có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 9 01, 2021

Hải hành mùa đại dịch 7



Quần đảo Stockholm có cả chục ngàn hòn đảo, tàu bè từ ngoài khơi vô ra Stockholm phải lòn lách qua những hòn đảo lớn nhỏ. Nhứt là những ngày mùa xuân và mùa hè, khí trời mát mẻ giống như những ngày gió chướng của vùng biển trời vịnh Rạch Giá hướng ra hòn Tre, Sơn Rái, Cổ Tron và quần đảo Phú Quốc của quê hương. Trời trong vắt, quang cảnh hấp dẫn làm tôi say mê đứng ngắm tới khi bình minh ửng sáng phía chơn trời thì nghe tiếng của máy cuốn dây, đoán biết thủy thủ đã chuẩn bị dây chạc cho tàu ghé bến. Bấm điện thoại xem đồng hồ thì đã gần năm giờ sáng. Tôi xuống phòng bếp pha một bình cà phê và rót một tách bưng lên phòng riêng, hớp một miếng cà phê đắng cho tỉnh táo tinh thần, để tách lên bàn và đi tới vẹt màn cửa sổ cho ánh sáng bên ngoài tràn vô rồi day qua tắt đèn phòng.

Cũng như thường ngày, tôi ngồi vào bàn và mở laptop, lướt mạng tìm đọc những thông báo mới và có bài nào cần lưu, tải xuống laptop dành khi ra khơi rảnh rang mở ra đọc. Đương rà chuột chợt hiện ra thông báo cái email của ông anh ở Việt Nam, hơi thắc mắc vì anh của tôi hổng biết xài điện thoại thông minh, hồi nào tới giờ hễ mỗi lần muốn gọi ảnh phải nhờ con, cháu bấm máy dùm, chỉ biết nói chuyện chớ không biết nhắn tin hay viết mail, hổng biết có chuyện gì không, định mở mail ra đọc thì có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Tôi đứng lên đi lại hé cửa thấy Brandon, phụ máy, người Hòa Lan đứng ngoài cửa, tay bưng tách cà phê, tươi cười hỏi:

– Ngồi chơi chút được không?

– Dĩ nhiên.

Mở rộng cánh cửa cho Brandon bước vô và chỉ chiếc ghế bên góc bàn mời nó ngồi. Brandon ngồi xuống và nói:

– Tàu tới Hamburg tui với ông và thuyền phó được về.

– Vậy là thuyền phó bay về Nga, còn tao với mày đi chung chuyến xe lửa về Hòa Lan.

– Trên tàu tui và ông là người Hòa Lan, mình về rồi còn lại người Nga với In Đô.

– Estonian nữa.

Brandon rụt vai một cái nói:

– Estonian và người Nga cũng như nhau.

Brandon cười và tôi cũng cười. Đã từ lâu rồi tôi để ý thấy chỉ có những lúc người Hòa Lan lẻ loi như vầy mới thân thiện cho tôi là người Hòa Lan, bình thường thì họ nói tôi người quốc tịch Hòa Lan. Riêng tôi thì chưa bao giờ nghĩ mình là người Hòa Lan. Cò là cò, quạ là quạ! Từ ngày bỏ nước ra đi tôi an tâm và vui vẻ sống và không mặc cảm với cái triết lý cò trắng, quạ đen này. Tôi cười và nói:

– Nhờ người ngoại quốc xuống làm nên các hãng tàu ở Hòa Lan trụ được cho tới ngày nay.

Nó hớp cà phê rồi chu cái miệng và gật gật cái đầu:

– Ờ, ông nói đúng, trên tàu bây giờ người ngoại quốc nhiều hơn người Hòa Lan.

– Tao nghĩ tương lai sẽ còn nhiều hơn nữa.

Nó đưa tay ra lắc lắc:

– Ờ ờ...

Tính tình Brandon trông bề ngoài vui vẻ, sống Hòađồng với mọi người, nhưng trong lòng còn có chút cao ngạo là công dân của một quốc gia văn minh giàu có. Cũng như những người Hòa Lan khác nó khó chịu khi làm việc dưới quyền những người ở nước khác tới đây làm việc. Tôi nói với nó:

– Rồi đây người da đen, da trắng, da vàng, da đỏ, da nâu gì rồi cũng sẽ chung chạ với nhau, cho nên sự đố kỵ càng lúc càng nhiều, theo tao nghĩ thì nên tập Hòađồng với mọi người để khỏi sanh phiền phức.

Nó chỉ tay lên đầu và nói:

– Tui biết.

– Thiệt ra thì hổng phải chỉ có trên tàu mới có nhiều người nước ngoài tới Hòa Lan làm, trong các hãng xưởng ở Hòa Lan công nhân người Ba Lan đầy nhóc. Ở nơi tao ở cuối tuần ra chợ hoặc buổi chiều khi tan việc vô siêu thị sẽ thấy lúc nhúc người Ba Lan, những thông báo ở nơi đông người cũng ghi tiếng Ba Lan. Mày nghĩ coi nếu hổng có những người này sang Hòa Lan làm việc thì những công việc lặt vặt, tay chưn, dơ dáy ai làm cho và những hãng xưởng ở Hòa Lan sẽ ra sao?

– Ông nói cũng đúng, nhưng người ngoại quốc tới Hòa Lan càng nhiều thì tội ác sanh ra cũng nhiều.

Có lẽ từ khi có loài người tới nay, con người tốt và con người xấu luôn có mặt trên trái đất này: phân biệt, kỳ thị, đố kỵ, chiến tranh, khủng bố khắp mọi nơi. Nhân loại vừa chấm dứt cuộc chiến này thì họ liền bày ra cuộc chiến khác. Lại thêm sức mạnh chia cách của dịch bệnh, truyền nhiễm cũng làm cho con người càng ngày càng xa lánh nhau. Trong những năm sau này những thủy thủ Nga, Ukrainia bị người Hòa Lan kỳ thị, tuy thái độ hổng còn gay gắt như lúc đầu, nhưng vẫn ngấm ngầm nói xấu sau lưng và có dịp cũng miệt thị nhau như thường. Tôi phải một phen giải thích cho Brandon nghe:

– Có người tốt thì cũng có người xấu. Mày không nên chỉ vì vài người mà quơ đũa cả nắm. Phần đông những người nhập cư tới nước Hòa Lan học hành chăm chỉ, làm việc siêng năng và đóng thuế đàng hoàng. Đúng ra người Hòa Lan nên biết ơn những người nước ngoài tới nước Hòa Lan làm việc.

Nó cười nói:

– Cũng như uncle Tấn vậy.  

– Dĩ nhiên, mày biết không, tao hải hải hành đã hơn bốn mươi năm, trong khoảng thời gian đó tới nay, cuộc sống của thủy thủ thay đổi rất nhiều, hồi trước kỹ thuật công nghệ còn lạc hậu hơn bây giờ, vậy mà con người ta chung đụng, gần gũi rất dễ dàng và sống với nhau vui vẻ lắm. Các bến cảng Châu Âu tự do đi lại, nhứt là trong vùng Scandinavia này, mỗi khi tàu ghé bến, những người trên bờ xuống trao đổi bán buông rượu, thuốc lá và con gái, đàn bà xuống tàu ở lại chơi qua đêm với thủy thủ cho tới khi tàu rời bến. Từ khi khủng bố hoành hành khắp nơi thì những cửa rào bến cảng đóng lại, vô ra có nhân viên bảo vệ canh chừng, hổng còn tự do như trước nữa. Tuy nhiên thủy thủ vẫn còn lên những quán bar hoặc vô hội quán gặp gỡ người này người kia, khi cần đàn bà thì dẫn xuống tàu cũng được. Tới khi HIV xuất hiện thì đàn ông, đàn bà, con trai, con gái gặp nhau tránh né hổng dám liên hệ nhau nữa, chỉ còn những khu ăn chơi dành cho ông bà nào có nhu cầu cần thì mới đến đó chơi.

Brandon cười nói:

– Có nghe Ama nói, ông thường dẫn thủy thủ In Đô lên Reeperbahn chơi.

– Tụi In Đô đi cả năm trên tàu, mà tuyến đường này chỉ còn có khu Reeperbahn ở Hamburg để cho tụi nó xả hơi, nhưng bây giờ vì corona cũng đóng cửa hết rồi, hổng biết bao giờ mới mở lại, cái mửng này kéo dài thì tương lai đám thủy thủ trẻ như tụi mày treo cu hết.

Brandon cười ha hả rồi nói:

– Thì thủ dâm.

– Dĩ nhiên rồi.

Tôi bưng tách cà phê hớp một cái, nhưng tách cà phê cạn hồi nào hổng hay, nhìn qua thấy tách của Brandon cũng hết. Tôi hỏi nó:

– Mày uống cà phê nữa không?

– Để tui xuống lấy.

Nó nhanh nhẩu đứng lên bưng hai cái tách đi ra ngoài. Tôi nhìn ra khung cửa sổ, bây giờ ánh sáng nhiều hơn hồi nãy, phía sau lái có vài chiếc containers chạy nối đuôi, trong ánh sáng hiền hòa và mặt nước êm ả, chưn vịt tàu đạp nước lên bọt trắng kéo ra một đường dài. Giữa khoảng cách của hải đảo, nhiều cánh buồm nho nhỏ màu trắng in trên mặt nước xanh và trên tầng không những đám mây trắng hạ thấp nằm yên dưới nền trời xanh ngắt, chỉ trong một khung cửa kiếng nhỏ mà hiện ra một góc trời trong veo và sạch sẽ giống như tấm hình nghệ thuật của một nhà nhiếp ảnh tài hoa. Tôi day lại mở email xem ông anh ở bên nhà có chuyện gì? Nhưng đường truyền internet yếu quá, chấm đen giữa màn hình nó quay vòng vòng tới khi Brandon bưng cà phê lên mà vẫn chưa mở mail được. Tắt máy, day lại nói với Brandon:

– Đường truyền internet yếu quá.

Nó móc điện thoại ra bấm xem:

– Ờ, cúp rồi, chắc tại tàu qua ngang mấy hải đảo, lát nữa sẽ có lại.

Tôi ngồi vào chiếc băng trong góc. Brandon hỏi tôi:

– Trưa nay ông có lên bờ không? 

Tôi nói:

– Tao thích lắm, mỗi lần tới Stockholm là tao, thích lang thang trên phố, lần nào tao cũng thấy có cái mới mẻ, nhưng corona đang hoành hành, hổng biết đi có được không.

– Tui chưa tới đây lần nào, nhưng tui đọc báo biết được vùng nước nơi đây có một thời bị ô nhiễm.

– Ờ tao cũng có nghe, nhưng đã khắc phục được lâu rồi. Bây giờ sạch sẽ, nước xanh, trời xanh, đồi núi với cây xanh và ở khắp mọi nơi khí trời mát mẻ, có lẽ nhờ vậy mà thủ đô Stockholm đã được trao danh hiệu là Thủ Đô Xanh đầu tiên vào năm hai ngàn không trăm mười hai. Chợt đồng hồ reo, tôi bấm tắt và nói:

– Ồ, sáu giờ rồi.

– Tới giờ ông làm rồi.

Thật ra sáu giờ rưỡi tôi mớt bắt đầu làm việc, nhưng Brandon bưng tách cà phê đứng lên, nói:

– Nếu được trưa nay tui với ông lên bờ chơi.

– Dĩ nhiên.

Brandon bưng tách cà phê day lưng mở cửa bước ra ngoài, tôi bưng tách cà phê lên ngước cổ nốc cạn phần còn lại và cầm cái tách định đi xuống để trong phòng bếp rồi ra boong múa men tay, chưn một hồi cho giãn gân cốt. Nhưng vừa tới phòng bếp thì thấy Nando tay cầm mấy gói mì đứng sớ rớ. Thấy tôi nó nói:

– Chào buổi sáng Mr. Tấn.

Từ ngày Ama giới thiệu Nando và dạy nó kêu tôi bằng ông tới nay nó vẫn gọi tôi là ông Tấn, có kêu nó sửa lại gọi bằng chú cũng như mấy đứa khác nhưng nó hổng chịu. Tôi chào lại và hỏi:

– Hôm nay mấy đứa muốn ăn mì gói hả?

– Dạ.

– Ok, con để mì đó đi, còn sớm mà.

– Dạ, nhưng tàu sắp ghé, tụi con ăn xong còn phải ra boong, ông lấy nồi đưa con, con tự nấu cũng được.

Tôi bật lửa lò lấy nồi đổ nước vô rồi bắt lên bếp và day ngang pha thêm cà phê. Nando hỏi:

– Con giúp ông gì không?

– Con chờ nước sôi nấu mì cho anh em ăn đi.

Tôi mở tủ lạnh lấy ra gói xúc xích, thấy hết trứng tôi xuống kho lấy thêm trứng lên đưa trứng và xúc xích cho Nando kêu nó rửa trứng rồi bỏ vô nồi luộc. Nó mở gói xúc xích bỏ vô nồi, còn trứng để lại day qua tôi nó nói:

– Một lát nước sôi con đập trứng bỏ vô nấu chung với mì.

– Ok, con thích sao thì làm vậy.

Tôi giao bếp cho nó rồi đi lên phòng tắm, rửa mặt, đánh răng và thay đồ làm việc, thường thì những lúc như vầy tôi bỏ tập thể dục. Tôi trở xuống phòng ăn dọn bàn cho thủy thủ. Cùng lúc Edy từ ngoài bước vô chào tôi một cái, nó đi xuống phòng thay đồ, một lát sau trở lên thấy tôi lui cui trải khăn bàn, nó nói:

– Chú để con dọn bàn.

Edy vô bếp lấy muỗng, nĩa, tô và tương ớt ra sắp mọi thứ lên bàn. Philip và Makhmud cũng vô phòng ăn ngồi, thấy Philip còn bận đồ bảo hộ, Edy kêu nó xuống phòng thay đồ rồi mới được vô ăn. Philip nhìn qua như muốn xem thái độ của tôi. Tôi chỉ lên tấm bảng thông báo không được bận đồ làm việc vô phòng ăn, nói:

– Đó là quy tắc.

Nghe tôi nói vậy thằng nhỏ nhìn lên đọc tấm bảng rồi mới chịu xuống phòng thay đồ. Hồi mới vô nghề tôi cũng rất quy tắc, nghĩa là trên tàu ăn uống phải giống nhau nên dọn bàn cho In Đô cũng giống như của người Hòa Lan. Nhưng người In Đô ăn bánh mì mau đói hoặc ăn hổng vô, người thì ăn bỏ mứa, người sáng ăn xong tới giờ cà phê xin ăn nữa. Sống chung nhau lâu dần mới phát hiện ra, cái văn hoá ăn sáng In Đô buổi sáng cơm nguội, cá hộp, cơm chiên hoặc mì gói và cái trứng là đủ, nên phòng ăn của thủy thủ hổng dọn bánh mì thịt nguội ra bàn nữa. Tôi trở vô bếp thì Nando nấu mì cũng đã xong, nó để nguyên mì trong cái nồi bưng lên và nói với tôi:

– Tụi con ăn. 

– Ok. Ăn ngon.

Nando bưng nồi mì ra bàn chia cho mấy đứa. Tôi đi qua dọn bàn của Officers. Thường thì tàu ghé sớm như vầy đám officers bận rộn nên ăn sáng cũng trễ. Trước kia trên tàu của Hòa Lan có tục lệ, cử hổng được ăn bắp cải đỏ vào ngày thứ hai, ngày thứ bảy ăn súp đậu xanh hoặc đậu nâu, nói chung là ăn đậu nâu, đậu trắng gì cũng được, nhưng súp đậu thì phải kèm với pannenkoek. Chủ nhựt thì ăn gà đút lò hoặc bít tết, nhưng mấy năm nay công ty hổng cho ăn thịt bò thăn nữa mà toàn là thịt bò loại rẻ tiền dai như nhách như da giày, phải hầm hơn ba tiếng đồng hồ mới ăn được. Tôi dọn bàn xong định xuống kho lấy gà lên ướp. Vừa tới đầu cầu thang thì gặp thuyền phó từ trên đi xuống nó chào buổi sáng rồi ló đầu vô phòng ăn của thủy thủ, hô:

– Trước và sau!

Tội nghiệp mấy đứa, chưa kịp ăn liền bỏ muỗng nĩa lật đật đứng lên. Edy hấp tấp, nói với tôi:

– Chú để đó, tàu ghé xong tụi con vô ăn.

Tôi khoát tay nói:

– Tụi con đi đi.

Bốn đứa đi nhanh xuống phòng bận bộ đồ bảo hộ, đội nón an toàn rồi cùng thuyền phó đi nhanh ra boong. Tôi ngó vô phòng ăn, thấy mấy tô mì còn nguyên, có đứa còn chưa rớ được cọng nào hết, sợ để lâu mì bị nở, tôi bèn vô bưng mấy dĩa  mì chắt nước dùng trở vô nồi rồi lấy giấy kiếng bịt dĩa mì và lấy nắp đậy nồi nước dùng lại để một lát tụi nó vô chan nước dùng và để vô lò vi sóng cho nóng rồi ăn. Xong xuống kho lấy gà lên làm sạch và ướp. Hôm nay làm món gà đút lò ăn với sà lách trộn sốt mayonaise và khoai tây chiên dòn, mấy món đơn giản hổng tốn nhiều công, vừa chặt gà rửa sạch và ướp gia vị chưa đầy một giờ đã xong. Rửa tay định nghỉ ngơi một chút thì Antoli vô hỏi cà phê. Tôi lấy cà phê đưa cho nó, nó bưng tách cà phê đi xuống phòng máy. Tôi lên phòng ngồi mở laptop, máy chạy lên chưa hết chương trình thì có tiếng điện thoại reo. Thằng Bradon gọi tôi hỏi có trứng luộc không. Tôi nói không và hỏi nó:

– Mày muốn ăn trứng luộc hả?

– Oh, tui hỏi nếu hổng có thì thôi.

– Chờ tao chút xíu.

Tôi gác máy rồi đi xuống, thấy Brandon đứng trong phòng ăn.

Tôi nói:

– Lò còn nóng, trứng luộc thì chờ hơi lâu, mày ăn trứng chiên không tao chiên cho?

– Ok, bếp cho một cái omelet.  

Chiên omelet cho Brandon xong thì tàu cũng yên vị bên kè đá và máy tàu đã tắt. Makhmud và Philip đi vô, Makhmud nói:

– Con với Philip ăn trước rồi ra thay cho Nando và Edy vô ăn.  

– Ok, xuống thay đồ đi rồi lên ăn.

Tôi vô phòng chan nước dùng vô tô mì của hai đứa rồi đúc vô lò vi sóng. Thuyền phó đi vô tay cầm mấy cái khẩu trang loại dành cho thủy thủ mang khi đục xét, sơn tàu để lên bàn rồi đưa cho tôi một cái và nói:

– Một lát mấy người trên bờ xuống bếp đeo cái này vô, lúc đó Makhmud và Philip vừa lên, thuyền phó day ngang chỉ tay vô mấy cái khẩu trang và dặn hai đứa:

– Nhớ mang khẩu trang khi ra ngoài boong.

Hai đứa hô:

– Yes sir!

Thuyền phó day lại tôi:

– Bếp chiên cho tôi hai cái sunny side up nhé.

Tôi chiên trứng đem ra cho thuyền phó, vừa trở vô bếp thì nhân viên trên bến cũng vừa kéo xuống, thuyền phó ăn chưa xong, chưa chùi miệng liền đứng lên đeo khẩu trang đi qua phòng làm việc. Thấy người nào cũng đeo khẩu trang nên tôi cũng lấy khẩu trang đeo vô. Thuyền trưởng cũng vừa đi xuống, ông ngó vô phòng làm việc rồi nhìn qua tôi cười nói:

– Nhiều corona quá.

Tôi nói:

– Nhiều sao bằng bên nước Nga.

Ông nhìn thấy tôi đeo khẩu trang, ông cũng móc túi lấy ra cái khẩu trang y tế đeo vô. Tôi hỏi:

– Sao ông có khẩu trang y tế?

– Tui có mua một hộp, lát nữa tui cho ông mấy cái.

Lúc đó Edy mở cửa bước vô báo có cảnh sát xuống. Thuyền trưởng nói với Edy kêu nhân viên cảnh sát đi lên phòng làm việc của ông bằng đường cầu thang bên ngoài. Ông day qua nói với tôi:

– Tui hổng ăn sáng.

Dặn xong ông day lưng đi lên phòng làm việc. Philip và Makhmud ăn xong đem tô dĩa đưa cho tôi rồi xuống phòng thay đồ rồi lên lấy khẩu trang đeo và đi ra boong. Thuyền phó làm việc với nhân viên nhận hàng xong, trở ra phòng ăn ngồi ăn tiếp. Tôi qua phòng ăn hâm mì lại cho Nando và Edy xong để ra bàn hai đứa cũng vừa đi vô. Thuyền phó cũng đã ăn xong đem dĩa vô đưa cho tôi. Tôi nói:

– Vậy là khỏe rồi phải không?

Nó gằn giọng:

– Khoẻ gì mà khoẻ, hai cần trục làm việc, trưa nay xong phải quay về Hamburg.

Tôi cười:

– Ờ, cũng tốt mà.

– Tốt sao?

– Thì tao với mày được về sớm.

– Ờ ờ...

Nếu tàu hải hành thì buổi sáng trên tàu ai cũng ăn uống đúng giờ, đầu bếp có thời gian rảnh rôỗi ngồi đọc sách hay ghi chép gì đó. Nhưng tàu ghé bến giờ này thủy thủ boong phải tháo rỡ móc của hàng hoá, nhân viên và cảnh sát trên bến xuống làm việc với đám officers, ăn uống hổng giờ giấc gì hết. Đầu bếp lay hoay cho tới khi xong buổi ăn sáng thì đã qua chín giờ rồi, mất toi giờ nghỉ giải lao. Tôi day qua sắp gà vô vỉ rồi đút vô lò nướng và lấy rau cải ra xắt trộn sà lách, hôm nay không có thời giờ hầm xương nấu súp, tôi pha súp bột nấu cho bữa ăn trưa.

Công việc lu bu nên đầu bếp dọn dẹp xong trời đã xế chiều và tàu cũng đã khởi hành. Trong lúc dọn dẹp nhìn thấy rổ khoai tây hồi trưa vì bận rộn nên chiên bị quá lửa, tôi để riêng một rổ, hổng dọn ra bàn, định trút vô thùng rác nhưng thấy tàu ra biển rồi, tôi mới đem ra sau lái đổ xuống biển cho cá ăn, nhưng khi đổ mớ khoai chiên xuống nước nó nổi lềnh bềnh, tức thì cả bầy chim nhàn lao xuống xớt một lát hết sạch. Trước tới giờ, mặc dù tôi thường cho chim nhàn ăn bánh mì, nhưng tôi vẫn nghĩ loài chim biển này chủ yếu ăn cá và các sinh vật khác của biển. Hôm nay mới nhận ra những con nhàn là loài chim ăn tạp. Dọn dẹp xong tôi vô tắm rửa thay thay đồ lên giường nằm lim dim được một chút, chợt nhớ tới email của ông anh, thường thì những chuyện đặc biệt như vầy chắc bên nhà có chuyện gì đó. Tôi ngồi dậy vói tay qua bàn lấy điện thoại, nằm xuống định bấm mở email, nhưng tàu ra khơi hết sóng rồi, phải chờ thôi. Tiện tay bấm mở nhạc nghe rồi đánh một giấc.

Gần đây tôi hay thức sớm nhưng cảm thấy rất là tỉnh táo, nhưng mấy hôm nay có lẽ vì cái email của ông anh làm trong người bần thần, hổng ray rức mất ngủ như trước kia nữa, nhưng lòng có chút bất an. Điều tôi muốn biết trước tiên là con tàu hải hành tới ven biển hay gần một hải đảo nào? Bấm điện thoại lên thấy chưa tới năm giờ, tín hiệu báo emergency calls only, nghĩa là chỉ gọi khẩn cấp, thấy vậy thôi chớ hồi nào tới giờ tôi chưa biết gọi khẩn như thế nào, nhưng tôi biết tàu đã gần bờ và không bao lâu nữa sẽ có sóng. Tôi ngồi dậy đi xuống bếp pha một tách cà phê rồi ra sau boong đứng nhìn biển. Trong những ngày cuối mùa xuân, ban sáng vùng biển trời Baltic rất nhiều màu sắc, như màu xanh của nước, màu bạc của sương. Hơn năm giờ sáng mặt trời mọc lên trông nhàn nhạt, liền theo đó ánh sáng chói chang làm màn sương tan hết và chân trời trở nên màu đỏ. Những đám mây đen đen màu tro như nét cọ của một hoạ sĩ quét lên nền trời và những mảng ánh sáng chiếu xuống nước long lanh kim tuyến khắp vùng nước phương đông.

Điện thoại báo có tín hiệu, tôi móc túi lấy điện thoại ra xem, thấy đường truyền Đan Mạch, tôi bưng tách cà phê vô phòng, để tách lên bàn, đeo kiếng đọc, bấm mở laptop và mở email ra, hơi ngạc nhiên, hổng phải mail của ông anh mà là của một người tự xưng là em gái năm xưa, nỗi bồn chồn lo cho ông anh đã biến mất, đọc tiếp email, cô ta hỏi thăm sức khoẻ, và hỏi tôi còn nhớ Nga không? Đại khái Nga viết chồng cô đã chết hơn ba năm, con cái thì đã có chồng có vợ hết rồi, hiện sống trong vuông làm nghề nuôi tôm. Cuối cùng là số điện thoại và lời nhắn khi nào tôi rảnh điện về nói chuyện chơi cho đỡ buồn. Trong phần đính kèm có kèm theo một tấm hình, tôi bấm mở hình ra xem, một người đàn bà có gương mặt nám đen trông khắc khổ và dạn dày sương gió. Trong xóm ngày xưa tôi quen tới ba cô Nga, hai Nga làm nghề vá lưới và một Nga bán quán, cô nào cũng đẹp “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười” và cô nào cũng xưng là em gái, chớ hổng chịu làm người yêu. Nhìn tấm hình thiệt kĩ nhưng vẫn hổng nhớ ra Nga nào của ngày xưa mà chỉ thấy một bà già đứng trước ngôi nhà tường màu xanh cũ kỹ, chung quanh cây cối um tùm, trông quạnh quẽ và cô đơn. Có một điều tôi khám phá nội tâm mình, tính ra Nga nhỏ hơn tôi một hai tuổi gì đó, hồi đó tôi thấy mấy cô, cô nào cũng đẹp như Hằng Nga, thèm chảy nước miếng nhưng cua hoài mà hổng cô nào chịu hết, bây giờ tôi thấy một cô Nga ra một bà già và tự dưng trong lòng hổng còn chút ấn tượng gì hết ráo, mặc dù tuổi đời của tôi cũng không còn trẻ trung gì nữa.

Chợt nhiên buồn buồn và thấy chán chường mệt mỏi, đứng dậy leo lên giường nằm hít thở nhưng đầu óc không tập trung mà cứ nghĩ ngợi lung tung. Đường đời thì dài vô tận mà đời người chỉ khoảng ngắn thời gian, hơn bốn mươi năm lang bạt kỳ hồ và đã gặp biết bao nhiêu khuôn mặt thoáng qua và không bao giờ gặp lại. Trước kia tâm thức tôi hay tìm về quá khứ và hay nhớ lại tất cả những bóng hình xưa cũ, như những ngày đầu mùa mưa trên cánh đồng mạ còn xanh non hay những sáng ngày mùa gió chướng ven biển ghe về với cá tôm đầy ắp. Nhớ nét mặt của những người thân thương, rồi hổng muốn chạy đua theo dòng thời gian nữa. Tôi đã quay về gặp được vài bạn bè xưa cũ và tìm gặp mối tình đầu, cuối cùng rồi cũng phải chia tay, chia tay trong sự trách hờn lòng dặn lòng là không gặp lại nữa.

Khi nghe điện thoại báo, mở máy xem thì thấy tàu đã qua hải phận nước Đức rồi, cùng lúc đồng hồ reo, để điện thoại lên giường, ngồi dậy bước ra boong, múa hết mười hai thức Dịch Cân Kinh nhưng sao trong lòng vẫn bồn chồn bất an. Hơn sáu giờ mà trời sáng bưng, tôi đứng nhìn những chiếc tàu ngược xuôi cùng một tuyến đường, biết con tàu đã sắp sửa vô kinh Kiel. Bỗng dưng nhớ lại hai câu trong bài thơ Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, ông chỉ mới đi  “Từ bên này sông Tiền (Mỹ Tho) – Qua bên kia sông Hậu  (Cần Thơ)” vậy mà nhà văn thấy như xa tận chơn trời góc biển, như đứt  từng đoạn ruột. Còn tôi xa quê nửa vòng trái đất, xa hết một đời người. Vẫn biết cõi đời như là quán trọ, là áng mây bay, những gì trong quá khứ thì cho nó qua đi, nhưng sao mỗi khi nhớ lại lòng vẫn thấy bất an và dạ vẫn thấy bồn chồn.


Vigo 29-6-2021
Nguyễn Lê Hồng Hưng

_____

Vậy là Hải Hành Mùa Đại Dịch đã theo tàu qua hai tháng và mình đã chia sẻ cùng với các bạn đọc thân thương.

Xem ra còn lâu dịch mới chấm dứt, những sự đợi chờ và hy vọng cho dịch mau qua càng lúc càng xa.. Coi như ký sự bảy chương là phần một loạt ký sự Hải Hành Mùa Đại Dịch. Mình xin tạm dừng ở đây và hẹn gặp lại các bạn đọc trong những bài tiếp theo...