Trong số 26 bang của Thụy Sĩ, có 17 bang nói tiếng Đức. (Hình ảnh Getty)
Tính đa ngôn ngữ đối với người Thụy Sĩ thì như phép lịch sự đối với người Anh hay phong cách đối với người Ý: niềm tự hào dân tộc.
Đó là một trong những chuyến tàu ngắn nhất mà tôi từng đi: chỉ bảy phút và một trạm đỗ sau thành phố Neuchâtel của Thụy Sĩ. Ấy vậy mà khi tôi vào thị trấn Erlach, mọi thứ dường như khác đi. Mới đầu, tôi ngỡ ngàng. Có thể là do kiến trúc? Hay là người dân khi nói phải ra hiệu? Thậm chí không khí, khô và lạnh lạ lùng kiểu Thụy Sĩ, hình như cũng thay đổi.
Tôi đi bộ một lúc, ngơ ngác. Mình đang còn trên đất Thụy Sĩ mà. Đã đã qua biên giới quốc tế. Rồi tôi liếc nhìn biển tên phố, và vỡ nhẽ. Tôi đã vô tình vượt qua Röstigraben, một thuật ngữ vui để nói đường ngăn cách vô hình của vùng đất nói tiếng Đức với tiếng Pháp của Thụy Sĩ.
Röstigraben có nghĩa là hào hay bức màn ngăn rösti. Thuật ngữ này có từ thế chiến thứ nhất, khi mà lòng trung thành của Thụy Sĩ được chia theo đường phân cách ngôn ngữ. Rösti là một món ăn truyền thống của người Đức Thụy Sĩ, gồm nhiều khoai tây chiên, đôi khi với thịt xông khói, hành tây và pho mát. Về địa dư, Röstigraben gần như bám theo sông Saane . Tuy nhiên bạn sẽ không thấy nó trên bản đồ. Đó là một đường biên trong tâm trí, mặc dù nó in sâu trong tâm trí người Thụy Sĩ từ thuở nhỏ.
Giống như các loại biên giới khác, Röstigraben không bị vượt qua một cách nhẹ nhàng hoặc vô tình, ngoại trừ những người nước ngoài như tôi. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Viện nghiên cứu Sotomo thay mặt cho công ty viễn thông Swisscom, gần một nửa số người Thụy Sỹ nói tiếng Đức chỉ vượt đường phân chia này mỗi năm một lần, và 15% chưa bao giờ vượt qua. Vượt qua Röstigraben "có vẻ giống hơn cả việc di cư tạm thời đến một nơi nguy hiểm, nơi mà bạn sẽ không hiểu người ta nói gì," Manuela Bianchi, giám đốc điều hành phi lợi nhuận của Thụy Sĩ, nói nửa đùa với tôi.
Thụy Sĩ được tập hợp lại cùng nhau trong “Willensnation”, một từ có nghĩa là ‘một quốc gia sinh ra với mong muốn được sống cùng nhau’. (Hình ảnh Michele Falzone/Getty Images)
Câu chuyện của bà là điển hình Thụy Sĩ, nghĩa là không điển hình chút nào. Với bố nói tiếng Ý và mẹ nói tiếng Đức, bà nói cả 2 tiếng đó ở nhà, thêm tiếng Pháp và tiếng Anh ở trường. Vâng, cách dùng đa ngôn ngữ ở Thụy Sĩ có thể đôi khi là phiền toái (hầu hết các sản phẩm thực phẩm phải liệt kê thành phần bằng 3 thứ tiếng) nhưng nhìn chung bà coi đó là "một phước lành tuyệt vời". Tính đa ngôn ngữ đối với người Thụy Sĩ thì như phép lịch sự đối với người Anh hay phong cách đối với người Ý: niềm tự hào dân tộc. Mặc dù, theo kiểu thời trang Thụy Sĩ điển hình, nó là một niềm tự hào tinh tế. Phải là một người Thụy Sĩ mới có thể khoe về khả năng ngôn ngữ của mình, hoặc bất cứ điều gì khác về vấn đề này.
Khi nghĩ về biên giới, thường người ta nghĩ ngay đến đường phân chia chính trị, một đường biên cứng, thậm chí có thể là một bức tường, ngăn cách 2 quốc gia. Đó là một loại biên giới. Nhưng còn có những biên giới khác nữa: biên giới văn hoá; biên giới ngôn ngữ; biên giới trong tâm trí. Không ai rõ điều này hơn người Thụy Sĩ. Biên giới của họ là sự hỗn độn về ngôn ngữ và văn hoá mà, kỳ diệu thay, chúng ràng buộc nhau, và như mọi thứ khác ở Thụy Sĩ, hoạt động một cách hoàn hảo, hoặc gần như vậy.
Thụy Sĩ chịu ảnh hưởng ít bởi những rạn nứt mà nó gây rắc rối cho những nước đa ngôn ngữ khác như Bỉ và Canada. Họ làm thế nào vậy?
Tiền chắc chắn giúp được. Thụy Sĩ là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới với truyền thống lâu đời về quy tắc dân chủ: một kiểu dân chủ đặc biệt với nhiều cuộc trưng cầu dân ý và một liên bang của các bang, hoặc tỉnh, tự trị ở mức độ cao. Tất cả đều được tập hợp cùng nhau trong cái mà người Thụy Sĩ gọi là 'Willensnation'. Nó có nghĩa đen là một 'quốc gia đồng lòng', nhưng ở Thụy Sĩ, từ này mang một ý nghĩa đặc biệt, 'một quốc gia sinh ra với mong muốn được sống cùng nhau'.
Lịch sử, như thường lệ, cũng giải thích được nhiều. Tính đa ngôn ngữ của Thụy Sĩ xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước, rất lâu trước khi quốc gia thống nhất ngày nay tồn tại. Khu vực này nằm ở giao lộ của nhiều nhóm ngôn ngữ, địa hình đồi núi tạo thành các rào cản tự nhiên giữa các nhóm này. Từ 7.000 năm trước, Thụy Sĩ "ở giữa mọi thứ, và cũng ở bên lề của mọi thứ," theo Laurent Flutsch, nhà quản lý tại Bảo Tàng Khảo Cổ Vindonissa ở Brugg, người gần đây đã đưa ra một cuộc triển lãm mang tên "Röstigraben - Thụy Sĩ hợp thành như thế nào?". Khi Thụy Sĩ hiện đại được thành lập vào năm 1848 thì các biên giới ngôn ngữ đã được hình thành rồi.
Có bốn ngôn ngữ Thụy Sĩ chính thức: tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý và Romansh, một ngôn ngữ bản xứ với vị thế hạn chế, tương tự như tiếng Latinh và chỉ có một nhóm nhỏ người sử dụng ở Thụy Sĩ. Ngôn ngữ thứ năm, tiếng Anh, ngày càng được sử dụng để làm cầu nối cho sự tách biệt ngôn ngữ. Trong một cuộc điều tra gần đây của Pro Linguis, 3/4 số người được hỏi cho biết họ sử dụng tiếng Anh ít nhất ba lần một tuần.
Ở nước Thụy Sĩ lắm ngôn ngữ này thì ngay cả sự phân chia ngôn ngữ cũng bị phân chia. Những người trong các bang nói tiếng Đức thì nói tiếng Đức Thụy Sĩ ở nhà nhưng học tiếng Đức chuẩn tắc ở trường. Tiếng Ý nói ở bang Ticino xen lẫn nhiều từ mượn của tiếng Đức và Pháp.
(Hình ảnh Andreas Strauss/Look-Foto/Getty Images)
Ngôn ngữ có thể không phải là số mệnh, nhưng nó xác định nhiều hơn là những từ chúng ta nói. Ngôn ngữ điều khiển văn hoá, và văn hoá điều khiển cuộc sống. Theo nghĩa đó thì Röstigraben là biên giới văn hoá nhiều hơn là biên giới ngôn ngữ. Cuộc sống ở hai bên của sự phân cách bộc lộ theo nhịp độ khác nhau, Bianchi giải thích. "Theo tôi, những người nói tiếng Pháp thì thoải mái hơn. Một ly rượu trắng cho bữa trưa vào ngày làm việc vẫn là khá bình thường. Người nói tiếng Đức ít có đầu óc hài hước, và tuân thủ các quy tắc vượt quá cả sự khắt khe của người Nhật."
Sự phân chia văn hoá giữa người Thụy Sĩ nói tiếng Ý và phần còn lại của đất nước (một phân chia được đánh dấu bởi cái gọi là Polentagraben) lại còn sâu sắc hơn thế. Những người nói tiếng Ý là những người rõ ràng là thiểu số, chỉ chiếm 8% dân số và chủ yếu sống ở bang Ticino mãi tận phía nam. "Lần đầu tiên khi tôi đến đây, mọi người bảo tôi 'Ticino giống như ở Ý, ngoại trừ một điều là mọi việc đều trôi chảy', và tôi nghĩ điều đó là đúng," Paulo Goncalves, một học giả Brazil đã sống ở Ticino trong thập kỷ qua, nói.
Đến từ một quốc gia có một ngôn ngữ chính thức, Goncalves kinh ngạc trước cách tung hứng bốn ngôn ngữ của người Thụy Sĩ. "Thật là tài tình làm sao mà họ có thể xoay xở được như vậy," ông nói khi nhớ lại lần đi dự một hội nghị với sự tham dự của những người nói tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý và tiếng Anh. "Bạn được nghe thuyết trình bằng 4 thứ tiếng khác nhau trong cùng một hội trường."
Sống trong một môi trường đa ngôn ngữ như vậy "thực sự định hình lại cách tôi nhìn thế giới và tưởng tượng những triển vọng," Goncalves nói. "Nay tôi là một người khác biệt đáng kể so với cách đây 10 năm."
Các ngôn ngữ của Thụy Sĩ không phân bố đều. Trong số 26 bang của nước này, đa số bang (17) nói tiếng Đức, trong khi 4 bang tiếng Pháp và 1 bang tiếng Ý. (Ba bang là song ngữ và một bang, Grisons, ba ngôn ngữ.) Đa số người Thụy Sỹ, 63%, dùng tiếng Đức là ngôn ngữ số 1.
Phần lớn những gì mà thế giới gán cho tính Thụy Sĩ, những đặc tính như đúng giờ và kín đáo, thực tế là những đặc tính của người Đức Thụy Sĩ. Tiếng và văn hoá Đức-Thụy Sĩ có xu thế chiếm ưu thế, đặc biệt là trong thế giới kinh doanh. Đó là nguồn gốc của một số bất đồng, Christophe Büchi nói, tác giả của một cuốn sách về lịch sử biên giới vô hình về ngôn ngữ của Thụy Sĩ. "Nhưng chủ nghĩa thực dụng mà nó chi phối chính trị Thụy Sĩ có thể sẽ giải quyết được vấn đề này."
Ngôn ngữ quốc gia thực sự của Thụy Sĩ, ông nói, là sự hòa giải.
BBC Travel