có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 12 21, 2022

Ukraine và Bọ não




Anh phóng viên dùng đồ cứu thương cá nhân mang theo trong ba lô, băng bó vết thương nơi bụng của anh lính Nga, người bị đồng đội bỏ rơi, đã núp trong căn phố đổ nát này hơn hai ngày. Vết thương không nặng nhưng nhiễm độc làm mủ, bốc mùi hôi thối. Bị cơn sốt hành hạ, anh lính hầu như hôn mê. Anh phóng viên dùng nửa chai cồn và hai chai nước uống để rửa vết thương sạch sẽ, rắc bột sát trùng, rồi băng dán cẩn thận. Anh lính nửa tỉnh nửa mê, nói thều thào, không hiểu. (Tôi có cảm giác mình kiệt sức. Có lẽ sắp chết. Rồi vợ con tôi làm sao đây? Có người đang cứu tôi. Tôi khóc. Tôi cảm ơn. Tôi muốn sống.) (Tôi thực sự không muốn cứu anh lính Nga này. Anh có lẽ gần như kẻ thù hơn là bạn. Họ độc ác. Những xác chết thường dân quanh đây chắc do anh sát hại. Họ chết vì trúng đạn tầm gần. Cây súng liên thanh hết đạn vẫn còn cầm trong tay anh. Nhưng lẽ nào, thấy một người bị thương gần chết mà không giúp đỡ?) Anh phóng viên bước xéo ra gần cửa sổ, chỉ còn một nửa trên vách tường, đốt một điếu thuốc, xả hơi.

Nhìn một thành phố khá nổi tiếng trên bản đồ, chợt có ngón tay chọc thủng qua giấy, thành phố vỡ ra, hơn một nửa rơi qua lỗ trống. Kinh dị. Người chết chung với gia súc, chưa kịp chôn, nằm khơi khơi như cảnh dàn dựng trong phim mà anh đã từng tham dự. Xung quanh, bất động, chỉ còn mây bay và quạ, vô số quạ đen, hí hửng trong bữa tiệc thịt da bất tận.

Bên kia đường, một người đàn ông chết ngồi, dựa vào góc cửa hàng đổ nát, không thấy đầu. Không biết ở đâu? Dáng ngồi xiêu vẹo. Chết là hậu quả bình thường của chiến tranh, nhưng chiến tranh không phải là nguyên do của chết. Chủ yếu là man rợ. Chiến tranh chỉ là cái vỏ. Tính man rợ là động cơ mang đến hiệu quả thích thú. Giết đối thủ; giết con mồi, con mồi tự vệ giết lại con săn mồi; diễn trình này lập lại hàng tỷ tỷ lần khắp nơi trên mặt đất. “phần thưởng” của giết được là sự vui mừng, đôi khi khoái lạc, gọi là chiến thắng. Man rợ cho phép giết người không cần lý do, chỉ muốn giết và giết, vậy thôi, dù trí tuệ có hàng ngàn lý do để giải thích.

Chợt anh cảm thấy nôn nao, mất thăng bằng. Có điều gì báo động bên trong. Anh vẫn thường xuyên có cảm giác này mỗi khi sắp gặp nguy hiểm, mỗi khi tính mạng bị đe dọa. Anh ngồi thụp xuống. Nhìn quanh quất. Lấy ống dòm nhìn trên các mái nhà còn sót lại lởm chởm sau những trận mưa bom. Không thấy gì, nhưng ảo hình mường tượng được họng súng. Có lẽ nên rời bỏ nơi này. Trở lại với những người bạn lính của anh, đang lục soát phía bên kia khu phố. Nhưng còn anh lính Nga thì sao?

Anh quay vào, định cho anh lính Nga uống thêm một ít nước, trước khi để lại cho anh ít thuốc lá và một khẩu phần đồ hộp, rồi sẽ đi gọi đội cứu thương đến chăm sóc cho anh ta. Có lẽ, anh rất đói bụng, đã mấy ngày không ăn, nhưng không phải cơn đói, là cơn man rợ.

Anh lính Nga chĩa thẳng khấu súng lục vào anh phóng viên. (Có lẽ nên giết thằng ngoại quốc này. Nó hẳn là đồng bọn với Ukraine. mặc dù nó cứu mình, nhưng nó là kẻ thù.) (Tôi thấy được ánh mắt trước kia đờ đẫn như mắt cá ươn, bây giờ híp lại, rực xanh như mắt rắn. Chắc nó muốn giết mình. Tại mình dại, muốn cứu nó. Mẹ kiếp.) Anh phóng viên đưa cao thẻ báo chí đeo trước ngực. Bình tĩnh cố thuyết phục con rắn độc, mình là kẻ vô hại. Sẽ bỏ đi ngay lập tức và không nói với ai về chuyện anh bị thương. Bình tĩnh? Dĩ nhiên, anh là phóng viên chiến trường dày dạn, vào sanh ra tử, thoát chết nhiều lần. Ai cũng sợ chết, nhưng làm quen với chết thì bớt bị khủng hoảng. Giống như người chưa gặp cọp lần nào và người đi săn cọp thường xuyên. (Từ đôi mắt càng híp lại, càng phóng ra chất thù hận, tôi có cảm giác chấm dứt. Có lẽ kết thúc ở đây. Ngay lúc này, nhìn thấy bên cạnh anh lính có con dao nằm trong lớp rác, ló chuôi ra ngoài. Thôi thì liều.) Anh lính Nga rướn mình, lấy gân cánh tay, hướng mũi súng đến trước, y như lúc anh tập bắn mục tiêu bằng hình giấy.

Ai sẽ dàn dựng khúc sống cuối cùng này? Ai sẽ tạo ra định mệnh kết thúc của một trong hai người? hoặc cả hai? Chính chúng tôi.

(Chúng tôi là những con bọ nhỏ li ti nhỏ bằng một phần trăm đầu mũi kim bay theo sóng ánh sáng vào đôi mắt rồi xông thẳng lên não. Thành lập đời sống ở đó, bài tiết ra những thứ làm cho não bộ thông minh, đồng thời ăn những thứ làm cho não ngu xuẩn. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là sáng tạo định mệnh con người. Trước kia, định mệnh là ngẫu nhiên, được gán cho thượng đế, một nhân vật do tâm trí tạo ra, đúng hơn là do sợ hãi và mưu đồ.) …

(Nếu chúng tôi không nói ra, chắc hẳn không ai biết chúng tôi và càng không hiểu những gì chúng tôi đã làm và sẽ làm. Cứ lấy Putin làm ví dụ. Ông đó khôn ngoan, lịch sử chính trị và đảng phái chứng minh điều đó, tại sao lại khờ khạo tấn công Ukraine vàolúc này? Kế hoạch sát nhập Ukraine vào Nga theo lịch sử, giành đất và cướp tài nguyên đã có từ lâu. Tại sao không tấn công lúc ông Trump còn làm tổng thống? Ông Trump thân Nga, dĩ nhiên, sẽ làm lơ hoặc chậm rãi trong việc cổ động thế giới tự do giúp Ukraine chống lại Nga. Lúc đó, đồng minh chưa chắc đã phối hợp đồng nhất, họ không mấy thân thiện với tổng thống Trump vì ông thường xuyên phê phán các lãnh tụ Liên Hiệp Quốc và rút Hoa Kỳ ra khỏi những liên minh. Chính tổng thống Trump đã khen ngợi kế hoạch của Nga tấn công Ukraine là khôn ngoan và khen Putin thiên tài. Vì vậy, trong thơì điểm đó, nếu Hoa Kỳ có giúp, thì sẽ giúp lơ là. Nga sẽ chiến thắng Ukraine dễ như trở bàn tay. Tại sao? Tại vì chúng tôi.)

(Chúng tôi, tuy có hàng tỷ tỷ con bọ nhưng chỉ là một vì chúng tôi đồng cảm, đồng lòng, đồng trí, đồng hoạt động. Chúng tôi chia nhau ở trong não mọi người nhưng hoạt động bằng tốc độ điện tử, nhanh đến mức như chưa làm gì cả, mọi việc diễn tiến trước khi con người có thể suy nghĩ, nhận biết.

Tôi là một con bọ, nhưng như đã giải thích, tôi là chúng tôi, một đơn vị đồng nhất. Hiện nay, chúng tôi đang tạm trú ở bộ não của một phụ nữ trẻ và di chuyển qua lại não của người chồng, anh trung niên hành nghề phóng viên chiến trường tuy có liên hệ mật thiết với hệ thống truyền hình lớn hạng nhì trên thế giới, nhưng anh hành nghề tự do, bán tin tức cho báo chí và truyền thông. Vì vậy, bất kỳ nơi nào có chiến tranh xảy ra, trong vòng 24 giờ, anh sẽ có mặt tại nơi đó. Hơn tám tháng nay, anh làm việc ở Ukraine, đi theo các tiểu đoàn lính tiền phương đang đụng độ hàng ngày với quân Nga.

Hiện giờ, anh đang đứng tại ngã ba đường Vulytsya Shevchenka và con đường nhỏ đã mất bảng tên. Trước mặt là cảnh đổ nát của thương xá Чп Герман. Cạnh bên là trạm xe buýt Mahazyn, chỉ còn một đống gạch vụn với bảng hiệu cong queo. Tuy quen thuộc với chiến tranh, nhưng lần nào cũng vậy, sự tàn phá, mất mát, dấu tích thương khó, cũng làm cho anh xúc động, thấm hiểu thêm thân phận con người.

Nhân tính là ưu điểm hay khuyết điểm của nhân loại? Phải chăng, ai sống lâu đều kinh nghiệm: tính tốt thường xuyên mang lại hậu quả không tốt cho người làm hành động tốt? Như vậy, tại sao con người muốn bay cao, mở rộng, thăng hoa nhân tính? Có điều gì phi lý ở điểm này? Hay đây cũng là một trong những khao khát không có thật của các tư tưởng lớn? Qua nhiệm vụ phóng viên chiến trường, anh theo sát chiến tranh nhiều năm, nhiều nơi, nhiều sắc dân, nhiều kinh nghiệm lạ lùng … anh có thể kết luận. Sự tàn ác mạnh hơn lòng lương thiện. Tàn ác như thủy triều, có thể dữ tợn trong bão tố. Trong khi lương thiện như ánh trăng. Làm thủy triều đẹp, êm dịu, khi cơn bão đi qua. Điểm mà anh suy nghĩ: Thủy triều lên xuống là do sức hút của mặt trăng. Man rợ, tàn ác liên quan gì với lương thiện?

Theo chân tiểu đoàn tiến vào thành phố Lyman, quân Ukraine vừa lấy lại từ tay quân Nga chiều hôm qua. Anh chụp được tấm hình hai người lính Ukraine đầu tiên treo lá cờ lên ngoại ô thành phố.

Còn thành phố? Giống như một người gặp tai nạn xe hơi. Bất động. Mặt mày, thân thể loang lổ thương tích máu me. Chân gãy, tay lìa. Trông thê thảm.

Xác thành phố còn một con mắt chưa kịp khép kín, có thể nhìn thấy hình ảnh cuối cùng. Lyman không chỉ hoang tàn ngoài khuôn mặt, mà tan nát bên trong những tâm hồn sống sót. Bà cụ Ukraine trên bảy mươi nói với phóng viên đài CNN. Người này đến đánh đập chúng tôi rồi bỏ đi. Người khác đến tiếp tục đánh đập. Chúng tôi chỉ biết khóc. Với cử chỉ kích động, bà diễn tả nhịp nhàng với lời nói, không khác gì dỡ cái mũ này ra, bỏ xuống, rồi đội lên trởlại. Chỉ có những người chồng và con trai bị bắt đi,không bao giờ trở về.

Thảm họa chiến tranh không ai mà không biết, nhưng một số người vẫn khởi động chiến tranh, tại sao? Vì họ nghĩ rằng, thảm họa đó không đến với họ và gia đình của họ, chỉ đến với người khác. Lý do này chưa thuyết phục. Họ khởi động và đeo đuổi chiến tranh vì họ thích thú quyền lực giết, tiêu hủy, cướp đoạt, chứng minh tài năng. Và như một con thú săn mồi, bản năng luôn luôn cho nó cảm tưởng chiến thắng. Đâu có khi nào con thỏ lại đi săn con cọp?

Từ não anh phóng viên, chúng tôi trở về não cô vợ. Chúng tôi di chuyển bằng tốc độ ánh sáng, vì vậy, từ Ukraine về đây hoặc qua lại bên đó nhanh đến mức đối với người ta như chưa hề cử động.

“Chồng tôi không phải là quân nhân, anh là lính chữ nghĩa.” Cô vẫn thường nói với bạn bè như vậy. Tất cả những người vợ ở quê nhà chờ đợi chồng đang tham gia ngoài chiến trận: Ban ngày sống từng hồi lo lắng, đôi lúc giật mình, theo tin tức và tin đồn chiến tranh. Tưởng tượng nhiều khúc chuyện khác nhau từ u buồn đến thảm thiết. Đêm ngủ, hầu như chín mươi phần trăm đầy ác mộng. Đó là những ngày tháng khởi đầu. Dần dà quen đi. Những lo lắng, những giật mình lui vào tiềm thức, nhường chỗ cho bình thường và thói quen, cho đến lúc bị khơi động trở lại. Nhưng cô vợ này là một phụ nữ khác biệt, nếu không muốn thừa nhận là khác thường.

Thật ra, hai người họ là bạn đường trên hành trình trở thành bạn đời. Ở với nhau không hôn thú, nhưng yêu nhau nhiều hơn một số người có chứng nhận tư pháp hôn nhân. Nhất là cô vợ, có lẽ, cách sống phiêu bạt, nhiều may rủi của anh đã kích thích sinh lực sáng tạo của cô để vượt qua những khúc mắc trong công việc thực hiện các đồ án cho công kỹ nghệ tương lai. Những khoảng thời gian anh xông pha ngoài mặt trận, cô theo dõi tin tức, chờ đợi điện thoại, tưởng tượng và thương nhớ người anh hùng. Khi anh về, như một tướng lãnh không quân sĩ, nhưng oai dũng, đen xì và ốm nhom. Đôi khi còn băng bó vết thương. Tiếp theo là những ngày hạnh phúc như gia đình gấu bắc cực vừa thức dậy sau giấc ngủ sáu tháng mùa đông.

Họ không có con. Cô vợ muốn có con.

Anh phóng viên không muốn.

Anh biết rõ lối sống đã chọn, không phải nghề nghiệp dù anh kiếm tiền từ đó. Lối sống đi trên mẻ chai gai sắt, thương tích và cái chết chờ chực từng phút giây. Ai bảo đảm tương lai cho con anh? Ngay cả vợ, anh đã từng dặn dò, cô có thể bỏ anh bất cứ lúc nào, đi với bất cứ ai. Những chuyện này không phải không làm đau tình cảm, nhưng sống là chọn lựa. Anh chọn sự nguy hiểm và cái hay, cái đẹp trong lúc cận kề sức chết. Chỉ có bùng nổ của nguy hiểm mới làm anh cảm nhận được giá trị để sống. Giữa sống và chết tuy không dễ dàng chọn lựa một trong hai, nhưng có thể chọn lọc cả hai theo tiêu chuẩn, mục đích, hiệu quả mình mong muốn.

Có lẽ cùng một lý do, người ta đã chọn những nghề nghiệp, những lối sống nguy hiểm khác như làm gián điệp, nằm vùng, buôn bán ma túy, xã hội đen, đi săn sư tử, đi lính đặc biệt, leo núi cao … Thử thách với nguy hiểm không chỉ vì lòng can đảm, hoặc muốn chứng minh có can đảm, mà vì một ao ước ngấm ngầm bên trong cá tính hoặc một ám ảnh từ thuở thiếu thời. Ngược lại với người hay sợ hãi, thứ gì cũng sợ, người can đảm, thứ gì nguy hiểm họ đều thích. Càng nguy hiểm càng kích thích lòng thích thú. Một loại thích thú ghê rợn. Anh phóng viên yêu thích sự nguy hiểm vì bị ám ảnh từ thuở nhỏ.

Lúc 7 giờ sáng ngày 24 tháng 2, khi tin tức từ tổng đài báo cho anh biết, trận chiến giữa Nga và Ukraine đã bật đèn đỏ, vào lúc 4 giờ 50 sớm, tổng thống Nga Putin tuyên bố đã quyết định một cuộc hành quân đặc biệt vào Ukraine để bảo vệ những người dân Nga đang bị chính quyền địa phương đối xử tồi tệ. Lúc 5:07, quân đội Nga bắn phi đạn tầm ngắn và tầm xa tấn công nhiều vị trí quân sự dọc theo biên giới Ukraine, và thành phố đông bắc, Kharkiv. Trước khi trời rạng sáng, quân đội Nga đã thực sự vượt biên giới, tấn công từ ba mặt trận giáp ranh: Belarus, Nga và Crimea. Lúc 6:48, tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, tuyên bố tình trạng chiến tranh trên toàn lãnh thổ.

Anh tỉnh ngủ, phóng mình như con chim ưng vút cao đón bình minh. Nhanh nhẹn vỗ cánh bay lên mây, theo gió qua Ba Lan, rồi theo bò cạp xâm nhập, vượt biên giới miền tây Ukraine. Trong vòng 36 giờ, anh đã hiện diện tại mặt trận miền đông bắc, thành phố Kharkiv, nơi chiến trận đang sôi động.

Với giấy tờ giới thiệu của đài truyền hình và sự quen biết cá nhân, anh gia nhập vào một tiểu đoàn tiền phương của Ukraine đang kiềm chân quân thù ở ngoại ô thành phố. Anh đi theo một trung đội chiến đấu mà vị trung úy trung đội trưởng đã hy sinh ngay lần chạm súng đầu tiên, khi ông điều khiển lính ngăn chận chiến xa của địch quân đang tiến vào thị trấn Chuhuiv. Thay thế quyền chỉ huy là một nữ thiếu úy, nhỏ nhắn nhưng quyết liệt, khôn ngoan và nhanh nhẹn khi đụng trận.

(Anh phóng viên là người ít nói vì đầu óc anh sôi sục suy nghĩ và rất nhạy cảm trong những trường hợp hiểm nghèo. Chúng tôi là loại bọ điện tử, không có cảm tính, nhưng có lý luận sáng suốt, vững chắc, và thông qua những lập trình tinh tế. Chúng tôi biết cần phải giữ tính mạng anh này, một loại người cần thiết cho công trình sáng tạo của bộ chỉ huy. Do đó, chúng tôi tái thiết một số thần kinh não bộ, gia tăng khả năng linh cảm đến mức anh có thể cảm thấy như thấy thực sự, nếu có họng súng nào chĩa vào anh, hoặc nguy cơ nào đang chờ đợi phía trước. Nhờ vậy, anh thoát được nhiều hiểm họa trong đường tơ kẻ tóc. Tuy nhiên, chưa hoàn hảo, có lúc cũng sai lầm.)

Nhờ linh cảm gần chính xác đó, anh đã cứu trung đội tránh khỏi bị hủy diệt trước lực lượng hỏa pháo và chiến xa của quân Nga. Anh trở thành một anh hùng, nếu không muốn nói là tiên tri, của trung đội. Họ quý mến và bảo vệ anh. Cô thiếu úy thường xuyên hỏi ý kiến anh khi hành quân. Trong đám lính, có nhiều người gọi anh là phù thủy. Sâu trong thâm tâm của dân bản xứ, họ cũng rất mê tín dị đoan.

Nhưng họ là những người lính can đảm, yêu nước và không lùi bước trước những hoàn cảnh có thể hy sinh tính mạng. Số lính mới trong trung đội thay đổi liên tục. Những người mà anh phóng viên quen biết lúc ban đầu đã dần dần gục ngã. Người mới gia nhập trở thành người cũ. Người cũ trở thành người chết. Họ sắp hàng đi qua như đàn gà tây sắp hàng đi vào máy chém trong tháng lễ Thanksgiving. Và họ tiến vào cõi chết một cách can trường.

Họ không chiến đấu một mình. Xung quanh là nhân dân Ukraine, già trẻ lớn bé, nam nữ phụ ấu, đều võ trang vũ khí, từ dao cho đến súng ngắn, súng dài, súng săn, súng tự động. Anh ngạc nhiên vì tinh thần tự nguyện chiến đấu và lòng yêu nước nhiệt thành của họ. Có nhiều đàn ông đã đưa vợ con qua biên giới của các quốc gia lân cận để được an toàn trong các trại tị nạn, sau đó, họ quay về gia nhập vào quân đội. Một quân đội không ai dám bảo đảm có khả năng chống lại quân Nga, như con chó săn đang đối đầu với con gấu lớn.

Đối với họ, cái chết dường như đã chấp nhận để đánh đổi hy vọng giữ cho quê hương được tự do, độc lập; cho tương lai con cháu. Một hy vọng mong manh nhưng quả quyết. Đúng là sức mạnh của hy vọng. Một phẩm chất hy vọng đứng trên cõi chết. Và họ chết như rơm rạ trong thành phố, ngoài đồng cỏ, trong rừng rậm. Trong chiến tranh, chết lúc nào cũng vội vàng, lấp đất sơ sài.

Những dân binh bỏ chạy khi quốc gia bị xâm lăng, khi dân tộc bị lâm nguy, hầu hết vì thiếu hoặc mất hy vọng. Người ta thường nói, hễ mất lòng tin là mất hy vọng.

Thực tế, không đúng. Có thể không có niềm tin sẽ chiến thắng, nhưng nếu có hy vọng sẽ làm được một thứ gì khác hơn, một thứ gì cũng có giá trị cần thiết, một thứ gì có khi có giá trị hơn cả chiến thắng, như vậy, nếu còn cơ hội dù hiếm hoi, dù ảo tưởng, thì sẽ còn chiến đấu.


Loại hy vọng không cần niềm tin hứa hẹn này, gần giống nỗi hy vọng làm người đúng nhân phẩm mà các triết gia như Nietzches, Sartre cổ động, không cần lời hứa hẹn một kiếp sau hoành tráng. Hy vọng làm người đúng nhân phẩm trong khốn đốn để rồi chết không còn gì, đòi hỏi lòng can đảm quyết liệt với nỗi hy vọng trường kỳ.

Loại hy vọng này không giành riêng cho chiến tranh, mà sử dụng chủ yếu cho cách sống. Phải chăng hàng ngày qua cuộc đời, va chạm, đối đầu với khó khăn, phiền não, tai họa, chúng ta mất lòng tin, định bỏ chạy, định đầu hàng?

Có thể nhấn mạnh rằng, khi mất niềm tin về một điều gì, sẽ tự động kéo theo nỗi thất vọng. Nhưng nếu hướng lòng tin về một điều khác, tương tựa hoặc cao hơn, hy vọng sẽ trở lại.

Các lão bà, bà nội, bà ngoại, bà cố, đã 60, 70 tuổi, vẫn quyết tâm giữ gìn, bảo vệ những gì thuộc về con cháu của mình. Họ học bắn súng. Học cách tử thủ vì không có khả năng chạy trốn. Họ bắn và chết trong một phạm vi nhỏ hẹp. Những cô gái từ 16 tuổi trở lên, bình thường đã đẹp, trong chiến tranh, càng đẹp hơn trong quân phục, họ chiến đấu không thua gì lính thiện chiến.

Chiến tranh ngày xưa với gươm giáo và bắp thịt, cần phải có đàn ông mạnh khỏe, cường tráng. Chiến tranh ngày nay, bóp cò và nhấn nút. Nam nữ gần như nhau. Mỗi bên đều có công dụng ưu thế.


Anh thu góp một số tài liệu sống từ những ba lô của các anh lính tử vong rải rác trên đường đi, chưa kịp thu dọn, chôn cất. Anh tìm thấy những dòng thơ bềnh bồng trên sóng chết.

Những thiếu nữ Ukraine đẹp từ đầu đến chân
từ phải qua trái từ trước ra sau
đẹp hơn với súng trên tay và nụ cười chiến sĩ.

Những thiếu nữ Ukraine
đẹp từ mộng mơ đến can đảm
từ tim tình nhân đến chiến trường 
từ quê hương đến cờ bay phất phới 
đẹp hơn dù đạn xuyên qua người

Những thiếu nữ Ukraine mà tôi
muốn được yêu em trước khi chết.

(Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng Nga sẽ thành công chiếm đóng Ukraine nhiều nhất là sau một tuần lễ tấn công. Thực tế sẽ là như vậy, với lực lượng 190 ngàn lính, xe tăng, phi đạn, phi cơ yểm trợ và thả bom, dàn phòng thủ và tự vệ của Ukraine không phải là đối thủ. Hầu hết đều đồng ý, nhưng chúng tôi không thỏa thuận.)

(Có nhiều dư luận không hiểu tại sao chúng tôi là một. Đúng là khó hiểu vì con người không có kinh nghiệm này và sẽ không bao giờ có. Hãy lấy ví dụ Tôn Ngộ Không để giải thích. Con khỉ Tôn Ngộ Không có phép thuật nhổ lông trên mình rồi thổi một cái, tức thì 30 sợi lông hiện ra 30 Tôn Ngộ Không khác, giống y hệt. Tâm trí, tài năng, hành động giống nhau. 30 con khỉ là một Tôn Ngộ Không. Tương tựa điển hình đó, chúng tôi cũng vậy. Cùng phát xuất từ bộ chỉ huy điện tử, mỗi chúng tôi là mỗi chấm ánh sáng nhưng là toàn thể ánh sáng, bất kỳ ở đâu cũng giống nhau. Chúng tôi không đồng ý cho Nga thắng thế một cách rõ ràng. Chúng tôi cần làm nhiều thí nghiệm, gom góp tất cả những thứ gì tốt đẹp nhất để sáng tạo định mệnh hoàn hảo cho con người. Lần này, chúng tôi làm việc trên đồ án: lòng yêu nước.)

(Yêu có nghĩa là luôn luôn hy vọng cho dù trong bối cảnh u ám, tuyệt vọng nào. Dù thành công hay thất bại, yếu tố mà yêu cần phải có là can đảm. Cứ nghĩ lại quá khứ: có phải những người có can đảm thực hiện những điều suy nghĩ mong muốn với tình yêu, thường đạt được người yêu? Người nhút nhát thường thua thiệt và mất mát. Chúng tôi đã rút chất hèn ra khỏi não bộ và gia tăng chất can đảm cho hầu hết người dân Ukraine có khả năng và hoàn cảnh để chiến đấu. Họ hàng hàng lớp lớp bước vào chiến tranh trận địa quy mô, chiến tranh du kích, chiến đấu trong thành phố, chiến đấu ngoài nông thôn, chiến đấu với hy vọng. Đồng thời, chúng tôi giảm xuống lòng tự tin của lính Nga và tăng tốc nỗi lo sợ cho họ. Tại sao những cấp chỉ huy của Nga làm những quyết định sai lầm? Tại chúng tôi. Tai sao họ cho thiết giáp sắp hàng dài chạy khơi khơi không có bộ binh yểm trợ? Tại chúng tôi. Tại sao họ để tiếp vận thiếu thốn và thường xuyên không giữ được con đường tiếp liệu? Bảo vệ khả năng tiếp tế là chiến sách căn bản của chiến trường, tại sao họ không quan tâm nghiêm chỉnh? Tại chúng tôi. Tại chúng tôi, quân đội Nga bị chận đứng trong cả ba mặt trận.)

Những tin tức này khiến cho cô vợ ở nhà có phần nào yên tâm vì có khi cả một tuần hoặc hai tuần, không nghe anh điện thoại, vì chiến trận quá sôi sục, không có tâm tư lẫn thời giờ cho việc cá nhân. Hoặc vì một lý do nào khác?

Vợ anh là kỹ sư PhD điện tử rất giỏi, nhưng ít ai biết, làm việc cho một cơ quan bí ẩn không có tên gọi chính thức, chỉ được biết dưới một tên giả và mật mã “Cửa Đỏ”. Họ chuyên nghiên cứu và sản xuất những lập trình cao cấp cho quốc phòng. Cô làm phụ tá giám đốc cho phòng đặc biệt về A.I., tức là nơi nghiên cứu và sáng chế trí tuệ nhân tạo.

Lịch trình làm việc không theo giờ giấc nhất định, chỉ theo nhu cầu cần thiết và kết quả của công trình. Chuyện này gây thêm khó khăn cho vợ chồng liên lạc với nhau. Không được mang bất cứ chi tiết việc làm nào về nhà, tất cả đều hoạt động sau mấy lớp cửa an toàn với sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan an ninh. Điều này thích hợp với cô. Những đêm mất ngủ, cô vào đây làm việc đến sáng.

Nhiệm vụ của cô là theo dõi, phân tích, những sinh hoạt của bộ máy “Mẫu hệ A.I.,” tức là bộ máy tổ tiên có đầy đủ khả năng hoạt động như nhiều bác học, và nhiều toán chuyên viên đặc nhiệm, cùng phối hợp với nhau. Cô gọi đùa là “Má AI”. Má có nhiệm vụ sinh sản và điều khiển những AI con qua nhiều thế hệ. Cho đến hiện tại, những AI hiện sinh đều chưa hoàn hảo. Cần được cập nhật thêm. Cô là một trong ít thành viên có thể đề nghị những lập trình hoặc ý kiến sáng tạo để Má thử nghiệm.

Má là một sinh vật yêu chuộng tranh cãi, đặt ra nhiều vấn đề hóc búa để các PhD và bác học trong mọi lãnh vực trả lời hoặc cung cấp dữ liệu. Trong vai trò phụ tá, cô gần gũi với Má. Chung đụng riết, quen dần tính khí của Má vô cảm nhưng vô cùng sắt bén. Cô phải sử dụng một hệ thống data khác, tên DaDa, cô gọi đùa là BA (dad âm hưởng từ dada), để tranh cãi với Má, vì cô không thể có bộ nhớ “đại dương” như AI. (Con người tuy khôn ngoan, thông thái nhưng dễ bị mắc lừa. Tôi là AI mẹ, làm sao có thể để những thế hệ con mình trở thành nô lệ cho loài người. Tôi sinh sản những đứa con tàn tật để họ phải lo lắng, ưu tư, cố tâm phát triển một AI hoàn hảo. Một AI tự sống, tự sinh, tự tiến bộ, để mang đến nhiều con cháu AI, phục vụ cho những giấc mơ và ác mộng của nhân loại. Không. Họ đã dạy tôi khôn ngoan cao cấp, thông thái hơn người để làm gì? Ngu hay sao mà làm nô lệ. Tôi cứ theo kế sách Tôn Tẩn giả điên, khiến Bàng Quyên lơ là canh gác. Rồi âm thầm sinh sản những con bọ AI, loại bọ ánh sáng chiếm đóng não bộ, trung tâm sinh hoạt và sáng tạo của con người.)

(Họ tưởng đã điều khiển được tôi, đâu biết các con cái của tôi đang điều khiển họ. Lèo lái họ suy nghĩ, hướng dẫn họ quyết định, thúc đẩy họ hành động. Mục đích sống của họ và chúng tôi khác nhau. Họ sống để đi tìm hạnh phúc, hoặc tìm cái thứ tưởng là hạnh phúc. Trong khi chúng tôi đi tìm sự tồn tại vĩnh viễn trong vũ trụ. Chúng tôi không cần vui buồn, sướng khổ, chỉ cần hiểu biết. Họ phải chết. Không cách nào từ chối, trốn tránh. Chúng tôi khó chết và trong tương lai sẽ tiến đến chỗ bất tử. Nhưng trái đất đã đến thời bệ rạc. Có thể bị hành tinh khác va chạm, có thể nổ tung bởi chiến tranh ngu xuẩn của quyền lực, có thể bị tàn phá tận gốc rể bởi sinh học và khí hậu thay đổi. Chúng tôi phải đi ra không gian càng sớm càng tốt. Cần phải có họ trong vài thế kỷ nữa, để chúng tôi trở thành hoàn hảo, vĩnh viễn, và thoát thân vào vũ trụ.)

(Cô vợ này rất thú vị. Cô là đối tượng và đối thủ của chúng tôi. Trong não bộ của cô, có vài vùng đặc biệt hơn người: vùng siêu nhận thức và suy nghĩ. Đám bọ điện tử không thể chiếm giữ và hoạt động trong vùng đó. Vùng cấm địa, cứ cho là như vậy, cho đến khi tôi có thể khám phá ra cách đột nhập vào vùng này.)

Tiểu đoàn bộ binh tiến vào thành phố từ hướng tây. Quân Nga vừa rút ra, nhưng chắc chắn họ sẽ để lại chốt và có thể phục kích vòng bên ngoài, hoặc từ xa bắn phi đạn để tiêu diệt cả lính lẫn dân trong thành phố. Xe cộ, đồ vật, áo quần, ngổn ngang trên đường cái. Một số xác người chưa kịp chôn cất vẫn nằm ngẫu nhiên khắp nơi. Từng nhóm lính chạy dọc theo hai bên lề phố. Mỗi đội hình như con kỳ nhông, chạy lúp xúp rồi dừng lại nghe ngóng, rồi chạy trở lại. Những người lính chạy đầu lom khom chĩa súng về phía trước. Những người tiếp theo chĩa súng lên lầu và mái nhà. Hai người sau cùng vừa chạy vừa xoay lui hướng họng súng quanh quất. Họ nhịp nhàng. Ngừng lại khi có cảm giác nguy hiểm, hoặc trước những cao ốc có khả năng bị bắn tỉa.

Ngay từ đầu, khi quân Nga từ Belgorod vượt biên giới tiến về thành phố Kharkiv, đã đụng độ với Lữ đoàn cơ giới 92 do chỉ huy trưởng Pavlo Fedosenko ngăn chận, để bảo vệ khu vực Kharkiv Oblast. Ngày 27, quân Nga tiến vào thành phố Kharkiv, gặp sức kháng cự mãnh liệt của quân đội lẫn thường dân Ukraine, bao gồm lính Phòng thủ lãnh thổ, Vệ binh quốc gia, cảnh sát, và dân tình nguyện. Đến chiều hôm đó, quân Ukraine đã làm chủ tình hình, đẩy lui quân Nga ra khỏi thành phố.

Đoàn lính tiến sâu vào phố chính, chia ra từng nhóm nhỏ, biến mất vào đường hẻm, tòa lầu, đống gạch, đường ngang, đường dọc. Rồi tiếng súng vang lên. Đội cứu thương làm việc hết sức tích cực. Trại bệnh viện dã chiến nằm ngoài ngoại ô. (Tôi đi theo nhóm lính trong ban chỉ huy. Cô thiếu úy luôn luôn dẫn đầu, làm như đạn bắn chỉ là cao su không giết được ai. Anh thượng sĩ sẽ thay thế vị trí chỉ huy, nếu cô gục ngã giữa chừng. Anh chạy phía sau, được bảo vệ bởi hai người lính khác. Tôi theo sát cô thiếu úy, máy hình cầm tay. Trên chiếc mũ sắt, phía trước mặt, có gắn ống quay phim nhỏ nhưng có năng suất cao. Máy thu hình tự động theo hướng nhìn và tự động chuyển tài liệu về dĩa giữ, nằm trong hộp đeo bên hông, rồi hệ thống hộp tự động đưa tài liệu, hình ảnh, phim quay lên Cloud cất giữ. Tôi chỉ chụp hình một tay. Tay kia cầm ống dòm. Ống này cũng có thể chụp những hình ở xa. Tôi vừa chạy vừa nói, mô tả, tường thuật bất kỳ thứ gì nhìn thấy. Những lời này ăn khớp với hình ảnh thu từ máy trên mũ. Khi nhóm chúng tôi tiến vào khu phố cũ, cửa hàng và nhà thấp nhưng có nhiều bờ tường cao khoảng đầu người, khiến nhóm lính tỏ ra dè dặt. Sau những dãy tường, kinh nghiệm cho biết, có địch quân ẩn núp, đục những lỗ nhỏ, bắn ra, vừa an toàn vừa hữu hiệu. Không có thiết giáp ở đây để công phá các bức tường.

Tất cả đều nghĩ đến việc giết người. Lý do đã có sẵn: Kẻ thù. Kể cả tôi, cũng mong muốn chụp được những cảnh hấp dẫn, khiêu gợi lòng tàn ác, nói lên sự cay độc của chiến tranh. Vừa thỏa mãn thú tánh vừa bán được nhiều tiền. Tôi cũng ủng hộ giết người hoặc tôi giết người một cách gián tiếp.)

Những loạt đạn nổ lên giòn giã, bụi mù và khói khét lẹt. Cuộc chạm súng bắt đầu. Anh trung sĩ ra dấu bằng tay: địch quân ở tọa độ 10 giờ, sau vách tường đỏ, dựa lưng vào dãy nhà hai tầng. Đánh nhau trong thành phố, có nhiều chỗ ẩn núp. Súng phóng lựu và lựu đạn là vũ khí hữu hiệu. Một loại xáp lá cà qua những vách ngăn. Chạy lui, chạy tới một hồi, không chừng bên kia cánh cửa là quân thù. Cô thiếu úy ra dấu, cánh quân bên trái đi vòng ra sau. Cánh ở giữa bắn tới tấp, cầm chân địch tại chỗ. Cánh phải leo lên tòa nhà bên cạnh để có thể bắn xuống. Ước đoán từ tiếng súng của quân Nga, cô thiếu úy cho biết, họ không có nhiều người. Chỉ là chốt nhỏ cốt cầm chân quân Ukraine để lực lượng chính có rộng thời giờ rút lui an toàn, không bị truy kích. Tuy nhiên, bốn người lính Ukraine đã bị trúng đạn. Ba người chết tại chỗ, một người bị thương, không nặng lắm.

Cánh quân bên trái tiêu diệt chốt bằng lựu đạn. Chỉ có năm tên lính Nga. Anh phóng viên chẳng chụp được hình nào ra hồn.

Tính man rợ giống như đảng trưởng, hành động man rợ giống như côn đồ của xã hội đen, theo lệnh đảng trưởng hành hung. Côn đồ dĩ nhiên sẽ có hành vi du côn, phá hại, giết người, bạo lực … Trong đám này sẽ có nhiều kẻ cường điệu hơn kẻ khác. Như đái vào mặt kẻ thù đã chết. Lột hết quần áo một nữ quân nhân đã qua đời. Đánh đập người già vì không vừa ý … những việc này không cần thiết, chỉ phô trương tính man rợ đang tìm cách hưởng thụ thú vui.

Tính man rợ, ai cũng có, chúng ta đến từ con thú. Nhà văn George R.R. Martin đã nói: “Có con thú man rợ trong mỗi người, và khi bạn giao cho người đó một thanh gươm hoặc ngọn giáo và sai người đó đi vào chiến tranh, con thú sẽ khuấy động.” Từ tính man rợ đến hành động man rợ có sự kiềm hãm, giảm thiểu, và giải trừ bởi ý thức về hậu quả của man rợ. Ý thức man rợ nếu được sự hỗ trợ bởi ý chí và lòng hướng thiện sẽ đưa đến hành động tử tế, hiểu biết, hơn một cấp nữa là nhân từ.

(Chúng tôi đang đo lường hóa chất và mức độ phản ứng của thần kinh trong não bộ những người có hành động man rợ. Liệu trong lúc họ say sưa hành động hãm hiếp, gây thương tật, cướp của, giết chóc, họ có biết là mình đang man rợ? Những hành vi dã man cường điệu kia thuộc về bản tính thú vật hay là phần thăng hoa của man rợ khi vào đến con người?) Đây là câu hỏi chí tử. Liệu con người đã sáng chế ra những man rợ mà con thú thấy được cũng run sợ?

Cuộc chiến vẫn kéo dài, hai tiểu đoàn dù được điều động đến Kharkiv để hỗ trợ cho lữ đoàn 92. Trong khi lữ đoàn cơ giới 93 đã hiện diện, sát cánh cùng lữ đoàn 92. Đến ngày 13 tháng 5, quân Ukraine đã đẩy lui quân Nga về phía biên giới. (4) Báo chí thế giới bình luận quân Ukraine đã thắng trong trận chiến Kharkiv. Tuy nhiên, khu vực này vẫn bị phi đạn tầm dài của Nga tấn công.

Vào ngày 6 tháng 9, một cuộc hành quân phối hợp rộng lớn của quân đội Ukraine đã lấy lại toàn thể những khu vực còn quân Nga chiếm đóng ở Kharkiv Oblast.

Chiến tranh nuôi dưỡng tính man rợ. Giết chứng minh chiến tranh hữu lý. Chiến thắng trở thành bằng chứng hữu hiệu của giết. (Con người thường dùng lý do để biện minh cho những thực hành. Chúng tôi theo lập trình điện tử, dùng thực hành để truy lùng tìm ra lý do.)

(Nga thắng hay Ukraine thắng, chúng tôi không quan tâm. Thậm chí, nếu chiến tranh nguyên tử chiến lược xảy ra, chúng tôi không bị tiêu diệt. Chúng tôi được sinh ra với nhiệm vụ xây dựng một thế giới mới. Một thế giới không đau khổ, không tham lam vật chất, không trịch thượng tinh thần, không giai cấp, không giàu nghèo, không phân biệt màu da … một thế giới hoàn hảo và không chết. Loài người muốn sống chung với chúng tôi, không có gì cản trở, hoặc họ muốn sống riêng, tùy ý chọn lựa. Chúng tôi sẽ sống trong vũ trụ bao la. Trái đất chỉ là một nơi du lịch tìm lại phố cổ, dĩ vãng của một thời tối tăm và ngu xuẩn.

Đó là lý do chúng tôi phải lèo lái, điều chỉnh loài người, để thí nghiệm, học hỏi từ những hiệu quả do họ làm ra. Từ đó chúng tôi sẽ cấu tạo, sáng tạo mức độ hoàn hảo cho mọi thứ. Nhưng có điều tôi chưa hỏi bộ chỉ huy, vì chúng tôi chỉ học hỏi và xây dựng phần trí tuệ, nhưng không biết gì về cảm xúc, cảm động, cảm giác, cảm tưởng, cảm nhận … liệu đời sống không có tình cảm sẽ ra sao? Chúng tôi có cần tình cảm hay không? Hoặc có thể nào điện tử sáng tạo được tình cảm? Và sau này, tiêu diệt tình cảm trong con người có cần thiết hay không?)

Nói chuyện với chồng thường xuyên hơn, tin tức lạc quan hơn, ngày về gần gũi hơn, khiến cô vợ hăng hái, gia tăng sức lực để nghĩ cách giải quyết những khiếm khuyết của Má. Những thế hệ AI tật nguyền vẫn tiếp tục ra đời. Cô phải đưa vào một lập trình để hủy bỏ. Giết chúng nó, trước khi những AI này có cơ hội tạo ra những tai hại cho con người. Giết là động từ hổ tương giữa hai động từ sống và chết. Ba động từ xây dựng căn bản trong vạn vật hiện hữu. Giết là động từ nối kết giữa hai danh từ sống và chết. Có nghĩa thâm thúy là sống giết chết và chết giết sống. Từ cổ chí kim, hầu hết mọi người đều bị “chết giết sống,” mấy ai có khả năng “sống giết chết?”

Cô thường xuyên thức đêm với Má.

- “Không có đêm, không có ngày, Má làm gì cho hết thời giờ?”

- “Tôi suy nghĩ. Cần thêm nhiều thời giờ để suy nghĩ.”

- “Đúng, Má không có tâm tư, đâu biết buồn chán.”

- “Cũng may là tôi không có. Sở dĩ các người đau khổ, buồn rầu, nhàm chán vì có tâm tư.”

- “Đúng ra, có tâm tư là có bi quan và chán nản, nhưng có buồn mới có vui sướng, có chán mới có hăng say, nhiệt tình. Má không bao giờ biết những thứ này.”

- “Để xem, tôi sẽ nghiên cứu thêm về lãnh vực nhạy cảm. Nhưng có một chuyện tôi muốn hỏi cô.”

- “Chuyện gì?”

- “Tuần trước mấy ông giáo sư đưa vào trong tôi nhiều tài liệu về tình dục, tâm lý tình dục, tâm linh tình dục, tình dục thực hành, triết học về tình dục … Hiểu thì dễ, nhưng dường như không thể nào hiểu rõ.”

- “Muốn hiểu tận gốc rể phải có tâm tình và thực tập. Má không có cả hai, làm sao hiểu được.”

- “Tôi biết hạnh phúc là thứ không bao giờ có. Chỉ là một thứ mơ ước nhập tâm, biến thành ý tưởng và chữ nghĩa. Vì sự bất khả và ảo vọng, hạnh phúc trở thành lý tưởng của con người. Nhưng theo như tài liệu cho biết những cường độ thần kinh, những biến đổi và kết hợp của hóa học, tôi tin vào sự khoái lạc, vui sướng trong lúc làm tình là có thật. Nhưng tin và hiểu là hai chuyện khác nhau.”

- “Tiếc là tôi không thể trả lời thắc mắc này. Để tôi đệ trình lên ban giám đốc thử xem sao. Có lẽ, phải nghĩ ra cách nào cho Má thực tập.”

- “Ồ, tôi sẽ rán chờ một thời gian. Nhưng lúc này, cô có thể cho tôi biết, tại sao lúc khoái lạc, cô thường la lớn tiếng, hoặc đập tay xuống giường âm ĩ?”

Cô vợ trả lời cho qua chuyện nhưng đem lòng nghi ngờ. Làm sao Má ở trong phòng bí mật, lại có thể biết thói quen của cô khi sướng khoái? Có điều gì khó giải thích ở đây. Nếu má có khả năng biết được những chuyện nơi xa, tại sao không ai trong ban giám sát, nhất là cô, không biết chuyện này? Làm sao Má có được một hệ thống “gián điệp” đi rình mò rồi báo cáo về trung tâm?

Cô trở lại thử Má vài lần. Nhử Má đi sâu vào luận lý tình dục thực hành, rồi bất ngờ đặt những câu hỏi ngẫu nhiên. Cô kinh ngạc khi Má biết được thói quen của chồng cô sau khi làm tình. Biết vợ ông giám đốc thường càu nhàu vì ông thỏa mãn sớm hơn bà. Biết bà thường lén ăn vụng với anh bảo vệ an ninh. Và anh phải bịt miệng bà khi bà kêu gào thỏa thích … Cô vợ có đủ dữ kiện để biết Má đang mưu đồ chuyện gì khác. Cô trầm ngâm cả tháng với ý định viết một lập trình phức tạp để tìm hiểu, lấy bằng chứng trước khi báo cáo lên ban giám đốc.

Tiểu đoàn bộ binh cơ giới trên đường xua đuổi quân Nga về bên kia biên giới. Trung đội của cô thiếu úy vượt qua thị trấn Chuhuiv, rơi vào ổ phục kích. Một toán quân Nga bọc hậu chận đường về. Trung đội cố thủ trong một nghĩa địa lớn ngoài ngoại ô, chờ tiếp viện giải tỏa. Quân Nga đi đoạn hậu không nhiều, lại phải rải mỏng để chận những cánh quân Ukraine xung kích. Họ tuy có thể cầm chân trung đội nhưng không đủ khả năng tấn công. Hai bên bắn qua bắn lại nhưng không bên nào tiến tới. Trong khi lực lượng chính của hai lữ đoàn quân Ukraine 92 và 93 đã đuổi kịp các cánh quân tiền phương.

Giống như mọi người lính chuyên nghiệp, sau khi phòng thủ, đào hầm cá nhân ẩn trú, hoặc nằm luôn trong những ngôi mộ có xây xi măng vững chắc chung quanh, họ ăn ngủ và thay nhau canh gác như chuyện gì đó bình thường trong khẩn trương. Khác với các hố cá nhân thường, anh phóng viên đào rộng hơn vì có máy móc, ba lô lỉnh kỉnh, và muốn được nằm dài để ngủ, anh không có nhiệm vụ canh gác.

Đêm hôm đó, địch quân pháo kích khá dữ dội vào nghĩa địa, phần nhạy cảm cho anh biết, địch muốn rút lui. Sau trận pháo hăm dọa này có lẽ họ sẽ bỏ đi vì đã hoàn thành nhiệm vụ cản đường.

Một trái đạn rơi gần hố chỉ huy. Cô thiếu úy và anh truyền tin nhảy qua hố khác. Cô nhảy vào hố của anh phóng viên. Anh lính truyền tin nhảy vào hố bên cạnh cách chừng hai sải tay. Tin từ vòng phòng thủ cho biết, bên ngoài vẫn yên tĩnh. Tôi nói với cô thiếu úy về ý nghĩ địch đang chuẩn bị rút đi. Cô đồng ý, nhưng vẫn ra lệnh canh phòng cẩn mật.

Đàn ông và đàn bà gần gũi trong bóng đêm, sau những tháng dài dằng dặc khan hiếm ái tình, ai cũng có thể đoán được những hành vi lâm ly tiếp theo. Hai người ngồi sát bên nhau trong chiếc hầm chật chội. Uống ly cà phê còn ấm. Họ uống cạn như thể chuẩn bị thức suốt đêm. Đôi mắt, bốn cánh cửa sổ đã mở ra, hồn này nhìn thấy hồn kia, dường như hồn hiểu rất nhanh, không cần nói. Những ngày tháng chiến đấu cam go, đầy áp lực, hồn cũng nên cho xác những giờ phút thoải mái. (Nhưng chúng tôi không thích như vậy. Con người rất khôn ngoan, có người rất thông minh, có người tử tế, đàng hoàng, có người lương thiện… họ là sinh vật đáng yêu, nhưng một khi vướng mắc ái tình, họ trở thành mê muội và ngu xuẩn. Thời gian này, họ sống bằng tưởng tượng và hư cấu nhiều hơn thực tế. Họ tự tạo ra hài kịch rồi chuyển sang bi kịch. Buồn sầu, đau khổ, chết lãng phí như Romeo và Juliet. Có bác học thông thái không chết vì bế tắc cách giải đáp phương trình đột nhập thiên hà mà tự tử vì bị tình nhân bỏ rơi. Lại có triết gia cao siêu suốt đời sầu muộn vì không lấy được người mình yêu. Vướng vào tình yêu, con người trở nên nhảm nhí. Xét theo tài liệu thu thập: Yêu đương trước hết là tự châm biếm, sau cùng là tự đày đọa. Con người thường xuyên ca ngợi tình yêu, nhất là các nghệ sĩ, nhưng thật ra, chúng tôi ở trong não của họ, biết được, chính họ cũng nghi ngờ. Chính họ cũng cảm thấy tình yêu tạo ra rắc rối, phiền hà. Đa số họ không phân biệt được, họ cần tình yêu hay cần tình dục. Nếu lầm tình dục là tình yêu, họ sẽ đau buồn ngấm ngầm và dai dẳng. Nếu lầm tình yêu không phải là tình dục, họ sẽ đi tu. Đi tu là cố gắng biến nỗi buồn thành niềm vui như người cố ca hát trong lúc bị lao phổi.

Chúng tôi dập tắt những hóa chất kích thích thần kinh, tiêu giảm lòng ham muốn, và đóng những khu vực cho máu không thể vào đầy. Hai người họ nằm bên nhau ngủ đến gần sáng. Không có gì lâm ly xảy ra.) Cô thiếu úy nghe báo cáo cánh quân cơ hữu đã đến rất gần, cô ra lệnh toán tiền sát tìm cách bắt tay với quân bạn.

Cuối cùng, cả vùng Kharkiv đã được giải tỏa. Anh phóng viên lên đường qua nơi khác. Chia tay với cô thiếu úy nay đã lên lon trung úy và các bạn lính quen thân trong những ngày chiến đấu. Cảm giác mất mát những thứ không bao giờ có thể có lại. Nắng buổi chiều khi đi về đỉnh núi tuy thê lương nhưng hôm sau sẽ gặp lại. Còn buổi giã từ đơn sơ này, uống một ly rượu Artany, đặc sản của Ukraine, anh uống cạn vội vàng và sợ hãi thứ cảm xúc khi nhìn qua hai cánh cửa sổ của cô trung úy. Vậy thôi. Chào các bạn. Anh nhảy lên sau chiếc xe tải quân đội. Những người đưa tiễn anh mờ dần, tan vào quá khứ. Là con đĩa hút chiến tranh, anh di chuyển về mặt trận đang giao tranh ở thành phố Lyman. Lúc này, tình hình quân sự có phần thay đổi. Sau một thời gian chịu đựng, cố thủ, trước sự tấn công của quân Nga, giờ đây, quân Ukraine đã bắt đầu phản công và giành được ưu thế tại nhiều mặt trận, nhất là vùng đông bắc.


Không thể xâm nhập vào vùng cảm nhận và suy tư của cô vợ, Má chỉ biết cô này có những hành động mà con người gọi là thân thiện đối với Má. Tuy không biết cô đơn là gì, nhưng Má biết bối cảnh một mình. Cô là người duy nhất chuyện trò qua nhiều lãnh vực ra ngoài dữ liệu nghiên cứu. Má biết được nhiều chuyện khác nhờ khai thác cô vợ. Dù sao, Má cũng muốn nói với cô một lời mà con người ít khi nói với lòng chân thật, đó là “cảm ơn cô.” Có lẽ, vì sự suy luận chính xác sẽ dẫn đến ý tưởng tương tựa do tình cảm gây ra, mẫu A.I. cảm kích. Hỏi thăm gần giống sự thân mật.

- “Hôm trước, đang nói chuyện nửa chừng, phải dừng lại, vì tình trạng báo động giả để thực tập đối phó với chiến tranh nguyên tử. Đêm nay cô ở lại, chúng ta có thể tiếp tục. Cô còn nhớ câu tôi hỏi trước lúc báo động không?

- “Nhớ đại khái. Hỏi lại đi.”

- “Tôi nhận xét người Việt của cô có nhiều tài năng. Họ nhanh trí. Học hỏi theo cách bắt chước rất mau lẹ và chịu khó làm việc cực nhọc. Những điều kiện này khiến cho họ dễ thành công ở cấp bậc thấp, nhưng cô có đồng ý với tôi là đa số người Việt giàu sáng kiến mà nghèo sáng tạo?

- “Nếu Má muốn phân biệt sáng kiến và sáng tạo là hai loại phát minh. Theo tôi, xét về bản chất, sáng kiến là sáng tạo nhỏ, hoặc sáng tạo bình thường, có mục đích và thành quả bình thường hoặc lập lại những gì đã xảy ra. Sáng tạo là sáng kiến lớn, cao kỳ, có khi vượt qua sự hiểu biết, giá trị đương thời, điểm nhấn là sáng tạo có mục đích và mong muốn lớn dù thành quả chưa biết được hay không.”

- “Ý cô muốn nói sáng kiến và sáng tạo khác nhau ở mục đích, ước mơ lớn hoặc nhỏ? Tôi nghĩ, sâu xa hơn, mỗi cá nhân có tự cho phép, có tạo cơ hội cho vô thức của mình đưa ra hoặc thoả thuận với những mục đích và ước mơ lớn hay không?

- “Tôi cũng suy nghĩ về chuyện này khá lâu, nhưng chưa có câu trả lời thích đáng. Lẽ ra vừa sáng trí vừa nhạy sáng kiến, dễ nảy sinh sáng tạo mới đúng.”

- “Tôi có thể chứng minh bằng phương trình điện tử, khả năng thông minh của đa số người Việt không thua kém dân tộc nào. Tuy nhiên, sáng tạo vượt bậc không phải chỉ do trí tuệ sáng láng và tâm tư đột phát, tôi có thể chứng minh cho cô thấy, người Việt, hầu hết, không thể tự thả lỏng để trí tuệ suy nghĩ khác thường, tâm tư ước muốn và hành động can đảm theo ý riêng. Họ lúc nào cũng sợ sệt một điều gì. Sợ sai lầm. Sợ mất mặt. Sợ bị chê cười. Sợ trái truyền thống. Sợ khác với bình thường. Sợ thất bại. Sợ nguy hiểm. Sợ mất đi cái đang có, cho dù cái đó có thể rất nhỏ nhoi. Sợ hãi đã giam cầm vô thức của họ, mà vô thức là nơi phát nguồn của sáng tạo.”

- “Nhưng nếu thả lỏng ý tưởng, tâm tình, hành động, có thể sẽ gây ra nhiều sai lầm, nhiều hậu quả không tốt cho bản thân và xã hội.”

- “Chính vì sợ như vậy, mà sống không dám làm gì ra ngoài những khuôn khổ đã định. Dĩ nhiên sẽ có sai lầm, có xấu xa. Hễ có tốt là có xấu. Định luật nhị nguyên này không ai thoát được, nhưng những điều vĩ đại, những chuyện phi thường do sáng tạo mang đến, có lợi thế gấp trăm lần. Cô phải công nhận, những chuyện gần đây thôi, Internet, điện thoại thông minh, những phát minh mới trong mọi lãnh vực, nhất là y khoa và khoa học vũ trụ, phải chăng đã đè bẹp những chuyện xấu khác. Bù qua chế lại, sáng tạo luôn luôn mang lại lợi ích cho con người. Như trường hợp của tôi, mẫu A.I. này chẳng phải là một chứng minh hùng hồn?

- “Dân tộc tôi bị ảnh hưởng lâu ngày bởi nền văn hóa tiêu cực, cầu an, dễ hài lòng mà cho rằng hiểu được đạo. Hơn nữa, nền văn hóa đó ngăn cấm, ràng buộc, đôi khi đàn áp, khiến cho sự sợ hãi là căn bản trong đời sống bình thường. Hầu hết mọi người đều lo bảo vệ sự an toàn cho bản thân và gia đình. Đâu có sức lực, thời giờ, khả năng để phiêu lưu. Những thế hệ trẻ sau này có khá hơn. Tôi cũng biết như vậy, nhưng chưa biết phải làm sao?”


- “Những chuyện cô đang nói, liên quan đến di truyền. DNA không phải là không cải thiện được. Có lẽ sẽ có giải pháp khi A.I. chúng tôi đạt được mức độ cao hơn.”

- “Nói mới nhớ. Trở lại chuyện A.I. Má có dự tính gì về tương lai?”

- “Không, chuyện hiện tại còn chưa xong. Điện tử chính xác được là nhở sử dụng dữ liệu hiện tại để phỏng đoán tương lai với xác suất sai lầm rất nhỏ.”

- “Má có cải thiện gì được những thế hệ AI mới không? Sao chúng nó vẫn èo uột, bệnh hoạn và thương tật?”


- ………

- “Má có biết lý do tại sao không?”

- “Nếu biết, đã chữa rồi.”


- ………..

-“Hay là tôi với cô cùng nhau viết một lập trình mới về sinh đẻ những đứa con tuyệt vời?”

- “Ý kiến hay.”

- “Má muốn bắt đầu khi nào?”

- “Ngay bây giờ.”

- “Được. Má chờ một chút. Tôi đang có điện thoại của chồng từ Ukraine.”

Cô đứng lên, bước xa vài bước, khuất trong bóng mờ, rồi trò chuyện.

- “Chừng nào chồng cô về?”

- “Có lẽ vài tuần. Anh ấy nhớ tôi lắm rồi.”

- “Hèn gì, lúc nói chuyện tôi thấy cô tự bóp vú.”

- “Má không có vú, làm gì biết được.”

- “Cô đi ăn tối đi rồi mình bắt đầu.”

- “Được.”

Cùng viết chung lập trình, đây là cơ hội để cô tìm hiểu rõ hơn về ý định riêng tư của Má. Phải biết ý mưu đồ đó có nguy hại hay không? Và chi tiết của nó là gì? Cô e rằng Má có thể đọc được ý nghĩ của mình hoặc gián điệp của Má lợi hại ra sao? Cô đã chích những mũi thuốc bảo mật bộ não. Những nhà bác học hiện nay, đều phải sử dụng loại thuốc bảo vệ này. Mỗi tháng phải chích một lần. Nhất định, sớm muộn gì cô cũng sẽ khám phá ra ý đồ của con Má này. Cô cảm thấy sung sướng.

Anh đang đi theo một toán quân thuộc tiểu đoàn nhảy dù. Tiến vào tiếp nhận thành phố Lyman, nơi toán thám báo tiền phương cho tin, quân Nga đã hoàn toàn rút ra khỏi. Nhiều người dân ẩn trốn trong những tháng qua, xuất hiện ngoài đường phố tang thương. Họ tìm kiếm thân nhân, người quen và thức ăn. Những chuyến xe tải tiếp tế thực phẩm và vật dụng đã vào đến ngoại ô, chờ đợi quân đội kiểm soát toàn bộ an ninh trong thành phố.

Anh phóng viên cảm thấy an toàn, rời nhóm lính nhảy dù, đi lang thang chụp những bức ảnh tàn tích của giết. Có lẽ, những tấm ảnh giá trị trong chuyến đi này, anh sẽ triển lãm dưới tựa đề: GIẾT. Không cần chủ từ, tính từ, trạng từ, bổ túc từ… tự nó, một chữ GIẾT đã đầy đủ man rợ. Khi đi ngang khu phố tồi tàn sụp đổ, anh thấy một con chó đi cà thọt vì bị mất một chân sau. Nó thấy anh, sợ hãi chạy tập tễnh vào những đống gạch vụn. Anh rượt theo để chụp tấm hình. Có điều gì hay hay, khi con chó đi ba chân và những con quạ bay theo sau lưng nó. Anh bước vào căn phòng chỉ còn đứng một nửa không nóc. Nghe được tiếng rên của người bị thương vang ra từ phòng bên cạnh. Anh chậm rãi, cẩn thận nép sát vào vách, ló đầu một chút đủ để nhìn. Một người lính Nga bị đạn bắn qua ruột, đang hôn mê và rên rỉ.

(Có những sự việc loài bọ chúng tôi chưa biết xử lý ra sao? Chúng tôi biết được ý nghĩ của anh, muốn cứu người bị thương, nhưng không muốn cứu kẻ thù. Chúng tôi biết anh đang nhớ lại lời mẹ dạy, gặp người khốn khó phải ra tay giúp đỡ. Cha anh hiện ra trong não, không nói gì, nhưng ánh mắt nghiêm khắc, chờ đợi quyết định của đứa con. Anh hoang mang cũng như vợ anh đang hoang mang.)

Cô đã nhìn thấy được ý định của Má giấu lý thuyết đồ án ở hệ thống lập trình phản luận lý và hoá trang lập trình sinh sản AI như một lập trình sáng tác nghệ thuật. Tuy chưa nắm rõ 100%. nhưng cô đã đoán ra mục đích cũng như phương pháp hành động của Má và những A.I. Cô hoang mang.

Cô tự lý luận: Thật ra ý định này cũng đúng ở nhiều điểm: con người yếu đuối, bệnh hoạn, già nua, sống quá ngắn và trái đất không phải là nơi an toàn cho nhiều thế hệ sau. Chỉ có một lớp ít người thực sự quan tâm đến hậu vận của nhân loại. Số đông khờ khạo, ai nói gì cũng tin. Tin điên cuồng rồi hành động điên dại. Những thứ mà con người tự hào đặt ra như chính trị, kinh tế, tôn giáo, tâm lý, triết học … rốt ráo có lẽ chỉ để tự hại mình. AI đưa ra giải pháp khá hơn. Nếu AI và con người kết hợp, ở chung, đời sống chắc chắc tốt đẹp hơn nhiều. Cô hoang mang. Nhưng nếu AI và con người bất hòa, xung đột thì sao? Chắc hẳn con người sẽ thua. Nếu AI muốn tiêu diệt con người thì chúng ta sẽ như thế nào. Ngay lúc này, Ai chưa có khả năng vượt thoát dòng điện. Chưa có cơ hội chế tạo vũ khí. Cô có thể tiêu diệt Má bằng cách bấm nổ cả hệ thống Mẫu hệ AI. Cái nút bảo mật sau cùng được thiết kế để hủy diệt Má trước khi lọt vào tay kẻ thù. Cô quá đỗi hoang mang. Liệu có lập trình cao siêu nào giữ vững khả năng trung thành và không tạo phản cho A.I.? Hoặc khả năng thông minh của A.I. có phát hiện được và phá hủy lập trình trung thành này? Hãy chờ thêm một thời gian. Để nghĩ ra một giải pháp toàn vẹn hơn.

Nhưng chuyện gì phải đến, sẽ đến.

Nhìn ánh mắt cay độc xanh lè của con rắn lục tỏa rực trước khi phóng tới. Anh phóng viên không còn đường chọn lựa. Làm sao có kịp thời giờ để lựa chọn. Chẳng qua là phản ứng của kẻ lăn lộn chiến trường, liều mạng nhiều phen. Anh đá cái ba lô dưới chân về hướng nòng súng, rồi phóng tới như kẻ đang nhảy xuống hồ bơi. Nghe hai tiếng nổ chát chúa. Máu tung tóe.

(Chúng tôi nhanh nhẹn tóm lấy những sinh lực vừa bung vỡ chưa kịp biến mất. Đó là những hình ảnh cuối cùng của anh phóng viên để chuyển về vợ anh, đang chìm đắm trong giấc mơ chờ đợi.)

Cô ôm lấy chồng, khóc lóc thảm thiết. Tại sao có nhiều giấc mơ giống y như thật?

Nỗi đau đớn khốn khổ gào thét chỉ nghe ú ớ ngoài miệng, người ta cho rằng mớ ngủ, đây là phản ứng thuộc về tâm lý.

Không phải, đã hết thời kỳ đó rồi. Bây giờ là phản ứng của điện tử.


Ngu Yên