có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 2 08, 2023

Xa lộ Dempster, đường tới Bắc Cực nguy hiểm nhất Canada


Getty Images

Chiếc phi cơ Cessna nhỏ bé của chúng tôi rung lên trên lãnh nguyên - cảnh quan màu xanh lá sống động với những vệt xanh đậm của dòng nước từ băng tan, điểm xuyết với vô số hồ nước từ băng tan. Có những chỗ mặt đất trồi lên thành những ngọn đồi xanh mướt.

"Đây rồi," tiếng phi công phát ra qua tai nghe của tôi. "Những đồi băng vĩnh cửu," ông giải thích khi thấy tôi nhíu mày.

Một con đường ngoằn ngoèo giữa những ngọn đồi tròn, kỳ lạ nhô ra như dải ruy-băng tối. Vài ngày trước, tôi đã lái xe trên Xa lộ Dempster thẳng đến Bắc Băng Dương và muốn nhìn nó từ trên cao trước khi có chuyến đi dài quay lại thành phố Dawson, tỉnh Yukon.


'Sẵn sàng chuẩn bị tinh thần gặp tai nạn'

Dempster được coi là một trong những cung đường khó đi nhất của Canada. 'Xa lộ' là cách nói khá hào nhoáng để chỉ con đường sỏi đơn độc tách ra khỏi Xa lộ Klondike - nối giữa thủ phủ của Yukon là Whitehorse và khu định cư Klondike Gold Rush của Thành phố Dawson - xuyên qua 764 cây số rừng vân sam rậm rạp, lãnh nguyên và những ngọn đồi phủ tuyết trước khi đến Inuvik, thị trấn xa nhất về phía bắc ở Bắc Cực thuộc Lãnh thổ Tây Bắc.

Ý tưởng Xa lộ Dempster được hình thành vào cuối thập niên 1950, để mở rộng đường cho hoạt động khai thác dầu khí ở vùng Đồng bằng MacKenzie và đi theo tuyến đường tuần tra xe chó kéo vốn có hàng chục năm. Giờ đây, một đoạn cao tốc mới kết nối với Dempster, kéo dài thêm 147 km nữa tính từ Inuvik, đi thẳng đến khu định cư Tuktoyaktuk nhỏ trên bờ Bắc Băng Dương.

Xa lộ Dempster dài, đơn độc này là một trong những tuyến đường bộ cuối cùng của Canada; hành trình phiêu lưu hào hứng trên xe bốn bánh băng qua khung cảnh nguyên sơ phía bắc.

Nó cũng là đoạn đường rất khó đi trên vùng đất khắc nghiệt (bạn sẽ nhận được chứng nhận hoàn thành từ văn phòng du lịch Inuvik nếu bạn lái xe hết chiều dài của nó) vì con đường không trải nhựa, không có tín hiệu điện thoại và chỉ có một trạm xăng khoảng nửa đường.

Bất cứ ai lái xe trên con đường này cần phải chuẩn bị tinh thần đối phó với tai nạn, như chính tôi đã trải qua.

Xa lộ Dempster dài 764km chạy ngoằn ngoèo qua các dãy núi và phải băng qua nhiều con sông. 
Getty Images

Nhóm nhỏ của chúng tôi - gồm có tôi, phi công, một vài khách nữa - khi đó đang quay trở lại Inuvik sau chuyến đi trong ngày đến Tuk (Tuktoyaktuk theo cách gọi của dân địa phương), do hãng Tundra North Tours điều hành.

Cho đến năm 2018, làng Inuvialiut chỉ có thể đến được bằng máy bay bụi rậm (tức là bay các chuyến không theo lịch trình hoặc theo lịch trình tới những vùng xa xôi hẻo lánh, hoặc những nơi hệ thống giao thông gần như chưa có), tàu thuyền hoặc đường trên băng vào mùa đông, và cư dân của Tuk vẫn chủ yếu sinh sống dựa vào đất đai: câu cá, săn bắn và bẫy, cất giữ con mồi đánh bắt được trong tủ đông cộng đồng dưới lòng đất.

Một số người, như hướng dẫn viên địa phương Eileen Jacobson, người đã chào đón chúng tôi vào nhà để thử áo khoác trùm lông thú của cô ấy và thưởng thức pipsi (cá hồi Bắc Cực khô) - lương thực chủ đạo của người Inuit - vừa hy vọng vừa lo sợ về tác động lâu dài của con đường mới đối với cuộc sống của họ.

"Có lẽ nó sẽ đem đến thêm nhiều du khách," cô nói. "Và có lẽ giá xăng, giá hàng hóa sẽ giảm."

Nhưng cũng có dòng chảy ngầm lo ngại. Dân địa phương ở đây ai cũng nhận thức được việc các cộng đồng thổ dân người Inuit và Những Bộ tộc Đầu tiên (First Nations) khác, dễ tiếp cận hơn ở Canada đã bị tàn phá bởi tai họa kép là ma túy và rượu như thế nào.

Ngoài ra, mặc dù người Inuit ở Canada được chính phủ hỗ trợ lối sống truyền thống, các kỹ năng lâu đời vẫn đang chết dần mòn, do sự phụ thuộc vào công nghệ hiện đại đang thay thế kỹ năng điều hướng và săn bắn lâu nay.


Sự thất thường của thiên nhiên

Tôi ngẫm nghĩ về tất cả những điều này một vài ngày sau đó khi tôi rời Inuvik và nhà thờ lều tuyết ở đó, những dãy nhà màu tùng lam và nhà hàng Alestine, nơi tôi đến mỗi ngày để ăn tuần lộc nấu ớt và taco cá nấu trong xe buýt trường học cũ dán đầy sticker táo tợn, suồng sã.

Lúc đầu, mọi chuyện đều tốt đẹp. Tôi lái chiếc SUV đi trên đoạn đường gập ghềnh của Xa lộ Dempster, với rừng vân sam lùn kẹp hai bên, và đến được bờ sông MacKenzie hùng vĩ chỉ trong hơn hai giờ.

Chiếc phà chờ đợi nhanh chóng đưa tôi qua sông, băng qua khu định cư Gwich'in ở Tsiigehtchi nằm cách bến phà bên kia nhánh sông mà chỉ cần chớp mắt là sẽ hết thấy.

Getty Images

Một lát sau, tôi bị xua khỏi bến phà sông Peel, phía nam khu định cư Gwich'in lớn hơn một chút ở Fort McPherson - thị trấn cuối cùng tôi thấy trước khi tới Dawson City, nằm cách khoảng 580 km về phía nam. Tôi được nói rằng băng tan mùa hè làm nước sông dâng lên và phà không thể cập bến. "Khi nào phà chạy lại?" Tôi hỏi. Người đàn ông nhún vai. "Có thể ngày mai, có thể không."

Giống như dân địa phương, tôi thấy mình phụ thuộc vào sự thất thường của thiên nhiên. Tuy nhiên, không như dân bản địa, đó không phải là vấn đề sống còn đối với tôi. Bạn hãy tưởng tượng có người cần cấp cứu ở Fort McPherson trong thời gian đóng băng (tháng 11 đến tháng 12) hoặc tan băng (tháng 3 đến tháng 4) của hai con sông, khi phà không chạy, mà con đường trên băng cũng đóng nốt.

Tôi qua đêm tại Peel River Inn, nhà trọ duy nhất ở khu định cư, trở lại bến phà vào ngày hôm sau.

Vào lúc đó, tôi chạy đua với thời gian. Sau khi đã dùng hết một trong hai ngày dự bị 'khi cần', không có chỗ cho sai lầm nếu tôi muốn bắt kịp chuyến bay ra khỏi Whitehorse. Lần này, tôi đã gặp may. Nước băng tan mùa hè đã rút đủ để phà cập bến, và tôi cẩn thận lái chiếc SUV lên phà.

Rừng thường xanh rậm rạp ôm lấy hai bên con đường và sỏi rơi lả tả dưới bánh xe tôi khi tôi chạy thúc về phía nam. Sự đơn điệu của khung cảnh mang tính thiền định; trong vòng vài giờ, tôi bỏ lại những ngọn đồi hiểm trở, vùng lãnh nguyên lốm đốm tuyết và những con sông băng phía sau và thế giới ngoài xe thu lại chỉ còn rừng vân sam xanh nhạt nhòa.


Đối mặt thảm họa

"Tôi có thể bắt kịp chuyến bay miễn là xe không bị hỏng một lần nữa," tôi tự nghĩ. Nhưng bên cạnh sự bực bội khi phải sắp xếp lại chuyến đi, có một lý do mạnh mẽ hơn khiến tôi không muốn bị mắc kẹt ở nơi này.

Không phải đói hay khát làm tôi lo, và bây giờ tôi thậm chí còn tương đối điềm tĩnh về khả năng chạm trán gấu xám Bắc Mỹ. Nhưng tôi sợ cháy rừng, vốn ngày càng phổ biến ở Bắc Cực của Canada vào mùa hè, do bão sét gây ra. Đã từng phải lái xe trong khói một đám cháy rừng ở những chỗ khác trong Lãnh thổ Tây Bắc, tôi phát hiện rằng mùi cháy gây ra nỗi sợ hãi sơ khai từ trong gan ruột.

Vùng hoang vắng nay là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có gấu xám Bắc Mỹ. Getty Images

May mắn thay, dọc trên đường Dempster ngày hôm đó, thời tiết chiều lòng người và khu rừng xung quanh vẫn ẩm khiến yên lòng và sương mù bao phủ.

Trời bắt đầu mưa. Sự nhẹ nhõm nhường chỗ cho sự lo lắng khi những giọt mưa lộp độp trên kính chắn gió trở thành trận lụt. Chẳng mấy chốc, chiếc xe trượt sang một bên khi sỏi và đất biến thành bùn, và tôi phát hiện lái một chiếc SUV có rất ít lợi thế khi bạn cố gắng giữ cho xe thẳng, ổn định và tránh xa các chỗ dốc hai bên đường. Trượt qua một bên sẽ là thảm họa.

Vì vậy, khi nhà nghỉ Eagle Plains - điểm giữa trên đường - xuất hiện trong tầm mắt, tôi thấy nhẹ người đến nỗi tôi bắt đầu run rẩy.

"Chuyện đó đã từng xảy ra một vài lần," cô nhân viên phục vụ tại nhà hàng ở nhà nghỉ xác nhận, liếc nhìn phòng ăn hầu như trống trơn, khi tôi kể lại những gì đã xảy ra. Cô ấy rất vui chém gió khi tôi gọi món trên thực đơn gồm sandwich và thịt lát.

"Tài xế chạy quá nhanh trên bùn và trượt sang một bên. Nó giống như lái trên băng." Tôi gật đầu. "Thậm chí họ không thể gọi cho chúng tôi," cô nói tiếp. "Không có tín hiệu điện thoại trên phần lớn đoạn đường, và hầu như không ai có điện thoại vệ tinh. Phải bắt chiếc xe kế tiếp mà họ thấy để trở lại đây và chờ một vài ngày trước khi xe họ được kéo khỏi rãnh."

Tôi nói với cô ấy gần như tôi rơi vào bẫy của Xa lộ Dempster trong ngày đầu tiên, khi lúc đầu tôi lái xe đến Inuvik. Sau khi lái khoảng 360km - nửa đoạn đường - mà không có sự cố, tôi đã bị ru ngủ vào cảm giác an toàn sai lầm.

"Tôi tự hỏi tại sao sách hướng dẫn khăng khăng là phải chuẩn bị không chỉ một mà hai lốp dự phòng," tôi nghĩ vẩn vơ. Chẳng mấy chốc, chiếc xe bắt đầu bíp bíp, kéo tôi ra khỏi cơn mơ màng. Trên bảng điện tử, tôi thấy áp suất của một lốp sau giảm đáng báo động. Một vết thủng.

Xẹp bánh xe giờ đây ít xảy ra hơn trước đây, lúc Dempster còn được trải loại đá xé lốp chứ không phải sỏi vốn hiền hơn, nhưng đó là lời nhắc kịp thời rằng rủi ro vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi có đem theo bộ kích nâng xe và cờ lê để có thể thay lốp, về lý thuyết.

Nhưng cuối cùng, tôi xoay sở để vượt qua vài km cuối cùng để đến Eagle Plains trên chiếc lốp gần như xẹp hẳn, đi thẳng đến chỗ thợ máy ở thị trấn, người vá vỏ xe cho tôi, giúp tôi đến được Inuvik trong cùng ngày.

Dempster được coi là một trong những con đường khó đi nhất ở Canada. Getty Images

Bây giờ, trên đường trở lại Dawson, nửa sau của hành trình trở lại Xa lộ Klondike thuận buồm xuôi gió hơn, với khu rừng mở ra, mặt trời chiếu sáng, đường thẳng tắp.

Nhưng sau đó, mọi việc lên đỉnh điểm, ngay khi tôi qua giao lộ Dempster-Klondike, tôi đã bị cú sốc xăng. Tôi nhìn mà không tin khi thùng xăng cạn trong vài giây, và xe dừng lại khi chết máy - một lời nhắc nữa về những trở ngại có thể gặp trên đường Dempster.

Không có tín hiệu điện thoại, và khi tôi đứng trên Xa lộ Klondike cách thành phố Dawson khoảng 40km về phía đông, xe bỏ lại, có thể nhân viên cứu hộ sẽ không đi qua trong hàng giờ.

Tuy nhiên, chỉ vài phút sau khi xe tôi hư, một người tốt bụng đã cho tôi lên xe. Khi anh ấy đưa tôi đến nhà nghỉ của tôi ở Dawson, tôi nhận ra đây là một phần sự quyến rũ của Dempster: bất cứ khi nào tôi sắp gặp họa, vận may sẽ mỉm cười với tôi.

Có lẽ là con đường khó đi nhất Canada rốt cuộc cũng không đến nỗi quá 'khó nhằn'.


Anna Kaminski