Nhạc: Hoàng Quốc Bảo
Trình bày: Ngọc Mai
Đệm đàn: Thiên An
Video: Hoàng Khai Nhan
Thập tự
buổi sáng trong cơn mơ
ta thấy mình cao cả
bàn tay nâng thánh kinh
mắt nhìn em xa lạ
đứng trên bục thiêng liêng
ta cao lời rao giảng...
chỉ nên ăn một lần
ngày tơi như tóc thả
em gầy xanh cơn yêu
mây đẫm dầm cảm xúc
mưa giăng hàng đi qua
em hãy ráng tin ta
bằng vào lời dối trá
và vinh danh ju-đa
bởi chỉ y thánh thiện
một đời ta loanh quanh
với trùng trùng ảo ảnh
một đời ta khôn ngăn
được mắt em lệ chảy
buổi sáng trong cơn mơ
ta về từ địa ngục
với trái tim hàm oan
mắt hoắm sâu sự thật
không ai chết một lần
nên ta hoài sống lại
thập tự mang trên vai
đi tìm người chuộc Chúa
buổi sáng trong cơn mơ
ta thấy mình cứng lạnh
nhìn theo em bơ vơ
trôi cuối dòng tuyệt vọng
Du Tử Lê
(03-10-71)
----------------------------------------------------
Hoàng Quốc Bảo đã viết trên trang Facebook của mình về ca khúc này như sau:
Mời giới mộ điệu thưởng thức bản nhạc cũ "Vô Vọng," nhạc Hoàng Quốc Bảo, phổ thơ Du Tử Lê, từ những năm 1972.
Chương trình nhạc chọn lọc trên làn sóng phát thanh đài Saigon do Phạm Long (hiện còn sống ở quận Cam) thực hiện, phát sóng 1 lần một và người thực hiện bị gọi lên trình diện ngay sáng hôm sau, suýt bị thuyên chuyển ra vùng 1 chiến thuật, vì tội dám tuyên truyền phỉ báng tôn giáo, dù Phạm Long là kẻ Thiên Chúa giáo toàn tòng.
Lý do: bản nhạc có câu thơ taboo, cấm kỵ:
"Hạnh phúc như bánh thánh,
chỉ nên ăn một lần..."
là tuyên truyền cho con chiên bỏ đạo, phạm tội, đừng rước mình thánh chúa nữa!
Thêm:
"Em hãy cố tin ta,
bằng vào lời dối trá
và vinh danh Juda
và vinh danh Juda"
Juda là kẻ phản Chúa, bán Chúa cho quân dữ. Sao lại đi vinh danh Juda? Trong kinh thánh và truyền thống giáo hội La Mã, chỉ có vinh danh Thiên chúa trên trời, chứ sao dám đi vinh danh Juda, kẻ phản bội đáng phỉ nhổ và bị trừng trị.
Nếu trong lịch sử Việt Nam, Có Lê Lai, kẻ trung thần dám chịu chết cho Lê Lợi, để cứu lấy Chúa, đáng được ca tụng dường bao, sao những người cuồng tín lại không bao dung chấp nhận Juda. Tội Juda, bán chúa, nhưng ở một góc nhìn đầy triết lý, Juda, phải chính Juda đã nhận lấy cái tội chướng Phản bội, chẳng phải để ngôi thiên chúa càng thêm cao cả hay sao. Nếu không có Juda ấy, lấy gì để làm sáng danh Thiên Chúa tột cùng cao cả, bao dung hơn thế?
Nhưng ngấm ngầm Du Tử Lê cũng run sợ, phải sửa câu thơ mình đi. Cái khí tiết của thi sĩ cũng đành cúi mặt. Bản nhạc vẫn giữ nguyên lời thơ cũ, nhưng chọn thái độ im lặng. Cho đến hôm nay.
Bài thơ, viết riêng cho Huyền Châu, nàng con gái bên kia sông Vĩnh Hội. Mối tình thầm kín và tan nát của Du Tử Lê, khi bà mẹ nàng quyết liệt ngăn cản, để 2 người không đến được với nhau.
Sau khi phổ xong bản nhạc này, nàng nghe được trên đài phát thanh, một buổi chiều tối, ăn cơm xong, Du Tử Lê chở tôi từ làng Báo chí, sang bên kia sông, đến tận nhà nàng, liều lĩnh rủ nàng ra điểm hẹn. Nhưng bà mẹ xua đuổi và cấm cản. Thi sĩ đành chở tôi về, lầm lũi ra ngồi cafe quán Hân.
Nàng chính là người con gái trinh tiết, về sau đã vào dòng kín, đi tu vì không còn yêu được ai khác. Những ngày cuối đời, Du Tử Lê hay về VN, nhưng hoàn toàn thất vọng vì biết nàng đã đi tu.
Sau đó ít lâu nhận được tin dữ, thi sĩ nói với tôi, ngậm ngùi: "Huyền Châu mất rồi Bảo ơi, trong nhà dòng, lúc nàng vẫn còn... con gái."
Vì mối tình trong trắng đầy thương cảm, tôi về Vn thu thanh bài hát cũ, đem sang cho Du Tử Lê nghe lại kỷ niệm, ở nhà hàng Tài Bửu, cùng 1 số thân hữu.
Bây giờ Du Tử Lê cũng đã ra người thiên cổ. Cái miệng cười hiền và châm ngôn luôn "sống tử tế" với mọi người của anh, luôn còn mãi trong lòng thân hữu.
2021-11-28
HQB