Cứ mỗi lần nhớ tới chị, lòng tôi lại nôn nao, một cảm giác tê buốt chạy dài trên da thịt, nhất là khi mùa xuân đã được báo hiệu bằng những xác lá bàng đỏ ối rụng đầy trước ngõ. Cây bàng cằn cỗi vươn những cành khô sần sùi như những cánh tay đau khổ giơ ra bốn phương trời để cầu xin sức sống. Đã bao nhiêu mùa xuân rồi, hễ nhìn thấy cây bàng đầu ngõ rụng hết lá thì hình ảnh người chị họ lại hiện ra trong tôi như một hình phạt. Tuy bây giờ đã nhiều tuổi, và người chị họ cũng đã xa tôi vĩnh viễn, nhưng sao niềm đau thương tự năm xưa không theo thời gian mà phai nhạt hay mất hẳn đi trong trí nhớ, mà trái lại, nó cứ nhè nhẹ lan dần theo từng cơn gió bấc thổi giạt vào tâm hồn như những chiếc lá bàng đỏ tía màu máu theo tiết đông về rụng xuống.
Tôi cũng biết, tội lỗi do tôi gây ra không phải vì ác ý, mà chỉ do tôi quá thương một kiếp sống lẻ loi đơn độc của người chị họ trong cuộc đời đầy ích kỷ, nhỏ nhen. Vết thương tình ái đầu tiên do tay tôi đã khắc sâu vào trái tim thơ ngây của người chị họ, chị phải mang nó suốt đời mà chẳng tìm thấy nguyên nhân. Ánh sáng của cuộc đời đã chạy ra ngoài tầm tay của chị, ánh sáng của yêu thương cũng khép chặt và đóng lại vĩnh viễn những ngày xuân xa xưa mà chị phải chôn vào tâm khảm, không một lời than vãn.
Từ ngày tôi lỡ mang hình thức của tình yêu để lừa dối chị, cũng từ ngày ấy, tôi không dám nhìn thẳng vào mặt chị nữa. Tôi tìm hết cách để khỏi gặp chị, nhưng nếu ở trong hoàn cảnh bắt buộc mỗi khi đối diện, tôi cúi gầm mặt xuống, hoặc nhìn đi chỗ khác, để cho mắt tôi khỏi trông thấy một gương mặt nhăn nheo khắc khổ héo hắt in hằn nét đau đớn trên từng thớ da sần sùi. Đôi kính đen loại rẻ tiền luôn luôn bao kín đôi mắt, làm tôi cảm thấy đó là hai chiếc vực do tay tôi đào để chôn đời chị. Nhưng chị nào biết, có lẽ đến lúc chị từ bỏ cõi đời, chị vẫn đinh ninh nó đã giúp đỡ chị rất nhiều trong chuỗi ngày băng giá của đời chị. Chị vẫn thường nói: “Tất cả loài người cũng như Thượng Đế đều ghét bỏ chị, chỉ có Tuấn, đứa em độc nhất, đã mến thương chị”. Chị ơi, chị nhầm rồi, phải nói thế này mới đúng: “Thằng Tuấn là đứa em độc ác nhất, nó đã làm cho đời chị đã đau khổ càng đau khổ, đã khốn nạn lại khốn nạn hơn”! Ý thức trách nhiệm cho biết, tôi phải gánh chịu những hậu quả do mình gây ra, tuy rằng, tôi hành động không ngoài mục đích muốn cho cuộc đời khô cằn của người chị họ được thấy một chút bóng mát của ái tình.
*
Người chị họ tôi tên Trâm. Chị mồ côi từ nhỏ. Có lẽ Thượng Đế đã ghét bỏ chị thật, nên Ông đã tạo ra hình hài của chị không những đã xấu xí mà còn bắt phải gặp những hoàn cảnh quái ác để đầy ải cho khốn khổ một kiếp người. Từ ngày hai Bác tôi theo nhau qua đời, chị Trâm lần lượt đi nếm cơm tất cả mọi nhà trong họ. Thương chị, ai cũng thương, nhưng mỗi khi thấy chị, người nào cũng có ý nghĩ, nuôi chị ở trong nhà không thể được! Sau cùng, chị phải đến ở với Cô tôi, vì Cô tôi góa bụa từ lâu, không có con cái. Cô tôi vốn nghèo, quanh năm bà buôn bán vất vả vẫn chẳng đủ ăn, nên họ hàng mới quyết định hùn nhau giúp đỡ cô tôi mỗi tháng ít tiền để thêm cập nuôi chị. Từ ngày chị Trâm về ở với cô tôi, xem chừng êm thấm vì bà đã chịu đựng rất nhiều cay đắng nên còn lại bao nhiêu tình thương, bà đem trút sang chị Trâm. Cô tôi cố dành dụm, cho chị Trâm được đi học. Bà thương chị như con đẻ. Chị lớn dần lên trong tình thương vô biên và cao cả ấy.
Nhưng con người sinh ra ở đời không phải chỉ cần sống có bấy nhiêu là đủ. Con người với ước ao, với nỗi buồn vơ vẩn, nhất là ở người con gái đang tuổi dậy thì. Chính thật như vậy, sự chuyển động của thời gian đã thổi vào thể xác chị Trâm nguồn sinh lực mới. Sự nẩy nở và phát động bên trong chứ không phải bên ngoài, vì chẳng nói ra, ai cũng biết với dung nhan ấy, làm chị có thể tìm được tình yêu theo ước muốn.
Nhưng xấu là một chuyện, mơ mộng là chuyện khác. Tôi cũng thừa hiểu, sở dĩ chị Trâm có những thèm khát về chuyện yêu thương, một phần tại tôi, vì tôi đã yêu Hạnh ở sát nhà cô tôi. Tnh yêu giữa tôi và Hạnh xẩy ra dưới hình thức nào; chị đều rõ. Tôi cho rằng, chính vì sự biết ấy đã làm chị khổ đau.
Thật ra, tôi hay sang, chẳng phải vì cô tôi hay chị Trâm, nhưng chính vì Hạnh. Đã nhiều lần chị năn nỉ tôi kể cho chị nghe về câu chuyện giữa chúng tôi. Thú thật, tôi khó chịu lắm, nhưng trước những lời nói tha thiết, gần như cầu khẩn, tôi đành chiều theo ý chị. Khi nghe tôi nói, chắc chắn nhiều ảo tưởng hơn sự thật, nét mặt của chị khờ dại hẳn đi. Đôi lúc chị ôm mặt khóc! Những lúc ấy, tôi cảm động vô cùng vì nhận ra, nếu người con gái đã có nhan sắc dễ coi thì họ dù nói hay cười, dù khóc lóc hay hờn giận, người ngoài nhìn thấy, nếu họ không đẹp thêm lên, cũng chẳng đến nỗi xấu, đằng này chị Trâm khóc trông xấu lạ lùng, xấu không thể tưởng tượng được. Để tránh xúc cảm, tôi phải đi về, dù rằng từ lúc đến, tôi chưa được thấy Hạnh. Tôi tự hứa nhiều lần, sẽ không bao giờ kể cho chị nghe câu chuyện giữa tôi và Hạnh nữa, nhưng mỗi lần sang chị lại van nài, nhiều khi đe dọa, nếu không nói, chị sẽ mách Cô để nói lại cho thầy mẹ tôi hay. Vì sợ chuyện của mình có thể bị gia đình biết, tôi nói loanh quanh cho xong chuyện. Chị không vừa lòng, chị bắt tôi phải đưa cho chị xem những cái thư tôi viết gửi Hạnh, cũng như những lá thư Hạnh gửi cho tôi qua hàng rào râm bụt. Tôi biết chị quá tò mò, nhưng muốn êm chuyện, tôi đành chiều chị. Lâu dần việc này thành cái lệ. Về sau chính chị trở thành bưu tín viên trong công việc trao đổi thư từ.
Có lẽ, chị Trâm đã nhìn rõ một phần sự thực của đời mình, nên chị hay tủi thân, nhiều khi tôi vào buồng chị bất ngờ, tôi bắt gặp chị chép lại thư của chúng tôi vào tập sách nhỏ. Tuy giận, nhưng thương chị, tôi tha thứ.
Mọi sự ở đời đều đi đến kết thúc, dù là kết thúc bằng vui tươi hay cay đắng. Tôi và Hạnh xa nhau vì những lý do rất thông thường như trăm vạn cuộc tình duyên dang dở khác. Từ đó, tôi cũng ít lại thăm cô tôi và chị Trâm để khỏi nhìn sang nhà Hạnh.
*
Mấy mùa xuân trôi đi không để lại vết tích. Một đêm cuối năm, trời đổ mưa phùn rả rích, nghe tin Hạnh lấy chồng, tôi ngồi giở lại tập thư xưa để đếm lại những kỷ niệm tuổi hoa niên. Đọc xong, tôi châm lửa đốt. Nhìn ngọn lửa bùng, tôi chợt thấy rõ ràng một khuôn mặt, không phải khuôn mặt Hạnh, mà chị Trâm. Nét mặt cau có như trách mắng sự tàn nhẫn của tôi đối với một mối tình thơ dại thuở ban đầu. Khi bức thư cuối cùng đã biến vào ngọn lửa, vài tiếng kêu tanh tách của xác giấy khô nổ ròn theo tàn đóm, tôi gục đầu xuống mặt bàn, mắt nhắm lại. Tôi đắm nhìn vào vũng tối của tâm tư, để mặc dư âm ngày xa khuấy động. Tôi muốn xô đuổi hết mọi ám ảnh, kể cả hình ảnh chị Trâm, nhưng vừa có ý nghĩ ấy, tự nhiên gương mặt đau buồn của chị lại nổi hằn nét đau khổ hơn bao giờ hết. Tôi thấy rõ những giọt nước mắt lăn tròn trên gò má cao khệch, lồi lõm như khuôn mặt gỗ đẽo gọt dở dang. Vì hiểu chị, tôi nhìn thấy niềm khao khát tình yêu đôi lứa trong trái tim côi đó. Năm tháng u buồn đè nặng trên thân hình còm cõi như một cành khô mong chờ một giọt nước. Tôi muốn nhân dịp xuân về, để làm ấm lòng người chị họ đáng thương kia; tôi sẽ viết lá thư tình giả mạo gửi chị. Tôi biết, lòng thương yêu của cô tôi dù có nồng nhiệt đến bao nhiêu đi nữa cũng không tạo cho đời chị tươi vui hơn được.
Trong vắng lặng của đêm sâu, từng giọt mưa rỏ tí tách xuống mặt thềm nhớt nhát cùng tiếng gió giật từng cơn dào dạt trong khóm chuối sau hè. Chẳng để cho lòng mình kịp suy tính, tôi mở ô kéo lấy giấy bút. Tôi đổi lối viết với dụng ý để chị không nhận ra nét chữ quen thuộc. Lúc viết, tôi cố nghĩ ra những lời yêu thương văn hoa trọn vẹn ý nghĩa của tình yêu để gửi cho chị. Tôi tin rằng, khi bức thư này đến tay chị, biết đâu vì sự nói láo, viết láo của tôi trong đêm nay chẳng có hiệu lực làm cho mùa Xuân của đời chị thắm lại, biết đâu nó chẳng là nguồn an ủi vô biên đối với chị, và biết đâu, vì nó mà những băng tuyết đóng quanh năm trong hồn chị chẳng biến đi như sương mù tan dưới nắng xuân? Với lòng chân thành đó, tôi say sưa viết, nhiều đoạn tôi chép nguyên văn những câu trữ tình nổi tiếng ở các cuốn tiểu thuyết tôi đã xem. Viết xong, đọc lại, chính tôi cũng không ngờ mình lại giả tạo hay đến thế! Nét chữ hoàn toàn đổi khác, chị phải có nhận xét thật tỉ mỉ, may ra mới thấy. Việc này tôi không lo lắm; vì mắt chị không những lé lại bị bệnh đau mắt hột từ nhỏ. Tôi gấp thư cho vào phong bì để sáng mai gửi. Tôi tính thầm nếu thư đi đúng thời gian, chị Trâm sẽ nhận được trong ngày 29 Tết, chậm lắm đến sáng 30 là cùng. Ngồi thu mình trong lòng ghế, tôi tưởng tượng ra nét mặt chị Trâm khi nhận được lá thư đầu tiên đề tên mình. Nhưng tôi thấy còn chút e ngại, lỡ lá thư đó rơi vào tay cô tôi hay người nào khác thì sao? Việc này có thể xẩy ra, vì cô tôi thường có những bạn hàng xa đến ở nhờ, nhất là những ngày áp Tết. Sau cùng, tôi quyết định gửi bức thư đó cho chính tôi, với cách đề thêm vào góc phong bì hàng chữ: “Nhờ chuyển giao cho cô Trâm. Cảm ơn.” Tôi chắc chị Trâm chẳng nghi ngờ gì, vì phong bì có đóng dấu bưu điện đàng hoàng.
Đêm ấy, tôi mất ngủ vì cứ mãi nghĩ đến sự hân hoan cũng như nỗi hồi hộp của chị Trâm, người con gái vô duyên bạc phận, lần thứ nhất trong đời, nhận được một lá thư tình.
*
Cách một hôm, đúng như dự đoán, bức thư gửi đi đã trở về tôi. Tôi cầm thư chạy vội sang nhà chị. Vừa đến đầu ngõ, tôi đã ngửi thấy mùi trầm hương thơm ngát. Tôi cất tiếng gọi. Tiếng chị ở dưới bếp vọng lên. Đi thẳng xuống, tôi nhìn thấy chị đang khom người cho thêm chiếc gộc tre vào lò bánh chưng. Từng ngọn lửa xanh lè liếm dài xung quanh chiếc nồi ba mươi.
- Cô đâu rồi, chị?
Nghe hỏi, chị nhướng mắt nhìn lên:
- Có việc gì thế Tuấn, Cô đi chợ chưa về. Hôm nay, phiên chợ Tết mà! Cô phải buôn bán vất vả mới có ăn chứ đâu như bên nhà Tuấn!
Tôi không muốn nghe chị nói những điều như thế, vì chả bao giờ tôi có ý nghĩ so bì về hoàn cảnh của cô tôi với gia đình tôi cả. Tôi cúi gần bên chị:
- May quá, em có cái này cho chị!
Nói xong, tôi rút ở túi áo chiếc bao thư dúi vào tay chị.
- Thư nào thế Tuấn?
Tôi hơi rối trí, nhưng cố lấy giọng tự nhiên:
- Em có biết thư của ai đâu, sáng nay đang ngồi học, nhận được thư, em định bóc ra nhưng nhìn ở góc, thấy nhờ chuyển giùm cho chị, nên vội mang sang. Thư của ai đấy chị?
Tôi hỏi câu sau với mục đích làm chị khỏi nghi ngờ. Nghe tôi nói đến đâu, mắt chị mở to đến đấy. Nhìn chị, tôi biết chị đương hoang mang, vì lẽ, chẳng bao giờ chị mong mỏi có người gửi thư cho, dù lúc này chị chưa biết người gửi là ai? Chị ghé gần chiếc phong bì vào ánh lửa, chị nhìn những hàng chữ đề ngoài. Tôi để ý thấy mắt chị dừng lại rất lâu ở hàng ghi tên người gửi. Đôi gò má chị hồng lên, có lẽ tại chị ngồi gần lửa. Đôi môi chị run run như muốn nói điều gì. Chị nắm chặt lá thư trong tay, toàn thân chị như toát ra một cái gì là lạ, tôi chỉ cảm thấy mơ hồ chứ không thể nói lại rõ ràng. Trong phút này tôi thấy chị Trâm đẹp, cái đẹp không bởi nhan sắc mà do duyên dáng của người con gái tạo thành. Nhưng uổng thay, đấy là lần đầu, cũng là lần cuối tôi nhìn thấy chị Trâm đẹp. Vì không muốn phá vỡ những giây phút thiêng liêng của riêng chị, tôi chào đi về. Ra gần tới cổng, tôi nghe tiếng chị gọi. Tưởng chị đã tìm ra sự giả mạo, tôi định chạy thẳng nhưng không kịp, chị đã tới sát bên:
- Này Tuấn, Hạnh vừa hỏi thăm Tuấn đấy, sang năm nó đi ở riêng rồi, nhưng nó nói với chị, vẫn thương yêu Tuấn lắm!
Câu nói của chị Trâm chỉ có giá trị một lời cám ơn, tôi biết như thế, vì chị lạ gì chuyện của chúng tôi vì sao tan vỡ, còn chuyện Hạnh đi lấy chồng đối với tôi, lúc này cũng chẳng có tác động tâm lý nào. Nghĩ đến đây tôi thương chị; vì muốn trả ơn, chị cố tìm một câu chuyện mong vừa lòng tôi. Nhưng chị có biết đâu, nỗi vui của chị đã làm mờ hẳn vóc dáng Hạnh, người con gái ngự trị trong lòng tôi mấy năm trước. Chị đâu biết, dư âm của mối tình trong trắng đó đã tàn theo ngọn lửa, trong đêm tôi viết thư để đánh lừa chị bằng mối tình tưởng tượng.
Tôi cúi đầu bước từng bước nặng nhọc. Mưa lây rây phủ nhẹ vào da mặt làm tôi tỉnh táo. Hàng phố mờ mờ sau những hàng cây thưa thớt mà búp xanh đang nhú ra ở đầu cành như những mầm hy vọng.
*
Từ hôm trao lá thư giả mạo cho chị Trâm, trong lòng tôi luôn luôn có chuyện gì xao động. Tôi băn khoăn lo ngại những việc có thể xẩy ra vì bức thư kia. Tôi chắc mấy bữa nay chị mong tôi sang thăm, để có dịp hỏi về bức thư, mà tôi vẫn tin chị chưa tìm ra sự giả mạo đó. Bức thư tình đầu tiên đến với chị - trong đời chị chẳng bao giờ nghĩ tới, những lời yêu đương ở trong thư lại tha thiết nồng nàn đến thế. Tôi chắc rồi đây chị Trâm sẽ ngủ không an giấc nhiều đêm và biết đâu chị chẳng đọc đến thuộc lòng từng dòng từng chữ trong bức thư tình không chờ đợi do tôi tạo nên. Cũng từ đấy tôi cảm thấy trong tôi có gì khác lạ, nửa vui, nửa buồn. Tôi nghĩ đến Hạnh đã bỏ tôi, đi lấy chồng! Tôi nghĩ đến chị Trâm đã có những phút giây sung sướng vì được đánh lừa bằng hạnh phúc.
Trong lòng tôi nóng như lửa đốt, đã mấy lần tôi định sang nhà cô tôi để được biết phản ứng của chị Trâm về bức thư đó ra sao, nhưng nghĩ đi, nghĩ lại, tôi cố nán chờ đến ngày mai mồng 1 Tết, tôi sang mừng tuổi cô tôi và chị Trâm luôn thể cũng chưa muộn. Nói đến cô tôi, là nói đến một người đàn bà xấu số nhưng ít khi người ta được nghe cô tôi than thở về cuộc đời không may đó. Có lẽ, cô tôi nuốt cái đau trọn kiếp vào trong lòng từ lâu lắm, nên những nỗi buồn nhỏ nhặt không làm cô tôi xúc động. Mẹ tôi thường khen, cô tôi đảm đang, tuy lúc trẻ, mẹ tôi và cô không hợp tính nhau. Nhưng câu chuyện em chồng chị dâu bao giờ chả vậy, bây giờ cả hai đều có tuổi, sự thân mật cũng đã gần lại.
Trong buổi chiều cuối năm, không hiểu sao tôi cảm thấy hoang vắng lạ lùng, hình ảnh chị Trâm cứ lởn vởn trong đầu óc làm bực dọc. Sự bực dọc này có phần trầm trọng hơn cả những lúc tôi mong tin Hạnh năm trước. Ánh sáng chảy thoi thóp trên những tàu chuối cuối sân. Tôi bâng khuâng ngồi đếm thời gian đi dần vào bóng tối. Bỗng tôi nghe tiếng cô tôi gọi ở ngoài ngõ. Tôi ra mở cổng. Vừa nhìn thấy tôi, cô nói, chị Trâm gói phần tôi chiếc bánh chưng xinh lắm, sang mà lấy. Chụp lấy cơ hội, tôi vội chạy sang.
Con phố lạnh vắng, gió thổi buốt tay chân. Tôi cúi đầu bước nhanh. Tôi nhìn thấy chị Trâm đứng chờ ở đầu ngõ. Chị cười, nụ cười thiểu não làm sao, nó méo xệch gần như khóc, để lộ hàm răng vẩn mầu vỏ già nham nhở. Lần đầu, tôi thấy chị cười như thế đấy, thật thảm hại! Tôi vừa bước vào, chị đóng sập cửa ngõ như sợ tôi chạy mất, xong chị cầm tay lôi xềnh xệch xuống nhà ngang. Đi gần bên, tôi nghe rõ hơi thở của chị dồn dập không đều, như tắc nghẹn trong lồng ngực. Vừa bước qua bậu cửa, chị lấy tay ấn mạnh tôi ngồi xuống chiếc chõng tre kê sát vách, rồi chạy vù lên nhà trên. Lát sau đi xuống, chị cầm trong tay chiếc bánh chưng có buộc lạt đỏ, chị vừa thở vừa nói:
- Tuấn này, chị cho Tuấn chiếc bánh, chị gói riêng cho Tuấn đấy, ngon lắm! Có ăn ngay để chị bóc? Nếu không, lát nữa mang về.
Thực ra, tôi vừa ăn cơm xong còn no, nhưng muốn khỏi phụ lòng chị, tôi đòi ăn luôn. Chị Trâm nhanh nhẩu cầm chiếc bánh qua gian bếp. Lợi dụng thời gian đó, tôi suy nghĩ chuẩn bị để ứng đối với hoàn cảnh, vì tôi biết thế nào chị cũng hỏi về bức thư.
Dưới ánh đèn, mặt bánh chưng xanh mướt nằm gọn trong lòng chiếc đĩa men trắng nõn, đôi đũa son đỏ chói kèm theo, tôi biết tất cả những thứ này chỉ được dùng trong mấy bữa Tết mà thôi. Đĩa bánh đặt trước mặt, hương thơm của lá dong đưa vào mũi làm tôi tuy còn no, vẫn thấy thèm.
Trong lúc tôi đưa từng miếng bánh ngon vào miệng, chị Trâm lặng lẽ ngồi sát bên thủ thỉ nói chuyện xa gần. Chị nói chẳng đâu vào đâu cả. Nhưng qua những câu nói ấy, tôi đã đoán được một phần tâm trạng của chị ra sao rồi. Để tránh cho chị nỗi khó khăn của sự mở đầu vấn đề mà tôi biết rõ rằng, chị cần phải nói trước khi cô tôi về, tôi làm bộ ngớ ngẩn hỏi chị về bức thư hôm nọ. Nghe hỏi, chị mừng quá, đi ngay vào chuyện. Chị bắt đầu bằng câu hỏi, tại sao người ta không gửi thẳng cho chị, và tôi có quen người đó không? Nhất định tôi phải trả lời rằng không, mà làm sao tôi quen được? Để trấn tĩnh tinh thần chị phần nào, tôi đưa câu chuyện vào ngã khác, bằng cách cho nó là thư của bạn chị thuở nhỏ, lâu ngày không đến thăm, quên địa chỉ, họ phải nhờ địa chỉ nhà tôi chăng?
- Thế trong thư họ viết gì hả chị?
Nghe tôi hỏi, chị rút lá thư ở trong túi áo ra. Tôi cầm lá thư làm bộ chăm chú đọc. Sau cùng, tôi cười ngỏ lời mừng chị đã gặp được hạnh phúc. Tôi nói đến hai chữ hạnh phúc, chị Trâm thở dài nhè nhẹ:
- Tuấn ơi, tại sao họ lại không đề địa chỉ nhỉ?
- Em đâu biết, có lẽ vì lá thư đầu, họ không biết chị có chấp nhận tình yêu của người ta hay không nên họ còn giấu. Em chắc thư sau họ sẽ ghi địa chỉ. À, tên người yêu của chị hay đấy chứ, chắc đẹp trai lắm!
Dưới ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn lụi bấc, tôi nhìn chị ngồi ủ rũ, buồn làm sao, hình như chị đang theo đuổi một giấc mộng xa xôi, huyền bí. Những giây phút nặng nề kéo lê như hình phạt. Bỗng chị Trâm quay người nhìn thẳng về phía tôi:
- Tuấn, đọc hộ chị cái này!
Chị lôi ở túi áo trong một tờ giấy màu vàng lợt, tay chị run run chìa ra trước mặt tôi. Niềm thương xót dâng tràn ngập trong tôi, thật không ngờ chị lại si mê đến thế. Chị Trâm ơi, lá thư tình thứ nhất của đời chị, chị gửi cho ai bây giờ? Lúc này tôi mới thấy lòng thương của tôi đối với chị, thật dại dột! Nhưng đã trót gây ra chuyện, tôi có bổn phận phải làm cho chị hy vọng hơn là rơi vào vực thẳm thất vọng. Tôi gợi lại nét mặt quen thuộc để chị tìm ra một hình bóng yêu thương. Nghe tôi nói, chị cứ ngước mắt nhìn lên mái nhà. Đôi mắt chị vốn lé, nên khi nhìn lên, hai con ngươi mỗi con chạy về một phía, làm khuôn mặt lệch hẳn đi, trông giống tên hề trong rạp xiếc! Tôi biết chị đang vận dụng hết trí nhớ để cố tìm ra những hình bóng đàn ông quen thuộc chị đã gặp, hay chị thoáng nhìn thấy ở trong đời.
Hàng chữ trong thư chị viết nhảy múa trước mắt tôi. Càng đọc, tôi càng thương xót, nhưng tôi đã làm công việc dại dột rồi, biết nói sao đây? Qua cách viết thư, tôi nhận thấy tình yêu quả có phép mầu nhiệm đã làm con người thông minh sáng suốt. Tôi không ngờ chị Trâm đã cóp nhặt rất tài tình những đoạn hay nhất trong những bức thư của tôi và Hạnh, để tạo thành bức thư tình của chị.
- Thế nào Tuấn, chị viết như thế có được không?
- Được lắm! Chị ạ.
- Tuấn giúp chị gửi giùm lá thư này nhé.
- Biết gửi về địa chỉ nào bây giờ?
Nghe nói thế, mặt chị ngơ ngẩn như mất hồn:
- Ở nhỉ, hay là Tuấn đến Bưu Điện hỏi địa chỉ người gửi lá thư này vậy.
Qua lời nói ấy, tôi biết tình trạng hoang mang khắc khoải đã làm chị quên cả những việc tầm thường như vậy. Tôi phải giải thích cho chị nghe rằng, không có cách nào tìm ra địa chỉ người gửi trừ phi họ muốn cho mình biết.
Tự nhiên người chị xỉu dần, chị gục đầu vào vai tôi mà khóc. May thay giữa lúc ấy, có tiếng cô tôi gọi ngoài cổng.
*
Từ tối hôm 30 Tết, tôi không dám sang nhà cô tôi nữa. Cả đến ngày mồng một, tôi cũng cố tìm cớ để khỏi phải mừng tuổi cô tôi, vì sợ chị Trâm lại đưa tôi vào câu chuyện lá thư.
Mùa Xuân trôi đi không còn nguyên vẹn trên những sắc hoa đào phơi phới. Hình ảnh chị Trâm và lá thư cũng nhạt dần trong trí não, vì tuổi trẻ luôn luôn đi tìm và chạy theo những thú vui mới. Tôi cũng tưởng lá thư tình do tôi tạo ra chỉ mang mục đích làm cho lòng người chị họ ấm áp một phần nào trong hai mươi mấy mùa xuân cô quạnh, có ngờ đâu, kết quả lại thảm khốc ngoài tưởng tượng.
Cách đấy ít lâu, trong bữa cơm chiều, tôi nghe thầy tôi phàn nàn với mẹ tôi về tình trạng “con Trâm”, không hiểu sao từ Tết đến giờ nó như con dở người, khi khóc khi cười, luôn luôn nói những lời yêu thương nhảm nhí, kỳ quặc. Mẹ tôi thêm vào, đổ tại cái số nó chẳng ra gì, có lẽ kiếp trước nó làm ác, hoặc hai bác tôi có điều gì phạm đến quỷ thần! Mẹ tôi kết luận: “Dào ơi: có mười mà tốt, có một mà xấu”. Tự nhiên, tôi ăn cơm hết ngon, gần như nuốt chửng, rồi chẳng dặn ai, tôi vội chạy sang bên cô tôi.
Trời đã nhá nhem tối, tuy mùa Xuân nhưng gió vẫn còn lạnh lắm. Chiếc khăn quàng bằng sợi quấn ở cổ bị gió cuốn tung bay tơi tả. Tôi bước nhanh vào trong nhà, nhìn lên bàn thờ, màu lá dong bánh chưng đã úa vàng và khô queo đặt bên cạnh mấy man vàng giấy, có đính trang kim lóng lánh. Vài nén nhang cháy vật vờ tỏa làn hương mỏng. Tất cả vắng lặng. Tôi cất tiếng gọi, cô tôi trả lời từ nhà dưới vọng đến yếu ớt. Tôi chạy băng ngang sân, vì bước vội, dẫm đúng vũng nước, ngã xoài xuống. Nghe tiếng động, cô tôi chạy ra. Tôi gượng đứng dậy, quần áo lấm bê bết. Cô hỏi, có sao không, rồi dắt tôi xuống nhà ngang. Một cảnh tượng bày ra trước mắt: Chị Trâm nằm thiêm thiếp trên chiếc chõng mà hôm 30 tết, tôi và chị đã ngồi nói chuyện về lá thư mà chị chẳng biết gửi cho ai. Sắc diện chị bữa nay trông gớm chết, gương mặt hốc hác, hai mắt sưng vù lên phải rịt thuốc, môi chị vều ra để lộ hàm răng vẩu nham nhở như răng quỷ sứ. Chị đắp chiếc chăn hoa màu bạc phếch. Gần chiếc chõng có bát thuốc đặt trên mặt ghế đẩu. Tôi rùng mình vì sợ và nguyền rủa sự đùa nghịch độc ác của mình. Cô tôi nói, không hiểu vì đâu, từ Tết nó trở chứng như con mất hồn, hết gọi tên Hùng lại nói lảm nhảm như điên dại, chẳng chịu ăn uống gì cả, khóc mãi hai mắt sưng to, cô tôi phải đi lấy thuốc về rịt. Trước hoàn cảnh ấy, tôi không biết nói gì, chỉ nhìn cô tôi rồi nhìn chị Trâm. Người chị họ đau khổ có ngờ đâu trong một phút xót thương sự cô độc của chị, lại làm hại chị. Tôi gọi, nhưng có lẽ mệt quá, chị Trâm chỉ khe khẽ gật đầu tỏ ý có biết tôi đến, rồi thôi! Lát sau tôi ra về, trong lòng như có ai cầm lưỡi dao cạo rạch từng nhát một.
Chị Trâm nằm bệnh đến mấy tháng mới khỏi, đến khi khỏi, đôi mắt chị chỉ còn nhìn thấy mờ mờ những sự vật xung quanh. Cô tôi càng thương xót chị. Còn tôi, từ đó ít dám lại thăm chị Trâm, vì mỗi lần đến, chị thường gọi lại gần, chị đưa mười đầu ngón tay khô héo sờ vào mặt. Tôi cảm thấy lành lạnh, rờn rợn như mười ngón tay của định mệnh đang kiểm soát mạng sống của mình.
Tạ Tỵ
(Khởi Hành số Xuân Tân Hợi 1971)