có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 6 01, 2023

Ở Một Nơi Trên Trường Sơn




I

Suốt cả tuần, trận đánh vẫn chưa ngã ngũ. Hết đơn vị này tiếp đến đơn vị khác bị khựng lại khi tìm cách tiến qua mặc dù trước đó bom pháo dọn đường được trút xuống như mưa thác. Những hang đá chằng chịt và kiên cố ở sườn đồi, nhìn xuống con lộ dẫn vào sâu trong rừng đã khiến những cơn mưa bom, và đạn pháo binh phải chịu thua. Và đơn vị đã phải quay lui. Cuối cùng cấp trên điều động đơn vị chúng tôi đến mặt trận. Họ đã hiểu chiến thuật trận địa chiến phải bó tay trước những tên địch ngoan cố, xâm mình. Không dễ gì phải tấn công một cao điểm khi phải bò lên giữa một triền núi trống trải trước những họng súng đại liên đã chực sẵn. Và chỉ còn cách là dùng chiến thuật dạ kích. Chỉ có cách đó mới may ra làm câm họng những ổ súng tàn bạo. Người lính bây giờ là người lính cảm tử. Trước hết hắn phải cố làm sao để nhận rõ nơi trú ẩn của địch, phải gắng định hướng chổ đặt khẩu súng nặng bằng cách nghe tràng nổ cũng như nhìn tia đạn lửa đến từ đâu, sau đó dùng máy nhắm hồng ngoại tuyến, tìm mọi cách bò đến, lao vào, quăng lựu đạn tiêu diệt.

Đêm nay chúng tôi lại thêm một lần nữa, mặc đồ đen, ngậm dao găm, bọc đầy lựu đạn loại lân tinh. Tổ trưởng còn mang theo ống nhắm hồng ngoại tuyến. Giờ G là 3 giờ sáng. Theo kinh nghiệm chiến trường, khoảng thời gian này là khoảng lý tưởng nhất cho cuộc làm ăn đêm. Bởi lẽ bất cứ thằng lính nào cũng đã thấm mệt hay cũng đang mơ màng giấc ngủ. Và mật lệnh cho chúng tôi là hỏi Thần điểu đáp Kình Ngư.

Dĩ nhiên tôi để trung sĩ Thành làm tổ trưởng tiền sát gồm hạ sĩ Nga, hạ sĩ Y Mông và hạ sĩ Phát. Hắn gan lỳ và dữ tợn. Càng nguy hiểm chừng nào, hắn lại càng say mê, phấn khích chừng nấy.

Tôi xiết chặt tay hắn, và hắn cũng xiết chặt tay tôi như chuyền cho nhau sức mạnh. Hắn thầm thì, giọng ngạt mùi rượu đế: Có gì thì nhờ ông thầy giúp đỡ con vợ tôi. Tôi cảm động đến rưng nước mắt. Tôi biết phải an ủi làm sao để hắn cảm thấy tự tin hơn. Mục tiêu không phải dễ gì thanh toán khi kẻ địch có lợi điểm hơn chúng tôi, và nhất là họ đang cố sức bảo vệ cây súng nặng. Tôi nói nhỏ: Đừng nói bậy không nên…

Tôi dẫn một tiểu đội bò lên hướng trái, và thiếu úy Phương, trung đội trưởng trung đội hai, lãnh một tiểu đội bò lên hướng phải. Toán tiền sát của trung sĩ nhất Thành thì trực diện. Chúng tôi không gặp trở ngại nào khi bò qua bãi đất trống trước khi lên đồi. Chúng tôi phải dồn cục nhau. Hạ sĩ nhất Bảy bò đầu. Tôi bò theo hắn, vừa bò vừa quan sát bằng ống nhắm hồng ngoại tuyến. Trên lưng áo mỗi đứa có dấu hiệu lân tinh rất nhỏ để chúng tôi có thể dễ dàng nhận ra nhau. Qua máy nhắm, tôi có thể nhìn thấy mấy bóng đen của toán tiền sát đang lom khom vừa bò vừa chạy.

Bỗng nhiên, một tiếng nổ long trời lở đất nổi dậy, và sau đó là những tràng đạn tiểu liên, đại liên cắt xé màn đêm. Rõ ràng địch đã phát hiện chúng tôi. Tuy nhiên họ dường như không thể biết chúng tôi ở đâu. Chỉ có kẻ lợi là chúng tôi. Bởi vì chúng tôi có thể biết hang đá nào địch đang trú ẩn. Chúng tôi chỉ việc bò đến và quăng lựu đạn xuống hang đá.

Địch không mạnh như chúng tôi tưởng. Chúng tôi đã dễ dàng làm câm ổ súng nặng ngay đêm hôm ấy. Để đổi lại, trung đội phải chịu thiệt trung sĩ Thành, người hạ sĩ quan gan dạ nhất của đại đội. May mắn, hắn vẫn không chết, dù cả người hắn bị banh tơi tả do từ những trái lựu đạn mà địch đã gài trên lối dẫn đến hang đá. Hắn đã dọn đường cho những người lính cảm tử khác tiến lên để tiêu diệt ổ súng.

Xế trưa, các đơn vị hành quân mới thật sự giải cứu được căn cứ. Những người lính địa phương quân từ những công sự ào ra ôm lấy chúng tôi mà mừng tủi. Họ như những người tiền sử, tóc râu che phủ cả mặt, chừa lộ đôi mắt trũng sâu. Họ xin chúng tôi lương khô và nước. Họ vồ chụp từng bao gạo sấy. Có người đi không vững. Có người vừa hút thuốc chúng tôi mời vừa kể lại chuyện chiến trường. Tôi không thể hiểu sức mạnh nào đã khiến họ đứng vững giữa trùng vây như thế, trong khi bộ binh chúng tôi phải khó khăn lắm mới chiếm được mục tiêu mặc dù được phi pháo yểm trợ

Thiếu úy Phương lại thêm một lần bất mãn. Và tôi là nạn nhân để hắn trút cơn phẫn nộ:

– Mày thấy họ đáng thương hay không. Nỗi hy sinh của đám địa phương quân này quả là quá sức tưởng tượng, nhưng bắt họ hy sinh như vậy để làm gì. Bắt họ đóng đồn, đóng bót đêm ngày, rồi đến khi địch tấn công, bắt họ tử thủ để làm gì. Ngày trước thời Mỹ còn tiếp trợ ào ào, thì không nói gì, vì khi địch tấn công, chúng ta còn có pháo binh, có trực thăng, chiến đấu cơ sẵn sàng tiếp ứng họ. Giờ đây, xin một quả đạn yểm trợ cũng không có. Như vậy bắt họ phải có mặt giữa một nơi hẻo lánh, xung quanh không có lối thoát, để làm gì chứ ?

Tôi hiểu nỗi phẫn nộ của thằng bạn. Vâng, cái chiến thuật chiến lược gì mà kỳ lạ. Cái chiến thuật co cụm lại, không chủ động mà bị động. Ngày thì bung ra, mở đường, và đêm thì dồn vào trong, cùng với những hầm chìm hầm nổi. Để trở thành mồi ngon của địch. Tôi biết vậy, Phương biết vậy, những người lính trong đơn vị này biết vậy, bởi vì chúng tôi đã chứng kiến những cảnh tuyệt vọng của những đồn binh, những căn cứ được lệnh tử thủ mà chúng tôi có dịp đến giải vây.

Không phải địch đánh để mà đánh. Địch còn nhử mồi để viện binh đến, mà chơi thêm một lần nữa. Như lần này.

Nhưng chúng tôi chỉ biết im lặng. Chúng tôi dư biết chúng tôi chỉ là lọai tép riu, lọai chim sơn ca, chim sẻ. Chúng tôi không làm gì hết. Nếu có làm, thì chỉ nhắm mắt tuân lệnh để nhổ những bụi gai chó đẻ, rồi có ngày cũng được phong bốn chữ Tổ quốc ghi ơn mà thôi. Chỉ có thằng Phương mới không im lặng. Vâng, nếu đất nước này có những con người như Hà Thúc Nhơn hay Phương nắm quyền, dám ngủ đất, dám đi đầu, dám hứng cái khổ đau của đồng đội làm cái khổ đau của mình, dám làm một cuộc thay đổi cách mạng, dám để những ông lão làng về vườn, để lớp trẻ có nhiệt tình lên thay, thì đất nước chắc sẽ có cơ may…

Phương lại tiếp tục:

– Nếu địch là ma…

Tôi chọc nó:

– Thì ta là quỉ…Mày gắng vài chục năm nữa lên làm tướng thì tha hồ…

Tôi đã nghe cái điệp khúc Nếu địch là ma ta là quỉ của hắn biết bao nhiêu lần.

Tội nghiệp cho hắn. Tại sao hắn cứ mãi phẫn nộ, bất mãn ở những điều ngoài tầm tay với. Tại sao hắn không chịu yên phận với cái lon thiếu úy tép riu. Hắn là bạn cùng quê với tôi. Tôi biết hắn có bà mẹ già mòn mỏi, có người yêu xa cách, nhưng thay vì những tình cảm dành cho người thân, hắn cứ dành cho đất nước, cho quân đội. Hắn muốn làm một cuộc cách mạng, và cứ ước mơ có quyền hành.

“Địch là ma, thì ta là quỉ”. Rõ ràng, hắn đã mang cái kinh nghiệm của đơn vị chúng tôi để chứng tỏ muốn thắng kẻ thù thì phải áp dụng lối đánh của kẻ thù. Địch đánh ban đêm, thì mình đánh ban đêm. Cứ vũ khí nhẹ, cứ lội bộ băng đồng, cứ ngậm thẻ lao vào cõi tối… Bắt kẻ thù sợ hãi, lo âu thường trực. Đó là lối đánh nhà nghèo. Ngày cho lính về nhà tiếp giúp gia đình vợ con, đêm thì bung ra làm ma là quỉ…
Phương ơi, làm sao tuổi trẻ chúng ta có tiếng nói. Tiếng nói đã bị kẻ khác nhân danh nói hộ rồi.

Giữa lúc ấy tín hiệu bay đến. Nó đến sau khi chúng tôi được tin Mặt Trời sẽ bay đến thị sát chiến trường và gắn huy chương. Cái lệnh được ban từ một trung tâm hành quân nào đó ở rất xa, nghẹn ngào và hối hả xen giữa muôn ngàn âm thanh đàm thoại hổn loạn trong máy khuếch đại, đầy tiếng chửi thề, những lời phẫn uất, những câu hỏi mà không có câu trả lời, những tuyệt vọng nghẹn ngào… Thật sự không ai có thể hiểu. Có lẽ chỉ trừ ông đại đội trưởng. Bởi vì ông bỏ máy ngồi yên như một pho tượng. Đầu bên kia, giọng nói uất nghẹn: Tôi là thiếu úy Minh, sĩ quan trực trung tâm hành quân. Tôi cũng như thẩm quyền, không còn biết ai để xin lệnh nữa. Người ta đã bỏ chạy hết cả rồi. Trong khi ấy ở dưới chân đồi, trên con lộ đã xuất hiện đoàn xe cộ di tản. Tin cho biết Sài Gòn đã ra lệnh bỏ cao nguyên.

Thôi còn gì để mà đánh đấm. Chỉ còn những khẩu súng M16, M60, và lưa thưa những trái lựa đạn còn sót lại. Tôi đợi ông đại đội trưởng để nhận chỉ thị. Chỉ thị gì. Người ta đã bỏ chạy hết cả rồi. Ông nói. Mặt ông đầy những vết xước rịn máu. Sợi dây ba chạc vẫn còn lủng lẳng bi đông nước và khẩu súng colt. Tôi hiểu là lòng ông cũng đứt đoạn. Vợ con ông vẫn còn kẹt ở trong thành phố. Ông họp đại đội còn lại. Trung úy đại đội phó đã tử trận trong một trận đánh cách đây không lâu, nên thiếu úy Hà thay quyền xử lý, trình diện hàng quân trước mặt ông. Giọng nói của thiếu úy Hà như nghẹn trong cổ họng. ”Đại đội tập họp xong, trình diện đại úy.” Rồi anh ôm lấy mặt, nức nở. Ông đại đội trưởng chào tay lại. Cả hàng quân đứng im phăng phắc. Những võng mô mất hết màu sinh khí. Những chiếc mũ rừng chụp lên những đầu tóc rối bù. Những chiếc quần trận mà bụi và đất đã lấy đi hết cả màu xanh, rách toạc lộ cả vải quần lót… Trời đã trở chiều. Nắng còn sót lại làm thắm vàng cả cánh rừng bên cạnh. Ông nói kể từ giờ phút này anh em có quyền ra đi. Trước khi chia tay, xin anh em hãy cùng tôi đứng nghiêm một phút mặc niệm cho những người bạn của chúng ta đã bỏ mình. Rồi ông hô nghiêm, buồn bã. Chúng tôi cùng cúi đầu. Có những giọt nước mắt lăn trên má khô cằn, hóp sâu, bơ phờ của người lính già. Có những giọt lệ vẫn còn long lanh trên tròng con ngươi thất thần, đục lờ vì những đêm ngày căng thẳng trong lòng hỏa ngục. Có giọt lệ chưa kịp lăn, lại thêm những giọt lệ khác trào ra. Có thằng lính trẻ khóc tức tưởi khiến người lính già phải la lên: “Mày làm như con nít lên ba. Làm sao tao gả con gái tao cho mày được”.

Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy buồn đến độ tê tái, héo úa cả ruột gan như lúc này. Súng vẫn nổ. Tiếng pháo vẫn vang dội ì ầm từ xa… Những cuộn khói vẫn còn bốc lên trên căn cứ. Những người bị thương vẫn rên rĩ. Thiếu úy Phương ngồi ủ rủ bất động, nhìn gì vào trong phía rừng. Hôm nào hắn là con hổ, con hùm, nhưng bây giờ hắn như một con thú tuyệt vọng. Ngoài cái tình đồng đội, tôi và nó còn có tình đồng hương. Tôi biết rõ gia đình hắn. Chỉ còn một người mẹ phía sau. Còn người yêu. Hình như một cô giáo. Ở hắn, là một mẫu người trẻ dấn thân.Tôi không dùng chữ yêu nước ở đây, vì hai chữ này hơi phù phiếm, chỉ từ cửa miệng đầu môi của các vị lãnh tụ hay các cơ quan tâm lý chiến. Trái lại, dấn thân còn ý nghĩa gấp trăm ngàn lần. Hắn nguyên là giáo sư, nhưng không thèm về dạy học trở lại. Hắn là nhà thơ nhưng chẳng cần tên tuổi cho dù những bài thơ của hắn quá hay, rất hạp với tuổi trẻ chúng tôi. Sau vụ y sĩ Hà Thúc Nhơn bị giết, tinh thần hắn sa sút thấy rõ. Luôn luôn chửi thề, luôn luôn phẫn nộ. Luôn luôn bày tỏ bi quan thất vọng trước guồng máy quân phiệt. Hắn cứ kể một cơn mơ. Cơn mơ có trong tay quyền hành, chỉnh đốn lại hàng ngũ quân đội, dẹp trừ lính ma lính kiểng, tăng thêm tiền lương cho lính tác chiến, đổi chiến thuật đánh giặc theo kiểu nhà giàu sang kiểu nhà nghèo. Ngày để lính về nhà giúp đỡ. Đêm họp lính lên đường. “Nếu địch là ma, ta là quỉ. Địch nhờ bóng đêm, ta cũng nhờ bóng tối…”

Phương ơi, bây giờ tao mới hiểu thế nào là nỗi bất mãn của mày. Phải, chúng ta không làm được gì. Ngay cả định mệnh của chúng ta cũng bị kẻ khác quyết định nữa mà. Nỗi mất mát này không phải do mày, do tao, do những người lính đang chờ đợi cái lệnh của đại bàng này. Cái mất mát do từ cấp lãnh đạo, cấp ăn trên ngồi trước, dùng câu “kỷ luật là sức mạnh” để bắt thuộc cấp phải phục tùng tuyệt đối. Không cho chúng ta nói. Không cho mày nói. Hễ nói về bất công thì bị chụp mũ vô kỷ luật. Hễ nói về cấp chỉ huy bất tài thí quân thì bị trù bị ải đến khi xác bỏ ở bìa rừng. Hễ nói đến việc cứu nguy đất nước thì bị xem là điên khùng phản loạn như y sĩ Hà thúc Nhơn ngày nào.

Để rồi, dẫn đến nỗi mất mát vô phương cứu chữa như hôm nay.

Trời ơi, mới ngày nào, chừng như tuần trước, chúng tôi còn lái xe díp trở về, tôi còn ghé vào một động giang hồ, còn ngồi bỏ chân trên bàn cà phê nhìn thiên hạ, còn đêm say rượu trở về hậu cứ nhìn mấy thằng lính nhậu thịt nai với rượu đế, để chúng bắt cóc thêm một lần nữa. Bây giờ, thầy trò thi nhau mà chạy. Tướng cũng cuốn cờ, mà quân cũng cuốn vó. Lúc này là lúc tôi muốn bỏ tất cả. Tôi đã không còn đủ sức để gánh thêm cái trách nhiệm này nữa. Tội này ai gây nên. Lịch sử này ai gánh chịu. Những người lính của tôi, họ ít học, người gốc nông dân, người gốc Thượng, gốc Nùng, người bị bắt đi quân dịch, họ đâu có tội gì để gánh cái khối đá tảng của lịch sử. Những người có trách nhiệm bây giờ ở đâu, sao máy thì bặt tăm không một lời thăm hỏi. Hay họ đã chạy trốn rồi.

Chúng tôi bây giờ chẳng khác đám con lạc bầy. Rừng ơi núi ơi, phía xa, thấy những ngọn núi chìm ẩn trong mây và sương.

Những người lính Thượng thì xì xào với nhau sau đó họ tách rời chúng tôi. Đông, người lính truyền tin rất hiểu tiếng Thượng cho tôi biết là họ muốn trở lại buôn bản của họ. Đông, Tròn đòi theo tôi và Phương. Theo để làm gì. Đi đâu. Về đâu. Giữa khu rừng già bao bọc bởi những tai ách này.

Chính lúc này, chúng tôi mới hiểu thế nào là tình đồng đội. Nó không dễ gì cảm nhận nếu thật sự ta không trải qua những giờ phút nhục nhằn gian khổ bên nhau. Đừng nói đến tình đồng đội tình chiến hữu nếu ngài cứ ngồi chiếu trên, xem lính là nô lệ, chưa bao giờ biết thế nào là nỗi mất mát, nỗi căm hờn, thù hận, đau thương khi một người bạn bỏ chúng ta đi xa… Tình đồng đội đã bắt những người lính thấp nhất như Đông, Tròn vẫn còn theo chúng tôi, trong khi họ có thể tự lo liệu, hay bỏ đơn vị ra hàng phe địch.

Thôi thì nhắm mắt mà đi. Cần gì địa bàn để tìm hướng. Về phương đông, hay về phương tây, thì cũng vậy. Hai chân đã mỏi nhừ. Cổ họng khô đắng. Thuốc lá cũng hết. Đông cố lục trong túi quần, túi áo mới tìm được bao thuốc bẹp dí. Thầy trò chia nhau điếu thuốc quân tiếp vụ. Tròn đi trước dẫn đường. Có lẽ phải đi cả đêm để ngày mai còn phải lẩn tránh những đôi mắt phe địch. Gai nhọn đan nhau, những mũi gai như móc câu, móc vào da thịt Cả rừng vang động tiếng chim và tiếng kêu khỉ vượn. Nhớ lại những lần nhảy toán xuống rừng, đi tìm dấu địch, dù nguy hiểm nhưng cũng an tâm, vì mình biết chắc sau mình có trực thăng tới bốc, có những điểm hẹn để trở về. Bây giờ thì trái lại, không máy liên lạc, không trái khói để làm dấu hiệu cho trực thăng… Chỉ có những bước giày thất thểu lo âu. Kẻ đi trước nín thở. Kẻ đi sau nín thở. Càng lúc rừng càng đen tối hơn. Những tàn cây cổ thụ che cả những vì sao lấp lánh trên cao. Cả bọn dìu dắt nhau mà đi. Nhắm mắt đi bừa.

oOo

Ngày thứ ba chúng tôi mới thoát khỏi khu rừng già. Trước mặt chúng tôi là những rẫy bắp và xa hơn thấp thoáng những ngôi nhà tranh và nhà sàn. Chúng tôi không biết xóm Kinh hay một buôn Thượng hay là một mật khu của phe Bắc. Nhưng dù sao, những rẫy bắp kia là ân sủng sau mấy ngày đói khát trong rừng. Chúng tôi bò vào. Thì giữa lúc đó một bà lão xuất hiện. Bà há hốc mồm bên cạnh bó củi khô. Bà có mặt lúc nào chúng tôi không hề hay biết. Đông nói với tôi. Chết rồi ông thầy. Mình bị phác giác rồi. Rồi nó thì thào: Phải làm bà ta ngậm miệng. Rồi nó nhào tới, chụp lấy chiếc rựa từ bà lão. Nhưng thiếu úy Phương kịp thời ngăn lại, không cho. Hắn gằn từng tiếng: “Đừng. Tao cấm mày đừng. Hãy trói bả lại rồi nhét vải vào mồm bả.” Bà lão rên rỉ: “Lạy các ông tha mạng cho tôi. Tôi là dân vô tội mà.” Đông chồm tới giựt áo bà rồi xé. Hắn nhét vải vào miệng bà ta. Bà ú ớ, kêu oan. Rồi chúng tôi dùng áo bà ta để làm dây, trói hai tay bà lại. Sau đó chúng tôi vào trong ruộng bắp và thi nhau hái.

Lúc ấy là vào khoảng 4 giờ chiều. Chúng tôi lại tìm hướng khác mà đi. Vừa đi vừa chạy. Trời ơi, chúng tôi là dân thám kích nhưng lại không nhớ gì đến bài học của thằng lính thám kích. Chúng tôi vì quá sợ nên quên cả việc phi tang những dấu chân còn in lại trên con đường bùn đất nhão nhẹt do từ trận mưa lớn đêm qua. Kết quả là chỉ một ít lâu sau, chúng tôi nghe vang rền tiếng chân người rầm rập lẫn tiếng nói càng lúc càng gần. Có lẽ là du kích hay là bộ đội địa phương vì tôi chỉ nghe giọng Nam Ngãi. Tiếng nói càng lúc càng rõ, như thể từ bốn phía. Tôi biết là nhiều người lắm. Và hình như họ rất quen thuộc với địa thế khu vực. Tôi như kẻ bị dồn vào cuối đường. Hết rồi, đâu là nhà, đâu là chỗ trở về, đi đâu bây giờ. Tiếng hét hò dọa dẩm càng lúc càng kinh động của đám thợ săn người. Rồi tiếng la rất gần:

“Đầu thì sống, chống thì chết.”

Thôi rồi. Không còn gì nữa. Súng không có. Lựu đạn không có. Còn gì nữa mà không đứng im, giơ hai tay lên trời.

“Hãy nghe lệnh chúng tôi. Bước ra chỗ bãi đất trống. Hai tay giơ lên đầu!”

Chúng tôi làm theo.

Một tên bộ đội nhìn thấy cái hoa mai đen thêu trên cổ áo của tôi và Phương, la lên mừng rỡ: Hai tên này là sĩ quan ngụy, và nó chĩa mũi súng vào màng tang tôi. Tôi nhắm mắt chờ đợi. Tôi bình thản chờ đợi. Hình như con người trong nỗi tuyệt vọng quá sức ê chề thì cõi lòng đâm tê điếng, dửng dưng. Nhưng rõ ràng, một thằng lính khác đã chụp lấy tay thằng cầm súng rồi ngăn lại: “Đồng chí đừng bắn nó phí đạn. Hãy giao nó cho nhân dân xử.”

Bây giờ nhớ lại tôi càng tin ở luật nhân quả. Chúng tôi đã tha mạng bà lão thì cũng có kẻ khác tha mạng cho chúng tôi. Và trong chốn sâu thẳm của con tim, vẫn còn có một hơi ấm của tình người. Có phải vậy không ?

Sau đó họ giải chúng tôi về nhà làng. Dân làng gồm bà lão, con nít, cả đàn bà bồng con đổ xô ra, nhìn chúng tôi như những ác thú. Có lẽ lần đầu tiên họ mới thấy những người lính Nam quân. Họ rủa thậm tệ chúng tôi: Bọn ngụy ăn thịt người, bọn ngụy uống máu người. Vẫn là những lời rập khuôn từ Nam ra Bắc, từ con nít đến người lớn… Ai đã gây cho họ những nỗi căm thù ghê gớm như thế này. Ai đã đầu độc cả tâm hồn trẻ thơ trong trắng bằng những độc tố ác nhơn ác đức như thế này. Nhìn họ, những người đàn bà chân đất, những đứa con nít trần truồng mới hiểu là cuộc đời của họ cũng tăm tối chẳng khác cái bóng tối của khu rừng già… Nên thương họ hay ghét họ ?

Nên thương hay ghét họ, dù họ ném đá vào chúng tôi. Dù bà lão mà chúng tôi đã tha mạng, là kẻ hùng hổ hơn ai hết. Bà ta còn nói thêm. “Chúng nó còn muốn hiếp tao nữa. Chúng cởi cả áo tao. Đúng là quân trẻ nít không tha, bà lão không từ.” Thật sự chúng tôi đã xé áo bà để làm vải nhét vào miệng bà. Thôi thì chấp nhận. Cả người tôi bị bầm dập bởi những đòn thù, bởi những hòn đá liệng tới. Miệng mũi tôi chảy máu. Bên tôi là Tròn, Đông, Phương. Mắt họ sưng vù. Những vệt máu còn đọng trên môi. Ôi, Việt Nam ơi, hãnh diện được làm người Việt Nam của Rồng Tiên Lạc Việt. Chỉ có Việt Nam mới mổ mật mổ tim, moi gan, uống máu. Chỉ có Việt Nam mới nhìn nhau bằng những con mắt chó sói, cọp beo… Chỉ có Việt Nam, mới tru tréo căm hờn, mỗi thằng trẻ bị đè ra cho một bản án tử hình khiếm diện. Sao mà đến thế kỷ 20 này, giữa lúc loài người đang nhìn lên cao, phía mặt trăng mà khám phá rằng, chị Hằng chỉ là huyền thoại, thì ở nơi này, người ta chỉ thấy máu và máu…

Bây giờ bóng đêm đã rủ xuống. Những ngọn đuốc đã được đốt lên. Và tôi nghe tiếng radio phát lớn từ ngôi nhà làng. Những tin tức về một miền Nam đang hấp hối. Các tỉnh và thành phố đã lần lượt bị thất thủ. Trong đêm, tiếng nhạc, tiếng hát ăn mừng từ chiếc loa bắt ở nhà làng, vang dội. Quả thật vậy sao? Rõ ràng thằng Đông đang kêu rên vì vết thương. Cả mặt bị nó bị bầm. Tội nghiệp, nó là kẻ bị đánh đập nhiều nhất trong bọn chúng tôi bởi vì con mẹ già kia chỉ tay vào ngày mặt nó rồi nói như hét: “Chính thằng này đã xé áo tao.”. Nó bị hết báng súng dộng, đến những cú đá, thoi, đánh tới tấp. Thoạt đầu nó còn đứng, hai tay che mặt, sau đó, hai đầu gối quị xuống, rồi máu ộc ra cửa miệng. Nhưng nó vẫn nhất quyết không chịu nhận tội: “Các ông giết tôi thì tôi xin chịu, chứ tôi đâu có hãm hiếp bà lão. Bà đáng bà nội tôi mà…” Tôi nhắm mắt lại, không dám nhìn. Sau này, ở tù, tôi đã nghe bao nhiêu lời tự kiểm từ những sĩ quan, và chính cả tôi nữa, để càng hiểu rằng, thường những tấm lòng vĩ đại cao cả đều ở từ những phận đời thấp hèn. Vua chúa lãnh tụ phải cần bầy tôi trung thành, hy sinh nhưng chắc gì vua chúa hay lãnh tụ có thủy chung hay hy sinh cùng bầy tôi của các ngài? Các ông đơn vị trưởng dùng cấp bậc để tạo quyền uy, khí phách, nhưng khi mất cấp bậc, liệu họ có còn khí phách cao ngạo bất khuất như xưa?

Trời ơi, từ lâu tôi đã nhìn những người lính như Đông là những kẻ thuộc cấp, sinh ra để tuân lệnh. Vị trí của họ là vị trí của một con tốt trong hàng ngũ, trong đám đông. Lưng họ gồng nặng ba lô gạo lương khô và súng đạn. Nhưng bây giờ, họ đã cho tôi nhìn rõ hơn thế nữa. Ai hy sinh nhiều hơn họ, ai chung thủy nhiều hơn họ, ai khí phách nhiều hơn họ. Đông ơi, chắc mày đau lắm phải không. Chúng đánh mày như vậy, báng súng AK mà tộng vào ngực như vậy, một tay lực sĩ quyền Anh hạng nặng cũng phải thổ huyết, huống hồ một kẻ nhỏ con như mày. Chắc mày oán thiếu úy Phương và tao vì không để mày giết bà lão. Nhưng mày hãy hiểu con người khác với con thú. Hắn có lương tâm. Lương tâm không thể giết một người vô tội. Nhất là kẻ ấy là một bà già.

Chừng như hả hê với những trận khảo cung, đám bộ đội địa phương bỏ đi, để lại hai thằng nhỏ chừng 13, 14 tuổi canh giữ chúng tôi. Trong đêm triền sơn, tiếng loa phát thanh từ đài Hà Nội nghe rõ mồn một. Những bản nhạc, lời ca ăn mừng tiếp tục không ngưng nghỉ sau những tin chiến thắng dồn dập. Trên sân rộng trước ngôi nhà làng, dân làng tụ tập thắp đèn, thắp đuốc, và người ta hát hò liên hoan. Thỉnh thoảng là những tràng đạn AK tiếp tục bắn lên không trung. Những tia đạn lửa xẹt đỏ ngang dọc giữa màn đêm, như những tia pháo bông.

Hình như đám bộ đội đã quên chúng tôi. Có lẽ họ đã quá say sưa phấn khích ở cuộc chiến thắng quá sức tưởng tượng đang diễn ra từng phút một. Hay cũng vì chúng tôi chỉ là những tù binh tép riu. Hay cũng vì họ bắt quá nhiều tù binh, không ai canh giữ. Chỉ có chúng tôi, với những quả tim tan nát. Chỉ có chúng tôi nhìn lẫn nhau trong bóng tối. Những trận đòn bây giờ mới thật sự thấm vào tận xương tủy. Răng buốt nhức vô cùng tận. Có lẽ một chiếc răng bị gãy cũng nên. Tôi lại khát. Tôi kêu thằng canh, xin miếng nước. Thằng bé nhìn bạn. Hai đứa xầm xì gì đó, rồi một đứa bỏ đi. Thằng còn lại nói lớn: “Tội của các ông mà còn xin được uống nước à? Cho các ông uống nước để rồi các ông đi hãm hiếp bà lão, có phải không. Lần này, chúng tôi cho các ông ân huệ đó, các ông nghe rõ không ?”

Đông nhìn tôi, lắc đầu, tỏ ý bất mãn. Tôi thấy thẹn với người lính của mình. Trời ơi, cái đau của kẻ thua cuộc, là cái tủi nhục. Hết lớn rồi bây giờ đến thằng thiếu niên mà khẩu súng còn cao hơn người nó. Càng nhục mình mới càng cảm thấy mình quá hèn. Hèn. Mình không thể hèn như vậy. Đông ơi, dù khát bỏng cổ họng, tao cũng không thể hèn như vậy đâu.

Cuối cùng, tôi và Phương được giải vào một trại giam giữa rừng già. Trại nguyên là một căn cứ của lực lượng đặc biệt. Suốt ngày, qua cái loa phát thanh, chúng tôi đều nghe những tin tức về một miền Nam trong những ngày hấp hối. Cuộc chiến trước sau cũng phải chấm dứt, nhưng cái kết thúc kiểu này, quả là một vết ô nhục khó có thể quên. Nó là hậu quả của một quyết định điên rồ. Trong trại tù, tôi có dịp chung đụng với một vài vị sĩ quan cấp cao để biết rõ hơn về nỗi ô nhục này. Tất cả bắt nguồn từ cái lệnh. Và tất cả vì nhắm mắt tuân lệnh. Thi hành trước khiếu nại sau . Không được cãi.

Nói cũng bằng thừa. Những vỏ cây rừng cũng không đủ để viết lên lòng thống hận. Nhiều khi vào buổi trưa trong rừng khổ sai, nghe tiếng chim kêu hoảng hốt, mà lòng đau nhói tận tim can. Rừng ơi. Gốc thân sao quá lớn để vai ta phải chịu như chịu khối đá tảng. Sao cứ ương ngạnh nằm lì. Chỉ tội nghiệp những ông sĩ quan già. Những ông cấp tá, một thời lẫy lừng, nay lưng còng, mắt sâu, đứng nhìn những thân cây đổ xuống. Tội nghiệp cho họ. Họ chưa được huấn luyện để trả cái nợ nhọc nhằn. Bởi vậy, có người bỏ cuộc trước. Gỗ hòm là những miếng ván tạp lấy từ căn cứ, và huyệt không thể đào sâu vì đất đá… Tội nghiệp, người vợ ông sĩ quan Thượng gốc Rhadé, lặn lội thăm chồng, nhưng chồng bà đã mất sau một cơn bạo bệnh. Tiếng khóc trở thành tiếng tru. Như tiếng tru của loài thú bị thắt cổ.

Ôi, khi người ta quá đau khổ, quá tuyệt vọng, khi nỗi đau đã quá sức chịu đựng thì tiếng khóc không còn là tiếng khóc thường tình nữa. Nó trở thành một âm thanh điên loạn, khủng khiếp, khiến người nghe phải đau nhói cả buồng tim.

Năm 1976 thì Phương và một người hạ sĩ quan người Thượng nguyên thuộc binh chủng Biệt Động quân đã trốn trại.

Sự việc này không làm tôi ngạc nhiên. Tôi đã linh cảm được điều này. Vì có lần hắn tâm sự với tôi trong lúc lao động chung, như lời trối trăn:

“Mày đừng ngạc nhiên nếu một ngày nào đó, nghe tin tao rời bỏ nơi này. Người ta bảo trong rừng mà nghe mùi trầm hương là gặp may. Tao đã nghe rồi.”

Tôi nói, không, tôi van lơn thì đúng hơn: “Mày nghĩ là có thể thoát được hay sao ? Mày nhớ lại có bao nhiêu người đã trốn, bị bắt lại và đã bị bắn. Mày đừng điên rồ. Nhớ là mày vẫn còn mẹ của mày, em của mày. Họ chờ mày.”

Nhưng hắn vẫn bỏ đi.


II

Cuối cùng, tôi cũng được thả sau bảy năm xa cách. Một thiếu úy với bảy năm khổ sai trong khi với cấp bậc tôi, đa số là ba năm! Hai chữ thám kích đã làm cho tôi trở thành một kẻ có rất nhiều nợ máu với nhân dân!

Bảy năm. Từ trại này qua trại nọ, vẫn những ngày đổ mồ hôi, và những đêm giấc ngủ đầy những ác mộng. Có khi nửa đêm, mưa rừng gào thét, tôi tỉnh giấc, nghe cả dường như tiếng hú lanh lảnh cũng như tiếng thét Sát Sát văng vẳng ngoài bìa rừng.. .Rừng. Nhớ ơi những câu thơ của Phạm Cao Hoàng đến thuộc lòng:

đất anh ở và rừng anh thở
sáng anh đi chiều lại trở về
rừng vi vút những đêm gió thổi
bóng anh chìm với bóng hư vô
đôi khi đứng bên triền đá dựng
anh hoang mang sợ núi đè mình
có khi thấy con chồn con cáo
anh giật lùi lòng thoáng hãi kinh
anh đi qua rừng cao quá đỗi
anh đi về rừng quá đỗi cao
anh thu mình như con sâu nhỏ
nằm rung rinh giữa đám lá rì rào
và buồn thảm ôi những chiều lặng lẽ
núi và anh thành hai kẻ đăm chiêu
núi ngó anh và anh ngó núi
núi đụng trời anh đụng nỗi đìu hiu
đất anh ở và rừng anh thở
qúa lâu ngày nên thấy hoang mang
anh sống dở và anh chết dở
giữa núi rừng cao ngất ngàn năm

Anh sống dở và anh chết dở. Bảy năm như vậy, vậy cuối cùng cũng đã trả nợ xong.

Ngày trở về, đến thăm mẹ Phương, thấy Trang, cô em gái của Phương trong bộ quần áo cũ, bạc màu lòng tôi xót xa vô bờ. Ngày ấy, trước 1975, mỗi lần tôi về phép thăm em, em liếng thoắng, em vòi vĩnh. Rồi em lên 16, tôi về phép, em bắt đầu e thẹn, tôi tặng em chiếc còng bạc, chiếc lược ngà voi, chiếc áo đen viền sọc vàng của người thiếu nữ Thượng . Rồi em 17, tôi không trở về, đón Tết trên đỉnh đồi máu. Rồi em bây giờ em 25, tôi trở về đây, thưa bác, thưa em. Anh trở về mà tấm áo của kẻ bị phóng tích chưa rũ hết những nhục nhằn, nhưng tấm áo của em, thì đau xót gấp trăm ngàn lần hơn thế nữa.

Mẹ Phương ôm tôi òa khóc nức nở. Tôi cố nén, nhưng nước mắt cũng phải lưng tròng. Nói gì để khỏi dối lòng, dối bác. Nói gì để mang niềm tin về một bà mẹ tội nghiệp. Vâng, tôi biết, chính tôi mới mang cho bà nỗi đau khổ mới. Bác nhìn tôi để nhớ đến Phương. Bác thấy tôi trở về để héo úa tim gan vì thằng con trai mất tích.

Trang kể từ ngày anh Phương trốn trại, công an khu vực cứ đến tra hỏi làm khó dễ liên miên. Còn mẹ em càng ngày càng tin đồng bóng, thần linh. Thầy nào, am nào, miếu nào mẹ cũng mang hương đèn đến cầu khẩn.

Trang nói đúng. Khi người ta tuyệt vọng, không còn gì để bấu víu, thì chỉ biết tìm đến những điều siêu hình.

Rồi bác bảo tôi:

-Bác mới nghe có một ông thầy rất giỏi. Việt Kiều về vẫn nhờ ông ấy giúp tìm lại hài cốt của người thân. Bác mong cháu đi cùng với bác, để có thể trả lời khi ông ấy hỏi về thằng Phương. Con giúp bác nghe con….

Tôi trả lời:

-Dạ, cháu sẽ đi với bác. Chiều nay cháu đến để chở bác đến chỗ ấy.

Hai bác cháu chúng tôi được ông thầy tiếp vào một buổi chiều. Ông bắt chúng tôi ngồi trước bàn thờ. Căn phòng tối mờ nồng nặc mùi nhang trầm cùng những hình hay những tượng thần và những hình Bát Quái… Sau khi hỏi mẹ Phương về ngày sinh tháng đẻ tên họ của con bà, ngày Phương bỏ trại đào thoát, ở đâu, nơi nào, ông đã ngồi tịnh một hồi, rồi ông bỗng nhiên oà lên khóc. Chắc Thần linh đã nhập vào ông. Rồi ông hét lên: Ta là Sơn thần cao nguyên trấn, ta không tìm ra hồn ma nào như ngươi cầu xin ta giúp đỡ. Ta chỉ thấy những con thú vật kỳ lạ, nửa người nửa vượn miền Tây vực vất vưởng cứ thỉnh thoảng hú lên những tiếng thật thảm thiết…


III

Bây giờ, sau 10 năm ở nước ngoài, tôi trở về chốn rừng xưa. Tôi trở về không phải là một kẻ du lịch, hay là một người muốn nhìn lại một thời tuổi trẻ khốn khó của mình, mà trở về với một người khác, một nghiên cứu gia về nhân chủng học.

Suốt một ngày chúng tôi mới di chuyển khoảng chừng bốn cây số. Người dẫn đường, từng tự hào một thời là lính trinh sát Bắc Việt, trở nên buồn bã thấy rõ. Nỗi ngậm ngùi đọng trên ánh mắt lời nói, dáng bộ của hắn. Mỗi lần hắn dẫn chúng tôi qua một khu vục đầy hoa dại, thì hắn lại nhắc đến những xác bạn bè và đồng chí cũ. Tôi cũng vậy, không có khác gì hắn đâu. Tôi cũng có những thằng bạn bị bỏ rơi, hay thất lạc, hay bị giết, tại chiến trường này. Chúng tôi trở lại chiến trường xưa, trong lòng mỗi thằng một tâm tư khác nhau, nhưng chung qui, vẫn là nỗi kinh hoàng còn ám ảnh từ một cuộc chiến. Chúng tôi qua đây, mới thấm thía được hai chữ phù du của kiếp người trong chiến tranh. Chiến tranh ở cùng khắp. Ngay tại một nơi heo hút như thế này, nó cũng đã có mặt. Mà sao hoa lại rộ nở cả một vùng mênh mông như thế này. Hoa cúc, hoa quì, một màu vàng rực như tấm thảm vĩ đại. Hay là Thượng đế vì động lòng những người trẻ tuổi chết trong oan nghiệt nên đã tạo riêng một nghĩa địa hoa.

Cuối cùng, chúng tôi cũng đặt chân đến khu rừng mà ông tư lệnh quân đoàn BV Hoàng Minh Thảo đã một lần quả quyết là có sự xuất hiện của người rừng.

Người hướng dẫn chỉ tay về phía Tây, nói: Đây là vùng tam biên, nơi giáp ranh ba nước Việt Kampuchia và Lào. Ở đây, ngày xưa, bộ đội chúng tôi đã dừng lại trước khi xuống miền Quảng Ngãi, hoặc về Kontum, Pleiku. Bề kính trên trăm ki lô mét, đầy đường mòn, và những hố bom do B52 trải thảm trước năm 1973. Phía ông tư lệnh nói là phía sâu vào nội địa Lào… Bởi vậy, xin các ngài hãy cẩn thận khi bước đi. Tuyệt đối tránh đụng chạm đến những vật bằng thép, có thể là những ngòi nổ chậm còn sót…

Tôi dịch lại tiếng Anh cho tiến sĩ Mano và tiến sĩ Kenny. Rồi chúng tôi cùng nhìn về hướng người dẫn đường chỉ. Lâu lắm rồi, tôi mới có dịp thấy lại những cánh rừng già bạt ngàn như thế. Cả một màu xanh thẫm, mờ nhạt in trên nền trời mây xám đục, che khuất cả một đường chân trời. Lâu lắm tôi mới bắt gặp những ngọn núi chạm trời, mây trắng như những đàn cừu trở về chuồng, chạm mình trên những đỉnh cao như đụng phải trời. Lâu lắm, tôi mới trở lại một nơi mà ngày xưa, tôi đã từng có mặt cùng bao nhiêu âu lo, kinh hãi. Nhìn thấy nó êm ả, tịch lặng như thế, nhưng thật sự không phải như vậy. Những cây cổ thụ thuộc loại quí hiếm như sao, trắc bá, mun, cẩm lai… cao ngất, thân to bằng cả hai người ôm không xuể, những sợi dây leo chằng chịt rũ xuống, hay bò trên đất như những con trăn u thịt, những đụn gò mối, những tiếng chim kêu thảng thốt vang dậy, những con suối đen ngòm, do từ rong rêu hay lá mục lâu ngày, mà khi lội qua, chúng tôi phải run lên cầm cập, không hiểu vì muỗi rừng, hay vì nước thiếu ánh mặt trời, chất chứa bao nhiêu âm khí độc địa như từ thiên cổ, hay những rừng lá thấp, che khuất cả đất đá không thấy một vết chân người. Lạc vào trong đó, khó mà tìm thấy hướng. Những tàn lá cổ thụ chất chồng nhau, xếp trên xếp dưới, che cả tầm mắt, có khoảng ánh sáng không thể xuyên, như thể chìm ngập trong bóng tối. Ngoài ra, sương mù che phủ dầy dặc. Người ta muốn nhìn hướng phải trèo lên chóp cây, cao đến mấy mươi thước. Thân cây mọc lên san sát, bên những bụi gai um tùm, những sợi dây leo chằng chịt cùng những hốc đá âm u, như toát ra một vẻ thần linh đến lạnh mình. Đó là nơi mà ngày xưa người ta thả chúng tôi xuống, rình mò, để lấy những tin tức từ các đơn vị mới xâm nhập. Chúng tôi phải tự đối phó trong cô đơn. Chúng tôi chỉ biết trông cậy vào địa bàn hay máy truyền tin liên lạc. Qua ống nhòm tôi không thể nhận ra một khoảng nào trống trải, hay thưa thớt để gọi là rừng non, rừng thưa, hay rừng cỏ tranh. Trái lại, chỉ là những cánh rừng già nguyên sơ tiếp nhau như trải dài bất tận. Ở đó máy bay khó lòng nhìn thấy những gì phía dưới màu xanh bạt trùng bất tận.

Tôi hỏi người dẫn đường:

– Anh có bao giờ đến đấy chưa.

– Thưa ngài, chưa. Theo tôi biết, không ai dám vào những khu rừng đấy cả.

– Tại sao?

– Tôi đã nói mà. Chính đại tướng Hoàng Minh Thảo của chúng tôi cũng đã từng đề cập vào năm 1974 mà.

– Tại vì có người rừng, phải không ?

– Vâng. Chúng tôi sợ họ thật sự. Bộ đội chúng tôi đồn nhau, họ là thần linh, họ có mặt cả ngàn năm, không ai có thể tiêu diệt họ được.

– Bộ đội các anh lại tin thần linh sao ?

– Tại sao lại không? Trong chiến tranh, người ta chết nhiều quá. Cả rừng đầy ngập oan hồn. Ngài thấy không, cái bãi trống đầy hoa dại vàng rực kia, trước đây là cả một bãi mồ. Chúng tôi nhớ có những lần phải đạp trên những lối lót đầy xương người mà đi. Còn nữa…

Giọng nói của hắn ràn rụa xúc động:

– Còn những toán thám báo biệt kích của ngụy lúc nào cũng có mặt bên chúng tôi không rời. Mỗi khi chúng phát giác chúng tôi, chúng kêu pháo đài bay B52 bay đến trải thảm. Có khi cả tiểu đoàn không còn một người sống sót.

– Thì đổi lại, các ông cũng đuổi Mỹ cút ngụy nhào.

Tôi trả lời, chua chát. Nhưng tôi hiểu tôi hơi tàn nhẫn. Đáng lẽ tôi sẽ không nói những lời như thế. Với cương vị một người sinh viên tiến sĩ về nhân chủng học, tôi phải dành mọi nỗ lực để tìm tòi, khảo cứu cho dự án ra trường của tôi. Tôi phải cúi đầu, và có thể nuốt cay đắng nếu hắn vô tình xúc phạm đến hàng ngũ mà một thời tôi đã có mặt. Sự thật, qua lời thú nhận của hắn, hắn cũng như tôi. Chiến tranh như một cơn mộng dữ. Bạn bè hắn cũng như bạn bè tôi, hôm qua đã nằm ở đấy, vô danh, lạnh lẽo…

Tôi lại dịch cho hai ông bạn cùng nhóm. Họ có vẻ ngạc nhiên trước những lời tiết lộ của người hướng dẫn.

Tuy nhiên, họ cũng như tôi đều có một công việc chung phải làm. Không phải số tiền đóng góp của hội viên thuộc Hội Bảo Vệ Người Rừng dùng cho nỗi buồn xương cốt này. Chúng tôi bằng mọi giá phải đến những cánh rừng phía nằm sâu trong vùng đất Lào. Chúng tôi phải có bổn phận tìm kiếm một giống sinh vật quí hiếm nhất còn sót lại trên địa cầu. Đó là Forest people, một họ của Hairy Hominids, được gọi chung là Bigfoot. Liệu giống loại nửa người nửa khỉ đột này còn tồn tại không. Liệu những tài liệu, những bản tin liên quan đến những “người tuyết”, “người vượn”, là sự thật hay không. Từ lâu nay, người ta bàn tán hơi nhiều, thậm chí trên truyền hình, người ta còn đưa ra hình ảnh chụp người rừng, trong những chương trình Unsolved Mistery. Tuy vậy, những cố gắng vẫn không thể chứng minh được sự có mặt của giống loại bigfoot, như lời phát biểu của ông Richard Greenwell, chủ tịch Cơ quan quốc tế khảo sát giống người Rừng:

“Vào những ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, tôi mạnh mẽ tin người Rừngl à có thật sau khi đánh giá và đọc các bản tin tức. Vào những ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy, tôi cho chuyện người Rừng là vô lý. Vào ngày Chủ nhật, tôi nghỉ.”

Bởi vậy, sau khi có tin ở Việt Nam, một giáo sư đại học đã chụp được hình những dấu chân khác thường, giống như bàn chân người, nhưng to lớn hơn, để chứng tỏ rằng có một giống vật tiền sử vẫn còn sót lại trong những rừng già, chúng tôi đã tức tốc xin ngân khoản của cơ quan bảo vệ giống vật hiếm quí trên thế giới, và nhiều tổ chức tư nhân hay tôn giáo để bảo trợ chương trình khảo sát của chúng tôi. Họ rất sốt sắng, thứ nhất, sau khi họ nghe tin ở bên Trung Hoa lục địa, người ta đổ xô đi tìm bắt người rừng để lảnh thưởng. Họ lưu tâm đến sự tuyệt chủng của một chủng loại mà đến bây giờ các nhà khoa học vẫn không thể tìm ra hay xếp hạng người hay vượn.

Và nhóm chúng tôi lên đường cách đây một tuần lễ như thể một cuộc ra quân. Những dụng cụ khoa học hiện đại nhất như máy cảm nhận hơi người, máy chụp hình bằng tia laser, máy quay phim, máy truyền tin, cả trực thăng nếu cần, đều được trang bị. Riêng cá nhân tôi, tôi đã hy sinh bỏ công việc hiện tại, để tình nguyện làm một kẻ thông dịch. Hai tiến sĩ của nhóm, một trưởng đoàn, một phó trưởng đoàn đều là giáo sư đỡ đầu cho luận án ra trường của tôi, dĩ nhiên họ rất vui mừng và khuyến khích tôi không ít. Làm sao họ hiểu được tận cùng bề sâu thẳm của lòng tôi, là tôi không thể để một ngày nào đó, đất nước tôi không còn một cái gì hết. Bây giờ, không phải là thời chiến tranh, nhưng từ rừng xuống biển, tài nguyên quí giá nhất của quốc gia đã càng ngày càng vơi cạn bởi mãnh lực đồng tiền. Lại thêm những tay con buôn Đài Loan, Nhật, Hồng Kông, Tân Gia Ba… đang đứng ngoài cửa, sẵn sàng bỏ tiền ra, để gom góp hết những gì quí giá nhất, hiếm hoi quí giá nhất mà mang về nước.

Bởi vậy, chúng tôi phải góp một tay để bảo vệ giống người tiền sử. Chúng tôi phải báo động lên Liên Hiệp Quốc, cùng các nhà lãnh đạo trên thế giới. Chúng tôi phải thuyết phục họ lập một khu an toàn riêng, chẳng những là tài sản của quốc gia, nhưng còn là tài sản chung của cả nhân loại.

Năm ngày đầu tiên khi đến Việt Nam quả hết sức bận rộn cho chúng tôi. Phải gặp các viên chức trung ương, rồi địa phương, phải trao đổi ý kiến với các nhà khoa học Việt Nam, phải đọc rất nhiều tài liệu liên quan đến người Rừng, phải đi phỏng vấn một số dân thiểu số. Dù vậy, chứng liệu vẫn còn mơ hồ. Bởi khi nói đến Người Rừng, người ta chỉ nói đến những huyền thoại như chuyện ma cổ mà tôi đã từng đọc trong tiểu thuyết của Lan Khai hay Thế Lữ ngày trước. Họ nói đến chuyện một người bị lạc vào rừng, và bị một đàn khỉ đột bắt và con vượn cái – một chúa đầu đàn – bắt làm chồng. Họ nói về những tiếng hú lanh lảnh suốt đêm nghe từ xa lắm, và tiếng cây rung chuyển, lá rụng đầy, dù chẳng có một cơn mưa hay gió bão có mặt trên vùng. Một người lính phục viên cũng nhắc lại, anh đã nghe cả tiếng SÁT trong đêm khi đơn vị anh đóng quân dưới một cánh rừng già. Không phải một mình anh nghe mà nhiều người cũng nghe như anh.

Chỉ có bức hình chụp dấu chân người của một chuyên gia đại học mới là một chứng cớ có thể tin được. Bàn chân quá kích thước của bàn chân người. Những ngón chân in trên nền đất rõ nét, rồi mất hẳn về phía Tây. Chính bức hình này đã khiến chúng tôi phải lặn lội tìm đến, hôm nay.

Đêm ấy chúng tôi đóng trại bên con suối. Nhìn bản đồ, không nhận ra nó, nhưng rõ ràng nó là một chướng ngại cho cuộc hành trình của người muốn qua phía bên phần đất Lào. Nước chảy xiết, vang dội ầm ầm vào vách đá phía xa. Không, đúng ra nó là một ngọn thác. Không biết nó bắt nguồn từ đâu và chấm dứt từ đâu. Chúng tôi phải mang áo ấm, vì gió và sương lạnh. Hai ông tiến sĩ đã lo lắng không ít trước khung cảnh lạ lẫm. Các ông thoa thuốc trừ muỗi đầy mình, lại chụp cả cái mùng trùm đầu. Riêng tôi thì quá quen thuộc với những đêm ngủ bờ ngủ bụi như thế này. Từng là một người lính thám kích, tôi đã trải qua nhiều đêm trong rừng, biết phân biệt thế nào là tiếng động của chân người hay của loài thú, biết chỗ nào an toàn nhất khi muốn dừng chân qua đêm. Chúng tôi phải ôm tim ôm ngực chui rúc trong bụi trong lùm, sợ cả dấu chân của chính mình. Chúng tôi phải tự bảo vệ cho nhau. Chỉ có một điều, là bây giờ, không còn người nữa để ta phải bận tâm. Nếu có là những loài thú rừng như cọp, beo, trăn, rắn… Nhất là cọp. Ở xứ này, cọp có tiếng có bộ da đẹp nhất nhì thế giới. Tuy nhiên, cũng vì có tiếng, nên chúng cũng hầu như tuyệt giống.

Chúng tôi đã đốt lên bếp lửa. Máy nghe tiếng động và cảm nhận hơi người cũng bắt đầu làm việc. Vầng trăng đã nhô lên, tròn vằng vặc. Tiếng nước chảy xiết nghe rõ mồn một. Ánh trăng làm một khúc suối sáng loáng như dát bạc. Lâu lắm rồi, dễ chừng hai mươi lăm năm, tôi mới được dịp ngồi lại chiêm ngưỡng một đêm trong rừng mà không còn phải để trí não căng thẳng tột cùng. Tôi lại nhớ đến người con gái Thượng nào đã tắm chung cùng tôi trong một đêm trăng xa xưa. Cả thân hình của nàng lồ lộ ngực vú. Bây giờ nàng ở đâu. Còn thằng bạn tôi nữa. Không biết Phương có tìm được mùi trầm hương giữa rừng già này không. Tôi thương hắn quá. Cuộc đời hắn đáng lẽ phải ở một chỗ khác. Tôi đốt thuốc và rưng rưng cùng kỷ niệm. Kỷ niệm với bạn bè, đồng đội. Kỷ niệm với rừng núi. Kỷ niệm với tuổi trẻ lao lung. Cũng trái giang, trái măng để làm thức ăn tạm trong ngày hết lương thực. Một thời đó gian khổ lắm… Mà hôm nay tôi trở về, âm thầm giấu tông giấu tích.

Người dẫn đường ngồi bên tôi. Tôi mời hắn điếu thuốc. Tôi lại nghe hắn kể về cuộc vượt Trường Sơn, với những đơn vị bị xóa tên, và nỗi kinh hoàng khi từng đoàn B52 xuất hiện. Những hoài niệm của hắn đầy buồn bã. “Ngày xưa, tôi thấy những bãi hoa rừng như thế, và bây giờ, chúng vẫn như xưa. Có lẽ tươi tốt hơn là đằng khác. Các đồng chí của tôi nằm xuống, yên lặng, tức tưởi như thế đó”… “Thú thật với ngài, lâu lắm tôi không dám ăn loại cá trê. Cứ nghĩ đến cảnh chúng thi nhau rỉa thịt người trong những hố bom…” Hắn còn kể về những người bạn của hắn đào ngũ trong chiến tranh. “Ngài không biết, tôi có một đứa bạn rất thân. Nó đào ngũ sau khi đơn vị bị trúng bom. ”

Người dẫn đường run đôi vai, giọng buồn buồn: “Tôi hiểu là những người B Quay này chỉ còn cách là trốn trong rừng già. Bởi vì họ không bao giờ dám trở lại Bắc. Nếu mà họ bị bắt, hoặc là họ sẽ bị xử tử hay là bị chết rục trong trại cải tạo. Không biết đến bây giờ họ có nghe chiến tranh đã chấm dứt chưa?”
Tôi nghe nỗi buồn mang mang. Thì ra, tuổi trẻ Bắc hay Nam đều có chung một mẫu số: vác cái khối đá tảng oan khiên mà từ những tham vọng, quyền lực, chủ nghĩa, trút xuống .

Khoảng hai giờ sáng tôi tự dưng thức giấc. Tôi không thể ngủ được. Sương bốc lai láng trên mặt suối, hòa lẫn cùng ánh trăng, như làm cả khung cảnh phải chìm ngập trong một giòng sữa bạc. Tiếng dội của thác từ xa, vọng về càng rõ. Hàng đàn muỗi rừng li ti trong ánh trăng kêu vo ve. Vâng, cũng con suối như thế này, tuyệt vời như thế, nên thơ như thế, nhưng, nó chính là giòng nước tai họa, đánh gục chúng tôi khi chúng tôi lội qua. Tôi nhớ đến thằng bạn đã dìu tôi đi, có khi cõng tôi, để cố trở lại điểm hẹn. Tôi nhớ đến thằng Phương…

…Và có lẽ mắt tôi hoa lên rồi. Rõ ràng trước mắt tôi, bên kia bờ suối, một đám dã thú đang hiện mập mờ. Trong sương và trong ánh trăng, chúng như những dã nhân với thân hình đầy lông lá. Tóc phủ dài đến tận lưng. Và râu chúng tua tủa. Có con thật cao lớn như Mỹ. Có con nhỏ và thấp như người Việt Nam bình thường. Mỗi con đều mang khố vải. Loại vải rằn Biệt động quân, hay màu tro xám của phi công hay cả vải màu nylong xanh bộ đội Bắc Việt. Tôi cũng thấy cả bộ đồ đen, lọai đồng phục dành riêng cho binh chủng thám kích chúng tôi khi được tung vào mật khu địch. Chúng đứng sắp hàng như một đội quân tập họp. Sau đó chúng vừa đập loạn xạ vào ngực chúng. Bịch. Bịch. Chúng lại nhảy, lại gào kêu the thé. Lọai âm thanh gì mà tôi không thể phân biệt. Có thể là tiếng người. Hay là tiếng thú. Lẫn lộn nhau.

Tôi hối hả chạy đến lều gọi hai ông tiến sĩ trưởng đoàn và phó trưởng đoàn. Họ cùng chạy ra bờ. Nhưng họ không thấy gì. Chỉ có chăng là một giòng trăng và tiếng ầm ầm của dòng thác từ xa dội về. Chỉ có chăng là những thân đại thụ vươn lên như hàng quân bên kia bờ suối. Họ ngạc nhiên nhìn tôi. Tôi cố gắng thuyết phục họ, nhưng họ vẫn không tin. Ông Mano ái ngại dùm tôi:

– Xem chừng anh bị bệnh rồi đấy.

Có thật vậy không. Suốt cả nửa tháng, đoàn cũng không thể tìm ra dấu vết người rừng. Đại ngàn này quá thâm sâu, quá man dã, và quá sức bí ẩn, để chúng tôi không thể nghĩ là công trình sẽ được hoàn thành trong một tháng công tác. Ít nhất phải 6 tháng, công trình mới may ra có chút triển vọng.

Bây giờ chúng tôi phải trả lại niềm bí ẩn về lại cho rừng. Và như vậy, những câu hỏi lại tiếp tục như ông chủ tịch Cơ quan quốc tế khảo sát về Người Rừng:

“Vào những ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, tôi mạnh mẽ tin người Rừng là có thật sau khi đánh giá và đọc các bản tin tức. Vào những ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy, tôi cho chuyện người Rừng là vô lý. Vào ngày Chủ nhật, tôi nghỉ.”

oOo

Cách đây không lâu, vào cuối năm 1998, tôi được đọc một bản tin ngắn của hãng AFP được đánh đi từ trong nước. Bản tin cho hay chính quyền Quảng Ngãi mới đây vừa bắt giữ một người Rừng. Ông ta tên là Dương văn En, 60 tuổi, nguyên là một hạ sĩ quan thuộc tiểu đoàn 70 Biệt động Quân Biên Phòng. Ông và hai người bạn vượt ngục vào năm 1979. Khi bị bắt, người lính VNCH, gốc Hre, đã không còn gì hết, trừ chiếc khố bằng vãi rằn ri. Các phóng viên diễn tả ông như một người tiền sử nửa người nửa vượn, rất khó khăn khi nói trở lại tiếng mẹ đẻ của mình…

Quả thật vậy không? Nhưng làm sao tôi có thể thuyết phục được hai vị tiến sĩ, giáo sư của tôi về một sự xuất hiện của một chủng loại người rừng mới, chỉ có mặt tại Việt Nam, mà người ta đang nói đến ?