có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 1 12, 2023

Nhận Định Về Hai Bài Thơ Ghen Trên Thi Đàn Việt Nam



Nửa thế kỷ trước đây, “Thi đàn” Việt Nam đã xuất hiện một bài thơ “Ghen” của thi sĩ Nguyễn Bính đã từng làm say mê người đọc, thì ở cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này, cũng nẩy sinh một bài thơ “Ghen” của thi sĩ Chu Toàn Chung là cháu nội của Danh Sĩ Chu Mạnh Trinh, người nổi tiếng trong văn học nước nhà ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Trong bài này xin quý vị yêu thơ và thích thơ và nhất là những “tâm hồn đồng điệu” cùng thưởng thức 2 bài thơ “ghen”, một của thi sĩ Nguyễn Bính và một của thi sĩ Chu Toàn Chung.

BÀI THƠ GHEN CỦA THI SĨ NGUYỄN BÍNH:

Trong thất tình của con người (Hỷ Nộ, Ái Ố Lạc, Ai, Dục, Mừng, Giận, Yêu, Ghét, Vui, Buồn, Tham muốn) chúng ta không thấy người xưa đề cập đến ghen, có lẽ vì “Ghen” là một phạm trù tình cảm đặc biệt. Ghen tuy bắt nguồn từ “Yêu”- Có Yêu nên mới ghen, – nhưng ghen lại chi phối gần như trọn vẹn cả thất tình! Thực vậy, khi đã ghen, thì người ta dễ nổi cơn “thịnh nộ”, ghét cay ghét đắng kẻ tình địch! Và đồng thời lo sợ kẻ tình địch cướp mất người yêu của mình! Nếu thắng được tình địch thì vui mừng, (Hỷ lạc) nếu bị thua kẻ rình địch thì bi ai buồn khổ suốt đời, có khi đi đến tự tử! Nhưng động cơ chính yếu của ghen lại chính là “Tham dục” muốn chiếm hữu trọn vẹn người mình yêu!.

Bài thơ Ghen của thi sĩ Nguyễn Bính hầu như ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần đọc qua và đều cảm thấy thích thú và mỉm cười vì thấy thi sĩ sao mà ghen quá đỗi, quá thể.

Tác giả mở đầu bài thơ ghen bằng cách nói thẳng với người tình:

“Cô nhân tình bé của tôi ơi
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi và mắt chỉ
Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi”

Đã là người yêu của thi sĩ thì không được quyền “cười” với ai, và cũng không được “nhìn” ai và chỉ được quyền cười, được quyền nhìn ngắm thi sĩ mà thôi…Điều này cũng dễ hiểu, vì tâm lý những kẻ đang yêu đều không muốn người tình của mình cười nói thân mật với những người khác. Như vậy là em chưa yêu tôi sao? Em chưa trân trọng với tình yêu của chúng ta sao? Em đừng cười với ai nữa nhé! Nụ cười của em đáng ví hơn ngàn vàng, sao em lại có thể cười với “thế nhân” như thế được? tia nhìn của em mới trìu mến làm sao! Ai được em nhìn ngắm thì quả là một đặc ân mà ngoài anh ra, còn ai xứng đáng với cái nhìn đó của em?

Thi sĩ Nguyễn Bính nổi tiếng về những bài thơ bình dị, chất phác nói lên tâm hồn của những người “nhà quê”. Có người chê thơ Nguyễn Bính dễ dãi “như vè”, nhưng đây là một sai lầm lớn. Tuy thơ Nguyễn Bính không gọt giũa chau chuốt, bóng bẩy, nhưng tác giả có bút pháp và cách nhìn riêng đi thẳng vào tâm hồn người đọc, nên rất nhiều người đọc thơ Nguyễn Bính, say thơ Nguyễn Bính, thuộc nằm lòng thơ Nguyễn Bính. Nếu chỉ là “vè”thì làm sao cảm được lòng người sâu đến như thế?

Trong thơ Nguyễn Bính còn chứa cả một cái hồn của quê hương dân tộc, điển hình như bài thơ Chân Quê:

Hoa chanh nở ở vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

Hai nhà phê bình thơ khá nổi tiếng là Hoài Thanh và Hoài Chân trong cuốn Thi Nhân Việt Nam đã viết về Nguyễn Bính như sau: “Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta. Ta vẫn thấy trong vườn cau bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta và những tính tình đơn giản của dân quê là những tính tình đơn giản của ta. Giá Nguyễn Bính sinh ở thời trước, tôi chắc người đã làm những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm…”

Nhà văn Vũ Bằng thì cho rằng: “Nguyễn Bính là một thi sĩ suốt đời mắc bệnh tương tư như chính thi sĩ đã xác nhận:

“Nắng mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Theo nhà văn Vũ Bằng thì thi sĩ ăn ở 2 điểm:

"Anh đã nói lên tiếng nói chân thật của lòng với lời lẽ bình thường của dân gian không úy kỵ không kênh kiệu.

Anh đã nhắm đúng vào một cái bệnh chung của loài người là cái bệnh tương tư, người dân mất nước tương tư quê hương, người con gái lấy chồng tương tư dòng sông cũ, người đàn ông không được yêu thương tương tư người yêu lý tưởng, người bị tình phụ tương tư người đã phụ mình …Có thể nói tất cả văn thơ tiền chiến của Nguyễn Bính đều nhắm vào bệnh đó và anh nổi bật cũng vì bệnh đó. Sở dĩ như thế chính vì anh mắc cái bệnh đó thật, vì ai biết Nguyễn Bính đều không chối cãi được điều này: Bắt gặp ai anh cũng mê, mê người thương mình, mê luôn cả người không thương mình, mê người có thể yêu thương được, và mê luôn cả người không có quyền yêu thương! Yêu quá lố, mê quá xá, rút cuộc không làm gì được thì tương tư…”

Bản chất Nguyễn Bính là người nhà quê, song Nguyễn Bính cũng là người “trót dan díu với kinh thành” nên cái ghen của nguyễn Bính cũng rất thành thị:

Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai
Đừng hôn dù thấy bó hoa tươi
Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ
Đừng tắm chiều nay bể lắm người

Cái ghen của Nguyễn Bính là cái ghen của người thành thị, song cũng chính người thành thị khó mà chấp nhận được cái ghen quá lố của tác giả! Đã đành là thi nhân có quyền hư cấu hay cường điệu, nhưng ở đây tác giả đã đi quá xa, ghen gì mà ghen đến độ “cấm” người yêu không được ôm bó hoa tươi, không được “ôm gối chiếc” khi ngủ, nhất là không được tắm biển, khi đông người, thì cái ghen đó đã trở thành quá lố, phi lý hoàn toàn không thể chấp nhận được

Có người lại cho rằng cái ghen của Nguyễn Bính không thực, hay chỉ là cái ghen của thời phong kiến kiểu “chồng chúa vợ tôi”! Chứ thời đại vệ tinh chúng ta thì lối ghen kể trên đã trở thành lạc hậu! Nếu bài thơ này được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp thì người ngoại quốc sẽ chê người Việt Nam quá cổ hủ lỗi thời.

Đối với những người sống cùng thời với Nguyễn Bính, hay biết Nguyễn Bính quá rõ thì lại mỉm cười cho rằng: Nguyễn Bính một con người đa cảm một thi nhân theo triết thuyết “đam mê” thì chỉ có thơ tình của Nguyễn Bính là thực thôi, còn ngoài ra có cái gì thực nữa đâu!

Nguyễn Bính lại là người mắc bệnh tương tư chỉ vì chàng quá nghèo, lại quá đam mê nên không ai dám yêu chàng (Vì không ai yêu nên suốt đời mắc bệnh tương tư?) mà đã không có người yêu thì TÌNH YÊU của tác giả chỉ là “ái tình bản thảo” có thực bao giờ đâu! Người yêu đã không có thực hay không thực có thì “ghen” chẳng qua cũng chỉ là cái “ghen tưởng tượng” “ghen bản thảo” đó mà! Đối với ái tình bản thảo, đối với “cái ghen trong thơ” mà chúng ta cho là “phi lý” hay “không thực” nếu tác giả còn sống chắc tác giả cũng lấy làm lạ: “Thơ của mình chỉ là sản phẩm của tưởng tượng mà người đời lại cho là thật, để rồi tranh cãi nhau giữa chân và giả! Chẳng lẽ thơ mình hay đến thế sao?”

Theo đa số người vẫn cho rằng: “Đàn bà hay ghen hơn đàn ông” vì vậy mới có câu:

“Ớt nào mà ớt chẳng cay
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng”

Nhưng khi đọc thơ ghen của Nguyễn Bính mới thấy rằng: cái ghen của đàn ông mới là cái ghen tối đa:

Tôi muốn mùi hương của nước hoa
Mà cô thường xức chẳng bay xa
Chẳng làm ngây ngất người qua lại
Dẫu chỉ qua đường khách lại qua

Tôi muốn những đêm đông giá lạnh
Chiêm bao đừng lẩn khuất bên cô
Bằng không tôi muốn cô đừng gặp
Một trẻ trai nào trong giấc mơ”

Cái ghen của Nguyễn Bính không dừng lại ở chỗ đó mà còn tiến xa hơn nữa:

“Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ
Đừng làm ẩm áo khách chưa quen.
Chân cô in gót trên đường bụi
Chẳng đấu chân nào được dẵm lên!"

Ghen mà cả đến làn hơi của người yêu cũng giữ độc quyền! Ghen đến mức dấu chân người yêu trên đường bụi cũng không cho ai được dẵm lên thì cái ghen đó đã trở thành cực kỳ phi lý hay trở thành tuyệt đối rồi!

Chính tác giả cũng biết mình ghen như thế là “quá lố” “quá phi lý” quá sai! Nhưng thi sĩ không phải như người tỉnh cơn mơ, cơn say “Tỉnh cơn ghen” …Ở đây tác giả giải nghĩa cái ghen của mình và đi đến đúc kết lớn hơn:

Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi
Thế nghĩa là yêu quá mất
Và nghĩa là cô là tất cả
Cô là tất cả của riêng tôi!

Điểm lại bài thơ ghen của Nguyễn Bính từ đầu ta thấy tác giả đưa ra một loạt những mệnh lệnh nào tôi muốn…cô đừng…..

Từ chỗ không được cười, không được ngắm nhìn người khác…đến không được nghĩ đến ai, không được ôm hôn bó hoa tươi, không được ôm gối chiếc ngủ…không được tắm khi biển đông người, không được sức nước hoa… hay nếu có, thì nước hoa đó không làm ngây ngất người qua lại, dù họ chỉ là khách qua đường…cũng không được luôn! Ban đêm ngủ người yêu không được quyền mơ…, nếu mơ …thì cấm không được gặp một chàng trai trẻ nào trong…mộng! Thậm chí làn hơi cô thở nhẹ …cũng không được làm ẩm áo khách chưa quen….và dấu chân người tình đi trên đường…không ai được dẵm lên!

Sở dĩ có những đòi hỏi quá quắt, những mệnh lệnh tình yêu buộc cô nhân tình của thi sĩ khắt khe như vậy…chỉ vì QUÁ YÊU, QUÁ SI TÌNH. Nguyễn Bính quan niệm NGƯỜI YÊU LÀ TẤT CẢ Nhưng tất cả của riêng chàng thôi!

Nói tóm lại, cái ghen của Nguyễn Bính là “CÁI GHEN TUYỆT ĐỐI” VÀ CHIẾM HỮU HOÀN TOÀN NGƯỜI YÊU TRÊN CÁC MẶT TƯ TƯỞNG, TÌNH CẢM VÀ TRONG MỌI SINH HOẠT HÀNG NGÀY.

BÀI THƠ GHEN CÓ NHAN ĐỀ NHẮC NHỞ EM CỦA CHU TOÀN CHUNG:

Cũng một đề tài “GHEN” song thi sĩ Chu Toàn Chung có lối diễn tả khác:

Em giờ bên ấy có vui không
Nhớ giữ dùm anh cặp má hồng
Đừng để nắng hè vương mái tóc
Hay buồn vời vợi mắt mùa đông

Mở đầu bài thơ, tác giả đã thăm hỏi người yêu, thi sĩ tỏ ra rất “ga lăng” săn sóc người yêu. Nếu Nguyễn Bính gọi người yêu bằng “Cô nhân tình” thì trái lại Chu Toàn Chung thương yêu trìu mến gọi người yêu bằng em hay trang trọng hơn gọi là Người (chữ người viết Hoa).

Văn hào Victor Hugo quan niệm: “Yêu là tin một nửa” vì có ai yêu mà không băn khoăn thắc mắc, không phập phồng lo sợ mất người yêu? Khi đang yêu cho dù tự tin đến đâu những kẻ yêu nhau vẫn e ngại một người thứ ba, một tình địch nào đó đến tán tỉnh người mình yêu, nhất là xa mặt cách lòng…

Nếu Nguyễn Bính “ghen” bằng cách đưa ra những mệnh lệnh tình yêu thì Chu Toàn Chung chỉ khéo léo tế nhị đưa ra những lời nhắc nhở, cho dù là điều tối kỵ chăng nữa, thi sĩ cũng không bao giờ có lời nói, cử chỉ làm “phật ý” người yêu hay làm người yêu “tự ái”. Trái lại còn tôn vinh người yêu nữa.

“Cẩn thận nghe em cả nụ cười
Đề phòng kẻ lạ ngắm môi tươi
Và điều tối kỵ anh thường nhắc
Đừng để cho ai tán tụng người”

Từ những kiếp xa xôi nào, Thi sĩ và Giai nhân bao giờ cũng là kẻ “NÒI TÌNH ĐỒNG ĐIỆU” (Chữ dùng của Thi Sĩ Chu mạnh Trinh)

Giai nhân danh sĩ mấy người
Bốn phương tâm sự một trời cố đô
(Thơ Vũ Hoàng Chương)

Thi sĩ có người yêu tuyệt vời nhan sắc, khi nàng đi ra ngoài biết bao nhiêu người chiêm ngưỡng Nàng chẳng là “ưu vật” của thế gian sao? Nhà thơ thầm lo lắng là phải:

Những lúc em đi dạo một mình
Sơ sài trang điểm đủ vừa xinh
Vì em lộng lẫy anh thừa biết
Đá cũng thầm ghen chuyện chúng mình

Như tất cả mọi người yêu trên thế gian “có yêu nên mới ghen” có yêu nên sợ mất người yêu! Yêu là tham lam ích kỷ, yêu là phập phồng lo sợ,yêu là tham dự vào một cuộc hành trình không biết có nguy hiểm không nhưng đầy bất trắc! Nàng Kiều khi xưa yêu Kim Trọng cũng hết sức lo lắng:

“Bây giờ tỏ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?
(Kiều)

Theo quan điểm và thi pháp giữa Nguyễn Bính và chu Toàn Chung có khác biệt song cả hai thi sĩ có một điểm giống nhau là không muốn người mình yêu đêm nằm mơ thấy một “đối tượng” khác .

Em cũng đừng ra tựa gốc mai
Kẻo anh hàng xóm ngó sang hoài
Về đêm khi ngủ em đừng để
Giấc mộng thiên thần nhập bóng ai

Với Chu Toàn Chung yêu không phải là ích kỷ, mà còn là “DÂNG HIẾN VÀ TÔN VINH” người mình yêu. Đây là điểm rất đẹp và cũng rất nhân bản, rất người của Chu Toàn Chung .
Nhưng đâu phải chỉ một mình thi sĩ biết ngưỡng vọng người yêu, biết đâu một tình địch nào khác cũng đang tìm đến để tán tỉnh ngưỡng vọng người mình yêu thì sao? Nếu yêu đồng nghĩa với ân cần nhắc nhở…như sợ tình yêu chắp cánh bay cao…Tình càng say đắm, càng trở nên mong manh….Thi sĩ như sợ mất đi nhũng gì quý báu nhất đời:

“Này nữa Anh cần nhắc nhở thêm
Phòng Em thường trực nhớ buông rèm
Bởi Anh không muốn người qua lại
Dừng bước nghiêng mình ngưỡng vọng Em”

Nhắc nhở thì vẫn nhắc nhở, song thi sĩ Chu Toàn Chung vẫn tràn đầy tin tưởng là một ngày không xa người yêu sẽ cùng mình tái ngộ. Thi sĩ tự hỏi mình, không biết nhắc nhở như vậy có là một hình thức ghen hay không? Hình như mình cũng đang “Ghen”?

“Nhắc nhở em yêu thế đủ rồi
Chờ ngày Hoàng hậu trở về ngôi
Hình như anh cũng ghen rồi đấy
Ghen để em cười nở ngát môi.”

Điểm lại toàn bài thơ “NHẮC NHỞ EM” của thi sĩ Chu Toàn Chung tuy nhan đề bài thơ có khác, nhưng thực chất vẫn là bài thơ “GHEN”

Nếu cái ghen của Nguyễn Bính là cái ghen có tính cách “phi lý không thực” không thể đem áp dụng ngoài đời mà chỉ là sản phẩm của tưởng tượng….cái ghen lãng mạn, hướng về Tuyệt Đối chiếm hữu toàn diện người mình yêu …thì trái lại cái ghen của Chu Toàn Chung không cực đoan, không phi lý, hay quá lố mà là cái ghen tiềm ẩn bên trong của tất cả mọi người chúng ta …Cái ghen của Chu Toàn Chung là cái ghen rất tế nhị, khéo léo, Thi sĩ không hề cấm đoán đe dọa người yêu vi yêu theo thi sĩ là ngưỡng vọng, dâng hiến và tôn thờ …thì làm sao dám cấm đoán người mình yêu? Và cấm đoán người khác? Tác giả chỉ khéo léo nhắc nhở thôi. Đặc biệt thơ Chu Toàn Chung mỗi lần nhắc nhở là một lần tôn vinh….

Nếu chúng ta đặt mình vào phái nữ là người yêu của tác giả chẳng hạn ta sẽ thấy rất cảm động ví có người yêu biết đến giá trị mình, biết trân quý tình yêu (và còn biết ghen nữa…) nhưng là cái ghen tế nhị, đáng yêu và đáng tư hào biết mấy!

Trong phạm vì bài này, chúng tôi mời độc giả thưởng thức 2 bài thơ cùng một chủ đề “GHEN” song có nhiều điểm khác nhau ngoài ra người viết không làm công việc so sánh đối chiếu xem “ai tài hơn ai”? Vì trên phương diện nghệ thuật, thi hứng, bút pháp, cách cấu tứ,cách xử dụng từ hoa, mỗi người một khác, nhất là khi quan điểm sáng tác, mỗi người lại không giống nhau thì thật khó nếu không muốn nói là không thể nào, định giá người này hơn người kia, khi không có tiêu chuẩn nào để định giá! Làm như vậy là bất công và bất kính với tất cả cả các thi sĩ! Nói cách khác, ai thích bài thơ nào là tùy ý mỗi người. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói, cùng một đề tài ghen, song thi sĩ Nguyễn Bính và Chu Toàn Chung đứng trên hai quan điểm khác nhau: một bên lãng mạn, tuyệt đối hóa và chiếm hữu toàn diện, một bên tương đối,cận nhân tình, dâng hiến ngưỡng vọng và tôn vinh tình yêu….

Hai bài thơ ‘GHEN” như hai bông hoa Quý và Đẹp đầy sắc hương của nền Văn hóa Văn Nghệ Việt Nam.

San Jose Thung Lũng Hoa Vàng, 1996

Chu Tấn


Nhà văn Chu Tấn tên thật Trần Như Huỳnh, sinh năm 1939 tại Nam Định Bắc Việt. 1958, theo học Khóa 7 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. 1963, từ Binh Chủng Pháo Binh đổi sang Quân Chủng Không Quân. 1967-1968, chủ bút Nguyệt San Lý Tưởng Bộ Tư Lệnh Không Quân. 1969 là Giám Đốc Tại Bộ Thông Tin. Đến năm 1972, ông tốt nghiệp đại học Cần Thơ, đến năm 1973, cấp bậc Trung Tá không quân, kiêm Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị Sư Đoàn 4 KQ Cần Thơ. Từ 1975-1984: Tù nhân Cộng Sản Việt Nam, qua nhiều trại tù cộng sản từ Nam ra Bắc. Rồi đến 1987, ông vượt biên, và được đến định cư tại San Jose, Hoa Kỳ. Sau đó, 1989 ông là sáng lập viên Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. Từ những năm 1990-1996, ông là Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Tự Do (2 nhiệm kỳ). Cho đến năm 1995, sáng lập viên Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại. Và từ 1997-2000, ông là Chủ Tịch Hội Đồng Đại Biểu Cộng Đồng Việt Nam Bắc California.” Nhà văn Cố vấn của Văn Thơ Lạc Việt.
Ông qua đời lúc 3 giờ, 48 phút sáng, ngày 4 tháng 1 năm 2023, tại San jose. Thọ 85 tuổi.