có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 2 11, 2022

Bội Thực



Trong khoảnh sân nhỏ chút chéo chưa đầy sáu mét vuông, thầy hì hục bốn mươi lăm phút mỗi sáng: đứng lên ngồi xuống, ẹo qua ẹo lại, quơ tay quơ chân, ưỡn ra thót vô, múa bụng, nhảy cà tưng, đi cà giật, vừa đếm vừa nhịp nhàng hít sâu nhả chậm; sau 100 lần cho từng kiểu động tác thầy bật ngửa người uốn cong lưng 40 độ, “xuống nái” như trong điệu nhảy twist thập niên 60, mặt phơi lên trời lâm râm khấn: Mỗi hơi thở là một ân sủng, xin đội ơn Ngài – dù Phật, Chúa, Allah, hữu hình hay vô hình, thiên thần hay quỷ thần, đa thần hay phiếm thần…

Trong bốn mươi lăm phút này với 6 kiểu động tác, nghi thức tạ ơn được lặp lại 6 lần. Vậy đâu đã đủ, thầy còn tự hứa sẽ sống cho xứng đáng với từng ngụm oxy được ơn trên ban cho. Trước thời dịch bệnh hoành hành thầy là một con người khác, hiếm khi ý thức mình đang thở.

Xung quanh là cây trồng chậu, đã từng có tuyết sơn, mai tứ quý, nguyệt quế, cau kiểng nhưng dần dà héo quắt vì thiếu phân thiếu đất, thiếu cả kinh nghiệm chăm bón của người trồng; rốt cuộc chim chóc hồn nhiên thả hạt lung tung cho cây mọc loạn. Điểm lại thấy toàn dương xỉ, ráng dại, cỏ may, cùng vô số những loài không tên hoặc có tên nhưng không được biết. Chúng quây quần thành một màu xanh rất vườn tược tuy chẳng được tích sự gì ngoài việc che chắn cho khoảnh sân nhỏ, tạo cảm giác mát mẻ. Một góc riêng kín đáo để thầy nhảy cà tưng đi cà giật mỗi sáng mà không ngại có ai nhìn thấy ông già đang nỗ lực lên gân. Sau phần hành lễ bồi dưỡng thể chất và củng cố tâm linh, thầy sẽ rê vòi nước tưới giáp vòng khoảnh vườn treo, tỉa bớt dây rễ lòng thòng rồi ngồi phơi nắng trên cái ghế mây kê ở góc vườn, gọi là kiếm chút vitamin D cho cơ thể.

Suốt thời gian hơn 120 ngày thần tiên tự cách ly trong căn nhà của chính mình, ngoài hai lần phải ra ngoài để chích ngừa, thầy nhận thấy chưa bao giờ mình hạnh phúc đến thế – hệt như một kỳ nghỉ dưỡng tại chỗ khỏi cần check-in/check-out, hoàn toàn miễn phí. Không công ăn việc làm, không thu nhập, không chi tiêu, không khách khứa vãng lai, không nấu nướng phục vụ, không cười nói sàm sỡ lỡ lời, không hiu hiu tự đắc cũng không lom khom khiêm tốn, không lên đồ, không lên đường…

Trong ngày, thầy đi ra đi vô đi lên đi xuống cái diện tích 56 mét vuông nhân cho 3 theo chiều thẳng đứng, bắt đầu bằng vườn treo Babylon, kết thúc bằng tầng trệt với cái tủ lạnh Panasonic 255 lít ém trong đó không biết bao nhiêu là thứ. Thật tởm lợm cho bản thân khi hình dung những gì chứa sau cánh cửa tủ: 8 cái đùi gà, một ký thịt nạc dăm, một ký xương heo, một tảng thịt bò, hai khứa cá ngừ đại dương, 4 khứa cá bớp, 5 con cá chim, 4 ký tôm sú, 18 con cá nục mập ú, một bịch cá kèo nửa ký, một ề chả cá thu, 5 chục trứng gà trứng vịt, bánh chưng bánh tét, chả bò chả quế…

Ngoài ra là mớ gia vị, đồ hộp và thực phẩm khô lổn nhổn trên kệ bếp: yến mạch, ngũ cốc, cà-phê tan nhanh, phở ăn liền, bún khô, gạo/nếp các loại, đậu xanh đậu đỏ đậu phộng đậu nành, nui dài nui tròn, mì sợi mì ống, cá mòi, cá khô tôm khô mực khô, đường phèn đường cát, muối biển Cà Ná, nước mắm Liên Thành, dầu mè, dầu đậu nành, giấm táo, mật ong, nước cốt dừa đóng hộp, củ hành tây, chanh ớt, tỏi cô đơn, tỏi tùm nụm treo chùm, chao chùa làm, củ kiệu ngâm chua ngọt… Có cả bánh Trung Thu Như Lan thập cẩm hai lòng trứng lẫn biscuit LU và brioche Pháp.

Đó là chưa kể các loại rau củ quả chưa kịp dùng đã héo úng: cải bó xôi, rau dền, mồng tơi, cải bẹ xanh, cải thìa, cải bắc thảo, cải bắp, rau cần tây, rau cần tàu, rau tần ô, bí đao, bí rợ, bí ngòi, mướp hương, mướp khía, dưa leo, ớt chuông, đậu haricot vert, cà tím, củ cải đỏ, củ cải trắng, su su, su hào, khoai tây, khoai lang, củ sắn, cà chua, thanh long, chuối cau, chuối sứ, chuối Laba Dalat, cam sành, táo xanh, táo đỏ, bưởi Năm Roi, nho không hạt, khóm mật hữu cơ….

Ngày 7 tháng 9.2021 nhà nước cũng có cứu đói cho một bó rau ua úa và 5 tờ báo xanh tươi thuộc loại sừng sỏ của tổ quốc: Người Lao Động (Thành Ủy thành phố HCM), Pháp Luật (Ủy Ban Nhân Dân thành phố HCM), Nhân Dân (cơ quan Trung Ương đảng Cộng Sản VN), Sài Gòn Giải Phóng (đảng bộ Đảng Cộng Sản VN thành phố HCM), Tuổi Trẻ (đoàn Thanh Niên Cộng Sản thành phố HCM). Thật là phủ phê vật chất lẫn tinh thần.

Thầy bói đã từng phán: “Lão sư có cung nô bộc vượng, số cô quả nhưng lại sướng lúc về già.” Quả đúng như vậy. Tuy gia quyến không còn ai, thầy luôn nhận được giúp đỡ những khi có biến như có lần phải nằm viện, học trò cũ mới – người trực đêm, người nấu cháo thịt băm mang vô từ nhà, người xin nghỉ việc sát cánh chăm sóc nhà giáo suốt thời gian dưỡng thương sau khi xuất viện. Trong hơn bốn tháng sống theo chỉ thị này nọ của nhà nước, giữa lúc dân lao động tứ xứ ùn ùn về quê tránh dịch vì thất nghiệp, người vô gia cư cầu bơ cầu bất không thể lang thang kiếm sống, thầy bình chân như vại rút vô hang sâu, lâu lâu nghe chuông cửa bèn thò đầu ra miệng hang nhận đồ tiếp tế từ một tập đoàn hùng hậu gồm các trò đã thành nhân chi mỹ đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực: nghệ thuật, báo chí, y tế, ngân hàng… có danh phận và giấy phép đi lại; từng trò luân phiên cứu trợ người già neo đơn. Ai nói nghề giáo bạc bẽo? Nhất tự hay bán tự, dạy học là nghề ân nghĩa. Già neo đơn là ân phúc.

Thật khó quên hình ảnh trò Khánh nghiêm chỉnh giữ khoảng cách hai mét giơ cao chai giấm táo: em mới làm biếu thầy trộn xà-lách ăn thử; trò Thư xanh dờn trong bộ đồ phòng hộ y tế có mũ trùm đầu, khẩu trang che kín mặt đứng chờ ngoài cổng, một tay khệ nệ ôm các bịch túi ngồn ngộn rau củ quả thịt cá trứng, một tay quơ quơ – nhìn xa như phi hành gia vừa đặt chân lên mặt trăng vẫy chào nhân loại địa cầu: con có chút xíu này kia kia nọ, bổ sung thầy ơi; trò Đông Khanh, mối quan hệ bền bỉ 30 năm, nay đã bạc râu hói tóc, đứng cạnh một nữ công an mặc quân phục đeo cầu vai 4 sao – chắc bắt quàng làm họ nhằm thuận tiện cho việc di chuyển – cười nham nhở bảo đợt này ngoài thực phẩm, em phụ cấp thêm pin tiểu pin đại, dao cạo râu Gillette và nước giặt đồ Downy để thầy sạch sẽ thơm tho; camera lắp trên đầu cổng replay cho thấy trò Lộc-biên-đạo-múa dè dặt đặt gói hàng cứu trợ trên thềm xi-măng trước nhà, xịt thuốc khử khuẩn lên bao bì, nhấn chuông cửa xong đứng chờ theo tư thế arabesque, thấy gia chủ lò dò bò ra miệng hang bèn vừa múa vừa hát Rap: trong cái mớ này có nấm linh chi, nấm mối, nấm đùi gà, mắm chưng, bánh bao, hai ổ bánh mì đặc ruột nóng hổi để ăn kèm với cây chả mới, một trái dưa lưới và một thùng táo em vừa cướp được của bá tánh từ các lô hàng từ thiện ….

Tập đoàn shipper 0 đồng này thoạt ẩn thoạt hiện đều đặn hàng tuần bất chấp mưa nắng kể từ đầu tháng 6 khi tình hình thành phố có mòi gây cấn. Thầy tự nhủ hòa bình rồi phải tìm cách trả nợ tình xa, còn tình gần thì không biết đến bao giờ. Dịch giã càng dây dưa, nợ nần càng chồng chất.

*****

Có vẻ vỡ trận vì số ca nhiễm và tử vong ngày càng tăng – nhận thấy ba ngàn bảy trăm hai mươi chín tỷ đồng dành cho chi phí xét nghiệm đại trà trong nửa tháng tại thành phố đủ để mua 65 triệu liều AstraZeneca, cũng chợt ngộ ra cách ly tập trung đích thị là nguồn lây nhiễm chéo, và là thủ phạm của nhiều cái chết không kịp ngáp, lò thiêu hết củi, hố chôn tập thể hết đất, giường bệnh hết chỗ nằm, xe cấp cứu hết người lái, tháp điều trị 5 tầng/3 tầng kém hiệu quả, kinh tế kiệt quệ, nhân dân lầm than vừa khóc bù lu bà loa vừa nhặng xị chửi chó mắng mèo – nhà nước bèn thay đổi phương thức điều hành.

Chỉ trong đêm 30 tháng 9, năm 2021 sau công nguyên, chính quyền khắp các quận huyện phường khóm của thành phố hô biến tài tình cách sao mà toàn thể thị dân sáng mở mắt ra đã thấy không còn bị giăng dây ếm xì bùa yễm môn trấn thủ ngoại bất nhập nội bất xuất, hàng ngàn ghetto đùng một cái thông thoáng. Với sự dè dặt đã thành cố tật, từng người thập thò lấp ló ở miệng hang, nhưng rồi chẳng mấy chốc đã nghe thấy rần rộ tiếng xe nổ máy gài số, làm như ai cũng bị ma quỷ xúi giục cho đâm đầu xuống địa ngục, sau hơn bốn tháng trời kiêng khem chợt nghe bản năng réo gọi liền phom phom tăng ga nhắm hướng dục vọng cá nhân đê hèn. Báo chí Sài Thành gọi khoảnh khắc này là Hồi Sinh.

Bình thường mới khiến thầy đâm hoảng chẳng thua chi giai đoạn ban đầu của bất bình thường cũ.

Kế hoạch phục sinh đòi hỏi nhiều cân phân và cẩn tắc để có thể nhịp nhàng sống theo chỉ thị.

1 – Trước hết, tiếp tục triệt để tự cách ly; để phòng hậu họa, chớ vội triệu tập các nhóm học sinh hô hào gầy dựng lại cung đường bổ túc văn hóa ngoại lai sau bốn tháng giải thể; sẽ là một ý hay nếu nhân tiện giải nghệ – điều mà lẽ ra thầy đã phải làm từ 10 năm trước.

2 – Tiếp theo, rất nên tiêu thụ nhin nhín lương khô tích trữ, tuyệt thực xen kẽ càng tốt, biết đâu đùng một cái lại bị giăng dây; ngoài ra cung nô bộc có thể bất thình lình bị sứt, mẻ, thậm chí đứt, gẫy, sập vì bất cứ thiên thạch dù lớn hay nhỏ cũng sẽ hủy diệt mọi thứ trên đường lao về trái đất.

3 – Và sau cùng, phải quyết tâm giữ nhịp độ tập thể dục trên khoảnh sân chưa đầy 6 mét vuông, nơi mỗi sáng thầy ngửa mặt lên trời tạ ơn cho từng hơi thở. Rất nên bắt chước nhân vật tù khổ sai của Henry Charrière: hàng ngày với 5 bước tới lui trong xà lim chật chội, bằng cách cho trí não vượt ngục Papillon vẫn có cảm giác mình đang sống tự do nhờ vào những buổi đi dạo tưởng tượng, cùng với mẹ, trong vườn Luxembourg có diện tích hai trăm ba chục ngàn mét vuông.

Nhịp hồi sinh của thành phố thật đáng lo ngại. Hình ảnh từ truyền thông cho thấy xe cộ chen chúc trở lại; người ta lũ lượt đi cắt tóc, rửa xe, chữa răng, đổi mắt kính, sửa laptop; dân lao động tứ xứ vẫn tay xách nách mang hoảng loạn rời bỏ thành phố; các hàng quán mì, phở, cháo, bún đông người nối đuôi chờ đến lượt mua mang về; siêu thị nhộn nhịp; quý bà xóm nhỏ bắt đầu cãi cự tưng bừng không cần khẩu trang khẩu hiệu; quý ông hồ hởi tụ tập “nhậu gia đình” mừng giải phóng tập 2. Chó mèo nhân tiện hân hoan theo chủ. Nam thanh nữ tú lại hẹn hò, nay có thêm tiêu chuẩn thẻ xanh thẻ đỏ. Nguy cơ tái bùng dịch thật khó tránh. Sẽ là một chu kỳ khép kín nếu ai cũng hồi sinh bằng cách chui vào chỗ chết. Nhưng trách sao được?

Thầy chợt tiếc những ngày thành phố lặng ngắt như tờ, ngoài đường chỉ có xe cấp cứu thả còi inh ỏi chạy đua bán mạng với kim đồng hồ, nhà nhà im ru trốn dịch, tình cờ gặp nhau trong ngõ cũng kiệm lời hỏi han. Không chợ búa chế biến nấu nướng cầu kỳ, không ngai ngái lo sớm quá hay trễ quá, khỏi băn khoăn sao trò này dở ẹc trò kia nổi trội, không hoang mang bạn bè – ôi, những ai còn, mất. Mạng sống thầy phó mặc cho Trời, chỉ việc ngửa mặt thành kính tạ ơn cho mỗi ngày qua, tuy vẫn không quên đều đặn cập nhật số ca nhiễm và tử vong vì dịch, đơn giản để tự nhắc nhở: nhân loại đang hồi trầm luân, ai cũng sống như níu lấy từng khoảnh khắc hiện tại, đúng tư tưởng Carpe Diem của Horace.

Ba đề mục trong kế hoạch nêu trên đều khả thi. Thật bất ngờ, chỉ sau tuần lễ đầu tiên mục số hai gần như vượt chỉ tiêu, vì không những thầy nghiêm chỉnh nhịn ăn xen kẽ mà còn tuyệt thực hẳn, chỉ uống nước cầm hơi; kỳ lạ là bụng dạ lúc nào cũng cứ lình bình no. Các cơ đã chẳng nhão nhoẹt vì lão hóa mà còn trương phình lên, cảm tưởng như rau quả tôm cá trứng heo bò gà đang cục cựa dưới da tìm đường thoát thân. Chúng như bị kẹt xe, không còn tôn trọng đèn xanh đèn đỏ, ách tắc đến không thể đi theo đường ruột.

Đêm thầy ngủ không yên giấc, toàn thân ngứa ngáy khó chịu như bị muỗi chích mặc dù đã cẩn thận xịt thuốc treo mùng. Để dỗ giấc, thầy luyện phim tập trên Netflix cho đến lúc mỏi lưng mỏi mắt. Trước đây là Quantin Tarantino đầu trộm đuôi cướp rượt đuổi bắn giết máu đổ thịt rơi, hoặc Ingmar Bergman hiện sinh dày vò khắc khoải suy tư về cô đơn và cái chết, dạo này đã chuyển qua phim cổ trang của Hàn: Empress Ki 50 tập, Saim Dang 28 tập, Moon embracing the Sun 20 tập, Haechi 24 tập, The rise of the Phoenix 56 tập… lềnh bềnh dập dềnh.

Một sáng thức dậy thầy vừa gãi sồn sột những đốm mẩn đỏ vừa thất kinh thấy có kiến lửa ở chỗ mình nằm. Chúng đang bu cái chi của cơ thể người sống nếu không phải là thứ ăn được? Trong khi thiên hạ đang điêu linh hồi sinh thì lão sư giẫy chết vì mớ thực phẩm bội thu bí đường thoát, nhầy nhụa với các tập phim Hàn lê thê, mụ mị gật gù cùng ân nghĩa với lại ân phúc; lũ kiến nhân đó mà hàng đêm rị mọ tha đi từng vi phân phế phẩm rớt ra từ cao lương mỹ vị.


Trần Thị NgH