có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 11 21, 2022

Cape Reinga, một biểu tượng nơi đảo Bắc New Zealand


Mũi Cape Reinga. (Hình: ATNT Tours & Travel)

New Zealand là một quần đảo (gồm hai đảo lớn là North Island, South Island, và đảo nhỏ Stewart Island) nằm cuối phía Nam Thái Bình Dương (South Pacific Ocean), sát đường ranh phân chia ngày-đêm (International Date Line) của trái đất.

Nhờ vào một vị trí địa lý riêng biệt, xa cách hẳn với các châu lục và được tạo hóa ưu đãi cho núi rừng xanh tươi quanh năm nên đảo quốc này nổi tiếng với nhiều thắng cảnh thiên nhiên.

Nếu bạn chỉ có dịp đến du ngoạn đảo Bắc (North Island) thì bạn không thể bỏ qua các thắng cảnh như Bay of Islands, Cape Reinga và Ninety Mile Beach là những nơi thu hút nhiều du khách từ khắp nơi thế giới.

Cape Reinga được xem như là điểm cực Bắc của New Zealand vì đây là nơi xa nhất mà du khách có thể đến thưởng thức khoảng không gian đẹp nhất của vùng mũi đất Reinga. Tuy nhiên, trên thực tế thì người ta còn phải đi thêm khoảng 60 km đường biển nữa, gặp ba hòn đảo nhỏ Three Kings Islands thì đó mới thực sự là điểm cực Bắc của New Zealand.

Ở ngay vị trí Cape Reinga, người ta được thưởng ngoạn cảnh biển Thái Bình Dương (Pacific Ocean) gặp gỡ biển Tasman Sea. Hai dòng hải lưu tạo ra các luồng sóng trái ngược và hòa nhập với nhau. Nhưng người thổ dân Maori bản địa thì tin rằng đó là nơi thần biển nam gặp gỡ hẹn hò với thần biển nữ. Truyền thuyết này tạo cho du khách cảm thấy một chút thơ mộng khi đến đây.

Tuy là nơi giao hòa của hai dòng hải lưu nhưng vùng biển Tasman Sea – Pacific Ocean này lại có nét hiền hòa dịu dàng hơn vùng mũi đất Hảo Vọng (Cape of the Good Hope) của Nam Phi là nơi gặp gỡ của hai biển Pacific Ocean và Atlantic Ocean. Ở đó luôn có những con sóng cao và các cơn gió lớn lồng lộng thổi quanh khiến Mũi Hảo Vọng có một truyền thuyết về con thuyền ma, chơi vơi giữa biển cả mà không làm sao cập bến bờ được.

Còn mũi Cape Reinga của đảo Bắc New Zealand có lẽ nhờ vào sự hiền hòa của vùng biển mà ở đây dân gian lại tạo ra một truyền thuyết khác nhẹ nhàng hơn. Hơn thế nữa, thổ dân Maori xưa kia còn tin rằng Cape Reinga là nơi linh hồn của họ sau khi rời thân xác trần gian thì đều hội tụ về đây để nhìn lại ba hòn đảo vua (Three Kings Islands) lần cuối trước khi linh hồn họ vĩnh viễn xa rời cố quận trần gian để đi về một miền đất mới.

Du khách ra mũi Cape Reinga. (Hình: Yogendra Negi/Unsplash)

Trên đỉnh đồi cao của Cape Reinga, một ngọn đèn hải đăng mới được xây dựng lại từ năm 1941 để giúp thuyền bè lưu thông an toàn vào những ngày trời bão tố. Ngọn đèn cao hơn 10 mét xây đứng ở trên một vị trí cao 165 mét và có kiến trúc rất đẹp. Một cột mốc chỉ phương hướng và khoảng cách của các thành phố lớn trên thế giới cũng được dựng ở đây, tạo ra một nét lạ lẫm của khu đồi tháp.

Đi lên trên một đồi cao, nhìn về không gian ngọn đèn hải đăng, tôi mới cảm nhận được sự khác biệt không gian hiền hòa và bão táp giữa hai mũi đất Cape Reinga và mũi đất Hảo Vọng Nam Phi. Mỗi nơi cho du khách mỗi nét đẹp và sự cảm nhận hoàn toàn khác nhau giữa dịu dàng và cuồng nộ. Ngày nay, Cape Reinga đã trở thành một biểu tượng cho đảo Bắc New Zealand.

Thắng cảnh tại Cape Reinga. (Hình: David Maciejewski/Unsplash)

Rời Cape Reinga, du khách bắt đầu xuôi Nam, hướng về Ninety Mile Beach. Nếu Cape Reinga cho du khách thưởng ngoạn một không gian từ trên cao nhìn xuống hai biển Tasman Sea và South Pacific Ocean thì Ninety Mile Beach lại cho du khách một không gian hoàn toàn biển và cát. Chưa bao giờ tôi có dịp chứng kiến một bãi biển dài thẳng tắp, con đường bờ biển do cát tạo ra rất rộng, rộng có đến cả hai trăm thước.

“Ninety Mile Beach” có phải là con đường dài đến 90 dặm không? Tôi cũng không biết rõ lắm tại sao nơi đây lại có tên là “90 Mile Beach” vì thực sự con đường cát biển này chỉ dài khoảng 55 dặm, người hướng dẫn cho biết là khi xưa các vị truyền giáo đi qua nơi đây bằng ngựa.

Thông thường thì ngựa đi được khoảng 30 dặm một ngày. Các vị thầy này đã đi mất ba ngày trời mới hết đoạn đường nên vì thế con đường mang chết tên là Ninety Mile Beach. Sự sai biệt này người ta đổ thừa là tại ngựa đi trên cát nên tốc độ chậm lại. Nhưng điều này không ảnh hưởng đến con đường “cát biển” tuyệt đẹp này. Điều quan trọng nhất là du khách được xuống xe tour để vui chơi với cát và biển.

Đoạn đường biển 90 Mile Beach và Motupia Island. (Hình: Soumya parthasarathy/Unsplash)

Có đứng ở không gian này người ta mới cảm nhận nét đẹp thiên nhiên khó có thể phai nhòa trong ký ức của mình. Không gian “90 Mile Beach” không thể diễn tả bằng ngôn ngữ mà phải là “sự chứng kiến và cảm nhận” lấy không gian đó. Chỉ có bạn, biển, cát, và những cánh chim hải âu! Không một hàng quán hay nhà cửa nào hiện diện ở không gian này. Điều này cho tâm tư du khách hòa mình vào với không gian thiên nhiên một cách nhẹ nhàng êm ái.

Có lẽ mũi đất Cape Reinga và Ninety Mile Beach là hai nơi chốn lưu lại nhiều hình ảnh êm đềm và khó quên nhất cho du khách sau khi rời North Island.

Bản đồ phía cực Bắc North Island (với Cape Reinga) của New Zealand. 
(Hình: ATNT Tours & Travel)

New Zealand là quần đảo cuối cùng được nhà thám hiểm hàng hải người Anh James Cook đổi tên thành New Zealand trước khi ông tử nạn tại Hawaii năm 1779. Không biết ông đã có dịp chiêm ngưỡng nét đẹp của Ninety Mile Beach không. Sử sách ghi lại ông đã đi hết một vòng đảo quốc này trước khi ông lên đường hướng về Hawaii. Ông chỉ là người khai phá và hậu thế được tận hưởng tất cả các nét đẹp để lại từ ông.

Tôi vẫn mơ ước một ngày nào đó, được lang thang ở cực tận cùng Đảo Nam (South Island) của xứ sở chim mỏ dài Kiwi để nhớ về James Cook. 


Trần Nguyên Thắng