Enriquet Simonet, Những sân thượng ở Tangier (1914), Wikimedia, public domain
Những năm đầu mới đến Na Uy, tôi thích cái xứ lạnh, cực kỳ lạnh này vì tôi đã sống từ nhỏ đến 20 tuổi ở Việt Nam với cái nóng, lại còn phải sống với cái nghèo khổ, sự áp bức của chính quyền Cộng sản, những bức bối gây ra bởi những người chòm xóm gian ác, rình rập, tất cả làm cho cái nóng thành nóng hơn, nóng nung người, nóng ghê hồn, nóng điên lên được. Nhưng bây giờ, qua mấy mươi năm ở Na Uy tôi bắt đầu ngán lạnh, rồi sợ lạnh vì cả mùa hè mà cũng lạnh, cho nên người ta gọi mùa hè Na Uy là grønn vinter: mùa đông xanh, đến nỗi bây giờ tôi ghét lây qua tất cả xứ lạnh gắt đến xứ lạnh vừa. Tôi thích những xứ nóng, dĩ nhiên xứ nóng ấy không phải là Việt Nam, quê hương tôi, mà những xứ nhiều mặt trời, ở đấy tôi là một người vô danh, một hữu thể số không nhưng có tiền để hưởng cái thú được là hư không, cái hư không loại này Đất Nước Na Uy đã ban cho tôi, và hư không càng trở nên hư không khi những người đàn bà mà những áng văn, những vần thơ, những dòng nhạc cổ kim tô điểm thành những nữ thần diễm lệ, đã từng làm cho tôi chìm ngập, mê mẩn, bây giờ những nữ nhân ấy đã biến mất, đã bốc hơi. Vô ảnh vô thanh. Tôi lâng lâng cùng những ngày du lịch tới, tôi phiêu diêu với những ngày mai cô quạnh. Tôi sinh ra là để ở một mình. Tôi đã biết thế từ những ngày mười tám đôi mươi, vậy mà vẫn lem nhem sự đời chi cho mệt, mệt thiệt mệt. Và từ nay khi thức dậy tôi chỉ thấy tôi, tôi với trời đất vô lượng.
Đấy là những ý nghĩ khi tôi ngồi trên máy bay trên đường tới Tangier, nước Ma rốc, nơi mà tôi được biết đến, và mê luôn qua các truyện của nhà văn Paul Bowles và đặc biệt qua cuốn phim The Sheltering Sky : Bầu trời Che chở, dựa trên tác phẩm cùng tên của chính Paul Bowles, phim màn ảnh rộng, với Bernado Bertolucci, một đạo diễn Ý nổi tiếng thích những chiều kích lớn, đã đưa vào phim những thinh không xanh mênh mông, những mặt trời trắng lẫm liệt, mà tôi đã xem ở một rạp chiếu phim lớn ở Oslo vào một ngày lạnh buốt, mùa đông mới đây, tất cả làm cho tôi quyết định đi nghỉ ở một nước nào đó tiếp cận sa mạc Sahara (2), một mình, vào dịp Tết Ta, giữa tháng Hai, tiết đại hàn, năm 2021. Và tôi chọn Tây Sahara.
Tôi muốn đến Tây Sahara, đã từng thuộc Tây Ban Nha, một chuyến vì tôi muốn cảm nghiệm những gì mà nữ sĩ Tam Mao đã viết trong tập truyện Truyện kể về Sahara (1), đặc biệt trong một đoạn nơi truyện ngắn Lạc đà Khóc*:
“Mùa hạ, Sahara, bụi cát ngập trời, bụi vần vũ không ngừng, dường như không có ngày nào ngưng, năm tháng dính chặt với nhau bởi cái nóng nung người trong bầu tử khí nặng nề, những ngày lê thê, không cọ quậy gì được, làm cho người ta trở nên lười biếng, buông xuôi, mệt mỏi trước mọi vật, mọi sự, cảm thấy trống rỗng, vô vị, những ngày mồ hôi ướt đẫm cả lưng, lòng tôi hoàn toàn trống không, thế mà lòng cứ sôi sùng sục. Đa số người Tây Ban Nha ở bên thị trấn bỏ sa mạc, về cố hương trốn nóng. Thị trấn nhỏ hoang vắng giống như một tử thành.”
Và ngoài ra cũng còn vì những trang sách, trang blogg viết về sa mạc mà tôi đã đọc đã làm cho tôi háo hức không kém:
“Sa mạc Sahara quá lớn, và chân trời nơi ấy thì quá xa, làm cho người ta cảm thấy mình thật nhỏ bé, làm cho con người phải tự dưng im lặng.
Sa mạc là một nơi tuyệt vời để nhận ra mình là ai, và cái-mình ấy dễ dàng chìm nghỉm giữa điệp trùng cồn cát lượn tới chân trời. Ở đấy mọi dối trá, nhớ lại, nghĩ thật buồn cười, mọi vẽ vời cao ca hay ti tiện đều bay đi, đều bốc hơi hết; chỉ còn lòng son sắt của mình – và sự hiện diện của Đấng Cao Cả, chẳng có nơi nào thấy rõ mình bằng trong sa mạc, chẳng có nơi nào sự hiện diện của Ngài gần gũi với ta hơn trong Sahara.
Sa mạc là một cõi linh thiêng vì đó là một nơi lâu nay bị con người bỏ quên, chính nơi này làm cho người ta nhớ tới những gì là linh thánh, và người ta nhận ra rằng con người cũng được mời gọi dấn thân vào con đường nên thánh, vì sa mạc có khả năng bóc sạch những lớp vỏ vong thân – mà tội lỗi là một, mà người ta đã tự mình, hay đành phải mang vào mình như những bộ áo giáp để chống chỏi với cuộc đời gian, ác.
Trong khi lần bước qua không gian bao la và lặng câm này, ngoại trừ tiếng gió và tiếng bước chân, người ta cảm thấy mình được thực sự cởi trói, được thong dong trong giờ giấc sa mạc.
Người ta trở thành cái bình không cho nước mới, cho rượu mới, là tấm bảng mới tinh khôi cho những ngày chưa tới, là bầu trời của không khí trong sạch, là bầu nhiệt huyết mới nóng cả ngày lẫn đêm; đêm mở ra phơi phới chứ không phải như đêm phủ chụp, đè nặng nơi những xứ sở lạnh lẽo.”
Nhưng tôi muốn ghé xuống Tangier trước để xem nơi nhà văn mà tôi yêu mến, Paul Bowles, ở ngày xưa và viết những tác phẩm có bối cảnh về sa mạc, và sau đó tôi làm một chuyến du lịch vào chính sa mạc Tây Sahara mà tôi đã đặt mua sẵn.
Tôi ra khỏi phi trường Ib Batouta của Tangier, vào một ngày cận Tết, tháng Hai, thì thấy khí hậu ở Tangier khác hẳn những gì tôi đã biết đại khái về khí hậu vùng Phi Châu-Sahara: nóng, đại khái nơi nào cũng nóng. (Biết đại khái là cái tật của tôi.) Tôi thấy ngay một mặt trời sáng, sáng rõ ràng, sáng rỡ ràng, và làn không khí ấm áp dễ chịu, nồng nàn say say như làn da của người tình nồng ngày xưa tưởng đã mất, ập lại, bao phủ lấy tôi, và đưa tôi lên cao, lên cao… Tôi ngạc nhiên quá sức với cái khí hậu dễ chịu này, cho nên, khi đã ngồi yên trên xe bus về khách sạn, tôi bấm điện thoại thông minh, mục Tangier – Climate Data: dữ kiện khí hậu (điều này đáng lẽ tôi phải làm ngay, ở Na Uy, trước khi hoạch định chương trình đến thành phố này), thì thấy:
“Tangier có khí hậu Địa Trung Hải, khí hậu dễ chịu, và mưa nhẹ vào mùa đông, vì Tangier nằm phía Bắc Ma rốc, trên bờ eo biển Gibraltar, trông ra Đại Tây Dương. Khí hậu trung bình của tháng lạnh nhất (Tháng Một) là 12.4 °C, và khí hậu trung bình của tháng nóng nhất (Tháng Tám) là 24.8 °C.
Tôi đến Tangier vào những ngày cận Tết Ta, Tháng Hai Tây lịch, theo Climate Data, nóng nhất là 18 °C, nhưng hôm đó và trong suốt hai tuần sau nhiệt độ 20 – 25°C, nhiệt độ nghỉ hè lý tưởng. Có lẽ do sự hâm nóng trái đất, theo như nhận định của nhà khí tượng sở tại, trong trang nhà, Maghress.com, phiên bản tiếng Pháp mà tôi đọc được ở Tangier.
Tôi có cái cảm giác lâng lâng của người vừa mới thoát hoả ngục lạnh vào thiên đường ấm áp. Cái cảm giác lâng lâng ấy đưa tôi vào giấc ngủ dài trong căn phòng trắng, sạch sẽ, gọn gàng của khách sạn. Khi bình minh tới, có cơn gió mát từ biển len qua tấm màn lụa musseline trắng, mơn man thân thể tôi, nhẹ nhàng thức tôi dậy. Tôi uỗn mình nằm thêm một lát rồi vùng dậy, tắm mát vòi sen, và mặc quần áo nhẹ đi xuống phố dọc biển, tìm một tiệm nào đó để ăn sáng, ngược hướng với con phố mà ngày đầu tiên xe bus chở tôi đến khách sạn. Đi được một lúc, tôi bỗng thấy một tiệm có bảng hiệu chữ màu hoàng kim trên nền lá trúc xanh: Prince d’Annam. Prince d’Annam là danh xưng và là tước vị chính quyền thuộc địa Pháp đặt cho vua Hàm Nghi khi Ngài bị lưu đày qua Algérie, và quan toàn quyền người Pháp ở Algérie, Louis Tirman, bố trí cho Ngài ở trong biệt thự sang trọng Villa des Pins, ở ngoại ô El Bekir, thủ đô Alger. Nhưng đây là Tangier, Ma rốc. Tôi không ngạc nhiên gì lắm khi thấy ở đây có một quán mang một cái tên có liên quan đến Việt Nam vì khi đi du lịch ở Kusadasi, Thổ Nhĩ Kỳ, tôi đã thấy một quán ăn có bảng hiệu ghi là Gió, Gió với dấu sắc hẳn hoi nhưng tôi không vào ăn vì tôi có thói quen chỉ ăn món ăn của nước mình du lịch tới cho biết, và vì phải ăn món ăn Việt Nam quanh năm ở nhà rồi, tuy nhiên lần này tôi phải vào bởi hồi còn nhỏ khi học sử ký tôi kính phục vua Hàm Nghi vì Ngài tuy còn nhỏ tuổi mà đã dám vào rừng chống thực dân Pháp, và tôi ghét tên phản bội Trương Quang Ngọc thậm tệ; tôi vào để tìm hiểu hơn là để ăn. Khi bước vào tôi thấy một cội mai vàng cao cả hai mét trong chiếc chậu sứ xanh hoa văn rồng lộn, hoa tươi rói, bông đã nở vàng rỡ ràng quá nửa, còn lại là những búp bóng mướt, căng sức sống. Lại còn nhạc Ly rượu mừng, lại còn câu liễn Chúc Mừng Xuân Tân Sửu 2021, kèm theo bên dưới là hàng chữ Pháp Bonne Année du bœuf. Có cả hai câu đối mà không đối, giấy đỏ như màu máu chưa yên và mực xạ đen ngời sức sống cùng nét chữ thênh thang tựa những bước chân xốc tới, dán trên hai cái cột trắc bá nâu sẫm, lớn.
Hiệt thủ trường xuân vạn lý phong,
Lấy vạt áo đùm gió xuân của muôn dặm núi sông,
Bằng cao huy sái dục hồi không.
Muốn cưỡi gió trở lại trời cao tưới nước xuống trần gian
Cô gái đang hầu bàn có khuôn mặt Việt tươi tắn mà dịu hiền, vóc người cao ráo, mạnh khỏe, không mềm mại lắm theo sự đòi hỏi của chiếc áo dài trắng, và chiếc quần trắng cô đang mặc, mà các nhà thiết kế áo dài qua bao đời đã vẽ gió vào cho các nường xứ Việt bay lên. Tôi thấy có mấy người Tây và cả người bản xứ đang ăn sáng, họ vui vẻ nói chuyện với cô hầu bàn. Khi thấy tôi vào, cô có vẻ ngạc nhiên và cúi đầu nhẹ chào tôi. Tôi kéo ghế, gọi một người hầu bàn khác một ly cà phê và ngồi ngắm cây hoa mai, ngắm cô gái xuân kia nơi xứ lạ Tangier. Tôi nghe cô và khách nói tiếng Pháp với nhau và tôi hiểu là họ đang nói với nhau về Tết, về Năm Con Trâu; cô giải thích về can, chi trong âm lịch, về màu vàng, về hoa mai, về món bánh dầy, bánh chưng một vài người khách đang ăn và giải thích cả ý nghĩa của câu đối. Tôi nghi khách là những nhà văn, những trí thức Âu Mỹ vì Tangier là nơi ở ước mơ của những người như thế, nên họ mới quan tâm tìm hiểu những chuyện như vậy. Tôi thấy họ háo hức vui sống trong bầu không khí xứ lạ trong một ngày cũng rất lạ đối với họ. Tôi cũng vui theo. Tôi ngạc nhiên về kiến thức của cô gái, tôi ngưỡng mộ cái vẻ lịch lãm, tự tin của cô. Rồi cũng đến lúc cô đến bàn tôi mỉm cười và chào bằng tiếng Việt:
“Cung chúc tân xuân! Anh chắc chắn là người Việt, mà anh ở đâu đến đây?”
Tôi ngạc nhiên sung sướng.
“Chúc mừng năm mới cô! Hiện nay tôi ở Na Uy. Cô có phải là chủ quán?”
“Vâng, đúng vậy.”
“Xin chào cô.”
“Em chào anh.”
“Xin cho tôi tò mò một chút...”
”Vâng...”
“Sao cô biết tôi là người Việt, chớ không phải là người Tàu, người Nhật, người Đại Hàn?”
“Người của những nước này đến đây cũng nhiều, nhưng em không thể biết họ là người của nước nào trong những nước đó, tuy nhiên người Việt thì em nhận ra ngay. Có một cái gì đó rất đặc biệt, thưa anh.”
“Vâng, tôi cũng thấy vậy.”
Rồi tôi chỉ vào hai câu đối và vừa mỉm cười vừa nói:
“Cao Bá Quát mà có đến đây chắc không dám viết như thế đâu?”
Cô mỉm cười và đôi mắt đen ánh màu suy nghĩ:
“Tại sao vậy, thưa anh?”
“Vì tôi nghĩ ở Ma rốc gió sa mạc ngàn dặm thổi dữ dội hơn gió Đại Nam nhiều, thì làm sao mà lấy vạt áo đùm lại cho nổi, và rồi sa mạc làm gì có nước nhiều để thi sĩ cưỡi gió lên trời cao mà tưới mưa xuống trần gian?”
Cô cười bùng vỡ, quên cả những người khách đang nhìn mình. Tôi cũng cười theo.
Rồi cô ngưng tiếng cười nhưng nỗi vui mừng chưa ngưng, cô nói:
“Anh thấy đó, em đang bận, anh cho em địa chỉ khách sạn anh ở, em sẽ thu xếp giờ đến đó, chúng ta cùng uống trà nói chuyện Tết. Lâu quá gặp được người Việt em rất quý. Và anh xem ra là người rất nhiều chuyện.”
Chúng tôi lại cười như hai cố tri.
Tôi ngồi đợi cô nơi vòm ban công trông ra biển, lúc này đang chỉ có mình tôi, và vừa hưởng gió biển vừa uống trà và nghe Đức Huy hát nhạc Đức Huy, loại nhạc tôi vẫn thích nghe khi du lịch vùng biển ấm. Tôi đang nghe nho nhỏ bài Và Tôi Cũng Yêu Em, bài có những câu:
Tôi yêu xem một cuốn truyện hay
Tiếng chim hót ngày và yêu vắng
Tôi yêu ly cà phê buổi sáng
Con đường ngập lá vàng
Tôi yêu hương vị Tết ngày xưa
Mái tranh dưới hàng dừa và yêu trẻ thơ
Bữa cơm canh cà và điếu thuốc
Giấc ngủ không mộng mị, và tôi cũng yêu em
Tôi yêu đi bộ dưới hàng cây
Đố vui với bạn bè và ly rượu ngon
Tôi yêu trong nhà nhiều cây lá
Và yêu những người già
Tôi yêu những gì đến tự nhiên
Những câu nói thành thật và yêu ngày nắng
Tôi yêu mặc jeans và áo trắng
Yêu trăng sáng ngày rằm, và tôi cũng yêu em
“Bài hát thật hay và thật hợp tình, hợp cảnh, thưa anh.” Có tiếng nói sau lưng tôi.
Tôi giật mình quay lại và thấy cô nàng chủ quán jeans và áo trắng, thật hợp với vóc dáng của cô, tóc thề đen, dài vén một bên vai, nghiêng nghiêng nhìn tôi mỉm cười. Tôi mở thêm âm lượng và để cho Đức Huy nói thay tôi tiếng lòng tôi:
Và tôi cũng yêu em
Và tôi cũng yêu em
Và tôi cũng yêu em
Yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn
Yêu em chứa chan
Rồi cả hai cùng cười vang như hai đứa trẻ đang chơi trò chơi gia đình.
Chúng tôi vừa uống trà vừa nghe Đức Huy thầm thì vừa nói chuyện, nói nhiều chuyện. Cô nói tiếng Việt rất rành. Và cô cho biết lúc đầu cô nói thứ tiếng Việt như tiếng Việt trong Truyện thầy Lazaro Phiền, của Nguyễn Trọng Quản, xuất bản 1887, ông tổ năm đời của cô, một thông dịch của vua Hàm Nghi, theo vua Hàm Nghi đi đày, cùng lứa tuổi với Nguyễn Trọng Quản, đã cùng tổ tiên ông bà của những thế hệ sau không ngừng cố gắng truyền dạy tiếng Việt cho đến đời cô, nên tiếng Việt quốc ngữ của cô khá trơn tru. Sau này cô học thêm được tiếng Việt qua Thuý Nga Paris By Night, và cô còn nói được cả giọng Bắc hay chẳng kém Kỳ Duyên. Và cô thú thật cô biết nhiều về văn chương cổ Trung Hoa và Đại Nam nhờ ông nội và cha cô dạy, hơn là văn chương Việt Nam hiện đại. Và dĩ nhiên cô cũng biết tiếng Pháp, và cả tiếng Ả rập, cô tốt nghiệp ban văn chương hai ngôn ngữ này từ đại học Alger.
Chúng tôi nói chuyện với nhau. Chuyện đời tôi, toàn những chuyện không có gì đáng nói, hoặc không nên nói, nên tôi lắng nghe nhiều hơn nói, chỉ thỉnh thoảng bàn thêm, gia vị thêm những điều cô nói. Chúng tôi xem ra tương đắc. Cô sôi nổi nói về những cơn bão chính trị trong những quốc gia giữa sa mạc và tiếp cận sa mạc Sahara, trong đó có Algerie, Ma rốc và Tây Sahara. Cô cũng nói về sứ mệnh làm người mà con người tự tìm thấy trong chính mình. Một người có sứ mệnh to lớn sẽ hiểu được Đạo lý giúp đời. Kẻ có tinh thần đạo đức mạnh sẽ tự nguyện giúp người, trái lại kẻ mà tinh thần đạo đức yếu kém, họ chỉ biết cấu xé lẫn nhau hay để cho những cái thấp hèn đánh sập chính đời mình. Cô đã sống ở Algerie, rồi làm việc thiện nguyện nhiều năm ở Tây Sahara, và bây giờ kinh doanh một nhà hàng Việt ở Ma rốc, nhưng cô muốn làm một cái gì đó lớn hơn, vượt qua cái tôi nhàm chán, tầm thường hiện nay của cô.
“Kiểu như:
Đại trượng phu hành sự:
Luận phải-trái, bất luận lợi-hại;
Luận thuận-nghịch, bất luận thành-bại;
Luận vạn thế bất luận nhất sinh.”** Tôi nói chêm vào.
“Đúng vậy! Đúng vậy!” Nàng gật đầu nói, mà vẫn miên man trong thác tư tưởng của mình.
Cũng có bữa chúng tôi đọc thơ, bình thơ cổ chữ Nho. Cả hai cùng say sưa, tha hồ mà múc mà uống cho đã nư vì có vô số giếng thơ cổ trong núi rừng có tên Internet. Xem ra cô thích thơ Cao Bá Quát ngang tàng và Văn Thiên Trường uy dũng hơn là những nhà thơ diễm tình khác.
Coi bộ tôi đang sa vào vòng êm ái của tình bạn chân thành. Và bây giờ tôi mới dứt khoát quyết định được về cái ý tưởng đã manh nha ngay khi tôi xuống phi trường: “Không đi đâu khác nữa.” Nơi mà bạn đang hiện hữu, Chúa khoanh tròn một lộ trình cho bạn, một thi sĩ Ả rập nào đó đã nói như thế.
Nàng đến cách bữa, rồi về sau ngày nào cũng đến.
Rồi cũng đến lúc giữa chúng tôi có cái gì đó còn cao hơn tiếng nói. Chúng tôi thinh lặng ngồi bên nhau lúc thì nhấp rượu nhìn hoàng hôn đỏ máu lựu, lúc thì uống trà ngắm trăng, hương vương tay áo, và rượu, và trà chỉ là con thuyền đưa hai người vào nhật nguyệt lênh đênh. Tôi nghe ai đó hát bên thuyền tôi: “Trái tim ngươi như chiếc đàn ngàn dây, đàn chỉ rung lên khi ngươi gặp Tình Yêu.” Quả thật lòng tôi, trí tôi đang rung lên khúc nhạc vàng thiên thần Chúa, và nghe như khúc nhạc vàng kim ấy cũng đang nhuốm dần màu định mệnh. Không định mệnh sao được khi trái tim nàng và trái tim tôi, giờ chúng đã như người bạn cũ, rất cũ tìm được lại nhau. Xa nhau hết được rồi; nếu phải xa, sẽ nhớ thương nhau đứt ruột, chịu sao thấu.
Rồi cũng đến lúc chúng tôi nói lời Tình Yêu, nói bằng nước biển xanh như bích ngọc, ấm như hơi thở đầu đời, nồng nàn như rượu ủ trăm năm, tôi quên hết giữ gìn và sung sướng buột miệng:
“Chỉ có này lúc chúng ta mới gần nhau nhất.”
“Tạo sao?” Nàng hỏi.
“Tại vì nước như một phần thân thể chung nối chúng ta lại.” Tôi trả lời mà như ai đó trả lời.
Nàng đột ngột đưa đôi tay nàng cầm cả hai bàn tay tôi và siết mạnh. Tôi hỏi trong ngất ngây:
“Em có muốn là chúng ta sẽ mãi mãi tắm chung biển với nhau không?”
Nàng mỉm cười:
“Biển gì vậy, anh?”
“Biển đời.”
“Thì cả tuần nay, em gần anh như thế cũng như đã trong biển đời với anh. Nếu em là tín đồ Hồi giáo ở Saudi Arabia thì em đã bị ném đá từ khuya rồi.”
Rồi nàng ngưng nói và nhìn thẳng vào mắt tôi, nửa âu yếm, nửa đau đớn:
“Em chỉ có chừng này với anh thôi.”
Tôi hốt hoảng:
“Tại sao vậy, em?”
Nàng đứng thẳng lên từ mặt nước, nhìn thẳng vào mắt tôi một lúc và chậm rãi nói:
“Rồi anh sẽ hiểu. Mỗi người đều có một lịch sử của riêng mình.”
Rồi nàng ôm tôi, hôn tôi, nụ hôn thật dài, mà thật xót xa như lịch sử mà nàng vừa hé cho tôi, và thì thầm vào tai tôi:
柔情似水;
Nhu tình như thuỷ
Tình mềm như nước
佳期 如夢.
Giai kỳ như mộng
Hẹn đẹp như mơ. (3)
Sau ngày nàng nói câu ấy, và hôn nụ hôn ấy, ngày kế tiếp và những ngày sau ngày kế tiếp, nàng không đến với tôi nữa. Khi đó tôi mới hiểu ra rằng thơ có hay, rượu có nồng, mặt trời có huy hoàng, biển có mát rượi, ấm áp mức nào đi nữa, thiếu nàng, thì mọi thứ đều trở nên vô vị, vô duyên. Cả cái bầu khí hậu thiên đường chào đón tôi từ lúc xuống phi trường và còn ấp ủ tôi suốt gần hai tuần nay, bỗng như tấm lụa mát ai đó giựt đi cái rụp. Tôi buồn cười cho tôi lâu nay cứ khoái chí với Cô độc, 孤獨, Loneliness, Solitude, Solitud, Solitudine, Einsamkeit, Ensomhet… trong những bài thơ, những áng văn Đông-Tây, kim-cổ; chẳng qua tôi chỉ muốn tìm người đồng khổ vì tình để biện minh cho sự xui xẻo hoặc thậm chí thất bại trong đường tình của tôi mà thôi. Thời gian chữa lành những vết thương, nhưng Thời gian cũng là một xưởng máy mà trong đó ai ai cũng làm quần quật như nô lệ để kiếm cho đủ vốn Tình Yêu hầu bẻ gãy xiềng xích đau khổ của họ, xiềng xích cuộc đời. Tôi đã quần quật như nô lệ trong xưởng máy sách vở để cho có đủ chứng từ mà phủ nhận Tình Yêu, nhưng nào có được. Và Chúa Quan Phòng cũng là Chúa của những May-Rủi, của những Định Mệnh. Tôi đã gặp được Tình Yêu mà cũng như chưa hề gặp. Thiệt khổ thân tôi!
Sau đó, tôi có đến quán cầu may nhưng nàng không có đó nữa. Chậu mai vàng đã rụng cánh quá nửa. Hai câu đối cũng đã bị gỡ bỏ mất đâu rồi. Tôi hỏi một cô hầu bàn về nàng, cô trả lời là nàng đã nghỉ việc, và cô cũng không biết nàng đi đâu. Tôi đành trở về Na Uy, nhưng dầu sao hành trang tâm tư tôi đã có thêm Tình Yêu.
Ở Na Uy tôi vẫn theo dõi khí hậu của Ma rốc, đặc biệt của Tangier mà nhớ, mà thương nàng. Tôi không thể ghét đàn bà được nữa, tôi lại càng không thể ghét nàng khi nàng bỏ tôi mà đi và tôi như cây chết đứng giữa biển. Nàng ra đi hẳn phải có lý do riêng tư nào đó của nàng. Nhưng tôi tin nàng đã yêu tôi vì nàng đã cho tôi biết, dẫu là dưới dạng ẩn dụ. – Tôi nghĩ thế. Hay là nàng chơi cái trò yêu đương triết lý hiện sinh? – Đôi lúc tôi nghĩ quẩn.
Có bữa, lướt một trang mạng của Ma rốc, tôi thấy ngay trên hàng đầu có chạy hàng tít: Ma rốc thông báo đã phá huỷ một chi bộ khủng bố tại Tangier hợp tác với SADR (Sahrawi Arab Democratic Republic: Cộng hoà Dân Chủ Ả rập Sahwari). Nước này đã tự tuyên bố độc lập trên lãnh thổ Tây Sahara mà từ xưa tổ tiên của họ, như những bộ lạc du mục, đã ở, chứ không phải hiện diện như một quốc gia theo nghĩa hiện đại, trước 1975 thuộc Tây Ban Nha, nhưng nay SADR chỉ kiểm soát được 20%, còn Ma rốc chiếm cả 80%. Tôi chợt thấy một tấm hình chụp chụp một “nữ khủng bố” thuộc SADR đã bị bắn chết, tôi rùng mình kinh hãi: khuôn mặt ấy không ai khác hơn là ngọc nhan xưa của nàng, và hơn nữa người “nữ khủng bố” ấy có đeo một đôi bông tai, có gắn bích ngọc, không lầm đâu được, một tác phẩm mỹ thuật của vua Hàm Nghi ban cho bà nội năm đời của nàng, trước khi vua về Pháp sống vĩnh viễn – Nàng đã nói cho tôi biết như thế một hôm tôi để ý khen đôi bông tai thiệt đẹp ấy.
Sau khi đọc được tin này, tôi buồn khôn tả. Tôi rất nóng lòng nhưng cũng đủ bình tĩnh để cho tình hình lắng dịu, thậm chí rơi vào quên lãng, nghĩa là gần hai năm sau, cũng vào dịp Tết, tôi mới trở lại Tangier.
Cuối cùng tôi đã đến đó.
Việc đầu tiên là tôi đi lảng vảng trước quán Prince d’Annam thuở trước nay đã biến thành quán Roi/Vua Mohamed VI. Quán lèo tèo chỉ một vài người. Rồi tôi chọn một quán cà phê đối diện nhìn sang. Ngày nào tôi cũng ngồi ở đấy, đọc báo, và nhìn vào quán Roi Mohamed VI. Thế rồi một sáng có một người đàn bà trẻ đang đi trên lề đường và tiến lại phía tôi, rồi y như trong phim, ngồi vào bàn cạnh tôi và giả vờ chăm chú đọc báo, và không nhìn thẳng vào tôi, mà mặt giấu sau tờ báo, nói với tôi, là bà ta biết tôi là ai, và bà là bạn của cô chủ quán bên kia đường ngày xưa, và nói rằng trước khi cô ấy bỏ quán, có giao cho bà một lá thư và nhờ bà giao cho tôi vì cô ấy biết thế nào tôi cũng sẽ trở lại, và rằng lá thư kẹp trong tờ báo. Nói rồi, bà bỏ tờ báo lại và đứng dậy, tôi còn sửng sốt chưa kịp nói lời cảm ơn thì bà đã bỏ đi. Tôi bận tâm nhìn tờ báo chỉ vài giây, mà khi ngước mắt lên nhìn theo hướng bà đi thì không còn thấy bà đâu nữa.
Tôi lấy tờ báo có kẹp lá thư và đi đến bãi biển chúng tôi đã từng tắm với nhau, ngồi trên băng ghế, nhìn trước nhìn sau, rồi mới mở tờ báo và lấy ra phong thư; tờ thư chỉ là một bài thơ:
Là Một Tiếng Chuông Ngân
Giữa em và đời này
anh là xuân thu là tuế nguyệt
là bài thơ Nôm là chương Hán Việt
là sử đọng muôn trang
là lịch nghìn niên đại
Giữa em và đời này
anh là Rồng Tiên huyền thoại
là sự tích trầu cau
là lông ngỗng trắng phau
là tình sầu giếng Ngọc
Giữa em và đời này
anh là tiết tháo là sĩ khí
là Lý, Lê, Phạm, Trần
là văn miếu Chu An
là sao Khuê Nguyễn Trãi
Giữa em và đời này
anh là thành tín là lễ nghĩa,
là Tử viết là Thi vân
là mực còn sóng sánh
là nghiên đang trầm thơm
Giữa em và đời này
anh là nhân trước, là quả sau
là bào ảnh đầu sông
là lệ vỡ cuối dòng
là mây bồng dịch biến
Giữa em và đời này
anh là thiên sơn là vạn thủy
là gió Tống trăng Đường
là âm vọng Tầm Dương
là áo xanh Tư Mã
Giữa em và đời này
anh là liễu biên đình
là rượu quá quan
là hoa rơi ải bắc
là khói phủ Giang Nam
là hồng trần bất tuyệt
Giữa em và đời này
anh là ảo hoá là hiện tiền
là chớp mắt Nam Kha
là duyên một sát na
là giấc hồ Trang Tử
Giữa em và đời này
anh là thiều quang là băng tuyết
là phách hồn là mộng triệu
là lụa rủ trên tay
là hạc vàng đã bay
Giữa em và đời này
anh là trời tàn là đất tận
là vận mệnh là tử phần
là mưa thầm mộ chí
là một tiếng chuông ngân. (4)
Vĩnh biệt anh yêu,
رياح الصحراء
Tôi gõ Google Translate thì thấy hàng chữ tiếng Ả rập trên, mà tôi tin là bút hiệu của nàng, có nghĩa là Gió Sa Mạc.
Hôm sau tôi lại ngồi trên băng ghế tôi ngồi hôm qua mà đọc lại bài thơ. Tôi nghĩ tôi đâu có giỏi giang như thế, hay vì nàng đã quá yêu tôi nên nhìn gà hoá công như vậy, hay nàng quán chiếu nơi tôi tâm hồn, trí tuệ của chính nàng? Dẫu sao tôi cũng rất vui vì mình được một người như thế, yêu đến như thế. Một lúc sau, tôi thấy người đàn bà trẻ hôm qua đang tiến lại về phía tôi, đoạn bà ghé xuống ngồi cạnh bên tôi, chào hỏi ba câu bốn chuyện, rồi nói:
“Anh có biết tại sao tuy cô ta bị gán là ‘nữ khủng bố’ nhưng chính quyền Ma rốc vẫn cho đưa xác cô ấy về nhà? Cô ấy trước khi bỏ quán mà đi, cô muốn tôi khi cô đụng sự, lỡ cô phải bỏ mình, hãy thiêu xác cô và rắc xuống ngay khúc biển này. Tôi nghĩ là chắc có ẩn tình chi đây và tôi đã làm theo ý nguyện của cô ấy.
Tôi rùng mình nhưng cũng cố hỏi:
“Bà không sợ tội liên luỵ sao?”
“Thưa anh, tôi sợ thì có sợ, nhưng tôi vẫn cứ phải làm, tôi không thể không lo hậu sự cho cô ấy. Các tay cớm an ninh có hỏi tôi: tôi là gì của ả khủng bố này. Tôi nói tôi chỉ là người hầu bàn trong quán và cô ta, gia đình thân thích không còn ai, nên tôi đứng ra lo chôn cất cho cô ta. Tôi vừa cầu với Allah vừa hối lộ cho tay trưởng ty an ninh nội chính kha khá tiền lấy từ tiền cô ấy để lại cho tôi để dùng khi cần, và thực ra hắn cũng đã đến quán Prince d’Annam ăn uống nhiều lần và được chiêu đãi thân tình, tử tế, nên hắn cũng không làm khó khăn gì thêm.”
Tôi nghiêng đầu qua phía bà và nói:
“Cảm ơn bà. Hiếm người vừa tốt bụng vừa can đảm như bà.”
Bà ta nhìn tôi một thoáng rồi nói: “Tôi chỉ làm điều lương tâm đòi hỏi tôi làm.”
Và bà đứng dậy ra đi, mới mươi bước mà đã mất hút.
Tôi cũng vậy, tôi phải làm điều tình yêu đòi hỏi. Tôi tự làm phép hôn phối cho chúng tôi. Tôi lao xuống biển. Trong làn nước ấm áp, nồng nàn mà mát mẻ lạ thường tưởng như làn da kỳ diệu của nàng, tôi nếm lại một lần nữa tình mềm của nàng. Và tôi cũng hiểu ra cả “tình cứng” của nàng vì tôi chợt nhớ nàng đã từng nói với tôi: “Rồi anh sẽ hiểu. Mỗi người đều có một lịch sử của riêng mình.”
Nguyễn Văn Thà
Oslo, Tết Quý Mão, 2023
Chú thích:
1. 撒哈拉的故事/ Tát Cáp Lạp đích Cố Sự2. Sahara (صحراء), chữ này tự nó có nghĩa là desert: hoang mạc. Hoang mạc không nhất thiết là sa mạc (hoang mạc cát) vì còn có desert Antartica: hoang mạc Nam Cực, và desert The N⁶orthern Artic: hoang mạc Bắc Bắc-Cực, cả hai hoang mạc này toàn là băng; và cả hai đều lớn hơn hoang mạc Sahara có cát, tức sa mạc Sahara. Sa mạc Sahara, rộng 9.200.000 km vuông, diện tích chỉ đứng hàng thứ ba sau 2 hoang mạc kể trên.3. Trích từ Tôn Cầm An, Đỉnh cao của Thơ tình Trung Quốc, Nguyễn Ngọc Dung phỏng dịch, chưa phổ biến.4. Thơ Nguyễn Ngọc Dung.*Có thể xem Lạc đà Khóc tại đây:Phần 1Phần 2Phần 3**của Tạ Diệp Sơn, chép lại (chỉ dịch rõ chữ thị phi thành phải-trái cho dễ hiểu)