán thính giả đã từng biết đến Họa Mi. Họa Mi hy vọng sẽ có sức khỏe lâu dài để còn cống hiến cho đời và cho nền âm nhạc của Việt Nam, cho đến khi nào mình không còn làm được nữa!