có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 8 18, 2022

Ở Đâu Đó



Viên Chuẩn úy lặng lẽ bước trên con đường đất bột, tiểu đội dân vệ đã tản vào trong xóm, còn lại một người cùng đi với Lộc. Ông già có những sợi râu bạc thưa trên chiếc cằm móm hơi vênh ra cố gắng bước nhanh vượt lên trước, bước chân tất tưởi, ống quần phật nhanh làm mù bụi sau mỗi bước đi. Lộc nhìn lên khoảng lưng gầy của ông già, lưng áo vải đen đã bạc, chiếc quần rộng bùng nhùng ống cao ống thấp, người ông ngả về phía trước. Vượt thoát khỏi con đường đất bột với hai hàng tre hai bên đường, con đường ngừng lại rẽ làm hai lối nhỏ, một lối đi thẳng vào một cổng nhà phía bên trái, ông già rẽ vào đấy, ông già nhìn viên chuẩn úy:

- Dạ phía này Chuẩn úy.

- Thế ông ấy còn bà con nào không?

- Dạ không. Anh ông ấy bây giờ đâu sống trên Saigon, người em gái thì theo chồng, mấy ông chú bà bác cũng không còn ai, người thì chết người thì đi xa từ hồi đầu kháng chiến, chỉ có gia đình ông ấy là còn ở lại làng. Thật tội nghiệp, ông ấy gan quá hóa khổ...

Chuẩn úy Lộc đã cùng ông già, mấy người lính và thêm một vài người đi theo sau bước vào trong sân, phía ngoài mấy đứa trẻ con, mấy người đàn bà từ những nhà phía ngoài bắt đầu kéo đến. Ông già vượt qua khoảng sân. Trên hiên một chiếc ghế gẫy chân nằm trơ trọi. Ông già đẩy rộng hai cánh cửa. Lộc bước lên. Đám người tò mò đứng ngoài sân ngó vào. Lộc ngừng lại nơi ngưỡng cửa. Xác một người đàn bà nằm dưới đất ngay nơi cửa bước vào. Tóc rối bù trải ra nền đất, áo cánh đen bị banh ra. Một vết chém kéo dài trên bụng, máu đọng đen nơi một bên vú. Chiếc quần đen ống cao ống thấp. Mặt người đàn bà ngoảnh ra ngoài, đôi mắt mở lớn. Trên giường xác một đứa trẻ khoảng bốn tuổi nằm sấp, máu loang trên chiếc chiếu trắng đã cũ. Gian nhà âm u, lờ mờ phía trong một chiếc bàn thờ đơn giản nơi giữa nhà áp vào trong vách. Ông cụ bước ra ngoài, môi ông run, giọng nói phều phào:

- Tội nghiệp chị ấy, chị ấy có mỗi thằng nhỏ, không hiểu làm sao mà tội nghiệp vậy. Bà Tư ở bên nói lúc giữa đêm nghe tiếng chị la và tiếng thằng nhỏ khóc rồi im luôn. Mọi người tưởng hai vợ chồng có chuyện gì xích mích. Họ không bắn, chỉ nghe tiếng chó sủa rồi thôi, tưởng là có lính ngang qua hay họ về thu thuế. Mãi tới sáng lúc tôi ngang qua nhìn thấy anh ấy ngoài sau nhà...

Ông già bước xuống đi ra hiên, rẽ ra sau nhà, Chuẩn úy Lộc theo sau, đám người có kẻ đứng lại bàn tán, có người di theo. Trên khoảng hiên đất phía sau nhà, gần nơi cửa bếp, xác một người đàn ông bị cột vào chiếc cột chống lên mái hiên thấp, đầu gục sang bên phải, chiếc áo rách bươm hở hết cả ngực, chiếc quần cộc, hai chân như co lại, thân người được giữ vào cột bằng một sợi dây thừng buộc nhiều vòng ngang qua nách, bụng dưới bị banh ra, mấy đoạn ruột chảy xuống một vũng máu đen đọng lại dưới chân cột. Lộc nghe thấy tiếng một con nhặng xanh kêu ve ve chung quanh. Dưới đất một đàn kiến đen bò đến vây quanh vũng máu. Con dao rỉ dính máu vứt ở nơi chân vách. Lộc đưa mắt nhìn chung quanh, một khoảng hàng rào bị phá. Chuẩn úy Lộc nhìn cụ già:

- Ông bà ấy không có người thân, vậy trong xóm có thể lo chôn cất được không cụ, để tôi nói trên quận cho gỗ đóng quan tài.

- Dạ, nghĩa tử nghĩa tận, chúng tôi chưa lo vì còn muốn trình lên quận rõ, ông ấy là trưởng ấp...

- Được rồi, để tôi lo trình lên trên.

- Tội nghiệp ông bà ấy là người hiền lành...

Chuẩn úy Lộc ra lệnh cho hai anh dân vệ mang xác của ông trưởng ấp vào trong nhà, để lên chiếc giường ngay ngắn cùng với vợ con rồi phủ một chiếc chiếu lên trên; một người đàn bà đưa cho ông già một nắm hương, ông già châm lửa rồi vào trong nhà cắm lên trên bàn thờ. Trở ra ông già khép một bên cánh cửa lại.

Chuẩn úy Lộc đứng ngoài sân nắng lấy một điếu thuốc ra hút, ông già đứng bên, Lộc hỏi:

- Lâu nay bọn họ có năng về không?

- Dạ đã lâu không thấy về, cách đây đã lâu họ có về, sau nghe nói họ về báo tin cho bác Hòa dưới cuối xóm tin thằng con bác đã chết, thằng nhỏ hồi xưa bị bắt đi, họ cũng kêu gọi bà con phải kêu con cháu đang đi lính phải trở về, Họ có dọa một vài người... Hồi đó đâu ông trưởng ấp đã trình trên quận. Sau đó ông trưởng ấp có lần nói với tôi ý muốn rời ra ngoài Cà mau làm ăn, tôi hỏi sao vậy, bác ấy nói họ về bỏ thư dọa sẽ giết bác nếu còn làm trưởng ấp, bác nói mình già rồi, làm việc là vì bắt buộc trong ấp không còn ai... Thế rồi xảy ra chuyện chẳng lành. Không hiểu.

Một tiếng nổ vang lên phía ngoài ngõ cắt đứt câu nói của ông già. Một người lính ở phía tiếng nổ chạy vào, chuẩn úy Lộc hỏi vội:

- Gì đó?

- Dạ một trái lựu đạn trên ngọn cây...

- Có sao không?

- Dạ không, anh em biết trước.

Đám người trong sân nhà nhớn nhác nhìn quanh rồi tản đi. Chuẩn úy Lộc nói với viên trung sỹ:

- Cho tập họp tiểu đội lại đi. Có gì không?

- Dạ không.

Chuẩn úy Lộc đứng vào một bóng cây, nắng đầy trên khoảng sân trống, trên vườn cỏ hoang vàng áy chung quanh khu nhà. Những người lính từng người một từ ngoài đi vào tụ tập trong khoảng sân. Không khí lặng lẽ bao quanh. Vẳng rất xa viên chuẩn úy trẻ tuổi nghe thấy tiếng gà gáy lạc lõng vang lên. Không một cơn gió, những ngọn cây đứng im phăng phắc...

*

Nhiều chuyện tình cờ kỳ lắm, hồi đầu năm chúng tôi được tin báo bọn họ về, về rồi đi, tin báo họ mang nhiều vũ khí về trong vùng, anh phải biết hồi này họ nhiều súng chứ không như trước, đường bể lợi hại lắm, chắc anh còn nhớ mình bắt được mấy chiếc tàu đó, bắt được phần nào, nhất định là bọn họ còn đi trót lọt nhiều chuyến nữa. Rồi chúng tôi khám phá được trong nhà một ông cụ một hầm chứa toàn súng với đạn mới tinh. Ông già đó thì bọn tôi quen quá, hiền khô à, vậy mà trong nhà ông có súng, kết luận đầu tiên đến với mình: ông ta là cộng sản, phải vậy không, bắt ông ta rồi ông ta nói, phát giác thêm một số nhà nữa, có nhà chỉ có một khẩu, nhiều nhà nữa, cứ thế lan ra. Sau mình mới hiểu họ, họ dư súng, họ tìm cách gửi trong nhà dân chúng, đó là một cách giữ tốt nhất, sau đó họ còn làm cho người dân lo, hoặc là nếu mình bắt được sẽ cho là cộng sản, hành hạ những người bị bắt, như vậy là mất lòng dân, mà anh phải biết nếu không được dân chúng cộng tác thì nguy lắm. Chúng tôi biết rồi, chúng tôi tha cho họ về, sau đó kêu gọi những ai còn giữ súng thì mang ra. Phần lớn đều nghe theo nhung đồng thời bọn tôi cũng phải dời hết dân chúng ra ngoài vì dân chúng sợ bị trả thủ không ai còn muốn ở lại đó nữa...

Như vậy anh đủ thấy chúng tôi phải hoạt động khó khăn như thế nào... Cũng chuyện võ khí, tại một làng khác du kích vẫn thường hoạt động, thu thuế, lấy thóc mà bọn tôi không sao kiếm ra, chúng tôi cũng biết có một số võ khí dấu, tình cờ, thật là tình cờ một hôm chúng tôi tới làng, tôi gặp mấy đứa trẻ con, chúng tôi phát kẹo cho bọn chúng, đến lúc hết kẹo, một anh lính đùa mới đưa ra mấy viên đạn cho chúng. Một đứa bỗng nói: cái đó không ăn được, ba em cũng có. Nhờ trẻ con chúng tôi kiếm được chỗ bọn họ dấu võ khí... Anh thấy chưa, có gì đâu, đó là một may mắn hoàn toàn. Tội nghiệp thằng nhỏ, vì ngây thơ nó đã hại ba nó, ba nó lại là một nhân vật quan trọng... Sau này lớn lên, biết truyện đó chắc nó hối hận. Cha nó bị bắt, còn nó thì được thưởng tiền, oái oăm không....

*

Buổi chiều nhòa nhập trên cánh đồng rộng mênh mông. Phía tây, ánh lên từ sau hàng cây tối đen một vạt mây đỏ oi bức. Một cánh quạ đen lượn vòng về phía cuối con kinh nhỏ, con kinh thẳng như một đường kẻ, mặt nước phẳng sáng nổi bật lên giữa cánh đồng. Trên mặt ruộng phẳng như phảng phất sương lam nhẹ mỏng... Cánh quạ đen bay vòng vòng một lúc rồi mất hút trong bầu trời.

Tiếng máy phát điện bắt đầu vang lên mệt nhọc, đèn chung quanh những lô cốt đã bật sáng chiếu hàng kẽm gai, làm sáng những cánh muỗi bay là là từng đám trên những ngọn cỏ cao. Một người đàn bà tay bế con, tay xách chiếc đèn nhỏ lập lòe di động trên con đường giữa hai hàng kẽm gai ven bờ sông từ phía trại pháo binh ra ngoài phố quận. Tiếng người lính gác phía ngoài nói gì đó, người đàn bà nói gì đó rồi quay trở lại khi đang ở giữa khoảng đường cách cuối khoảng năm thước. Từ trên cao nhìn xuống khu gia binh, những mái nhà đất đã lẩn nhòa vào trong bóng đêm, trong những chiếc cửa nhỏ ánh sáng vàng yếu ớt từ trong hắt ra, nơi những lối đi thấp thoáng một vài bóng người qua lại, từ phía đó một vài âm thanh mơ hồ rì rầm vang lên. Nơi sân bóng chuyền một người đàn ông cao, mặc chiếc áo may-ô trắng đi đi lại lại với những bước đều chậm chạp, không nhận ra ai. Chiếc lưới cũng bị xóa nhòa nổi lên hai chiếc cột mờ mờ trắng. Tiếng hát của một nữ ca sỹ nào đó vang lên không đều phát ra từ một chiếc máy thu thanh nhỏ, có lúc tiếng hát mất đi. Con phố quận đã chìm vào trong bóng tối lờ mờ bóng những ngọn cây. Dưới đó ánh sáng lập lòe nơi một vài con phố còn mở cửa hắt ra đường. Chừng như là căn phố của chú Chín. Những con muỗi cỏ từ ngoài cánh đồng trở vào bay tạt vào mặt, đậu trên má mỗi lúc một nhiều. Tuấn lấy bao thuốc quân tiếp vụ ra mồi một điếu. Khói thuốc nồng khô. Tới một lúc không còn một điếu thuốc để hút, những mẫu thuốc vứt đi trở thành quý giá, như những sái thuốc lào bỏ ra chung quanh chiếc điếu bát...

- Nhớ Saigon hả?

Tuấn giật mình quay lại, Ngung đã đứng ở bên, một người khác đang leo lên trên thành tường đất bằng những tam cấp nơi đầu bức tường. Ngung ngồi xuống bên, Tuấn nói:

- Ở đây nếu không có chuyện đánh nhau thì chắc buồn lắm. Kỳ cục thực. Ai lên đó thiếu úy?

- Chuẩn úy Lộc đó mà.

Lộc đang bước lại gần, Tuấn nghe thấy tiếng hát nhỏ, Lộc vừa đi vừa giữ cho chiếc máy thu thanh áp vào tai, vẻ chăm chú.

- Vặn lớn lên cho nghe với.

Lộc ngồi xuống bên, bỏ chiếc máy thu thanh nhỏ ra khỏi tai nhẹ nhàng để xuống mặt cỏ giọng bâng quơ:

- Chán quá máy lại hết pin rồi, nghe không được.

Tiếng hát vọng lên, âm thanh võng từng lúc, chiếc máy bỗng đổ, tiếng hát mất tăm. Lộc dựng lại chiếc máy. Ngung ngồi im nhìn ra cánh đồng tối đen bên kia sông, đốm lửa hồng trên đầu điếu thuốc. Ngung chợt nói:

- Ở đây mấy ngày rồi anh thấy thế nào?

- Một thế giới khác, nếu không có máy thu thanh thì mình tưởng hoàn toàn không liên lạc gì với thế giới bên ngoài, ở đây mới hiểu được đời lính thú khi xưa. Ba năm trấn thủ lưu đồn...

- Bây giờ anh mới biết vậy à, ở đây như vậy là khá lắm đó, có nhiều nơi trên cao nguyên, giữa những khu rừng, trên những đỉnh đồi không có một bóng người chỉ có bọn lính với nhau, ngày nắng, đêm lạnh, sương mù. Có khi hàng năm mới trông thấy một bóng người thượng, như vậy anh sẽ thấy còn khổ biết chừng nào... các anh sướng quá mà.

Lộc nói hết câu, tắt chiếc máy thu thanh, lấy thuốc bật lửa mồi, ngọn lửa lướt cong theo chiều gió thổi, trong ánh lửa Tuấn thấy khuôn mặt Lộc khô hẳn lại, mấy cánh muỗi bay chập chờn, những cọng râu cứng trên cằm, môi khô, những sợi tóc trên trán... Ngung vỗ tay xuống ống chân:

- Thôi vào nhà đi, muỗi nhiều rồi đó.

Ngung đứng lên, Lộc đứng lên theo cùng với Tuấn, ba người bước xuống khỏi mặt tường đất. Ngung dừng lại nói:

- Sang tôi pha cà phê uống.

- Còn cà phê hả?

- Còn, nhưng hết thơm rồi, uống tạm...

Ngung đi trước soi chiếc đèn pin loang loáng xuống con đường mòn quanh co ra khỏi khu hành chánh quận rồi theo con đường ven sông trở về trại pháo binh. Tuấn lặng lẽ nhìn xuống mặt đất nhận bước đi theo với ánh đèn lập lòe. Lộc nói phía sau:

- Hồi này khá lắm đó, lúc trước nhá nhem bọn tôi đâu có dám ra khỏi trại, đi cái kiểu như thế này là chết cái chắc. Bọn nó chỉ cần một khẩu súng nằm kín đâu đó nhắm bắn là không có sai một người. Nên ở đây hồi xưa dành cho ai đóng quân anh biết không?

- Ai mà ghê vậy?

- Dành cho mấy ông ba gai nhất, mấy ông nào đào ngũ, bị kỷ luật thì được mang tới đây. Không có cách nào mà trốn được hết ngoài con đường đi theo bọn họ... nhưng mấy ông ba gai thì đâu có dám đi theo. Mà trốn đi nếu không gặp mấy ổng thì cũng kiệt lực mà chết, toàn đồng lầy chịu gì thấu. Nguyên tắc mỗi năm được đi phép hai lần, nhưng ở đây bọn tôi nào biết phép tắc gì. Trong số năm sỹ quan cùng về đây với tôi hồi đó thì có đến bốn ông đành phải lấy vợ ở đây. Nghe ông quận mới về mà cũng còn tính lấy vợ luôn thì anh biết, còn mình tôi à.

- Thế còn tôi thì bỏ đi đâu?

Ngung vẫn bước đi trong khi nói, giọng có vẻ đùa nghịch:

- Ông quận định lấy ai vậy?

- Cô hàng vàng.

- Sao biết?

- Nghe anh em họ nói với nhau vậy, mỗi ngày ông quận đều đi duyệt binh ngoài phố mà.

- Tôi không tin...

– Nghe nói thì hay vậy, sao thắc mắc quá vậy, định lấy vợ bé nữa sao.

- Thôi chứ bồ, để cho anh em còn làm ăn chứ. Cái điệu này tôi phải mang bà xã xuống mất.

Ba người đi tới cổng trại pháo binh. Ngung bước lên trên thềm đẩy cửa vào phòng. Ngọn đèn nhỏ cháy leo lét trên mặt bàn gỗ trống không. Một người lính nằm ngủ trên chiếc ghế vải kê sát nơi bên trái, đầu để ra phía cửa. Ngung vào trong khêu cao ngọn đèn. Người lính nằm trong màn trở dậy, anh khoác lấy chiếc áo lên người. Anh ta nháo nhác nhìn mọi người với đôi mắt ngái ngủ. Lộc nói:

- Ngủ đi, dậy chi vậy?

Ngung nhìn người lính:

- Đã ngủ được một giấc rồi hả, này kiếm cho ít nước đi.

Người lính đứng lên, đến bên vách nhà nhấc chiếc vỏ đạn lên lắc lắc rồi đặt xuống, anh ta lặng lẽ cúi người thò tay vào trong một chiếc thùng gỗ lôi ra một chiếc ấm thiếc méo mó đen đủi. Anh ta mở vung, bưng chiếc vỏ đạn đổ nước vào. Ngung quơ tay vắt chiếc màn nhỏ lên, Lộc ngồi xuống giữa, Tuấn ngồi xuống bên, Ngung kéo chiếc thùng sữa trong gậm bàn ra ngồi nơi bàn, kéo chiếc bếp bằng đèn ra ngoài rồi nhấc để xuống một chiếc thùng thấp phía ngoài. Ngung lúi húi bật lửa rồi khêu cho ngọn lửa cháy cao. Người lính đặt lên chiếc ấm đã đổ nước. Ngung đứng lên lấy ly, thổi thổi chiếc phin cà phê, lục lọi ngăn kéo. Lấy từ trong ngăn ra một chiếc gói nhỏ, Ngung gượng nhẹ mở những lần giấy bọc, cúi vào ngửi. Ngung ngẩng lên mỉm cười:

- Còn khá lắm.

Lộc ngồi nhích vào trong ngả lưng dựa vào tường. Tuấn ngồi quay người ra đầu ghế nhìn ra ngoài trời. Tiếng đại bác nổ đâu đó rất xa không rõ về hướng nào...


Dương Nghiễm Mậu
(Vấn Đề số 10, Xuân Mậu Thân 1968)