Một núi lửa ở Iceland phun trào hổi 2010
Tháng Tám 2014, ở nam Băng Đảo (Iceland), hai bên núi lửa Bardarbunga xé toạc ra và dòng nham thạch phóng lên trời. Đá tan chảy rỉ xuống phía dưới sườn núi và chảy ra biển.
Vụ phun trào núi vụt lửa này đã chấm dứt nhưng núi lửa vẫn tiếp tục thải khí vào khí quyển. Các nhà khoa học đang theo dõi nó chặt chẽ.
"Lần đầu tiên, Bardarbunga đã thực sự chứng tỏ sức mạnh của nó," Pall Einarsson, nhà địa chất học tại Đại học Băng Đảo, nói. Nhưng cho đến giờ, vụ phun trào đã diễn ra theo chiều hướng mà ông Einarsson mô tả là 'tình huống tốt nhất'.
Bên cạnh tình trạng ô nhiễm không khí thi thoảng tác động đến người dân ở đông Băng Đảo, tác động của vụ phun trào chỉ dừng ở mức tối thiểu và nó không có nhiều điểm tương đồng với tổ tiên của các núi lửa trên Băng Đảo: núi lửa Laki.
Núi lửa Laki bắt đầu phun trào vào năm 1783, và nó đã phun nham thạch và khí độc trong suốt tám tháng.
Chất sulphur dioxide đã gây ra mưa axít tàn phá cây cối và khí fluor đọng lại trên cỏ, cuối cùng đã giết chết 60% gia súc. Hơn một phần năm dân số Băng Đảo, tức là vào khoảng 10.000 người, đã chết vì đói và bệnh tật.
Tuy nhiên, sự tàn phá của núi lửa Laki vượt xa khỏi phạm vi của 'hòn đảo băng và lửa'.
Khói mù khí sulphur nhanh chóng bay đến châu Âu, làm thiệt hại mùa màng và che các tia nắng mặt trời, dẫn đến nhiệt độ trở nên lạnh hơn.
Ngay cả ở Alaska, nhiệt độ vào mùa hè đã thấp hơn bốn độ C so với ngưỡng thông thường và các thương gia người Nga đã để ý thấy tình trạng sụt giảm dân số của người Inuit.
Mặc dù con số tử vong cuối cùng của vụ phun trào Laki gần như không thể ước tính, núi lửa này chắc chắn được nhìn nhận là một trong những núi lửa chết chóc nhất trên thế giới.
Trong danh sách này còn có núi lửa Tambora ở Indonesia, phun trào hồi năm 1815, và núi lửa Ruiz của Columbia, vốn khiến nhiều người Columbia thiệt mạng mới hồi hơn 30 năm trước.
Mỗi núi lửa có cách phun trào khác nhau
Bardarbunga yên bình
Không có ngọn núi lửa nào trong số này thể hiện sức mạnh một cách giống nhau và gần như tất cả chúng đều tấn công một cách bất ngờ.
Với việc khoa học núi lửa giờ đây đã có thể dự đoán khi nào thì núi lửa phun trào thì liệu điều đó nghĩa là các vụ phun trào gây chết chóc đã là chuyện dĩ vãng?
Các kinh tế gia tại Ngân hàng Saxo không nghĩ như vậy.
Họ đã liệt kê sự phun trào của núi lửa Bardarbunga mà họ cho là sẽ che phủ bầu trời của châu Âu trong mây mù và đẩy giá thực phẩm tăng gấp đôi trong danh sách 'Những dự đoán khủng khiếp sẽ xảy ra trong năm 2015'.
Mặc dù những dự đoán của ngân hàng này là cho những sự kiện không có khả năng xảy ra, không may là một số dự đoán của họ đã thành hiện thực.
Nếu như núi lửa Bardarbunga, vốn nằm một phần dưới một tảng băng vĩnh cửu, phun trào dưới lớp băng, nó sẽ thải những cột tro bụi vào không trung và những cơn lũ điên cuồng tấn công lục địa châu Âu. "Nhưng những gì đã xảy ra lại là một vụ phun trào nham thạch khá yên bình tại một phần không có băng tuyết của Băng Đảo, nơi mà nó không thể gây ra thiệt hại gì," ông Einarsson giải thích.
Nhưng trong những thập niên tới, liệu Băng Đảo cũng như thế giới sẽ tiếp tục may mắn như thế?
Tambora hủy diệt
Vào ngày 5/04/1815, núi lửa Tambora cao khoảng 4.000 mét trên đảo Sumbuwa của Indonesia đã bừng tỉnh ầm ầm đến nỗi những người lính ở Java cách đó hàng trăm dặm cứ nghĩ là tiếng đại bác, cho nên họ gửi quân đến để đẩy lùi quân xâm lược.
Năm ngày sau đó, màn pháo hoa thật sự bắt đầu: núi lửa Tambora thổi những cột khói và tro vào không trung hàng ngàn mét.
"Những cột khói bụi cuồn cuộn, gồm khói nóng, bắn lên phía trên ngọn núi lửa đến rất cao, đến khoảng 30.000 feet (khoảng 10.000m) hay đại loại thế," Jon Davidson, một nhà khoa học trái đất tại Đại học Durham, Anh quốc, cho biết.
Núi lửa Tambora đã phun ra khoảng 150 km khối tro mà một phần trong số này rơi cách xa đến 1.300 km.
Ở miền trung Java và Kalimantan, tức cách điểm phun trào khoảng 900 km (550 dặm), bụi rơi đóng dày một centimét.
Đó là núi lửa mạnh nhất từng được ghi nhận ở thời hiện đại - được đánh giá 7 điểm trên chỉ số bùng nổ núi lửa (VEI-7).
Khi cột phun trào rơi xuống đất, nó sẽ tạo ra nhiều dòng chảy nham thạch nóng chảy - tức là hỗn hợp đậm đặc bao gồm các mảnh đá đang cháy và khí nóng - chảy xuống núi với tốc độ rất cao. "Nếu những cột phun trào này rớt xuống, và chúng ta biết rằng chúng rớt xuống liên tục trong lúc núi lửa đang phun trào, chúng sẽ gây ra rất nhiều chết chóc bởi vì chúng chảy rất, rất nhanh," Davidson cho biết. "Bạn không thể nào chạy nhanh hơn chúng."
Sau khi tàn phá các làng mạc trên đường đi của nó, dòng chảy lửa này đổ xuống đại dương nơi sự tiếp xúc của nóng và lạnh tiếp tục gây ra thêm các vụ nổ phun tro bắn vọt vào bầu khí quyển.
Tro bụi bao trùm các tòa nhà và mùa màng, làm nhiễm độc các nguồn nước.
Các dòng dung nham và các vụ nổ từ núi lửa làm khoảng 10.000 người thiệt mạng, và người ta ước tính là có thêm khoảng 82.000 chết do các nguyên nhân gián tiếp là đói và bệnh.
Và những dòng nham thạch chết chóc của núi lửa Tambora lan rộng và xa trên đất liền.
Khí thải sulphuric của nó khiến cho các hạt acid lan ra khắp Trái Đất, gây ra tình trạng khí hậu lạnh đi trên toàn cầu. Năm đó được gọi là 'Năm không có Mùa hè', vốn dẫn đến sự thiếu hụt lương thực trầm trọng trên khắp Bắc Bán cầu.
Ngoài những trường hợp tử vong vì đói, còn có những người chết vì lạnh.
Ở Mỹ năm đó được đặt biệt danh là 'một ngàn tám trăm lạnh đến chết' và mùa màng đóng băng khiến nhiều nông dân Mỹ đi về phía Tây để tìm nơi có khí hậu ấm hơn.
Krakatoa chấn động
Chưa đầy 60 năm sau, một núi lửa nữa ở Indonesia lại làm rung chuyển thế giới, nhưng lần này sự phun trào của nó là nhanh chóng và dứt khoát: chỉ trong vòng một ngày đã có hơn 36.000 người chết.
Các núi lửa ở Indonesia vẫn đang hoạt động
Vào ngày 26/08/1883, núi lửa Krakatoa, vốn nằm cách Tambora 1.400 km về hướng tây, phóng ra một đám mây trắng bao gồm bụi và đá bọt.
Khi núi lửa thải đá sỏi trong lòng nó vào trong không trung, khoang trong lòng núi trở nên trống rỗng và cuối cùng, khi không còn gì chống đỡ nó, lớp đá trên cùng của hàm núi lửa sụp xuống.
Sau đó nước phun trào ra trên lớp magma - một hỗn hợp gồm đất đá nóng chảy và bán nóng chảy và khí hòa tan - và một trận phun trào chấn động như thế khiến cho đứng cách xa 7.000 km ở Sri Lanka vẫn còn nghe thấy.
"Chính là hỗn hợp mạnh mẽ của magma và nước biển đã khiến cho vụ phun trào bùng nổ đến như vậy," Davidson giải thích, "và khiến hòn đảo vỡ ra thành từng mảnh."
Ngọn núi lửa sau đó sụt xuống 250 mét dưới mực nước biển, và hai phần ba hòn đảo cũng sụt xuống sau đó.
Tuy nhiên, phần lớn những người thiệt mạng lại là trên các hòn đảo lân cận.
Sau đợt phun trào đầu tiên, liên tiếp các đợt sóng thần đánh vào bờ biển của Sumatra, Java và các hòn đảo xung quanh, xóa sổ làng mạc và các cộng đồng ven biển.
Và, cũng tương tự như đợt phun trào của núi lửa Tambora, khí thải che ánh nắng mặt trời khiến nhiệt độ toàn cầu giảm xuống 1,2 độ C.
"Mặc dù vụ phun trào này không lớn như vụ phun trào của núi lửa Tambora, tôi cho rằng Krakatoa có tác động lớn hơn," Davidson nói. Khi nói đến sự chết chóc thì quy mô không phải là tất cả, ông chỉ ra.
'Quái vật' Nevado del Ruiz
Một con quái vật thật sự trong số những núi lửa, ngọn Nevado del Ruiz phủ băng chiếm một diện tích hơn 200 km vuông ở miền trung Columbia, trải dài 65 km từ đông sang tây.
Nhưng khi nó bừng tỉnh vào năm 1985, nó chỉ phát ra âm thanh rất nhỏ - một vụ phun trào chỉ được đo có 3 điểm trên Chỉ số Bùng nổ Núi lửa - không đủ sức mạnh để làm cho các cư dân thị trấn Armero nằm cách đó 40 km lo lắng.
"Người dân sinh sống rất xa đỉnh núi bởi vì ngọn núi lửa quá lớn," Don Swanson, một nhà núi lửa học tại Đài quan sát Núi lửa Hawaii, nói. "Do đó nguy cơ không có hiển hiện trước mắt như là đối với những người dân sống xung quanh núi lửa nhỏ hơn và có hình dạng thu gọn nhiều hơn."
Khi phun trào, trong lòng núi lửa phun ra một mớ hỗn độn đá và tro bụi tan chảy, vốn tự thân không ảnh hưởng đến thị trấn. Tuy nhiên, những vật chất nóng chảy này làm tan chảy khối băng và khiến cho một hỗn hợp băng và nước đổ ào ạt xuống núi với tốc độ 50km một giờ.
Những khối đất lở này được tiếp thêm tro, đá và vật chất núi lửa để tạo thành những dòng chảy các mảnh vỡ và những dòng chảy này chạy vào những dòng sông lớn ở chân núi lửa.
"Một con sông như thế chảy qua một thị trấn nhỏ và gần như hủy diệt nó," Davidson cho biết. Ở Armero, dòng chảy núi lửa đã giết chết trên 20.000 người trong tổng số gần 29.000 dân của thị trấn. Các nhà khoa học trước đó đã cảnh báo lũ bùn có thể tàn phá thị trấn, nhưng người dân lại không di tản.
"Và đó là thảm họa thật sự của tình huống phun trào núi lửa Ruiz. Dòng chảy núi lửa này đương nhiên có thể tàn phá thị trấn nhưng người dân ở đó lẽ ra đã có thể chạy lánh nạn," Swanson nói. "Đó là một vụ phun trào nhỏ nhưng có thể xoay sở được - vụ phun trào đó rất nhỏ."
Sức thiêu rụi của Ruiz
Núi lửa Ruiz là vụ phun trào núi lửa gây chết chóc nhiều thứ hai trong thế kỷ 20, chỉ đứng sau vụ phun trào của núi lửa Pelée trên đảo Martinique.
Mặc dù chỉ cao hơn một nấc so với núi lửa Ruiz trên chỉ số bùng nổ núi lửa, nhưng núi lửa Pelée đã giết chết 28.000 người chẳng lâu sau khi nó phun trào.
Khi ngọn núi lửa bùng nổ vào buổi sáng ngày 8/5, vòm dung nham của nó sụp đổ phát ra một quả cầu lửa bao gồm khói bụi, hơi nước và đá bọt bắn xuống núi.
Dòng chảy dung nham này, nhờ vào khí nóng sáng nên được gọi là đám mây sáng.
Di chuyển với tốc độ hơn 160 km/h, nó tấn công thị trấn St Pierre vào lúc 8:02 sáng và ngay lập tức làm chết ngạt và thiêu chết cư dân thị trấn.
Chỉ có ba người sống sót, trong đó có ông Auguste Ciparis, người cư trú duy nhất sống trong hầm ngục của thị trấn.
"Việc dòng chảy dung nham đậm đặc có hướng về nơi có dân cư đông đúc hay không chỉ là sự trùng hợp," Davidson cho biết. "Nó có thể chảy xuống theo sườn phía bắc mà trong trường hợp đó có lẽ không có ai sẽ nghe thấy vụ nổ."
Tuy nhiên, nếu có một vụ nổ núi lửa lớn nữa xảy ra ở Indonesia thì thương vong sẽ rất lớn vì hàng triệu người sống ở những khu vực dễ bị ngập lụt. "Núi lửa nguy hiểm nhất dĩ nhiên là những núi lửa ở những khu dân cư đông đúc," Swanson nói.
Vua tàn phá Vesuvius
Nếu được yêu cầu nêu ngọn núi lửa có khả năng gây chết chóc nhất trong tương lai thì cả Davidson và Swanson đều đồng ý. "Vesuvius là ngọn núi lửa mà tôi cho rằng có thể xếp đầu bảng trong danh sách của bất kỳ nhà núi lửa học nào," Swanson nói.
Vesuvius, có lẽ là núi lửa nổi tiếng nhất trên thế giới, đã hủy diệt thị trấn Pompeii và Herculaneum khi nó bùng nổ vào năm 79 sau Công nguyên.
Giờ đây, hơn 600.000 người đang sinh sống gần chân núi ở khu vực được gọi là 'vùng đỏ' - khu vực có bán kính 12 km nơi cư dân ít có cơ hội sống sót nếu núi lửa phun trào trở lại.
Trong cuộc chiến của nhân loại chống lại thiên nhiên, khoa học đã chứng tỏ là một vũ khí vô giá.
Các nhà núi lửa học tại Đài quan sát Vesuvius hiện giờ đang liên tục theo dõi ngọn núi lửa này để dự đoán khi nào nó sẽ phun trào trở lại. "Khi đó ta sẽ có cơ hội ra quyết định để có thể di tản người dân ra khỏi nơi đó," Davidson giải thích.
Bằng cách truy lại ngược thời gian những vụ phun trào trước đây và phân tích chúng, các nhà khoa học giờ đây đã có thể bắt đầu biết được bản chất và thời gian của các vụ phun trào trong tương lai, Davidson nói.
"Chúng ta càng nghiên cứu núi lửa nhiều chừng nào thì chúng càng trở nên quen thuộc chừng đó theo nghĩa là chúng có những đặc tính nào đó cũng giống như ở con người," Davidson giải thích.
Tuy nhiên, điều đó không nhất thiết có nghĩa là các núi lửa chết chóc chỉ đơn giản đã là quá khứ.
Có nhiều ngọn núi lửa không hề phun trào trong ký ức lịch sử của con người và không được giám sát, Davidson nói. "Và bởi vì chúng ta chưa từng thấy chúng phun trào, chúng ta không thật sự biết chúng ta cần theo dõi điều gì," ông nói thêm.
Chẳng hạn khi núi lửa Pinatubo phun trào vào năm 1991, có ít nhà khoa học giám sát nó - vụ phun trào gần đây nhất của nó đã diễn ra cách nay 400-500 năm. Mặc dù nhiều người đã bỏ chạy khỏi khu vực sau các lời cảnh báo của các nhà khoa học, 847 người đã thiệt mạng.
BBC Earth