có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 10 29, 2023

Phố Bourbon Mập Mờ Trăng




• Nguyên tác: Moon Over Bourbon Street
• Nhạc & lời: Gordon Sumner (Sting)
• Lời Việt: Nguyễn Thảo
• Trình bày: Nguyễn Thảo
• Hòa âm & phối khí: Lê Vũ
• Ghi âm: ElevenSixteen Soundscape
• Final mix: LeVuMusic Studio
• Graphics: Concept by MarcMarc


Phố Bourbon Mập Mờ Trăng

Vì vầng trăng suốt đêm soi phố dài Bourbon
Đèn đường chao bóng nghiêng bao người ăn chơi bước chới với
Dẫu không muốn nhưng tôi còn đi theo mãi
Người say sưa, đường vắng dần, đợi chờ lúc trăng mờ.

Màn đêm hãy che dấu bao nghiệt oan
Vì lòng tôi mãi băn khoăn niềm dối trá
Ai nghe tiếng bước chân lướt nhẹ?
Nào ai thấy thấp thoáng chiếc bóng?
Mập mờ khi trên phố Bourbon trăng về

Từ một ngày nào, ngàn năm xưa
Một ngày trở thành loài ma quái
Cuộc đời cầm tù tôi trong
Nghìn thu đêm thâu lê thê
Hôn mê trong hóc tối, xa mặt trời giữa trưa
Để rồi bước lang thang trên phố khuya
Đợi chờ dưới trăng lu mờ

Xụp che một vành nón
Cặp mắt dại loài dã thú
Và bờ môi thâm kẻ khát máu
Dù đôi tay như chân tu
Đâu nghe tiếng bước chân lướt nhẹ
Nào đâu thấy thấp thoáng chiếc bóng
Mập mờ trăng xuống phố Bourbon đêm trường

Ngày ngày nàng vẫn thường đi qua
Từng đoạn đường hẹp New Orleans
Nàng dịu dàng và ngây thơ
Cuộc đời êm trôi như trong mơ
Tôi đã đứng bao nhiêu lần
Ngoài khung cửa kính dưới bóng tối
Giằng co trong tôi như xé đôi
Cạn kiệt phút trăng tàn

Đời cho tôi bao nghiệt ngã
Dù tôi luôn khấn xin ngày đêm
Vì phải yêu những gì tôi hủy
Và tiêu hủy những thứ tôi đã yêu
Ai nghe tiếng bước bước chân lướt nhẹ?
Nào ai thấy chiếc bóng thấp thoáng?
Mập mờ khi trên phố Bourbon trăng về


Moon Over Bourbon Street

There's a moon over Bourbon street tonight
I see faces as they pass beneath the pale lamplight
I've no choice but to follow that call
The bright lights, the people and the moon and all

I pray everyday to be strong
For I know what I do must be wrong
Oh you'll never see my shade
Or hear the sound of my feet
While there's a moon over Bourbon street

It was many years ago
That I became what I am
I was trapped in this life
like an innocent lamb
Now I can never show my face at noon
And you'll only see me walking by the light of the moon

The brim of my hat hides the eye of a beast
I've the face of a sinner but the hands of a priest
Oh you'll never see my shade or hear the sound of my feet
While there's a moon over Bourbon street

She walks everyday through the streets of New Orleans
She's innocent and young from a family of means
I have stood many times outside her window at night
To struggle with my instinct in the pale moonlight

How could I be this way when I pray to god above
I must love what I destroy and destroy the thing I love
Oh you'll never see my shade or hear the sound of my feet
While there's a moon over Bourbon street


NT: Nhân ngày lễ Haloween, xin được mời bạn bè KẻJazz nghe nhạc… ma.

Nói về ma thì loài ma xuất hiện sớm nhất có lẽ là ma Cà Rồng, vào thế kỷ 18. Trong cuốn Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn, đề ngày 1777, có ghi chép về loài ma chuyên đi hút máu người vào ban đêm.

“Vào thời Lê, Lê Quý Đôn mô tả, ma Cà Rồng ban ngày cày cấy như người thường, ban đêm thì đút hai ngón chân vào lỗ mũi bay đi, thích vào nhà bà đẻ hút máu, nếu thấy ánh đèn có sự khác lạ, tức là loài ma này sắp tới. Đến thời Nguyễn, Trương Quốc Dụng viết: ‘Ma Cà Rồng không khác gì người, chỉ có trán đỏ, mắt nhiều lòng trắng là khác biệt, thích ở một mình, ban đêm lấy hai ngón chân cái đút vào mũi, tay xách tai bay đi, thích ăn máu mủ, mụn nhọt và bà đẻ. Đến đêm phải phòng thủ, thấy đèn chuyển thành màu xanh thì là điềm ma đến, bấy giờ phải gõ vào vách tường, thành giường để đuổi nó, bằng không thì bệnh sẽ nặng’. Nhưng khác với ghi chép của họ Trương về việc ma Cà Rồng thích ở một mình, Phạm Thận Duật cho biết: ‘Ma này cũng là người, cũng có vợ con, thường bí mật lẻn vào chỗ người ta nằm, hút tinh huyết, người không biết phần nhiều bị chết’. Ông Phạm còn cho biết: ‘Sách Hưng Hóa lục của họ Trần (làm chức quan Hiệp trấn) nói: ‘Ma này lỗ mũi rất to, ban đêm cho hai chân vào lỗ mũi, bay vào nhà người ta, biến ra hình chó, mèo, hút máu người. Nay xem thấy lỗ mũi nó cũng như người thường thôi.’” (nguồn Wikipedia)

Cùng vào khoảng thời gian này, bên trời Âu cũng có loài ma gọi là vampire, một loại “người chết” nhưng không chết (undead creature), chuyên đi hút máu tươi vào ban đêm, tương tự như ma Cà-Rồng. Chúng thường mặc áo thụng, mặt sưng thũng, sắc da đen hoặc đỏ. Mãi đến thế kỷ 20 chúng mới được mô tả như xanh xao bệch bạc và ốm. Lẽ dĩ nhiên con ma nổi tiếng nhất là ông bá tước Dracula, một tác phẩm hư cấu của nhà văn Bram Stoker xuất bản vào năm 1897, và qua tài diễn xuất của Christopher Lee, bộ phim Dracula đã từng làm khán giả kinh sợ đến mất ăn mất ngủ.

Năm 1976, nhà văn Anne Rice cho xuất bản cuốn Interview with the Vampire. Cuốn tiểu thuyết kinh dị đã nhanh chóng ảnh hưởng đến phim ảnh Hollywood. Một lần nữa, từng loạt phim về vampire đã được tung ra với nhiều hiệu ứng đặc biệt tối tân đã làm say mê bao nhiêu kẻ thích tìm thú… sợ ma.

Trong những ngày tháng ở New Orleans, Sting đã đọc cuốn tiểu thuyết này và đã viết ca khúc Moon Over Bourbon Street, dựa trên nhân vật Louis, là một vampire có lương tri, không như người tình Lestat, nhân vật chính của câu chuyện. Louis luôn luốn phấn đấu giữa tội lỗi và sự sinh tồn của mình.

Tôi rất thích bản của Sting, nhưng bạn cho là quá nhiều kịch tính, nên bạn đã dựa trên phiên bản jazz của ca sĩ George Nussbaumer để tạo nền cho Phố Bourbon Mập Mờ Trăng.

Happy Halloween!

LV: Tôi có 2 kiểu nghe nhạc. Nghe nhạc để thưởng thức thì sao cũng được; nhạc hay, hấp dẫn, lôi cuốn thì cứ việc thả hồn nghe không cần suy nghĩ. Nghe nhạc để tìm cách thực hiện thì hoàn toàn khác. Vừa nghe tôi phải vừa lựa chọn, kiểm tra xem vốn liếng âm nhạc của mình có đủ để cáng đáng những khúc mắc của bài hay không; có tìm được âm thanh, nhạc khí trong “hồ lô phép” của mình để xử dụng hay không; có thuyết phục được người hát để trình bày theo phong cách mình chọn hay không v…v…

Phiên bản Moon Over Bourbon Street của Sting dù hay nhưng đối với tôi là khó thực hiện. Cách diễn tả này đòi hỏi một dàn nhạc giao hưởng như trong một chương trình nhạc kịch (musical). Khó quá! Không phải không làm được nhưng sẽ mất rất nhiều thời giờ, công sức. Đã thế ông ca sĩ Sting này còn hát kiểu “tam sao thất bổn”, mỗi lần trình diễn lại hát khác đi một chút! Tôi chịu thua. Tôi cũng đã nghe những phiên bản khác từ New Orleans jazz, Dixie Jazz đến Blues để xem nên thực hiện bài này theo kiều nào. Sau cùng tôi chọn phong cách chơi của ca nhạc sĩ người Áo George Nussbaumer vì nét nửa blues nửa soul khá phù hợp với cảm nhận của tôi về nhạc phẩm này. Biết đâu Halloween năm tới tôi sẽ trở lại bài này trong một phong cách khác?