• Nhạc & lời: Ngu Yên
• Trình bày: Nguyễn Thảo
• Hòa âm & phối khí: Lê Vũ
• Ghi âm: ElevenSixteen Soundscape
• Final mix: LeVuMusic Studio
• Graphics: Concept by MarcMarc
Hỡi ơi
Cha ra biển khơi đuổi ngàn con sóng qua khỏi chân trời
Hỡi ơi
Mẹ mang ánh trăng về thắp giường khuya chờ nghe bão tố
Hỡi ơi
Có kẻ qua đời
Vừa gió, vừa mưa, vừa sóng...
Nổi trôi từng hơi thở thoi thóp qua ngày...
Ơi
Nước mắt vẫn rơi
Sóng chết vẫn cao
Em nhỏ lớn lên vào biển...
Hỡi ơi
Anh ra biển khơi hóa thành con cá không biết đâu tìm
Hỡi ơi
Chị mua nắng khô về cúng trời mây bụng nghe tiếng khóc
Hỡi ơi
Có bé ra đời
Vừa chát, vừa chua, vừa đắng...
Vẫn không làm sao ra khỏi biển quê nhà
Ơi
Vẫn ước muốn nhìn
thấy bóng dáng chim
bay qua khỏi chân trời bão
Hỡi ơi...
Cha ra biển khơi đuổi ngàn con sóng qua khỏi chân trời
Hỡi ơi
Mẹ mang ánh trăng về thắp giường khuya chờ nghe bão tố
Hỡi ơi
Có kẻ qua đời
Vừa gió, vừa mưa, vừa sóng...
Nổi trôi từng hơi thở thoi thóp qua ngày...
Ơi
Nước mắt vẫn rơi
Sóng chết vẫn cao
Em nhỏ lớn lên vào biển...
Hỡi ơi
Anh ra biển khơi hóa thành con cá không biết đâu tìm
Hỡi ơi
Chị mua nắng khô về cúng trời mây bụng nghe tiếng khóc
Hỡi ơi
Có bé ra đời
Vừa chát, vừa chua, vừa đắng...
Vẫn không làm sao ra khỏi biển quê nhà
Ơi
Vẫn ước muốn nhìn
thấy bóng dáng chim
bay qua khỏi chân trời bão
Hỡi ơi...
NT: Tuần vừa qua, hôm chủ nhật, tôi và Duyên hẹn anh Ngu Yên và chị Ngọc Phụng đi ăn trưa. Một ngày Houston trời thật đẹp. Nắng mượt mà. Gió hiu hiu. Ngồi ngoài patio của nhà hàng, trong cái lạnh gây gây, dưới một lò sưởi nhẹ, nhâm nhi những ly rượu pinot noir và nói chuyện “tào lao” thì không còn gì bằng. Chúng tôi gợi lại vài kỷ niệm từ những ngày cuối trước khi rời Việt Nam. (Tôi, anh NY và chị NP đã ra đi cùng chuyến tàu.) Nhưng lạ thay, những chi tiết nho nhỏ không hiểu sao nay đã trở thành dị biệt. Chúng tôi phân vân không biết bằng cách nào chúng tôi đã leo từ chiếc ghe gỗ lên chiến hạm của Đài Loan. Tôi nhớ là một sợi giây thừng thắt gút. Anh bảo không phải, như vậy làm sao mấy bà leo được, chắc phải là cái thang giây… v.v…
Rõ là trí nhớ đã được gạn lọc theo thời gian, tuy đó là trí nhớ về một sự kiện quá to tát trong đời người.
Sau hôm đó, tôi đã nhờ anh viết lời ngỏ cho ca khúc Biển, Hỡi Ơi mà anh đã gửi cho tôi khá lâu. Tôi rất thích cách anh viết những câu nhạc “hóc búa” cho một giai điệu “hóc búa” nhưng lại được Lê Vũ giàn dựng trên khung morna, một loại nhạc luôn luôn mang mùi vị quê hương, biển, và cái chết, đối với tôi. Bản hòa âm nháp đầu tiên chính xác tiết tấu morna, tôi hát hụt hơi. Lê Vũ bảo tôi: nếu làm chậm lại thì sẽ rất… bolero. Bàn tới thảo lui, LV đã phải chịu hạ tốc độ xuống một chút xíu, cho tôi kịp thở trong lúc hành xử câu nhạc.
Sau đây, Ngu Yên viết về Biển, Hỡi ƠiBiển: Hù Hù, Con Tôm Hùm
Biển là nơi chất chứa nhiều kỷ niệm của nhân loại, trong đó có tôi. Biển cũng là một nghĩa địa mênh mông chôn cất hàng tỷ sinh mạng, trong đó, chưa có tôi. Nói một cách mộng mơ hơn, biển là niềm vui và nỗi buồn, là vui sướng và khổ nạn. Nhưng khó mà biết được, biển vô cùng độc ác, dù ngoài mặt xanh trong, tung tăng những đợt sóng trắng. Trông hiền lành, thậm chí dễ thương, như nhiều người xung quanh. Có bao nhiêu lần chúng ta ngạc nhiên hoặc đau lòng vì sự tráo trở của những người quen biết hiền lành? Họ là một loại biển sâu, thăm thẳm, một loại nghĩa địa nước.
Tôi lớn lên dọc theo bờ biển, chôn vô số kỷ niệm dưới cát và nước mặn. Thời mới tập bơi là lúc thời trang bikini xuất hiện. Kỷ niệm này ấn tượng. Những cô nữ sinh chuyên mặc áo dài kín đáo, bỗng dưng, dưới ánh mặt trời, trở nên trần. [Tôi biết các bạn đọc là những người tử tế, người Việt tử tế, không thích đọc những văn phong chính xác, lột vỏ, trần tục, vì vậy, tôi phải sửa đổi nhiều từ vựng, dù kém sự thật. Ví dụ, cô ấy trần truồng, tôi sẽ viết là cô ấy trần trụi. Hoặc anh ấy khỏa thân, tôi sẽ viết, anh ấy không thấy. “Khỏa thân” viết thắt là k.t., tạm gọi là không thấy, một ngụ ý khi gặp trường hợp này, che mắt lại, chỉ nên nhìn qua khe hở của năm ngón tay.] Vâng, tôi lớn lên với biển rồi bỏ đi theo biển.
Bất kỳ thứ gì gọi là kỷ niệm, tức là thuộc về trí nhớ, nhưng trí nhớ không có bảo hiểm, không có nhân chứng, thường hay thay đổi. Các nhà khoa học tâm lý chứng minh, trí nhớ thay đổi dần dần theo thời gian, delete bớt một số chi tiết mà mình không thích, và add-on vào những chi tiết tương tựa nhưng thơm hơn.
Một ví dụ ngắn thôi. Khi thấy cô bạn học cùng lớp thoát ra khỏi áo dài quần kín, biểu lộ sau lớp bikini, quỉ thần ơi, đời nào có thể thấy được lỗ rún của thiến nữ mới lớn, vậy mà bikini cho phép. Bây giờ nhớ lại, Chà, hầu hết những lỗ rún lộ diện là những nụ cười mũm mĩm, cười phơn phớt, cười duyên dáng. Dĩ nhiên, vẫn có những cô mặc áo tắm một mảnh che kín bụng. Tôi doán chừng, có lẽ nụ cười ấy toe toét hoặc nổi cộm, nghĩa là hô. Ngậm ngùi, vì người tôi để ý, không mặc bikini.] Do đó, đa số kỷ niệm thường mang lại niềm vui, sự hài lòng, bùi ngùi (cũng là một cảm giác hay hay,) ngậm ngùi (cảm giác lãng mạn,) cho dù là một kỷ niệm xấu, nhưng khi nhớ lại, có hình ảnh, có câu truyện, nhưng ít đi cảm giác, cảm xúc, thành thử vẫn là một bông hoa đẹp dù không thơm hoặc hơi thủm.
Còn rất nhiều niềm vui nỗi buồn với biển để kể lại, nhưng hôm nay tôi được yêu cầu nói với bạn đọc, vì đâu, vì sao, ca khúc “Biển, Hỡi Ơi” ra đời hoặc qua đời.
Trước hết, khi được nghe bản nháp, tôi thầm nghĩ, anh nhạc sĩ Lê Vũ đã sắp xếp âm thanh và nhạc khí bài này vừa sáng tạo vừa phù hợp với nhạc đảo. Tiếng trống hơi hám island rhumba đều đặn nổi bật biểu tượng tiếng sóng đều đặn đại diện cho biển, tạo cái không khí của nhạc Fado. Tiếng hát của Nguyễn Thảo đã làm cho ca khúc này trở nên dễ dàng, mặc dù đây là một ca khúc khó diễn đạt. Tôi yêu thích bản nháp dù hơi bị nhanh, khiến người nghe chưa quen, chưa kịp thưởng thức ca từ. (Nhạc Fado thường ở tempo nhanh, tuy nhiên, có một số ở tempo chậm hơn. Nhưng hầu hết đều từ tempo 100 trở lên.) Tuy nhiên, tôi không dám chắc như vậy, vì tôi bị điếc tai đến 70%. Tai điếc mà nghe nhạc là một nghệ thuật ẩn núp nhiều tai họa. Cảm ơn hai nghệ sĩ còn tai tốt.
[Nhưng tôi biết các bạn nghe ca khúc này, sẽ không thích và có lẽ nghi ngờ trình độ đánh giá âm nhạc của tôi, hoặc sẽ gật gù, cũng đúng, điếc mà. Hãy cho tôi giải thích: đây là loại ca khúc Fado, nhạc Morna, nhạc đảo, nhạc vui một cách buồn, nhạc cười một cách mếu. Hầu hết các bạn chưa quen. Tương tựa như, các bạn đã quen thuộc hình ảnh mỹ nhân hai mắt là như thế nào, chàng đẹp trai hai mắt thì ra sao. Bỗng nhiên, một hôm gặp đôi trai tài gái sắc đến từ hành tinh khác, có ba mắt. Ôi, dù có đẹp cách mấy, họ làm bạn kinh sợ, bịt tai bỏ chạy. Nhưng nếu bạn đừng chạy, nấn ná chơi đùa thưởng thức họ, dần dần sẽ quen. Lúc bấy giờ, ba mắt không còn là vấn đề, nhìn những nơi khác trên vóc dáng đó, ừ cũng hấp dẫn như hai mắt. Và nhờ vậy, nếu mốt mai bạn gặp bốn mắt, năm mắt, nhiều mắt, sẽ không làm bạn khiếp đảm.] Trở về với biển và hỡi ơi.
Dù sao, nếu ai đã từng là người di tản, người vượt biển, người chứng kiến hành vi độc ác của biển, sẽ không bao giờ quên. Không phải chờ đến 30 tháng 4 mới nhớ lại, mà những cảnh tượng buồn đau này thường rổn rảng hoặc thì thào trong giấc mơ.
Mỗi năm, xa dần câu chuyện di tản nguyên bản, giấc mơ của tôi về ngày theo biển bỏ nhà cũng dần dần thay đổi. Lạ thật, nhiều khi nghĩ lại kỹ càng, thấy một số chuyện đã biến dạng. Ví dụ như anh lái thuyền bị câm, bỗng dưng hình như anh ta nói với tôi điều gì trước khi từ giã. Giấc mơ khiến tôi nghi ngờ anh ta là người nằm vùng. Lúc vượt biển tôi đi với người yêu, nay đã thành vợ 49 năm. Vậy mà, trong một giấc mơ, tôi đi với một cô nào khác, lạ hoắc, nhưng cũng vô cùng tình tứ. Lạ chưa.
Gấc mơ mà ám ảnh của nó đã thúc đẩy tôi viết bài nhạc Fado Morna này cũng bắt đầu từ con thuyền vượt biển. Sóng gió kinh khủng. Khi sóng rút, như một hố sâu, con thuyền lao xuống kinh dị, rồi sóng trồi như ngọn đồi cao, đội con thuyền nhó xíu bay lên, để rồi lao xuống khủng hoảng. Một lúc thuyền vỡ ra từng mảnh nhỏ. Chồng chết vợ. Mẹ chết con. Anh chết em. Vàng chết. Kim cương chết. Nước ngọt thành nước mặn. Tôi vùng vẫy. Tôi bơi. Tôi hèn, vì không nhớ quay lại cứu người yêu. Tôi gần chết. Vậy mà lên được một hòn đảo, nhớ lại, giống hòn Yến ở Nha trang. Lưu lạc trên đảo. Tôi nghe có tiếng người. Khóc? Không giống. La hét, than thở, không phải. Tôi tìm đến và thấy bà lão ngồi quay lưng, hướng vào ngôi mộ. Bịt khăn che đầu như mấy cụ già ở miền nam. Âm thanh bà phát ra nghe hù hù, có lẽ là tiếng khóc đã không còn giai điệu, không còn âm vực, thanh quảng chảy máu. Hù hù, tôi đến gần hỏi han. Bà không trả lời, không quan tâm. Hình như đau đớn đã làm bà mất trí. Tôi vịn vai và kéo bà quay lại. Thế giới sống có nhiều điều bất thường kỳ lạ xảy ra. Thế giới mơ còn bất ngờ, lạ lùng hơn nữa.
Không phải bà, mà là một con tôm hùm rất lớn đang kêu hù hù. Kinh khiếp, giật mình thức dậy, thấy mình còn nắm tay vợ chặt cứng. Thế mới biết, khi thất thế, anh hùng nào cũng cần có vợ để vịn, đứng lên.
Bị ám ảnh mấy tháng dài. Tôi viết ca khúc này với lời lẽ mộng mị. Tôi biết các bạn nghe nhạc là người tử tế, chưa quen với tôm hùm bịt khăn, chưa bao giờ nghe hù hù trong ca từ. Thôi, để kéo ngắn khoảng cách giữa hai mắt và ba mắt, tôi sửa hù hù thành ơi ơi. Nghe quen thuộc hơn. Chắc chắn các bạn đã từng gọi, mình ơi, anh ơi, em ơi… Trời ơi… không thể xa lạ, và dĩ nhiên, cũng quen thuộc tâm sự vợ chờ tin chồng di tản, mẹ chờ tin con vượt biển….
Chúc các bạn vui chơi và âu yếm ca khúc ba mắt.
Ngu Yên
25 tháng 4, 2024
Tái bút: Có lẽ, bạn cũng như tôi ngẫm nghĩ, tại sao tôm hùm? Giấc mơ khó mà giải thích. Có lẽ, vì trong các loại đồ biển, tôi thích ăn tôm hùm. Thú nhận vậy thì ghê quá. Có lẽ, đúng hơn, vì tôm hùm ăn quá nhiều xác người ở đáy biến. Trong một câu truyện tôi đã đọc và trí nhớ đổi thay, con tôm hùm là người phục vụ nghĩa địa biển. Ở đây, nó có vẻ đại biểu cho thần chết? Lần tới, khi ăn tôm hùm, bạn tìm thử, tìm kỹ, có chăng một mảnh xương?
Nguồn