Ở Âu châu, các nước xúm xít nhau như trong một gia đình. Từ Paris lái xe lên thăm Hòa Lan, đi băng qua cả một nước Bỉ, chỉ cần một buổi chiều. Chúng tôi bắt đầu đi lúc xế trưa ngày 30 tháng Tư 1997, đối với thời tiết Âu châu thì đó là một buổi chiều xuân, chuyến đi là một buổi du xuân.
Đường lên phía bắc, càng xa Paris cảnh trí càng xinh tươi. Đồng quê Pháp giữ nhiều hình ảnh cổ truyền với nóc nhà thờ và làng xóm xa xa, nhưng ruộng nương trồng trọt đều theo cách quy hoạch lớn lao, các thảm màu trên cánh đồng cho thấy mỗi loại cây được trồng trên diện tích rất rộng. Đặc biệt lúc bấy giờ đang mùa hoa cải nở làm thành từng cánh đồng vàng tươi rực rỡ chạy tít mãi chân trời. Hoa cải vàng ở quê nhà đã cho người Việt Nam những cảm xúc rất mùa xuân, nhưng đó chỉ là những đám cải nho nhỏ ở trong vườn nhà, điểm xuyết một ít ánh vàng tươi vui cùng các loại rau và cây cối khác trong vườn. Thời gian thích hợp cho việc gieo cải là mùa đông, những lá cải cay nồng được dùng để ăn sống, nấu canh hoặc làm dưa trong suốt mùa lạnh, nhưng người ta giữ lại một số cây khỏe mạnh để lấy hột làm giống cho mùa sau. Vào cuối đông các cây cải giống lên ngồng, một cái cọng cứng từ giữa cây trổ thẳng lên, và chĩa ra những nhánh nhỏ với vô số hoa vàng li ti. Hoa cải vàng nở đúng vào dịp đón xuân, góp phần trang trí cho sân vườn nhà một ít sắc màu tươi tắn, và để lại trong lòng người ấn tượng đầm ấm vui tươi của mùa xuân ở quê nhà. Khi tết đã qua, hoa cải tiếp tục rực rỡ một thời gian nữa trong tháng giêng, rồi héo tàn dần, các cánh nhỏ màu vàng úa nhàu gục xuống trong khi đài hoa hoàn tất việc “mang bầu” của mình: một cái túi đựng hột cải nhỏ xíu dần dần tượng hình, thuôn thuôn dài chừng hai đốt ngón tay. Cuộc hành trình của hoa của bướm và của gió xuân đã có kết quả. Vào cuối xuân khi thời tiết ngày càng nóng, cái túi hột trở nên già dặn và khô dần, đến khi lắc mà nghe tiếng những hạt cải bé tí kêu xào xạc ở trong thì người ta cắt cả cái ngồng phơi thật khô rồi bó lại thành từng bó treo ở một nơi nào đó trong nhà để chờ gieo vào mùa đông tới. Người Việt Nam chỉ biết ăn rau cải mà không biết ăn hột cải nên mỗi mùa chỉ dành một ít cây lên ngồng để làm giống, do đó hoa cải chỉ là một nét trang trí thanh nhã cho sân vườn trong dịp tết.
Hoa cải trên đồng quê Pháp vào mùa xuân thì khác. Đó là từng tảng màu vàng lớn mà tạo hóa và con người cùng hợp tác để ném ra trên những cánh đồng mênh mông. Màu vàng hoa cải cũng đóng vai trò trang trí, không phải trên một mảnh vườn nho nhỏ như ở Việt Nam, mà trên bức tranh trừu tượng vĩ đại của thiên nhiên nước Pháp. Mảng màu ấy minh họa cho tâm hồn và cảm nhận mỹ thuật của người Pháp. Chưa ở đâu mà bàn tay con người phối hợp với thiên nhiên lại tạo ra những tác phẩm mỹ lệ đến vậy. Bên cạnh một nửa cánh đồng xanh hơi sẫm màu của lúa mì bắt đầu trổ đòng đòng là ruộng cải vàng rực, không phải chỉ là một mặt phẳng dát vàng, mà một khối vàng dày dặn, vững chắc tỏa lên ngùn ngụt một thứ lửa vừa mát dịu vừa rực rỡ. Cho dù ta có dốt về hội họa đến đâu, có thờ ơ với bảng màu của họa sĩ đến đâu, khi đứng trước cánh đồng hoa cải, đột nhiên ta sẽ ngộ ra rằng đường nét và màu sắc không phải là những thứ con người rắc rối chế ra và chỉ là độc quyền của một giới mà ta thường gọi là giới hội họa, mà đã có sẵn trong thiên nhiên, tức là cũng có sẵn trong mỗi người, trong bất cứ ai. Nếu đủ duyên, chẳng hạn đến đồng quê nước Pháp vào mùa xuân, thì khả năng thưởng ngoạn và cảm nhận về màu sắc cùng đường nét sẽ bừng nở trong ta.
Người Việt Nam khi nói đến Xuân thì phải có hình ảnh của Tết. Thưởng xuân, du xuân… thường nằm trong chương trình chơi tết, đúng trong ba ngày tết hoặc tết kéo dài. Nhưng ở Âu châu hay Bắc Mỹ khi mùa xuân đến thì các lễ hội mừng năm mới đã qua lâu rồi, chính các biến chuyển của thiên nhiên nhắc nhở rằng mùa xuân đã tới chứ không phải sự nhộn nhịp chuẩn bị lễ tết của xã hội. Trời ấm, nắng tốt và hoa nở, đó là những dấu hiệu dễ thấy của mùa xuân. Chúng tôi tới Hòa Lan vào ban đêm nên chưa có ấn tượng gì về thiên nhiên, ngoại trừ những đoạn đường chạy trong sương mù dày đặc. Nhưng ngay sáng hôm sau chúng tôi đã thấy thiên nhiên ở đây tươi đẹp và đa tình đến là chừng nào. Sáng nay đã là đầu tháng Năm, tôi nhớ câu hát ngày xưa One wonderful morning in May... Nếu những mảng vàng ối và xanh thẫm mênh mông của đồng quê Pháp tạo ra cảm giác lớn lao hoành tráng của một bức tranh trừu tượng, thì cánh đồng Hòa Lan, gồm những mảng xanh đỏ tím vàng hồng tía lại là một kết hợp nhiều màu, tình tứ, đa cảm. Ruộng hoa. Người ta sinh sống bằng nghề trồng hoa tulip trên ruộng. Tulip mỗi màu được trồng trên từng liếp rất rộng chạy mãi về chân trời, khi đến mùa hoa nở cả cánh đồng biến thành khoảng không gian đa sắc, các liếp màu chạy song song nhau như cố tạo thành bảy sắc cầu vồng ngay trên mặt đất. Dân Hòa Lan sống trên một vùng đất trũng, phải ngăn biển để dành lấy đất sống, nhưng vẫn tô điểm xứ sở mình bằng đủ loại màu sắc ngày càng kỳ ảo của các loại hoa. Đó là một “xứ sở của hoa,” vào mùa Xuân. Muốn biết thế nào là hoa Hòa Lan, hãy đến xem hội chợ hoa Keukenhof, mở ra hằng năm vào cuối tháng Ba kéo dài đến gần hết tháng Năm.
Keukenhof (có nghĩa là ‘Vườn rau nhà bếp,’ một tên gọi có từ thế kỷ 15, vì vùng đất này thời ấy thuộc về nữ công tước Jackeline de Bavière, một phần được trồng rau để dùng cho nhà bếp trong lâu đài của bà) cách Amsterdam độ một giờ lái xe, là một công viên rộng 23 mẫu, được chính thức thành lập vào tiền bán thế kỷ 19, theo kiểu Anh, với hồ nước và rừng sồi. Vào năm 1949, người ta tổ chức triển lãm hoa lần đầu tiên tại đây, và từ đó thành lệ, mỗi năm vào mùa Xuân công viên này biến thành Hội Hoa, với sáu triệu cây hoa được trồng trong một khung cảnh thơ mộng và tráng lệ.
Hiện nay Keukenhof là cái vườn hoa xuân lớn nhất và đẹp nhất của toàn Âu châu. Chúng tôi đến Keukenhof vào một ngày đầu tháng Năm, thời điểm mọi loại hoa đang độ mãn khai. Hàng trăm ngàn du khách yêu hoa đến đây hàng năm, bằng xe lửa, xe buýt, và dĩ nhiên bằng xe nhà như chúng tôi. Sự tổ chức khá chu đáo, hàng đoàn xe dài được hướng dẫn nhanh chóng vào những bãi đậu rộng mênh mông. Bước vào khuôn viên Keukenhof tinh thần của chúng ta chợt thay đổi, như đang vào một thế giới khác, nửa thực nửa mộng, nửa tiên nửa tục. Người ta sẽ không ngờ trong đời mình có lúc lại có thể đi giữa một tác phẩm nghệ thuật kỳ lạ tạo nên bởi hình thể, màu sắc, hòa hợp với cảnh trí thiên nhiên một cách tuyệt hảo như vậy. Trước hết đây là thế giới của màu sắc. Sáu triệu củ tulip giống đã được trồng trên những luống hoa trải khắp công viên. Có bao nhiêu màu? Đỏ, vàng, trắng, hồng, tím, đen, xanh, cam… là các tên quen thuộc chúng ta dùng để gọi đích danh một màu nào đấy thì tulip ở đây đều có đủ, nhưng trong mỗi màu chính lại có bao nhiêu sắc độ khác nhau nữa, như vàng thì có hoa màu vàng tươi, vàng thắm, vàng nhạt, vàng ngà…, cứ xê xích một tí lại có thêm một màu, sự biến đổi khôn lường của thiên nhiên khiến ngôn ngữ và ý niệm của con người không theo kịp để diễn tả.
Và tất cả các màu ấy cùng lúc đón chào bước chân của bạn, màu nọ xếp cạnh màu kia ngay bên lối đi, tương tác tạo nên một thảm màu cực kỳ hòa hợp và rực rỡ, dưới những hàng cây cao vút vừa chớm lộc non dẫn vào mãi sâu vào rừng. Cách sắp xếp và tạo dáng những luống hoa ở đây là một kỳ công không thua những mảng màu mà một nhà danh họa ném lên khung vải, nhưng màu sắc ở đây chắc chắn phong phú, tươi đẹp và sống động hơn nhiều, sự pha màu của một họa sĩ tài danh đến đâu cũng khó mà theo kịp. Mỗi màu trên mỗi luống hoa có một sức sống riêng, vừa được sinh ra để góp mặt với đời nhân dịp mùa xuân. Giữa triệu triệu cây hoa có thể ta sẽ mất đi ý niệm hoa nở để thay thế vào đó ý niệm màu sắc đang ra đời. Động tác “nở” chỉ có ý nghĩa khi ta theo dõi một ít bông hoa chuyển thể trong vườn nhà ta từ búp đến hàm tiếu đến mãn khai, chứ vào đây buổi sáng tháng Năm thì giống như ta đi vào một bữa tiệc màu sắc đã dọn sẵn, không còn bông hoa như một cá thể, mà là từng khối màu tươi thắm do tạo hóa vừa sáng tạo ra nhân dịp xuân về. Phản ứng của con người trước mâm cỗ hoa vĩ đại dị thường ấy là không còn giữ được bình tĩnh. Các tán thán từ bằng đủ thứ tiếng vang lên liên tục khi con đường trong rừng qua một khúc quanh và một cảnh tượng mới lại bày ra trước mắt. Nhiều người bỗng trở nên cuống quít, vội vã xoay máy ảnh và máy quay phim hết góc cạnh này đến góc cạnh khác, như thể nếu để chậm những khối màu rực rỡ kỳ lạ kia có thể tan biến đi mất.
Màu đã muôn hồng ngàn tía, đến hình thể cũng biến đổi khôn lường. Cái dáng bầu bầu thuôn thuôn cổ điển của hoa tulip vẫn còn đây như những bài thơ cổ điển với niêm luật chặt chẽ, nhưng cạnh đấy hình thể của hoa đã đi vào một cuộc cách mạng tạo nên vô vàn những dáng vẻ lãng mạn, cùng với sự biến ảo của màu sắc làm thành một thứ “ngôn ngữ” riêng. Hoa là thi ca của thiên nhiên, tuy vô ngôn nhưng sức sáng tạo nên vẻ đẹp thì sinh động như vô cùng vô tận.
Cái đặc biệt ở đây là sự mới mẻ và tươi mát bao trùm mọi nơi, từ ngọn cỏ gốc cây cho đến con thiên nga bơi lội trong hồ, tất cả như vừa mới bước ra cùng với mùa Xuân. Đi thăm những nơi thiên nhiên nổi tiếng ở Mỹ, chẳng hạn như rừng Sequoia hay Yosemite ở bắc California, người ta choáng ngợp với cái lớn lao và sự sắp xếp kỳ bí của tạo hóa, nhưng vẫn không thể không nhận thấy thấp thoáng đâu đây sự mòn nhẵn mà hàng triệu du khách lui tới quanh năm đã để dấu vết lại. Đó là điều không thể tránh khỏi, mặc dù sự quản lý gìn giữ đã đạt đến mức tối đa. Chưa kể sự đụng chạm cọ quẹt của con người, chỉ số lượng khói của vạn vạn chiếc xe hơi nườm nượp tới lui cũng đủ làm mất đi rất nhiều vẻ tinh khiết của thiên nhiên. Cũng là cây cối, suối, núi, cát, đá như mọi cảnh thiên nhiên khác, nhưng lạ thay, chúng ta cảm nhận được sự mệt nhọc trơ trụi ẩn hiện ngay trên sự vật xem ra vẫn còn rất hoàn chỉnh, như người vũ nữ tài sắc phải trình diễn liên tục nhiều xuất trong một ngày, bảy ngày trong một tuần, cái tài cái sắc vẫn còn đó nhưng vẻ tươi mát khỏe khoắn đã biến đi để nhường chỗ cho các động tác máy móc nhà nghề. Vẻ tinh khôi của sáng tạo trong thiên nhiên cũng như nơi con người khi bị khai thác triệt để thì sẽ mòn mỏi đi. Những cây sequoia hàng ngàn năm tuổi vẫn đứng giữa rừng đúng nơi nó ra đời cách đây mấy thiên niên kỷ, nó vẫn đem lại sự khiếp sợ trong lòng người đến xem vì vẻ to lớn và tuổi tác dị thường của nó, nhưng đã mất đi vẻ huyền bí thiêng liêng vì đã bao nhiêu năm nó phải đóng vai “làm trò lạ mắt thứ đồ chơi,” được rào giậu để “đón khách,” liên tục hết ngàn nọ đến ngàn kia quanh năm không nghỉ. Đường dẫn đến nó được tráng nhựa, đất quanh gốc nó luôn luôn bị dẫm đạp bởi triệu triệu bàn chân, thân nó hàng ngày phải tiếp nhận biết bao luồng nhỡn tuyến tò mò, tọc mạch, soi mói, thì hỡi ơi, có là gỗ đá cũng phải sượng sùng! Còn đâu là chốn rừng thiêng cao cả thâm u, nơi các vị lão cổ thụ ngự trị như những vị thần! Dù muốn dù không các lão trượng đó cũng phải đang đóng vai một món hàng trưng bày, trong một cách tổ chức sắp xếp vô cùng tài giỏi để hàng triệu người khắp thế giới đến ngắm xem. Ở Yosemite cũng thế, phong cảnh bốn bên vô cùng kỳ thú, nhưng chỉ khi nhìn những cái thác nước tung bọt trắng xóa là tôi không có cái cảm giác chai lì, còn thì ngọn cỏ lá cây mặt nước hòn đá nơi đâu tôi cũng mơ hồ cảm nhận sự phũ phàng héo hắt của một mỹ nhân quá dạn dày sương gió, mặc dù vẻ đẹp của nàng vẫn còn lồ lộ.
Nhưng vào Keukenhof là vào với vẻ đẹp mới mẻ tinh khôi. Cả diện tích khu rừng ấy là biểu hiện của mùa Xuân đúng nghĩa. Mỗi năm, sau hai tháng mở cửa để cho hoa xuân khoe sắc, công viên này lại được đóng cửa để làm lại tất cả chuẩn bị cho năm sau. Các nhà trồng tỉa, các chuyên viên tạo kiểu mẫu và trưng bày vườnhoa lại họp nhau để hoạch định bộ mặt của công viên vào mùa xuân năm tới. Bí mật của những thành tựu lai tạo giống để có màu sắc lạ, hình thể mới của hoa, tổng thể các kiểu sắp xếp mới mẻ những vạt hoa sẽ trồng sẽ là một tác phẩm được sáng tạo để không lặp lại quá khứ. Khi mở cửa mỗi năm cả công viên là một công trình nghệ thuật mới toanh được đem trình làng, với tất cả vẻ tươi mát của cây cối ao hồ suốt mười tháng qua không bận bịu không ngộp thở vì dập dìu các đợt khách vãng lai. Bạn có thể cảm thấy sự sởn sơ hoang dã hoặc vẻ mệt nhọc của một cái cây không ? Chẳng hạn một cây thông đứng reo ở đầu non với một cây thông nằm bên một đường phố đông đúc xe cộ ? Phong thái, vóc dáng hẳn không giống nhau. Cái cây nằm bên đường phố có khi nào nổi máu văn nghệ reo lên một điệu không ? Chắc là cũng có, nhưng chẳng ai nghe, vì bị tiếng xe át mất. Nó là con chó nhà so với con chó sói, là con cọp nằm trong sở thú so với mãnh hổ chốn rừng sâu. Những cây cối, ao hồ trong Keukenhof thì còn giữ nguyên phẩm giá mà bà mẹ thiên nhiên đã dành cho các đứa con của mình với vẻ tươi tắn khỏe mạnh, xứng đáng để nói lên tiếng nói vô thanh dào dạt của Mùa Xuân.
Thị giác và bộ thần kinh của con người đã được cấu tạo để biết đón nhận màu sắc như là cái gì mà nó ưa thích, được nó cho là đẹp. Muốn đời đẹp hơn, người ta “tô điểm” cho đời, trong nguyên nghĩa tức dùng màu sắc để phủ lên những gì xám xịt, buồn tẻ. Khi con người đối diện với thiên nhiên thì chỉ có hoa là cho nhiều màu sắc đẹp và phong phú nhất, vì vậy nó phải chăm sóc hoa để thỏa mãn sự ưa thích về thị giác, và cả khứu giác nữa, của mình. Trình độ trồng trọt và trình bày hoa như người Hòa Lan làm trong Hội Hoa Keukenhof thì phải nói là đã lên đến tột đỉnh. Đi hết một ngày trong Keukenhof người ta cảm thấy no nê, như là chưa bao giờ được dự một bữa tiệc màu sắc giàu có và dáng vẻ đa dạng, lồng trong một khung cảnh hùng vĩ tươi đẹp đến thế trong đời mình.
Đến Hòa Lan cả bọn đều muốn ưu tiên đi xem hội chợ hoa trước, ngày hôm sau mới thăm con đê ngăn biển nổi tiếng và thành phố Amsterdam. Thành phố này cũng có một ’kỳ quan’ về hoa mà ai đến đây cũng háo hức muốn xem, nhất là cánh đàn ông, là khu trưng bày các bông hoa biết nói. Trong một khu phố cổ có nhiều ngõ hẹp cắt ngang, mỗi một cửa kính trông ra đường là một cửa hàng bày một món hàng đặc biệt: một người đàn bà. Một người đàn bà gần như trần truồng, để lộ tất cả vẻ đẹp thiên nhiên của mình, vì đó là món hàng cần giới thiệu. Cô ta muốn bán thân xác của mình chốc lát cho những ai muốn thưởng thức. Nếu bạn muốn thưởng thức chỉ bằng mắt thôi thì tha hồ, cứ đứng ngoài đường mà nhìn vào, nhìn bao nhiêu cũng được, nhưng nếu muốn hơn thế thì cứ gõ cái cửa nhỏ bên cạnh, cô ta sẽ mở cửa cho bạn bước vào để bắt đầu công việc mua bán. Việc đầu tiên là thỏa thuận giá cả, xong giai đoạn đó thì cửa được đóng lại, màn được kéo kín tấm kính lớn làm cửa hiệu. Thấy thế những người đứng xem sẽ bỏ đi, qua cái lồng kính bên cạnh, và cứ thế đi dài dài, hết đường nọ sang đường kia, để nhìn ngắm bao nhiêu là vẻ đẹp khác nhau mà ở các nơi khác trên thế giới không dễ gì có được.
Một món “hàng người,” hẳn có người rất khó chịu khi nghe hay thấy một cảnh tượng như thế. Cho đó là một cái gì bất nhân, bất nhẫn. Nhưng khi đem một quan niệm đạo đức ở nơi này để phán đoán một hiện tượng ở nơi khác thì đôi khi không tránh được sự cưỡng ép. Muốn hiểu cách mua bán tự nhiên đó của Amsterdam thì nên biết qua quan niệm của người Hòa Lan về tình dục. Đối với một số dân tộc Bắc Âu, trong đó có Hòa Lan, tình dục không phải là điều cấm kỵ, đó là một hành vi hoàn toàn tự do trong đời sống. Vùng cấm kỵ đã bị xóa từ lâu, tình dục đã được xã hội coi là việc “thường,” việc trao đổi thân xác chỉ là việc rất tự nhiên như những nhu cầu tự nhiên khác của con người. Người phụ nữ phô bày thân xác để “bán” cho người thích nó và cần nó, ở trong xã hội ấy người ta không cho là một cái gì sỉ nhục hay phạm đến nhân phẩm. Nếu người ta chấp nhận việc những cặp vợ chồng đổi nhau để đi chơi một cuối tuần, xong rồi ai về nhà nấy như chẳng cỏ gì xảy ra, thì việc khỏa thân ngồi trong lồng kính để tiện cho người ta lựa chọn có gì là ghê gớm đâu. Tùy theo cách quan niệm vấn đề thôi.
Tôi đã được nghe kể chuyện một tuyển thủ thể thao Việt Nam (thời trước 1975) một lần đi thi đấu ở Thụy Điển, đã được một cặp vợ chồng người bản xứ đề nghị một việc đặc biệt như thế nào. Anh ta có một vẻ tươi sáng khỏe mạnh của con nhà thể thao, cộng thêm với một mái tóc bồng tự nhiên rất đẹp. Một hôm trong một tiệm ăn tại Stockhom anh ta để ý thấy một cặp vợ chồng người Thụy Điển ngồi bàn bên cạnh cứ để ý nhìn anh và thì thầm bàn tán với nhau. Cuối cùng hai người đến bàn của anh và xin phép được nói chuyện. Họ khen anh có mái tóc đẹp và nói rằng họ muốn có một đứa con có mái tóc như thế. Bằng cách nào? Ông chồng đề nghị anh cho… vợ ông ta một đứa con. Phần sau của câu chuyện tôi không rõ như thế nào, và chẳng biết bản chất đề nghị của hai vợ chồng ấy có uẩn khúc gì không, nhưng qua câu chuyện ấy chúng ta thấy rằng quả thật người Bắc Âu có một quan niệm rất phóng khoáng về tình dục và về con cái, giòng dõi.
Nếu chúng ta biết rằng 80 phần trăm nhà thờ ở Hòa Lan nay đã đóng cửa và cho mướn để làm nơi buôn bán hoặc mở văn phòng thì ta có thể hình dung sự phá vỡ những quan niệm ràng buộc của quá khứ đã xảy ra mạnh mẽ và quyết định đến thế nào. Có lẽ cùng với những giáo điều khác, người ta nghĩ về tình dục và thấy đặt ra những cấm kỵ cho nó là chuyện vô lý. Như thế mà trên đất nước ấy lại chẳng có dấu hiệu gì của sự suy đồi, trái lại đời sống có vẻ lành mạnh, trong sáng. Kinh tế, học vấn, nghệ thuật đều đạt trình độ cao. Một dân tộc dám đem sức mình đương cự với thiên nhiên trong một bài toán vĩ đại là ngăn biển để dành đất mà sinh sống thì hẳn phải có bản lãnh cao cường. Tinh thần quật cường mạnh mẽ ấy biểu lộ trong cách nhìn sự vật, quay trở lại với những ý nghĩa uyên nguyên của mọi sự và hành xử một cách phù hợp tự nhiên. Họ không thờ phụng các sinh thực khí — như người Việt Nam xưa đã làm — nhưng tôn trọng sự sinh hoạt xác thân, vứt bỏ những che chắn cấm kỵ mà trong quá khứ con người hẳn có lý do chính đáng để đặt ra, nhưng riết rồi ý nghĩa đích thực phai nhạt để chỉ còn một số quy tắc cứng đờ giam hãm chính mình. Sống là vận động, nhưng đồng thời cũng là đang dệt những sợi tơ để dần dần làm cho mình một cái kén, lâu ngày chầy tháng kén trở nên dày, không tìm cách phá vỡ chui ra thì sẽ bị ngột ngạt và suy tàn trong ấy. Đời sống ở đây lành mạnh tươi vui có lẽ vì người Hòa Lan đã biết tích cực quay về với quan niệm phồn thực chân chính và không bị giam hãm trong những luật lệ mà con người đặt ra gọi là giáo điều. Trồng hoa hay có đời sống tình dục tự do chỉ là một số biểu hiện của quan niệm ấy để thưởng thức cái vui cái đẹp thực sự của đời sống.
Người Hòa Lan rất thích các vận động gần gũi thiên nhiên. Ngồi lên một chiếc thuyền tại bất cứ bến sông hay kênh rạch nào bạn cũng có thể chèo đi khắp nước Hòa Lan nhờ một hệ thống thủy lộ chằng chịt; lên yên một chiếc xe đạp bất cứ ở đâu bạn cũng có đường dành riêng cho thứ xe đơn sơ mà lành mạnh này để đạp đi khắp nơi trong nước. Ở đây sức con người và sức thiên nhiên luôn luôn cọ xát, gần gũi, tương tác nhau. “Lấp biển, vá trời” là một thành ngữ xưa của chúng ta để chỉ chuyện lớn lao và khó khăn không ai làm nổi, thế mà trong thời đại ngày nay cả hai việc đều được thực hiện: người Hòa Lan đã lấp được biển, còn tầng ozone ở thượng tầng khí quyển bị rách cần vá lại thì cả loài người đang cố gắng thực hiện. Trong thập niên 20 và 30 của thế kỷ này, Hòa Lan đã đắp một cái đập dài 32 cây số bịt kín hẳn một cái eo biển rồi bơm nước ra để lấy đất sống. Nhưng ở cái xứ toàn là đất trũng sâu không có núi non ấy, lấy đâu ra một khối đất đá khổng lồ để mà đắp một con đê vĩ đại như thế ? Người Hòa Lan đã phải đi mua, họ qua bên Anh mua hẳn mấy trái núi đào đất chở về… lấp biển. Càng chế ngự được thiên nhiên họ càng yêu mến thiên nhiên, xem thiên nhiên là bạn chớ không phải thù. Họ cảm thấy thân thiết từ cái biển Bắc lạnh lẽo sóng to gió lớn cho đến món quà mỹ miều của thiên nhiên là những bông hoa hay thân thể con người (tặng nhau bông hoa hay tặng nhau thân thể, trong đó hẳn nhiên có phần linh hồn nữa, thì có gì là khác?), từ con sông con rạch, ngọn gió, cho đến ngọn thủy triều lên xuống, cái nào gây tàn hại thì họ chế ngự, còn thì họ làm bạn với tất cả, nhờ vả chúng một cách thân thiết để giúp cho cuộc sống của họ dễ chịu. Một thời cả đất nước Hòa Lan tràn ngập cối xay gió để giải quyết việc dẫn thủy, việc xay lúa… Người Hòa Lan có cá tính vừa kiên cường vừa nhân ái như thế có lẽ vì họ ở vào một vị trí mà con người luôn luôn phải hành xử như là một thành phần của thiên nhiên nói chung, họ thấu hiểu sâu xa mối quan hệ thiên-địa-nhân mà không cần giáo điều rắc rối gì. Triết lý của họ đã nằm sẵn trong đời sống của họ.
Đến xứ sở này tự nhiên tôi cảm thấy có mối liên hệ gần gũi. Dĩ nhiên nó xinh đẹp và phóng khoáng. Nhưng nó lại cổ lỗ nữa. Những phố rất cổ, những bến tàu thuyền rất xưa. Bốn năm thế kỷ trước đã có những người Hòa Lan sống trong những phố này, đi ra bến tàu này và giong buồm ra khơi, đi mãi về miền Viễn Đông xa xôi, rồi cho thuyền vào một cửa sông gọi là Cửa Đại, ngược giòng sông gọi là Thu Bồn, ghé vào một bến cảng sầm uất gọi là Hội An. Họ có lập thương điếm ở đó, cùng làm ăn buôn bán với người bản địa cùng người Tàu, người Nhật… Tôi và Lộc cùng nhau đi rất chậm nơi khu phố cổ của Hoorn, bên cạnh những căn nhà xưa mà nhiều cái đã nghiêng nghiêng, cảm nhận nơi từng bức tường, từng phiến đá lát đường tiếng nói âm thầm của quá khứ mà tự nhiên mình nhận là có quan hệ tới mình. Cả vẻ cổ kính ở đây tôi cũng thấy có cái gì tương đồng với Hội An, không hiểu một người Hòa Lan biết lịch sử khi ghé thăm Hội An thì có cảm nhận giống tôi không ? Dù sao thì một chút nào đấy chúng tôi — tôi và người Hòa Lan ấy — có một quá khứ có thể chia sẻ cùng nhau. Một quá khứ xa xưa và dễ chịu hơn là với người Pháp nhiều, vì có mối quan hệ lành mạnh và bình đẳng của những trao đổi làm ăn mang lại phồn thịnh cho nhau, chứ không phải đem súng đạn đến bắn giết và bắt nhau làm nô lệ.
Bên cạnh những dấu tích xưa ở đây, tôi không hỏi một câu đại để như: Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ, vì tôi biết hồn ấy ở ngay trong tôi, bây giờ, ở đây. Tôi mang một phần quá khứ của riêng tôi để đến với đất nước Hòa Lan trong hiện tại, là một khối tinh thần và vật chất phóng khoáng, mạnh mẽ, và một thế giới màu sắc mùa xuân rực rỡ tôi chưa từng được thấy trong đời tôi. •
Phạm Xuân Đài
Bài này đã được đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21 số 107 tháng Ba năm 1998, và xuất bản trong “Đi, Đọc, và Viết” – NXB Văn Học Press, 10/2020.