Nhạc & lời: Ngô Minh Trí
Trình bày: Thương Linh
Hòa âm & phối khí: Hoàng Công Luận
Photo & graphics: MarcMarc
Hè đâu đã sang, ve ca chỉ lời trối trăn
Gọi tìm nhau tiếng ca buồn xa vắng
Gần nhau trong thế gian ba ngàn
Gần nhau trong khúc bi ca trần gian
Nhạc sẽ buồn thiu
Theo tiếng đàn
Hè đâu đã sang, hồn xuân tan tác, tan tác
Trong võ vàng rất lâu
Có nhau trong đời nhau
Có nhau dù cỏ cây cũng đau
Với nhau suốt đời
Trong lòng sâu đại dương nằm im
Là sóng gió sẽ triền miên
Trong lửa đốt suốt cơn ngủ yên
Vẫn mỉm cười xóa che nỗi niềm riêng
Soi mình lên vầng trăng vàng hoe
Một tiếng hát trên đường khuya
Một đường tơ chưa cạn nguồn
Là còn em, còn tấm lòng
Hè rồi cũng sang, nắng sớm mưa chiều khó khăn
Bàn chân quen bước trong lòng phố vắng
Đường đi quen tiếng ca lạc loài
Đường đi quen khúc bi ca trần ai
Nhạc dẫu buồn thiu
Tiếng thở dài
Đường ta vẫn đi, nhạc ta vẫn hát, vẫn hát
Hạnh phúc nào cũng đau
Biết ra sao ngày sau
Biết em còn với ta rất lâu
Với nhau suốt đời
NT: Nói về nhạc Jazz Việt, ca sĩ Julie Quang đã dí dỏm gọi là jazz simi, bằng chất giọng nam kỳ ngọt ngào của chị. Simi là gọi tắt của chữ Pháp similicuir, ở Mỹ gọi là leatherette hoặc pleather. Nhạc sĩ Ngô Minh Trí thì đặt cho một cái tên mang hơi hám zen hơn, jazz chè. Jazz thiếu rượu mà lại nhiều vị trà.
Trong thế giới hiện đại, Jazz là một dòng nhạc hết thịnh hành, tuy đã có một thời rất lẫy lừng. Thập niên 20 và 30 đã từng được mệnh danh là The Jazz Age, với ảnh hưởng rộng lớn bao trùm cả nền văn hóa Mỹ từ văn chương đến kiến trúc, đến cả thời trang và cách ăn chơi thụ hưởng.
Jazz simi hay jazz chè, ngày nay vẫn còn trong thời kỳ phôi thai, nhưng đã không nhận được bao yêu thích như những dòng nhạc khác. Nhạc sĩ thì phải nói là có thể “đếm trên đầu ngón tay” trong đó có Ngô Minh Trí, Jazzy Dạ Lam, Ngu Yên, Trần Ngọc Yến. Họ cho ra đời một, hai cuốn CD nhưng không được phổ biến nhiều. Nhạc jazz đã kén nhạc sĩ, ca sĩ. Nhạc jazz lại còn kén chọn cả người nghe.
Jazz thật yểu mệnh.
Tôi để ý người thích nghe nhạc jazz thường có tính tình trầm tĩnh. Khi nghe, nếu không thích, họ cũng không lên tiếng chê, có thấy hay thì chỉ gật gù tự cảm thấy thú vị nhưng vẫn chẳng nói năng gì.
Bởi vậy, người nhạc sĩ jazz Việt Nam thường cảm thấy rất bơ vơ lạc lõng trước một không gian vắng lặng thiếu phản hồi.
Tôi cho rằng, nhạc sĩ jazz là những người đeo đuổi nghệ thuật chân thật. Họ làm nhạc vì đam mê. Họ không viết nhạc để người nghe mủi lòng chảy nước mắt với câu chuyện tình éo le. Họ không ráng viết những giai điệụ nhẹ nhàng quen thuộc để người nghe dễ hát theo.
Trong âm nhạc có những “rule of thumb”: giai điệu nào quá dễ dàng đến độ người nghe tuy không biết bài vẫn có thể ngân nga theo sẽ được liệt vào nhạc hạ cấp. Ta hãy gọi là mức độ 0. Ngược lại, khi giai điệu quá khó, quá cầu kỳ, người nghe sẽ không chấp nhận vì… bị nhức đầu. Hãy gọi là 100. Theo quy tắc này, nhạc phải dễ đủ để người nghe chấp nhận, nhưng vẫn khó đủ để gợi trí tò mò theo dõi. Tức là phải lọt vào khoảng 30 đến 80. Tôi nghĩ nhạc jazz nằm vào độ 50 đến 80, hoặc có thể hơn.
Nhạc Ngô Minh Trí: từ 65 đến 75 (dựa trên những bài tôi được nghe). Ca từ của Ngô Minh Trí lãng đãng ngôn ngữ thiền, không có chút gì yêu cuồng sống vội của nhạc phổ thông.
Ngô Minh Trí đã cho ra đời một cuốn CD mang tựa đề là Buồn C Major. Từ đó đến nay, anh vẫn tiếp tục sáng tác nhạc nhưng chẳng phát hành. Người ca sĩ mà anh từng yêu chuộng đã đi Cali, đã tìm đến những sân khấu lớn, và vì thế đã nhập vào thế giới nhạc đại chúng.
Rồi Cũng Sang Mùa Hè là một sáng tác từ tập Buồn C Major, qua tiếng hát của Thương Linh của ngày xa xưa đó.