có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 4 08, 2023

Tóc Trắng




"Em xem kìa, cảnh đẹp quá!"

Chiếc xe như bị ma đuổi, chạy cuống cuồng. Cái anh chàng này lái quá ẩu, làm mình giật mình không biết bao nhiêu lần rồi. Chạy đã nhanh, không chịu tập trung vào việc lái, lại còn ưa bắt chuyện. Người đâu mà không biết nguy hiểm là gì cả! Cho nên mình cứ tảng lờ để anh chuyên chú vào việc lái xe là tốt hơn hết. Lại tiếng nói của Khải:

"Thảo này, em thấy sao?"

Mình buộc lòng phải trả lời:

"Em chả thấy sao cả, vẫn bình thường như thường."

Khải quay đầu nhìn và nói từng tiếng một:

"Không, anh hỏi em thấy cảnh có đẹp không?"

"Cảnh hả. Ðể em xem thử nào ... Chứ đã lái xe mà còn đòi ngắm cảnh nữa thì sẽ có ngày..."

Khải cười lớn:

"Nhưng anh vẫn lái đấy chứ, và nhờ em ngắm cảnh giùm anh rồi nói cho anh biết ..."

Mình không muốn cãi cù nhầy, rõ ràng anh mới nói em xem kìa, cảnh đẹp quá. Thế mà bây giờ... Lại cái giọng đấy:

"... Chứ có phải em lái đâu mà ... mà sẽ ... gì gì đó."

"Sẽ có ngày."

Khải giọng giễu cợt:

"Anh qua đây từ bé, không hiểu được tiếng lóng của em. Sẽ có ngày nghĩa là sẽ gì? Mà cảnh đẹp không?”

"Thôi, anh lo lái xe đi, đừng đùa dai nữa.” Mình phải nói cái gì để anh chàng này đỡ lằng nhằng. “Vâng, đồng ý với anh, cảnh đẹp lắm."

Khải hắng giọng định nói thêm lại thôi, tiếp tục phóng xe vèo vèo trên con đường đèo cong queo trước mặt. Ngồi bên cạnh Khải, mà lòng dạ mình để đâu đâu. Mình là con người lạng quạng, thiếu ngay thẳng, thiếu tự trọng? Không những thế, yếu đuối! Nhưng quả thật mình không ưa Khải, mà cứ nhận lời đi chơi, hết lần này đến lần khác. Lần này lại đi xa. Tại sao vậy? Hình như trong sâu xa, mình muốn chứng tỏ mình không phải là thứ đồ bỏ, Hưng đâu phải là người đàn ông độc nhất còn sống sót trên cõi đời này. Mà chứng tỏ với ai bây giờ? Ðể làm gì? Hưng đâu có hay biết gì về chuyện mình quen biết hay giao thiệp với người này, người nọ. Hay đó chỉ là một cái cớ để che đậy cái tính nhẹ dạ, dễ tin, dễ bị người ta dụ dỗ. Mình có phải thuộc loại người dễ dãi ấy không? Mà dễ dãi có phải là một cái tội hay không? Em chưa hiẻu rõ em thì làm sao hiểu anh được hả Hưng.

Thật ra, Khải trông cũng được đấy. "Cao ráo sạch sẽ", dáng dấp một lực sĩ, nước da ngăm ngăm nâu, chiếc áo pull để lộ hai cánh tay bắp thịt nổi lên gân guốc. Ðặc biệt là đôi mắt có chiều sâu khiến cho khuôn mặt bớt lấc cấc, lại thêm hai khóe môi thường nhếch lên một chút như sẵn sàng nở ra một nụ cười dễ dàng. Anh cũng có khoa ăn nói, lại biết đến mấy ngoại ngữ. Nhưng điều mình không ưa nơi Khải có lẽ là cái vẻ quá tự tín đến tự mãn. Và thực tế quá. Hay thực dụng? Lại thích ganh đua, luôn luôn muốn hơn người.

Anh ở Mỹ đã lâu nhưng nói tiếng Việt khá trôi chảy, giọng lơ lớ nửa Bắc, nửa Nam, chen dăm ba tiếng Anh khi cần thiết, hoặc khi chưa tìm ra chữ chính xác. Chứ không phải như một số người câu nào cũng cố đệm vào vài ba tiếng Anh, tiếng Pháp, chẳng hạn: "toa mới qua, for sure nhớ nhà lắm hả?", "đừng ngại, moa toujours busy nhưng sẵn sàng help", "he rất good, làm gì cũng parfait", "elle được lắm, mais un peu boring", "sometimes đi dancing với moa nhé, exactly hai đứa mình với bọn con trai thôi", "eh, đừng dại mà get involved vào cái cas ấy", "chúng nó chẳng bao giờ gentilles cả, some people!" v.v...

Không hiểu sao mình có ý nghĩ rằng cha mẹ anh là người Bắc di cư vào Nam năm 54, còn anh thì sinh tại Sài Gòn, đến 75 một mình di tản qua Mỹ. Khải chưa bao giờ nhắc nhở đến gia đình, cha mẹ. Có dịp mình sẽ hỏi anh xem lời đoán mò đó đúng được mấy chục phần trăm.

Khải rất sành sõi trong giao tiếp, lại công ăn việc làm vững vàng, và hẳn là có nhiều tiền. Năm nào anh cũng "làm một chuyến du lịch xa". Năm ngoái, vốn thích bóng tròn, anh đã bay qua Tokyo xem trận chung kết Vô Ðịch Túc Cầu Thế Giới giữa Ba Tây và Ðức. Năm nay để dành ngày nghỉ phép cùng vài người bạn da trắng cùng sở đi xem Thế Vận Hội tổ chức tại Hy Lạp mất hơn ba tuần lễ. Ngoài ra mỗi năm anh còn có những chuyến đi chơi trong nước Mỹ out-of-town, out-of-state vào những dịp long weekend. Hỏi kỹ anh mới kể lại những chuyện ấy bằng một giọng hờ hững, chứ không phải thuộc hạng người đi nhiều ưa nói khoác.

Có lẽ vì một vài lý do trên chăng, hay vì lý do nào khác nữa khiến mình cảm thấy có một cái gì ngăn cách giữa mình và Khải. Dù vậy mình đã nhận lời đi chơi vơí anh chàng này mấy lần rồi. Buồn cười.

Ðang đi với Khải lại hay lo ra, lại nghĩ vẩn nghĩ vơ, lại cảm thấy như người phạm tội, lại cứ muốn sống với những ngày cũ, người cũ. Hình như Khải cũng nhận ra có gì khác lạ nơi mình, nên im lặng. Khải luôn luôn vậy. Mà còn làm ra vẻ dửng dưng nữa chứ! Hay là chỉ khéo vờ vĩnh? Hay cho đó là chuyện riêng của mình, anh không muốn xía vào.

Chiếc xe chạy vùn vụt trên con đèo ngoằn ngoèo, dốc cao, và dài. Hai cửa kính trước của xe mở hé, gió rít mạnh. Tóc mình bay rối tung, có sợi vướng vào mắt, vào tai, vào cổ. Nhột nhạt, khó chịu. Con mắt vô tình đập vào đồng hồ tốc độ. Kim chỉ trên con số 70. Mình hơi hoảng:

"Anh lái nhanh quá! Em sợ."

Vẫn nhìn thẳng đằng trước, Khải trả lời:

"Em nói gì? Anh không nghe."

Nói xong, anh bấm nút cho cửa kính đóng kín khỏi bị gió át, lặp lại câu hỏi:

"Em nói gì, nói lại đi."

"Em nói anh lái nhanh quá. Em sợ."

"Nhanh gì mà nhanh!" Khải đáp vắn tắt.

Mình không thích cái lối nói cộc lốc ấy, nói để mà nói, bất chấp đúng hay sai, và chẳng quan tâm gì đến người nghe. Ðã biết thế mà mình cũng không thể ngồi im được:

"Thế mà không nhanh hả? Xem nào, kim chỉ trên 70 miles, tính ra trên 100 cây số một giờ. Lại đang lên đèo!"

"Nhằm nhò gì."

"Nhưng em sợ."

"Sợ gì mà sợ!"

Lại cái giọng đó. Chừng như thấy mình cau mày khó chịu, Khải hắng giọng nói tiếp:

"OK, người ngồi cạnh sợ thì cũng phải thôi. I understand. Còn anh, người lái, luôn luôn yên tâm. Em coi kìa, tụi nó sắp qua mặt mình rồi."

Quả thế, Khải chỉ lơi chân ga một chút để lắng nghe mình nói, hai chiếc xe chạy sát sạt đằng sau nãy giờ đã nhá đèn lên. Khải bớt tốc độ, hơi nép vào phía phải của con đường, chúng vù vù qua mặt. Trên hai chiếc xe ấy, một xe mui trần, chiếc kia là xe truck, bọn thanh niên thiếu nữ Mỹ trời khá lạnh mà con gái vẫn quần đùi jeans cũn cỡn, lai quần rách toe, phô những cặp đùi dài và đẹp, con trai thì phong phanh chiếc T-shirts, vung những cánh tay lên trời, reo hò thích thú. Có lẽ tụi nó không trẻ hơn mình lắm đâu, nhưng quả là vô tư và hồn nhiên. Còn mình? Mới qua bỡ ngỡ, đôi khi tự cảm thấy già khằn. Không khéo một ngày không xa mình sẽ héo queo lại như một quả táo chín non. Và rụng.

Con đường nhựa đen bóng lộn, uốn lượn, chia làm hai bằng vạch sơn vàng ở giữa. Nhiều đoạn đường hẹp chỉ cho phép một dòng xe lên, một dòng xe xuống. Những lúc xe chạy ngược chiều nhau tại những khúc quanh, thì tuồng như sắp ủi vào nhau mới thấy được nhau. Trước đó, vách núi hay cây cao che khuất. Khải tăng tốc độ chạy như mũi tên bay, nhanh hơn tên bay chứ, ví với von, cố đuổi theo hai chiếc xe vừa mới qua mặt. Có lúc mình tưởng xe sắp đâm vào những chiếc xe đối đầu đang ào ào đổ xuống cuối mỗi khúc cong, có lúc tưởng xe đã trượt ra khỏi con đường bay vào không trung, rơi xuống vực. Cũng tính nào tật nấy, hiếu thắng vô lối. Biết rồi mà, thể tháo gia mà có hạng mà! Mình không thể ngồi im lặng mãi được nữa:

"Kệ tụi nó. Mình lo việc mình đi anh. An toàn xa lộ là tốt nhất. Anh thấy không, phía trái bên anh là vách núi, phía phải bên em là vực sâu. Sâu thăm thẳm, em không dám nhìn xuống. Lỡ vô ý một chút, một giây thôi, xe có thể lao xuống vực, hay đụng những chiếc xe ngược chiều kia! Với lại ..."

"Với lại làm sao?"

"Anh không sợ cảnh sát phạt? Em thấy nhiều tấm bảng hiệu bên đường chỉ tốc độ giới hạn là 35, 40 gì đó. Mà anh chạy hơn 70!"

"Phạt gì mà phạt! Ngu sao để phạt! Vừa chạy vừa canh chừng chứ. Thấy có cảnh sát mình chạy chậm lại. Ở đây ai cũng thế, trừ mấy ông lão."

Nói xong, Khải lại hạ cửa kính xuống một chút cho gió lùa vào, cho gió gào thét, lại nhấn thêm ga. Khải vẫn có thói quen như thế, dù trời nóng hay lạnh, lạnh thì mở heat, nóng thì mở máy lạnh, nhưng cửa kính vẫn luôn luôn để mở hé, bảo nghe tiếng gió gào khi xe phóng nhanh mới thấy thú. Khải luôn luôn muốn làm khác người theo cái lối giả tạo của anh, mình biết quá rồi. Thế mà cũng nhờ vậy Khải làm mình chú ý trong những lần gặp gỡ đầu tiên. Nhưng bây giờ mình đã chán ngấy cái thói đó. Tốt hơn hết, mình nên ráng giữ im lặng trở lại. Mình càng nói, Khải càng làm ngược, càng nguy hiểm.

Im lặng mà sống với những ngày tháng cũ nhé. Tính ra mới hơn một năm thôi. Em quen anh mới hơn một năm mà em cứ tưởng mình đã quen nhau lâu lắm. Quen nhau từ kiếp trước mới chịu đựng được nhau lâu thế. Biết bao nhiêu chuyện vui buồn đã xẩy ra. Mà buồn thì quá nhiều phải không Hưng. Thôi, lần sau em không nhận lời đi chơi với anh chàng Khải này nữa, dù em đã xa anh. Ðã xa anh mãi mãi.

Chuyện cũ! Có gì đâu mà mình cứ muốn làm cho nó rùm beng lên như vậy. Hết, hết tất cả rồi từ ngày mình trả lại cho Hưng bàn máy chụp ảnh, và cái ví da Hưng mới mua. Và đòi lại những thứ lỉnh kỉnh. Tại sao mình có thể làm những chuyện lầm lẫn đến thế, tại sao mình trẻ con đến thế? Phải rồi, Hưng lớn tuổi hơn mình nhiều đâu có chịu nổi những chuyện lẩm cẩm con nít của mình. Mỗi lần nghĩ lại chuyện đó, mình đỏ mặt vì ngượng! Và hối tiếc. Người ta thì thường hay tự ái, nghĩa là tự thương mình, tự yêu mình? Nếu thế tôi không tự ái chút nào cả, tôi thấy tôi ghét tôi quá.

Hôm đó, như cuốn phim quay chậm chiếu lại. Hưng châm thêm điếu thuốc. Mình để ý khi nào gặp chuyện bất thường, Hưng rút thuốc lá ra hút, hết điếu này đến điếu khác. Có lần mình khuyên Hưng rán bỏ thuốc lá đi, nhập gia tùy tục. Hơn nữa thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Hưng cười khẽ, và lơ đãng gật đầu. Vâng em biết bỏ một thói quen không phải dễ, nhất là đối với một người “khó bảo” như anh.

Qua làn khói thuốc lá, Hưng có vẻ bực bội, gằn giọng nói:

"Sao lại trả đi trả lại. Em cứ giữ lấy mà xài."

"Thôi, em không thích. Em ghét chụp ảnh lắm. Hơn nữa em không có chỗ để. Xin trả anh lại anh. Trả lại tất cả, cái ví da này nữa."

"Vậy hả? Trả thì trả."

Mình còn nhớ Hưng cau mày khó chịu. Khuôn mặt đã khó đăm đăm càng nhăn nheo hơn. Thường ngày Hưng hay cù nhầy, cà khịa, nói lui, nói tới, nhưng sao hôm ấy Hưng phản ứng một cách nhanh nhẹn như thế! Phải chi Hưng kéo dài câu chuyện thêm một chút, mình đã đổi ý, lấy lại máy ảnh, ví da. Và mọi chuyện có thể giải quyết êm đẹp. Nhưng đã hết, đã hết tất cả rồi. Chẳng còn gì! Còn chăng là tro tàn!

Hãy để mớ tro tàn nằm yên. Xin những cơn gió lạc đường đừng nổi lên nữa. Nhưng trời nào mà trời không gió! Cửa kính xe đã hạ xuống khá thấp từ hồi nào mình đâu biết, và Khải thì lầm lì khó hiểu. Có lẽ anh ta thấy mình như người thất thần? Gió gào thét dữ dội bên tai. Làm tro bay tán loạn. Dưới những lớp tro tàn, còn đốm lửa nào không?

Mình lặng người lắng nghe xem có còn đốm lửa nào đang cháy trong lòng, cho một chút ánh sáng leo lét nào, phát ra một tiếng reo âm thầm nhắc nhở nào. Như ngọn lửa yếu ớt trong rừng khuya liệu có còn đủ sức phát ra một tín hiệu cho kẻ lạc đường? Em đang đi lạc đường đây anh, mình đang theo Khải lao nhanh trên con đường dốc, mà lòng vẫn muốn xoay vòng vòng như những ngày bên Hưng, như chiếc kim giây của chiếc đồng hồ tay mình đang đeo, chiếc đồng hồ bé tí Hưng tặng? Hình như nó có phát ra âm thanh, nó làm nhớ tới Hưng. Thật mơ hồ, thật mong manh. Không, làm gì có! Ðó chỉ là tiếng nhịp đập của mạch máu trên khuỷu tay trái chứ làm gì có tiếng động nào phát ra được từ chiếc kim đồng hồ nhỏ như sợi tóc. Mà sao lại quên trả chiếc đồng hồ? Giữ lại làm gì? Đã trả thì trả cho hết. Ở xứ này đồng hồ nằm la liệt khắp chốn, mang nó thêm vướng. Không, dường như mình không quên; mình cố ý giữ nó lại.

Có lần Hưng ba hoa, cười cợt. Xem anh đây, mình trần thân trụi. Anh có bao giờ đeo cái gì đâu ngoài sợi dây chuyền trên cổ. Và anh chỉ muốn đeo nó mãi, như đeo đẳng mãi bên em cho đến khi nào em chán ngấy. Rồi cười không ra cười. Cái anh Hưng này cái gì cũng cười, không phải là nụ cười thoải mái, mà là cười gằn, cười chua chát. Vậy mà mình vẫn lắng nghe từng tiếng một, có khi chẳng hiểu Hưng nói gì.

Nhưng có lẽ cũng không phải thế. Sợi gân máu nhỏ màu xanh nổi lên trên khuỷu tay làm sao tạo được âm thanh. Mà đó là tiếng động mơ hồ phát ra từ nhịp tim đang đập của mình, đôi khi làm đau nhói. Mình lấy bàn tay ấp lên ngực, nén nó xuống.

Buồn cười thật! Em đã chuẩn bị mọi thứ, từ tinh thần đến thể xác. Em đã chuẩn bị xa lìa anh vĩnh viễn. Em biết em không thể nào yêu anh nổi, dù anh có yêu em chăng nữa! Vâng, hai đứa mình khác nhau quá. Có thể vì muốn tò mò tìm hiểu nhau trong một thời gian ngắn đầu tiên mà thôi. Kéo dài mãi cái thời gian đó chỉ làm khổ nhau, mình nhận thức điều đó. Nhưng ... hay chỉ một mình em đau khổ? Còn anh, anh có đời sống riêng của anh? Nhiều lúc mình tự hỏi hình như có một cái gì rất kỳ quái thỉnh thoảng rình rập, phá phách em và anh, làm cho mọi chuyện đang êm xuôi bỗng khựng lại, ngỡ ngàng và bẽ bàng.

Em đã trao tất cả cho anh, và tin tưởng tất cả những gì anh nói, anh tâm sự. Em biết anh hoàn toàn tự do, không vướng mắc vào một ai, chỉ có em là người mà anh muốn tính chuyện lâu dài. Nhưng tại sao anh cứ lừng khừng, vui buồn bất chợt, có lúc nồng nàn, say đắm, có lúc hững hờ, lạnh nhạt. Và có lúc trông anh ủ rũ, héo hắt đến độ làm em xót xa cả lòng dạ.

Em khác anh. Em không thể chịu đựng mãi những cái bất thường ấy. Hay anh nghĩ rằng anh phải đóng kịch như thế mới cao giá, mới tránh được cái nhàm chán như mọi thứ nhàm chán khác của cuộc sống. Mới đủ sức lôi cuốn em và giữ được em lâu dài? Nếu thế thì sai lầm rồi. Nếu thế, mối tình của chúng ta không phải là tình yêu chân thật, mà là so đo tính toán thiệt hơn, là dàn quân, là quyết ăn thua.

Em chịu hết nổi rồi. Em nhất quyết xa anh, mãi mãi xa anh. Nhưng mình chưa kịp nói gì với Hưng về ý định ấy, em chưa kịp nói cho anh nghe một lời vĩnh biệt, thì linh cảm cho em biết anh đã bỏ em.

Mình cố nuốt nước mắt vào trong lòng, lén nhìn Khải. Anh ta vẫn ra vẻ để tất cả tinh thần vào việc phóng chiếc Acura thể thao hai cửa sáu máy chạy vèo vèo đuổi gần kịp hai chiếc xe vừa qua mặt lúc nẫy. Gặp những khúc quanh, dây đai an toàn siết vào người, mình lao đao như say rượu.

Lại nhớ, một lần, lần đầu tiên trong đời, bị Hưng ép uống rượu mạnh.

"Em đã nói em không biết uống rượu mà."

"Cứ thử đi em, không sao đâu! Uống một chút trước khi ăn cho ngon miệng. Anh uống phần còn dư cho. Ðừng sợ. Em rụt rè như con nít. Đừng sợ."

Lại sợ với không sợ, anh này xem thường mình quá lắm. Mình đang muốn ngang hàng với anh. Ðã thế, mình nốc một ngụm lớn, nuốt ực cay xé cả cổ họng. Tay tự nhiên buông ly rượu ra, hình như nó đang rơi xuống đất. Hưng kịp vói tay cầm lấy cái ly trong tay mình, cười cợt, chỉ trỏ. Rồi xoay miệng ly, kề môi dốc ngược, uống một hơi cạn.

“Em có biết anh vừa làm cái trò gì đó không?”

Rượu khiến mình bạo dạn cự nự:

"Cái trò gì? Em không biết, không cần biết. "

Nói xong mình cảm thấy như lời của người nào khác nói. Định nói thêm vớt vát, bỗng nghe Hưng phang một câu:

"Anh vừa hôn em."

Mình nổi nóng:

"Hôn em? Hồi nào? Đâu dễ thế!"

"Chưa được phép hôn người, thì hôn gió, hay hôn qua cái ly vậy. Anh xoay cái ly cho đúng chỗ mà em không thấy sao?"

"Là thế nào? A, anh cải lương quá!"

Hưng nham nhở:

"Em quá khen. Anh chưa đạt đến trình độ ấy đâu."

Hai má mình bắt đầu nóng bừng, chắc là đỏ kè. Vài người khách bàn bên cạnh quay nhìn mình một cách trắng trợn. Thức ăn mang đến mình thấy muốn ói, và giục Hưng đứng dậy đi nơi khác. Lên ngồi trong xe, mình càng choáng váng:

"Cái ô tô con của anh chạy cái kiểu gì lạ vậy? Em ngồi như ngồi trên sóng."

"Xe hơi chứ, ô tô con ô tô cha cái gì? Em cứ ưa dùng chữ của Việt Cộng!"

"Thế à. Mới qua, quen miệng nói như vậy đó. Được không." Nói xong mình lại chột dạ, chẳng biết phản ứng của Hưng ra sao. Hình như, như người ta thường nói, rượu nói chứ không phải tôi nói. Thế ra mình đã say rượu?

Hưng móc thuốc lá ra hút, vừa nhả khói vừa lẩm bẩm đùa cợt, như không để ý gì đến lời mình vừa nói:

"Phải chi anh biến thành cái dây an toàn của em.”

"Ủa, để làm chi vậy?"

"Ðể bảo vệ em chớ để làm chi nữa. Và để anh được tha hồ... "

"Thôi, thôi, anh đừng giờ trò nữa. Tôi chưa say đâu. Đừng nói nữa!"

"Này, em vô ý lắm. Nhớ đừng bao giờ nói hai chữ đừng nói."

"Tại sao? Tại sao?" Mình nghe tiếng nói của mình như tiếng hét.

"Tại sao thì em rán mà tìm hiểu lấy."

Ðến bây giờ mình cũng không hiểu Hưng định nói gì. Và mình cũng không hiểu gì mấy về con người của Hưng. Chỉ biết rằng Hưng có một sức cuốn hút mà mình không cưỡng lại được. Đấy là cái gì? Là cái vẻ lừng khừng không có chủ đích; con mắt khi thì sợ hãi, sợ hãi cái gì nhỉ, khi thì lì lợm; thái độ lúc thì tha thiết, lúc thì hờ hững, lúc thì cợt nhả, sỗ sàng. Vui buồn bất chợt; nóng nảy rồi chịu đựng, rồi hết lòng chiều chuộng ... Hay là ở Hưng còn có gì khác nữa mà mình chưa nhận ra. Vậy mà tuổi thơ ngây của em lại trao cho anh một cách quá dễ dàng. Mỗi lần nghĩ lại em thấy ngỡ ngàng như vừa trải qua một giấc mơ. Mộng đẹp hay ác mộng hả anh. Dù thế nào đi nữa, giấc mộng đã tàn rồi.

Nhiều lúc bánh xe xéo mặt đường rít lên chói tai, át cả tiếng gió gào, kéo mình ra khỏi cơn mơ. Bỗng dưng Khải choàng cánh tay phải qua vai mình, ép mình vào sát người anh, nắm chặt lấy bàn tay của mình đang đè lên ngực, ngón tay trỏ của anh đập đập nhè nhẹ. Mình hơi hoảng, vùng vằng nói to:

"Cái gì vậy?"

"Anh đây!"

Khải bấm nút lên kính xe. Cái anh chàng buồn cười này cứ lên kính rồi hạ kính, rồi lên, cũng như tại nhà khi xem TV cứ vặn volume tăng giảm luôn tay.

"Ừ thì anh chớ còn ai vào đây nữa! Này, anh phải cẩn thận."

"Cẩn thận cái gì? Có ai thấy đâu mà phải cẩn thận. Mà thấy thì cứ việc cho thấy."

"Không phải!" giọng mình nghe gắt gỏng. "Cẩn thận cái gì hả? Cẩn thận lái! Và đàng hoàng một chút đi. Em không thích cái lối ấy! Em nói thật đấy, anh đừng giận."

Khải rút tay lại, đặt cả hai tay trên vô lăng, nhấn thêm ga, và lạnh lùng nói:

"Thì thôi."

Để bớt ngượng, Khải lằm bằm một câu tiếng Anh mình không nghe ra, rồi hỏi:

"Em biết mình đi đâu đây không?"

Lại bắt qua chuyện khác. Tôi chịu thua rồi, tôi không tảng lờ được mãi:

"Biết. Hồi sáng anh có nói. Quên rồi hả?"

"Biết thì go ahead và ... nói tiếp đi."

"Ði Big Bear."

"Ðúng. Em đi Big Bear lần nào chưa?"

"Rồi."

"Thường không?"

"Thường nghĩa là sao? Một năm một lần hay một tháng một lần là thường ..."

Tiếng nói của mình tự nhiên vang to lên bên tai, nghe như tiếng của ai khác.

"... hay một tuần một lần là thường?"

"OK. Không hỏi câu đó nữa."

Chiếc Acura phóng nhanh hơn, quá nhanh, đã đuổi kịp, rồi nhá đèn vượt qua hai chiếc xe đằng trước. Bọn thanh niên Mỹ lại đứng thẳng người lên hò hét và đưa cao cánh tay cổ võ, hoan nghênh.

Chạy xe kiểu này e có ngày chết. Muốn hăm dọa đấy hẳn. Làm như chết thì chỉ một mình mình chết mà thôi!

Mình đánh bạo quay người nhìn về phía vực sâu. Một vệt trắng dài mút mắt dăng ngang che kín các ngọn cây, che kín những đỉnh núi lô nhô bên dưới. Trông như người đàn bà khổng lồ mặc áo trắng nằm chết đuối. Sơn lam chướng khí bốc lên, hay sương mù, hay mây? Ðịnh hỏi Khải cho biết nhưng nghĩ sao lại thôi. Vài ba con chim chao cánh cuối tầm mắt dưới kia như bị gió cuốn giật. Chúng bay đổi hướng bay thật nhanh, chỉ thoáng qua là mất hút.

Kín đáo liếc mắt quan sát Khải. Anh ta bây giờ trông giống như con thú đang rình mồi, hai mắt đăm đăm nhìn phía trước, môi mím lại, vẻ mặt căng thẳng. Cũng có thể là một con thú vừa bị sẩy mồi, quyết đuổi theo. Mình cười thầm. Bỗng Khải gằn giọng, lớn tiếng hỏi:

"The last question nhé. Có OK hay không thì cứ nói ngay đi. Ðừng lý lẽ dài dòng, lôi thôi!"

Mình ngạc nhiên về cái lối trở giọng ấy. Nhưng cũng nhận ra rằng mình hơi chua ngoa, đành phải trả lời giả lả:

"Anh giận em? Thôi xin bớt giận một chút đi nào. Muốn hỏi gì anh cứ hỏi đi, trả lời được em trả lời ngay."

Khải nhún vai:

"OK, tốt. Ði Big Bear với ai?"

Mình hơi thảng thốt, nhưng lấy lại bình tĩnh ngay:

"Anh không nên hỏi vậy! Ðó là chuyện riêng của em."


***

Buổi trưa nắng. Mấy giờ rồi, hắn không biết. Vừa ghé nhà bưu điện gởi thư lại quên xem đồng hồ của bưu điện. Thư khá nặng, không biết dán bao nhiêu tem cho đủ, dán dư, hắn tiếc tiền, hắn không có nhiều tiền, đành phải đi bộ ra đó cho người ta cân cho chắc ăn. Hắn bỗng nghiệm ra rằng dạo này, gần nửa năm nay, từ ngày xa Thảo, hắn thích đi bộ một mình. Vả lại chiếc xe Honda Civic cũ rích và cà tàng của hắn hay nằm đường bất tử.

Những cái quái gì trong thư vậy? Hắn lẩm nhẩm: cuốn sổ tay nhỏ trong đó có nhiều trang chép nắn nót những bài ca, những bài thơ tiền chiến, có cả vài bài thơ của Nguyên Sa, Kim Tuấn, và đặc biệt là hai bài Thuyền và Biển, Sóng của Xuân Quỳnh mà Thảo dặn phải đọc đi đọc lại. Lại thêm mấy đoạn văn xuôi đọc lên nghe rất êm tai. Một số nhạc của Trịnh Công Sơn. Cái cô này rất lãng mạn, hắn lẩm bẩm. Một lá "bùa hộ mệnh" màu vàng có sáu chữ ngoằn ngoèo mà cô ta bảo là chữ Phạn, "an mani padme hum" . Ôn tu ở chùa Tường Vân ngoài Huế ban bùa cho em, nằm kín trong một bao giấy màu đỏ chỉ lớn bằng hai ngón tay còn thơm mùi hương, mùi trầm. Một chiếc hộp đựng khá nhiều hoa ép khô.

Hắn cố nhớ lại tất cả những gì đã xẩy ra hôm ấy, trí nhớ mòn mỏi, một quá khứ gần gũi như thế mà đã sứt mẻ đi nhiều, và biến hình, và méo mó, và tù mù, vâng ngay cả chuyện vừa mới xẩy ra đây với con nhỏ bưu điện mà bây giờ nghĩ lại đã thấy chuệch choạc, cảm thấy lòng mình đã khác, không còn bực mình vì nó nữa, cái nét mặt cố gắng lạnh lùng, lấc cấc của nó mình cũng khó mường tượng ra nổi, bây giờ nghĩ lại lại cảm thấy con nhỏ có vẻ giống như con gà chọi vị thành niên chưa mọc đủ lông cánh, lông đuôi, lột cột lạc cạc một cách ngây thơ, dễ thương, bây giờ nghĩ lại, mà bây giờ là cái quái gì, bây giờ là hiện tại chăng, làm gì có hiện tại, cuộc đời mình không bao giờ có hiện tại cả, tưởng nắm được giây phút này đây nhưng quả thực nó đã và đang tuột khỏi tầm tay, không tài nào níu kéo nó lại được, vừa mở miệng nói ra một lời, thì lời nói ấy đã đi vào quá khứ, rồi nó dừng lại hay tiếp tục chạy hoài trong thời gian, mà thời gian là cái gì vậy, có cái gọi là thời gian hay không, hay đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của con người, thời gian có trôi đi như dòng nước chảy hay đứng yên một chỗ, hay là đã thay hình đổi dạng, hay đã biến mất tăm hơi không để lại dấu vết gì, biết bao nhiêu lời nói hoàn toàn bị xóa sạch trong thời gian, mà những biến cố khác của cuộc sống cũng xa dần thời gian, kể cả thời gian, ký ức, quá khứ, họa chăng còn lại là mái tóc trắng. Vâng, đời mình không có hiện tại, chỉ có quá khứ và tương lai, quá khứ lãng quên, biến đổi, và tương lai mờ mịt, bất định. Vậy mình làm sao ghi lại cho đầy đủ và đúng đắn những gì đã xẩy ra hôm đó với Thảo.

“Anh nhớ lấy cái bùa ra mà đeo.”

"Ôn cho thì em giữ lấy để làm bùa hộ mệnh, chứ sao lại đưa cho anh. Anh không cần đâu."

Hình như mình không định nói câu ấy. Hình như mình định nói, chẳng hạn cám ơn em, em chu đáo quá, lo lắng cho anh đến thế anh thật không biết lấy gì đền ơn trả nghĩa; không, nói vậy nghe khách sáo quá, hay là anh không thích những thứ lẩm cẩm ấy, đeo thì vướng, cất thì không biết cất vào đâu; hay là anh không tin bùa chú nhảm nhí; hay là em cứ giữ tạm giùm anh, giữ thêm một thời gian nữa cho đến khi nào mình ... mình ... mình chính thức với nhau, em giữ cũng như anh giữ, hay là ... hay là ...

Cô nàng cúi mặt, mím môi, có vẻ giận dỗi, hay là đang cố nhẫn nhục, đang tủi thân, hay là có ý mỉa mai, cười cợt, hay là muốn tỏ vẻ rộng lượng, bao dung, hay là lòng đầy thương cảm, khi đáp:

"Anh cứ nói anh cần nó đi. Em biết anh cần hơn em."

Và cứ thế những mảnh rời chắp nối vào nhau, câu trước kéo theo câu sau, chi phối câu sau, kết lại thành một mẩu đối thoại hoặc vui tươi, hoặc sầu khổ, hoặc tha thiết, hoặc nhạt nhẽo. Như tình cờ, như không có một chủ đích nào, không có một hướng đi nào.

"Hay quá nhỉ? Sao em biết anh cần hơn? Em biết anh hơn anh biết anh?"

"Ðúng vậy đó. Người ngoài nhìn vào vẫn sáng hơn người trong cuộc."

"Nhưng anh không có thói quen đeo cái gì vào người cả. Trừ ..."

Thảo cướp lời:

"Thôi, không đeo cũng được. Anh cất cái bùa ở một nơi nào an toàn thì cũng như đeo vào người."

Thế mà bây giờ đòi lại hết.

Và lộm cộm vài món khác. Cái con nhỏ bưu điện vẻ mặt lấc cấc, hai bàn tay ngờ vực mân mê nắn bóp bao thư, trở ngược trở xuôi, đôi lúc có vẻ sợ sệt như không muốn đụng tới nữa, hất hàm đựng gì trong này, thì hất hàm đáp lại cứ mở ra là biết ngay. Ngoài những món trên còn có hai hòn cuội nhỏ như trứng chim sáo một màu xanh, một màu hồng, để làm gì vậy cà, mình không hiểu, và một tờ bìa dày trên đó có đính mấy tấm hình của Thảo thời mới lớn: một tấm toàn thân chụp trước sân nhà, đẹp như cô gái ngày xưa, và dịu dàng, và dễ thương, mắt sáng, môi tươi, tóc đen nhánh mượt mà đổ xuống đôi vai nhỏ, chiếc áo dài màu tím nhạt sáng lên từng vạt ôm lấy hình dáng thon thon, tà áo đã được những ngón tay xinh xắn của Thảo giữ lại mà vẫn uốn lượn, hẳn hôm ấy là một buổi sớm mai có nắng và gió, một ngày thu tươi tắn chăng, chiếc quần lụa trắng ôm sát vào mông, vào đùi, ôm lấy đôi chân dài, rủ xuống gần chấm đất, đôi guốc sơn mài nhỏ nhắn quai có đính vài hạt cườm, chiếc guốc hơi ngắn một chút so với bàn chân, làm hằn lên hai gót chân son; một tấm hình chụp tại chùa trong đồng phục Phật tử áo dài lam đơn sơ, quần vải thô, ngồi khép nép cạnh chiếc bàn trong phòng trai, hai tay dâng tách trà nằm trên chiếc đĩa nhỏ mà mắt thì nhìn xuống chứ không dám nhìn thẳng vào vị sư già, hai hàng mi dài, cong che bớt ánh sáng của đôi mắt to, đen, miệng cười như có như không, thèn thẹn, rụt rè; và tấm hình thứ ba chụp trước sân chùa, đứng vịn bàn tay trắng muốt lên cành cây đại cổ thụ đen đủi, sần sùi, cành cây và bàn tay tương phản với nhau trông đến tội nghiệp, mà hoa đại thì trắng như bột gạo nếp nằm chen trong đám lá xanh đậm và dày; ôi tuổi thơ con gái hoa hạnh bên trong những bức tường dày kín bưng chưa biết mùi phố phường, đô thị là gì, làm nhớ Na đến xót xa; và còn gì nữa, mấy sợi tóc ngắn, mịn, hơi hoe vàng mà Thảo bảo là tóc mai, tóc gáy, mấy sợi lông, lông ở đâu không thấy nói, có băng keo nhỏ tí xíu dán đè lên cho khỏi bị rơi rớt đi mất; lại hất hàm cái gì đây, thì lông chứ là cái gì nữa, con nhỏ bưu điện toét miệng cười, bớt lạnh lùng, cho tất cả vào bao thư vừa bị rạch ra, lấy băng keo lớn dán lại, lại hất hàm hỏi gởi bảo đảm không, không, gởi thường thôi, rồi nó dán tem, đóng dấu, ném bao thư xuống cái thùng lớn để dưới gầm bàn, tính tiền, máy kêu rẹt rẹt, chìa tờ biên nhận, không quên nhắc câu nói thuộc lòng anh cần gì nữa không, không, you have a nice day, hắn nheo mày đáp một cách máy móc thank you, you too, bước nhanh ra khỏi căn phòng có đoàn người nối đuôi nhau đợi, quên xem mấy giờ nơi chiếc đồng hồ bưu điện.

Hôm nhận được thư Thảo đòi lại những món đó, hắn ngẩn người, tìm cả buổi không ra, sẽ tìm cách nói dối, cùng lắm bảo đã gởi cho một người bạn giữ giùm cho an toàn, vì hắn đổi chỗ ở hoài, sẽ viết thư đòi lại, cứ hoãn binh như thế vài lần là yên chuyện, thì may quá, hắn tìm thấy cái bao thư lớn ấy trong ngăn tủ đựng ly, chén, muỗng, nĩa bằng giấy. Hắn không thể nhớ nổi tại sao chiếc bao thư lại lạc vào đó. Hắn không quan tâm đến những thứ lặt vặt trong bao thư ấy, nhưng khi gởi cho hắn, Thảo dặn tới dặn lui anh đừng làm mất nhé, kỷ niệm quý báu của em đó. Thỉnh thoảng chắc cũng có nhớ em chứ, thì lấy ra xem cho nhớ thêm! Mà anh có bao giờ nhớ em không? Kỷ niệm! Cô này chỉ ưa sống trong kỷ niệm.

Hắn chán lái xe. Có dịp là hắn đi bộ. Hơn nữa, chiều thứ bảy không biết làm gì, lấy cớ nhà bưu điện không xa bao nhiêu, đi bộ vậy. Nhưng thành phố này quả thật không sòng phẳng với người đi bộ chút nào cả.

Xe hơi là tất cả. Những trang báo quảng cáo đầy nhóc tin tức về giá xe, kiểu xe, bảo hiểm xe; những bãi đậu xe mênh mông; những xưởng, hãng, ga-ra, cây xăng, mọc lên khắp nơi. Và những con đường bóng lộn, thênh thang trên đó xe hơi chạy nườm nượp như nước lũ liên miên, bất tận, ngày cũng như đêm. Xe hơi là dòng máu trên cơ thể đô thị. Xe hết chạy, thành phố chết.

Còn đi bộ thì sao dù tại những thị trấn khá vắng vẻ nơi hắn thường lui tới. Thảng hoặc mới có một vài người bộ hành đi lẩn lút, lạc lõng ven những vỉa hè, những bờ cỏ, những hàng cây, những chân tường, trông xa như một hai con kiến lạc bầy mò mẫm tìm đường, tìm đàn. Ban đêm họ lại biến thành lũ chuột chui rúc hang cống, hoặc những hồn ma bóng quế thập thò lúc ẩn lúc hiện.

Người đi bộ sợ xe hơi. Nhất là khi đi qua ngã ba, ngã tư đường. Dù đèn lưu thông bật lên màu xanh cộng thêm dấu hiệu cho biết đến phiên người đi bộ, hắn bước xuống đường đi mà vẫn cảm thấy bất an. Hắn có cảm tưởng như đang đi trước đội lính hành quyết sắp hàng ngang gầm gừ đưa súng nhắm vào hắn. Có tên tài xế nào vô ý buông chân thắng ra không? Có tên lái xe nào vừa bị vợ mắng bực tức đạp nhầm chân thắng vào chân ga? Cái đầu xe trông khiếp đảm luôn luôn muốn chồm tới gây án mạng, còi xe thì câm như hến mà hễ mở miệng ra là gầm gừ, đốp chát, mắng chửi, văng tục, đe dọa. Có khi sau tiếng còi là tiếng súng nổ.

Ban đêm càng ghê rợn hơn vì những ngọn đèn pha chiếu xỉa xói vào mặt chẳng khác gì một màn tra tấn mà hắn là nạn nhân từng nếm mùi. Nhưng kinh hoàng nhất là những ngã ba, ngã tư không có đèn lưu thông. Nhìn quanh cứ tưởng đường trống, mà đường trống thì cũng là đường của xe hơi kia mà, vừa bước xuống đường thì y như rằng một chiếc xe từ chốn âm ty nào nhô ra đột ngột và dữ dội.

Còn sợ chó nữa chứ. Những con chó to lớn, mặt mày nhăn nheo, dị dạng, răng mọc không hàng lối, miệng ngậm mà cũng có vài ba cái răng nhọn chìa ra đe dọa, cặp mắt thì đầy sát khí, dù có chủ nhân cầm dây dẫn dắt trên lối đi bộ chật hẹp nó cũng có thể trở chứng táp vào đùi hắn lắm chứ? Báo chí thỉnh thoảng loan tin chó cắn chết đứa bé 6,7 tuổi, cô gái 18, bà già 70. Vậy muốn an toàn, gặp chó ta nên đánh trước phủ đầu chăng? Muốn tù sao? Ở xứ này chó có quyền lắm. Ðành phải đi khép nép nhường đường cho chó mà lòng lo ngay ngáy sợ bị táp. Đúng là làm trò cười cho cả chó lẫn chủ nhân của nó. Hắn lại lẩn thẩn nghĩ dù mình đánh bạo tấn công trước chưa chắc đã thủ thắng.

Ngay cả chó bên trong bức tường hoặc hàng rào của những ngôi nhà cửa ngõ kín bưng cũng chả biết điều. Khi nghe thấy hắn đi qua, hay đánh hơi thấy, chúng sủa ầm ĩ, có con còn táo tợn chồm đứng người lên, nhe răng sùi bọt mép như muốn ăn thua đủ. Hắn lo lắng không biết con chó có đủ sức nhảy qua khỏi bức tường rào hay không?

Nhưng ớn nhất là sợ người. Hôm đó, trên một đoạn đường không vắng lắm, hắn bị một tên cướp giật to lớn gấp hai lần đấm một quả vào mặt. Hắn ngã văng ra xa, lăn quay. Lấy ví tiền xong, tên cướp thong thả đi. Hắn định la lên kêu cứu, nhưng chợt nghĩ tên đó có thể có súng hoặc dao. Không khéo lại nguy to. Đành nuốt giận bỏ đi mà lòng vẫn ngay ngáy sợ bị đuổi theo. Vâng, coi lại cái ví thấy chẳng có bao nhiêu tiền, tên cướp có thể nổi cáu. Hay là đừng mang gì trong túi?

Ấy vậy mà hắn vẫn thích đi bộ. Dần dần quen, dần dần bớt sợ, tỉnh táo hơn, ỷ y hơn, bạo dạn hơn, và lại càng dễ "lãnh đủ" hơn, vì hắn vẫn có linh cảm rằng một ngày nào đó chắc chắn sẽ đến phiên hắn được nhắc nhở trên TV, trên báo chí, đại khái một người thiểu số gốc Á châu, không mang theo giấy tờ trong người, không biết tên tuổi, địa chỉ, một mình đi bộ trên cuối đường 1, hay đường 5, đường 10, hay đường Hazard, hay đường 17 bị con chó bulldog ngoạm vào cổ, hay bị một tên cướp sổng tù đấm vào đầu, hay bị xe hơi vô ý vượt đèn đỏ húc vào bụng trọng thương, trên đường đưa vào bệnh viện UCI cấp cứu thì tắt thở. Vâng, câu chuyện có thể xẩy ra như thế lắm chứ.

Vậy tại sao đi bộ?

Có phải là vì, bù lại, tại những thị trấn vắng vẻ, khi đi, chốc chốc gặp trái ổi, trái chanh, trái lựu còn non lò ra khỏi tường của những ngôi nhà cửa đóng ỉm im. Ngứa ngáy muốn thò tay hái. Những ngọn trúc vàng, trúc xanh, trúc đen bên trong dăm ba khu vườn đu đưa, vẫy vẫy. Mấy ngọn cỏ xanh nhỏ tí ti, mấy chiếc hoa dại thấp lè tè len ra từ những kẽ nứt trên những lối đi. Ðám lá vàng, đỏ, bị gió lùa vào các vỉa hè thành những ụ nhỏ. Những hòn sỏi nằm lăn lóc cạnh mép lề đường trông như trứng chim cút, chim cà cưỡng, chim cu hóa thạch. Và âm thanh, và tiếng động, và tiếng hót, tiếng kêu, và tiếng ong bay, tiếng đập cánh, và cả tiếng bước chân của chính hắn giẫm lên mặt đất trên những lối đi, trên những cành khô, lá khô vương vãi. Như nơi quê hương cũ.

Ổi? Có lẽ chủ nhà là Việt Nam hay Mễ, chanh cũng thế. Nhưng lựu hay trái cóc? Chắc chắn chủ nhà Việt Nam. Người Việt Nam ở nhiều nơi trong những thị trấn nhỏ này, bỏ nước ra đi còn đèo bòng theo nhiều loại cây cỏ, hoa lá ... Đèo bòng kỷ niệm. Nhưng có đem theo chó mèo không? Sao không thấy những con chó vàng, chó vện, chó cò, chó mực, đuôi cong vòng. Mèo cũng lạ mắt. Mập thù lù, đi rù rờ như rùa bò. Thứ mèo này chắc sợ chuột. Cũng ít thấy mèo tam thể.

Có phải là vì trong khi đi bộ đầu óc hắn làm việc. Hắn nhớ ra hắn. Và nhớ đến, nghĩ đến nhiều thứ khác nữa - vợ của hắn, những ngày thống khổ. Nhớ cả mấy người đàn bà mà hắn chài mồi, lợi dụng từ khi qua đây.

Những bước chân đi luôn luôn mang đến cho hắn những những ý nghĩ bất chợt không đâu vào đâu, những chuyện cũ tưởng đã vùi sâu trong quá khứ. Thế ra hắn cũng muốn sống với kỷ niệm như Thảo? Không, đó không phải là kỷ niệm, hắn nhủ thầm, đó chỉ là những mảnh vụn lôi thôi lếch thếch nối kết lại. Rồi sẽ tan tác, nhường chỗ cho những mảnh vụn khác của cuộc sống mới. Ngồi lái xe thì không thể nào trở lại những thời gian đã mất như thế. Vì thế hắn thích đi bộ.

Hình như có những ám ảnh nào khác nữa.

Mấy giờ rồi, hắn không biết. Không đeo đồng hồ tay. Ðã lâu lắm hắn không đeo cái gì trên người, đã tháo bỏ hết, tháo bỏ chiếc nhẫn cưới ngày xưa, cái thắt lưng, đôi vớ cũng không mang, lẽ dĩ nhiên áo quần thì phải mặc, giày thì phải mang, mang giày không tất, trừ sợi dây chuyền bằng vàng mà Na năn nỉ hắn gỡ ra từ cái cổ gầy đét của Na, vợ hắn, để đeo vào cho hắn sau những cơn đói dài và sốt liên miên trên chiếc thuyền tả tơi chìm nổi, Na hấp hối, bị người ta đẩy ra khỏi mạn thuyền, chìm nghỉm, mái tóc trắng, ô mái tóc bạc phơ xõa lòa xòa trên những con sóng xanh biếc là hình ảnh sau cùng của Na của anh, hắn khóc những tiếng khóc nghẹn trong cổ họng, những dòng nước mắt không thoát ra được mà đâu phải là vì trong người của hắn, cũng như những kẻ "đồng hội đồng thuyền", đều gần như khô cạn nước, hắn lao người qua khỏi mạn thuyền quyết vồ lấy mớ tóc trắng lòa xòa kia trước khi chìm sâu.

Mấy bàn tay yếu ớt, lạnh cứng, níu hắn lại. Hắn vùng vẫy, và chết ngất.

Anh nói không thích đeo gì cả, thế sợi dây chuyền này là cái gì đây, Thảo hỏi. Không, đây là trường hợp ngoại lệ. Hình như anh đã kể cho em nghe về chuyện sợi dây chuyền rồi thì phải. Hồi đó, trên giường bệnh lúc hấp hối, mẹ anh trăng trối dặn anh luôn luôn nhớ đeo sợi dây chuyền này trên cổ như một thứ gia bảo, như một kỷ niệm độc nhất còn sót lại của mẹ, như một vật bất ly thân. Mẹ mong ở cạnh con mãi mãi, mẹ mong che chở, phù hộ cho con. Mình nói dối một cách thành thật khiến chính mình cảm động muốn chảy nước mắt. Thảo tin. Mà quả thật anh chỉ nói dối một nửa phải không Na? Hay chỉ nói dối một phần tư thôi, vì có lúc anh tưởng em là mẹ của anh.

Quả thật khi gặp Thảo lần đầu tiên, hắn sững sờ. Ðây rồi, không như những người đàn bà khác, nay hắn đã gặp người hắn cần phải gặp, như thể đó là Na tái sinh. Hắn nghĩ rằng hắn sắp đi đến một bước ngoặt mới của cuộc đời. Thảo trẻ, đẹp, duyên dáng, và có học. Và cao sang, kiêu kỳ. Càng tốt. Thế mà Thảo có vẻ chiều chuộng hắn mới lạ chứ. Sẽ quên Na. Mà nhớ Na cũng đươc. Nhớ Na ngày xưa có khác gì nhớ Thảo bây giờ, hắn lý sự. Sẽ yêu Thảo như yêu mối tình đầu, và sẽ không yêu ai nữa. Thì phải tìm mọi cách để chiếm lấy người con gái dễ tin đó. Phải kiên nhẫn chinh phục. Kể cả lừa dối. Ở xứ này lừa dối nhau quá dễ, có ai biết gốc gác ai là ai đâu. Cả một đất nước còn bị chiếm đoạt vì những lừa dối huống là. Thảo đáp lại tình yêu của hắn như hắn mong muốn.

Và khi đã đạt được mục đích, hắn bỗng thấy hụt hẫng. Những say đắm, hăm hở, sôi nổi ban đầu dần dần nhường chỗ cho bứt rứt, hối tiếc và buồn chán. Ðến nỗi ý nghĩ tự sát luẩn quẩn đến với hắn khi hắn liên tưởng đến tình cảnh lạ lùng của một thằng bạn thân. Anh chàng này, khi còn vợ, rất yêu đời. Cười đùa luôn miệng. Trong những buổi họp mặt luôn luôn được giao phó nhiệm vụ MC mà anh chàng nói trạnh ra thành CM - xi em đi đái. Anh có tài pha trò, chọc cười, kể chuyện tiếu lâm. Vợ bệnh chết đột ngột. Anh biến thành một người khác, ngày càng ủ rũ. Cuối cùng anh tự sát khiến mọi người kinh hoàng và hết lòng cứu chữa. Ðược cứu sống, anh lặng lẽ đem tro cốt của vợ về Việt Nam chôn cất, rồi lại tự tử. Lần này không ai có thể cứu sống anh được nữa.

Bạn tôi ơi, bạn nghĩ gì khi tự tử? Có một đời sống khác sau khi chết chăng? Thì chết theo sẽ gặp người vợ thương yêu? Lỡ không gặp? Lỡ cả hai thất lạc vào hư vô? Lỡ không có đời sống sau khi chết?

Thảo đừng buồn, đừng giận nhé, anh không thể nào quên Na được. Mình khác nhau quá. Vâng, thời đại ta đang sống quả có lắm chuyện làm cho người ta khác nhau hẳn, không phải như ngày xưa thời của ông bà mình, cha mẹ mình. Hơn thế nữa, chỉ trải qua vài cơn "dâu biển", mình cũng khác cả chính mình, để khi vô tình nhìn lại nhau, nhìn lại mình, thấy như nhìn người lạ mặt.

Mọi thứ biến đổi từng phút, từng giây, hắn ngẫm nghĩ. Họa chăng chỉ còn lại mái tóc trắng đã đến với Na và sẽ đến với anh. Thì hãy buông tay ra cho dòng nước chảy nghe Thảo, cố đeo đẳng nhau làm gì, kèn cựa với nhau làm gì, vâng, khùng hay sao mà cứ muốn kèn cựa với con chó sau bức tường, nhưng nó có chịu để tôi yên đâu, may mà có bức tường cao ngăn cách, nhiều người muốn phá những bức tường, những bức tường ô nhục, xin đừng phá, đừng phá, đừng phá cả những ngục tù, hãy để tôi nằm yên trong xà lim tối tăm, dày và chắc, bao quanh bởi những dãy hàng rào kẽm gai trùng điệp, trong những trại tù tập trung cải tạo, không ai được vào, được ra, tôi là tên tù nguy hiểm, tên khủng bố chưa có bom để ôm vào lòng nhưng có thói quen giết đàn bà, con nít bằng vũ khí tự chế, có lẽ con nhỏ bưu điện nghi ngại như thế đấy, thì cứ nhốt tôi lại, xiềng xích, biệt giam, để Na của anh sẽ tìm cách vào với anh nhé, như hồn ma bóng quế, ốm o, gầy mòn, tay xách cái bị lát đựng gì trong đó hả em, vượt qua bao nhiêu đường dài, sông rạch, gai góc, sỏi đá, hầm hố, sương gió, nắng mưa. Mình sẽ lại gặp nhau như ngày xưa, anh ở tù, em thăm nuôi.

Cô bé bưu điện nghi ngờ. Cũng phải thôi. Thời buổi này có ai tin ai đâu, tôi có khi cũng nghi ngờ chính tôi nữa mà. Dối thật xen kẽ, chân giả lẫn lộn là nếp sinh hoạt thường ngày của con người bây giờ. Biên giới của những thứ đó lại rất mập mờ. Cứ việc nghi ngờ là thượng sách.

Một hôm từ một ngôi chợ Tàu bước ra, vui chân đi theo một người đàn bà đẩy chiếc xe đầy nhóc thức ăn, có vẻ Việt Nam lắm, hay cũng có thể là Tàu, hay Ðại Hàn, hay Lào, hay Thái, hay Mễ không chừng. Nhưng bà này trông na ná Na, nhất là cái dáng đi sao giống quá, đầu hơi cúi xuống, hai vai hơi so lên. Em lạnh thường trực hay sao mà em cứ co ro hoài, không chịu đi cho thong dong như ... như ... trông anh đây này, đi như anh mới là tướng đi của người tốt số, Na cười, làm theo lời mình được một chốc, lại quên, trở lại cái dáng cũ quá quen thuộc, quá thân thương. Em đã đầu thai và lớn lên nhanh như thổi để nhập vào người đàn bà này chăng?

Hình như cảm thấy có người lẽo đẽo theo, bà ta quay lại nhìn mình, nở một nụ cười xã giao thật tươi, thật duyên, cặp mắt có đuôi. A, không giống Na chút nào cả, trừ cái dáng đi. Chắc đây là một "single mom" ham vui, một ma nữ đa tình. Mình cười lại. Hai cái cười của hai người lạ mặt hẳn cùng nằm trên một tần số, giao thoa nhau nhanh. Tốt. Trâu tìm cọc và cọc tìm trâu. Cứ thế, cùng nhau đi kề nhau một đoạn đường trên bãi đậu xe. Câu chuyện khơi mào ra nhiều “sự cố” khác coi bộ sắp diễn ra. Bằng tiếng Mễ pha tiếng Anh càng tốt.

Bỗng người đàn bà giật nẩy mình, nhìn xéo, mắt sắc như lưỡi dao, rồi la toáng lên, cướp, cướp. Té ra Việt Nam ta, giọng nói cũng sắc như con mắt, như lưỡi dao chém ngọt. Mình giật mình, đi lảng ra mấy bước. Có tiếng chân chạy đến gần. Hai nhân viên bảo vệ có vẻ Á châu chận mình lại theo ngón tay múa may chỉ trỏ của người đàn bà, hỏi bằng tiếng Việt Nam ông có nói được tiếng Việt Nam không, được chứ, tôi là người Việt Nam mà. Người đàn bà cũng vừa tới kịp, mặt mày đỏ gay chỉ ngay vào mặt mình, cái ông này, cái thằng khốn nạn này, trông cái dáng bụi đời của nó là tôi biết ngay, đã rút cái ví của tôi, giữ nó lại ngay. Bốn năm người hiếu kỳ đến vây quanh.

Mình lắp bắp không phải, không phải tôi ... không tin thì cứ lục soát người tôi đi. Mày tưởng tao ngu lắm hả, chắc chắn mày ăn cắp, rồi mày ném vào chỗ nào đó nếu cái ví không còn trong người mày, hay mày đã chuyền cho đồng bọn. Ô, bà này nói nghe có thứ lớp rạch ròi quá, mình đâm hoảng, hai tay như một phản xạ sờ sẫm vào hết túi áo đến túi quần. Ðừng làm bộ nữa ông ơi, đưa cho ai thì gọi nó lại, trả ví cho tôi. Vì tình đồng hương tôi tha cho, còn ngoan cố không chịu đưa thì đi tù mọt gông. Ở đất Mỹ này luật pháp phân minh chứ không phải như ở nơi khác. Người chứng đều đứng đầy ra đó, thấy chưa. Hắn rụt rè nhìn quanh. Quả thật, bọn người hiếu kỳ đang nhìn hắn một cách giận dữ và khinh bỉ. Nhưng cũng có vài ba người hiền từ tỏ ra thông cảm khuyên hắn trả ví lại cho xong chuyện.

Hắn lúng túng, muốn phân bua nhưng không biết phải nói gì. Càng lúc, càng bối rối trước những lời buộc tội quá hùng hồ. Thì hãy mặc kệ nó, tới đâu thì tới, thử xem câu chuyện này sẽ ngã ngũ ra sao, đếch cần, vâng, vâng, xin cám ơn lòng tốt của bà, của quý vị làm chứng, tôi không ăn cắp nhưng tôi có tiền đây, sẽ trả lại đầy đủ. Hắn sực nhớ nói tiếp Tôi không có sẵn tiền trong túi ngay bây giờ, nhưng có trong nhà băng. Lại nói dối rồi, mình đã đóng cái trương mục ngân hàng từ lâu. Nghe nói thế, nhanh như trò hát xiệc, hai tên bảo vệ lập tức nắm hai cánh tay hắn bẻ quặt ra đằng sau, rồi một tên giữ chặt lấy nó, tên kia rút cell phone gọi cảnh sát đến. Chỉ mấy phút sau hai xe cảnh sát hụ còi inh ỏi, đèn chớp lia lịa, ập tới.

Thôi, tưởng chơi mà thành thiệt, thế là rồi một màn. Hắn cảm thấy lòng nguội lạnh, dửng dưng. Bỗng một trong những người đứng gần đấy la lên, kìa có một cái ví nằm ló ra dưới mấy bó rau thơm trong chiếc xe đẩy kia kìa. Người đàn bà đang hung hăng bỗng khựng lại, vội chạy đến nhặt cái ví lên, soát lại tiền bạc, giấy tờ bên trong, rồi lại bất ngờ la toáng lên, cái ông này đánh lừa tôi, đóng kịch khéo quá làm tôi tưởng lầm ông là thằng ăn cắp, tôi hốt hoảng, và, và, ... và gì gì nữa, ông, ông muốn biến tôi thành trò cười cho mọi người. Nhưng ông và tôi có tư thù gì đâu mà ông nỡ ... tìm cách hãm hại tôi, hả? hả? Ở đây luật pháp phân minh, cái trò độc ác đó không đánh lừa được ai đâu.

Vâng, bà này nói cũng không sai lắm. Mình vẫn thường đánh lừa và đóng kịch, nhất là đối với Thảo.

Nghĩ cho cùng, hắn lẩn thẩn, cứ đóng kịch cho tự nhiên và rốt ráo thì chắc chắn sẽ hay ho hơn chuyện xẩy ra trong đời thật, cũng đạt được chân lý, cũng làm nhiều người khác và cả chính mình tin theo. Nếu kịch cỡm không đủ tác dụng, cứ nói đại và nói nhiều thế nào cũng có câu đúng, rồi lấy vài ba câu đúng ấy làm vốn, rồi từ cái vốn nghèo nàn, ít ỏi đó khai triển ra để kiếm lời bằng cách gài chúng vào những hoàn cảnh khác nhau, xem chúng nó có ăn khớp hay không, thường thì chẳng đâu vào đâu, nhưng không hề gì, cứ chịu khó và dai dẳng đẽo gọt, uốn nắn, thêm bớt những gì cần thiết thì mọi chuyện sẽ êm xuôi, nghe ra cũng như mật rót vào tai, thế là công thành danh toại.

Vâng, một ngày đẹp trời nào khác tôi sẽ đi theo một người đàn bà khác đẩy xe chở mọi thứ linh tinh ra khỏi một siêu thị khác, rồi lần này mong bà ấy cũng sẽ mất ví, mình sẽ khăn gói đi tù, không đôi co, không biện bạch, lòng hân hoan không chút oán hờn. Ðể tôi sẽ sống lại quãng đời mấy chục năm về trước nơi khỉ ho cò gáy, làm bạn với gián, rệp, chuột và đói, và những cơn tra tấn, hành hạ, và những ngày lo âu, bồi hồi trông chờ không biết Na có đi thăm nuôi được nữa hay không, vâng bên ngoài chốn lao tù này, tại một thành phố miền Nam xa tít mù chắc gì Na đã chịu đựng nổi mọi thiếu thốn, gian khổ, cho nên đã vĩnh viễn ra đi, nghĩa là biết đâu Na đã tìm cách vượt biên theo lời khuyên của mình, Na của anh đã chôn vùi mười mấy năm đẹp nhất của cuộc đời người đàn bà vì phải ngày đêm lo kiếm cho ra thức ăn, thức uống, thuốc men, tiền còm, dành cho những chuyến đi gian khổ, khiến cho Na mỗi năm một phờ phạc xác xơ hơn, tàu lá chuối trong mùa gió lớn, tóc nhuộm trắng dần thay thế cho mái tóc xanh, lặn lội hết rừng này đến núi nọ thăm nuôi, bới xách, đến khi tôi về tôi mang theo bệnh hoạn, yếu đuối, mệt nhọc, và chán nản, cùng người đàn bà vừa tròn tuổi 40 ấy mà tóc đã trắng xóa, cũng bệnh hoạn, yếu đuối, mệt nhọc, và chán nản không kém, đêm khuya mình thì thầm ráng kiếm một đứa con cho vui nhà vui cửa nghe em, không anh ơi, chắc không được đâu anh, em đã già yếu, bệnh hoạn, và còn đâu ham muốn, còn đâu sức sống, vâng, cùng người đàn bà khốn khổ ấy tìm cách đào thoát khỏi một chế độ bạo tàn, đánh liều xông ra biển, lênh đênh trôi giạt đến một nơi nào chỉ có trời biết.

Tuyết! Lần đầu tiên mình thấy tuyết. Tuyết trắng xóa nổi lên thành những luống dài ở hai lề đường, trùm lên những kè đá, lên các sườn dốc thoai thoải. Tuyết đọng thành ụ nhỏ trên những cành cây từ thân cây duỗi dài ra. Tuyết bám lên trên đám lá trĩu nặng xuống. Tuyết bọc lấy những hàng dây điện chạy song song trông như những dây đàn lục huyền cầm khổng lồ màu trắng. Tuyết trùm kín thành một lớp dày hơn mấy gang tay trên những nóc nhà nằm rải rác dọc theo những con đường lớn, đường nhỏ. Ánh đèn bên trong nhà chiếu leo lét qua khung cửa sổ bị tuyết che gần hết. Tuyết tụ thành những bãi lớn trong những đám rừng thưa. Trong không gian bao la, tuyết bay mờ mịt, vần vũ, đám này phất phơ, lướt thướt, đám kia uốn lượn, múa may, đám khác bối rối, ngập ngừng - trước khi rơi rơi nhẹ xuống đất không một tiếng vang.

Cái gì vậy Hưng, Khải? Có phải đó là hàng triệu chiếc lông vũ gần như không màu của một loài chim thần tiên từ trên trời sa xuống, là vô vàn bướm trắng ở đâu bay về chập chờn múa may, là không biết bao nhiêu mà kể những cánh hoa bạch mai vừa rời khỏi cành vờn vờn trong gió. Là gì nữa? Nhớ một lần nói với Hưng em muốn coi tuyết. Ừ, có khó gì đâu, mùa đông sẽ chở em lên Big Bear. Vài ba tiếng là tới.

tuyết đẹp lắm phải không anh?

đẹp lắm

đẹp như cái gì?

anh không tả nổi

và trắng?

trắng xóa lung linh

trắng như cái gì?

anh không so sánh được

chẳng hạn trắng như bông gòn, như trứng gà bóc, như mỡ đông

không hẳn thế

vậy như ... anh thử tìm một hình ảnh để so sánh

thì như ... như ... như mái tóc trắng lòa xòa trong những con sóng bạc đầu

Bây giờ tận mắt thấy tuyết mới biết Hưng ví von trật lất và kỳ cục. Tuyết nào có giống như mái tóc trắng loà xoà. Tuyết đáp nhẹ vào kính xe, nhẹ đến nổi không phát ra âm thanh, rồi theo hai cái gạt nước trôi xuôi xuống. Khi xe chạy nhanh, gió thổi mạnh vào kính chắn gió, tuyết lần lần bay ngược lên. Mình muốn Khải ngừng lại, xuống xe cho mình sờ vào tuyết. Cho tuyết đậu lên vai, lên tóc, lên má, lên mi, nghe Hưng! Rồi cùng nhau uống, ăn vài nhúm tuyết cho tuyết đi vào tận trong lòng nhé. Vâng, Hưng bảo đến mùa đông thế nào cũng đưa em đi ngắm tuyết. Còn mùa đông nào nữa với anh và em không?

Khải vẫn chăm chú lái xe và lầm lì từ lúc kết thúc câu chuyện hồi nãy, khiến mình đành phải ngồi yên, không muốn nói năng gì thêm.

Nhớ đầu mùa hè năm ngoái, Hưng đã đưa mình lên vùng Big Bear này rồi. Vào tháng 10, Hưng lại rủ lên đó nữa, làm như đất Mỹ hết chỗ đi chơi!

"Hôm nay kiếm chỗ khác đi anh. Chờ mùa đông rồi lên đó."

"Tại sao?"

"Ðể coi tuyết."

"Thì đến mùa đông mình lại đi nữa. Hôm nay anh đã chuẩn bị đâu vào đấy rồi, cứ đi cái đã. Trên ấy còn nhiều nơi anh em mình chưa biết. Còn nhiều cái hồ hay lắm. Hồ trên đỉnh núi cao rất đẹp và nước trong xanh hơn hẳn hồ dưới đồng bằng."

Thì đi. Mình biết Hưng thích núi. Thế là cả hai lần đi Big Bear với Hưng đều không thấy tuyết. Ừ nhỉ, đâu phải đỉnh núi nào cũng đều có tuyết phủ quanh năm.

Có lần Hưng nói anh ao ước như hồi còn ở quê nhà chỉ đi bộ vài cây số là tới núi, là leo, là trèo hàng giờ, là mồ hôi vã ra, là thở gấp. Rồi ngồi xuống trên đỉnh đồi, đỉnh núi nghỉ mệt một hồi, rồi đón những cơn gió liên tiếp nhau thổi đến quạt khô lớp mồ hôi, rồi đứng dậy đi quanh các gốc cây tìm chỗ thoáng để nhìn xuống thành phố, làng mạc dưới kia. Những con đường biến thành những sợi chỉ nhỏ luồn qua những vệt xanh um cây cối, luồn qua những đám nhà cửa li ti mái đỏ mái nâu; con sông biến thành sợi dây lấp lánh uốn quanh khi ẩn khi hiện; và nắng nhuộm vàng từng mảng rực rỡ lên trên bức tranh thiên nhiên bao la.

"Thế trời mưa anh có leo núi không?"

"Mưa đường trơn trợt, ướt át, leo núi làm gì cho khổ. Một lần không đoán trước được thời tiết, lên đến đỉnh núi chẳng bao lâu thì cơn mưa lớn đổ xuống ào ào. Không còn thấy gì cả, anh có cảm tưởng lọt vào một hòn đảo bao vây bởi biển mù. Ướt mèm, về nhà bị cảm hơn tuần lễ."

"Thế thì anh không phải là nhà leo núi rồi. Người ta xông pha mưa, gió, tuyết, giá, leo lên những đỉnh cao của thế giới, đoạt các kỷ lục, chứ đâu phải như anh."

"Có bao giờ anh là một nhà leo núi đâu. Muốn cũng không được. Người ta leo núi để chinh phục thiên nhiên, còn anh leo núi để thiên nhiên chinh phục anh. Lâu lâu muốn một mình đến gần gũi bầu bạn với thiên nhiên, nghe thiên nhiên chỉ bảo, không bị ai quấy rầy. Muốn thoát ly khỏi cuộc sống hàng ngày trong một khoảnh khắc nào đó.”

Hưng phải lái hơn ba tiếng đồng hồ qua những xa lộ 22, 55, 91, 210, 38, lên xuống nhiều dốc thoai thoải rồi mới tới chân đèo để bắt đầu lên núi, để bắt đầu hành hạ chiếc xe ô tô khổ. Xe của anh chỉ thích hợp với những đoạn đường bằng. Nó trèo dốc như con bò kéo xe, Hưng thường nói đùa.

Những dãy núi cao ngất, những thung lũng thăm thẳm, cây cối xanh um trùng điệp mà đa số là các loại thông, tùng, bách, hiện ra đột ngột, sừng sững. Ðường dài, núi cao, lũng sâu, to lớn, mênh mông, khác hẳn quang cảnh xinh xinh vừa tầm con mắt nơi quê hương cũ. Ở nhiều đoạn lên núi quá dốc, máy lạnh không dám cho chạy, cửa kính hạ xuống hết mức, cho gió lùa vào, mà sức nóng từ máy xe vẫn bốc lên hừng hực. Xe chạy như rùa bò, luôn luôn phải nép qua bên phải để các xe chạy sau rộng đường qua mặt. Hưng chốc chốc lại vặn heat tối đa.

"Ðã nóng muốn chết mà anh còn vặn heat!"

"Vặn heat cho máy nguội bớt."

"Anh nói chi lạ rứa?"

Hưng giải thích:

"Vặn heat có nghĩa là rút sức nóng từ trong máy ra để sưởi ấm không khí bên ngoài. Do đó bản thân cái máy mới nguội bớt đi. Như thể khi uống rượu quá độ, ruột gan nóng lên muốn cháy đi được, thì cũng phải vặn heat."

"Nghĩa là sao, anh?"

"Nghĩa là anh phải mở đài phát thanh của anh ra, gân cổ lên mà nói, cãi, la, hét, cho hả hơi thì trong người mới đỡ bứt rứt."

Chắc anh của em vốn là bợm rượu, nhưng đi chơi với mình anh có bao giờ say sưa đâu. Quả thế, mỗi lần Hưng vặn heat, kim chỉ nhiệt độ máy có hạ xuống, nhưng cái nóng mà mình phải ngồi trân người ra mà chịu đựng càng tăng lên kinh khủng. Mình như ngồi trong lò lửa, mồ hôi chảy thành dòng trong người, áo quần ướt trong, ướt ngoài. Cái mặt mình chắc là đỏ như cua luộc, tóc mai dán vào hai bên má. Hưng thỉnh thoảng quay qua nhìn thẳng vào mặt mình cười âu yếm và khoái trá.

Ðến khi vặn heat tối đa mà kim nhiệt độ cũng không chịu xuống, thì Hưng dừng xe lại, nép sâu vào lề đường. Nếu cứ tiếp tục leo dốc, Hưng nói, máy sẽ đỏ rực lên, chiếc xe sẽ bốc cháy như ngọn đuốc. Hai đứa xuống xe, Hưng mở ca-pô lên, rồi gặp cái gì là hai đứa vơ cái ấy làm quạt quạt lia lịa vào máy, vào nhau. Chờ gần nửa tiếng máy mới nguội bớt. Trong khi đó tha hồ nhìn rừng, núi, trời, mây, và nhìn nhau, hôn nhau vội vàng.

Ði trên đường phố hai đứa không hôn nhau. Nhớ có lần nắm tay nhau đi trên Promenade ở Santa Monica, năn nỉ mãi Hưng mới chịu tới nơi du lịch náo nhiệt này, mình nổi cơn tinh nghịch và ham muốn:

"Anh có dám hôn em ngay giữa đường phố không?"

"Gì mà không dám."

Vừa nói xong, Hưng đã giữ mình đứng lại, ôm choàng lấy người. Mình ngửa mặt nhìn lên, Hưng kề môi.

"Thôi anh. Em thua rồi."

Nhưng trên lưng chừng đèo này, giữa núi rừng đồng loã, tha hồ hôn nhau, đắm đuối, mặc những chiếc xe khác chạy lướt qua, cắm cúi bò lên hay đổ dốc xuống, bấm còi tán thưởng hay phản đối. Mình lại lên xe, chạy khi máy bớt nóng. Lại xuống xe, chờ cho máy mát. Quạt, quạt, và hôn nhau. Như loài thú hoang. Rồi lên xe. Cứ thế mà cũng lần lượt vượt hết những con đèo cao và dài. Cuối cùng cũng đến Big Bear. Mệt quá mà vui quá, quên làm sao được hả Hưng!

Ngồi bên nhau lâu quá không nói với nhau câu nào, mình đâm ngại. Mình nói lí nhí trong cổ họng:

"Anh này, ngoài kia có lẽ trời lạnh lắm phải không?"

Khải quay đầu nhìn mình như ngạc nhiên, rồi buông thỏng:

"Lạnh gì mà lạnh."

Lại cái giọng đó, sốt ruột! Thế là tôi đã chịu giảng hoà mà ông cứ muốn gây chiến. Ðàn ông đâu mà lịch sự với đàn bà đến thế! Bỗng Khải thở phào một tiếng lớn, vui vẻ nói:

"Ðã đến gần trung tâm thành phố Big Bear rồi. Tụi cà chớn đó mấy lần muốn qua mặt lại mà đâu có được. Anh ngon không?"

Như sực nhớ:

"À, hồi nẫy em nói gì? Ngoài kia có lạnh không hả? Không lạnh đâu. Mát lắm. That's great!"

Khải vừa nói vừa lái xe quanh vào con đường nhỏ ven hồ. Tuyết phủ kín mặt hồ trông trắng như lớp bông gòn khổng lồ. Tuyết bao trùm mọi vật, chỉ chừa lại những con đường nhựa đen. Mình đoán rằng từ sáng sớm chắc đã có hàng trăm người đi cào sạch tuyết trên các mặt đường để xe cộ có thể lưu thông chăng. Mà sức người làm gì nổi. Có lẽ người ta dùng máy. Suốt con đường đèo từ nơi tuyết bắt đầu rơi cho đến thành phố này, mình gặp nhiều cảnh tượng lạ lùng và huy hoàng quá. Mình như được chắp cánh bay. Lòng lâng lâng. Tự nhiên muốn chia sẻ nỗi vui. Tiếng nói của mình mình cũng nhận ra có vẻ khác thường, nồng nàn, nũng nịu:

"Anh Khải ơi!"

"Ơi."

Mình bỗng cảm thấy ngập ngừng, không biết nói tiếp câu gì. Nói đại điều mình không định nói:

"Anh ... anh không dặn em mặc thêm áo ấm. Bây giờ gặp tuyết xuống như thế này em phải làm sao đây anh?"

Khải hạ hẳn cửa kính xuống, giải thích:

"No problem, có anh đây mà, thừa sức làm cho em ấm cả trong lẫn ngoài! Chắc em thừa biết chứ, bên em người anh đang nóng lên bừng bừng ..."

A, cái anh chàng này hôm nay sao lạ quá. Những lần trước đi chơi với nhau có bao giờ Khải thô bỉ như thế đâu. Hình như đàn ông ai cũng thô bỉ như nhau. Hưng cũng gần như thế, có khi còn hơn thế nữa, nhưng mình lại thích. Còn Khải? Nếu biết thế mình đời nào dám đi riêng với hắn. Bây giờ mình phải làm gì đây. Mình tránh cái nhìn trân trân của hắn, lòng rối lên như bòng bong. Khải vội tiếp lời, nói một thôi dài, giọng bớt chớt nhả, mặt mày có vẻ nghiêm nghị trở lại:

"Em phải làm sao hả? Don't worry, baby. Em chả phải làm gì cả, nghĩa là ăn mặc như thế là đủ. Khi tuyết rơi, trời không lạnh lắm đâu. Còn mát mẻ nữa đấy. Khi nào tuyết tan, băng tan, thì mới phải cẩn thận, tay mang găng, chân đi giày ống, mặc nhiều đồ lạnh vào, bên trong mặc đồ lót thermo dán sát vào da thịt, và...và... cái khăn quàng cổ nữa. Rồi chụp trên đầu cái nón len trùm kín cả tai, mũi, họng, chỉ chừa hai con mắt đẹp của em thôi. Thế là an toàn."

Khải lại quay người nhìn mình lạ lùng như mới thấy lần đầu:

"Da mặt và môi của em non và mỏng như thế kia thì cũng lại cần có lotion, cream hảo hạng mà bôi vào. Bằng không nó sẽ nứt nẻ hết, đau lắm."

Mình sợ thật sự, hai vai tự nhiên run lên bần bật. Có lẽ mặt mình tái đi nhiều. Bỗng Khải búng ngón tay nghe tách một tiếng, mỉm cười và xuýt xoa nói:

"Hà, hà, những lúc ấy bên ngoài trời lạnh khủng khiếp em ơi. Càng tốt."

Cái anh chàng này nói năng cái gì mình không hiểu nổi.

Hắn lầm lũi đi. Những con đường nhỏ và ngắn trên mấy thị trấn khuất nẻo càng về chiều càng vắng. Hắn đâm lo. Lỡ gặp bọn cướp như đã từng gặp, mà trời sắp tối. Sao mình vô ý đến thế, đầu óc cứ nghĩ đâu đâu quên cả trời đất. Thỉnh thoảng hắn mới gặp vài ba chiếc xe chạy qua rồi biến nhanh. Đường đã lên đèn. Ðằng trước, không xa lắm, một dáng người đi ngược chiều trên cùng một bên lề đường. Hắn hơi ngại, định chạy băng ngang lòng đường để qua lề đường bên kia. Nhưng đã trễ. May quá, đó là một cô gái, có lẽ người Mễ, đi nép sát bờ tường, hai tay thu vào túi áo choàng, đầu cúi gầm. Thế là hắn yên tâm, nhìn thẳng vào mặt đứa con gái và chờ đợi con bé nhìn lại. Nhưng không, con nhỏ dường như không thấy hắn, cắm cúi bước nhanh.

Khi đã đi cách xa nhau mấy bước, hắn tò mò quay đầu nhìn lui thì bắt gặp cô gái cũng quay đầu nhìn hắn. A, thế ra cô bé sợ mình, cúi gầm đầu. Đúng thế mà, người lạ có khi sợ nhau trên đất nước này lúc gặp riêng nhau nơi vắng vẻ. Ðã thế hắn nổi tính “hung tợn”, quay hẳn người lại, đứng thẳng, nhìn cô bé như nhìn một nạn nhân. Cô gái hoảng hốt lao xuống đường. Một chiếc xe hơi từ đâu chạy trờ tới, thắng gấp. Có tiếng thét. Ðến phiên hắn hoảng hốt biến nhanh vào một con hẻm nhỏ trước mặt. Bỗng trời nổi cơn mưa.

Mới cuối tháng 10 mà trời bỗng đột ngột đổ cơn mưa trái mùa như Sài Gòn xa xôi cuối một Tháng Tư năm nào, mưa tức tưởi, mưa nghẹn ngào. Rồi biết bao cơn mưa đầu mùa trên những đường phố dài đi luồn luồn dưới những mái hiên nối tiếp cho đỡ ướt, hoặc đứt quãng thì cũng lội mưa mà đi.

"Em, ngày mai nhớ mang theo áo mưa."

"Nhưng ..."

"Sao em?"

"Nhà mình không có áo mưa."

Thế là mùa mưa đã bắt đầu. Những ngày tiếp theo, hôm nào cũng mưa một vài trận. Con đường đi đi về về giữa căn phòng trọ tồi tàn ở khu Bàn Cờ và nơi lao động là Phú Lâm, thật quá dài như không bao giờ đi cho hết, quá tối tăm lúc chiều về, và quá nhọc nhằn. Con đường khổ nạn! Nhiều đoạn đường bị ngập lụt, nước lên gần đến đầu gối.

Ði tù về hắn không xin được hộ khẩu, không xin được việc làm, sống bất hợp pháp vất vưởng nay đây mai đó. Lệnh của kẻ thắng trận: Không có hộ khẩu không thể xin việc làm; không có việc làm, không xin được hộ khẩu. Thấy yên yên thì ngủ tại căn phòng trọ tồi tàn của vợ, bị "động ổ" thì đến xin ngủ qua đêm tại nhà một vài người bạn cũ. Túng quá ngủ trên bến xe, dưới chân cầu, bên hè đường nhiều cây cối, hay trong góc một ngôi chợ vắng, trên một ngôi mộ có mái che tại một nghĩa trang gần thành phố.

Cuối cùng bạn hắn kiếm được cho hắn một chỗ nấu rượu lậu. Nhưng không phải chỉ lo việc nấu rượu mà thôi, hễ có chút giờ trống là phải chuyển ngay qua khâu xay đậu nành để làm đậu hũ, dùng sức khoẻ của tay chân -- hai chân kẹp cứng cối xay để hai tay nắm chặt lấy cán xay mà quay tròn. Vì máy mệt, phải phụ lực cho mấy cái máy xay cần nghỉ ngơi. Máy chạy liên tục vừa hao điện vừa dễ bị hỏng. Người xay thì không bao giờ làm hao điện.

Na cũng đã có việc làm ở Hãng Sò Ðiệp, dùng dao cùn nạy những con sò sống hay mới chết thúi rình ướp nước đá lấy thịt ra cho vào giỏ cần xé mỗi ngày làm 12 tiếng. Hai bàn tay Na luôn luôn sần sùi, nứt nẻ. Khi nào tay đau quá, được chuyển qua khâu lượm vỏ sò cho vào bao. Khi đầy bao, yếu, phải nhờ người ta đưa cái bao tải đầy vỏ sò lên lưng, rồi ì ạch mang bao ra xe tải. Hai vợ chồng làm tại hai nơi đều ở Phú Lâm cách nhau hơn một cây số.

Buổi trưa nghỉ giải lao một tiếng, hai vợ chồng hẹn nhau tại một góc đường vắng dưới gốc cây phượng cành lá rậm rạp, đem thức ăn trưa ra đấy ăn với nhau. Không dám ở lại trưa ăn chung với người khác vì thức ăn quá ít ỏi, sợ bị dòm ngó, rồi "ý kiến" này nọ lôi thôi, mà chẳng bao giờ giải quyết được việc gì. Bữa ăn trưa là một tí xíu cơm trộn nhiều bo bo, ăn với nước mắm kho quẹt, hoặc mắm ruốc, hoặc muối hầm, và mấy cọng dưa cải cùng nước khú. Ăn xong mà cái bụng trống rỗng như chưa ăn hay sắp sửa được ăn. Nhiều hôm túng quá không có cơm mang theo, vẫn đến nơi hẹn ngồi nhìn nhau gần một tiếng, nói chuyện thì thầm, hết chuyện nay đến chuyện xưa, không bao giờ dứt. Rồi chia tay.

Buổi chiều, rất trễ, hắn đi hối hả đến Hãng Sò Ðiệp. Vì giờ làm việc mỗi ngày dài ngắn bất thường tùy theo nhu cầu, có lúc hắn đứng ngoài cổng chờ vợ, có lúc vợ hắn đã đứng đó chờ sẵn, rồi cả hai cuốc bộ về nhà. Con đường dài vô tận.

"Em bán cái dây chuyền đó quách đi cho rồi, lấy tiền mua một chiếc xe đạp hai đứa mình chở nhau đi làm, và mua hai áo đi mưa. Mua thuốc bổ, thuốc ho nữa chứ. Em phải đi bác sĩ một lần cho biết rõ bệnh hoạn ra sao. Mua một đôi dép cho em nữa nhé. Dép em mang mỏng hơn lưỡi dao cạo râu!"

Vâng, Na ho nặng và dai dẳng. Trong mười mấy năm hắn ở tù, vợ hắn sống kham khổ để có thể dành giụm tiền chi phí cho những chuyến đi thăm nuôi tại nhiều trại tập trung trên các núi rừng miền Bắc xa xôi. Bệnh do thiếu dinh dưỡng. Ho lao chăng? Hắn sợ thế. Phải bán chiếc dây chuyền mới giải quyết được nhiều chuyện. Nhưng vợ hắn nhất quyết không chịu nghe lời hắn:

"Mười mấy năm anh ở tù, em đã bán sạch nhà cửa, xe cộ, của cải rồi. Sợi dây chuyền là kỷ niệm cuối cùng còn lại của ngày cưới. Của cuộc đời cũ. Chịu khó đi anh, chịu khó thêm chút nữa, chút nữa thôi. Cứ thế mọi chuyện sẽ qua qua hết. Ðừng bán."

Mùa mưa đến càng lâu, đường đi càng nhiều chỗ bị ngập lụt. Một buổi chiều đi làm về, trời đã sẫm tối, vợ chồng hắn đi dưới cơn mưa, ướt như chuột lột. Bỗng vợ hắn sỉa chân xuống cống nước không đậy nắp, chìm nghỉm. Hắn nhanh như chớp chồm xuống nắm được cánh tay của Na, kéo được vợ lên, dìu vào vỉa hè có mái che. Ống chân của Na đập vào thành cống nước, trầy trụa nặng, máu nhuộm đỏ ống quần. Mưa càng nặng hạt trên mái tôn, nghe rỗn raảng như tiếng người nạt nộ từng cơn.

"Em ngồi yên. Anh đi kiếm cái gì băng lại cầm máu."

"Thôi khỏi cần. Gần đến nhà rồi. Rán về đó hẵng hay."

Bỗng Na giật mình, vẻ hoảng hốt hiện rõ trên khuôn mặt xanh xao, mái tóc ướt mèm che kín một bên vai gầy. Hắn hoảng hốt không kém, nói lập cập:

"Em đau lắm hả, hả, hả Na? Ðể anh, để anh ..."

"Không, em không sao cả. Nhưng ... nhưng sút mất một chiếc dép rồi. Chắc là lọt xuống cống nước."

Hắn cảm thấy như trút được gánh nặng, quên hẳn lớp máu me trên chân của Na, chạy nhanh đến cống nước, nhảy ùm xuống ngụp lặn một hồi lâu. Nước quẫy lên đen sì, hôi thối. May mắn thay, hắn tìm được chiếc dép. Hắn dìu vợ về phòng trọ, lòng vui sướng hơn mọi ngày. Hắn nghe Na thì thầm, May quá! Thế thì em cũng vui như anh.

Ðêm hôm đó hắn thức gần trắng đêm, làm bộ ngủ, để tiếng rên khe khẽ của Na được thoải mái bật ra. Hắn biết hắn chưa ngủ, Na sẽ không rên rỉ. Hắn có kinh nghiệm đau mà cắn răng lại không dám rên thì cơn đau càng đau hơn. Rồi hắn nhớ mông lung những chuyện ngày xưa. Thỉnh thoảng những chuyện cũ càng muốn quên đi lại cứ hiện về.

Có phải là vì khi đi ... Những lần đi bộ bên nhau trên lề đường của thành phố này thành phố nọ miền Trung, miền Nam, dù lúc đó đất nước chia đôi, là những quãng thời gian không thể nào phai nhòa trong ký ức. Đi bên nhau sao mà nhớ nhung đến thế.

Một đêm Nô-en, hồi đôi lứa mới bắt đầu yêu. Chiến tranh đang thời kỳ sôi động. Nhưng đánh nhau là người ta đang đánh nhau ở những nơi nào xa xôi kia, mình là nhà binh nhưng nhà binh đang được nghỉ phép, đang cố gạt ra khỏi đầu óc mọi hình ảnh của chém giết, của hận thù; và giới nghiêm là vào những đêm nào khác, chứ đêm Nô-en con chiên vẫn cứ đi nhà thờ như thường trên thành phố cao nguyên hiền hòa này. Thành phố hiền? Ðúng. Ðó không phải là cái lối nói cho có nói. Quả thật Ðà Lạt từ đất đai, khí hậu, hoa cỏ, cây trái cho đến con người, con vật đều êm đềm, khả ái, và hiền hòa. Hắn vẫn thường ước ao khi nào hết chiến tranh hắn sẽ về đây, nơi có một nàng tiên đang sống lẫn lộn trong trần gian, đang chờ hắn xây cuộc đời.

Cả hai đứa không theo đạo, nhưng mến Chúa. Hôm ấy canh gần đúng 12 giờ khuya tay trong tay dẫn nhau đi tìm hang đá, máng cỏ. Rồi đi bộ tới những ngôi nhà thờ xa. Vui chân đi, càng xa càng tốt. Trời đêm Giáng Sinh Đà Lạt lạnh nhất trong năm. Cửa kính nhà nào cũng đóng một lớp giá trắng mỏng như sương muối. Trong nhà, lửa bập bùng reo trong lò sưởi rột rạc, củi khô, than khô, tí tách nổ. Ngoài đường, gió hun hút, gió quay cuồng, gió lang thang. Lạnh căm căm. Hơi khói tuôn ra theo từng câu nói của mỗi người.

Na mặc chiếc áo choàng màu xanh lá cây ấm và dài gần chấm gót, đầu đội chiếc nón len đan màu đỏ, Na bảo đó là màu Nô-en, chân đi giày ống cao, tay mang găng da mỏng, đi sát bên hắn, trên những con đường thênh thang. Hơi ấm chuyền qua nhau.

Ðường sá của thành phố cao nguyên này, ngày cũng như đêm, quả là dành riêng cho người đi bộ. Ngay cả ban ngày, lúc thì đi trên lề đường để chốc chốc dán mũi vào các cửa hàng trầm trồ chỉ trỏ, khi thì đi tràn xuống lòng đường khiến các loại xe hai bánh, bốn bánh dừng lại lẳng lặng chờ.

Những con đường quê hương.

Những con đường lên cao, xuống thấp, thật thơ mộng, thật an bình, và thật tình tứ uốn éo qua những đồi cỏ, đồi cây, quanh những bờ hồ, những thác ghềnh, đưa đến những vườn hoa đẹp và thơm, hay dẫn vào những vườn rau quả, su-su, khoai tây, cà chua, cà rốt, đậu Hòa Lan v.v... nằm thoai thoải dài dài từ sườn đồi đôổ xuống những con suối cùng ngàn thông thi nhau reo gọi ngày đêm. Hay luồn vào những khu tư gia xinh xắn, cheo leo, chập chờn ẩn hiện trong sương mù.

Ðêm Giáng Sinh trên thành phố núi! Ánh đèn lồng, đèn sao, từ những ngôi nhà lác đác hai bên đường, mùi hương của nhiều loại hoa đêm, cùng tiếng nhạc của những bài thánh ca hòa lẫn vào nhau tạo thành những vùng không gian thiêng liêng, kính cẩn. Hai người cứ thế mà đi, chẳng mấy chốc đến một khu nhà thờ nằm trên ngọn đồi cao khá xa trung tâm thành phố.

"Ðây là đâu hả em?"

Na trả lời thì thầm như sợ làm náo động một đêm vô cùng tĩnh lặng tại nơi này:

"Saint Domaine de Marie."

Hắn cũng cũng hạ giọng xuống thì thầm:

"Tức là nhà thờ Ðức Bà?"

"Không phải. Notre-Dame mới là nhà thờ Ðức Bà."

"Em rành quá."

Na nói như nói một mình, tiếng nói càng nhỏ nhẹ:

"Vâng, là vì hồi tiểu học và trung học em học trường Petit Lycée, rồi trường Dòng. Cuối tuần thường đến Saint Domaine de Marie học kinh, học múa hát, học nữ công với mấy ‘bà xơ’... Còn ngày rằm, mồng một theo mẹ lên chùa Linh Sơn. Khu Ðại Học nơi em đang theo học cũng gần chùa Linh Sơn."

Hắn bật cười. Na suỵt suỵt.

"Cái gì vậy em?"

"Mình phải im lặng. Ðêm nay là Silent Night, là Holy Night."

Hắn nhìn kỹ vào khuôn mặt của Na, trong bóng tối, chỉ thấy đôi mắt loang loáng dưới ánh trời sao. Rồi hắn nhìn quanh, rồi nhìn về phía thành phố. Hắn để ý có nhiều ngọn đồi thông cây thật cao, thân cây song song vươn lên để lộ những khoảng trống cho thấy chân trời đằng sau. Ðèn sáng rực một vùng sau những hàng thông. Có lẽ đó là nhà thờ Con Gà, hắn ngẫm nghĩ. Cơn gió khuya hiu hiu, đứng trên đỉnh cao này, lạnh. Hắn ôm cô gái hôn nhẹ trên má và nói nhỏ:

"Mình vào trong nhà thờ đi, cho ấm."

"Mình đến đây nhìn vào là được rồi, anh. Khỏi vào. Bây giờ lại đi anh nhé, cho ấm người. Em thích đi bên anh mãi mãi. Cho đến hết cuộc đời."

Hắn cũng chợt nhận thấy rằng đi bộ bên Na ở những nơi như thế này quả là một niềm hạnh phúc lớn lao trong đời mà hắn sẽ nhớ mãi. Ðể nén xúc động, hắn nắm chặt bàn tay cô gái, và trước khi cất bước đi, hắn nói nhỏ một câu không định nói, không ăn nhập gì vào tâm trạng của hắn lúc đó:

"Tên em nghe lạ quá. Lẽ ra phải Nga chứ sao lại Na."

"Anh không thích cái tên Na hả?"

"Không phải thế. Thích lắm anh mới hỏi cho biết."

"Ðố anh đấy. Tại sao Na?"

"Ðể anh xem nào. Na tiếng miền Trung có nghĩa là khiêng, là vác. Ếch na nhái, chẳng hạn. Tiếng miền Bắc có nghĩa là quả na, quả mãn cầu. Vậy tên em là một trong hai nghĩa đó phải không?"

Cô gái lấy tay che miệng cười khẽ, trả lời:

"Cả hai đều sai."

"Vậy Na có nghĩa là ... anh chịu thua."

"Tên người đôi khi đâu cần phải có nghĩa. Thật ra hồi bé em tên Nina. Khi em học xong tiểu học, ba em bảo bỏ chữ Ni đi, còn lại chữ Na cho có vẻ Việt Nam hơn."


Vừa bước xuống xe, Khải đã vội vàng chạy vòng ra phía trước để mở cửa cho mình. Trông anh chàng hấp tấp đến khôi hài. Mình ngập ngừng ra khỏi xe. Quả thật trời không lạnh lắm. Ô, thế là mình đang đứng giữa một trời tuyết đang rơi, nhưng tuyết rơi thưa dần, tiếc quá, sao không tiếp tục rơi cho thật nhiều, nhiều như lúc xe lên hết ngọn đèo chuyển qua đường bằng. Vài cánh hoa tuyết long lanh đậu lên tóc, lên vai, lên hai bàn tay mình đang chìa ra đón. Và lướt nhẹ lên má, lên môi. Mình như quên hẳn mọi sự bực dọc trong lòng:

"Em không ngờ tuyết đẹp đến thế này."

"Tuyết thường ngày không đẹp như thế đâu. Nhưng hôm nay đẹp nhờ có em. Anh nói thật đấy, có em anh thấy tuyết đẹp hẳn lên.”

Mình nghe mà cảm thấy hơi ngượng. Thôi đi anh, tán tỉnh gì mà ... lảm nhảm lắm vậy, mình thầm bảo. Khải sẵn đà nói nhanh:

“Anh phải chụp ngay mấy tấm hình cái đã. Anh sẽ đặt tên cho những tấm hình này nhé. Người đẹp bị tuyết bám không rời. Tuyết là anh đó."

Nói xong Khải lại vội vàng mở cửa xe vồ lấy cái máy ảnh, rồi đóng cửa đánh sầm một tiếng. A cái anh chàng vốn bình tĩnh này sao bây giờ làm cái gì cũng có vẻ vội vàng. Mình liếc nhìn đồng hồ tay, hơi giật mình. Hơn 4 giờ chiều. Mà trời muốn tối. Lại còn phải đi về, đường dài. Khải vội vàng là phải.

Khải bấm liên tiếp mấy tấm hình, rồi mỉm cười:

"Bây giờ anh em mình vào cái restaurant đằng kia kiếm cái gì ăn. Chắc em đói."

Mình nhìn theo ngón tay trỏ thấy có bảng hiệu Holiday Inn-EXPRESS Hotel & Suites. Mình vội nói:

"Em đề nghị đến đó mua vài món mang lên xe vừa lái vừa ăn cho đỡ tốn thì giờ. Hơn 4 giờ rồi anh. Về kẻo chốc nữa trời tối, xuống đèo khó lái."

Khải nhìn mình cười một cách khó hiểu, rồi nắm lấy vai mình kéo đi khá mạnh tay. Anh ta có vẻ ngạc nhiên:

"Em muốn về ngay? Lạ chưa! Tưởng em thích xem tuyết chứ."

Tự nhiên mình gượng người cưỡng lại, nói lắp bắp:

"Vâng, vâng, em thích, em thích tuyết lắm. Nhưng em sợ ... Em sợ trời tối về không kịp."

Khải cau mày. Cặp mắt như lóe ra tia sáng man rợ. Mình lại nói tiếp một thôi dài, như thể càng nói càng vượt qua khỏi những hiểm nghèo:

"À anh Khải này, lần sau đi đến đây nữa nhé. Lần sau anh cho em đi thật sớm, và đừng ghé lại đâu cả. Ðể có nhiều thì giờ ngắm tuyết. Vâng, lần đầu tiên em thấy tuyết, em thích tuyết lắm. Mà lần này mình tính sai rồi. Trên đường đi mình ghé lại nhiều chỗ quá phải không anh, mà ... mà không có gì đáng coi cả. Bây giờ anh em mình phải về ngay. Anh nhé ..."

Khải gắt gỏng ngắt lời:

"Vào restaurant rồi nói gì thì nói. Cứ đứng giữa đường nói lung tung như thế này thật không giống ai cả."

Cơn giận bỗng ập tới làm mình buột miệng:

"Em không vào đâu cả!"

Khải lấy lại bình tĩnh ngay, cười dễ dãi:

"Vâng, không vào thì không vào. Nhưng cô không chịu sòng phẳng với tôi đấy nhé! Ừ, muốn về ngay thì về ngay."

Mình cảm thấy nhẹ cả người, quay trở lại xe. Khải đứng yên tại chỗ, nói lớn:

"Ô, xem này, trời hết tuyết rồi."

"..."

"Anh muốn nói tuyết hết rơi rồi."

Mình kín đáo nhìn quanh, quả thật tuyết đã hết rơi. Khải nhún vai nói tiếp:

"Không chừng đang đóng giá. Thế là Slippery. Hết xe cộ lưu thông."

Mình không hiểu Khải định nói gì. Anh bước đến gần, nhìn mình như đùa cợt. Rồi giải thích :

"Slippery nghĩa là trơn trợt. Ðường trơn trợt. Không xe nào được lên đèo, xuống đèo. Em ngày xưa có học tiếng Pháp? Tây nó gọi là verglas, nghĩa là tuyết, giá, đông lại thành một lớp mỏng trên mặt đất. Ðường đi trơn trợt. Ði bộ cũng không được chứ đừng nói đến chuyện đi xe hơi."

Mình càng hoảng hốt. Khải giải thích thêm:

"Nhiều người không có kinh nghiệm buổi chiều đậu xe trên dốc nghiêng. Rồi verglas. Sáng hôm sau dậy không thấy xe đâu cả, tưởng bị trộm. Thì ra chiếc xe trong đêm đã bị verglas làm cho chạy tuột xuống hố."

Mình cố níu một chút hy vọng, nói nhỏ nhẹ:

“Nhưng hồi nẫy em có nghe anh nói cái gì đấy, không chừng, không chừng ... À, không chừng trời đóng giá, nghĩa là cũng có thể đóng giá, cũng có thể không. Nghĩa là cũng có thể về hôm nay nếu đường đi được, phải không anh?"

Khải trả lời lạnh lùng:

"OK, nếu không có verglas thì về cũng được. I don't care."

Rồi Khải nói tiếp một cách tỉnh bơ:

"Nhưng em phải tập cái tính thẳng thắn, sòng phẳng. Và fair play với nhau. Khi nhận lời đi chơi xa với anh có lẽ em đã hiểu rằng ở xứ này nam nữ bình quyền, vui cả hai cùng vui, sướng cả hai cùng sướng. Chả ai chịu bị thiệt. Xong việc, đường ai nấy đi. Rất đơn giản."


***

Một buổi chiều thứ bảy.

Lâu quá mình mới trở lại ngôi chợ này nơi mà trước kia, lúc còn yêu nhau, cuối tuần nào mình và Hưng cũng đến. Nay mình cũng làm sẵn một danh sách những món cần mua: một con gà "đi bộ", một ít thịt heo nạc, thịt ba rọi, bánh hỏi, thịt quay, rồi chả quế, chả heo, chả bò, một vĩ trứng gà, mấy cái hột vịt lộn chưa luộc, một ít sườn non, một lọ cà cuống, mắm ruốc, mắm tôm, mấy con cá hanh xanh, cá diêu hồng, mấy con khô cá sặt, rồi nào là dưa chuột, xà lách, rau quế, rau húng, rau răm, rau tía tô, cà chua, cà tím, hành củ, hành lá, hẹ, tỏi. Lá mơ nữa. Mua thêm một gói xí muội, một hộp ô mai, một phong bánh đậu xanh, một hộp trà búp. Rượu? Không. Có Hưng thì mới cần rượu. Mua ba bao thuốc lá cho một tuần lễ. Ô, không, mình đâu hút thuốc. Sẽ cho tất cả vào tủ lạnh, lấy ra nấu ăn dần.

Mấy tháng nay không đi chợ, ăn toàn đồ Mỹ, nhớ cơm Việt Nam quá.

Sau cơn khủng hoảng, sau mấy tháng đau ốm liên miên, mình đã gượng dậy được. Rồi ngày đêm vùi đầu vào việc học hành. Dù sao cũng đã đạt được một số kết quả không đến nổi tệ lắm. Cố gắng thêm một năm nữa là xong.

Vừa đậu xe vào Parking, định bước xuống, bỗng thấy ai như Hưng đi từ xa tới. Tim mình đập mạnh. Vội nhè nhẹ đóng cửa xe, ngồi lại ngay ngắn trước tay lái, hạ tấm che nắng, kẹp lại mớ tóc buông xuống vai, đeo kính đen vào. Bên ngoài nhìn vào chắc Hưng không thấy được mình, không nhìn ra mình.

Hưng từ chợ đi ra theo sau một người đàn bà đẩy một chiếc xe chất đầy bao, bị, thức ăn, rau, quả. Anh vô tình đi ngang qua trước mũi xe của mình, mắt nhìn thẳng. A cái anh này, sao không chịu đẩy xe giúp người ta. Hết nịnh đầm rồi hả, anh Hưng của em! Bỗng dưng lòng bồi hồi, con mắt cay sè, rồi nước mắt ứa ra. Ðã lâu mình không khóc, cứ tưởng lòng mình đã cứng cỏi, cứ tưởng vết thương cũ đã lành hẳn. Bàn tay lớ quớ chẳng biết làm gì, bật đèn lên, rồi tắt ngay. Hưng ngoảnh đầu nhìn đèn, làm mình giật mình, rồi tiếp tục bước chầm chậm. Vẫn quần áo nhàu nát, mang giày không tất, nhưng trông anh tiều tụy hơn trước nhiều. Già hẳn đi. Và mái tóc! Trước kia tóc anh tiêu muối, nay bạc chiếm gần hết. Anh thích gọi là tóc trắng. Thế ra bỏ em anh cũng đã biết buồn khổ là gì đấy chứ? Nhưng nay anh đã đi bắt bồ với người khác, chắc cũng được yên thân. Còn em, em vẫn như người lạc đường trên đất nước bao la này.

Người đàn bà đẩy chiếc xe chất đầy thực phẩm đến một chiếc xe hơi đậu cách mình không xa lắm. Không phải xe của Hưng ngày xưa - chiếc ô tô con khổ sở, không, xe hơi chứ, em vẫn nhớ. Cô ta mở cốp sau của xe, cho các thứ vào, một mình. Hưng đứng tần ngần gần đó mà không chịu giúp người ta một tay. Chỉ trong một khoảnh khắc, khi sắp chuyển xong các thứ vào cốp xe, người đàn bà bỗng quay người lại, quắc mắt nhìn Hưng. Anh uể oải lắc đầu và lừng khừng tiếp tục đi. Như người mất trí.

Lạ chưa! Anh lại chọc giận người ta để người ta xua đuổi, chứ đâu phải như em luôn luôn cắn răng chịu đựng. Người ta hết yêu anh rồi! Nhưng hình như không phải thế, hai người hình như không hề quen biết nhau thì phải. Cặp mắt của người đàn bà đã nói lên điều đó.

Mình hoảng hốt kêu Hưng, Hưng, anh Hưng ơi! Khổ chưa, mình gọi mà Hưng không nghe thấy gì cả. Vì mình gọi thầm trong lồng ngực cồn cào.

Trên bãi Parking rộng lớn, xe hơi đậu tràn ngập dưới nắng mênh mông. Trên không, vài cụm mây trắng bỗng dưng xuất hiện lúc nào mình không biết bay lờ đờ. Mới đó dường như là bầu trời xanh ngát một màu. Chỉ một chốc sau, bóng dáng của Hưng bị những hàng xe đậu san sát che lấp. Mình cố nhìn theo thấp thoáng mớ tóc trắng như mây đang bay trên trời. Rồi khuất dần. Hưng, anh Hưng, tiếng kêu nghe lẻ loi tự nhiên vang lên thảng thốt. Không cưỡng lại được nữa, mình mở máy xe, lùi nhanh ra khỏi chỗ đậu. Và nhấn mạnh ga cho xe chạy nhanh.