(hay, “Biệt khúc cho Thanh Tâm Tuyền” )
Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập “Thơ Ở Đâu Xa”, kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại… trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.
Bài viết này của tôi chỉ là một cố gắng trình bày điều đó.
Tiểu luận này tập trung phân tích một vài khía cạnh nghệ thuật của thơ Thanh Tâm Tuyền, trên căn bản những bài thơ trong tập “Thơ Ở Đâu Xa”, những bài thơ, trong mắt nhìn của tôi, rất lạ và đẹp, của thời bị giam hãm của ông. Và khi viết bài này, để lặp lại, mặc dù quan tâm hàng đầu của tôi vẫn là tìm hiểu cái nghệ thuật ngôn ngữ, cái thi pháp và thi tứ của người thi sĩ, cái ngôn ngữ, như một raison d’être của Thanh Tâm Tuyền, tôi cũng có lúc bất chợt nghĩ đến một câu nói của Rainer Maria Rilke: “Cuộc sống đạt được sự thành tựu của nó trong những hoàn cảnh mang tính sỉ nhục, cay cực khốn khổ, và thậm chí nguy hiểm chết người nhất, và rằng con người ta có khả năng yêu thương cuộc sống khi cuộc sống trở nên hoàn toàn khủng khiếp…” {(that) [L]ife has been achieved in the most insulting, grueling, and even deadliest circumstances and that individuals were capable of loving life when it was altogether horrific… “}.
—BVP
Ðêm vây hãm lụn dần
Thủ thỉ mưa ru…
TTT
1
[…] khi đêm
chụp xuống tự những đỉnh cao, khi người thi sĩ cô đơn
đứng bên cửa sổ nghe tiếng vó ngựa mùa thu cuồn cuộn sải
và những cánh lá … bị giẫm đạp cuốn bay trong mạch máu hắn,
có một cái gì đó trên bầu trời cao… [1]
(Pablo Neruda)
Vậy là đêm đã trôi qua. Cái đêm mà ông cảm thấy nhiều lúc như vây hãm, cùng khốn và thúc bách ấy. Cái đêm tối đã theo ông từ những ngày sau cơn hồng thuỷ 1975. Cho dù ông đã từ những rừng sâu heo hút trở về sau nhiều năm ngục tù bầm giập với những Long Giao, Yên Báy, Lào Kay, Vĩnh Phú… Cho dù, sau đó, không còn có thể sống tại quê nhà, ông đã cùng với gia đình định cư tại Mỹ, nơi một tiểu bang giá lạnh chỉ được sưởi ấm bằng tình bằng hữu tự những ngày xưa mà ông luôn luôn trân quý. Chọn sự câm lặng trước bao rủ rê, mời gọi, ông đã sống một cuộc sống âm thầm. Âm thầm như một chiếc bóng, một chiếc bóng thiết tha, với cơn hồi tưởng mãi mãi về những ngày tháng cũ. Những ngày tuổi trẻ của một nửa miền đất nước đang bừng lên những tiếng hát dựng xây, lên đường, cho một mùa nắng mới. Những năm đầu sau di cư 1954 nơi một miền Nam phơi phới, tự do. Bạn bè, bằng hữu. Và những tờ báo mới. Và mùi mực in trên những trang báo thơm phức. Và những bài thơ mà ông cùng với bạn bè đã viết ra. Những suy nghĩ tha thiết, những sắc điệu tinh khôi, cùng những cảm xúc cháy bỏng cuồn cuộn trong tim trong máu.
Ông nhớ lại mãi về những bài thơ xưa ấy. Mà, thật sự, không phải là ông chỉ nhớ lại có những bài thơ. Ông nhớ đến cả một thời tuổi trẻ. Với những người bạn cùng đi một đường. Những trái tim đã đập tung trong lồng ngực thanh niên. Ông nhớ về cuộc đời, tình yêu, bạn hữu. Về những lý tưởng mà ông đã cùng với mọi người chung tay vun đắp. Về những bất công của cuộc đời, những đau khổ, xót xa của những con người cùng khốn trong cuộc sống. Những bất công, những đau khổ, xót xa mà ông luôn muốn bẻ gẫy và đập nát. Hãy cho anh khóc bằng mắt em / Những cuộc tình duyên Budapest / Anh một trái tim em một trái tim / Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác…
Trong những năm mà thân thể còn bị cầm hãm nhưng tâm hồn vẫn cố thênh thang ngoài cõi gió, ông đã nhớ về những câu thơ ấy. Nỗi nhớ như một hành động « vịn câu thơ mà đứng dậy »: [2]
Sáng nay thức giấc trong nhà giam
Anh nhớ những câu thơ viết thời trẻ
Bừng cháy trong lòng anh bấy lâu
u ám quạnh quẽ
Ánh lửa mênh mang buổi tình đầu…
(Bài nhớ thi sĩ)
Bây giờ, chắc là ông đang nằm nghe mưa. Những tiếng vó ngựa của mùa đã lộp cộp phi mau và mất hút bên ngoài cửa sổ, và những cánh lá bị vó ngựa giẫm đạp ấy đã hết cuốn bay trong những mạch máu cũ. Với ông, đêm tối đã đi qua rồi. Chỉ còn lại những tiếng mưa ru thủ thỉ. Tiếng mưa của những ngày xa vắng cũ.
Chàng thi sĩ đã ra đi. Và chúng ta, những người ở lại, chia sớt cho nhau nỗi ngậm ngùi. Hạt mưa kia long lanh nỗi nhớ niềm từ biệt / Hoàng hôn bàng hoàng màu khói nhạt…
2
Trong một bài phỏng vấn rất nhiều năm trước, in lại trong cuốn sách « Lý luận và Phê bình / Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước. 1975 – 1995 » của mình, tôi đã nói là tôi rất yêu tập thơ « Thơ ở đâu xa » của Thanh Tâm Tuyền. Ðó là những bài thơ được làm trong đầu, khi ông còn ở trong những trại giam tại miền Bắc Việt Nam. Khi ra ngoài nước, ông được bằng hữu yêu quý đã giúp in tập thơ với cái tên như đã nói. Trong bài phỏng vấn ấy, nhân nói về thơ, tôi đã có dịp nói về tập thơ này, « Thơ ông [Thanh Tâm Tuyền] bây giờ, từ thể cho đến ý, không còn là thứ thơ đã làm cho ông nổi tiếng mấy thập niên trước nữa. Nhưng chúng vẫn cứ hay và độc đáo, mặc dù có những người nghĩ là ông đã từ bỏ con đường thơ tự do của mình thời trước (…) Những câu thơ gẫy khúc nơi cách cấu âm của những từ ngữ trong thơ Thanh Tâm Tuyền diễn tả được một cái gì đau đớn, gẫy đổ, xót xa, kìm nén, kiên nhẫn và chịu đựng của tâm hồn con người… Hình ảnh trong thơ ông cũng đặc biệt. Nó vẫn có những nét mới và lạ. Nó vẫn đẹp. Một cái đẹp tan tác và tối khuất. » Và tôi mong có dịp nào đó sẽ nói nhiều hơn nữa về tập thơ mới này của Thanh Tâm Tuyền.
Tôi không quên lời hứa của mình, thế nhưng cuộc sống cứ kéo tôi xoay vòng theo nó. Khiến tôi không thể hoàn tất lời tự hứa ấy sớm hơn. Khi nghe tin người thi sĩ đã ra đi, tôi cảm thấy thật buồn và trống vắng. Có một cái gì bục vỡ trong lòng. Một phần đời sống của mình đã mất đi. Tất cả chúng ta đều không có lúc cảm nhận như thế sao, trong cuộc đời này? Chúng ta sống là sống cùng và sống với. Với những con người, với những kỷ niệm, những mộng mơ, những khát khao, những gắn bó, và những gặp gỡ chia lìa. Chẳng ai là một hòn đảo trong cuộc đời này, như John Donne đã nói. Ðối với tôi, khi nhớ về những ngày tuổi trẻ, những ngày mà trái tim mình bắt đầu nhận ra những vẻ đẹp của chữ nghĩa, của văn chương, tôi đã luôn cảm nhận lại được trong trái tim mình những nỗi rung động thiết tha mà những trang sách, những bài thơ, những bức tranh, và những điệu nhạc xa xưa đã đem lại cho mình. Cái âm vang dịu ngọt và tha thiết của cõi thời gian không gian xa khuất ấy vẫn còn để lại trong hồn tôi những giấc mơ đằm thắm cũ. Trong những giấc mơ ấy, có khuôn mặt và tiếng nói của Thanh Tâm Tuyền.
Hai mươi chín năm trước, vào năm 1986, trong một bài đăng trên báo Văn Học tại California, tôi đã viết về ông, về hai tập thơ tự do của ông, hai tập Tôi không còn cô độc và Liên-Ðêm-Mặt trời tìm thấy. Hai tập thơ đã đưa ông vào vòng xoáy của một vùng tâm bão của văn chương chữ nghĩa miền Nam những ngày gió lớn. Tôi viết bài ấy khi ông vẫn còn đang sống tại quê nhà. Khi ông vẫn cố « đứng vững không khuỵu chân / trên mảnh đất nghèo khổ ». Tôi đã viết bài ấy, về Thanh Tâm Tuyền, và cho đăng trên Văn Học, tờ nguyệt san mà tôi đã cùng với một số nhà văn chủ trương tại Mỹ, khi, vì những cơ duyên bất ngờ, chúng tôi gặp gỡ được nhau và cùng muốn làm sống dậy những mơ ước văn chương cũ. Tôi đã viết về Thanh Tâm Tuyền, vì ông chính là một trong những biểu tượng đẹp đẽ cho mơ ước ấy, những ngày xưa. Tôi nhớ, để kết thúc bài tiểu luận đó, tôi đã nói về ý nghĩa của thơ, đã dẫn Rainer Maria Rilke, đã nói về cái giá mà người ta phải trả để có được những câu thơ, những bài thơ hay, về giá trị của thơ trong đời sống chúng ta, về vị thế chông chênh và đầy nguy hiểm của nhà thơ, và tôi đã viết về ông, Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ của chúng ta, như thế này:
« Thanh Tâm Tuyền đã dâng hiến cho đời nhiều dòng thơ rất đẹp, những câu thơ đau khổ và phẫn nộ và hạnh phúc và thương yêu của ông làm cho ta chảy nước mắt. Nhưng nếu Thanh Tâm Tuyền chỉ có được mươi câu thơ hay, ông cũng xứng đáng cho ta yêu mến và cảm phục, bởi lẽ ông đã sống, đã tân toan trong đời sống, và đã chịu đựng và gìn giữ tất cả để trở nên một thi sĩ.
Hãy choàng vào cổ thi sĩ một vòng hoa và hãy để chàng ngồi giữa chúng ta trong cuộc đời này.
Thi sĩ, hãy cho ta khóc bằng mắt anh những cuộc tình duyên và những đời người khốn khổ! » [3]
Những gì tôi đã viết về Thanh Tâm Tuyền, ngày xưa, chỉ là căn cứ trên hai tập thơ tự do mà Thanh Tâm Tuyền đã viết vào những ngày còn khá trẻ. Nhưng, những bài thơ trong tập « Thơ ở đâu xa » lại cho chúng ta thấy một Thanh Tâm Tuyền khác lạ, dù vẫn là một con người của sáng tạo, của thiết tha say đắm. Trong tập thơ này, ngoài một số bài thơ tự do theo lối cũ (lối mà ông đã làm ngày xưa) nhưng với một sắc thái mới, giản dị hơn, buốt sắc hơn, thơ mộng đằm thắm hơn, và cũng mới lạ hơn trong phần chữ nghĩa cũng như trong tiết nhịp và vần điệu, ngoài một vài bài thơ xuôi rất đẹp, thơ mộng và thiết tha đến nao lòng mà ông viết cho con gái vào những dịp sinh nhật của cô, ngoài một vài bài lục bát mà hình ảnh rất mới như búp nõn, những bài còn lại là những bài thơ tám chữ, bảy chữ, sáu chữ, năm chữ, bốn chữ. Một số bài chỉ có bốn câu, như thơ tứ tuyệt đời Ðường, đôi khi lại như thơ haiku của Basho hay Issa. Trong những bài thơ mang phong khí cổ ấy, cái mới và cái làm nên Thanh Tâm Tuyền vẫn là những hình ảnh rất sáng tạo, rất sắc nét và rất riêng của ông, được đặt trên một cái nền u nhã và có vẻ cổ kính. Ðó là một kết hợp rất nghệ thuật.
Bài thơ mang tinh thần và không khí Ðường thi nhất trong tập này có lẽ là bài Xuân tứ :
Cỏ hoa thầm thì hát
Ngoài vườn trăng đêm nay
Xuân ngàn mùa vẫn một
Hương sắc không hề phai
Sự trôi chẩy mãi thật
Tình đơn sơ còn đây
Ôi nỗi niềm bát ngát
Thuỷ chung nào vơi đầy.
Còn bài mang chút hơi hướm haiku nhưng lại pha mấy nét thơ Ðường là bài Bão muộn . Thơ năm chữ sáu câu; bốn câu cuối phá cách, mỗi câu chỉ còn có bốn chữ:
Trằn trọc đêm chớp bể
Thiếp mệt lúc tàn canh
Cuồng giông điêu đứng
Nước lùa mênh mông
Ngủ giữa luồng bão
Nổi hồn phách tan.
Tập thơ « Thơ ở đâu xa » có vẻ bị chìm khuất, ít được người ta để ý đến. Có lẽ vì nó quá khác biệt với hai tập thơ trước đó của Thanh Tâm Tuyền, mà hào quang của chúng—toả ra từ cái triều thiên trên đầu của dòng thơ tự do miền Nam thời 1954-1975, mà Thanh Tâm Tuyền là người chủ soái, và có lẽ dòng thơ đó còn tạo ảnh hưởng trên thơ tự do sau này của cả hai miền Nam Bắc—vẫn còn chiếu sáng. Với sự im lặng, gần như không tham gia vào bất cứ một sinh hoạt văn học nghệ thuật nào kể từ khi ra ngoài nước của chính Thanh Tâm Tuyền (tập « Thơ ở đâu xa » là do bằng hữu vì quý mến ông mà in hộ cho ông), với bao nhiêu náo động, quay cuồng trong cuộc sống người Việt bên ngoài đất nước, người ta đã không chú ý đủ đến tập thơ đặc biệt này. Thậm chí, khi có dịp đọc qua, có nhiều người còn nghĩ rằng, Thanh Tâm Tuyền đã từ bỏ thơ tự do, và với họ, có nghĩa là từ bỏ sáng tạo, để quay về với những gì là khuôn mòn, lối cũ.
Họ lầm. Bởi lẽ, qua những bài thơ trong tập « Thơ ở đâu xa », nếu đọc kỹ, người ta sẽ nhận ra ở đó vẫn là Thanh Tâm Tuyền, kẻ sáng tạo ngày xưa. Thơ ông trong tập này đằm chín và sâu lắng. Kinh nghiệm cuộc đời và sự thẩm thấu khổ đau, cái nhìn vào pháp tướng của mọi sự vật trong đời đã làm cho những bài thơ ông mang một tố chất gì đó rất gần với sự tỉnh thức, kiên nhẫn và chấp nhận trong tinh thần giáo lý Công giáo, cùng lúc, cũng mang trong chúng một thiền chất khiến ta thấy chúng, có những lúc, có cái tinh thần đốn ngộ của Thiền tông và cái tinh thần bát nhã của đạo Phật. Có vẻ như, trong khổ đau, bầm giập, và mặc dù không cho thấy mình gắn bó với một niềm tin cụ thể, rõ ràng và thâm thiết nào, ông đã nhìn được thấu suốt hơn vào trái tim của cuộc sống, cái ý nghĩa của cuộc hiện sinh, mà những cách biểu tỏ mang tính tông giáo kia đã cùng chỉ vào cái lõi, cái nhân ấy. Thơ ông, trong tập này, có những lúc, lại đem đến cho người đọc cái ánh trăng và không gian của những thôn làng heo hút trong Ðường thi. Nhưng cái không khí và khung cảnh ấy lại rất đượm nét Việt Nam, cho dù là một Việt Nam ảm đạm, u trầm, đặc biệt trong hoàn cảnh tù ngục của ông. Còn cái âm điệu gẫy sắc, đau đớn buồn, thiết tha buồn, nhưng cũng có lúc loé sáng xuân hồng và ẩm sũng khát khao ấy là của ông, của riêng ông:
Ngày chưa dậy tiếng kẻng
Mờ bạc trăng hạ tuần
Giông đầu hôm dứt lắng
Còn heo hút phân vân
Ðứng ngây trời ẩm sũng
Ngóng tiếng gà thôn gần
Chỉ nghe rừng núi bủa
Lùa âm u xốn xang.
(Dậy Sớm)
Tiếng kẻng, dù chưa dậy vang, nhưng đã nghe chói gắt trong ký ức người. Tiếng kẻng, như đã kêu từ lâu, ở đâu đó, trên những trang viết của Solzhenitsyn trong One Day in the Life of Ivan Denisovich. Những từ « dứt lắng », « heo hút », « phân vân », « ngây », « ẩm sũng », « ngóng », « bủa », « lùa », « âm u », « xốn xang » không chỉ cho ta thấy được cái khung cảnh rừng núi tù đầy, cái thời tiết và khí hậu của một vùng đất giam hãm con người, mà chúng còn khơi dậy và cho thấy cái địa lý của lòng người, cái tâm thế của con người bị cầm hãm ngay trên quê hương, đất nước mình. Những từ « phân vân », « âm u » và « xốn xang », đúng thế, không chỉ để nói đến tiếng giông, tiếng gió hoặc tiếng núi, tiếng rừng, nhưng còn để nói lên cái tâm trạng của con người trước hiện sinh và định mệnh của chính hắn.
Trong « Thơ ở đâu xa », người ta thấy có nỗi buồn và có niềm đau. Có đấy. Có sự cảm nhận buốt sắc về hiện sinh, về định mệnh mình. Nhưng kẻ thi sĩ ấy vẫn không chịu ngã gục hoặc nằm vùi trong sầu khổ. Hắn vẫn dậy sớm nhìn trời, nhìn đất. Ðể thức nhận được những tiếng nói của mùa Xuân:
Mặt trời hồng như trăng
Thức lòng ta buổi sớm
Gió núi thổi rộn ràng
Gọi nghe biển dậy sóng
Ðứng vững không khuỵu chân
Trên mảnh đất nghèo khổ
Thở hít tận vô cùng
Ngây say đoá hồng rợ
Vang vang trời vào Xuân
Ta bật kêu mừng rỡ
Ơi bè bạn xa xăm
Tim ta cũng cháy đỏ
Rực thắm bóng trăng ngần.
(Vang vang trời vào Xuân)
Tại sao mặt trời lại hồng như trăng? Và tại sao niềm hạnh phúc cuối, để đóng bài thơ lại, cũng « rực thắm bóng trăng ngần » trong khi không gian của bài thơ là một không gian buổi sớm? Mặt trời là biểu tượng cho dương tính, còn mặt trăng là biểu tượng cho âm tính, cho người nữ, cho sự dịu dàng, đằm thắm. Nhìn ánh hồng lên của mặt trời nhưng người thi sĩ hình như lại thấy mầu hồng bạc của ánh trăng. Ấy chính là do tác động dịch chuyển của vô thức hoặc tiềm thức. Ánh trăng hồng có lẽ đã đem về cho ông cái dịu ngọt của những ngày tháng cũ. Chợt nhớ lại năm, sáu bài thơ trong một loạt thơ về « ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng hạ » thời ’70 của Thanh Tâm Tuyền. Những biến tấu quanh một ánh trăng. Có hay không sự hoạt động của tiềm thức hay vô thức ở đây? Và, để lặp lại, bài « Vang vang trời vào Xuân » đã được kết bằng hai câu Tim ta cũng cháy đỏ / Rực thắm bóng trăng ngần. Như thế, trăng chính là người bạn của thi sĩ. Nó nuôi nấng những ước mơ và sự dịu ngọt mà cuộc hành hình kia không thể bôi xoá hoặc lấy mất.
Ðoạn thơ thứ hai, bốn câu giữa, xét về vần, về điệu, là những câu đặc biệt. Vần trắc cho những câu hai, bốn, và vần bằng cho những câu một, ba. Nhưng cái vần bằng này là một nỗ lực kiên cường, bất khuất của thi sĩ, cố giữ cho thân và lòng mình ở cái thế thăng bằng, không gục ngã, cũng như không biến lòng mình thành một bãi chiến trường của sự oán thù. Người thi sĩ đã cương quyết đứng vững trong cuộc đời. Hai chữ đầu của câu đầu trong đoạn này, « đứng vững », đều là những âm tiết trắc, với những thanh trắc cao [4], để chỉ sự cương quyết. Từ « không », thanh bằng, cao, vừa như một buông lơi của thân xác cho tâm hồn được mềm lại, vừa như một xác quyết không lay chuyển. Từ « khuỵu », với thanh trắc, nặng, thấp, nhưng không gãy, và với cái khuôn ngữ âm vừa rất tượng hình lại như cũng có nét tượng thanh kia, kế đó, lại giống một nét chênh chao của thân hình, như mang trong nó dấu vết và ký ức của những cú quật, cú đánh cốt cho ngã xuống, từ những tai biến và hệ luỵ mà cuộc đời mang lại. Thế nhưng cái chủ thể mang thân xác con người ấy vẫn không ngã xuống. Và từ « chân », sau đó, trở lại thanh bằng, để cho thấy, cuối cùng, người thi sĩ đã tìm lại được thế đứng cân đối của mình « trên mảnh đất nghèo khổ ». Hai âm tiết bằng « vô cùng », cao rồi thấp, trong câu ba của đoạn thơ này, cho thấy sự bền vững, dẻo dai của người tù, như là đứng thẳng người rồi xuống tấn, hít thở. « Ðoá hồng rợ », về mặt ý nghĩa, cho ta hình ảnh một nét đẹp mang ít nhiều tính man dã mà người tù tìm được cho mình giữa cảnh bi thương và khốc liệt, tàn bạo của cuộc đời, của cuộc tù. Nhưng chính từ nỗ lực tìm kiếm để có được nét đẹp ấy, người tù nhận ra được giá trị tuyệt vời của nó.
Ðoạn thơ giữa này, gồm hai mươi chữ, đã có tới mười một chữ mang thanh trắc, và chỉ có chín chữ mang thanh bằng, một sự rất bất thường trong thơ, vốn thường có khuynh hướng chiều chuộng những thanh bằng, những thanh đem lại cho thơ sự mềm mại, dịu dàng và thơ mộng. (Hãy thử so với đoạn cuối, năm câu thơ năm chữ, gồm tất cả hai mươi lăm chữ, mà chỉ có chín âm tiết trắc, để thấy được là sau nỗ lực đứng thẳng và không gục ngã kia, thi sĩ đã tìm lại được niềm vui với nhiều hạnh phúc và bình an hơn trước đó). Ðoạn thơ đầy những âm tiết trắc này đem đến cho người đọc những hình ảnh mạnh, cứng và sắc nét, đồng thời cũng gợi ra được cái dáng oằn mình để cương quyết vươn lên, với ý chí vượt thắng định mệnh của người tù, của cái hữu-thể-tại-thế đáng trân trọng ấy..
Cần để ý đến những nỗ lực đổi mới thơ của Thanh Tâm Tuyền, kể từ khi ông viết những bài thơ tự do làm rối mắt, rối tim và rối trí nhiều người từ những năm cuối thập niên ’50. Trong tập « Thơ ở đâu xa » này, dù trong rất nhiều bài ông đã dùng những thể thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ và tám chữ, với cái hình thức của thể loại này, cho đến nay, được xem như đã định hình từ sau giai đoạn nổi bật huy hoàng của dòng thơ mới qua giai đoạn 1932-1945, cho đến suốt những năm sau này, là thời kỳ tiếp tục phát triển và mở rộng ảnh hưởng của nó, đọc kỹ, ta vẫn thấy cái nỗ lực đổi mới của ông ngay trong những thể loại được xem là bền vững ấy. Cái mới của Thanh Tâm Tuyền nằm trong hình ảnh, đã đành; nhưng điều quan trọng, tạo nên một dấu ấn rõ nét trong thơ ông, ở thời kỳ này, là cách sử dụng nhiều những âm tiết mang thanh trắc, trong vần cuối cũng như trong những âm tiết giữa bài thơ, tạo thành một giọng điệu và một phong cách riêng.
Trong thơ, cũng như trong văn, người ta phải dùng những âm tiết vừa có thanh bằng vừa có thanh trắc để tạo nhịp điệu và nét thay đổi cho giọng và hơi văn, hơi thơ. Nhưng đặc biệt trong thơ, người làm thơ phải biết sắp đặt làm sao cho giọng thơ được xuôi chảy, tránh sự trúc trắc tạo ra bởi quá nhiều những âm tiết có thanh chõi nhau, được đặt cạnh bên nhau. Thậm chí, họ có thể đặt nhiều âm [5] có thanh bằng bên cạnh nhau để tạo một nét thơ mộng và mềm mại cho câu thơ nữa. Trong thơ, khả thể của tính chõi về thanh điệu có thể nói là nằm trong sự kết hợp của những âm có thanh trắc với nhau. Và, dĩ nhiên, cũng nằm trong sự kết hợp và phân bố của những cụm âm mang thanh trắc này với những âm có thanh bằng chung quanh. Có bốn thanh trắc. Sắc, hỏi, ngã, nặng. Sắc và ngã là những thanh trắc cao. Hỏi và nặng là những thanh trắc thấp. Thường, để tránh sự chõi thanh điệu, người ta có thể dùng những kết hợp hai thanh trắc cạnh nhau; sau đó, phải chuyển qua thanh bằng để đi tiếp, tạo nên những chu kỳ mới. Người ta cũng thường dùng những thanh trắc theo kết hợp cao-thấp (hoặc thấp-cao); những kết hợp cao-cao (sắc ngã) hoặc thấp-thấp (hỏi nặng) cũng có, nhưng ở một tần số thấp hơn. Ðặc biệt, người ta rất hiếm khi dùng ba, bốn âm tiết mang thanh trắc kế tiếp nhau, vì điều đó tạo ra một nhịp chõi quá gắt, khiến cho câu thơ có thể gặp hiểm nguy về mặt âm thanh, vần điệu.
Ta thử đọc một số câu thơ trong bài thơ năm chữ thật hay và đẹp sau đây, cũng về mùa Xuân, được làm trước 1975, vào đầu thập niên ’60, của Kim Tuấn:
nụ hoa vàng ngày xuân
Anh cho em mùa xuân
Nụ hoa vàng mới nở
Chiều đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy
Chân bước mòn vỉa phố
Mắt buồn vin ngọn cây
Anh cho em mùa xuân
Mùa xuân này tất cả
Lộc non vừa trẩy lá
Thơ còn vương cõi đời
Con chim mừng ríu rít
Vui khói chiều chơi vơi
Ðất mẹ gầy có lúa
Ðồng ta xanh mấy mùa
Con trâu từ đồng cỏ
Giục mõ về rộn khua
Ngoài đê diều thẳng cánh
Trong xóm vang chuông chùa
Chiều in vào bóng núi
Câu hát hò vẳng đưa
Tóc mẹ già mây bạc
Trăng chờ trong liếp dừa
(…)
Ngoài một số những kết hợp theo dạng trắc-trắc như “mới nở”, “vỉa phố”, “tất cả”, “trẩy lá”, “thẳng cánh” (là những kết hợp trắc-trắc theo dạng cao-thấp hoặc thấp-cao), cùng những kết hợp như “ríu rít”, “có lúa” và “bóng núi” là theo dạng cao-cao (hai thanh trắc không gãy), tất cả phần còn lại trong đoạn thơ trích này là kết hợp của những âm tiết bằng với nhau, hoặc là những kết hợp trắc-bằng, bằng-trắc bình thường. Bài thơ, như thế, có cái điệu thiết tha đẹp và nhẹ buồn để diễn tả một khung cảnh đằm thắm, ấm áp của quê hương.
Bài thơ của Kim Tuấn chỉ là một thí dụ điển hình để cho thấy cách tạo vần điệu và nhịp tiết một cách đúng, đẹp và hợp lý trong thơ. Ta có thể lấy gần như bất kỳ một bài thơ Việt Nam nào khác, đặc biệt những bài thơ có vần điệu, trong những giai đoạn khác nhau (chưa kể những bài thơ ngũ ngôn, thất ngôn Ðường luật), trước khi tập “Thơ ở đâu xa” ra đời, để thấy được sự bền vững trong kết cấu của âm điệu này [6] . Trong thơ của Thanh Tâm Tuyền, ở nhiều chỗ, trong khía cạnh âm điệu, tình hình lại xem như có vẻ trái ngược. Ông rất hay dùng những kết hợp ít thấy trong thơ, như kết hợp trắc-trắc theo dạng cao-cao, một không gãy, một gãy (đứng vững không khuỵu chân, cháy rỡ mây hồng); thấp-cao (theo dạng ít thấy, dấu hỏi đi với dấu ngã, cả hai đều gãy: đứng ngây trời ẩm sũng); kết hợp ba âm trắc sát nhau: gọi nghe biển dậy sóng, thở hít tận vô cùng, tim ta cũng cháy đỏ, thoáng lơi tay tỉnh thức ngón tê mê, nhìn nắng loé ánh trên tàn lá, mưa rối mắt đong đưa búp lá nõn (câu thơ tám âm tiết mà có tới năm thanh trắc cao, thanh cuối lại gãy)…
Thanh Tâm Tuyền lại thường hay dùng những khuôn âm lạ, những hình ảnh lạ, những kết hợp lạ về ngữ nghĩa và âm điệu: Vàng sững thung lũng cầm hãm / Ðồi già trọc bừng hoảng vô vọng / Ðá tảng khuyết lở hủi mòn (năm âm tiết trắc bám sát nhau) / Chốn bình minh lẩn lút / Ðêm vây hãm lụn dần / Xanh thất thần xanh ngây hạnh phúc / Thanh thoát cơn say rũ tro mộng / Tuốt những chùm bông hạt già úa / Thoáng hương gắt bắt nhớ tha thiết (ba âm tiết trắc bám vào nhau, hai âm đầu lại điệp vần) / Mái tóc ẩm dầy đầu thềm rũ hong (ba âm tiết bằng tiếp theo ngay ba âm tiết trắc) / Ðồi đột ngột rực nắng mê mệt (năm âm tiết trắc bám vào nhau, chỉ cho một âm tiết bằng lọt thỏm vào sát cuối)… Nhiều bài thơ bốn câu của ông được cấu trúc theo dạng vần gián cách: hai vần trắc của câu 1 và 3 bám nhau, hai vần bằng của hai câu 2 và 4 bám nhau. Những vần trắc này tạo nên vẻ khắc khổ và khúc khuỷu cho vần điệu và nhịp thức . Như trong bài Chủ nhật lên núi kiếm củi : Một tay chống gậy tay dao quắm / Bò leo dốc đứng thở mang tai / Lên cao trông xuống lũng xanh bấy / Cớ sao lòng chẳng buồn nhớ ai.
Sự nổi lên của những âm tiết trắc như thế, nơi nhiều bài thơ trong tập “Thơ ở đâu xa”, nhắc lại những gì tôi đã có dịp nói về thơ Thanh Tâm Tuyền trong giai đoạn sau, giai đoạn của tù ngục, cầm hãm. Những câu thơ gẫy khúc nơi cách cấu âm của những từ ngữ trong thơ ông đã diễn tả được một cái gì gần gũi với sự đau đớn, xót xa, kìm nén, kiên nhẫn và cương quyết chịu đựng để vươn lên của tâm hồn con người nói chung, và của tâm hồn nhà thơ nói riêng. Giống như hình ảnh một đoá hoa vươn lên từ một vùng đất cằn, đất chết để tiếp tục lưu hương và toả ánh sáng vào cuộc sống. Từ tất cả những điều đó, ánh sáng mới trong thơ Thanh Tâm Tuyền mà người đọc nhìn thấy trong tập “Thơ ở đâu xa” không phải là cái ánh hào quang cũ của một thời bình yên và nhiều mộng tưởng ngày xưa, nhưng đây là cái ánh sáng mềm mại, thanh thoát, được lọc qua bao bi thương, âm u và bóng tối để đến với chúng ta. Cái ánh sáng đó, tôi nghĩ, có thể có những nét đáng quý hơn cái ánh sáng rực rỡ mà đôi khi chói gắt của thơ ông những ngày tuổi trẻ.
Cái hạnh phúc ấy Thanh Tâm Tuyền cũng tìm được trong một bài thơ khác, cũng về Xuân:
Vẫn thấy trong mơ đời trở giấc
Cỏ cây rù quyến gió hoang đàng
Trời xanh cao vút giếng nước ngọc
Ðất hiền thở hương nắng thênh thang.
(Xuân)
Câu 3 của bài thơ này gợi âm hưởng và ánh sáng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhất là gợi nhớ đến hai câu Kiều này: “Long lanh đáy nước in trời / Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”. Nhưng, câu thơ của Thanh Tâm Tuyền, đặt trong chu cảnh của bài thơ và tập thơ nói chung, mang trong nó cái không khí của một “thời đại động”. Hai âm tiết trắc trấn giữ hai nét cuối của những câu một và ba. Hai câu của Nguyễn Du cho chúng ta một cái nhìn ngang, dàn trải, bao quát cả cảnh vật, thành quách, núi non. Và, có lẽ, chúng cũng kéo tầm mắt ta xuống thấp để quét cái nhìn lên mặt nước long lanh đẹp đang phản chiếu hình trời kia. Câu thơ của Thanh Tâm Tuyền, hướng cặp mắt chúng ta lên trên, để ta nhìn thấu trời xanh. Giếng nước ngọc có lẽ là ở trên ấy, trên nền trời xanh, trong cái tâm thế hạnh phúc ở-chính-ngay-giây-phút-này để bay lên cao của con người. Chứ nó không ở bên dưới, trong cái nhìn hiện thực của đời thường. Trời xanh cao vút giếng nước ngọc. Ba thanh bằng kế tiếp bằng bốn thanh trắc. Một cấu trúc lạ và tuyệt đẹp.
Cái nhìn của người tù như từ từ đi lên, càng lúc càng cao. Trời, một thanh bằng ở dưới thấp, trầm bình; sau đó là hai thanh phù bình tiếp tục đi lên cao hơn. Kế tiếp là ba thanh trắc cao, đi vút lên, không gãy, cho thấy ánh mắt đã đậu vào cái xanh ngát của bầu trời cao vút kia. Âm tiết ngọc, cuối cùng, lại mang trong nó một thanh trắc thấp, cũng không gãy, nhưng âm tố cuối của nó, “c”, “cờ” [k], lại là một âm tắc, vô thanh, âm bị tắt một cách đột ngột, như hạ cái nhìn của con người, một chút, xuống “đáy giếng”, và sững lại ở đó, bàng hoàng, trong một tâm thế và một cái nhìn quán chiếu đầy ảo hoá và thơ mộng, để thấy cái chất ngọc lung linh lóng lánh thơm và xanh biếc của bầu trời. Những cụm từ, tạo nên những hình ảnh rất mới và đặc biệt, “cỏ cây rù quyến”, “gió hoang đàng”, và “hương nắng” đã khiến bài thơ mở ra những không gian mới lạ, trong đó trời đất và thiên nhiên quyến rũ con người, đem nó vào một cuộc trốn chạy, một cuộc vượt thoát diệu kỳ. Hãy tưởng tượng cái tâm thế hạnh phúc và tự do của một con người. Kẻ đó là một người tù. Nhưng Trời đã cho hắn làm thi sĩ để vượt qua. Vượt qua và vượt lên tất cả. Như ý nghĩa của chữ “Việt” trong từ kép Việt Nam. Ðể trở thành chứng nhân cho một điều gì đó đẹp đẽ và kỳ diệu mà chỉ con người mới có thể tìm thấy và chân nhận.
Mỗi lần đọc lại tập “Thơ ở đâu xa”, đọc những bài thơ tù, thơ làm trong đầu của Thanh Tâm Tuyền in trong tập thơ này, tôi nghe một cái gì vừa đau đớn, vừa xao xuyến, náo nức, vừa hạnh phúc, thiết tha trong tim mình. Tôi không hiểu sao lại có một loại thơ tù như thế, sao lại có thể có một người tù làm thơ được như thế. Hãy thử đọc lại vài bài ở đây trước khi chúng ta tìm hiểu thêm về tâm hồn của kẻ thi sĩ:
hái trà dưới trời mưa tháng bảy
mưa rối mắt đong đưa búp lá nõn
thoáng lơi tay tỉnh thức ngón tê mê
nghe gần gũi sa đà trời tháng bảy
gió xa xôi từ mạn lãng quên về
trưa tháng chín trên đồi cọ
gió chuyển mùa reo lộng đồi cọ
rào rạt mướt xanh ngỡ mưa lay
nhìn nắng loé ánh trên tàn lá
cơn sốt tình rực rỡ đắm say
thơ làm khi đi nuôi cá
gánh cỏ trên vai thơ trong đầu
trời chớm thu hạ mường tượng hồng au
tung hê cỏ vụn trên hồ vắng
băm nát tình si đều nhịp dao
tháng mười cấy rau lấp
bước xuống ruộng hồn bỏ trên bờ
chân giẫm bùn tay cấy thẩn thơ
tháng mười sương giá trắng trời đất
gió hớp hồn bay đỉnh núi mờ
Tôi muốn hỏi, một lần nữa, điều gì trong tâm hồn kẻ thi sĩ đã khiến cho hắn có thể không những sống sót mà còn làm thơ được về những hạnh phúc nhỏ bé mà hắn đã có qua cuộc sống sót kia. Mưa rối mắt đong đưa búp lá nõn. Một câu thơ tám chữ, trong đó hai từ gồm ba âm tiết “mưa” và “đong đưa” là những hình ảnh và nhịp điệu mềm. Cụm động từ dùng như tính từ “rối mắt”, bổ nghĩa cho “mưa”, làm cho ta thấy cơn mưa đan chéo nhau, như những sợi chỉ trắng xoá, chồng chéo, giăng kín, đầy khắp. Không biết cơn mưa thật trong hiện thực đó đã xảy ra như thế nào, nhưng cơn mưa được lọc qua cái nhìn và tâm hồn của Thanh Tâm Tuyền để hiện ra trước mắt chúng ta là một cơn mưa mềm, nhẹ và xanh nõn. Nó làm rối mắt đấy, có lẽ, nhưng nó không làm mất đi được của nhà thơ cái nhìn thơ mộng, tin yêu vào cuộc đời. Nhìn để thấy được những búp lá nõn, biểu tượng của cuộc sống, của sự hồi sinh, phục sinh. “Búp lá nõn” có thể là đối tượng, là túc từ trực tiếp của động từ “đong đưa”, mà chủ từ của động từ này là “mưa”. Nhưng “búp lá nõn” cũng có thể là chủ từ của động từ này trong một cấu trúc nghịch đảo. Nếu nhìn như thế, “búp lá nõn” được đưa vào cận ảnh, tạo một nét sinh động hơn cho nó trong cuộc khiêu vũ dịu dàng kia. Dù thế nào đi nữa, những búp lá nõn chính là hình ảnh nổi bật, đẹp tươi mà nhà thơ muốn đưa vào nhãn giới và tâm giới ta. Trên một cái nền của những dòng mưa trắng xoá.
Người đi hái trà, là kẻ tù nhân, kẻ đang bị cầm hãm, cảm thấy một hạnh phúc kỳ diệu khi chạm tay vào những nét mềm và dịu và nõn và xanh kia của thiên nhiên. Từ sự xúc tiếp dịu dàng và thân yêu ấy, hắn thấy bầu trời tháng Bảy như la đà gần gũi hạ thấp xuống. Trong một không gian của mưa bay rào rạt, sự gần gũi thân tình của trời cao kia với hắn, trong cái tâm thế của kẻ bị vây hãm, hình như cũng là một cái tội, mặc dầu chắc chắn là hắn đã cám đội ân nghĩa thân tình ấy biết bao. Trong cái không gian của đồi-núi-trại-giam, đến cả trời đất cũng có tội. Trời thương người và thu mình xuống thấp, nhưng đó cũng là một sự “sa đà”, buông lơi tình cảm quá trớn, nhất là đối với một người tù. Dù sao, chính nhờ sự thân tình, gần gũi của trời kia mà hắn đã thấy lại được những cơn mộng cũ. “Gió xa xôi” là gì nếu không phải là những cơn mộng cũ từ những nơi chốn tít tắp xa trong quá khứ giờ đây chăng mịt mù gai nhọn của người tù. Tưởng là những cơn mộng cũ ấy đã không còn đất sống, đã trôi dạt mãi mãi rồi “trong lãng quên xanh hút thời gian” [7]. Ðã không thể vượt thoát nổi những hàng rào gai nhọn của cuộc đời này để mà trở về. Nhưng không, chính trong cơn mưa bay của trời tháng Bảy ấy, chính trong cơn “sa đà” của trời đất vì thương xót người tù, tất cả những tha thiết cũ từ mạn lãng quên nào lại tất tưởi vượt thoát tất cả để trở về. Ðể thân và tâm của kẻ đang bị vây hãm được cùng nhau gắn bó, và để cho nước mắt và nụ cười cũng như niềm tin kia còn được tái sinh. Ðó là điều kỳ diệu đã xảy ra trong tâm hồn và trước mắt nhìn của người thi sĩ.
Thi sĩ, như thế, chính là kẻ đã cưu mang, nuôi nấng và gìn giữ được những điều kỳ diệu ở trong lòng. Những điều kỳ diệu ấy chính là chân tướng, bản thể của thực tại, của sự vật. Hãy để thiên nhiên và chân lý (aletheia) tự khai lộ, trình hiện, vén mở ra trước sự tiếp cận, trước mắt nhìn của con người. Hãy để cho cỏ cây hoa lá con dao cái cuốc cái xẻng và mọi sự, mọi vật, mọi tình huống, mọi hiện tượng trong đời, nói chung là tất cả những gì ta chung đụng và sống với, tự tỏ lộ, vén mở trước ta qua sự hiện hữu kề cận giữa ta và chúng. Nhưng, để sự vật hiển hiện ra cho ta, thì, trước hết, ta phải đứng vào một vùng ánh sáng thích hợp. Như trong tư tưởng của Hölderlin được Heidegger minh giải. Con người, đặc biệt nhà thơ, là kẻ thiết lập cái khả kiến, cái vừa ẩn giấu vừa khai mở, cái thiêng liêng vốn bao phủ và cư lưu ngay trong lòng hắn. Hắn thiết lập, sáng tạo, gọi tên cái khả kiến này bằng và qua ngôn ngữ, đặc biệt bằng lời thơ, để có thể nhìn ra, tạo ra những đoá hoa kỳ ẩn. Với ngôn ngữ của mình, kẻ thi sĩ tìm được những đoá hoa ấy, tìm được hạnh phúc mình ngay trong lòng bản thể của thực tại. Những điều kỳ diệu mà hắn nhìn thấy sẽ rực rỡ bay lên, thậm chí có thể bay lên từ ngay trong những hoàn cảnh, tình huống khốn khó nhất.
Và, như thế, trên đồi cọ, tháng Chín, không phải kẻ tù nhân nào cũng thấy và nghe được tiếng “gió chuyển mùa reo lộng đồi cọ.” “Reo” không phải là tiếng của thiên nhiên. Ðó là tiếng lòng của con người. Kẻ đang bị cầm hãm bắt gặp lại được hạnh phúc của chính mình cùng với tiếng reo trong tim kia khi nhìn thấy thiên nhiên trở mùa. Hắn tin vào cuộc đời, vào sức sống, vào niềm tin của chính hắn, của chính con người. Cũng thế đối với “rào rạt”, và “mướt”, và “lay”, và “loé”. Ðó là những điều chỉ cảm nhận được từ trái tim, hay từ mắt nhìn tin yêu vào sự sống.
Cơn sốt tình rực rỡ đắm say. Người tù lên cơn sốt, nhưng đây lại là một cơn sốt khi hạnh phúc quá đầy, quá lớn. Hạnh phúc của một con người tỉnh thức, nhìn thấy thật rõ giá trị của hiện sinh mình. Không có cái nhìn “đốn ngộ” vào trái tim của cuộc sống như thế, người ta không thể có được niềm hạnh phúc tràn lấp kia.
Cũng trong tâm thế ấy, người tù đi gánh cỏ để nuôi cá. Ðấy cũng là một cuộc lao động mệt mỏi, nhưng thơ đã cứu vớt ông. Lúc nào ông cũng có thơ trong đầu. Và còn nữa, cả một bầu trời chớm thu mà ông mường tượng ra có những chỗ đang ửng thơm lên với những nét hồng au như môi má của một người nữ nào đó trong quá khứ. Một người nữ nào đó bất kỳ. Một nét mềm mại và đáng yêu của cuộc sống. Tung hê cỏ vụn trên hồ vắng / Băm nát tình si đều nhịp dao. Băm cho cỏ vụn nát và tung trên hồ cho cá, hình như ông xem những động tác đó là những nghi lễ của tình yêu, những nghi lễ của đời sống. Giống như ông đang thả bay những giọt lá me, những hạt cốm non của đất trời, trên một con đường tình. Ở đó, ông và người yêu đã có những lần chung bước. Có lẽ, trong khi băm cỏ, ông đã nghĩ đến những mối tình cũ kỹ, xa xưa nào đó. Những cuộc tình trong đời. Ðáng yêu, đáng cười, nhưng cũng đáng nhớ. Ngày đó khi Xuân ra đời một trời bình minh có lũ chim vui. Có lứa đôi, yêu nhau rồi, hẹn rằng còn mãi tươi môi. [8] Tôi thấy Thanh Tâm Tuyền đáng yêu làm sao. Là một kẻ bị cầm hãm, nhưng ông đã sống trong tù như một hành giả, như một thiền sư. Vì tình. Và tình yêu con người ấy đã cứu sống ông để trả ông về với cuộc đời, với những người thân yêu và những gì trìu mến mà ông, như mỗi một người trong chúng ta, đều có và đều thiết tha trân quý.
Tình yêu ấy cứu sống ông trong những lần bị bầm dập, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen, mà cuộc sống vứt đẩy ông vào:
Tuột dốc té nhào trên hẻm núi
Chết điếng toàn thân trong giây lâu […]
Mưa giăng tấm lưới trắng dầy khít […]
Gió lạnh tái tê bó liệm chặt
Lả thiếp người quên bẵng xước đau
Ðầm mình trong hạnh của ẩn mật
Mắt hoen nhoà hứng giọt thiên thâu
Dò dẫm lối về đêm tối mịt
Sông xa núi thẳm quê nhà đâu?
(Ngã trên núi Việt Hồng ở Yên Báy khi đi vác nứa)
Hạnh của ẩn mật. Cái “ẩn mật” riêng trong lòng Thanh Tâm Tuyền. Chính cái ẩn, cái được giấu kín, cái riêng tư, và cái bí mật của riêng mình ấy, đã là những hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng bền vững, giúp nhà thơ vượt qua được tất cả mọi khổ đau, khốn khó, để giữ vững lòng mình. Nhà thơ hẳn đã có một “bí quyết”, một cái mã riêng, một cách thế sống ở đời, để nhìn thấy hay tìm được những hạnh phúc “ẩn mật” kia khi vấp phải những gai góc, khổ nạn trong đời.
*
Tôi nhớ đến những bài thơ xuôi ông làm cho con gái của mình. Một cô con gái ngây thơ, hồn nhiên, chín tuổi, đôi khi đối với bố mình lại như một bà cụ non. Nhưng cô ta lại chính là những gì mà cả đến ngọc ngà và châu báu cũng không thể đánh đổi được. Ông viết trước, trong tù, chờ tặng cho con gái lớn lên:
[…] Chiều xẩm, nhập nhoạng bóng mờ. Mắt tôi như còn vướng mắc quáng loá ban trưa. Con gái tôi ẩn hiện loanh quanh như vệt sáng di động trên nền vách đất đang toả mát […] Bố không biết làm gì để có món quà cho con gái. Bố chỉ biết làm những bài thơ […]
Cô sinh vào mùa hạ, ngày cuối tháng năm, ở thành phố miền núi.
Mùa hạ. Mùa hạ đó. Mùa nắng ửng cỏ mướt. Như sóng dồi biển gió động, thông rừng nô nức. Muốn bay biến. Nắng đùa nhảy, tuôn nhầu, luông tuồng, từ núi thẫm ngàn rú xuống vực lục diệp rối bời. Trong vườn tược rậm rịt lối, lúc trưa bằn bặt như sẽ chẳng khi nào thức giấc giữa ráo riết gió nắng, trĩu rớt quả chín. Ô, trái quả nồng cay hương lửa tinh mật.
Mùa hạ. Mùa hạ cháy im ắng bất tuyệt.
[…] Bao giờ cô trở lại thành phố miền núi? Hãy về đúng ngày sinh của cô, thiếu nữ thân tình và lạ hoắc với thành phố như những ánh mặt trời xa tít tắp lóng lánh trong mắt cô. Trở về cùng lúc với gió nắng trải óng mượt và bóng rợp lượn lờ triền núi. Mưa rào, giông lốc sẽ vẫn đúng hẹn, tưng bừng. Sẽ vẫn những trò hội xưa, điệu hát cổ đại của thông rừng, những thung cây trái bát ngát chào đón…
Hạnh ngộ.
Cô thủng thẳng bước trong chiều mưa mờ đục. Không trú ẩn. Nước đẫm gương mặt tương tư trầm tĩnh. Ðường phố của mình cô. Cô choàng áo màu đêm núi tím than hay che mái dù màu trăng úa? Cô có nhớ đeo sợi dây treo mặt đá đen quanh vòng cổ, như tròng mắt chết thời chiến tranh mà bố cô, chú cô bị giạt đắm? Cô có nhớ đeo chiếc vòng tay bằng vỏ đạn khắc trạm nhũ danh và dàn nhạc đại hoà tấu? Nhạc khúc Sinh Mệnh bi tráng bố cô từng nghe, nghe thấu hết thảy mọi nỗi trong cõi đày ải. Cô có nghe? […]
Có lẽ những hình ảnh như thế, cùng những hình ảnh khác nữa, đã neo giữ mỗi một chúng ta lại trong cuộc đời này. Nó làm chúng ta kiên nhẫn hơn, dẻo dai hơn, biết chịu đựng hơn. Cương quyết hơn. Và sống con người hơn.
Trong cái tâm thế “thiền lao” (để đối với “thiền hành”, “thiền toạ”) ấy, người tù lao động thân xác nhưng tâm trí ông bay đến những nơi rất xa. Ðọc lại bài “Tháng Mười cấy rau lấp”, câu đầu, Bước xuống ruộng hồn bỏ trên bờ. Ông để hồn trên bờ cho những làn gió hay những bè mây trên cao kia neo giữ? Ở đây, đọc câu cuối của bài thơ, gió hớp hồn bay đỉnh núi mờ, ta thấy yêu mến ông quá. Ta nhớ Hàn Mặc Tử cũng đã để cho hồn mình bay… tứ tung như vậy. Tôi dìm hồn tôi xuống một vũng trăng êm… / Rồi bay lên cho tới một hành tinh / Cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình. Thân xác ông đang cấy rau lấp vào tháng Mười, nhưng tâm hồn ông đã bay xa mất hút. Tôi mong ông gặp được những điều yêu dấu của cuộc đời trong những chuyến để hồn bay xa như thế.
Nếu không để hồn bay xa, Thanh Tâm Tuyền lại có cái phong thái thơ mộng đáng yêu của Juan Ramon Jimenez, nhà thơ xứ Andalusia, Tây ban nha, đoạt giải Nobel văn chương vào năm 1956. Jimenez có tập thơ xuôi Platero y Yo (Con Lừa và Tôi) thật tuyệt vời, trong đó, nhà thơ lang thang, rong ruổi khắp nơi với con lừa của mình. Nhà thơ làm bạn với đủ các loài vật như bướm trắng, chim én, chim sẻ, vẹt, ngựa, lừa, chó, dế, vịt, chim thuý yến, v.v., cũng như với bao nhiêu trẻ con, các bé trai và các bé gái. Ðọc cuốn sách ấy, tôi nghĩ ai cũng yêu thương Jimenez. Qua bài thơ sau đây, cũng lại là một bài thơ tù, Thanh Tâm Tuyền làm tôi thấy ông cũng đẹp đẽ và đáng yêu như người thi sĩ xứ Andalusia kia:
trưa, tù và bướm
trưa bốc cháy loà đồng đất rung
chênh chao khói nắng bướm bay vờn
bướm dại quẩn quanh bên tay cuốc
đáp đậu bàn tay xoè ngửa không.
Bài thơ chỉ có bốn câu mà nhà thơ cho thấy được cái đối cực giữa cơn nắng nung người của đồng đất và cái không gian mường tượng ra là có vẻ êm mát vì có cánh bướm vờn bay. Nếu không gian đó không thật sự êm mát thì, với cánh bướm được thả để bay vào bài thơ như thế, Thanh Tâm Tuyền đã làm cho cái không gian ấy như có tiếng gió nhẹ. Mát và thơm thơm mùi phấn hoa. Có lẽ tiếng gió đã phát ra từ đôi cánh bướm mỏng manh kia. Nắng bốc cháy loà khiến cho đồng đất phải rung lên, như miếng sắt nguội đang được đưa vào lửa. Nhưng hai âm “chênh chao” nhẹ hẫng và như muốn bay lên ở câu thơ thứ hai kia đã làm cho không gian bỗng như nhẹ thênh lên, không còn bị cái nắng cháy loá kia đè xuống nữa. Từ đó, cánh bướm len lén bay vào chấp chới bên tay người tù đang cuốc đất hay cuốc cỏ giữa đồng. Hình ảnh này làm cho tôi nhớ đến một nhân vật luôn được những cánh bướm bay theo trong Cien Anos de Soledad (Trăm Năm Cô Ðơn) của Gabriel Garcia Marquez.
Câu cuối, đáp đậu bàn tay xoè ngửa không, mang biện pháp tỉnh lược thật đẹp. Thanh Tâm Tuyền đã dùng thủ pháp cắt bớt đi một vài nét của bức ảnh, khiến cho nó trở nên hơi nhoè mờ đi, hợp với ấn tượng mà ông đã tạo nên qua từ “loà” và “quẩn quanh” trong những câu thơ trước đó, khiến tất cả tạo nên một hiệu ứng nhoè mang đầy nét ấn tượng nghệ thuật. Câu cuối, nếu là văn xuôi, có thể được viết thành: [Cánh bướm] đáp [xuống và] đậu [trên] bàn tay xoè ngửa [lên] không [của tôi]. Cũng có thể nói đó là biện pháp giấu đi liên từ và giới từ của nhà thơ. Biện pháp này Thanh Tâm Tuyền đã dùng trong thơ của mình suốt từ những năm ’50 với những bài thơ tự do đầu tiên của ông cho đến mãi sau này. Ðây là một thủ pháp đặc biệt mà Trịnh Công Sơn cũng hay làm với những ca từ và hình ảnh của mình.[9]
Thanh Tâm Tuyền là một người biết cách làm thế nào để sống còn khi phải sống trong cuộc đầy ải. Ông biết sống tỉnh thức để thấy được những nét đẹp, dù là nhỏ nhoi, của cuộc đời. Ông biết chấp nhận, chịu đựng, kìm nén, kiên nhẫn để vượt qua. Ông biết tách thân xác và tâm hồn mình làm hai để tâm hồn có thể vẫn vươn lên và, cuối cùng, cứu được cái thân xác thường bị đày ải và có lúc hẳn là cũng phải đắm chìm trong cuộc lâm luỵ kia. Một trong những cách để “bay lên” và “bay xa” là tạo ra mộng. Tạo ra mộng trong cách ngắm nhìn của mình đối với hiện thực, hoặc tạo ra mộng bằng cách biến hiện thực, trong những lúc có thể, thành ra những nét mộng. Những điều này đôi khi cũng có thể nhoè lẫn vào nhau. Như bài thơ dưới đây:
bến mộng
trờ tới bến sông
loã vầng trăng bạc
vằng vặc đáy nước
lặng lờ bầu không
bờ xa hiện hoặc
trời tạnh buông lung
một dải sông khác
lạnh trăng khoả thân
trong suốt trời sông
vô vàn bóng nguyệt
đêm lộng gương tạc
nhẹ thênh hình dung
Loã vầng trăng bạc. Loã, là một cách nhìn về hiện thực. Hiện thực đây là con trăng nơi bến sông. Trăng khoả thân thì lại là một cách biến hiện thực thành một hình ảnh khác. Có giống như Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa / Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô , hay Mây chết đuối trong dòng sông vắng lặng / Trôi thây về xa tận cõi vô biên, hay Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm / Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe, hay Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ / Ðầy mình lốm đốm những hào quang của Hàn Mặc Tử không?
Còn với bài lục bát dưới đây, tặng một người bạn hoạ sĩ, thì, mặc dù tả một hiện thực rất đời thường, rất thiết tha, ta thấy rõ là Thanh Tâm Tuyền đã nhìn cái hiện thực tầm thường ấy với cặp mắt rất riêng, rất nhậy cảm và đầy nét nghệ sĩ của mình. Một hiện thực đang từ chỗ rất tầm thường là một cơn mưa trong khu phố nhỏ, với những ánh chớp và tiếng sấm rền, trong một không gian co quắp, nhá nhem và u tối buồn, bỗng trở nên một bức tranh sinh động đầy ắp tình nghĩa. Hơn nữa, nó còn biến cái hiện thực tối và ướt ấy thành một không gian tuyệt vời thơ mộng. Thanh Tâm Tuyền, trước hết đưa vào bức tranh một ánh mắt. Ánh mắt nhìn của người nghệ sĩ. Sau đó, điều quan trọng hơn, ông đưa vào trong bức tranh ấy một quả tim. Quả tim của riêng ông. Và, từ đó, người ta đã nhìn ra được bao nhiêu bóng dáng ân tình của kỷ niệm, của quá khứ, của mộng và mơ, lần lượt bước về. Lay gọi.
trú mưa trên phố hoà hưng
đột nhiên rào trận thiết tha
lạc trên phố bạn nhớ nhà thân quen
trú chân hiên dột ướt mèm
cửa sau lưng đóng nhá nhem mưa dầm
mưa như xưa xối âm thầm
réo um gió bạt nhoè câm bóng hình
cố tri trời dội vong tình
âm u sấm lảng nhạt dềnh chớp khuya
đạp xe lặn lội đường về
lênh đênh cây cối bộn bề gió lay.
Thật là một bức tranh mưa, nhoè nhạt nước và nhá nhem hình. Một cơn mưa với sấm chớp và rất nhiều tiếng gió. Vậy mà tất cả hình như vẫn vô thanh và rất âm thầm trong tim. Cơn mưa như những tiếng mưa xưa, âm thầm, ướt xối và dầm chan, trong trái tim một người. Câu réo um gió bạt nhoà câm bóng hình là một câu thơ thật hay. Hình ảnh câm và nhoà của không gian, vạn vật, đã ôm chặt và cất giấu vào lòng nó những âm thanh của thế giới hiện tượng kia. Những từ “lảng” và “nhạt dềnh”, cũng như câu lênh đênh cây cối bộn bề gió lay, để nói về sấm và chớp, và về cái không gian xao động lênh đênh của đêm tối, mang đậm màu sắc âm nhạc và hội hoạ trong chúng. Như những bệt màu chỗ nhoà nhạt, chỗ loé sáng, trong tranh của J.M. William Turner. Và nghe như những vang âm của sonata Nocturne cung Đô thăng thứ của Chopin, soạn cho dương cầm và trung hồ cầm, đang lan toả trong không gian, thời gian. Trong thơ của Thanh Tâm Tuyền, những hình ảnh ấy như nửa gợi tả nửa ấn tượng, Sấm chớp ở đây như có một linh hồn. Một linh hồn thao thiết. Và chính là sự thao thiết của đất trời, của thiên nhiên như thế đã làm cho cuộc trở về, sau cơn mưa, của thi sĩ không còn nằm trong bình diện của hiện thực nữa. Nó lênh đênh chìm nổi với những lớp sóng của gió và lá bập bềnh bao quanh. Và nó vất đẩy thi sĩ vào một thế giới như đang muốn bay lên với gió lá và những vì sao có lẽ vừa xuất hiện trở lại trên trời cao kia sau cơn mưa. Tôi chắc hẳn là người thi sĩ, lúc ấy, có cảm giác như đang đạp xe lên trời, trong mầu xanh lênh đênh của cây lá và gió lộng, chứ không phải là đạp xe trên những con đường nhá nhem và lầy lội dưới đất nữa.