có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 11 03, 2022

Một Chút Ngậm Ngùi




Mở cánh cổng, lách người vào trong sân. Cánh cổng làm bằng tre như muốn ngã xuống, bệ rạc, lâu ngày không ai chăm sóc cột dây cột nhợ lại. Thấy tôi, chị Phượng bước xuống hiên. Vừa đi vừa nói. Tôi nghe trong giọng nói của chị vui vui:

- Nghe cậu về thăm. Chờ mãi.

Tôi cũng vậy. Gặp lại chị là đã vui rồi. Tôi hỏi:

- Còn chị và bác, khỏe chứ ?

- Nay trở trời, mai trở nắng, bà mệt mỏi hoài.

- Để tôi vào chào bác.

- Thì trước sau gì, cậu cũng phải vào nhà mà.


Nắng như đứng trên những ngọn cây. Khoảng sân trước nhà mát rượi. Không như ở bên ngoài khi tôi vừa bước xuống xe lam bên cạnh đường rầy xe lửa. Nắng như đổ lửa xuống trên những thửa ruộng nứt nẻ, và trên những thanh tà vẹt như muốn bốc hơi trên những viên đá sỏi nhẵn bóng. Tôi phải xuống nơi đây, đi dọc theo đường rầy xe lửa để tới nhà chị. Đi tắt như thế nhanh hơn, để khỏi phải đi vòng về phía chiếc cầu gỗ. Bây giờ thì tôi không biết chiếc cầu đó có còn hay bị nước cuốn trôi đi vào những mùa mưa lũ, hay đã làm lại bằng chiếc cầu đúc xi măng, tân tiến? Đã lâu, thật lâu, chiếc cầu gỗ mà tôi vẫn còn nhớ tên: Cầu ông Bảy . Người dân quê có cái hay, ai làm nên một cái gì đó cho làng cho xóm thì người ta đặt tên để con cháu sau này ghi lòng khắc dạ. Khỏi cần phải làm bảng đồng hay bia đá làm gì.


Đi vào nhà, tôi đưa mắt nhìn về phía cuối vườn, xem có còn cây điệp nơi đó hay là đã bứng đi rồi. Cây điệp vẫn còn nơi đó, già cỗi, lá trên cành trơ trụi. Chị Phượng hình như biết ý, hỏi:

- Cậu tìm cây phượng?

Tôi cười. Đưa cánh tay cán vá cho chị xem. Chị nói:

- Tôi tưởng cậu bị nhánh phượng đâm lủng ruột lúc đó rồi chớ. Ai cũng lo - Vừa nói chị vừa cười.- Thế mà vẫn vào lính được nhỉ?

- Việc gì rồi cũng quen đi chứ.

Tôi lại đưa cánh tay cán vá trái lên lần nữa . Rồi nói đùa:

- Thế mà nâng súng giỏi lắm đó chị ạ.

- Tôi biết rồi. Mười năm phải không?

- Vâng. Đúng mười năm. Để trả cho cái giá mười năm đó, tôi phải trải qua 7 năm trong tù. Bây giờ về thăm chị tôi cứ ngỡ là chị đã bứng cây điệp đi rồi.

- Mẹ không cho. Bà bảo: nơi góc vườn đó chẳng đụng tới ai. Tới mùa ra hoa, để có mà cắm trên bàn thờ ông bà.Vì vậy mà nó còn.

Rồi chị hỏi tôi:

- À ! Mà sao hồi nhỏ cậu thích ăn trái điệp ghê vậy?

- Lúc đó chị không thấy cái bụng tôi sao. Mẹ tôi nói ăn trái điệp, trái táo nhơn trị được bịnh sán lãi. Tôi nhiều sán lãi lắm cho nên cái bụng chình ình?

- Thật không?

- Tôi đâu có biết. Mẹ tôi nói sao tôi nghe vậy.

Nghe tôi nói. Chị cười.Tiếng cười nghe thật vui trên khoảng sân mát bóng cây vú sữa. Dù hôm nay, nhìn chị thấy chị già.


*

Ngôi nhà vẫn u tịch như thuở nào. Mặc dù có chút ánh sáng từ trên mái ngói rọi xuống xuyên qua vài ba miếng kính hình chữ nhật, nhưng không làm sáng căn phòng khách bao nhiêu. Bác tôi ngồi trên tấm ván bằng loại gỗ mun, đen bóng, nhặt từng cánh trầu không lên xem, dùng con dao nhỏ thật sắc cắt xén, tỉ mỉ rồi đặt những lá trầu đó lại trong cái khay cũng làm bằng một loại gỗ quý. Tôi chào bác tôi, sau khi bước qua ngưỡng cửa. Bác tôi hỏi:

- Nghe nói con đi, mà khi nào thì đi?

- Dạ, cũng chưa biết.

- Đã có hộ chiếu chưa?

- Dạ rồi.

- Chắc không lâu đâu. Rồi con có ý định về thăm lại nhà không?

Tôi ngập ngừng trước câu hỏi của bà. Một chặp, bà nói:

- Việc gì mình cũng phải suy nghĩ trước chứ.

- Ngoài tầm tay con mà, bác.


Bà ngồi im têm trầu, rồi nhìn lên tấm ảnh được phóng to treo giữa nhà. Tấm ảnh của bác trai tôi mặc bộ quần áo đại cán. Đầu không đội nón. Tôi thấy tóc ông chẻ đường ngôi giữa. Trang nghiêm. Tấm ảnh này có lẽ bác gái tôi dấu kỹ ghê lắm ở đâu đó trong thời chiến tranh. Hôm nay mới lấy ra rọi lại cho lớn, treo giữa nhà như một miếng bùa hộ mệnh gia bảo: gia đình liệt sĩ. Cũng vì tấm ảnh này mà chị Phượng suýt vào tù, có lẽ cũng phải mất nhiều năm trong tù. Cũng có thể là chị được trao trả cho phía bên kia, mà tôi biết chắc là chị không bao giờ thích phía bên đó. Cho dù cha chị còn sống.


Nghe tôi nói, bà bỏ chân xuống bộ ván, đi tới tấm ảnh, nói như chính bà đang nói chuyện với chồng bà: như vậy là thằng cháu ông lại ra đi. Tôi nghĩ để cho nó đi còn an tâm hơn là phải ở lại. Không biết còn có chuyện gì xảy ra nữa cho nó hay không. Nhìn lại, hai bác cháu, hai ý nghĩ chống chọi cùng với thằng con của ông. Mặc dù ông đã nằm xuống lâu rồi, nhưng bạn bè ông vẫn còn mang trong người những tư tưởng không thay đổi của thời mới nổi dậy chống Tây, sẽ làm khổ cho nó.


Bà nói nhỏ trong ngôi nhà chỉ có tôi, bà và chị Phượng nghe. Tôi nghĩ, dù gì bà cũng có học. Vốn liếng chữ nghĩa của thời Tây đã dạy cho bà biết được nhiều điều. Bà làm y tá cho bệnh viện. Còn bác tôi làm thư ký cho nhà ga xe lửa. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp rầm rộ thời đó, đám thanh niên theo Tây học có tinh thần yêu nước, bỏ lên rừng kháng chiến. Mấy tháng sau, bọn mật thám Pháp biết được bắt bà nhốt dưới nhà lao tỉnh hơn một năm rồi thả về. Bệnh viện không cho bà làm nghề y tá nữa, bà về quê, định cất cái cốc để tu trong khu đất của ba mẹ bà. Nhưng ý định đó bà không thực hiện được, vì trong bóng đêm lại có những bước chân của những con người bí mật, âm thầm trở về, rồi cũng âm thầm ra đi. Những lần âm thầm như thế, bà mang thai chị Phượng, rồi sau đó là anh Ban. Xóm làng ai cũng biết bác trai tôi về, nhưng ai cũng giấu. Làng quê hình như được giấu kín những chuyện về ban đêm để cho những bóng đêm về hoạt đông bên trong những lũy tre, mà dưới đó là những hầm, những hố trốn bom đạn. Đến khi Tây rút, bà cũng bị chánh quyền miền Nam bắt giữ, điều tra, gạn hỏi đủ điều về bác tôi. Ông sống hay chết sau này không ai trong gia đình biết; vì bác tôi không bao giờ trở về nữa. sau 1954.


Chị Phượng lớn lên càng đẹp làm cho những người bạn đồng nghiệp với chị mê mẫn khi chị về làm ở bệnh viện tỉnh. Chị chọn nghề y tá như mẹ chị ngày nào. Còn anh Ban thì nhập ngũ sau tôi đâu hai ba khóa gì đó. Ra trường anh chọn đi sư đoàn 2, đóng quân ngoài Quảng Nam, Đà Nẳng. Lên thiếu úy thì mất. Xác được đem về chôn trong khu đất của gia đình. Để ngày ngày bà ra ngồi nơi cách cửa phiá sau nhà nhìn ngôi mộ của anh mà buồn da diết. Cha theo về phía bên kia. Con cháu về phía bên này. Cứ đánh nhau hoài. Bà ăn chay niệm Phật hằng đêm để cho cha con đừng giáp mặt nhau. Nhưng làm sao biết được, có thể cha con cùng đánh nhau trên một mặt trận mà không hay biết. Chiến tranh kỳ quặt, rõ ràng nồi da xáo thịt trong ngôi nhà của bác tôi.


Tôi nhớ có lần về thăm nhà, lên thăm bác lại gặp chị Phượng. Tôi hỏi:

- Chị không đi làm?

- Đuổi rồi. Về nuôi vịt, nuôi gà cho vui.

- Sao lạ vậy?

- Người ta nghi tôi liên hệ với những người trên núi.

- Tôi cũng nghe nói chị lên rừng mà.

- Không . Tôi chỉ tới quận T.L gặp người ta đưa cho tôi tấm hình của ba tôi. Rồi ra về. Ổng đã chết lâu rồi. Làm sao mà gặp.

- Nhiêu đó chị cũng mọt gông rồi.

Rồi chị nói:

- Tôi cũng nghĩ như cậu. Nhưng tình máu mủ làm sao bỏ ổng được. May có người bạn làm ở ty công an bảo lãnh cho. Không, chắc phải vào lao xá. Khi tôi đem tấm hình về, cậu biết, tội bà, bà cầm tấm hình nhỏ trong tay, bà khóc. Rồi bà tới bên bàn thờ của thằng Ban, nhìn hình nó mặc bộ quân phục khi nó còn học trong quân trường. Tôi thấy bà níu cái cạnh bàn thờ, bà qụy xuống. Tôi nghe bà nói: trời ơi chi mà lạ lùng vậy trời. Tôi sợ bà xúc động quá, bà xỉu. Chạy tới đở bà đến ngồi trên bộ ván hỏi: mẹ có sao không? Bà không nói , im lặng với hai hàng nước mắt chảy. Tối hôm đó, mưa rớt nặng hạt bên ngoài. Tôi mất nhiệm sở. Thằng Ban mất. Ông già chết. Tôi hỏi cậu không buồn sao được trong ngôi nhà này?


Tôi đến bên bàn thờ của Ban. Tấm ảnh như bao nhiêu tấm ảnh khác mà anh SV nào cũng chụp khi qua giai đoạn hai, để làm kỷ niệm chín tháng quân trường. Con cá có đuôi đeo trước ngực. Cái mũ beret màu xanh đậm đội lệch qua bên trái vẫn còn thấy rõ ngọn lửa xuyên qua thanh kiếm. Tôi nhớ bốn chữ “cư an tư nguy” trên phù hiệu của quân trường như hiện rõ trên gương mặt của từng anh em trước khóa, sau khoá hay cùng khóa mà tôi đã trải qua bao nỗi nhọc nhằn luyện tập. Bây giờ người anh bà con của tôi nằm xuống cho mảnh đất được “ cư an ” hôm nay. Tôi hỏi chị:

- Dạo này có an ninh không?

- Ban ngày thì không sao. Nhưng đêm không bảo đảm. Rồi chị hỏi tôi: Cậu nhớ thằng Hợi, thằng Toán?

- Nhớ. Nó sao rồi?

- Bị bắt lên rừng .

Mảnh đất mà bao người dân muốn an cư sau chiến tranh chống Pháp đó, có còn được an cư không, khi nghe chị nói thằng Hợi, thằng Toán bị bắt dẫn lên rừng. Trong bóng đêm, ai đó cứ âm thầm, lén lút trở về làng, như hồi nào còn Tây, bác trai tôi, ngày đó cũng lặng lẽ, dò dẫm trong đêm khuya về , để rồi có chị Phương và anh Ban.


*

Buổi chiều xuống vội ngoài vườn. Những tia nắng yếu ớt còn vướng trên những ngọn cây như tiếc nuối một ngày sắp tắt. Những ngày ở lại thăm nhà bác, tôi hay ra nằm dài trên mộ Ban. Ngôi mộ trải cỏ xanh, êm ái được cắt xén chăm sóc tỉ mỉ mỗi ngày, như chơi với anh một lần cuối, trước khi ra đi. Lần ra đi này chắc là vĩnh viễn không bao giờ trở lại để thăm lại ngôi nhà của bác, để nhìn lại gốc phượng già, cằn cỗi nằm ở cuối sân mà những ngày thật xa xưa đó tôi té bị gãy tay, vì ham hái những trái phượng. Ngôi nhà mà mỗi ngày thật đều đặn như cái đồng hồ điểm báo thời gian khi những chuyến tàu chạy ngang qua trước cổng nhà. Hôm nay cũng thế. Cũng vẫn những chuyến tàu chạy ngang qua nhà. Nhưng chắc chắn không còn có những đứa con nít nào có cái bụng lớn chình ình như tôi đứng bên hàng rào đưa tay vẫy chuyến tàu chạy ngang qua chỉ trỏ, cười nói cùng với Ban. Hôm nay đứa trẻ có cái bụng ỏng đó đã trải qua bao nhiêu thăng trầm trên đôi vai, với bao nỗi oan khiên của cuộc đời, để rồi ngày mai, nó phải ra đi, thay đổi một nơi ở thật xa , bên kia bờ đại dương xa thẳm.


Hai ngày ở nhà chị, tôi lang thang trong khu vườn cũ. Để rồi chiều xuống tôi ra ngồi nơi mộ Ban nhìn những bụi hoa tứ quý màu trắng, màu tím xen với những bụi huỳnh anh màu vàng nhạt mà chị Phượng trồng chung quanh mộ, tạo cho ngôi mộ của Ban có cái gì gần gũi giữa người sống và người chết mà bác tôi muốn như thế. Hai hôm ở nhà chị lúc nào chị cũng nói: thằng Ban nó đâu có chết, phải không cậu?


Nằm chơi bên mộ Ban. Tôi nghĩ : cuộc chiến tranh nào xảy ra cũng mang đến cho nhân loại bao nỗi buồn. Nhất là cuộc chiến tranh trên quê hương tôi. Mà gia đình bác tôi là một. Cha con ở hai phiá cũng vì khác nhau ý thức. Con bên này. Cha bên kia. Để rồi đến hồi kết cuộc: cha chết từ một cánh rừng nào, âm u, vợ con không nhìn thấy mặt. Có chăng chỉ còn lại một tấm hình, với mái tóc chẻ ngôi giữa, mà suốt đời bác gái tôi cất kỷ. Hôm nay mới đem ra phóng lớn treo giữa nhà. Còn anh Ban, nằm đó, bên cạnh nhà, nhưng mãi mãi vẫn là không. Khi trên bàn thờ hai tấm hình của hai người thân mang hai bộ quân phục khác nhau /.