Năm nay tôi được về nhà ăn Giáng Sinh và Tết Tây. Hôm tôi về tới nhà thì bà xã đã dựng cây thông nhân tạo có trang trí những bóng đèn li ti, dây kim tuyến và đồ chơi treo lủng lẳng với nhiều màu sắc trông rực rỡ vô cùng. Nhưng năm nay hai đứa con gái không dám về nhà vì sợ lây nhiễm co-vi. Nhớ những năm trước vào những ngày Giáng Sinh và Tết tây cả nhà quây quần bên nhau đầm ấm, vui vẻ lắm. Năm nay chỉ có tôi và bà xã ở nhà nên hổng thiết tha gì tới Giáng Sinh. Đêm giao thừa dương lịch hai vợ chồng hâm một bình rượu ấm uống với oliebol, phó mát, trái ô liu và ngồi xem truyền hình, cứ để mặc cho dòng thời gian lặng lẽ trôi qua.
Nhớ hồi còn trẻ, hễ sau tết Tây tôi hay nhớ về Tết ta ở quê nhà, rất hứng thú viết bài cho báo xuân và chờ báo xuân ra cũng như chờ Tết. Có lẽ nhiều năm ở xứ người với mùa đông lạnh lẽo, đón Tết ta qua những trang báo xuân riết rồi nhàm, năm nào như năm nấy, cũng chỉ có bấy nhiêu màu mè, hoa tươi sắc thắm, én liệng trời cao, hoa mai, hoa đào nở, chùa chiền người đông như kiến cỏ và khói hương nghi ngút. Đọc thấy không khí xuân trên báo lúc nào cũng hao hao giống lúc chị em Kiều du xuân của mấy trăm năm trước: “... Ngày xuân con én đưa thoi... Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa, Thanh minh trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh, Gần xa nô nức yến oanh, Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân. Dập dìu tài tử, giai nhân, Ngựa xe như nước áo quần như nêm...” Không biết thời gian phôi pha hay sao và cũng không biết từ lúc nào lòng tôi trống vắng khi nghe Tết đến và có năm tôi quên luôn ngày Tết cổ truyền của dân tộc mình. Tôi không đợi chờ năm hết, Tết đến nữa nên thấy thời gian qua mau và tuổi đời chồng chất bao nhiêu tôi cũng hổng màng. Có lẽ ở xứ nầy nó thiếu cái gì đó, mà người ta gọi là không khí Tết, thấy hàng quán trang hoàng sặc sỡ, thiên hạ mua bán rộn ràng và nhạc xuân văng vẳng khắp nơi lòng mình cũng rộn ràng theo. Năm nay tôi biết được Tết đến là nhờ trước ngày tôi lên đường, bà xã rủ đi chợ Việt Nam mua đồ về gói bánh tét và làm dưa món. Về nhà bà xã kêu tôi phụ bà dẹp cây thông Giáng Sinh bỏ vô thùng và đem cất. Sau đó vô rừng lựa chặt một cành cây tươi đem về cắm vô chỗ cây Giáng Sinh để cho bà xã gắn bông mai bằng nhựa lên làm cây mai chưng trong phòng khách. Bà xã nói:
– Cho nhà có không khí Tết.
Khi tôi vô rừng chặt cây đem về, bà xã kêu tôi lấy cái xô và mấy cục gạch chèn hai bên để cắm nhánh cây cho khỏi ngã. Vợ kêu làm sao thì tôi làm theo vậy, trong buổi sáng tôi vừa dọn dẹp cây Giáng Sinh vừa chặt và cắm xong cành cây tươi, phần tôi đã xong rồi. Tới phiên bà xã đứng gắn từng cái bông mai nhựa nhỏ xíu màu vàng lên nhánh cây. Khi gắn hết bông rồi bà đứng ngắm nghía trông có vẻ hài lòng lắm. Tôi thì thấy nhánh cây có bông mà hổng có lá, tôi nói:
– Cây mai gì có bông mà hổng có lá trông hơi kỳ cục.
Bà xã cười cho cái sự thiếu kinh nghiệm về cây cảnh của tôi, bà liền nói:
– Ông ở Hoà Lan lâu quá ông quên hết rồi, cành mai làm gì có lá.
– Ồ, tui quên, bên mình trước Tết mai bị tướt lá hết rồi.
– Vậy thì, ông múc nước đổ vô gốc cây dùm đi.
Bây giờ tới phiên tôi thắc mắc:
– Ở ngoài trời lạnh cây hổng ra lá được, đen vô nhà ngâm trong nước và không khí ấm áp, từ đây tới Tết mình lá cây ra xanh màu đọt chuối, vậy là cây mai có lá rồi. Bà xã ngẫm nghĩ rồi nói:
– Hình như mấy năm trước cũng có lá, nhưng năm nay nghe ông nói tui mới để ý, nhưng hổng sao, tới có lá thấy hổng đẹp thì tướt bỏ mấy hồi.
– Ồ, ngộ vậy...
– Ngộ gì, ông lấy nước đổ vô gốc cây dùm đi.
– À, vậy thì bây giờ gọi là cây mai được rồi.
Tôi đi lấy nước đổ vô gốc cây, coi như phần cây mai đã xong. Bà xã chợt nhớ ra một chuyện, liền nói:
– Hôm rồi đi chợ Việt định xin lịch về treo, nhưng năm nay bị cô-vi nên người ta hổng in lịch nữa, Tết năm nay nhà mình hổng có lịch Việt treo rồi.
– Hổng có lịch Ta thì treo lịch Tây.
– Treo lịch Tây hổng thấy không khí Tết.
– Có lịch mới treo được rồi, năm nay không khí đại dịch cô-vi thì có, chớ Tết nhứt khỉ khô gì.
Bà xã càu nhàu:
– Nhưng cả nước Hoà Lan bị phong toả, tiệm đóng cửa hết, hơn nữa tết Tây qua lâu rồi, đi mua lịch năm tới chắc!
Tôi chợt nhớ ra hôm ở trên tàu người giao hàng có tặng tôi tờ lịch, tôi cuốn tròn nhét trong học trên nắp va li, nếu không có chuyện lịch Tết thì tôi đã quên luôn rồi. Tôi nói:
– À, tui có tấm lịch còn trong va li, để lên lấy xuống cho bà xã treo.
Tôi lên phòng mở va li lấy cuộn lịch đem xuống đưa cho bà xã. Bà xã mở ra thấy nguyên xấp lịch toàn hình phụ nữ trần truồng. Bà trợn mắt nói :
– Cái này làm sao treo được?!
Tôi cũng có hơi bị bất ngờ, tôi đi lại lấy xấp lịch lật xem, nhìn những cô gái Tây khoả thân. Chắc người tặng lịch nghĩ là những người làm việc trên tàu cũng giống những thợ sửa xe hơi trong garage, là thích treo hình phụ nữ sexy để nhìn cho ấm lòng. Tôi cười và nói dỡn chơi cho vui nhà vui cửa:
– Ờ, trông cô nào cô nấy cũng “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang... Mỗi người một vẻ, Mười phân vẹn mười”.
– Hứ, còn ở đó mà đọc Kiều.
– Tui thấy năm nào bà xã cũng vô tiệm Việt tìm xin cho bằng được lịch có hình các cô gái Việt Nam về treo, năm nay hổng có gái Việt thì treo gái Tây có sao đâu.
Bà xã nghiêm giọng nói:
– Ông già rồi mà còn ăn với nói, lẩm cẩm rồi hả, ông quên nhà mình toàn là con gái.
Tôi cười cầu hoà:
– Biết rồi bà xã, dỡn chơi thôi mà, để tôi đem bỏ thùng rác.
– Bỏ chi uổng vậy, mai mốt ông đi rồi, sao hổng đem theo xuống tàu treo.
– Thật ra thì trên tàu tui cũng hổng có treo lịch sexy trong phòng.
– Thì cho người khác.
– Trên tàu lịch thiếu gì.
Tôi để tờ lịch lên bàn. Bà xã thấy cũng không còn chuyện gì làm nữa mới đề nghị ăn bánh tét dưa món. Tôi nói:
– Ô kê, cái này hấp dẫn à nha.
Trong khi chờ đợi bà xã cắt bánh tét, tôi nhìn lên tờ lịch cũ treo trên tường, một cô gái Việt Nam trong chiếc áo dài mà tôi thường nghe những nhà văn hoá ca ngợi là "quốc hồn quốc tuý" của dân tộc và được coi như là một trong những biểu tượng văn hoá truyền thống của Việt Nam. Tôi ngắm nghía nhìn kỹ, tự dưng trong đầu nảy sanh ra một ý nghĩ so sánh. Các cô người mẫu Việt Nam bận áo dài phủ từ cổ xuống chân, tuy kín đáo nhưng thân hình lồ lộ đầy gợi cảm, cũng bốc lửa đâu thua gì những cô gái Tây phương. Nhưng khác cái là các cô gái Tây phương chụp hình in lịch thì trần trụi khoe hết cả thân người, dù cho các cô gái Tây có mập, có ốm gì mà khoả thân chụp hình thì trông cô nào cô nấy cũng hấp dẫn như nhau. Còn các cô gái Việt Nam muốn mặc áo dài cho đẹp, hấp dẫn và cho bắt mắt mọi người thì người thợ may phải chọn những cô người mẫu ôm ốm, chân dài, ngực, mông đầy đủ và vòng eo càng nhỏ càng tốt, mà người ta thường gọi đó là “thắt đáy lưng ong”. Chọn xong, người thợ may cẩn thận đo từng ly từng tí những chỗ lồi ra lõm vào theo thân người của các cô để tạo nên sự gợi cảm tưởng tượng. Sau đó mới tới người thợ chụp hình, cho các cô người mẫu bận áo dài mới, đi tìm chỗ nào có bông hoa đẹp để các cô đứng làm kiểu, chụp mỗi cô vài ba chục tấm và lựa lấy một tấm đem về sửa đi sửa lại không biết bao nhiêu bận mới vừa ý. Nhờ thợ may và thợ chụp hình tốn nhiều thời gian và công sức, nên trông hình cô gái Việt bận áo dài, cô nào cô nấy cũng đẹp giống như tranh vẽ.
Bà xã bưng bánh tét và dưa món ra để lên bàn. Tôi lấy xấp lịch nhét vô thùng giấy, báo vụn và đứng lên phụ bà xã dọn chén, tôi thích ăn bánh tét chấm xì dầu cay cay mới lấy chai xì dầu xịt ra dĩa dầm thêm trái ớt hiểm rồi bưng mọi thứ để lên bàn. Bà xã gắp bánh bỏ vô chén của tôi. Chúng tôi im lặng ngồi ăn ngon lành. Tới khi ăn gần hết bánh bà xã mới lên tiếng hỏi:
– Sao, ông ăn thấy được không?
– Được, được, ngon bá chấy luôn, cám ơn bà xã.
– Coi như mình ăn Tết sớm đi.
– Ừa, không khí Tết qua cây mai, hương vị Tết qua những thứ nằm trên bàn này đây.
– Còn chả lụa tôi cắt ra để trong tủ lạnh, lát tối tôi với ông uống bia. À, mà công ty có cho ông biết ngày đi chưa?
– Chưa, họ chỉ kêu ngày mai đi khám sức khoẻ và xét nghiệm PCR.
– PCR là gì?
– Là Polymerase Chain Reaction, đại khái là thử coi mình có dương tính không?
– Nhớ coi đồ đạc, đủ thiếu gì nói tui biết để tui mua.
– Áo quần đi làm còn nguyên trong va li, có lẽ mua thêm bàn chải, kem đánh răng và dầu gội đầu.
– Được rồi, ông xem thiếu cái gì thì ghi vô giấy, mai ông đi lo thủ tục, tui ra chợ mua cho.
Cả đời tôi đi đi về về là chuyện bình thường. Có điều khác là lần này sắp lên đường tâm trạng tôi nao nao làm sao. Những ngày ở nhà, mỗi khi ra ngoài trở về thì phải khử trùng hai bàn tay và vợ chồng tránh tránh né né, ngồi nói chuyện cũng giữ khoảng cách, khi đụng chạm nhau cũng ngài ngại sao đó, như vậy còn nói gì tới chuyện săn sóc cho nhau. Ở nhà thì thấy hơi phiền, ra đi thì trong dạ không yên.
Canary 3 2 2021
Nguyễn Lê Hồng Hưng