có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 8 12, 2021

Bữa ăn



Chiếc đồng hồ bên nhà ông Bá phát ra điệu nhạc thường lệ chuẩn bị điểm giờ. Ông Tám Toàn lắng nghe. Một, hai, ba, bốn… chín, mười, mười một. Mới mười một giờ. Ông lấy tay che ánh sáng ngọn đèn, nhìn ra phía cửa. Đêm đầu tháng, không trăng. Xóm nhỏ chìm trong màu đêm thăm thẳm. Tiếng động biệt tăm. Mười một giờ thì còn sớm quá, chắc chưa đứa nào về giờ này cả. Ông quay đầu lại, lẩm bẩm:

– Có đứa về thì chắc chó xóm ngoài đã sủa. Mình rõ lẩm cẩm.

Trong góc đầu kia của căn nhà, bà Tám Toàn vẫn ngồi yên như một cái bóng mờ bất động. Hàng đêm và hàng đêm, dáng bà lặng chìm góc tối. Bà mê bóng tối như phụ nữ mê trang điểm. Ông thì khác, khoái ánh sáng. Khác với tâm thức âm u của vợ, ông tính khí rõ ràng, thẳng, cái gì đã như thế rồi thì chấp nhận như thế. Cả ngày, ông ngồi nhìn quanh, cố tìm nét mới trong những vật quen thuộc trong căn nhà, từ góc tủ bụi bám lâu ngày, chiếc bình trà sứt vòi nằm cạnh xô nước cho đến bức tranh gà lợn hờ hững treo đầu góc bếp, đống giày, guốc cũ mấy đứa con gái muốn vứt đi nhưng bà Tám Toàn cứ giữ lại, không biết để làm gì… Đã ở đâu, chúng cứ ở đó, ngày này qua ngày khác, dẫu vậy, chúng làm ông vui mắt vì có chất liệu để ông nghĩ quanh nghĩ quẩn. Xưa, tính ông lười suy nghĩ, giờ thì ngồi mãi cũng chán, bèn vớ vẩn lục tìm mấy câu danh ngôn giải thích sự đời, riết thành quen. Vả, suy nghĩ làm người ta bận bịu, cũng là một cách tập thể dục nội tâm, đã vui lại chẳng tốn tiền mất sức.

Thế giới hàng ngày của ông thu gọn trong một chiếc bàn vuông dựa vào tường, cạnh cửa sổ, với ngọn đèn điện từ trên cao thòng xuống nhàn rỗi, họa hoằn lắm mới được nhà đèn cho sáng lên vài ba lần một tháng như để chứng minh là đất nước vẫn tiến về phía trước, chưa đến nỗi bị đẩy lùi về thời kỳ đồ đá như bọn Mỹ đã từng rêu rao hồi còn chiến tranh. Trên mặt bàn đây đó là vài tập Đông Châu Liệt Quốc, Tiếu Ngạo Giang Hồ nhàu nát, buồn thiu nằm chen chúc với vài ba tờ Tuổi Trẻ, Công An Nhân Dân, và cả cuốn sách Nhập Môn Triết Học kênh kiệu nằm ngay chính giữa như để chứng minh trình độ của chủ nhân. Ông đọc đi, đọc lại chừng ấy thứ, nghiền ngẫm và tự thưởng thức một mình y như thể cái thứ chữ nghĩa lụi tàn nằm im ỉm trong những trang giấy vẫn còn đọng lại chút dư vị ngày nào. Thỉnh thoảng ông nhặt vài mẩu chuyện trong sách ra kể cho cả nhà nghe như một đóng góp nhỏ nhoi cho gia đình, lấp đi bớt khoảng trống vắng mà một người cha vô tích sự như ông để lại. Có ai hiểu ông nói gì không, không cần thiết. Khi ông nói, bà Tám nhìn ông, vẻ chăm chú, hình như nghe chữ mà không nghe nghĩa, hoặc cũng chẳng buồn hiểu nghĩa để làm gì. Loan, cô gái lớn, thỉnh thoảng góp ý này nọ, có vẻ như cũng còn giữ được đôi chút kiến thức cũ vốn chẳng hề được xài đến. Còn ba đứa kia thì lơ đãng lắng nghe, đợi ông dứt câu là bàn tiếp những chuyện riêng tư của chúng.

Ngày, ông ngồi nhìn ra con hẻm nhỏ trước nhà, nơi diễn ra đủ thứ sinh hoạt bừa bộn hàng ngày. Đêm, ông đổi hướng, nhìn ra phía sau nhà, nơi tiếp giáp với chiếc hồ khá rộng, tre pheo, cỏ dại, lau lách rũ xuống um tùm. Vào những đêm không trăng, toàn cảnh hiện ra mơ hồ, đượm vẻ ma quái liêu trai. Ông khoái: đó là một thế giới không người, không chuyện, không việc, không ai dòm dỏ, dò la, thắc mắc như cái xóm nhỏ trước nhà.

Chó bỗng sủa rân ở xóm ngoài. Chắc có đứa về. Ông vặn ngọn đèn sáng lên, lại đứng dậy đi ra phía cửa. Mấy con chó láng giềng bắt đầu sủa phụ họa. Tiếng động lớn dần, nghe âm vang lẻng kẻng của chiếc xe đạp. Đi xe đạp thì nhất định không phải là con ông rồi. Cố nhướng mắt nhìn, ông nhìn thấy lờ mờ bóng người đi đạp xe vào. Qua chút ánh sáng dọi từ nhà ra, ông nhận ra đó là một thanh niên. Rõ là khách! Thấy ông, anh ta lên tiếng, giọng ngập ngừng:

– Phải đây là nhà Loan?

Giọng ông Tám dè dặt:

– Chú hỏi có chuyện gì?

– Ờ, ờ… thì hỏi cô Loan. Mà Loan có nhà không?

– Chú quen Loan?

– Không. Một người quen chỉ đến.

– Loan đi vắng rồi.

– Thế còn Lài, Dục?

– Không có ai ở nhà hết. Cần gì, mai chú trở lại.

Trong bóng tối, không nhìn rõ khuôn mặt, nhưng ông cũng đoán được anh ta thất vọng đến dường nào. Chắc cả ngày cũng bon chen kiếm chác được năm đồng ba trự, thay vì ăn cho đã miệng thì cu cậu này nhịn thèm để đi nếm mùi vị cuộc đời, ông nghĩ bụng. Anh ta chần chừ giây lát rồi quay xe, đạp đi, chẳng thèm nói thêm một lời nào. Ông khép cửa, chốt lại, thầm nghĩ nếu tụi nó về sớm thì có thêm một mối.

Vừa quay vào, ông đụng phải bà Tám trong góc nhà đi ra. Bà lên tiếng hỏi, giọng thoảng như gió:

– Phải khách không ông?

– Ừ, thì khách.

– Biết đâu ai khác?

Giọng ông gắt một cách hờ hững:

– Ai khác thì sao nào!

– Tôi ngại…

– Ừ, thì ngại… Tôi cũng ngại vậy.

Cuộc đối thoại chấm dứt lặng lẽ. Bà Tám bước như cái bóng về lại góc của bà, ngồi xuống. Ông cũng trở lại chỗ của ông, tiếp tục nhìn mông lung ra phía sau nhà, cảm thấy thương hại anh chàng thanh niên, chắc cũng trạc tuổi con ông, đang lầm lũi đạp xe đạp ra khỏi xóm đêm, vừa thất vọng nhưng có lẽ cũng vừa mừng vì đỡ tốn một khoản tiền vô ích. Chẳng bì nổi với đám con buôn trúng mánh vào xóm tìm gái chạy honda ầm ầm, tiêu tiền như xả rác. Cũng chẳng bì với mấy tay cán bộ ham của lạ, thường có thói quen sai đàn em đi dò đường, “làm việc” trước rồi mới theo sau, nhìn quanh nhìn quất như sợ có ai theo dõi nhưng mặt mày lại nghiêm túc như đang đi dự hội nghị Đảng. Mà cũng khác hẳn với đám “tây” Liên Xô, “tây” Tiệp, “tây” Ba Lan, luôn luôn có mấy tay chạy cò đi kè kè, mặt mày vừa hăm hở lại vừa ngơ ngáo như từ hành tinh khác đến. Khách đủ loại đủ hạng như thế nhưng các con ông luôn nêu cao tư tưởng vui lòng khách đến vừa lòng khách đi, nên tình huống nào cũng xử lý đẹp, dù là tại chỗ hay đi xa, bao ngày, bao đêm hay bao cuối tuần, bất cứ lúc nào, tảng sáng cũng ừ, nửa đêm không bỏ. Đúng là lao động hết mình! Thì làm sao được, khách thì đông mà con thì ít. Đôi khi thấy chúng quá bận bịu, ông tự nhủ, biết thế này, đẻ thêm vài đứa nữa để đáp ứng nhu cầu. Ông đem ý nghĩ này nói với bà Tám, bà gục gặc đầu, giọng nghe chua chua, ừ, phải chi có thêm chục đứa con gái nữa… Ông cười phá lên, mẹ kiếp! Chợt thấy có hơi lỡ lời, bèn hạ giọng, bà ơi, nếu có thêm chục đứa nữa thì chắc bà và tôi sẽ có nhà lầu chứ không đến nỗi ở nhà gỗ như thế này.

Chó lại sủa. Lần này, ông ngồi yên một chỗ, chờ đợi. Nhất định phải có đứa về. Ai? A, thằng Vụ. Bà Tám chạy lại, vừa mở cửa, hắn lướt vào như gió, vứt cái xách rồi đi tắm. Tắm xong, trở ra, hắn bưng đèn đến góc nhà soạn đồ đạc. Bà Tám ngồi yên, nhìn. Trên nền nhà là một đống đủ thứ lỉnh kỉnh: vải vóc, đồng hồ, bút máy, thuốc lá, tiền lẻ… Hắn đưa một xấp vải bông cho bà Tám:

– Mẹ may áo.

Và mang tới cho ông cái hộp quẹt:

– Ba thích cái này không?

Ông cầm cái zippo vuông, ngạc nhiên khi nhìn thấy một giòng chữ còn nguyên màu sơn đỏ khắc sâu vào mặt bên: “Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu thân tặng”. Ông mở, đóng cái nắp kêu lách cách, bật cười ha hả:

– Của quý đây mày. Thế mà hồi trước có đứa cho, tau chả thèm lấy. Còn “ga” không đây?

Ông bật thử. Tiếng “ga” kêu xè xè. Ngọn lửa xanh phựt lên, phấn khởi.

– Bộ đội mê hàng chữ đó, Vụ nói.

Ông xoa vai thằng con trai:

– Mày giỏi. Kiếm được cái này là mày giỏi. Ăn tiền là ăn cái hàng chữ tổng thống VNCH đó mày. Tau chẳng cần hộp quẹt, nhưng giữ làm kỷ niệm. Khi nào mày cần, tau trả lại.

Ông lấy thuốc lá, cầm cái zippo xoay qua xoay lại, ngắm nghía một hồi rồi mới bật lửa, châm thuốc hút. Một thời lang bang xưa cũ bỗng thức dậy, rộn ràng như năm mới, làm ông hứng chí, rít một loạt mấy hơi thuốc dài. Đúng lúc đó, đồng hồ nhà bên điểm mười hai tiếng.

*

Căn nhà dựng bên mé hồ, cách xa hẳn khu xóm, bốn bề không gian trống. Người trong nhà không ai muốn liên hệ với xóm, mà người trong xóm cũng chẳng ai muốn liên hệ với gia đình này. Thỉnh thoảng có vài ba đứa trẻ nhỏ tò mò vớ vẩn đi quanh quanh, cố tìm cách tiếp cận ngôi nhà để xem thử bên trong có cái gì khác lạ, nhưng cha mẹ chúng canh phòng rất kỹ nên hễ thấy chúng lảng vảng đâu đó là lên tiếng kêu về. Còn người lớn thì tuyệt nhiên không hề bén mảng. Từ ngày gia đình ông Tám Toàn trú ngụ ở căn nhà nằm chận ngang lối đi xuống hồ, họ mở một lối đi khác, tránh đi qua trước nhà ông. Căn nhà trở thành một ốc đảo. Càng tốt, không sao. Con cái dễ làm ăn mà ông cũng bớt bị rầy rà.

Thực ra, chẳng có gì lạ ở bên trong cả. Đó là một gia đình như mọi gia đình khác. Một bà mẹ nội trợ đi vào đi ra như cái bóng, một ông cha lỡ thời, chẳng biết làm gì ngoài chuyện ngồi trầm ngâm thế sự thăng trầm, và bốn người con lao động kiếm sống. Ừ, thì làm việc gì cũng là lao động, mà lao động nào chả là lao động vinh quang, ông Tám Toàn nghĩ. Con ông, chẳng ai ăn không ngồi rồi, đứa nào cũng bon chen, nhọc nhằn, tất bật. Sáng ra là mỗi đứa một việc. Vụ thức dậy ra đi từ tảng sáng. Với đôi dép nhựa cáu bẩn, bộ đồ lính bạc màu, chiếc mũ lưỡi trai, hắn lang thang đâu đó suốt ngày, khi thì giả què, khi thì giả bệnh, linh động, ứng biến như một tay ảo thuật gia nhà nghề: xin xỏ, chụp giựt, chôm chỉa. Mấy cô con gái lu bu lo chăm chút áo quần, trang điểm đi trang điểm lại, tỉa lông mày, nhổ lông nách, tắm rửa, vô ra, đứng ngồi, thấp tha thấp thỏm, lóng ngóng đợi chờ. Có khách, là đi. Hết Loan, đến Dục, hết Dục đến Lài. Thoắt cái, nhà đang rộn ràng, chợt vắng. Cho mãi đến khuya.

Đôi khi, ông làm quen với cái cảm giác là bọn chúng nó làm ca đêm trở về từ những nhà máy hay hãng xưởng nào đó. Ông trời quả thật cũng biết điều, phú cho con người một đặc tính thật đáng ca ngợi, đó là thói quen. Dù có đau khổ, nhục nhã tới đâu đi nữa, chuyện gì cũng thế, khi đã quen mắt, quen tai, quen chịu đựng riết rồi cũng nguôi ngoai, y như chúng phải như thế, không thể khác. Vợ ông đó, ngày hai buổi đi vô đi ra, đi lên đi xuống, thỉnh thoảng, ngồi nơi chiếc máy may, đạp lịch kịch. Cũng chẳng phải để may vá gì mà chỉ làm cho có việc. Bà không mấy khi đi ra ngoài, kể cả đi chợ. Bà ngại ngùng, lúng túng khi phải đi ngang qua cả một cái xóm dài với một rừng mắt vây quanh nhìn, ngắm, chỉ trỏ. Riết, bà đâm ra thụ động, ít nói, vào ra lặng lẽ. Còn ông, trà trưa rượu tối, ngồi như quan lớn về hưu, yên lặng quan sát những người khách chẳng biết từ đâu đến, rồi những õng ẹo, cười cợt, gạ gẫm, trả giá, vỗ mông, sờ ngực. Cứ thế, ông nhìn mọi sự diễn ra trong nhà mình hàng ngày một cách bàng quan, như đi xem những màn diễn trên sân khấu mà mấy đứa con ông là diễn viên lành nghề. Dẫu vậy, không có khách thì thôi, nhưng hễ có khách mang đi một cô, lòng ông bỗng đau nhoi nhói. Ông cảm thấy tê tê ở một chỗ nào đó trong người, khi thì ở bụng, khi thì trên đầu, có lúc thì sâu sâu đâu đó nơi trái tim. Người cựu giáo viên ấp tân sinh cúi đầu, gục mặt, thấm thía lẽ đời hư ảo.

Với ông, từ lâu rồi, cái có thật chỉ còn trong quá khứ. Hồi đó, từ một anh nông dân, nhờ có học hành năm ba chữ, gặp lúc nhà nước muốn đưa giáo dục về tận những vùng xa, ông được huấn luyện thành giáo viên ấp tân sinh, dạy chữ dạy nghĩa cho con trẻ trong làng. Ông nghiễm nhiên thành thầy. Vợ ông lại đẻ cho ông được ba cô con gái sắc nước hương trời. Trong cái làng nhỏ heo hút cận chân đồi, gia đình ông dần dà trở thành có danh có giá. Vợ hiền (bà Tám Toàn hiền nhất làng), con càng lớn càng xinh. Ông sung sướng, hạnh phúc, tưởng cuộc đời cứ thế mà đi lên, chẳng còn mong ước gì hơn. Nhưng rồi, chiến tranh lan rộng, đám học trò lớn lên, đứa thì lên rừng thằng thì vô lính, có muốn làm nông cũng chẳng yên, gia đình ông đành phải dời lên thành phố và mọi sự bỗng chốc trở thành bi hài kịch. Thằng con trai bỏ học vì theo hắn, “đi học mệt hơn đi chơi”. Còn ba cô con gái thì không chịu lấy chồng vì cô nào cũng cho rằng “mình đẹp như thế này, tội gì chỉ cho một đứa hưởng, uổng chết”. Các cô thích có nhiều người yêu để chia chác cái đẹp cho đều. Cứ thế, từ chỗ có một người yêu, rồi hai, rồi ba, rồi bốn, đến chỗ ai cũng có thể là người yêu. Yêu nhiều người một lúc có nghĩa là chẳng yêu ai cả. Rốt cuộc, sắc đẹp chỉ còn là cái cần câu trai. Người yêu là khách, khách cũng là người yêu. Với một đầu óc kinh doanh nhạy bén, cô đầu biến đường biên nhập nhằng mong manh đó thành nghệ thuật. Chả thế mà, không cần lôi kéo và thuyết phục, cô em kế theo chân. Một thời gian ngắn sau, chỉ mới vượt ngưỡng mười bảy, cô thứ ba cũng nối gót, sôi nổi và tự tin.

May cho ông, cả bốn đứa con đều có hiếu. Chúng nuôi ông bà như nuôi chim cu. Chúng xây nhà dựng cửa, sắm sửa đồ đạc không thiếu thứ gì. Ông thường đùa với bà, “Cũng là phúc nhà đấy chứ, phải không bà?” Bà trả lời, “Ừ, thì phúc, quá phúc đi chứ!” và lẩm bẩm, “Phúc hay nghiệp đây”. Nghe thoáng, ông lẩy ngay một ca dao:

Phúc mà chi, nghiệp mà chi
đứa nào có nghĩa có nghì thì hơn

*

Sau Vụ, lần lượt ba cô con gái về. Dục, cô giữa, về lúc gần một giờ. Loan, chừng nửa giờ sau. Cuối cùng là Lài, hơn hai giờ một chút. Dục cơ động hơn vì có xe gắn máy riêng, chiếc “cúp” đời 81, loại xe bãi do một tay thủy thủ đi tàu viễn dương Hải Phòng bán rẻ lại, sau một xuất bao đêm. Hai cô kia có người đưa, rước. Không kể những dịch vụ qua đêm, đêm nay thế là mọi người về có hơi trễ. Thường thì khoảng sau một giờ là cả nhà sum họp.

Thấy đã đông đủ, bà Tám xuống bếp lo sửa soạn bữa ăn, trong lúc mấy cô con gái, kẻ trước người sau lần lượt tắm gội, rửa ráy. Mỗi người lo phần việc của mình, chẳng ai nói gì với ai. Ðêm khuya, xóm vắng, nhà nhà đều ngủ kỹ. Tiếng nước dội, tiếng thay áo quần sột soạt từ phòng trong vang ra khiến ông Tám Toàn liên tưởng đến những nhọc nhằn mà mấy cô con gái của ông đang tìm cách rũ bỏ.

Như mọi ngày, cuộc sum họp gia đình diễn ra vào giữa lúc vạn vật đang trong cơn say ngủ. Xóm nghèo im lìm mê mệt. Cả những tiếng chó sủa nghe cũng ngu ngơ ngái ngủ. Bà Tám dọn cơm tươm tất lên bàn, gọi mọi người ra ăn. Loan bỏ ra một bịch trứng lộn còn nóng, hỏi:

– Ba còn xị rượu nào không?

Ông Tám Toàn sờ soạng dưới chân bàn, lôi lên một chai rượu. Loan rót hai cốc, cốc đầy đưa bố, còn cốc ít cô nhắp một hớp, rồi để xuống:

– Chắc phải lấy chồng quá!

Dục bĩu môi:

– Lại kể chuyện đời xưa rồi.

Loan lảng sang chuyện khác:

– Ðịnh nói thằng xe thồ ghé quán mua bịch gà bóp mà thấy khuya quá nên thôi. Gà bóp mà nhậu rượu thì đã lắm, phải không ba?

Lài đưa cho bố một điếu thuốc đót, lầm bầm:

– Cái thằng cha kiết gì mà kiết hết chê! Hỏi xin điếu thuốc, hắn rút ra một điếu rồi bỏ lại vào túi.

Ông Tám bĩu môi:

– Xì! Cái thứ đó mà thèm lấy làm gì cho nó khinh. Ba hút thuốc nặng quen rồi. Loại thuốc đót này hút cứ như rơi tuột vào cổ, chẳng có cảm giác gì. Không đã chút nào.

Loan nói:

– Hút thuốc đót ít hại đó ba, nó lọc khói, bớt chất độc.

– Ngon là nhờ cái chất độc đó, mi biết không.

Dù sao, con nói thế cũng làm ông Tám vui. Mấy cô con gái, trong hoàn cảnh nào cũng quan tâm tới ông. Ông gọi:

– Mẹ nó đâu? Thằng Vụ đâu? Vào bữa cho rồi.

Ðồng hồ hàng xóm điểm ba tiếng. Bà Tám bưng cây đèn lớn đặt giữa bàn. Cả nhà quây quần trong bữa ăn khuya. Bà Tám chép miệng:

– Bữa nay ăn trễ quá.

Dục cười:

– Ăn sớm quá, chứ mẹ. Mới ba giờ sáng đã ăn.

Thấy Vụ vừa ngồi xuống, Dục hỏi:

– Hôm nay, sao chú mày bần thần vậy?

Vụ chăm chú gắp đồ ăn, đáp:

– Bị công an rượt ở khách sạn Chuyên Gia.

– Sao vậy?

– Gỡ đèn xe cúp.

Lài chặc lưỡi:

– Cái nghề mày thấy ớn quá. Không khỏi có lúc đi trại cải tạo.

– Cải tạo thì cải tạo, sợ gì, Vụ nói.

Bà Tám nhìn lướt hết mọi người, giọng lo lắng:

– Sáng nay, Thị, công an khu vực, có đến.

– Lại đến tháng đóng hụi chết, Loan chép miệng.

Bà Tám tiếp:

– Cậu ta bảo tỉnh sắp sửa phát động phong trào bài trừ văn hóa đồi trụy, và mê tín dị đoan.

Nghe nhắc đến mê tín dị đoan, Loan nhìn bàn thờ ông địa đặt dưới đất, sát cửa ra vào:

– Thôi chết rồi, cả mấy ngày nay, không ai mua gì để cúng ông địa cả. Nhìn kìa, không bánh cũng chẳng hoa. Bữa nay, mẹ đã thắp nhang chưa?

Bà Tám gật đầu. Loan tiếp:

– Mai nhắc con mua bánh trái cúng nghe mẹ. Còn mấy cô, cậu, thỉnh thoảng tui có quên thì nhớ mua đồ mà cúng ông địa giùm cho tui với. Ông có phù hộ là phù hộ cả nhà chứ đâu có chỉ mình tui…

Nói đến ông địa, ông Tám Toàn chợt nghĩ tới lời chúc mua may bán đắt dành cho những người đi buôn. Thì con ông cũng buôn vậy, buôn phấn bán hương.
Lài mỉa:

– Ông địa mà cứ giúp tận tình thì cái thân em có ngày cũng bẹp dí.

Loan hất hàm:

– Không bẹp dí thì lấy đâu ra tiền, mày? Đừng giở cái giọng nhà lành!

Dục nói:

– Mà nói bẹp dí là không sai. Hôm nay chịu đựng hai thằng nhóc, mệt muốn bở hơi tai. Xong rồi như thoát ngục. Ðược cái, chúng chẳng tiếc tiền. Ðúng là dân buôn trầm trúng mánh, chơi như giặc. À, mà chẳng biết cái bóp tiền đâu rồi.

Dục hớt hải đứng dậy, bỏ đũa chạy đi tìm. Lát sau, cô trở lại bàn, cầm cái bóp mở ra, đếm tiền. Ông Tám tránh nhìn. Ông có cảm giác ngột ngạt khi thấy mấy cô con gái đếm tiền mỗi lần đi khách về. Nó thường đẩy trí tưởng ông đi xa, quá xa, gợi lại hình ảnh những tờ giấy bạc ông dúi thêm như tiền “boa” cho những cô gái xa lạ biết chiều khách ngày nào. Gợi lại những phòng những giường những chiếu những khăn những xô nước cáu bẩn để sẵn phía sau nhà và những số phận bấp bênh, tồi tàn mà ông thường lui tới khi còn trai trẻ.

Trong lúc mọi người ăn thì Dục vẫn kiên nhẫn đếm tiền. Khác với mọi lần, lần này, trông bộ cô đếm khá cẩn thận. Cô rút từng tờ, xếp ngay ngắn. Ngay cả những nếp gấp nhỏ nơi mép tờ bạc, cô cũng lấy móng tay gảy ra, bẻ ngược lại, vuốt cho thẳng. Ông Tám Toàn nhìn, chợt hiểu. Hôm nay, cô quý những đồng tiền có lẽ vì để có được chúng, cô phải trải qua vô số nhọc nhằn. Ông chẳng lạ gì cái cảnh đám đực rựa, trước khi vung những đồng tiền ra, họ phải làm đủ thứ trò trên thân thể người đàn bà. Ông rùng mình khi chợt liên tưởng đến những thằng bạn lính của ông ngày xưa. Mỗi lần hành quân xong, được về thành phố, bọn họ bao luôn một, hai em. Họ sáng tạo đủ cách chơi, từ những trò sách vở bày vẽ cho đến những ngón truyền miệng bất thành văn, để hành hạ mấy em cho xứng đồng tiền bát gạo. Vừa thỏa mãn nhu cầu tính dục lại vừa muốn trút hết những giận hờn, tức tối vào mấy cô gái để trả thù cho những điều bất ưng trong cuộc đời. Họ như muốn banh cả thân xác người đàn bà ra để lục lọi, tìm tòi một cái gì đó không bao giờ tìm thấy. Ông không quên hình ảnh một cô gái đã lạy lục cúc bái họ, cho cô được trả hết tiền lui và ra về, vì không còn có thể chịu đựng nổi trò hành hạ của nhiều người như thế.

Ông nhắp một hơi rượu, rùng mình, nhìn quanh. Ôi, những rượu, những trà, những đồ ăn, thức uống, những cột kèo, cửa sổ, cửa lớn, bàn ghế, áo quần, và chính cả thân xác ông, tâm hồn ông bây giờ đều xuất phát từ thân xác mấy đứa con gái. Bỗng nhiên, ông cảm thấy lợm giọng, buồn mửa. Hai mắt mờ đi. Trong thoáng chốc, ông nhìn thấy đồ đạc trong nhà, hết thảy đều uốn éo, quằn quại, lăn lộn. Bộ xa lông biến thành con Loan, cái tủ lạnh biến thành con Dục, tủ áo quần biến thành con Lài. Chúng trần truồng, hoang hóa, chịu đựng, thảm thương giương mắt nhìn ông ngơ ngác, bất lực.

Dục đếm xong tiền, nhìn ông, ngạc nhiên:

– Này, ba, ba nhìn cái gì vậy? Xem mặt ba kìa. Trông như lên cơn đồng bóng vậy. Ba, ba…

Ông Tám Toàn sực tỉnh, nhìn Dục cười:

– Không có gì. Ba đang nhớ một đoạn truyện Tàu, chuyện thằng Phạm Chuy, tể tướng nước Tần, bỗng không, đem dâng ngôi tể tướng cho một thằng lang thang đầu đường xó chợ chỉ vì hắn ta nói trúng cái mà ông ta đang lo lắng. Chuyện thế này, thằng Thái Trạch…

Ông kể một mạch xong, dừng lại, uống tiếp một cốc rượu, lòng dịu đi. Thấy ông chấm dứt, Dục quay sang Loan hỏi:

– Còn chị, hôm nay thế nào mà trông bộ lơ lửng thế?

Loan thở dài, cúi xuống gắp thức ăn. Bà Tám nhìn cô gái đầu, phân vân. Thường cô rất liến thoắng, kể chuyện trời trăng mây gió vừa để mua vui trong bữa ăn, mà cũng vừa để ngăn không cho hai cô em vốn ưa con cà con kê kể chuyện đi khách. Cô muốn bữa ăn lúc nào cũng diễn ra bình thường như những gia đình bình thường. Ðêm nay, cô trầm ngâm bất thường. Và sạch xong chén cơm, đặt xuống bàn, Loan nói, giọng nghe dửng dưng:

– Chắc phải lấy chồng.

Hai chữ “lấy chồng” như có một sức mạnh đẩy bật bà Tám đứng dậy:

– Lấy chồng? Ai lấy? Lấy ai?

Loan đứng dậy, rũ áo:

– Con lấy chồng!

Dục nhìn Lài cười khẩy. Lài nói:

– Cũng tốt. Tui cũng mong có thằng anh rể để thỉnh thoảng sai hắn chở đi.

Ông Tám vẫn khề khà nhắp rượu, nhìn Loan, gật gù. Loan đi xuống nhà dưới, bà Tám nhìn theo, mặt mày bần thần. Hai chữ “lấy chồng” Loan thốt ra bỗng đánh thức trong bà bao nhiêu thứ ao ước dồn nén, bao nhiêu giấc mơ khốn khổ. Ngày xưa, trong chiếc lều tranh, nhìn ba cô con gái kháu khỉnh, bà nuôi ý tưởng gã chúng cho những kỹ sư, bác sĩ hay tệ lắm cũng thầy giáo hay sĩ quan. Nhưng rồi mọi sự tàn theo mây khói. Bây giờ, bà mong được thấy chúng có chồng. Đui, què, sứt, mẻ hay gì gì đó cũng được, miễn chúng có chồng. Chỉ có “có chồng” mới làm người ta trở nên bình thường.

Loan trở lại. Cô lầm bầm một mình:

– Cái thằng cha già mắc dịch. Ông ta theo riết, đòi phải lấy về làm vợ.

Bà Tám làm như không quan tâm lắm, hỏi lơ lửng:

– Người ta ra sao?

– Dân tập kết. Vợ hy sinh trong chiến tranh. Trưởng phòng Thương Nghiệp Huyện.

– Thì cũng được. Bà lẩm bẩm.

Dục hỏi:

– Chị gật đầu chưa?

Loan nói:

– Ðâu dễ thế!

Lài mím môi:

– Thì gật đại đi. Em cũng trông có tay nào đó, già trẻ chi cũng được, hỏi lấy em, em ừ cú một. Ở đó mà õng với ẹo. Cái thứ chị em mình…

Dục tát nhẹ miệng em:

– Vả cái miệng một cái. Miệng khi nào cũng leo lẻo. Khôn hồn thì bớt nói đi.

– Tui chẳng khéo che như mấy bà. Ði khách thì cứ bảo đi khách, còn làm bộ con gái nhà lành để mồi chài, em chẳng sính.

Dục nói:

– Tao nghe ông bà nói, tao chừa một phương tao lấy chồng. Ðược không?

Loan dọa:

– Này, ồn ào chỉ tổ cho xóm người ta dòm ngó. Khuya rồi! Còn hai đứa bây, ai có thân nấy lo.

Dục kéo Loan xuống:

– Nghe nói thế cũng được đấy. Chị trước cho em theo sau. Ðầu lọt thì đuôi cơ may mới lọt.

Loan hỏi:

– Mi cũng muốn lấy chồng?

Dục cười:

– Mắc chi mà cũng muốn. Nói thế, chứ em chưa có cảm giác.

Loan nói:

– Còn tao, tao vẫn muốn tự do.

Bà Tám thở dài, lo dọn dẹp đồ ăn. Chó lại sủa xóm ngoài. Nhiều con khác phụ họa. Tiếng sủa truyền lần vào.

– Chẳng lẽ lại có khách giờ này!

Ông Tám bỏ cốc rượu xuống, lẩm bẩm. Và vặn đèn lu lại.

Ðúng là khách. Loan mở cửa, la lên:

– Trời! Lại ông. Ông dám lại đây à? Ai chỉ ông lại?

Người đàn ông chần chừ ở ngưỡng cửa muốn bước vào. Loan đứng chặn lại:

– Chưa chịu về sao còn quanh quẩn ở đây, ông Trưởng phòng?

Người đàn ông vòng tay ôm eo Loan, muốn kéo cô lại phía mình. Loan tránh ra:

– Nhà đông người.

Giọng người đàn ông nghe nhừa nhựa:

– Bày chuyện nữa. Nhớ em quá! Sao, trả lời dứt khoát với anh đi. Anh đợi một tiếng thôi là lo hết mọi chuyện. Em muốn có nhà ở ngay Sài Gòn này, anh cũng lo được. Em gật đầu thì anh đi, còn không thì anh cứ ở lì đây.

Thấy cứ đứng ở ngoài bất tiện, Loan đành để cho ông khách bước vào. Cô nhìn quanh phía ngoài, rồi vào khép cửa lại. Chó vẫn sủa rân. Thấy ông Tám ngồi ở bàn, người đàn ông chào:

– Dạ thưa bác… à… à…

– Ba em, Loan nói vắn tắt.

Người đàn ông bỗng dưng đâm ngượng, vì chợt nhận ra người mà Loan gọi bằng ba, suýt soát bằng tuổi mình. Ông Tám cũng lúng túng. Người đàn ông hỏi nhỏ Loan:

– Nhà còn thức?

– Mới ăn cơm xong. Sửa soạn đi ngủ.

Người đàn ông nói nhỏ:

– Bậy quá! Nhưng đến giờ phải trở về lại huyện rồi. Tài xế đang đợi. Thôi, anh về. Nhớ tranh thủ trả lời gấp. Chuyến sau anh lên là phải dứt khoát. Không thì, không thì coi chừng…

Ông ta đưa bàn tay dí dí lên trán Loan, quay lại nhìn ông Tám:

– Tôi… tôi… xin lỗi bác… tưởng nhà không… có ai…

Ông Tám mỉm cười, không nói gì, rót tiếp cốc rượu khác, nhìn theo người đàn ông đi nhanh ra cửa. Loan đóng cửa, gài then, im lặng. Bà Tám bước nhẹ từ dưới bếp lên, hỏi nhỏ:

– Về rồi à?

Loan lẳng lặng đi, không nói gì. Ông Tám Toàn uống cạn cốc rượu, ngâm khe khẽ:

Hí trường tiểu thiên địa
Thiên địa đại hí trường


Trần Doãn Nho
(2000)