có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 1 24, 2023

Ngày Xuân Nói Chuyện… Hoa Thạch Thảo




Giữa tháng 10 vừa qua tôi có dịp ghé Austin để cùng với một phái đòan Hội Bảo tồn Văn hoá và Lịch Sử Người Việt tại Mỹ đi New Orleans làm công tác. Chủ nhà nơi tôi tá túc ở Austin, anh Triển, ông xã của Triều Giang, một người rất mê cây cảnh, khoe mấy chậu hoa thạch thảo mới gầy được, xin cành của “mấy chị Trưng Vương bên Houston”. Nghe câu hát Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo / Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi… trong bài “Mùa thu chết”, Phạm Duy phổ nhạc thơ Bùi Giáng dịch thơ Guillaume Apollinaire, bài “L’Adieu”, đã nhiều lần nhưng chưa bao giờ thấy hoa thạch thảo cả, nên tôi cũng tò mò muốn biết mặt mũi cái hoa thạch thảo nó ra làm sao.

Trong mấy cây thạch thảo của anh Triển chỉ có một cây đang trổ hoa, với một bông hoa đương độ, đúng ra là một cụm hoa mọc từ một nhánh làm thành một nửa quả cầu tròn, mỗi bông có năm cánh mầu hồng nhạt trên phủ những sợi lông măng mơn mởn, thế nhưng trông lại giống như làm bằng sứ hay sáp, và sờ vào có cảm giác như sờ vào một vật cưng cứng, không mềm như những loài hoa khác. Tôi ngửi không thấy thơm, nhưng theo sự tìm hiểu thêm của tôi sau đó thì hoa chỉ tỏa ra hương thơm về đêm. Thú vị hơn nữa là mỗi bông hoa lại ứa ra đôi ba giọt nước trong, trông như những giọt nước mắt mà thoạt nhìn tôi tưởng là sương còn đọng lại, mặc dù lúc ấy là buổi trưa. Anh Triển bảo tôi không phải sương đâu, mà là mật hoa đấy. Anh Triển nói thằng cháu nội 5 tuổi hễ thấy mật hoa là lè lưỡi liếm. Tôi nghe yên trí nếm thử thì thấy một vị ngọt nhẹ.

Trái, một cụm hoa thạch thảo gồm nhiều bông hoa trông như làm bằng sứ (porcelaine), mỗi bông gồm năm cánh mầu hồng nhạt. Từng giọt mật hoa trong suốt ứa ra trông như những giọt nước mắt. Phải, cây hoa thạch thảo, một loại cay leo, trồng trong chậu. Cụm hoa ở bên tay mặt là cụm hoa chụp cận ảnh ở hình bên trái. (Ảnh Trùng Dương, 10/2013)

Cái lôi cuốn tôi hơn cả là những giọt mật trong và tinh khiết trông như những giọt nước mắt, chụp lên hình thấy rất đã. Và chụp tôi làm, rồi e-mail đi cho mấy nguời bạn yêu hoa. Lại còn cẩn thận kèm theo mấy câu hát Ta ngắt đi… trong bài “Mùa thu chết” của Phạm Duy bên cạnh mấy câu thơ tiếng Tây của Apollinaire, J'ai cueilli ce brin de bruyère / L'automne est mort souviens-t'en... Họ bảo tôi cái hình hoa tôi gửi không phải thạch thảo. Tôi tẩn mẩn lục tự điển tìm chữ tiếng Anh của “bruyère”, thấy đó là “heather”. Tôi tra Wikipedia và tìm trong Google Images của “heather” thì thấy… chẳng có sự mô tả nào hay cái hình nào giống cái hoa thạch thảo của anh Triển cả. Thế là thế nào?

Tôi bảo anh Triển, “Hoa của anh đâu phải thạch thảo? Mấy chị bạn tôi xem cái hình bảo tôi hoa thạch thảo khác. Tôi kiếm trên Internet chả có cái hoa bruyère hay heather nào giống hoa của anh hết.” Anh Triển nói, “Thì mấy bà Trưng Vương bên Houston cho tôi mấy cái cành bảo tôi đó là cành cây hoa thạch thảo mà. Mấy bà Trưng Vương bên đó nghèo vì mua hoa về trồng nên họ biết rõ.”

Tôi thích ngắm hoa, và chắc chắn chẳng bao giờ dám nhận mình biết nhiều tên hoa, chứ đừng nói chuyện biết hết, song ít có khi nào mà chuyện hoa lại bỗng dưng làm tôi bận tâm. Hoặc là mấy bà Trưng Vương này sai, hoặc là cố thi sĩ Bùi Giáng nhà ta… dịch không đúng chữ “bruyère/heather” thành thạch thảo, vì thạch là một từ Hán Việt, có nghĩa là đá, là cái gì cứng, mà cả trăm tấm hình hoa bruyère/heather, có nơi nói là một loài cúc dại có những cánh mềm, tôi thấy trên Internet không xứng với tên thạch. Tại sao ông Bùi Giáng lại dịch là thạch thảo một loài hoa chả có tí “thạch” nào hết?


Nếu tôi biết tên tiếng Anh của cái hoa trong hình tôi chụp ở trên thì có lẽ tôi sẽ phần nào tìm ra được câu trả lời là hoa của ông Bùi Giáng hay hoa của mấy bà Trưng Vương bên Houston mới thực sự là hoa thạch thảo. Tôi dùng mấy cái apps trên Internet và gửi hình hoa thạch thảo tôi chụp của anh Triển để nhờ họ nhận diện (identify) giùm mà có lẽ vì apps còn yếu quá nên chẳng nhận được hồi âm nào (đúng ra là nhận được một cái sau khi tôi đã có câu trả lời). Đang tính đem bức hình hoa thạch thảo của anh Triển đi ra hỏi mấy tiệm bán hoa, tôi sực nhớ ra thằng chồng cũ của một cô con gái vốn là một nhà vẽ trang trí vườn tược (landscape designer) và có kiến thức khá về cây cỏ, tôi gửi cái hình đi cho con gái nhờ nó nhờ thằng đó giúp. Ngay sáng hôm sau tôi nhận được e-mail của cậu ta, nói đó có lẽ cái hình hoa của tôi nhờ truy tìm tên là “Hoya pubicalyx”. Tôi lại dùng cụm keywords đó tìm trên Internet, và trong lúc kiếm, tôi bắt gặp hình cụm hoa y hệt cụm hoa ở nhà anh Triển, cũng là loài Hoya nhưng giống khác, tên là Hoya carnosa. Eureka!

Theo Wikipedia, Hoya carnosa, một loại cây sáp (wax plant, vì hoa và lá trông giống như làm bằng sáp), là một giống (species) của loài hoa Hoya thường mọc ở Đông Á và Úc (không biết người Trung Hoa hay Nhật gọi là gì). Là một loại cây leo thường trồng trong nhà hoặc ngoài sân nắng vừa, ra hoa và lá như chất sáp và hoa có hương ngòn ngọt. Hoa thường mầu hồng nhạt, có khi trắng hoặc hồng đậm, có năm cánh hình ngôi sao, và thường tụm vào một cụm trông như một một món đồ bằng sáp để trưng bầy. Mặt hoa phủ những sợi lông măng. Hương có khi ngào ngạt và mật hoa ứa ra thành giọt trên cánh hoa. Hoa nở vào cuối xuân và đầu hè. Hoya Carnosa đã được vun trồng hơn 200 năm. Gần đây có một số công cuộc nghiên cứu tại Đại học Georgia cho thấy giống này có khả năng hóa giải các chất ô nhiễm trong nhà.


Tại Web site Dave’s Garden có nguyên một trang nói về giống Hoya Carnosa và một cái diễn đàn để người trồng khắp nơi trao đổi kinh nhgiệm, tại http://davesgarden.com/guides/pf/go/432/, nếu bạn nào thích tìm hiểu để trồng hoa này.
Hoa thạch thảo/hoya carnosa có mầu từ hồng nhạt đến hồng đậm. (Ảnh Internet)

Cụm hoa thạch thảo/hoya carnosa, trái, có khi có mầu trắng như tuyết; và cây hoa thạch thảo, phải, là một loại cây leo, có lá trông như làm bằng sáp. Mỗi bông hoa có hình ngôi sao năm cánh, thường mầu hồng nhạt, song có khi trắng hoặc hồng đậm. Mật hoa mầu trong, ứa ra như những giọt nước mắt. (Ảnh Internet)

Tôi thực tình không hiểu vì sao hoa bruyère/heather, không thuộc giống cây sáp (wax plant), lại được nhà thơ Bùi Giáng của chúng ta dịch ra thành thạch thảo. Có thể “thạch” đây còn có nghĩa gì khác chăng? Dù vậy, vì nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc bài thơ dịch đó từ trước 1975, nghe nói viết riêng cho con dâu Julie Quang hát để đưa cô vào làng cầm ca, và bà con đã yêu và nghêu ngao hát bài đó, thì nó là… hoa thạch thảo, và có lẽ cái tên không chính xác ấy cũng đã đi vào tự điển từ lâu rồi.

Với tôi, mấy bà Trưng Vương bên Houston đã chính xác khi gọi Hoya carnosa là hoa thạch thảo vậy, nếu dựa vào đặc tính trông giống như một thứ đồ sứ hay sáp của hoa và lá. Khi nào có dịp tôi sẽ hỏi mấy bà ấy thế họ dịch bruyère/heather ra tiếng Việt là cái chi. Nếu họ cũng gọi đó là hoa thạch thảo thì có lẽ ta sẽ phải gọi “Thạch thảo… Bùi Giáng-Phạm Duy” hay “Thạch thảo Việt”, và “Thạch thảo… Trưng Vương-Houston” hay “Thạch thảo… Mỹ”, để phân biệt, chăng?


Trùng Dương 
2013/11