có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 10 01, 2021

Đài Loan lược sử




Thân phận thuộc địa

Người Việt Nam ngày nay biết tới Đài Loan như là mảnh đất lành cho lao động phổ thông và cho cả những cô dâu Việt Nam. Nhiều người cũng biết Đài Loan có một mối quan hệ căng thẳng và phức tạp với Trung Quốc, và rằng Đài Loan là một nước dân chủ thịnh vượng.

Nhưng hòn đảo xinh đẹp này từng có một quá khứ rất nhọc nhằn. Sử gia J. Bruce Jacobs tổng kết rằng tồn tại một góc nhìn lịch sử Đài Loan thời kỳ trước năm 1988 là lịch sử thuộc địa, khi hòn đảo này chịu sự cai trị của sáu thế lực thực dân, bao gồm cả chế độ độc tài của Quốc dân Đảng. [1] Góc nhìn này đặc biệt được nhiều người Đài Loan bản địa chia sẻ, trong đó có nhà đấu tranh nổi tiếng Su Beng, người được mệnh danh là cha đẻ của phong trào đòi độc lập cho Đài Loan. [2] Còn với người Trung Quốc di cư từ đại lục sang vào cuối thập niên 1940 thì dĩ nhiên là không.

Các nghiên cứu địa lý cho thấy Đài Loan từng gắn liền với châu Á lục địa, cùng với cả đảo Hải Nam. Tuy vậy, quá trình tan băng sau Kỳ Băng Hà cách đây 12 ngàn năm đã khiến mực nước biển dâng cao và chia cắt vùng này với phần còn lại của châu Á. [3]

Trước năm 1624, Đài Loan – dù chỉ là một hòn đảo nhỏ – không phải là một dân tộc thống nhất, mà bao gồm rất nhiều bộ tộc sinh sống rải rác khắp nơi, chủ yếu sống bằng nghề săn bắn, trồng trọt. Nhiều bộ tộc trong đó có cùng gốc gác ngôn ngữ Nam Đảo (Austronesian) với người Cham ở miền Trung Việt Nam cũng như nhiều sắc dân khác ở Đông Nam Á, châu Đại Dương và châu Phi. [4] Vào thời kỳ đó, Việt Nam đã bắt đầu cuộc chia ly và huynh đệ tương tàn giữa nhà Trịnh ở Đàng Ngoài và nhà Nguyễn ở Đàng Trong, còn vương quốc Champa của người Cham thì đang trên đà diệt vong. [5]

Bộ tộc Bunun ở Đài Loan, đầu thế kỷ XX. Ảnh: Wikipedia/TaiwanNews.

Tàu bè phương Tây qua lại ở vùng biển Đài Loan gọi hòn đảo này là “Ilha Formosa”, tức “Mỹ Lệ Đảo”, hay “Hòn đảo Xinh đẹp”. (Nếu bạn đang thắc mắc thì đúng, công ty Hưng Nghiệp Formosa ở Việt Nam – một cơ sở của tập đoàn Formosa – có tên xuất phát từ Ilha Formosa.)

Rồi người Hà Lan tới và thuộc địa hóa một phần phía Nam hòn đảo này (vùng Đài Nam ngày nay) từ năm 1624. Hai năm sau, người Tây Ban Nha cũng tới thuộc địa hóa một phần phía Bắc (vùng Đạm Thủy, Cơ Long ngày nay). Người Hán từ miền Nam Trung Hoa bắt đầu di cư sang đây để làm ăn và định cư theo chương trình của Hà Lan. Kể từ đây, người bản địa Đài Loan bắt đầu bị áp bức và bị gạt ra bên lề lịch sử, để rồi phải nỗ lực đấu tranh sinh tồn và giữ gìn danh phận cho đến tận ngày nay.

Vì nhiều lý do, người Tây Ban Nha và Hà Lan lần lượt rời đi năm 1642 và 1662. Thay thế họ thống trị hòn đảo này là một thế lực mới: người Trung Hoa. Ban đầu là gia đình Trịnh Thành Công – một thế lực kháng chiến chống nhà Thanh chạy sang Đài Loan tị nạn. [6] Cùng khoảng thời gian đó, một số tàn binh chống Thanh từ Trung Quốc chạy xuống xứ Đàng Trong xin chúa Nguyễn cho lưu trú và được chấp nhận với điều kiện phải vào sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Họ sau này lập ra các thị trấn Biên Hòa, Mỹ Tho, Hà Tiên, v.v.

Không lâu sau khi chạy sang Đài Loan, gia tộc Trịnh Thành Công cũng bị nhà Thanh đánh bại. Đài Loan chính thức trở thành một phần của đế chế Trung Hoa dưới triều nhà Thanh từ năm 1683. Tuy vậy, nhà Thanh không đối xử với Đài Loan như một tỉnh của mình. Vì nhiều lý do, trong hơn 300 năm dưới triều Thanh, Đài Loan giống như một thuộc địa hoặc một đứa con ghẻ hơn.

Năm 1895, do thua trận, nhà Thanh buộc phải nhượng lại Đài Loan cho một thế lực mới trỗi dậy ở châu Á: Nhật Bản. Đài Loan trở thành thuộc địa đầu tiên trên con đường bá chủ của đại cường này. Về sau, người Đài theo bước chân các quân đoàn Nhật Bản đi chinh chiến ở khắp nơi, trong đó có Việt Nam (1941 – 1945). [7]

Dinh Toàn quyền của Nhật Bản ở Đài Bắc năm 1923, nay là Phủ Tổng thống Đài Loan. Ảnh: english.president.gov.tw.

Khu vực Bảo tàng Taihoku, nay là Bảo tàng Quốc gia Đài Loan ở Đài Bắc, gần Taipei Main Station. Ảnh: politika.io.

Cùng lúc đó, ở Hawaii, một chàng trai trẻ mới 29 tuổi người Trung Quốc đã rục rịch bắt đầu con đường cách mạng của mình, để rồi về sau, và cho đến tận bây giờ, chân dung của ông sẽ được treo khắp nơi trên hòn đảo Đài Loan: Tôn Trung Sơn. [8]

Người Nhật mất 20 năm để dẹp tan các nhóm phản kháng người Đài. Và mặc dù mang thân phận thuộc địa, người Đài được hưởng lợi từ một thứ mà ngày nay đã trở thành huyền thoại: công cuộc Duy Tân và hiện đại hóa của Nhật Bản. Người Nhật không chỉ mang tới đường xá, cầu cống, nhà cửa cho người Đài, mà còn mang tới những tư tưởng tự do, dân chủ phương Tây mà chính họ mới hấp thụ cách đó không lâu. [9] Hiện tượng tương tự cũng xảy ra đồng thời ở Việt Nam dưới sự đô hộ của thực dân Pháp.

Năm 1912, ở những nơi xa xôi cách Mỹ Lệ Đảo hàng ngàn cây số, có hai chuyện xảy ra khiến cho lịch sử Đài Loan sẽ thay đổi đến mức chóng mặt.

Một là Nhật hoàng Minh Trị (Meiji) qua đời ở Tokyo, [10] chấm dứt thời kỳ Duy Tân Minh Trị, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử Nhật Bản với vai trò lớn hơn của một thiết chế dân chủ: nghị viện. Người Đài Loan bắt đầu tận dụng các cơ chế dân chủ còn khá sơ khai của Nhật Bản để đấu tranh đòi mở rộng các quyền dân sự và chính trị cũng như quyền tự trị, đạt được nhiều thành công đáng kể, mà tiêu biểu là cuộc bầu cử đầu tiên ở Đài Loan được tổ chức năm 1935. [11] Một thứ mới mẻ khác cũng ra đời: chủ nghĩa dân tộc Đài Loan.

Chuyện thứ hai xảy ra ở Trung Hoa đại lục sau cuộc Cách mạng Tân Hợi, khi chàng trai Tôn Trung Sơn mà chúng ta mới nhắc đến ở trên sáng lập ra nền cộng hòa đầu tiên trong lịch sử nước này: Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China). Vào thời điểm này, Đài Loan vẫn là thuộc địa của Nhật, nhưng cái tên Trung Hoa Dân Quốc rồi một ngày không xa sẽ gắn chặt với Đài Loan cho đến tận ngày nay.

Bà Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức tổng thống Đài Loan trước chân dung Tôn Trung Sơn, tháng 5/2020. Ảnh: Taiwan Presidential Office Handout via EPA.

Những nỗ lực đấu tranh dân chủ và đòi tự trị của người Đài kéo dài không đầy 20 năm thì Nhật Bản bắt đầu quá trình phát-xít hóa, rục rịch chuẩn bị cho chiến tranh từ đầu những năm 1930. [12] Mọi thứ được đặt trong tình trạng thời chiến, thanh niên Đài Loan bị huy động vào công cuộc binh đao của người Nhật. Trong số đó, có một người tên là Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) – một người Hán ở Đạm Thủy (gần Đài Bắc) có tổ tiên di cư sang Đài Loan từ thời nhà Thanh. [13] Chúng ta sẽ trở lại với nhân vật cực kỳ quan trọng này trong các phần sau.

Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc năm 1945 với phần thắng thuộc về phe Đồng Minh. Nhật Bản đầu hàng và chấp nhận bị cắt thuộc địa Đài Loan cho Trung Quốc. Trung Hoa Dân Quốc, thực thể kế thừa quốc gia từ nhà Thanh, với sự lãnh đạo của Thống chế Tưởng Giới Thạch và Quốc dân Đảng, [14] là đại diện của quốc gia này trên trường quốc tế, là thành viên sáng lập của Liên Hiệp Quốc và là thành viên thường trực của cơ quan quyền lực nhất của tổ chức này, Hội đồng Bảo An.

Lịch sử Đài Loan kể từ đây sang một trang mới, không kém nhọc nhằn hơn.


-------------------

Chú thích:

1. Jacobs, J. B. (2016). A History of Pre-Invasion Taiwan. Taiwan Historical Research 臺灣史研究, 23 (4), 1-38.

2. Horton, C. (2019, October 4). Su Beng, a Father of Taiwan Independence, Dies at 100. The New York Times. https://www.nytimes.com/2019/10/04/world/asia/su-beng-dead.html

3. Wan-Yao Chou, & Casey, T. B. C. P. A. T. (2021). A New Illustrated History of Taiwan (1st ed.). SMC Publishing Inc.

4. Blust, R. A. (n.d.). Austronesian languages | Origin, History, Language Map, & Facts. Encyclopedia Britannica. Retrieved May 16, 2021, from https://www.britannica.com/topic/Austronesian-languages

5. Papin, P. (2011). Việt Nam – Hành trình một dân tộc. Giấy Vụn Publisher.

6. Croizier, R. C. (n.d.). Zheng Chenggong | Chinese pirate. Encyclopedia Britannica. Retrieved May 15, 2021, from https://www.britannica.com/biography/Zheng-Chenggong

7. PING-HUI, L., & WANG, D. (Eds.). (2006). Taiwan Under Japanese Colonial Rule, 1895-1945: History, Culture, Memory. New York: Columbia University Press. doi:10.7312/liao13798

8. Wang, Y. C. (n.d.). Sun Yat-sen | Biography, Achievements, & Facts. Encyclopedia Britannica. Retrieved May 15, 2021, from https://www.britannica.com/biography/Sun-Yat-sen

9. Fulda, A. M. (2002). Reevaluating the Taiwanese Democracy Movement: A Comparative Analysis of Opposition Organizations under Japanese and KMT Rule. Critical Asian Studies, 34(3), 357–394. https://doi.org/10.1080/1467271022000008938

10. The Editors of Encyclopaedia Britannica. (n.d.-c). Meiji Restoration | Definition, History, & Facts. Encyclopedia Britannica. Retrieved May 15, 2021, from https://www.britannica.com/event/Meiji-Restoration

11. Taiwan – Taiwan as part of the Japanese empire. (n.d.). Encyclopedia Britannica. Retrieved September 23, 2021, from https://www.britannica.com/place/Taiwan/Taiwan-as-part-of-the-Japanese-empire

12. Japan – The rise of the militarists. (n.d.). Encyclopedia Britannica. Retrieved May 15, 2021, from https://www.britannica.com/place/Japan/The-rise-of-the-militarists

13. Kagan, R. C. (2007). Taiwan’s Statesman: Lee Teng-Hui and Democracy in Asia. US Naval Institute Press.

14. The Editors of Encyclopaedia Britannica. (2021a, April 1). Chiang Kai-shek | Biography & Facts. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/biography/Chiang-Kai-shek



Quốc gia tình cờ

Trước khi Đài Loan được trao trả lại cho Trung Hoa Dân Quốc không lâu, vào tháng Ba năm 1945, một quốc gia tuyên bố độc lập cách đó không xa: Đế quốc Việt Nam, do Hoàng đế Bảo Đại đứng đầu, với chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim. [1] Số phận không cho phép họ tồn tại lâu, khi tháng Tám cùng năm, Việt Minh cướp chính quyền và lập ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng Chín. Nhà nước mới này sẽ phải dành ra những tháng tiếp theo để đối phó với quân Pháp phía dưới vĩ tuyến 16 và quân Trung Hoa Dân Quốc ở phía trên vĩ tuyến này. [2] Cả hai đều tới Việt Nam với danh nghĩa Đồng Minh để giải giáp quân Nhật.

Trong số những binh lính, sĩ quan, công chức Nhật mà quân Tưởng Giới Thạch có nhiệm vụ giải giáp ở phía Bắc, có nhiều người bỏ trốn do sợ bị trả thù, rồi bị kẹt lại ở Việt Nam. Rất nhiều người trong số họ, thực ra, là người Đài. Có khoảng 700 người như vậy. Hàng trăm người sẽ tìm cách bơi thuyền về lại Đài Loan vào năm 1946 để rồi phân nửa chết trên biển, một số khác thì định cư luôn ở Việt Nam cho tới khi qua đời, như ông Wu Lianyi (mất năm 2006). [3]

Do Nội chiến Trung Hoa nổ ra từ năm 1945, Tưởng Giới Thạch buộc phải rút quân từ Việt Nam về để chiến đấu với quân của Cộng sản Đảng Trung Quốc từ đầu năm 1946. Nhưng họ không chỉ dàn quân ra để chiến đấu ở đại lục. Rắc rối bắt đầu nảy sinh ở hòn đảo họ mới giành được: Đài Loan.

Hoàn toàn không chia sẻ những gì người Đài Loan đã trải qua trong 50 năm dưới sự đô hộ của Nhật, các quan chức Quốc dân Đảng lập tức áp đặt quyền lực ở Đài Loan. Khác với nền kinh tế thị trường và không khí chính trị tương đối cởi mở mà người Đài có được dưới thời Nhật trước Thế chiến thứ Hai, Quốc dân Đảng lập tức thi hành chính sách bàn tay sắt ở hòn đảo này. Người Đài lập tức phản đối và đòi quyền tham gia chính trị nhiều hơn, đòi bãi bỏ các lệnh cấm buôn bán một số mặt hàng (chẳng hạn thuốc lá) cũng như các chính sách can thiệp kinh tế khác.

Ảnh trái: Người biểu tình tập trung trước Cục độc quyền thuốc lá ngày 28/2/1947 (Wikimedia Commons). Ảnh phải: Một bài báo trên The New York Times về sự kiện (OfTaiwan).

Đỉnh điểm căng thẳng xảy ra vào ngày 28/2/1947, khi cảnh sát giết chết một người bán thuốc lá lậu, dẫn đến một cuộc nổi dậy của hàng chục nghìn người ở khắp nơi. Thay vì đáp ứng yêu cầu của người dân, Quốc dân Đảng quyết định ra lệnh thiết quân luật, điều binh lính từ đại lục sang đàn áp phong trào nổi dậy. Kết quả là có khoảng 10.000 – 30.000 người bị giết hại, xử tử, một bộ phận lớn giới trí thức Đài Loan biến mất trong vài tháng. [4]

Lệnh thiết quân luật này về sau sẽ đi vào lịch sử với tư cách là khởi điểm của thời kỳ thiết quân luật dài nhất trong lịch sử thế giới hiện đại tính cho tới khi nó được bãi bỏ năm 1987. [5]

Tuần hành tưởng nhớ sự kiện 228 vào tháng 2/2021 tại Đài Bắc. Ảnh: Taipei Times.

Những ai quan tâm tới lịch sử Đài Loan sẽ phải đặc biệt chú ý tới sự kiện 228 này, bởi nó sẽ định hình những diễn biến lịch sử mấy chục năm về sau. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, ở Đài Bắc, công viên ngay bên cạnh Phủ Tổng thống được đặt tên là Công viên Hòa bình Tưởng niệm 228. Bộ phim “Bi tình thành thị” (A City of Sadness) được công chiếu năm 1989 với sự góp mặt của diễn viên Lương Triều Vỹ cho đến nay vẫn là tác phẩm điện ảnh tiêu biểu nói về sự kiện này. [6]

Mọi nỗ lực của Quốc dân Đảng không giúp họ chiến thắng ở đại lục. Năm 1949, Tưởng Giới Thạch buộc phải nhường đại lục lại cho Cộng sản Đảng, rút ra đảo Đài Loan, mang theo hai triệu người và toàn bộ bảo vật quốc gia. Hai triệu người này về sau sẽ được gọi là “người đại lục” (mainlander) để phân biệt với “người hải đảo” (islander) vốn đã sinh sống ở Đài Loan từ lâu. Còn số bảo vật quốc gia ngày nay đang được lưu giữ tại một địa điểm mà rất nhiều người Việt Nam biết: Bảo tàng Cố cung Quốc gia (National Palace) ở Đài Bắc.

Đến đây, lần đầu tiên trong lịch sử, và vì một biến cố lịch sử ít ai tính tới và ngờ tới, Mỹ Lệ Đảo trở thành toàn bộ lãnh thổ mà một quốc gia sở hữu: Trung Hoa Dân Quốc. Tình trạng này được duy trì cho tới tận ngày nay. Học giả Hsiao-ting Lin gọi Đài Loan là một quốc gia tình cờ (accidental state). [7]

Cùng năm đó, ở Việt Nam, một nhà nước mới cũng tuyên bố ra đời, Quốc gia Việt Nam, được Pháp hậu thuẫn, do cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng và chọn lá cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ. [8] Một người lính trẻ tên Nguyễn Văn Thiệu cũng được phong làm binh nhì trong Quân đội Quốc gia Việt Nam vốn mới được thành lập. [9] Số phận của họ về sau, ngẫu nhiên thế nào, lại ít nhiều gắn với Đài Loan.


------------------------------

Chú thích: 

1. Chieu, V. (1986). The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945). The Journal of Asian Studies, 45(2), 293-328. doi:10.2307/2055845

2. Kiernan, B. (2019). Viet Nam: A History from Earliest Times to the Present (Reprint ed.). Oxford University Press.

3. Morris, A. D., & Gerteis, C. (2017). Japanese Taiwan: Colonial Rule and its Contested Legacy (SOAS Studies in Modern and Contemporary Japan) (Reprint ed.). Bloomsbury Academic.

4. Shih, C., & Chen, M. (2010). TAIWANESE IDENTITY AND THE MEMORIES OF 2-28: A CASE FOR POLITICAL RECONCILIATION. Asian Perspective, 34(4), 85-113. Retrieved May 15, 2021, from http://www.jstor.org/stable/42704735

5. Harrison, M. (2017, July 17). The end of martial law: An important anniversary for Taiwan. Lowy Institute. https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/end-martial-law-important-anniversary-taiwan

6. A City of Sadness (1989). (n.d.). IMDb. Retrieved May 15, 2021, from https://www.imdb.com/title/tt0096908/

7. Lin, H. (2016). Accidental state: Chiang Kai-shek, the United States, and the making of Taiwan.

8. Balázs Szalontai; The “Sole Legal Government of Vietnam”: The Bao Dai Factor and Soviet Attitudes toward Vietnam, 1947–1950. Journal of Cold War Studies 2018; 20 (3): 3–56. doi: https://doi.org/10.1162/jcws_a_00813

9. The Irish Times. (2001, October 6). US-backed president before the collapse of Saigon. https://www.irishtimes.com/news/us-backed-president-before-the-collapse-of-saigon-1.330821



Chế độ cai trị kiểu nửa-Leninist của Quốc Dân Đảng

Đọc tiêu đề bài viết, có thể bạn sẽ hơi ngạc nhiên vì sao Quốc Dân Đảng – vốn nổi tiếng là một đảng chống cộng – lại cai trị theo phương thức của vị lãnh tụ cộng sản khét tiếng Lenin?

Ở Việt Nam, ta hay nghe nói tới chế độ độc tài của Tưởng Giới Thạch. Vậy thì đây, chế độ độc tài cai trị kiểu Leninist chính là mô hình mà Tưởng Giới Thạch cũng như Trung Hoa Quốc Dân Đảng theo đuổi cho tới khi bắt đầu dân chủ hóa năm 1987.
Học hỏi từ kẻ thù

Như đã nói ở kỳ trước, Quốc Dân Đảng tháo chạy ra Đài Loan năm 1949 sau khi thất trận trước đại kình địch Cộng sản Đảng, buộc phải nhường hoàn toàn đại lục lại cho kẻ thù và chờ ngày tái chiếm. Nhưng kẻ thù thường có xu hướng học hỏi lẫn nhau. Tưởng Giới Thạch biết tại sao mình thua trận. Trong một bài phát biểu năm 1951, ông nói thế này:

“Trong cuộc chiến chống lại Cộng sản và Soviet, việc biến đảng ta thành một cỗ máy chiến tranh là đặc biệt cấp thiết và nguy ngập, bởi cuộc chiến giữa đảng ta với đảng họ cho tới nay là công cuộc vĩ đại nhất, nghiêm túc nhất, và anh hùng nhất. […] Chỉ khi nào chúng ta có một đảng tập trung hơn thì chúng ta mới có cơ thắng. Kể từ khi đảng ta thua Cộng sản hai năm trước, tôi tin chắc rằng nếu chúng ta muốn diệt Cộng sản, tái chiếm Đại lục, và cứu lấy nhân dân, điều đầu tiên chúng ta phải làm là biến đảng ta thành một đảng vững chắc và mạnh mẽ hơn Cộng sản.” [1]

Trên thực tế, không phải đến khi sang tới Đài Loan Tưởng Giới Thạch mới nhận ra điều này. Ngay từ năm 1947, ông đã nhận thấy cơ cấu tổ chức đảng bộc lộ những điểm yếu chết người. Đó là cơ cấu tổ chức kiểu phân quyền để kiểm soát, đối trọng nhau, dẫn đến tình trạng phe phái cạnh tranh nhau và gây mất đoàn kết nội bộ đảng. Tình trạng này có lợi cho Tưởng Giới Thạch, và chính ông cũng thúc đẩy các phe đánh nhau để không ai đủ mạnh nhằm cạnh tranh quyền lực với ông. Nhưng đứng trước kẻ thù Cộng sản Đảng và thế tiến công như chẻ tre của họ, ông buộc phải cải cách đảng theo hướng tập trung quyền lực, tăng cường đoàn kết và kỷ luật.

Một chỉ thị hướng dẫn được ban hành vào tháng 9/1947, yêu cầu tổ chức lại toàn đảng theo hướng tập trung dân chủ. Nếu bạn nghe thấy cụm từ này quen thì thưa đúng, đây chính là nguyên tắc tập trung dân chủ mà chính Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang áp dụng. Mọi phe phái và các ý kiến chống đảng đều phải bị loại trừ.

Cuộc cải tổ này cuối cùng thất bại, không tạo ra được thay đổi nào lớn, các phe phái trong đảng vẫn kèn cựa nhau và Quốc Dân Đảng vẫn tiếp tục phải co về phòng thủ trước Cộng sản Đảng. Tưởng Giới Thạch bị phe đối lập trong đảng buộc phải từ chức tổng thống Trung Hoa Dân Quốc vào tháng 1/1949 dù vẫn nắm chức chủ tịch đảng, và ông chỉ trở lại ghế tổng thống vào tháng 3/1950. Thất bại toàn diện này càng khiến ông quyết tâm cải tổ đảng theo hướng tập trung dân chủ và trung thành tuyệt đối với ông.

Tưởng Giới Thạch (góc trái) và các thành viên của Quốc Dân Đảng trong một 
cuộc họp vào tháng 8/1950 với nhiệm vụ tái cấu trúc đảng. Nguồn: Taipei Times.

Một quá trình cải tổ kéo dài gần 27 tháng bắt đầu từ tháng 8/1950, lấy chủ nghĩa Tam Dân (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc) của nhà sáng lập Tôn Trung Sơn làm hệ tư tưởng của đảng; tăng cường tập trung quyền lực vào Tưởng Giới Thạch và Ban chấp hành Trung ương Đảng; tăng cường kỷ luật đảng; thành lập các chi bộ, đảng bộ đảng ở mọi cấp chính quyền và các tổ chức quần chúng; kiểm tra lại lý lịch đảng viên và kết nạp đảng viên mới; và kết nạp, đào tạo cán bộ nòng cốt của đảng.

Cùng lúc đó, vào tháng 8/1950, ở Việt Nam, Hồ Chí Minh khởi hành đi tới khu vực Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn để mở chiến dịch biên giới. Quân Pháp thua trận, nhường địa bàn cho Việt Minh, đồng nghĩa với việc Việt Minh từ đây thoát thế bị cô lập, thông được sang Trung Quốc để tìm kiếm sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản nước này. [2] Lịch sử Việt Nam kể từ đây rơi trở lại quỹ đạo chi phối của người láng giềng phương Bắc.

Chế độ một đảng

Nếu trở lại Đài Loan vào thập niên 1950 tới thập niên 1980, nhiều khả năng ta sẽ thấy dáng dấp một nước Việt Nam của thập niên 2020, mặc dù Đài Loan khi đó đang ở trong thời kỳ thiết quân luật. Bản Hiến pháp 1947 tương đối dân chủ đã bị “treo” lại từ năm 1948 với lý do chống phản loạn cộng sản. [3]

Ta sẽ thấy một đảng độc tài nắm giữ toàn bộ quyền lực, đó là Quốc Dân Đảng. Các đảng đối lập bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Năm 1960, Lei Chen – chủ bút tờ “Trung Hoa Tự Do” (Free China) – cùng với một số nhà cải cách khác gặp nhau để lập ra Đảng Dân chủ Trung Quốc và kêu gọi thành lập các đảng đối lập. Lập tức, ông bị bắt và kết án 10 năm tù. Đài Loan không còn đảng đối lập nào khác mãi cho tới năm 1986. [4]

Vào những năm 1950 và 1960, Đài Loan không có bầu cử cấp quốc gia. Chỉ có bầu cử ở cấp làng xã, thị trấn, quận huyện, và tỉnh thành. Cần lưu ý, khi đó Quốc Dân Đảng vẫn tổ chức chính quyền dựa trên giả định họ là đảng hợp pháp duy nhất của toàn bộ Trung Quốc, và Đài Loan chỉ là một tỉnh trong đó. Do vậy, chính quyền tỉnh Đài Loan cũng được lập ra qua bầu cử và vẫn được tính là bầu cử địa phương. Các cuộc bầu cử, dĩ nhiên, được thiết kế để người của Quốc Dân Đảng thắng. Rất ít khi người bên ngoài thắng.

Do Hiến pháp bị “treo” từ năm 1948, những dân biểu được bầu vào Quốc hội (National Assembly) và Viện Lập pháp trước đó cùng năm ở Trung Quốc được lãnh nhiệm kỳ trọn đời cho tới khi có thể tổ chức bầu cử trở lại ở đại lục. Chuyện này dĩ nhiên chưa bao giờ xảy ra nên các dân biểu khóa I đã tại vị tới 44 năm, trước khi Đài Loan cải cách Hiến pháp và bầu lại năm 1991. Nhưng trong 44 năm đó, Quốc Dân Đảng phải giải quyết một chuyện: nhiều dân biểu lần lượt qua đời, hoặc ốm đau không làm việc được, hoặc nghỉ hưu. Thế cho nên năm 1969, họ bắt đầu tổ chức các cuộc bầu cử cấp quốc gia đầu tiên để bầu bổ sung đại biểu cho hai cơ quan lập pháp kể trên. Và đó là khởi đầu cho một tiến trình sẽ ảnh hưởng lớn tới lịch sử Đài Loan. [5]

Kể từ cuộc bầu cử năm 1969 đó, phong trào đối lập tangwai (đảng ngoại – ý chỉ những người không nằm trong Quốc Dân Đảng) ra đời và đưa người tranh cử cả ở cấp địa phương lẫn trung ương. Họ giành được nhiều ghế ở các cấp, bao gồm cả ghế thị trưởng ở một số nơi, mặc dù vẫn chỉ là phe thiểu số rất nhỏ bé trong các cơ quan lập pháp. Phong trào này được cho là một đảng đối lập không chính thức. Về sau, những thành viên của phong trào lập ra đảng đối lập đầu tiên ở Đài Loan vào năm 1986, Dân Tiến Đảng. Đây chính là đảng mà cho tới nay đã đưa được hai người vào ghế tổng thống: Trần Thủy Biển và Thái Anh Văn.

Các thành viên của phong trào đối lập biểu tình tại Đài Bắc vào ngày 27/9/1986, 
phản đối một bản án trước đó dành cho một nghị viên phe đối lập vì dám chất vấn 
quan chức chính quyền. Nguồn: peoplenews.tw.

Kiểm soát toàn bộ xã hội

Là một đảng độc tài, Quốc Dân Đảng kiểm soát chặt chẽ toàn bộ đời sống xã hội, mặc dù vẫn duy trì một nền kinh tế thị trường và mức độ tự do kinh tế tương đối cao.

Thứ nhất, bộ máy an ninh được gia cường để trở thành một công cụ kiểm soát và đàn áp hiệu quả. Người đứng đầu bộ máy an ninh này là cánh tay phải của Tổng thống Tưởng Giới Thạch, và cũng là con trai ông: Tưởng Kinh Quốc.

Tưởng Kinh Quốc, sinh năm 1910 ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ông sau này sang Liên Xô học từ năm 1925 khi Quốc Dân Đảng và Cộng sản Đảng đang hợp tác chống phiến loạn, và ở lại đây tới tận năm 1937 mới về nước. [6]

Năm 1950, ông được cha bổ nhiệm làm giám đốc cơ quan cảnh sát mật, chuyên tuyển dụng gián điệp, tổ chức theo dõi công dân, bắt bớ những người bất đồng chính kiến, và ám sát đối thủ khi cần thiết. Cơ quan này còn vươn vòi ra tận hải ngoại khi cài gián điệp nằm vùng theo dõi du học sinh Đài Loan ở Mỹ, mà một trong những điệp viên nổi tiếng nhất là người sau này sẽ trở thành tổng thống nước Đài Loan dân chủ: Mã Anh Cửu. Ngày nay, du khách Việt Nam đến Đài Loan thường được giới thiệu đi thăm Lục Đảo (Green Island), một hòn đảo nhỏ ở phía Đông nước này, nơi trong thời kỳ thiết quân luật đã giam giữ tới 20.000 tù nhân chính trị, chủ yếu là trí thức và sinh viên. [7]

Từ năm 1965, Tưởng Kinh Quốc được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng và vẫn tiếp tục nắm giữ các cơ quan an ninh quốc gia. Tình báo quân đội sau này sẽ trở nên khét tiếng với vụ ám sát một nhân vật bất đồng chính kiến người Mỹ gốc Đài Loan, Henry Liu, vào năm 1984 ở California, Mỹ. Trước khi bị ám sát, ông này đã xuất bản một số cuốn sách nói về tiểu sử của Tưởng Kinh Quốc và chỉ trích Quốc Dân Đảng. [8]

Thứ hai, kiểm soát hoàn toàn hệ thống giáo dục và truyền thông. Chuyện này khá giống với Việt Nam ngày nay.

Toàn bộ các trường học phải dạy theo sách giáo khoa do chính quyền ban hành, với mục tiêu nhồi sọ thế hệ trẻ Đài Loan, khiến cho họ nghĩ họ là người Trung Quốc và việc thống nhất với Trung Quốc chỉ là một sớm một chiều. Họ cũng được dạy phải trung thành với Quốc Dân Đảng và không được biết tới những tội ác của Quốc Dân Đảng như cuộc thảm sát 228. Chỉ sau này khi đi du học ở nước ngoài, họ mới bắt đầu được tiếp cận với các luồng thông tin khác về đảng cầm quyền.

Mỗi trường học đều có cơ sở đảng và gián điệp. Mọi động tĩnh trong trường đều không qua mắt được những người này. Điều này lý giải cho sự tê liệt của giới sinh viên trong thời kỳ thiết quân luật, khiến cho họ không đóng vai trò gì đáng kể trong các phong trào xã hội trước khi Đài Loan bắt đầu dân chủ hóa năm 1987. [9]

Một cuộc biểu tình phản đối thiết quân luật tại Đài Loan vào năm 1986, hưởng ứng 
phong trào “Hành động Xanh 519”. Số 519 lấy mốc 19/5/1949, ngày chính quyền 
Đài Loan áp đặt thiết quân luật. Nguồn: New Bloom Magazine.

Với hệ thống truyền thông, tuy không cấm báo chí tư nhân nhưng mọi báo, đài đều phải xin giấy phép và chịu sự kiểm duyệt của chính quyền. Quốc Dân Đảng kiểm soát số lượng trang báo và hệ thống in ấn, phát hành. Kể từ năm 1960, chính quyền dừng cấp phép báo mới và duy trì con số 31, tất cả đều hoặc là báo đảng, báo nhà nước hoặc báo tư nhân tự kiểm duyệt. [10]

Thứ ba, kiểm soát xã hội dân sự và các doanh nghiệp.

Các tổ chức dân sự hầu hết là tổ chức do Quốc Dân Đảng lập ra hoặc ít nhất là chịu kiểm soát chặt chẽ về đăng ký, nhân sự, tài chính, quy mô hoạt động. Công đoàn bị giới hạn hoạt động trong phạm vi nhà máy chứ không được tổ chức thành công đoàn liên nhà máy, càng không được hoạt động ở quy mô quốc gia. Các tổ chức xã hội dân sự hay công đoàn độc lập không thể ra đời và hoạt động hợp pháp trong thời kỳ này. [11]

Với các doanh nghiệp, Quốc Dân Đảng cũng lập ra rất nhiều tập đoàn quốc doanh và ưu đãi về mọi mặt cho các tập đoàn này để chi phối nền kinh tế. Thế độc quyền được xác lập cho nhiều doanh nghiệp nhà nước trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, vận tải, hóa chất. Bên cạnh đó, tổ chức đảng cũng được lập ra trong các doanh nghiệp nhà nước này cũng như nhiều doanh nghiệp tư nhân để kiểm soát hoạt động của lãnh đạo doanh nghiệp và công nhân viên. [12] [13]

Việc kinh doanh của Quốc Dân Đảng khiến cho đảng này trở thành đảng chính trị giàu nhất thế giới nhiều năm liền, với tài sản đăng ký chính thức vào năm 2014 lên tới gần 900 triệu USD. Năm 1994, tờ Far Eastern Economic Review gọi Quốc Dân Đảng (KMT) là “KMT Inc.” – Công ty Quốc Dân Đảng. [14]

***

Với người Việt Nam, để hình dung ra chế độ cai trị của Quốc Dân Đảng trong thời kỳ thiết quân luật thì cách tốt nhất là liên hệ với bối cảnh Việt Nam ngày nay. Với cơ chế chính trị một đảng cầm quyền theo mô hình nửa-Leninist cộng với một nền kinh tế thị trường do chính phủ kiểm soát, Đài Loan xưa quả là mang bóng dáng của Việt Nam nay.

---------------------------------
Chú thích:

1. LIN, C.-. (1998, May). Paths to Democracy: Taiwan in Comparative Perspective. Yale University.

2. P. (2020b, September 15). Chiến thắng Biên Giới Thu Đông 1950 70 năm vẹn nguyên giá trị lịch sử. Https://Dangcongsan.Vn. https://dangcongsan.vn/tien-toi-dai-hoi-dang-bo-cac-cap-va-dai-hoi-xiii-cua-dang/tu-lieu-van-kien/chien-thang-bien-gioi-thu-dong-1950-70-nam-ven-nguyen-gia-tri-lich-su-563574.html

3. Introduction. (n.d.). Presidential Office. https://english.president.gov.tw/page/93

4. 台北時報. (2020, February 26). The opposition party that never happened. Taipei Times. https://www.taipeitimes.com/News/feat/archives/2015/10/04/2003629214

5. Chao, L., & Myers, R. H. (2000). How Elections Promoted Democracy in Taiwan under Martial Law. The China Quarterly, 162, 387–409. http://www.jstor.org/stable/656014

6. Chiang Ching-kuo | president of Taiwan. (n.d.). Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/biography/Chiang-Ching-kuo

7. Low, Z. (2017, May 17). Remembering Green Island’s First Political Prisoners. The News Lens International Edition. https://international.thenewslens.com/article/68499

8. Mathews, J., Mathews, J., Report., W. P. S. W. S. W. D. O. C. T. T., & Mathews, J. (1985, January 16). Taiwan Admits Role in Murder Of U.S. Author. Washington Post. https://www.washingtonpost.com/archive/politics/1985/01/16/taiwan-admits-role-in-murder-of-us-author/5e98e4eb-6c60-47e7-8e51-8ac38c0d6dbf/

9. Tu Cheng-sheng (2007). Taiwan’s Educational Reform and the Future of Taiwan. Taiwan’s Ministry of Education’s website. https://english.moe.gov.tw/cp-117-21022-B8B67-1.html

10. Editor Winberg Chai (2000) The Transformation of the Mass Media in Taiwan since 1950: Introduction, Asian Affairs: An American Review, 27:3, 133-140, DOI: 10.1080/00927670009598836

11. Ming-sho Ho (2012). Beyond Tokenism: The Institutional Conversion of Party-

12. Ming-sho Ho (2007). The Rise and Fall of Leninist Control in Taiwan’s Industry. The

13. Kau, M. Y. M. (1996). The Power Structure in Taiwan’s Political Economy. Asian Survey, 36(3), 287–305. https://doi.org/10.2307/2645693

14. 台北時報. (2020b, March 4). KMT is again ‘world’s richest party.’ Taipei Times. https://www.taipeitimes.com/News/taiwan/archives/2014/07/24/2003595820


Trịnh Hữu Long