có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 10 26, 2022

Gò Bồi Bên Kia Sông



Buổi sáng vào đầu mùa hạ, chiếc cầu gỗ, được toán công binh Đại Hàn dựng tạm trên giòng sông Gò Bồi, đã bị đốt để quay phim. Không còn ai để ra bờ nhìn ngọn lửa, đang từ từ thiêu dần những mãnh ván, những cột gỗ trên giòng sông xanh. Chỉ trừ đám dân quê đang ngồi trên hai chiếc sà lúp, được thuê từ các vùng an ninh. Họ đội nón lá, mang áo quần rách rưới, bên cạnh những nồi đồng, rế mây, thúng gạo. Chỉ trừ đám lính Đại Hàn, súng cầm tay, nhìn xuống cười rộn rã. Chỉ trừ tiếng la hét của người đạo diễn, dưới một cây đa trụi lá. Máy phóng thanh cầm tay, mãi mãi rít lên những âm thanh xa lạ, nhức nhối như ánh nắng chói chan trên giòng nước. Con sông đang khóc, những giọt lệ của người dân quê đang chảy, chiếc cầu gỗ, nối giữa hai vùng đất mầu mở; chợ huyện, chợ Dinh, sáng chiều em buôn gạo, anh đội nón lá hút thuốc rê, vác cuốc thăm đồng, sáng chiều, toàn là nhớ trông, trông nhớ. Và cả khu nhà gạch ngói đang loi ngoi thoi thóp trên bờ cũng phải khóc. Những ngôi nhà gạch trốc mái, vở vụn, những bức tường loang lỗ, da thịt, còn ghi đậm những hàng chữ kháng chiến, chiến khu, còn xui giục đấu tranh giai cấp, còn hận thù, còn hoan hô, còn đả đảo và ngôi nhà thờ đạo, chỉ còn lại cái tháp chuông, và lồng sâu hun hút gió. Gò bồi, gò bồi em vác cuốc thăm đồng. Gò bồi, anh vác mo cơm nếp… Gò bồi được sống lại, đột nhiên trở mình, vào cuốn phim ngoại quốc. Gò bồi bắt đầu cháy, từ chiếc cầu, từ mái nhà, từ chuồng heo. Gò bồi, bừng dậy trong tiếng lửa reo, và hơi gió nóng, trong đôi mắt hầu như thản nhiên của đám dân quê.

Người lính đã trở về chốn cũ khi chiếc cầu ván đang âm ỉ cháy. Anh nhảy xuống xe, phủi bụi đỏ, chống cây súng vào bờ đá ong. Tiếng la, truyền lệnh từ chiếc máy phóng thanh. Người chuyên viên đang sửa soạn thâu cảnh đoàn người tản cư được di tản từ vùng lửa đạn qua bên bờ an ninh bằng những chiếc sà lúp của Đại Hàn. Vài ba người lính ngoại quốc đang bơi đẩy xuồng ra xa. Người lính đã ngồi trên đá, nghĩ lại chuyến đi, cảm thấy ớn lạnh. Con đường đỏ, đầy hố, qua một vùng thê lương. Làng xóm ở hai bên đường đã trở thành tha ma hoang phế. Những bụi tre khuất những mái nhà tranh lâu đời không người, và những kênh hồ đen thẩm. Đó là nơi ẩn dấu tốt đẹp cho những người du kích từ phía bên mật khu qua hay những cuộc phục kích bất ngờ xảy đến trên lộ trình. Người lính đã di chuyển bộ, sau đám lính súng cầm tay, mở đường đàng trước, trong khi những toán nhỏ tiến sâu vào bên trong. Người lính đã trở về quê hương của hắn. Mười tám năm trước đây, ta đi học xách cà mèn, cơm mắm thơm mùi gian khổ, dưới những trận bom của tàu bay Tây, trong ánh lửa bập bùng của ngọn đèn dầu hỏa. Mười tám năm trước đây, giấy bổi học trò, thầy dạy cho ta thế nào là cuộc đời cơ cực của những ngày kháng chiến. Anh cảm thấy run sợ. Thế mà mười tám năm đã bay qua như một làn mây khói. Anh đi vất vả, bước chân như nặng nề lê trên con đường đất đỏ, và con tim anh trở nên loạn xạ, thình thịch trong lòng ngực. Ở từng vuông đất, từng bờ bụi, từng gốc mù u, gốc đa rậm kia. Anh đánh hơi được những kỹ niệm trong sáng của một thời ngây thơ. Buổi trưa, anh nằm dưới gốc cây mù u, nghe đàn sáo ríu rít trên cành, và lũ chim tu hú vào mùa lúa chiêm, tu hú, tu hú, như đem anh vào một giấc ngủ, đầy mộng mơ, đầy thiên đường tuổi nhỏ. Anh vẫn thấy những trái mù u, đỏ sậm; những trái mù u, đã bị những con chim sâu cắn tróc vỏ, đầy dẫy trên bờ cỏ.

Buổi chiều, anh ra đứng trên cầu gổ, nhìn giòng sông dưới ánh hoàng hôn. Con sông tối thẩm hai bên bờ, và lấp lánh một màu bạc trắng ở khúc giữa. Đàn vịt đang lội trở về, và những con trâu mình đen bóng, vẫn còn tắm nước. Đó là một hoàng hôn kỳ diệu, anh nghĩ vậy. Lần đầu tiên, anh tự dưng xúc cảm. Trời đất như trở nên buồn bã. Màu sáng le lói ở khoảng trời cao, như cố gượng một giây phút, cũng như con đường đất đỏ kia, chạy thẳng băng về quận, như đìu hiu hơn trong màu nhá nhem. Anh vẫn đứng yên, trong những cơn gió ru nhẹ nhàng, gây gây lạnh da thịt anh.

Tiếng đại bác của một đồn Đại Hàn bên kia sông, bắt đầu nổ dòn, về hướng núi Bà. Những vệt đạn lửa, phụt bay trên không rồi phụt tắt. Chóp nhà thờ nổi bật, thật đen, trên nền trời sâm sẩm, và còn gợn một chút sáng đỏ dịu dàng. Chóp nhà thờ, như một người cô độc, hiện bên cạnh những cành cây khẳng khiu và xơ xác, như một bức tranh tỉnh mạc. Anh bỗng nhiên thèm những tiếng chuông chiều ròn rã trên tháp. Nhưng không, tất cả chỉ là một nỗi hiu quạnh, vô chừng, lồng trong một khung cảnh chiến cuộc kế cận, như ve vuốt từng mãnh không gian, nhu lỡn vỡn từng cõi không khí… Súng Đại Hàn, mỗi một lúc lại bắn dữ dội. Đạn lửa lại tiếp tục hiện, rồi tắt, hiện rồi tắt. Một toán lính Đại Hàn, bắt đầu di chuyển bên bờ sông, hình bóng mờ nhạt, nặng nề. Dưới những gốc dừa trơ trụi, là một dãy nhà ngói, nhà gạch đã bị chiến cuộc phá hủy. Những vách tường lỡ lói, hiện những lớp gạch màu đỏ sẩm, như da thịt bốc trần từng mảnh một, những mái ngói bị trốc, và những nền xi măng vỡ vụn từng đống gạch. Dãy nhà thảm thê, nhìn xuống giòng sông chiều mà anh ngỡ rằng, chúng đang khóc cùng sông, cùng nước, cùng đất trời: những tàn tích của chiến tranh, binh lửa đang xảy ra trên quê hương anh.

Anh đã đứng yên, và lòng thì vô cùng xúc động. Một người lính nào đã đi qua cầu, ván run lên từng nhịp, vĩ sắt thì rên xiết dưới những bước chân. Đàn vịt đã lên bờ, trâu đã lên bờ chỉ còn lại một con sông sẩm tối, chảy giữa hai bờ tre. Chóp nhà thờ bây giờ chỉ còn một chấm nhỏ, rất mơ hồ, bên chòm cây trụi lá. Những buổi chúa nhật, biết còn những con chiên đến quì gối đọc kinh, những người con gái ngoan đạo dịu dàng bước vào của thánh. Biết còn những hồi chuông gọi kẻ trở về. Biết ai qua đây, cúi đầu xuống, để lắng nghe trong tâm hồn mình một hồi chuông dĩ vãng. Ở đây là đâu. Anh nhìn con đường đất đỏ, hiu quạnh, giữa một đồng khô cỏ cháy, bao la trước mặt anh, anh cứ ngỡ, ở đó, là những bụi xương rồng đã bám dầy dặt từng hang đá, những con kỳ nhông, rực lửa, tự do trên những ngôi mộ ngàn xưa của một thời hậu chiến.

Con sông vẫn bình thản chảy, như thời gian đã trôi qua, ở đây, thời gian sẽ dừng lại vĩnh cữu, thời gian sẽ khóc cùng những mái ngói trốc lở kia, những tường vách trơ thịt, đỏ sậm kia, những lổ đạn chi chít trên kia, và ở dưới sâu lòng đất, sẽ là những xác người nằm an giấc. Mỗi người qua đây, sẽ soi mình xuống giòng nước, cũng như một dãy phố tiêu điều đã nhìn xuống đáy sông này, để nhận rõ thế nào là một sự bất hạnh của con người… Anh thấy mơ hồ, trên con đường xa tít mù khơi, một đoàn người khăn gói, tiều tụy, bồng bế nhau lếch thếch, tránh nạn ra đi. Gò bồi, ngày xưa, gò bồi, mang đất phù sa vào từng ruộng đồng, từng vườn trái, từng ao nhà, từng nương bắp… Ở đây, có những người suốt đời làm thân viễn xứ, mà khi trở lại, đi trên những cái nền đổ điêu tàn, mà ôm mặt khóc… Anh biết có một người đã trở về sau mười tám năm. Ngày hắn ra đi, vào năm 14 tuổi, và hắn trở về, thì đã 32. Ngày hắn ra đi, chân vẫn còn đi đất, đôi vai vẫn nặng trĩu những nỗi khốn khổ của ly loạn, của những ngày trốn dưới hầm, dưới biển, trong những lần Tây đổ bộ, Tây trên trời nhảy dù.

Bây giờ, anh đã trở lại. Vào mùa hè, mà đam cu đất, ngơ ngác tìm ăn. Một nỗi xúc động vô biên, đến trong hồn anh, khi anh thấy cái bóng mờ nhạt của ngôi nhà thờ, khuất sau những chòm hoa phượng đỏ, và những cành lá xum xuê. Anh thấy rõ một phần nóc nhà thờ màu đỏ, và chiếc thập tự giá đìu hiu trên nền trời chiều. Ở đó, có vẽ gì âm u và thê thiết. Ở đó, làm sao anh đến được. Chắc gì, cách con đường đất đỏ mà anh đã qua, không một bóng người du kích? Anh bước qua mỗi bước như dẫm trên bao nỗi sợ hãi, lo âu. Từ khi ra khỏi bót gác của Đại Hàn qua những hàng dây kẽm gai, những ụ cát, anh đã nhận rõ những cành phượng vĩ khô, gầy guộc, như những nanh vuốt của một con quái vật. Súng đã bắt đầu lên đạn, mở khóa an toàn, chĩa về hai bên đường. Đây là một ngôi nhà gạch, đổ nát giữa một vườn rậm, xum xuê màu xanh bát ngát. Đến khúc nữa là một hồ sen, với những búp sen hồng mịn, ẩn hiện giữa đám lá, và đến một khúc nữa, là những cây đa, to lớn, tỏa bóng rợp cả một vùng. Nó nhắc lại trong lòng anh một quãng ấu thời. Nó làm anh thèm và tiếc. Nó đang trình bày trước mắt anh , như một tiếc nuối đẫm đầy nước mắt. Con đường vẫn trải dài, như thể luồn vào giữa một khu rừng hoang đường. Đường càng xa, càng trở nên xanh thẩm, mà bước chân anh cũng vẫn chưa quấn quít, bối rối. Những con mắt vô hình như lưởi dao sắc, lạnh băng, sẳn sàng nuốt da thịt. Anh đến một chiếc cầu mới sữa chữa. Những móng nền còn đúc, những tấm ván còn bắt lên, lở dở… Một công trình mây khói, anh nghĩ. Tại sao, mỗi buổi sáng, buổi chiều, con đường vẫn phải được mở đường, vẫn phải được những người lính dò mìn, và ở từng khoảng, những nỗi bất trắc, hiểm nguy sẵn sàng xẩy ra. Oi, mấy chục triệu cho một công trình mây khói. Bước đi mỗi bước lòng anh như chùng xuống, như một đám mây chì xám. Nặng nề trên một bầu trời sắp mưa.

Những chùm hoa phượng đỏ, rợp trên nóc ngôi nhà thờ, đã làm anh buồn đến rơi nước mắt. Từ con đường này đến đó, chỉ cách một cánh đồng, thế mà, chẳng khác một con sông ngăn cách. Ở đó, là sự chết. Dưới bầu trời sáng mai, tuy trời rất trong, và gió hây hây thổi, mồ hôi anh đã bắt đầu thấm trên áo. Anh theo đám người đi trước, tiến xa cách đường một khoảng, và tiếp tục từng đợt, vào chiếm từng ngôi ấp nhỏ. Lũ cu đã bay tung lên, bất ngờ, đôi cánh đập hối hả. Đám người đàn bà con gái đã lom khom dưới đồng, chẳng buồn ngước mắt nhìn đám lính đang vượt qua cánh đồng. Bước chân anh bắt đầu mõi, và như sắp sữa lê trên ruộng đất khô nẻ. Nhưng anh vẫn đi, như ngủ, như để cái thân thể của mình trong cõi đất trời. Anh bỗng liên tưởng đến cái chết của một người bạn. Hắn bị phục kích trên con đường hắn mở mỗi ngày, vào một buổi sáng dưới chân đồi NORA. Hình ảnh một người bạn nằm sắp ngữa giữa bờ suối cạn, thân thể thì đầy vết đạn, nó gợi vào lòng anh một nỗi sợ hãi không đâu. Một nỗi sợ hãi đến lạnh mình.

Và ấp cuối cùng, bọn anh đã dàn hàng ngang, la hét rền trời, chạy tông cửa, tông nhà vào… Chiến tranh là vậy. Ở đây, chiến tranh xảy ra mệt mỏi và buồn nản. Con đường đã chia ra hai miền. Háo Lễ, Nho Lâm, Tân Dân, An Cữu, và cái dãy núi Bà, u ám, trọc lóc, như vùng đất nghèo nàn, nứt nẻ mà anh đã qua, có khi nào anh trở lại. Ngôi chùa Háo Lễ Đông, Xóm đạo nhà thờ Tây, những cái hồ sen, cá trắng phơi mình trên mặt nước, những chòm hoa phượng thắm dại, ngất ngây dưới nắng kia, sẽ là những kỷ niệm đầy nước mắt. Hết rồi, buổi mai, hết rồi buổi chiều… Ra đi, tấm áo vải, rách, bạc màu trên thân thằng bé, giữa một trời lửa đỏ, và đạn reo. Bây giờ ta trở lại, súng đạn ầm ầm, ta chạy như bay, ta cúi xuống uống hừng hực bi đong nước, ta hét ta la.

Nơi anh dừng chân, có những cơn gió nam, cuốn lốc, mang theo hơi lửa của mùa hạ, anh như một kẻ điên khùng, cởi áo, luồn ra sau nhà, ngồi dựa vào ụ rơm vàng, giữa đám tre đang kêu lên kỉu kịt. Con trâu mẹ, mới sinh con, ở trong chuồng, đôi mắt lồng lên sòng sọc, và đôi sừng sẵn sàng báng về những người chung quanh. Đây là một xóm quê muộn phiền. Một xóm quê, địa đầu của một phạm vi xanh trên bản đồ hành chánh quận ở đây, đều lộ một vẻ thẩn thờ, không sắc, mệt mỏi rã rời. Ngay đến đứa bé, đang đứng co ro, mủi chảy lòng thòng như hai con đỉa, cũng gây cho anh một nỗi khốn khổ, buồn chán.

Anh tìm vào một ngôi nhà ven con đường mới đắp, ngôi nhà của một mẹ con tản cư. Buổi trưa, nhà kín gió, nắng chói lòa ngoài khung cửa. Đám ruồi vo ve trên sân đất thịt. Hai bàn thờ phủ nhiểu đỏ, bất động trong góc tối. Chiếc giường tre, cũ kỷ, bên vách tường. Đằng sau nhà, bà già đang làm những tấm tranh. Bàn tay bà thành thạo đan lên, đan xuống, kẹp những cuộn rơm một cách gọn gàng. Lưng bà còm cỏi, như đã chịu đựng bao nỗi đau khổ trên mình. Anh ngồi bên cạnh, hỏi thăm. Nhưng anh biết, anh hỏi cũng vô ích. Vì cuộc đời quá khứ, và hiện tại của mỗi người dân quê, là những tháng ngày, với bom với đạn, với nhà cháy, với tản cư, với chết chóc… Sự cùng khổ của dân quê, ở đâu cũng vậy. Có khác gì đâu.

Bà già, sau cùng anh mới biết là người trong xóm cũ. Dựa vào vách đất, anh nghe bà kể lại những gì sau mười tám năm anh ra đi. Những giọt lệ già, long lanh trên đôi mắt lem nhem. Mái tóc bạc phất phơ. Và cái dáng còm cỏi, vẫn âm thầm trong khoảng không gian tối sáng, anh nhớ đến bài thơ của Tố Hữu.

Lão ngồi bên cửa sổ
Trong nắng nhạt chiều hôm.

Mất hết, cháy hết, phá hết… Buổi trưa bốn chiếc phản lực, bay làm hai phía… Bà nhìn anh, hỏi: Chừng nào có hòa bình. Anh đã cúi đầu, không trả lời.

Và anh đã đi kiểm soát một vòng toán quân của mình chung quanh ấp. Khi anh bước vào nhà thứ nhất, lính bảo con nhỏ đó, chồng chết. Khi anh bước vào ngôi nhà thứ hai, lính nói con mẹ đó, chồng chết… Khi anh bước vô nhà thứ ba, cha thằng bé đó đã chết. Anh dụi mắt, thẩn thờ nhìn ra cánh đồng nức nẻ đằng sau, dài dặc đến những xóm tan hoang, che chở bằng những bụi rậm, những kênh rạch, anh nhận rõ những cánh hoa phượng ẩn hiện trên nóc giáo đường. Những nhánh hoa phượng thật lẻ loi giữa một màu xanh bát ngát.

*
Ngay ở bên cạnh ngôi nhà anh dùng làm nơi đóng quân, phía bên kia con đường mới làm này, người ta đã thấy rõ sự bất lực của ông quận trưởng. Ngôi nhà mái tôn, ba căn phòng đó, đã bị những vết đạn loang lổ, chi chít. Và vách tường, thì viết đầy khẩu hiệu, hoan hô đả đảo. Hoan hô chiến thắng anh dũng của chiến sĩ thám kích ngày 19 tháng 6. Được xóa bằng chữ Hoan hô chiến thắng anh dũng của các chiến sĩ giải phóng quân… hay đả đảo Mỹ Ngụy. Nắng đã lên gắt, và con đường cứ mỗi lúc bị những lớp bụi đỏ cuốn xoáy mịt mùng, theo những cơn gió nam cuồng bạo. Anh thấy những mái tôn nhức nhối, rợn sóng. Vào một ngày nào đó, toán áo đen từ mật khu cách con đường không bao xa, đã bắn B.40 vào trường, để cảnh cáo toán nghĩa quân trong ấp… Và kể từ đó, toán nghĩa quân bắt đầu rút lên trên những ấp an ninh; để lại những ông thanh niên chiến đấu già nua, ốm yếu với súng trường, hay carbine MI, chiến đấu một mình. Yên lắm, ở đây yên 100%. Ong quận đã chỉ gậy lên bản đồ. Những ấp ven con đường, đều được bình định. Có ấp trưởng, có nhân dân tự vệ. Bởi thế, quận tôi cần một con đường, để nâng cao kinh tế, để làm vòng đai quân sự, để thu hoạch khả quan những vựa lúa phì nhiêu. Quận chúng tôi bảo đảm với quí vị. Nhưng ông chưa bao giờ dám lái xe một mình đi trên con đường ông kêu gọi phát triển, nếu không có đám hộ tống hùng hậu và nếu không có chiếc trực thăng của Mỹ. Con đường được làm ra, được dành cho một ngân quỉ hùng hậu mấy chục triệu do một đơn vị công binh đảm trách. Ban đầu, vị tiểu đoàn trưởng đơn vị công binh tin tưởng thực sự… Các ông yên chí, ông quận trưởng nói, dọc theo con đường, lính chúng tôi nằm dài, để bảo vệ cho các ông làm. Yên chí. Chừng một tuần lễ sau, những phát đạn cắc bùm, từ các bờ bụi vô danh, những trái lựu đạn gài trên đường, dưới cống trong đêm đã làm cho ông tiểu đoàn trưởng giựt mình, thót bụng. Và kết quả, nửa tháng sau, một đoàn xe bị phục kích trên đường trở về… Ong tiểu đoàn trưởng giận run, hồng hộc vào quận; kéo ông sĩ quan ban ba Chi khu… anh bảo có lính nằm đường, lính nhiều lắm, mấy trung đội Nghĩa quân, Địa phương quân anh bảo đảm với tôi như thế hả? Anh theo tôi, tìm xem có mấy tên Nghĩa quân nằm đường… Chiếc xe jeep vọt đi, ông sĩ quan ban ba, run rẩy, vào từng ấp, gọi loa, la làng, cuối cùng, vài tên Nghĩa quân, mang dép Nhật, co ro trình diện… Đ.m. tụi mày, ông đánh bỏ mẹ, ông phạt… Những tên Nghĩa quân, mặt mày tái mét, nói: chỉ có mấy đứa em. Thế cả mấy trung đội, chỉ còn mấy móng này thôi à? Dạ. Ong tiểu đoàn trưởng cười gằn: Anh không biết Nghĩa quân ma sao… Thực nhiều lắm, nhưng ma, ma hết… anh về Qui Nhơn xem, chủ tiệm vàng, chủ tiệm đồng hồ, chủ tiệm radio, mấy tên đi xe thồ… anh tưởng vào Nghĩa quân dễ lắm sao, 50 ngàn.

Ông đại úy ban ba chi khu van lạy: Xin Thiếu tá thương tôi, tôi từ miền Nam, bị đày ra đây. Cho tôi được bình an hai chữ với vợ con… Tôi lạy Thiếu tá. Ong Tiểu đoàn trưởng la lên: Chẳng thà anh nói thế. Chứ đừng gạt chúng tôi. Các con tôi chết cũng vì anh. Đời nào anh đi cho biết tình hình; anh chỉ nghe báo cáo… Sau đó ông Tiểu đoàn trưởng xin Bộ Tư lệnh tăng phái một đơn vị thám kích để mở đường, nằm đường cho các toán Công binh làm đường. Ong đã lắc đầu, chán ngán. Trước sau con đường này, cũng bị phá. Trước sau những chiếc cầu đúc xi măng này cũng bị sập vì mìn, và trước sau, mấy chục triệu cũng trở thành mây khói. Ong biết vậy, ông đại đội trưởng đại đội C. Công binh cũng biết vậy. Họ biết, như anh biết. Nhưng họ vẫn làm. Vì con đường đó, đã có ngân quỉ quốc gia đài thọ. Lòng anh bỗng nhiên sôi sục, anh ước ao mình trở nên một người đầy đủ quyền hành. Nhưng bao giờ, bao giờ được. Người ta đang đóng một cuốn phim trên quê hương anh, cuốn phim về một con đương hư khói, cuốn phim về nỗi thống khổ của đồng bào anh, về chiếc cầu gỗ, được đốt rụi, để anh thấy lại những giọt nước mắt của lòng mình. Con sông Gò bồi , vẫn yên chảy. Anh bỏ súng xuống, nhìn con đường mà anh bảo vệ hằng ngày, mà nghĩ đến một buổi mai nào đó, anh có thể trở về bình yên nơi chốn cũ bằng một chuyến xe lam, để thăm lại ngôi giáo đường có cần an ten cao vút, có những nhánh sứ, khô tróc vỏ nỗi lên trên nền trời mây trắng. Không biết anh có về được không?./.


(Ý Thức số 1 ra ngày 1 tháng 10 năm 1970)