Cầu thang nhỏ, hẹp vừa đủ một người lên xuống, ngoài dãy nhà hai tầng, có vẻ cũ kỷ nằm sâu trong con hẻm có nhiều nhà cao tầng. Ngôi nhà có nhiều phòng cho nhiều hộ ở, xập xuệ không sửa chữa. Tôi với người bạn đứng ngoài, gõ cửa. Cầm ra mở. Ngạc nhiên và vui:
- Sao anh biết em ở đây mà đến?
- Người bạn cho số nhà tìm đến.
- Ai thế?
- Thương.
- À, mấy ông bạn già của anh phải không?
Tôi nói phải. Không mời khách vào nhà à?
Cầm lại cười, rồi nói: vui quá, quên mất. Tôi quay qua người bạn, giới thiệu:
- Đây anh Nguyễn, bạn anh.
Cầm gật đầu chào. Mấy mươi năm rồi hai chúng tôi mới gặp lại. Tôi nói với Nguyễn như vậy.
Phòng khách nhỏ nhưng ấm cúng. Có một cái tủ thờ Phật Quán Thế Âm. Dưới là hình bác trai. Gọn. Căn phòng bầy biện đơn giản, không cầu kỳ của một người có mức thu nhập thấp đã về hưu. Tôi nói:
- Cho anh thắp một nén nhang cho Bác.
- Vâng. Cầm đến tủ thờ, lấy nhang. Tôi cấm nhang trong cái lọ bằng sành, nhỏ. Trầm ngâm nhìn Bác qua tấm ảnh chụp có lẽ khi còn là một công chức tỉnh. Hình hơi úa vàng, nhưng còn rõ. Ngày xưa, tôi thường tới nhà chơi với Cầm xem như một người bạn bình thường không có tình ý gì cả giữa trai và gái. Bác xem tôi như con trong nhà. Ngày Bác mất tôi lại bận việc không về được khi chiến trường càng ngày càng khốc liệt, đi đứng không phải dễ. Thế mà mới đó đã mấy mươi năm qua.
Cầm phá tan ý nghĩ của tôi: hai anh dùng cà phê nhé?
- Có cực cho cô em không? Tôi nói.
- Không. Cà phê hòa tan mà. Nhanh thôi. Sáng nào thức dậy em cũng thường hay pha một tách ngồi uống nhìn qua khung cửa sổ này.
- Lãng mạn thế! Tôi vừa nói vừa cười.
Cánh cửa sổ được mở từ lúc nào. Ngoài là hành lang hẹp, những giò hoa lan treo lơ lững, màu xanh của lá tạo cho không gian bên ngoài một cái nhìn dễ chịu. Bên kia là những ngôi nhà cao từng che khuất tầm mắt. Cầm nói:
- Sáng nào cũng ngồi nơi cái bàn này nhìn ra ngoài uống tách cà phê tự mình pha, nghe vài ba bản nhạc nhẹ. Cứ thế ngày qua ngày.
- Ngày nào cũng thế?
- Có cái gì để vui nữa đâu anh.
- Có còn hát cho bạn bè nghe nữa không. Tiếng hát một thời con gái.
Nỗi vui như hiện về. Cầm nói:
- Thích lắm. Thích lắm anh ạ. Mỗi lần gặp lại bạn bè cũ. Người nào cũng già, con cháu đầy đàn. Nhưng gặp nhau vui lắm. Chỉ có anh là đi biệt tăm. Cầm quay qua Nguyễn: anh biết không lâu rồi chúng tôi không gặp nhau, ba tôi cứ nhắc hoài, anh ấy đi biệt. Rồi hôm nay lại vát thân già trở về. Chuyện như trong mơ, phải không anh Nguyễn?
Người bạn tôi không nói gì, nhìn qua khung cửa sổ. Ngọn gió thổi nhẹ làm lung lay cành lá. Tôi ngồi gõ nhịp ngón tay trên mặt bàn, một giai điệu của một bản nhạc quen cho lần cấm trại đã hơn 50 năm, kể từ khi tôi rời khỏi thành phố biển.
- Cầm hỏi, anh gõ nhịp bản nhạc nào thế?
- Cầm còn nhớ bài Sáng Rừng?
Tôi nhìn qua khóe mắt của Cầm. Đuôi mắt ấy vui lên thấy rõ. Để rồi Cầm khe khẽ hát. Và…cái đêm họp bạn đốt lửa trại để chia tay của thời thanh thiếu niên thuở nào: ..còn đêm này thôi anh ơi. Biết đâu ngày mai cách xa muôn đời. Cùng trao tay say xưa vui. Kiếp người sương gió trăm phương trời. Kề nhau đêm nay anh ơi. Sưởi lòng lãng du một tối. Với ngàn tiếng ca, tiếng đàn cùng lửa bập bùng…
Trời càng về khuya càng lạnh. Cầm ngồi hát say sưa với đám bạn quây quanh. Tôi cởi chiếc áo khoác choàng lên đôi vai run của nàng. Em ngó tôi như thầm cảm ơn. Ngã đầu vào vai tôi cùng hát: …màn sương đêm buông chơi vơi. Lửa rừng khuya sáng soi khung trời. Cùng nhau vui đi anh ơi…
Tiếng hát càng về khuya càng vui và rộn ràng, Và trên đôi vai gầy của cầm tôi thấy vui, một niềm vui hạnh phúc. Có phải tình yêu không. Tôi chưa dám nghĩ tới.
Nhưng chiến tranh. Cũng vì chiến tranh. Tuổi thanh xuân vừa mới lớn ấy không còn là: biết đâu ngày mai sáng tươi lên rồi như trong bài hát mà tuổi thanh xuân chúng tôi thường hay hát trong những dịp đốt lửa trại. Tôi không còn gặp ai nữa, ngay cả Cầm, cô bạn gái một thời còn rất trẻ. Nhưng, bỗng một hôm, có dịp về thành phố Qui Nhơn, tôi gặp Cầm. Hỏi ra mới biết Cầm học nơi đây đã hai năm rồi. Ngày gặp ở Qui Nhơn là ngày cuối Cầm tốt nghiệp ra trường. Ngày hôm ấy, chúng tôi đi chơi nhiều nơi trong thành phố này. Từ Gành Ráng tới Quy Hòa rồi Khu Sáu. Và, sau ngày gặp nhau ở Qui Nhơn, tôi không gặp lại Cầm nữa. Cô bạn mà tôi cứ ngỡ có thể một ngày nào đó sẽ …yêu nhau. Nhưng, chinh chiến đã làm chúng tôi biệt tăm. Từ buổi sáng đứng trong sân ga để tiển đưa Cầm về lại thành phố quê nhà trên chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam thời đó. Buổi sáng hôm đó trời không mưa, trời không mưa. Có nắng hanh vàng. Tôi đứng nhìn cho đến khi thân tàu vút lên cao về hướng biển.
Cầm nói:
- Bạn bè của em mỗi lần gặp lại hay nhắc tới anh, và họ nói anh đã chết rồi. Có lần đọc báo thấy có tên anh trong mục phân ưu.
Tôi cười:
- Anh biết, người bạn nghe lầm. Và bạn bè cũng lầm luôn. Tưởng anh chết thật rồi. Nào ngờ gặp nhau ở Phan Rang mới vỡ lẽ. Nhưng nói cho cùng, chiến tranh mà, có chừa ai đâu dưới lằn tên mũi đạn. Không chết trước cũng chết sau.
- Anh nói gỡ.
Tôi cười.
- Khi nào hai anh đi? Cầm hỏi.
Nguyễn nói:
- Còn một tuần nữa, chị ạ.
- Anh đến thường xuyên với em chứ?
- Vâng. Nhưng không hứa trước.
- Lại nữa. Giống như năm nào. Hình như năm 68 ở Qui Nhơn anh cũng nói như vậy khi chuyến tàu đưa em đi. Phải không?
- Và biệt tăm.
Cầm buồn trên đuôi mắt đã có nếp nhăn nhìn qua khung cửa sổ. Ánh nắng vàng hắtt hiu từ khung vách của ngôi nhà cao từng phía trước dội lại. Màu vàng buồn.
Tôi hứa sẽ trở lại ngày mai, cũng vào giờ này để cùng ngồi uống cà phê nhìn qua khung cửa sổ trong một khu chung cư rẽ tiền, nhưng ấm cúng vì có em. Nàng vui. Một nỗi vui như thuở nào. Một nỗi vui như có luồng hơi ấm nào đó lại trở về trong đêm đốt lửa trại cuối cùng hằng mấy chục năm qua. Đôi vai gầy, mỏng và run dưới đêm sương lạnh. Chiếc áo khoắc của tôi và nụ cười của nàng . Màn sương đêm buông chơi vơi của năm nào như hiện về trong tình bạn già, một nam một nữ, mà tuổi thanh xuân hôm nào, hôm nay chỉ còn là những kỷ niệm đẹp trân quý.
Cuối cùng rồi chuyến bay cũng cất cánh vào lúc nửa khuya. Tôi nhìn Sài Gòn qua khung cửa nhỏ của con tàu. Sài Gòn vẫn ngập trong ánh đèn. Và bạn bè tôi, cùng Cầm chắc giờ này đã ngủ . Và, như năm 68 với Cầm, tôi vẫn biệt tăm khi con tàu mang tôi rời khỏi quê hương không biết khi nào trở lại./.
Amarillo, ngày 27-11-2011