Thư pháp chữ nhẫn. Nguồn: Ngô Duy.
Ông Hưởng rùng mình, tỉnh giấc.
Cái lò sưởi tự tạo đặt ở giữa nhà đã tắt. Trong bóng tối đậm đặc chỉ còn một điểm sáng mờ nơi cục than cuối cùng đang lụi. Ông ngạc nhiên: cái chân mễ thế mà cháy được suốt đêm cơ đấy. Buổi tối ông châm lò cả giờ nó không chịu bén; vậy mà cháy rồi thì than lại đượm lắm, rừng rực mãi. Ông vẫn nhận ra nó, gần như còn nguyên dạng nơi ánh hồng thoi thóp dưới lớp bụi xốp bệch bạc.
Lâu lắm mới có một tiết đông ghê gớm đến thế. Một màng băng rất mỏng đóng trên mặt nước. Đất rắn như tráng xi măng. Không khí khô rang. Trong nhà nhiệt độ chẳng khác gì ngoài trời, vận tất cả quần áo ấm vào rồi mà vẫn run cầm cập.
Mọi năm, hai ông bà thường quét lá bàng về sưởi. Chúng được nhét đầy các bồ, bao tải, chất thành đống ở góc nhà. Than tổ ong được phân theo phiếu tuy đượm thật, nhưng phải trả tiền. Lá bàng là của trời đất, có sức thì nhặt, khói lại có mùi đồng nội, hơn hẳn cái mùi khẳn khẳn của than vụn. Năm nay khác, lá bàng rụng hết từ lâu, vậy mà mùa đông quái ác chưa chịu qua.
Đến lúc ấy ông Hưởng mới quyết định chẻ đôi mễ. Để đi đến quyết định đó ông lưỡng lự mãi, đắn đo mãi. Bởi cái việc ấy, tuy cỏn con, nhưng lại đòi ở ông một cái gì đó giống như một chút dũng cảm, hay nói cho trúng hơn, một chút nhẫn tâm.
Trong căn nhà nhỏ, những kỷ niệm về mẹ ông, người đàn bà goá tần tảo nuôi con từ thuở còn xuân cứ từ từ biến dần, từng thứ một. Bắt đầu là cái tủ chè khảm xà cừ, cái sập gụ chân quỳ, cái tràng kỷ hoàng đàn, rồi đến bức hoành phi tôn vinh dòng họ, đôi câu đối thếp vàng với bốn chữ thảo bay bướm “An Bần Lạc Đạo” của cha ông.
Những vật vô tri ấy đều có hồn. Chúng in dấu cuộc đời gian nan của hai mẹ con ông sau khi cha ông qua đời. Đôi mễ sở dĩ còn lại là bởi người mua hai tấm phản trắc bá kê trên chúng ngại chở theo. Ông ta dặn với,
“Gỗ gì mà nặng thế không biết, ngang tứ thiết chứ chẳng chơi, bỏ lại thì tiếc lắm, nhưng xe hết chỗ rồi. Để lại ông kê cái gì thì kê. Các cụ xưa làm gì cũng kỹ, bây giờ đố đào đâu ra những của như thế!”
Không muốn kinh động bà vợ đang ngủ, ông Hưởng nhẹ nhàng vén mép chăn, trườn ra ngoài, huơ chân tìm đôi guốc. Đoạn, mặc áo bông vào, quấn khăn len cho kín cổ, cả hai thứ cùng xơ xác như nhau, ông len lỏi giữa đám đồ vật tạp nham chen chúc để ra sân. Khi cánh cửa sau mở ra với tiếng kẹt nhẹ thì bà Hưởng cũng tỉnh giấc. Bà vén màn hỏi vọng, giọng khản đặc:
– Ông làm gì mà dậy sớm vậy?
Ông ậm ừ rồi dò dẫm bước ra ngoài trời xám. Không khí lạnh tràn vào lồng ngực làm ông tỉnh hẳn. Đứng trước bức tường con kiến ngăn với nhà bên, ông khoan khoái nghe tiếng dòng nước thải của mình rơi xuống rãnh tối.
Từ bên kia bức tường, giọng cụ Vận bay sang:
– Cậu dậy rồi đá?
Cùng với tiếng ông lão hàng xóm, có tiếng nước lõng bõng. Thì ra cụ cũng mới dậy.
– Thưa, em dậy rồi.
– Lạnh quá thể, phải không cậu? – cụ Vận xuýt xoa.
– Dạ, lạnh lắm.
Ông hình dung ra cụ Vận trong cái áo bông chần lụa nâu to xù, râu tóc bạc phơ, đứng lom khom, một tay chống vào tường. Khi tiếng nước tiểu thôi rót xuống rãnh, ông nghe cụ than:
– Đêm trừ tịch mà rét căm căm thế này là điềm xấu đấy, cậu ạ.
Cụ Vận vẫn quen gọi ông bằng “cậu”, cụ biết ông từ thuở ông còn là đứa bé mải đánh khăng đánh đáo. Nghe giọng, ông biết cụ đang nhìn trời. Ông cũng ngẩng nhìn những vì sao hấp hối trong ánh rạng. Chúng bé nhỏ, nhợt nhạt, và không nhấp nháy.
– Giờ cứ thế đấy, năm mới không bằng năm cũ.
Ông Hưởng ngáp:
– Phú quý giật lùi, cụ ạ.
– Người có số thì nước có vận. Cái vận nước nó thế, biết sao giờ?
Nghe rõ cụ thở dài đánh sượt. Xa xa vẳng lại một tiếng gà cô độc.
– Cụ cũng không ngủ được ạ?
– Tôi có tật thức về sáng. Thức rồi nằm dài ra đấy, cứ nghĩ vẩn vơ.
– Tuổi già là khó ngủ lắm. Em cũng vậy. Dỗ giấc cả giờ mà mắt vẫn chong chong. Nhất là đôi chân, cứ lạnh ngắt. Chân có ấm lên mới ngủ được, cụ ạ.
Tiếng cụ Vận ngáp to.
– Cậu sang tôi làm ấm trà, hử? Sắp sáng bạch rồi.
Ông Hưởng ngần ngừ:
– Mồng Một, cụ không kiêng ư?
– Số chó mực, kiêng làm khỉ gì. Sang nhá?
Số đen mà như cụ ai chả muốn, ông Hưởng nghĩ, cứ việc ngồi đấy mà ăn, mà tiêu. Hồi bà cụ còn sống, cửa hàng tạp hoá của vợ chồng cụ phát đạt, cụ bà tích được khối nhẫn vàng, giờ cụ ông chỉ việc móc ra từng cái bán đi mà tiêu.
May cho cụ, khi cách mạng tiến hành đợt cải tạo tư sản đầu tiên thì cụ chẳng còn gì. Cái cửa hàng tạp hoá có thể làm cho cụ bị hành thì đã dẹp sau khi cụ bà mất, từ mấy năm trước. Chứ không thì khó thoát. Cán bộ kiểm tra từng hộ có dính tới buôn bán, không bỏ sót nhà nào. Họ như ma xó, không gì có thể qua mắt họ.
– Cụ có gọi em mới dám sang – ông Hưởng đáp – Chứ em ngại. Xông nhà người ta, được không sao, mất phải vạ – chỉ tại cái lão xông nhà. Mồng Một nào em cũng nằm khàn, chẳng đi đâu…
– Vẽ. Sang nhá?
– Dạ.
Trong phố cổ, mọi nhà giống nhau ở chỗ đều là nhà ống. Chường ra đường phố là cái mặt tiền hẹp, nhà thì hun hút chạy vào trong. Từ ngày cách mạng về, phố cổ trở nên đông đúc bởi dân tứ xứ kéo đến – dân Sơn Tây, Hà Đông đến trước, theo sau là Thanh, Nghệ, đám này còn đông hơn. Cụ Vận bảo:
“Xưa, kinh thành do dân bốn trấn xung quanh đây đổ về mà nên, gọi dân tứ chiếng tức là dân tứ trấn gọi trại đi đấy. Mấy lần tao loạn, dân gốc gác bạt đi hết, nhất là cái đận mới rồi, người Hà Nội thuần chẳng còn được bao nhiêu. Giờ là lúc ma mới bắt nạt ma cũ.”
Ông Hưởng nghe, chỉ ừ hữ. Những nhận xét thoạt nghe tưởng chừng vô thưởng vô phạt có thể trở thành nguy hiểm những ai không biết giữ mồm giữ miệng. Anh cảnh sát khu vực gốc Nghệ An, người lùn tịt, mặt tròn, môi thâm, rất chăm đi kiểm tra hộ khẩu, khó chịu với cái lối bình phẩm của cụ, có lần đã đe:
“Toàn một giọng phản động. Không nể cái tuổi già, choa cho va đi cải tạo từ khuya.”
Nhưng nạt cụ không dễ. Chẳng gì cụ Vận cũng có con đi cách mạng. Anh con trai cụ từ Việt Bắc về, áo bốn túi[1], nghe nói thuộc loại có sừng có mỏ. Tiếc nỗi, anh bị sơ gan cổ trướng, nôm na là bị báng, ở với bố chưa được một năm thì lăn đùng ra chết. Người vợ xinh xắn, dân Thổ mừ, nõn nà còn hơn dân thành phố, chưa đoạn tang đã tái giá. Chồng mới làm quản lý thị trường, trai tân, bỏ lại cho cụ Vận đứa con gái câm.
Cụ Vận buồn lắm.
Căn nhà đông lên được một dạo lại vắng tanh vắng ngắt. Cụ bà mất đúng lúc Hiệp định
Genève vừa được ký kết, không kịp gặp lại đứa con trai đằng đẵng đợi chờ.
Thấy nhà rộng, ít người, chính quyền một hai toan điều cán bộ mới về thành phố đến ở. Cụ Vận không chịu:
“Tôi chẳng phải tư sản mại bản, tư sản dân tộc, tư sản cái chó gì ráo, các ông các bà chẳng có cách nào đưa tôi vào diện cải tạo nhà cửa được. Có mỗn mụn con tôi đã hiến cho kháng chiến rồi. Đấy, còn cái gian thờ nó đấy, các ông các bà cứ việc gỡ bát hương với các huân chương huy chương của nó đi rồi cho đứa khác vào ở.”
Những nhà yếu bóng vía hơn răm rắp tuân lệnh chính quyền. Chẳng mấy chốc phố cổ lúc nhúc những người là người. Yên chỗ rồi, người mới đến ở tách hộ, lập sổ riêng. Có hộ khẩu đồng nghĩa với quyền làm chủ chỗ ở. Người chủ thật sự, có bằng khoán hẳn hoi, đến lúc ấy không có cách nào bẩy họ đi được. Dần dà, từng ít một, những ngôi nhà vốn đã hẹp chiều ngang giờ chia ra thành nhiều ngăn với một lối đi chung chỉ vừa cho một người đi bộ, cái xe đạp không dắt theo được, phải nắm lấy yên mà đẩy. Thế hệ thứ hai rồi thứ ba tiếp tục cơi lên, nới ra để có thêm dù là một chút diện tích, nhà cửa trở thành méo mó, nghiêng ngả, xộc xệch, chông chênh.
Ông Hưởng biết tính cách cụ Vận. Cụ cứng là cứng thế thôi, ngoài miệng thôi, đôi lúc thôi, chứ cũng là người biết xử sự. Cụ hiểu lắm – đã là dân thì phải gian, nếu không cổ nhân đã chẳng để lại hai chữ “dân gian.” Có gian thì cũng phải ngoan, cho đúng chữ “gian ngoan.”
“Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống.” Không biết tự bao giờ thiên hạ dạy nhau cách sống ấy. Biết ở đây có nghĩa là biết điều, biết lui tới. Với lại, cụ hiểu lắm: nhà cụ có người đi cách mạng thật, nhưng người cách mạng đã chết. Mà cách mạng thì cách mạng, chết là hết chuyện.
“Đừng có đùa với chính quyền”, “Đùa với chính quyền chỉ có từ chết đến bị thương” là câu nói cửa miệng cũ Vận thường nghe. Cụ biết chứ, mấy người không giữ được điều bức bối trong lòng, để chúng phát ra miệng, bị báo cáo báo cầy, giờ sống lay lắt trong các trại cải tạo, báo hại gia đình phải bóp mồm bóp miệng đi tiếp tế năm này qua năm khác.
Đúng lúc ngôi nhà bị chú ý nhiều nhất, sức ép của chính quyền mạnh nhất, khó có cách từ chối, thì đùng một cái – cụ Vận tục huyền.
Đó là điều ông Hưởng không sao đoán trước. Tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi, cụ Vận mưu thế mà sâu. Không biết cụ thu xếp ra sao mà bà xôi chè ở cuối phố bất thình lình dọn đến ở với cụ. Mà không phải một mình, còn cả cô con gái. Tục huyền là do cụ Vận nói ra, chứ giữa hai người chẳng có cưới xin, giá thú gì sất.
Cục diện thay đổi – nhà một tầng, ba phòng, nay bốn người ở, hai vợ chồng già một phòng, phòng xép cho cô con gái bà xôi chè và đứa cháu nội, phòng thứ ba rộng nhất thì được dùng làm nơi thờ phụng, tiếp khách, kiêm kho chứa đồ tập tàng. Tính mét vuông so với các nhà khác trong phố, như thế vẫn còn rộng, nhưng nhà không thuộc diện nhà nước quản lý theo chính sách, phường quận cũng chẳng có cớ phân thêm người vào ở.
Thiên hạ tấm tắc: “Mưu thế mới là mưu chứ!”
Việc cụ Vận đột nhiên lấy vợ được xem như sự đối phó với chính quyền:
“Không giá thú, không được chính quyền công nhận mà ngang nhiên ăn ở với nhau là coi thường luật lệ. Chuyện này quyết không thể làm ngơ.”
Nhưng người ta dậm doạ thế thôi, theo cách bắn tiếng, chứ chưa có hành động gì. Cụ Vận tuyên bố:
“Nhà của tôi, tôi ở với ai là quyền của tôi. Lũ thối mồm muốn nói gì thì nói, mặc. Bảo bà ấy là người tôi cho ở nhờ cũng được. Bảo bà ấy ăn ở với tôi như vợ chồng cũng xong. Tôi già thì không có quyền lấy vợ à? Chẳng thằng nào con nào cấm được tôi. Tôi là tôi chấp hết.”
Thiên hạ cười hi hí:
“Giời ạ, cụ Vận thiếu một năm lên đầu tám, bà xôi chè đầu sáu có dư, còn ngủ nghê cái nỗi gì cơ chứ?” Anh công an khu vực hấm hứ: “Choa mà túm được “quả tớm” trai trên gái dưới là choa cho đi tù tắp lự; đừng tưởng hủ hoá mà qua mặt được choa. Cái giống đàn ông cắt đầu gối không còn giọt máu nào mới hết sạch cái khoản ấy.”
Bà xôi chè cũng đã dậy, chắc hẳn bị cuộc đối thoại ở hai bên bức tường đánh thức. Ông Hưởng bước vào nhà, cao giọng vui vẻ:
– Chúc cụ với bà năm mới phát tài phát lộc bằng năm bằng mười năm ngoái!
Bà xôi chè chắp hai tay chúc lại:
– Chúng tôi cũng xin chúc lại cậu mợ năm mới được vạn sự như ý!
Cô con gái xúng xính áo hoa mới, quần ta–tăng đen nhánh, khép nép chắp hai tay đứng bên sập hầu trà.
Ông Hưởng không gọi cụ Vận và bà xôi chè là hai cụ. Bà có tên Siêng, nhưng dân phố cứ bà xôi chè mà gọi. Cùng trà ông, gọi bà bằng cụ nghe chướng tai lắm. Mà cụ Vận cũng không lấy làm khó chịu với cách gọi một đàng cụ một đàng bà như thế. Tuy nhiên, bà cũng theo cụ Vận gọi ông Hưởng bằng “cậu”, có điều trong cách gọi ấy có âm sắc tôn kính của người bình dân thưa gửi với các “cậu” con nhà gia thế. Chẳng gì cụ thân sinh ra ông cũng là một ông phán, cho dù trong thời mới chức vụ cao nhất của ông Hưởng chỉ là tổ phó tổ dân phố. Cô Thanh gọi ông bằng “bác”, là sự xác nhận ông đứng hàng trên mẹ cô. Cách xưng hô vậy là rạch ròi, phải phép. Cô Thanh không sắc nước, nhưng tươi nở, người hơi phổng phao quá khổ nên đã quá tuần cập kê mà chưa có ai rước.
– Thưa cậu xơi nước kẻo nguội – bà Siêng hai tay bưng chén trà mời ông Hưởng.
Nghề xôi chè của bà Siêng là nghề gia truyền. Gánh xôi chè của bà nổi tiếng cả khu phố cổ với đủ thứ chè đỗ xanh, đỗ đen, đỗ đãi, con ong, hoa cau, bánh trôi, bánh chay …, thứ gì cũng đạt đỉnh, không chê vào đâu được. Hai mẹ con thuê một cái chái hẹp, ra đụng vào chạm, vừa là nơi ở vừa là nơi làm hàng. Ông chồng mất sớm, từ cô Thanh mới sinh. Bà không đi bước nữa mà ở vậy cho đến khi thuận về với cụ Vận.
Từ cái chái rách đến một phòng ra phòng là một sự đổi đời. Được như thế, mẹ con bà phải mang ơn cách mạng. Không có cách mạng, chắc gì cụ Vận đã chịu kết duyên với bà. Điều ấy bà biết lắm.
Cụ Vận cũng thấy quyết định của mình thế mà đúng. Đang lọ mọ một thân già, mọi việc đều đến tay, nay có người đỡ đần, còn mong gì hơn? Bà tần tảo, bà chu đáo, bà không hề lợi dụng lòng tốt của cụ như thiên hạ xì xào. Cơm bưng nước rót, quần áo thay ra cứ vứt đấy, khắc mẹ con bà giặt giũ phơi phóng, sướng lắm.Cụ được chiều từng ly từng tí. Chẳng những chăm cụ, cô Thanh còn chăm đứa cháu gái mồ côi của cụ, như thể con mình. Suy ra, chính cụ cũng phải chịu ơn cách mạng nốt.
Của đáng tội, cụ Vận có mâu thuẫn gì với cách mạng đâu. Cụ chỉ bực mình với nó thôi. Cụ hấm hứ:
– Nhiễu sự kinh khủng, cái thứ khỉ gió ấy. Mọi sự cứ lộn tùng phèo tuốt tuột, cậu thấy thế không? Cái gì cũng phải cải tạo, phải sửa đổi, phải uốn nắn. Tôi già cốc đế rồi cũng đỡ, chứ như cậu tuy cũng già, nhưng còn trẻ hơn tôi, thì khổ lắm. Khốn nạn nhất là cái họp. Cái gì cũng họp – sáng họp, chiều họp, tối họp. Làm dân thường mà đi họp còn hơn cả công chức đi làm ngày xưa. Chưa kể cái hoạ nay phê bình, mai kiểm thảo, góp ý kiến. Dạy cả người già y như dạy trẻ con. Coi người nào cũng là đồ vứt đi cả một lũ. Xăm xoi đến cả cái đầu cái tóc, cái quần cái áo. Ngầy ngà đếch chịu được.
Cụ văng một tiếng tục đã quên.
Thời buổi gì mà mọi cái đều thiếu, từ bìa đậu cho chí lạng thịt, chai nước mắm. Cái gì cũng phiếu. Mua bằng tiền mà như đi xin. Đến khi người dân tự nghĩ ra cách này cách khác để cho cuộc sống dễ chịu hơn, tự làm ra cái nọ cái kia, đã không khen thì chớ, còn cấm đoán Mọi sự đều phải trong tay nhà nước, nhà nước làm, nhà nước quản lý. Cán bộ quát nạt trong các cuộc họp:
“Làm ăn riêng rẽ là mảnh đất hằng ngày hằng giờ sinh ra chủ nghĩa tư bản.”
Nhà nước kiên quyết bắt mọi người hành nghề kinh doanh, dịch vụ phải vào các tổ, các hợp tác xã. Hết chiến dịch này đến chiến dịch khác. Cứ như là đánh giặc. Ngay ở phố này ba ông cắt tóc, hai hiệu, một căng bạt trong ngõ, bị dồn thành một hiệu Thắng Lợi, khách vào phải xếp hàng. Hai hàng phở cũng nhập một thành phở Tân Tiến. Nghề xôi chè của bà Siêng không có người thứ hai, người ta không biết phải nhét bà vào tổ hợp nào. Xôi chè là thứ “chế biến từ lương thực”, bị nhà nước đặc biệt quản lý, không nhét được vào đâu thì a lê hấp, cấm. Hai ông hàng phở chẳng nghĩ được cách nào hơn để giữ mức thu nhập trước, liền cài con cháu vào tổ hợp để ăn lương. Tân Tiến trông khang trang đấy mà thu không bù chi, lấy đâu ra lương? Đến phở mậu dịch còn không có thịt để bán, phải bán thứ phở suông gọi là không người lái, thì hàng phở tư làm sao khá hơn được. Có hơn là hơn cái nước dùng ngọt hơn phở mậu dịch do khéo chế biến mà thôi.
Đời sống mỗi lúc mỗi khó khăn cho mọi người, mọi nhà. Chỉ cách mạng là sướng – bắt được cả thiên hạ sống theo ý mình.
Đói ăn vụng, túng làm liều, ở khắp nơi trong thành phố, những hàng phở, hàng vằn thắn, hàng bún riêu, bún thang, bún ốc… liền mở chui. Hàng quán đặt trên gác xép, trong buồng sau, đồ đạc để y nguyên, hàng đâu mà hàng, có khám xét cũng thua. Khách rỉ tai nhau, biết mật hiệu mới vào được.
Bà Siêng cũng toan bắt chước làm chui, nhưng cụ Vận không cho. Làm thế trước sau rồi cũng bị phát hiện,rồi người ta cho lên bờ xuống ruộng chứ chẳng chơi. Lẽ đời vốn vậy – có quyền trong tay thì phải dùng nó, không thể để phí, không dùng được vào việc này thì dùng vào việc khác, không bằng cách này thì cách khác. Mẹ con bà Siêng sau mấy lần giấu cụ, quẩy gánh xôi chè đi bán vụng ở các phố vắng bị quản lý thị trường tịch thu, mất cả chì lẫn chài, đành bỏ nghề.
Nhưng để cụ Vận phải nuôi hai mẹ con, bà Siêng không muốn. Hai mẹ con quen sống tự lập, không chịu cảnh ăn nhờ ở đậu, bèn xin vào tổ đan len. Đó là nghề duy nhất dành cho đàn bà thành phố. Không biết nước bạn nào mà đặt hàng nhiều thế, khắp hang cùng ngõ hẻm, chỗ nào cũng thấy các bà các cô hai tay múa tít bên những cuộn len đủ màu. Nghề đan len được báo Nhân Dân vinh danh là ngành thủ công nghiệp đã góp phần to lớn cho sự nghiệp cách mạng.
Ấm nước trên lò đốt bằng than tổ ong bắt đầu reo.
Cụ Vận pha trà trong cái ấm đất gan gà đã sứt vòi. Nó già không kém gì cụ, ở với cụ đã lâu, chẳng còn nhớ từ bao giờ. Cụ bảo:
“Nó trông vậy mà còn tốt chán. Ấm cũ, cao trà bám khắp thành, rót nước sôi vào hương trà vẫn bốc lên ngào ngạt. Ấm mới không thể sánh với nó.”
– Mời cậu.
– Kính cụ.
Ông Hưởng đón chén trà bà Siêng đưa, cũng bằng hai tay. Cụ Vận vừa nhấm nháp ngụm trà vừa nghiêng đầu nghe ngóng:
– Quái, năm nay cấm pháo hay sao mà chỉ có vài tràng lẹt đẹt?
– Không có lệnh, cơ mà cũng như cấm, cụ ạ. Họp tổ, họp phố đều quyết: không đốt pháo, lãng phí, gây tai nạn… – bà Siêng ngồi ghé bên cụ, ghé vào tai cụ, nói – Lúc giao thừa có nghe đì đẹt, chắc lũ trẻ nghịch ngợm đốt pháo tép, cụ ngủ say, không nghe.
Ông Hưởng thở dài, nhớ đến những cái Tết đã xa:
– Tết mà không có pháo thì còn gì là Tết. Cụ nhớ không, ngày xưa ở phố ta Tết đến là vỉa hè ngập xác pháo toàn hồng?
Cụ Vận thần người ra:
– Nhớ chứ. Dưng mà nghĩ đi nghĩ lại, người ta cấm đốt pháo cũng phải – đã tốn tiền thì chớ, trẻ con nghịch tinh ném vào nhau, khối đứa mù mắt…
– Em nghĩ: chẳng phải cái đúng nào cũng tốt – ông Hưởng nói – Có những cái đúng đấy, nhưng vô tích sự. Như việc họ toan điều người đến ở nhà ta ấy. Có vẻ đúng đấy chứ – người còn thừa chỗ, người không kiếm ra. Tôi nhân danh cách mạng kiếm chỗ ở cho dân, tôi san bằng mọi bất công.
– Thì họ vưỡn nói thế.
– Cướp đấy, cụ ạ. Cướp nói chữ. Thời buổi này ai dại cho thuê? Cho thuê là mất nhà.
– Nghe nói bây giờ người ta ăn của đút để cài người vào những nhà còn rộng đấy – cụ Vận nói – Có người muốn thuê nhà nói với tôi như vậy. Họ bảo thà đưa thẳng tiền cho chủ nhà còn hơn.
– Nhưng cụ không nghe, đúng không? Mà có nhà nào dại nghe họ đâu. Họ mới phải nhờ đến chính quyền. Nhờ thì phải đút. Nghĩ cũng tội.
Cụ Vận ngồi thần, nghe bằng một tai. Chuyện này sao cụ lại không biết.
– Người ta tính chán rồi, cụ ạ – ông Hưởng tiếp tục chứng minh điều cụ biết rồi – Đút thì mất một mớ đấy, bù lại được thuê vĩnh viễn. Lại đúng giá nhà nước quy định, rẻ như cho. Chủ nhà cho thuê rồi mới méo mặt, tiền cho thuê nhà không bù nổi tiền sửa chữa. Đến lúc ấy có quỳ xuống mà xin dâng, nhà nước cũng không nhận…
Cụ chặc lưỡi:
– Thì đúng thế.
– Cán bộ khôn, họ biết lắm – xếp hàng chờ dài cổ mới được phân căn hộ trong mấy cái nhà hộp mới xây ở ngoại ô. Khu ta đây tuy nhà cổ, nhưng ở giữa thành phố, đi làm đạp ba nhát là đến sở, hết giờ ba nhát về nhà, đỡ vất vả, đỡ cả cái khoản vá xăm lốp, chữa xe…
Cụ Vận chăm chú nghe. Giờ thì cụ hiểu trong lòng ông hàng xóm có điều bức bối.
– Cậu nói phải. Nhưng mà này …, bên cậu yên hẳn rồi chứ, hay là…?
Ông Hưởng thừ người.
– Nào có. Chưa đâu ạ, thưa cụ.
Cụ Vận gật gù:
– Phải cứng, cậu ạ. Cứ phải cứng mới được. Mềm nắn rắn buông. Không thì mai này hai cháu về ở đâu?
Ông Hưởng thở dài, thổ lộ:
– Người ta bám như đỉa, cụ ơi, hứa hẹn đủ điều, rằng chỉ ở tạm thôi, mai kia các cháu về rồi trả. Em thừa biết cái tạm ấy nghĩa là thế nào. Họ ở yên rồi, chạy được hộ khẩu riêng rồi, có mà Thiên Lôi đuổi.
Bà Siêng vào trong nhà từ lúc nào, nghe giọng giục giã:
– Dậy, dậy, Thái ồi, rửa mặt, chải đầu, rồi ra chúc Tết ông…
Cụ Vận buồn bã hướng về phía gian trong:
– Nó lớn phổng, mà chẳng có khôn, cậu ạ! Tội nghiệp cháu tôi…
Ông Hưởng an ủi:
– Cháu hiểu hết cả đấy… Lại tốt bụng nữa. Hôm nọ thấy nhà em quét ở cửa, cháu liền cầm chổi ra quét đỡ, ngoan lắm.
– Hiểu thì nó hiểu – cụ Vận lắc đầu – Chẳng biết rồi ra có nói được không?
– Cụ cả lo, biết đâu rồi chẳng chữa được. Bệnh quỷ khắc có thuốc tiên.
– Cậu uống đi kẻo nguội – cụ lái đề tài – Sáng nào tôi cũng dùng trà thanh tâm, tốt lắm. “Bán dạ tam bôi tửu, Bình minh sổ trản trà, Nhất nhật cứ như thử, Lương y bất đáo gia[2]”, các cụ dạy cấm có sai. Già như tôi mà bệnh tật nữa thì chết còn sướng hơn.
Ông Hưởng gật gù:
– Sức khoẻ, thưa cụ, là thứ nhất. Thời buổi này ta còn có gì, ngoài nó?
– Lắm lúc tôi nghĩ: cháu nó không nói được mà lại hay. Không ai biết nó nghĩ gì. – cụ Vận cười cay đắng – Thời buổi này càng ít nói càng tốt. Nói nhiều mất lập trường nhiều. Hoạ giai do khẩu xuất[3].
Bà Siêng bưng bánh chưng ra.
Mùi hương trầm toả khắp phòng. Lác đác mấy tiếng pháo tét lẹt đẹt.
Ông Hưởng đứng lên, chắp hai tay lễ phép:
– Xin cụ và bà tự nhiên thưởng xuân. Em xin vô phép. Nhà em chắc cũng đã dậy.
– Ông về, gọi cả bà nhà sang đây đi.
Ông Hưởng ngần ngừ:
– Em tính lát nữa mới sang, nhưng cụ gọi, thành ra sang sớm quá. Chả là đầu năm em muốn xin cụ khai bút cho một chữ. Em đã mua một tờ hồng điều, lớn hơn tờ năm ngoái đấy ạ.
– Năm nay cậu muốn chữ gì đây?
– Dạ, tuỳ cụ. Năm ngoái cụ cho em chữ Tâm..
Đứa cháu gái cụ Vận mặt mũi sáng sủa, mắt trong veo, nũng nịu tựa vào người ông. Nếu không bị câm, nó là đứa bé hoàn hảo. Mẹ nó chẳng nhòm nhõ gì đến nó. Từ lúc lẫm chẫm biết đi, nó chỉ biết có ông, cũng chẳng cảm thấy thiếu mẹ. Nó vòng tay ôm cổ ông thay lời chúc.
Cụ Vận âu yếm vuốt tóc cháu:
– Thanh tâm an lạc. Còn năm nay, ờ, chữ gì nào?
Ông Hưởng nhìn cụ, chờ đợi.
– Dạ, cụ biết nên cho em chữ gì.
– Để tôi nghĩ. – cụ Vận bóp trán.
Ông Hưởng đứng lên:
– Vậy xin cụ, em về lấy giấy. Rồi xin phép cụ cho nhà em cùng sang, luôn thể chúc Tết cụ với bà Siêng, cô Thanh và cháu Thái.
Cụ Vận vuốt râu:
– Vậy mà hay. Hai nhà ăn Tết chung đi. Gọi là Tết tập thể, hay là liên hoan đầu năm, theo cách nói bây giờ. À này, cậu xem nhà còn mực không? Cái thoi mực chữ Vạn của tôi, tốt ơi là tốt, chuột tha mất rồi…
– Chết thật! – ông Hưởng kêu lên.
– Chuột cũng đói mà – cụ Vận cười buồn – Chả là trong mực Tàu phải có ngưu bì[4], ông ạ,
Không có thứ ấy không đúc được mực thành thỏi, mực cũng không ăn vào giấy.
– Em nhớ là còn ạ – ông Hưởng băn khoăn – Chứ mà không có nó thì giờ này đào đâu ra?
Ông bước rảo về nhà.
Từ trên ban thờ nghi ngút hương, cụ thân sinh ông trong áo vét, cà vạt, hiền từ nhìn xuống. Bức ảnh bán thân ấy có từ thời cụ còn sống, là bức ảnh cụ ưng ý nhất, theo lời mẹ ông kể lại. Ông không có bao nhiêu kỷ niệm về người cha mất sớm. Trong trí nhớ của ông lờ mờ bóng dáng một người đàn ông đẹp trai hào hoa, với mùi khói thuốc Camel, mùi nước hoa oải hương cụ dùng khi cạo râu. Chỉ có cụ Vận biết cụ thân sinh ông là người có Hán học. Thời thế đổi thay, cụ đi học chữ quốc ngữ, học tiếng Pháp, để trở thành một ông phán. Bên cạnh ông phán, bà phán với gương mặt hiền lành, cam chịu, giống người ở hơn bà vợ.
Ông mở hộp bích quy trên ban thờ. Trong hộp còn có vài kỷ vật của cha ông. Ông nhớ trong đó có thoi mực Tàu. Quả nhiên, nó còn đó, như mới. Ông không nhớ cha ông dùng đến thoi mực này khi nào, nhưng trong nhà ông vẫn còn những chữ thảo cụ viết khi còn trẻ. Nét bút phóng túng, ngang tàng, tài hoa.
Lấy giấy gói thỏi mực lại, ông bảo vợ:
– Cụ Vận mời sang ăn Tết chung bữa nay đấy.
– Đầu năm, liệu có tiện không? – bà ngần ngừ – Nhà nào có xuất nhà ấy.
– Thì mình mang cái bánh chưng nhà mình sang góp vào.
Khu phố tổ chức gói bánh tập thể, mỗi nhà đóng tiền mua một hai cặp, tuỳ theo số nhân khẩu, tuy phải góp phiếu lương thực, phiếu thịt. Lại được mua một gói mứt thập cẩm bọc giấy báo nhuộm phẩm hồng, to nhỏ khác nhau, theo bìa gia đình. Cũng theo bìa gia đình, mỗi hộ còn được mua một chai rượu chanh hoặc một chai rượu cà phê, cả hai đều là rượu khai vị, không cắt phiếu.
Bà băn khoăn:
– Không ăn hết chả lẽ mang về à? Nhà có mỗi một cặp cho ba ngày Tết thôi đấy. Ông thắp hương cho các cụ đã.
Ông nói:
– Bà thắp rồi à?
– Việc của ông mà.
– Bà thắp thay tôi đi. Thời này nam nữ bình quyền, khỏi câu nệ. Một nén thôi, Thắp nhiều tổ khói mù.
Bà nguýt ông:
– Ông đừng có báng bổ, ngày Tết ngày nhất…
Ông nhìn lên ban thờ, nghĩ đến cái ngày ông cũng sẽ ở trên ấy. Rồi nghĩ đến hai đứa con. Ba năm rồi chúng không có nhà, thỉnh thoảng mới gửi về mấy dòng thư ngắn ngủi, báo tin chúng mạnh khoẻ, lập nhiều thành tích.
Ông biết bà hay khóc thầm. Ông chẳng biết an ủi bà cách nào. Thời chiến, chúng nó là thanh niên, thích bay nhảy là lẽ thường. Mà chúng nó có không muốn đi cũng chẳng được. Nhà nước đã động viên là phải đi. Có trốn rồi cũng bị bắt lại. Chính sách hộ khẩu ngặt nghèo, ai dám chứa?
Ông nghe bà lẩm bẩm cầu xin tổ tiên phù hộ cho hai đứa tránh được mũi tên hòn đạn, được lành lặn trở về. Bà còn cầu cho chúng ra trận không bắn phải mấy đứa anh con ông bác chúng ở phía bên kia, chắc chắn cũng phải đi lính như con bà. Người anh duy nhất của bà đã đi Nam, cùng với vợ con.
Ông Hưởng nghe thấy, đến bên bà, hấm hứ: “Thế chúng nó bắn vào người khác thì được à?”
Bà nín lặng.
Ông tin ở số mệnh. Nếu số chúng nó tốt, chúng nó sẽ trở về. Lại nhớ đến ông con trai cụ Vận. Ông này vui tính, khi còn sống hay kể về những ngày ông ở bộ đội, giọng tưng tửng:
“Đứa nào sợ chết thường lại dễ chết, ông ạ. Ra trận là cứ phải nghĩ: ta đi, địch chưa chắc đã thấy; thấy chưa chắc đã bắn; bắn chưa chắc đã trúng; trúng chưa chắc đã chết!”
Khi ông bà Hưởng mang giấy mực sang thì cụ Vận đang hì hục nâng cái chạn để rút cái nghiên đá kê dưới một chân mọt.
Mặt cụ lầm lầm. Bà Siêng cùng ghé vai, mặt chảy ra, vẻ biết lỗi.
Trong bếp có tiếng xèo xèo. Bà Siêng đánh trống lảng, chào ông bà Hưởng:
– Mời cậu mợ ngồi ạ. Cụ tôi xong ngay giờ. Cháu đang rán bánh chưng cho cụ, cụ thích mỗi món ấy thôi, bánh luộc cụ chỉ ăn một miếng gọi là.
Cụ Vận vẫn còn giận. Đời thuở nhà ai lại đi lấy nghiên mực mà kê chạn cơ chứ? Bà này rõ cạn nghĩ. Cái nghiên này cụ dùng từ lúc còn để chỏm, cha cụ sắm nó khi cụ bắt đầu ê a tam thiên tự. Vào thời niên thiếu của cụ việc học chữ Nho chỉ còn lại trong những gia đình bị coi là hủ lậu, thiên hạ đã chuyển sang học chữ quốc ngữ hết cả.
Tục lệ không cho phép giận dữ trong ngày đầu năm. Cụ Vận gượng cười với mọi người xúm xít quanh cụ.
Cái nghiên được cụ hì hục lấy cát đánh sạch bong. Đến lúc ấy cụ mới trịnh trọng đưa thoi mực đi vòng đầu tiên trong cái nghiên còn ướt nước. Khi mực đã quánh, cụ vẩy thêm vào đó vài giọt nước, mài tiếp.
Lấy cái bút lông đại trên ban thờ xuống, cụ vuốt đi vuốt lại, chấm chút mực, giạm một nét xổ trên tờ giấy bản dùng làm nháp. Cụ Vận ngắm nghía nét bút vừa hạ
– Mực tốt. Đầu năm tưởng rủi, hoá còn may.
Cả nhà vây quanh cụ. Đứa cháu câm dựa vào ông nội, bá cổ ông, bị ông khẽ gỡ ra. Con bé ngơ ngác, chưa bao giờ ông nội lại làm thế với nó. Cầm tờ giấy soi lên ánh sáng, cụ đánh giá,
– Có cái này chưa được như ý, cậu ạ. Cậu xem đây, mặt giấy chỗ dày chỗ mỏng. Là do thợ không cẩn thận, hoặc kém tay nghề. Giấy dó Láng sở dĩ nổi tiếng là nhờ thợ giỏi tay xeo. Mà thôi, có nó là tốt rồi. Còn hơn giấy hồng nhà máy, thứ ấy chỉ dùng để viết khẩu hiệu.
Tờ giấy được trải ngay ngắn trên nền nhà. Cụ Vận nghiêm trang, chân chống chân quỳ trước nó, bàn tay cầm bút đưa đi đưa lại trong khoảng không bên trên, hình dung đường nào nét nào cây bút sẽ đi. Thận trọng chấm đầu bút lông vào cạnh nghiên, cụ giậm một nhát khẽ cho bớt mực, tay trái khẽ vén tay áo phải. Đoạn, bằng một động tác nhẹ nhàng mà dứt khoát, cụ phóng bút xuống tờ giấy, đi một đường đầu tiên đầy sức mạnh, tưởng chừng không thể có ở tuổi già.
– Năm mới, tôi tặng cậu chữ này.
Ông Hưởng nín thở dõi theo nét bút cụ Vận.
Đang bay bướm, nó dừng lại đột ngột.
Chữ Nhẫn.
Ông giật mình. Nét bút cuối cùng gọn gàng là thế, bỗng nhoè nhoẹt.
Một giọt nước mắt lớn của cụ Vận vừa rơi xuống.
Ờ thì nhẫn – ông nghĩ.
Nhưng còn phải nhẫn đến bao giờ?
Đến bao giờ, biết đến bao giờ hở Trời?
Vũ Thư Hiên