có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 1 30, 2022

Làng nổi trên Biển Hồ ở Campuchia



Tại Kompong Khleang, một ngôi làng hẻo lánh của Campuchia, người dân từ rất lâu đã phải học cách thích nghi với cuộc sống trên mặt nước của Biển Hồ, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á.


Một biển nhà


Kompong Khleang là một ngôi làng với những căn nhà bằng tre dựng trên các cột gỗ liêu xiêu, nằm cách Siem Reap 55km về phía đông.

Đây là ngôi làng lớn nhất và nằm ở vị trí hẻo lánh nhất nằm trên mặt nước mênh mông của hồ Tonlé Sap, một khu bảo tồn sinh quyển của Unesco vốn cung cấp hơn nửa sản lượng cá tiêu thụ tại Campuchia.

Từ hàng thế kỷ nay, hồ nước này được coi là biểu tượng cho sự tồn tại, của nền văn hoá và bản sắc dân tộc của đất nước này.


Không ổn định


Nhưng đời sống bên cạnh nguồn tài nguyên khổng lồ này không hề dễ dàng: mực nước hồ thay thường đổi đầy kịch tính khiến Tonlé Sap được đặt biệt danh là "trái tim đang đập của Campuchia".

Trong mùa khô, Tonlé Sap đổ nước vào Sông Mekong. Trong mùa mưa, từ tháng Năm đến tháng Mười hàng năm, nước hồ dâng cao 12 mét và mặt hồ mở rộng tới 20 ngàn cây số vuông, rộng gấp năm lần so với diện tích hồ mùa nước cạn.

Cuộc sống nơi đây thực sự là đầy khó khăn, cả về mặt vất vả hàng ngày lẫn về phương diện kinh tế. Những chiếc thuyền, những ngôi nhà liên tục phải chống chọi với thiên nhiên.


Cuộc sống trên những cây cột


Hầu hết các căn nhà ở làng chài này đều là những căn lều tre chỉ có một gian chung, được dựng trên các cây cột lớn.

Trong mùa mưa, những căn nhà dựng trên các cây cột mảnh mai, chênh vênh nằm cao bên trên mặt nước. Để đi lên đi xuống, người ta dùng những cầu thang dài bắc lên.


Đi lại


Khi làng ngập nước, việc đi lại ở Kompong Khleang được diễn ra trên những chiếc thuyền gỗ, là thứ mà người dân neo buộc ngay trước các sạp hàng, trường học, cơ sở y tế, thậm chí trước cả các ngôi chùa - tất cả đều được dựng trên những cây cọc chênh vênh.


Trẻ em nô đùa


Ngay lúc có thể nhấc được mái chèo là lũ trẻ đã phải tự chèo đi chèo về tới trường học. Tonlé Sap là sân chơi của chúng: chúng nhảy từ thuyền này sang thuyền khác, chơi trò trốn tìm giữa những ghế ngồi trên những chiếc cano dài của gia đình.


Giữa những cơn sóng


Các căn nhà nếu không được dựng trên những cây cột thì sẽ được thiết kế để có thể nổi lên theo mặt nước. Những căn nhà nổi thường được làm bằng gỗ và trẻ, đa phần là nhỏ hơn nhiều so với các nhà cố định.

Chúng khá là an toàn vào mùa khô, khi nước rút xuống thấp, nhưng các trận sóng đánh theo dòng nước lên xuống vào mùa mưa khiến chúng trở nên không vững vàng cho lắm. Một số căn có gắn các motor, nhưng đa phần là trôi nổi tự do trên mặt hồ, tuỳ theo lúc nước lên hay xuống.


Hồ nước quan trọng


Tổng số có hơn ba triệu người sống quanh hồ, mà 90% trong số đó kiếm sống bằng nghề cá hoặc nông nghiệp. Cá đánh bắt được từ Biển Hồ cung ứng cho ba phần tư protein động vật cho người dân Campuchia, nơi 40% trẻ em dưới 5 tuổi thường xuyên suy trong tình trạng suy dinh dưỡng.


Mối đe doạ đối với Tonlé Sap


Nhưng hồ nước đang đối diện với những nhu cầu cạnh tranh của một quốc gia đang phát triển nhanh chóng. Với dân số ngày càng tăng nhanh, việc khai thác cá quá mức đang trở thành vấn đề; các đập thuỷ điện xây dựng dọc sông Mekong cũng tác động tới nguồn cá và sản lượng cá.

Trên hết, tình trạng thay đổi khí hậu khiến thời tiết trở nên khô nóng hơn, làm tình trạng ngập lụt xảy ra nghiêm trọng hơn, đe doạ tới môi trường sống và thói quen di cư của các loài cá ở Tonlé Sap.


Nhìn tới tương lai


Để giúp Tonlé Sap và những người sống dựa vào hồ nước khổng lồ này, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phối hợp với người dân địa phương hồi 2012.

Nhà sinh thái học Roel Booumans cùng các khoa học gia khác đang tạo ra một mô hình hoạt động trên máy tính về hệ sinh thái Tonlé Sap, theo dõi các mối liên hệ và các phản ứng giữa hoạt động của con người (như đánh bắt cá) với các hệ thống tự nhiên (như các vòng đời cung cấp dinh dưỡng giữa các loài động thực vật sinh sống trong cùng một môi trường) trong quá trình tiến hoá.

Các nhà nghiên cứu và dân địa phương hy vọng sẽ tìm ra được khuôn mẫu phù hợp, giúp dự đoán đúng được tương lai của Biển Hồ.

Duy trì sự tồn tại cân bằng giữa việc duy trì tốt hệ sinh thái và nhu cầu cung cấp nguồn sống cho người dân địa phương là điều vô cùng then chốt đối với hồ nước quan trọng này của Campuchia.


Angela Altus
BBC Travel
Nguồn hình ảnh, Angela Altus