có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 7 24, 2021

Tuổi già



Các cụ bà, tuổi trên dưới 80, thể lực tương đối tốt. Nghĩa là không có bệnh gì ngoài bệnh… già. Nghĩa là cơ thể nhức mỏi ở nhiều chỗ, thường xuyên bị vọp bẻ, ở chân, ngón chân; ở bàn tay, ngón tay, mà các cụ mô tả là có lúc đau thót ruột, vã mồ hôi. Tuy nhiên, các cụ tặc lưỡi, cười gượng: “Ôi, vậy nhưng cũng chẳng sao, chỉ muốn hỏi cô câu này: chúng tôi buồn, rất buồn, tuy biết buồn sẽ hại đến sức khỏe. Khó ngủ, không muốn ăn và ăn thì khó tiêu, lại phải uống thuốc hay uống Seven Up hay Perrier. Cô làm việc xã hội, gặp gỡ nhiều người, xin nhờ cô hỏi giùm các cụ nào may mắn có cuộc sống tuổi già an vui, xin mách bảo giùm, chúng tôi cám ơn lắm.”

Nghe các cụ hỏi, tôi giật mình, sửng sốt, sực nhớ chính tôi chừng một năm đổ lại đây, bận bịu là thế nhưng cũng có lúc cảm thấy thật buồn. Hỏi lại các cụ: “Các cụ có đi chùa hay nhà thờ? Có đi tập dưỡng sinh, tài chi, tập khiêu vũ thể dục? Có làm vườn, trồng hoa, trồng quả, trồng rau thơm để nhà sẵn, đỡ phải mua? Có họp mặt bạn bè, hát hò, chuyện vãn, ăn quà, đánh bài? Có đi sòng bài kéo máy, xem chương trình, ăn buffet? Có coi phim tập Nam Hàn hay Ðài Loan? Có đi mua sắm thử quần áo cho vui mắt? Có đến các trung tâm cao niên để giải trí, đến viện dưỡng lão để thăm nom người đi trước và ngắm nghía cho mình, phòng khi? Có đi xoa bóp, làm skin care để thư giãn thân tâm? Có sử dụng máy điện toán, iPod, iPad để đọc tin, đọc điện thư, nghe nhạc, chơi games? Có đi du lịch một, hai, ba ngày, đường bộ hay đường thủy, để thưởng ngoạn phong cảnh trời xa, xứ lạ và cũng để biết nhớ nhung căn nhà của mình hơn?” Nghe hỏi, các cụ lắc đầu, cười hiền hòa: “Không thử hết thì cũng gần hết món cô hỏi rồi, phát chán mà buồn vẫn không nguôi. Chỉ còn uống rượu nữa thôi nhưng chúng tôi ai uống được thì cũng không uống đến say, chỉ cạn ngày một ly vang nhỏ vào bữa ăn chiều cho dễ ngủ tuy hiếm có đêm thẳng giấc tới sáng lắm. Nó nhức chỗ này, mỏi chỗ kia, thỉnh thoảng chuột rút chân tay cong queo, đau quắn ruột mà cắn răng chịu chứ kêu ai và ai làm gì được?”

Tôi rụt rè hỏi thêm: “Thế các cụ ông thì sao ạ?” Các cụ bà đưa mắt nhìn nhau rồi cùng mỉm cười: “Ấy, quả là hoàn cảnh có khác nhau nên tuy không cố ý, chúng tôi hầu như thuộc hai nhóm riêng biệt, chỉ gặp gỡ trong các dịp quan hôn tang tế hay hội hè cộng đồng chứ không sinh hoạt thân cận để biết mà trả lời cô. Có lẽ các cụ nào Trời cho còn đủ đôi, có khi lời qua tiếng lại cũng đỡ cô đơn.”

Chao ôi, tôi đoán các cụ có đọc thơ tình của thi sĩ Xuân Diệu thời lãng mạn: “Ðược giận hờn sung sướng biết bao nhiêu!” Thi sĩ “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” nên nói thế, giận hờn triền miên, cũng hại sức khỏe không kém buồn một mình!

Qua giao tế cũng như tin tức trên mạng, tôi được biết tuổi già của các cụ ông trong thời đại tin học dễ chịu hơn hẳn các cụ bà. Phần đông các cụ ông còn lái được xe ở tuổi trên dưới 80 nên vẫn giữ được thói quen cà phê cà pháo, rong chơi bạn bè, uống bia, bàn luận thời sự quanh bàn mạt chược hay cỗ bài xì phé. Cụ nào thể lực tốt còn đi gym tập thể dục, tắm hơi. Có cụ đánh quần vợt hay đánh golf. Nhiều cụ tham gia việc xã hội, đoàn thể hay cộng đồng, họp hành, viết lách, tranh cãi liên miên. Về nhà, các cụ có ngay cái computer làm bạn, kết nối năm châu bốn biển, giúp các cụ có thêm nhiều mối giao tiếp mới và nhiều chương trình hành động mới. Các cụ nào nhất định gác kiếm nghỉ hưu, lánh mình khỏi chốn đua chen danh lợi nhưng chưa cảm thấy mỏi mệt thì ghi danh học vẽ, học hát, học chụp hình, học điêu khắc, học bất cứ môn nào theo sở thích và năng khiếu trời cho mà thời trai trẻ chưa có cơ hội thực hành. Ði học mà không bị áp lực mưu sinh thì nhà trường là nơi lui tới lý tưởng vì nó giúp mở mang kiến thức và… chậm lão hóa. Tin tức đó đây cho biết không ít trường hợp ông nội hay ông ngoại áo mão tốt nghiệp đại học cùng với các cháu.

Nói tóm lại, do tính năng động và vai trò quyết định của nam giới, các cụ ông có nhiều phương cách để thoát ra khỏi sự bế tắc trong cuộc sống hơn các cụ bà, giản dị nhất là lấp đầy được những khoảng trống thời gian của tuổi già.

Nhớ lại hai thập niên trước, thời tôi còn đi làm ở hãng B, mấy cô em trẻ biết các con tôi đã trưởng thành và tôi sống một mình thì hay tò mò hỏi: “Chị ơi, có bao giờ chị cảm thấy cô đơn vào buổi tối không chị?” Tôi thành thực trả lời: “Các cô tin hay không nhưng sự thật chị không có cả thì giờ để biết mình vui buồn thế nào? Ngưng tay là để đi ngủ vì hôm sau phải dậy sớm đi làm.”

Cho tới bây giờ, tuy tôi đã có đôi lúc rảnh rỗi và nhớ lại bạn cũ, chuyện cũ nhưng chỉ để cười một mình, cảm động vì sự quan tâm của bằng hữu, đồng nghiệp song cũng muốn họ biết tôi không hề thấy mình cô đơn vì tôi luôn có một ký ức sống động với đông đảo những người tôi từng quen biết. Tôi luôn có một ai đó để nghĩ về, một quãng đời nào đó để sống lại, ngay cả một tôi thời bé dại với những trò chơi trẻ con ngờ nghệch đến tội nghiệp.

Tuy nhiên, như viết ở phần trên, chừng một năm đổ lại đây, thỉnh thoảng có những giây phút tôi buồn. Ðối với tôi, nỗi buồn rất lạ, vì tôi cảm nhận nó lần đầu và bất ngờ. Tôi chợt nhớ ra và làm một con tính nhẩm: so sánh với tuổi thọ của cha mẹ, nếu được may mắn như hai cụ, tôi cũng chỉ còn 10 năm nữa để sống. Mười năm của tuổi trẻ như bình minh ở phương Ðông. Mười năm của tuổi già như nước chảy trong chiếc bình cạn úp ngược, là một chớp mắt bằng với thời gian tôi nghỉ hưu cho tới nay. Nghĩa là rồi cũng như cha mẹ, một cách nào đó, tôi sẽ phải lìa bỏ con cháu, bạn bè, thân hữu, độc giả, thính giả, ngôi nhà có chậu mai vàng, những gốc hồng rực rỡ cười chào tôi ngoài cửa sổ mỗi sớm mai, những con đường thân quen từng ngã ba, ngã tư, những công việc đang làm dở dang.v.v…

Thế nhưng, tuyệt nhiên nỗi buồn không phải vì những gì tôi đã biết nằm trong thân phận mình. Có lẽ đó là nỗi buồn trước giờ chia tay của mọi cuộc hành trình, và, như lời một bản nhạc, “người đi có bao giờ vui?” Càng thấm thía hơn trước chuyến đi dài nhất, không hẹn quay về…

Nên, nhớ lại mà thương cha, thương mẹ vì 50 năm trước, 30 năm trước, tôi nào hiểu tâm tình của cha mẹ như giờ đây tôi hiểu chính mình, rất muộn màng. Những buổi chiều mùa Hè nắng nhạt, bố tôi chống gậy ra cổng, đứng nhìn mọi người qua lại. Những đêm mùa Ðông khuya muộn, bố ngồi ở cầu thang nhìn tôi học bài, làm bài, hỏi tôi trước khi quay lưng: “Con không cần gì thầy chứ? Thầy đi ngủ nhé?” Ở Mỹ, mẹ tôi ngồi bên cửa sổ hằng chiều, đợi tôi và các con tôi từ sở làm, từ trường học về, “đôi mắt lặng buồn, nhìn thôi mà chẳng nói.” Tuổi 50, tôi vẫn chưa hiểu gì, vẫn chưa biết thế nào là biệt ly, từng ngày, từng giờ. Trong lặng thầm. Không một tiếng động khẽ. Trên đôi môi khô héo. Trong đôi mắt nhập nhòa giấu lệ.

Nên, bây giờ tôi hiểu nỗi buồn của các cụ. Không tiếc đời mình mà tiếc những chia tay.

Các cụ hỏi “Làm gì cho bớt buồn?” Tôi xin chuyển câu hỏi đến các bạn trẻ may mắn còn cha mẹ. Tôi biết cuộc sống cam go, bận rộn ở nơi này như cơn lốc cuốn các bạn vào bụi mù như đã cuốn tôi một thời nào. Ðừng giận. Cho phép tôi nhắc. Một vòng ôm. Một ánh mắt. Một lời hỏi han. Cái khăn quàng. Ðôi vớ. Chiếc bánh. Bông hoa hái từ vườn nhà. Bất cứ cái gì trong tầm mắt, tầm tay bạn. Từ tấm lòng quan hoài của bạn. Là câu trả lời làm nên phép lạ trong tuổi già (không dài) của cha mẹ mà tôi thật tiếc không bao giờ còn cơ hội.

Tin tức từ trang mạng newamericamedia.org cho biết, theo các chuyên gia về bệnh tâm thần làm việc sát với giới cao niên và cả trung niên thuộc cộng đồng người Việt chúng ta, vấn đề trầm cảm có khuynh hướng gia tăng trong số các cụ hiện sống tại Little Saigon, Orange County, tuy con số bệnh nhân vượt qua trở ngại tâm lý, chịu khai báo để nhận được sự chữa trị, chưa phản ảnh hoàn toàn thực tế. Một cuộc thăm dò cá nhân không chính thức đưa ra nhận định có tới 90% quý cụ cao niên (không rõ con số nam nữ) sử dụng Internet hàng ngày để đọc tin, trao đổi chuyện trò với thân nhân và bằng hữu, vừa giúp họ cảm thấy bớt lẻ loi, trống vắng, dễ đưa tới suy sụp tinh thần, vừa cải thiện trí nhớ của các cụ một cách đáng kể. Một cụ ông được trích dẫn lời phát biểu như sau: “Tôi gõ (bàn phím) để tự mình trau giồi thêm kiến thức, để tự học hỏi, để tự mình giải khuây, để khỏi nghĩ quẩn, để khỏi bị trầm cảm, để khỏi bị bệnh Alzheimer’s, để thoát ly và cũng để giảm bớt ưu phiền trong cuộc sống, v.v…”

Riêng với các cụ bà, ngoài sử dụng Internet để giữ liên lạc với con cháu/thân nhân/bạn hữu xa gần và để giải trí, còn nhiều thú vui giản dị khác, rất dễ thực hiện miễn các cụ giữ được cái tâm an tịnh để có thể mở lòng ra “vui từ mỗi lẻ loi…” Ðời sống luôn dài hơn kiếp nhân sinh ngắn ngủi nên đời sống không thiếu những chân trời mới để khám phá và khám phá khua thức nơi chúng ta niềm vui: một khoảnh đất nhỏ ở vườn sau, thậm chí vài cái hộp gỗ để sát tường mảnh sân ngăn với hàng xóm phía trước cũng cho chúng ta những bông hoa mới hay những liếp rau mới. Báo nào bây giờ cũng có công thức nấu nướng những món ngon, dễ làm, quý cụ còn trí nhớ minh mẫn, không bị con cháu giới nghiêm, có thể bày ra làm để con cháu (và cả vài ba người bạn thân) có cớ gần gũi, vui đùa bên nhau. Nhìn kỹ, đâu đó trong nhà vẫn luôn có thể thêm bớt một cái gì đem lại vẻ mỹ quan: chậu lan đang nở, bức tranh màu sắc tươi, cái khăn lau tay máng ở cửa bếp lò có hình con gà thật đẹp vì đang là năm Ðinh Dậu, v.v… tha hồ đề tài cho bà cháu cùng nhau ngắm nghía, chuyện trò… Ngay cả một cái hẹn (ngoài hẹn với bác sĩ) để la cà với bạn bè cũng làm cho các cụ hào hứng mong đợi, trái tim có chút rộn ràng…

Ngụm nước khi khát, ngụm rượu khi buồn, một chút tưởng tượng thần tiên làm nên những phút giây đáng giá, chẳng nên lắm sao?


Bùi Bích Hà