Ðầu mùa mưa năm đó, tôi thuyên chuyển về một đơn vị trú đóng ở một tỉnh nhỏ miền Tây. Ðơn vị này là đơn vị thứ tư của tôi kể từ khi tôi rời khỏi quân trường. Bây giờ tâm hồn tôi đã chai thắt lại, đời sống quân ngũ cùng sự di động thường xuyên dường như chẳng còn gây nổi những xúc cảm nơi tôi, cái cảnh sống nay đây mai đó chẳng còn làm cho tôi buồn hay vui. Ðã là lính, ở đâu cũng vậy mà thôi. Mọi nhớ tiếc, lưu luyến vụn vặt từ lâu không còn bám dính tôi nữa, hòn đá lăn hoài đâu có thể mọc rêu xanh, điều này cũng là một lợi ích cho tôi, thử hỏi tại sao mình lại tự làm khổ thêm về những xúc động không đâu; thái độ thản nhiên nhiều khi mới thật là cây thước đo lường bề cao của con người trong cảnh ngộ xô đẩy dồn dập.
Chiếc xắc đựng quân trang của tôi đã cũ mòn, bạc thếch. Có lệnh là tôi dồn tất cả vật dụng vào, cột chặt lại, rủ rê bạn bè gặp được ra quán nhậu một bữa đã đời, rồi hôm sau ra xe lên đường, không người đưa tiễn. Và đi đâu cũng gặp lại người quen, và tiếp tục làm quen với những người bạn mới. Quân ngũ là một chỗ làm quen rất dễ. Vừa gặp nhau, rủ đi nhậu, nói chuyện tào lao, vậy là đã trở thành bạn hữu. Theo tôi, không có tình bạn nào thắm thiết, an ủi cho bằng tình bạn cùng cảnh ngộ. Ít nhiều gì, chúng ta cũng cần được chia xẻ và am hiểu, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn. Tôi có nhiều người bạn đã chết, nhiều người bạn đã rời xa, sau này ít khi tôi còn nhớ đến. Nhưng lúc chúng tôi còn ở gần nhau, cùng bấp bênh trong cuộc sống xao động mà cái chết pha lẫn mập mờ, chúng tôi đã là những người bạn chí tình. Tình bạn giữa chúng tôi hết sức tự nhiên và rất mực khô khan người lớn đàn ông, chẳng mấy khi được bộc lộ bằng ngôn ngữ hay cử chỉ. Nó có đó cần thiết như một vật dụng trong nhà, nhưng bình thường không ai để ý tới.
Doanh trại của đơn vị ở trong khu vực sâu khuất, yên tĩnh của tỉnh lỵ, gồm có một ngôi đình thần cột tường sứt mẻ lam nham và mấy dãy nhà mới xây bằng vật liệu nhẹ bao quanh. Phía sau doanh trại, cách một miếng đất trống rộng khoảng ba trăm thước, cỏ hoang lau sậy mọc dày, là phi trường - trực thăng lên xuống ngày đêm không ngớt, tiếng động rền rĩ rung chuyển không khí, nhà cửa và đầu óc chúng tôi. Bên hông, cách một bức tường cao ngất, ở trên có giăng dây kẽm gai và gắn bóng đèn là khám đường, cái thế giới kín bưng, bí mật lâu lâu mới há nhỏ cái cánh cổng sắt khô rít nhả ra một toán tù nhân lờ đờ đi làm tạp dịch. Còn một bên nữa là quốc lộ chạy về những tỉnh tận cùng đất nước - hằng ngày, những chuyến xe đò, xe hàng hối hả lên xuống đem lại cho chúng tôi một chút cảm tưởng đổi thay khuấy động lan man. Hôm nào không thấy xe lên hay xuống - đường bị địch phá - chúng tôi biết là đơn vị sắp có việc làm.
Vì ở gần phi trường, nên những đêm địch pháo kích vào phi trường, chúng tôi nghe rõ tiếng rít ghê rợn của đạn đạo trên đầu, và lần nào cũng có vài ba trái đạn đi lạc lọt qua vòng rào doanh trại chúng tôi. Nên chúng tôi thường nói giỡn: “Ðáng lo ngại nhất là ở chỗ tụi nó bắn dở quá, mình chẳng biết đâu mà đề phòng.” Cũng may mà trải qua mấy trận pháo kích hú họa của địch, đơn vị chưa có người chết hay bị thương.
Những đêm địch pháo kích, thành phố để lộ một bộ mặt lạ hoắc và kỳ bí đến độ rùng rợn. Ðèn tắt, còi báo động rú lên dằng dặc, sôi réo, lính tráng từ các nơi trong thành phố túa chạy rầm rập về doanh trại, đạn bích kích pháo liên tiếp gào xé trên không trung như một đàn rắn lớn, nện mạnh xuống mặt đất tung tóe, những mảnh vụn kim khí chém lổn rổn trên mái tôn, tất cả trực thăng trong phi trường lìa khỏi mặt đất, rồi sân trại rộn lên vì tiếng khua chạm của vũ khí, nón sắt, tiếng kêu réo từ các giao thông hào, tiếng chỉ huy và cả tiếng chửi thề, và hẩn nhiên, tiếng đập dồn dập của trái tim trong lồng ngực từng người. Pháo binh bạn trả lời dữ dội, trực thăng soi đèn pha xuống những địa điểm khả nghi ở những đám ruộng kế cận thành phố, nã đạn đại liên và rốc-kết. Trong khi đó, tại một phía khác của thành phố, lại vang rền tiếng súng giòn giã của một trận tấn công đồn gấp rút, quyết liệt - địch hay dùng chiến thuật dương Ðông kích Tây... Cuối cùng, chúng tôi được lệnh hỏa tốc truy kích địch, những đoàn quân xa rầm rộ rời doanh trại chạy về hướng đạn đi. Vậy là trọn đêm, chúng tôi bì bõm trong sình lầy, nổ súng lẻ tẻ. Thường khi chúng tôi đến không kịp - địch chuyển súng đi qua từng trạm ngắn, theo lối chạy tiếp sức - nhưng có một lần, chúng tôi truy được vị trí súng của địch, hạ năm tên và tóm một chú. Truy kích địch trong trường hợp này hết sức vất vả và hú họa - mục tiêu phỏng đoán, bóng tối, lùm bụi, sình lầy... - địch có thể đã phân tán mỏng, tay không tà tà trở về nhà, ngủ ngáy pho pho, thành thử nhiều đứa trong chúng tôi lẩm bẩm chửi thề luôn miệng: “Tao mà gặp được tụi bây...”. Nhưng lần mò ra dấu địch, sau một cuộc chạm súng ngắn ngủi, lưa thưa, thuộc loại “trước mua vui”, nhìn năm cái cái xác không hồn nằm phơi trong ruộng nước, nhìn gã tù binh khiếp đảm, chúng tôi thấy rõ mình không hề giận dữ như đã tưởng tượng mấy lần khác, cũng như vừa tưởng tượng trước đó không lâu. Gặp địch, đánh xong là thôi. Chúng tôi vẫn không phải là những kẻ thù hằn.
Sinh hoạt trong thành phố và nhất là trong doanh trại hết sức làm nhàm, đều đặn và lặng lờ như một dòng nước tê lười. Những cuộc hành quân thường thường diễn ra không quá mười ngày liên tiếp, cuối cùng cũng chẳng pha đậm thêm được bao nhiêu sôi động trong đời sống loãng nhạt của chúng tôi. Tất cả rồi trở thành thủ tục - cả đến những hiểm nguy và cái chết, cái chết nói chung, cái chết của bạn hữu, của kẻ địch và của dân chúng. Ðồng lầy nước ngập mênh mông, lau sậy hoang dã, có khi lội cả ngày trời không tìm được nơi khô ráo ngồi nghỉ chân, đỉa rắn muỗi mòng thét rồi không còn là những thù nghịch ghê khiếp mà mặc nhiên được coi như những quen thuộc sầu thảm của chúng tôi. Về mùa mưa, bầu trời u u, hạ thấp như tấm mền sũng ướt, mây rất sai và chẳng trôi đi, kinh rạch nước lớn tràn bờ, ngày đêm không mấy khi trời ngớt gió, những ngọn gió tưởng chừng bất tận thổi ù ù trong lau sậy vật vờ, mặt trời chẳng xuất hiện, ánh nắng mơ hồ dã dượi, khiến cho tôi có cảm tưởng đang đi trong một thiên nhiên mới tinh của thời kỳ tạo thiên lập địa. Chiến tranh dồn dập, sau mỗi cuộc hành quân, chúng tôi chỉ được ở lại hậu cứ hai ba ngày - thời gian vừa đủ để tắm rửa, đi nhậu một vài chầu, chơi điếm và ngủ vùi để lấy lại sức. Nhờ những khổ cực về thể xác, đầu óc chúng tôi đỡ bị cồn cào bởi những ý tưởng quàng xiên. Máu chảy, máu chảy hàng ngày, những người quen biết lần lượt được đồng bạn khiêng lên trực thăng tải thương. Những nỗi buồn không sụt xuống thấp lắm và những niềm vui cũng chẳng trồi lên cao lắm, mọi sự đều trầm trầm.
Nên ở đây, chúng tôi yêu đời một cách xót xa, yêu đời một cách quyết liệt. Mặc dù thành phố co rút lại và hết sức bỏn xẻn về thú vui, chúng tôi cũng có đủ cách để làm đầy những ngày giờ rảnh rỗi loanh quanh trong thành phố. Như những buổi tối chúng tôi lái xe chạy lòng vòng trên mấy con đường hiếm hoi, và ngắn ngủn - những con đường mà người ta có thể đi qua hết với độ mươi mười lăm phút chạy xe. Hoặc túm năm túm ba, chúng tôi la cà ở những hàng quán - trong thành phố chỉ có vài ba hàng quán mở cửa cho đến giờ giới nghiêm. Thường chúng tôi nói rất nhiều mặc dù không có chuyện. Nói xong nhiều khi không nhớ mình đã nói gì. Ngôn ngữ cũng có cái màu nhiệm là che khuất thực tại và ngày tháng đi qua...
Căn phòng tôi ở chỉ cách bức tường khám đường một lối đi hẹp vừa đủ để mở ra cánh cửa sổ nhỏ. Ngay bên kia bức tường là trại giam nữ phạm nhân. Mỗi ngày ba bận, sáng trưa chiều, các nữ phạm nhân đồng ca bản nhạc: Quyết tâm diệt Cộng. Quyết tâm diệt Cộng. Ðồng bào ơi, chung sức cứu giang sơn... Các giọng hát chệch choạc, giọng đi trước, giọng đi sau, giọng cao ngất, giọng lè tè, giọng the thé, giọng khàn khàn, mỗi giọng một bè hỗn tạp rối loạn như một nùi lãi đũa đeo nhau ngọ ngoạy lung tung. Tuy vậy, cái màn văn nghệ tạp lục này cũng giúp vui cho chúng tôi không ít. Không cần phải lắng tai theo dõi, chúng tôi cũng có thể nhận biết hầu hết những giọng hát đặc biệt quen thuộc. Có hôm trời mưa, ngại đi ra ngoài, chúng tôi, căn cứ vào mỗi giọng hát, suy đoán bàn cãi sôi nổi về tuổi tác, dáng dấp của người hát, và chúng tôi vẫn ao ước có dịp vào thăm trại giam nữ phạm nhân trong giờ trình diễn đồng ca để nhận diện ăn thua.
Vào khoảng tháng chín tháng mười, trời giông biển động liên miên, thành phố chợt náo động lên vì những bầy chim từ ngoài hòn bay về tị nạn - thành phố này ở cách biển mười lăm cây số đường chim bay. Nhất là khu vực doanh trại chúng tôi là nơi có rất nhiều cây sao cây dầu cao lớn, già có tới hai trăm năm, lại càng náo động. Ðủ các loại chim bay xa - cò, diệc, vạc, kên kên, thằng nông, già sói, chó đồng - tụ tập rần rần trên những ngọn cây, kêu gào inh ỏi và ỉa trắng mặt đường. Trong những ngày này, trời đất đã xao xuyến, rộn ràng, sự xuất hiện càng lúc càng đông đảo của những bầy chim lại làm cho thành phố thêm phần bồn chồn bứt rứt như người chồng chứng kiến cảnh người vợ chuyển bụng đẻ con so. Trên một thành phố hằng ngày bơ phờ, hiện tượng bất thần này gần như đã trở thành một ám ảnh siêu hình đè nặng chúng tôi. Tiếng chim kêu gào động trời dậy đất làm cho đầu óc chúng tôi căng thẳng, bần thần, tưởng chừng mình được chứng kiến một cuộc dời đổi rộng khắp của thiên nhiên. Khổ hơn nữa, những bày chim này còn bay lượn qua lại không ngừng, làm chật bầu trời thành phố, giũ xuống vô số những con mạc li ti như hạt bụi cắn đốt chúng tôi nổi ngứa đỏ mình. Thành thử chúng tôi chẳng tài nào đứng yên hay ngủ được. Cuối cùng, chúng tôi được phép nổ súng bắn đuổi lũ chim đi. Liên tiếp mấy ngày, trong thành phố như đang xảy ra một trận giặc nhỏ, lũ chim mới chịu vơi bớt trong bầu trời. Những con chim bị bắn rơi, có loại thịt ăn cũng ngon ngon, nhưng nhiều quá đâm ngán. Mấy người lính trong đơn vị có sáng kiến lượm xác chim về làm khô để ăn dần trong những ngày hành quân.
Ở đây, cái chết thường xuyên ray rứt chúng tôi, ngoại trừ những lúc chúng tôi đang đương đầu với cái chết - điều mâu thuẫn đáng suy ngẫm là sự tranh đấu thảm thiết cùng cái chết giúp cho con người tạm quên đi cái chết của chính mình. Chiến tranh có nhiều cái chết hết sức kỳ lạ. Kỳ lạ đến độ những tên vô thần nặng bóng vía nhất trong chúng tôi rồi cũng phải tin nơi số mệnh - một cách thức phòng ngừa chứng bệnh đau đầu. Vừa cười nói đó, bỗng lăn quay ra chết tốt sau một tiếng nổ không ngờ, cái chết vô duyên và lang thang chọn lựa. Chúng tôi cũng quan niệm như bất cứ ai: Ðạn tránh mình chứ mình không tránh đạn. Cũng như không bao giờ chúng tôi dám tự cho là mình đánh giặc giỏi. Chúng tôi đã mất hết tự tin ở quyền năng tài trí của con người. Cái chết có thể khuất phục chúng tôi trên mỗi bước vô tình.
Còn nhớ một lần đụng trận, đơn vị chúng tôi bị mẻ mất mười bảy đứa con. Con số mười bảy mạng thương vong, nếu đọc thấy trên tờ báo, giữa những hàng tin chi chít khác, chắc chắn không phải là một con số đáng kể, nhưng nếu nhìn thấy tận mắt một xác chết thôi, thì con số một đó nhất định là một con số vô cùng lớn lao không gì so sánh được. Trời mưa tầm tã cả tuần liền, và trận chiến vẫn còn tiếp diễn quyết liệt, nên phải gần hai ngày sau, chúng tôi mới mò được mười bảy cái xác đồng đội từ các mương rạch mang về. Mười bảy cỗ quan tài chưn nhang xếp hàng trong nhà đậu xe. Vì tình trạng hư rữa của xác chết nên đưa về đến hậu cứ là phải tẩm liệm ngay, không thể để chờ thân nhân người chết tới nhìn mặt. Hôm sau, thân nhân người chết hay tin mới tới nơi quây quần trước mỗi cỗ quan tài. Gia đình của một người chết nọ gồm có cha, mẹ, vợ và năm đứa con. Một người lính hướng dẫn gia đình này đến trước một cỗ quan tài, chỉ và nói: “Ảnh đó.” Hai người đàn bà rồi năm đứa trẻ lăn ra khóc kể như mưa bấc. Trong khi người cha - một người đàn ông - lại đứng ngẩn ngơ hồi lâu rồi quay sang hỏi người lính: “Mà cậu có chắc đây là con tôi không?” Lẽ dĩ nhiên, người lính quả quyết: “Chắc chớ bác. Lúc ảnh bị bắn lật, con nằm bên cạnh ảnh, con gỡ tấm lắc tên của ảnh, và cũng chính con phụ giúp bỏ ảnh vô hòm mà.” Người cha gật đầu nhè nhẹ khi người lính dứt lời, nhưng khuôn mặt già cả nhăn nhúm của ông vẫn không trôi hết vẻ ngẩn ngơ và ông cứ đứng lặng. Ðến khi sắp sửa hạ huyệt, giữa một hòa âm khóc kể bi ai rộ lên, ông già lại hỏi một người lính khác đứng gần: “Quả thiệt là con trai tôi đây phải không cậu?” Khuôn mặt ông lúc bấy giờ vẫn không thoáng gợn một chút gì gọi là xúc động. Không thể tưởng tượng được... Người lính trả lời: “Chớ bác tính coi còn ai vô đó nữa giờ.” Ông già nghe xong, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nước mắt mới khởi sự chạy dài xuống đôi má hóp.
Một hôm, đơn vị tổ chức lễ khao quân. Dàn chào, diễn văn, thăng thưởng, tiệc tùng và trình diễn văn nghệ vào chập tối. Biến cố trọng đại này đã được đơn vị sửa soạn từ một tuần lễ trước. Sân khấu dựng lên ngoài trời, lều bạt căng sẵn đề phòng mưa, hậu trường là một chiếc G.M.C. mui trùm kín mít đậu sát đít vào một bên hông sàn gỗ. Mấy hàng ghế lưa thưa trưng dụng của các phòng, đặc biệt dành cho quan khách và sĩ quan. Ban văn nghệ trình diễn thuộc tiểu đoàn Chiến tranh Chính trị. Chương trình gồm những món ăn đã hôi ê được xào nấu lại: trong đời lính, thế nào mỗi người cũng đã thưởng thức ít nhất một lần một chương trình tương tự. Còn về thực lực đào kép thì hầu hết những ban văn nghệ dã chiến đều có thể ví như những hồ tắm để cho họ tập bơi, chờ đợi thời vận xông ra biển lớn. Tuy nhiên, mọi người vẫn nao nức hưởng ứng - ở đây, chúng tôi thèm khát ra khỏi thực tại trầm trầm vây hãm ngày ngày, ra khỏi được tấc nào hay tấc đó. Tôi ngồi nhìn những quân nhân nhạc công và những diễn viên ca sĩ lần lượt xuất hiện trên sân khấu - tôi không theo dõi chương trình liên tục mà chỉ theo dõi khuôn mặt dáng điệu những người này. Tự dưng, tôi cảm thấy từ tận cùng tâm hồn rằng mình gần gũi với họ và trong một giây, sự chua chát dâng lên đầy nghẹt cổ họng tôi: có lẽ họ cũng mang nặng mặc cảm thua thiệt như mình, có lẽ họ cũng ôm ấp ước vọng bay cao trong một vùng huy hoàng ngây ngất. Anh đâu phải ngồi nơi đây, cô đâu phải đứng nơi đây, lẽ ra anh đang độc tấu trong một hí viện vương giả trước một quần chúng sang trọng lịch sự, lẽ ra cô đang trình diễn tại một kinh thành rực sáng giữa một đám đông mê hoặc phục tùng. Nhưng bây giờ anh phải ngồi nơi đây, cô phải đứng nơi đây - những ước vọng phai tàn với tháng ngày âm thầm chồng chất, không thực hiện, không khi nào thực hiện; sự chờ đợi quá đỗi mỏi mòn để không còn là sự chờ đợi nữa. Ðành vậy, hai chữ cuối cùng của một đời người, chúng ta đã buông xuôi, anh thấy không, cô thấy không? Tôi thương xót các người như thương xót chính mình. Tôi thông cảm sự bất lực, sự cằn cỗi của các người. Bây giờ, một nốt nhạc đánh sai, có lẽ anh chẳng buồn để ý, một câu hát lạc nhịp, chắc hẳn cô không màng biết tới. Các người đã mất hết tương lai, còn nói chi tới tinh thần cầu tiến nữa. “Ðể tiếp nối chương trình văn nghệ hôm nay...” Một tràng vỗ tay xã giao đại lượng nổi lên lác đác như tiếng đại liên bắn cầm canh của một xạ thủ thiện nghệ. Tiếng trẻ con cổ võ la hét ầm ĩ, chen lẫn tiếng huýt gió chát chúa của một gã lính ba gai nào đó. Một cô gái vóc dáng mảnh mai, mặc đồ trận rằn ri, tóc kiểu Sylvie Vartan, khuôn mặt sáng sủa nhí nhảnh, hiện ra trước máy vi âm, cúi chào khán giả, rồi chiếu thẳng tia nhìn xuống khán trường, một tia nhìn bén nhọn lạnh lùng, và hoàn toàn bất động như có ý yêu cầu đám đông phải lắng dịu. Tôi thấy thích thú thái độ thách thức ngấm ngầm quý phái đó. Tôi nghiêng đầu hỏi đứa bạn bên cạnh: “Em nào vậy?” Hắn đáp: “Quỳnh Vân hay Vân Quỳnh gì đó.” Ðám đông rồi cũng xẹp xuống. Bài hát bắt đầu: anh anh em em, tiền tuyến hậu phương, áo chiến giày đinh, hoa cài mũi súng, nhớ thương chờ đợi... Bài hát ru dỗ người nghe trong một cơn mê thiếp chập chờn, giả tưởng và rất đỗi bần thần - có lẽ vì ngay trong lúc bị ru dỗ, chúng ta vẫn ý thức rõ ràng đó chỉ là một cơn mê thiếp giả tưởng. Giọng hát của nàng không dở, đó là một giọng hát ân cần, thành khẩn đến độ đau đớn nghẹn ngào, một giọng hát có hồn và đủ sức vượt qua dễ dàng hai bát độ; chỉ cần một chút kỹ thuật và một chút thời vận, dĩ nhiên, nàng có thể trở thành một ca sĩ có giá ở Sài Gòn. Tuy vậy, giọng hát nàng không lôi cuốn tôi bằng đôi mắt nàng, đôi mắt chất chứa tinh nghịch và để lộ một chút khinh bạc dịu dàng. Ðôi mắt đó... Chợt đôi mắt đó mở to và sáng rực trong trí nhớ mù mờ của tôi như hai chấm đèn trong sương sớm. Quỳnh Vân? Quỳnh Vân nào? Cái tên lạ hoắc này nàng lượm được nơi đâu vậy ? Cái tên lạ hoắc này nàng lượm được nơi đâu vậy? Phụng. Phụng.
Tôi rời ghế, bước vòng ra phía sau chiếc xe G.M.C dùng làm hậu trường. Bài hát chấm dứt. “Ðể đáp lại tấm thịnh tình của quý vị...” Một bài hát nữa trổi lên. Let”s twist again. Tôi nhìn trong khung trống cánh gà thấy nàng hò hét, nhún nhẩy quay cuồng, hạ thổ, vặn vẹo cần máy vi âm. Thiệt là thảm thương. Càng thảm thương hơn là nàng lại biểu diễn hết sức hăng say, quá mức lương tâm nghề nghiệp. Tôi không thể không nhớ tới một đứa bé gái chừng chín mười tuổi, con của một người mù đánh đàn ăn xin. Ðứa bé gái đó ốm yếu, dơ dáy, quần áo rách rưới, bôi hai cục son đỏ lòm nơi má như trái cà chua, người cha hom hem với mái tóc khô cháy, để dài tận ót, đánh đàn - một cây tây ban cầm sai tiếng và tróc lở - đứa bé gái tuýt lăn ra trên vỉa hè thành phố, nó cũng ưỡn ngực, ngoáy mông, làm đủ mọi thứ. Không hiểu ai dạy nó như vậy. Cha nó mù làm gì biết mà dạy nó.
Ðiệu nhạc đứng lại trong cơn bão hò reo cuồng nhiệt của đám đông bất kham. Phụng đi vào hậu trường, ngồi xuống băng xe, mở bóp rút khăn tay chậm mồ hôi ướt dính tóc mai. Tôi bước vào chỗ sáng gần nàng, kêu nhỏ: “Phụng”. Nàng lục soát khuôn mặt tôi hồi lâu rồi mừng rỡ bật dậy: “Anh Tiến, trời ơi, sao anh có mặt ở đây?” Rồi chúng tôi cùng cười xòa như ngày xưa, hễ gặp những câu hỏi khó trả lời, chúng tôi cười xòa để thông qua. Tôi phác tay chỉ lên sân khấu, hỏi: “Em còn phải làm gì nữa không?” Nàng lắc đầu. Tôi đề nghị: “Vậy mình ra phố chơi đi.” Nàng cầm bóp, lặng lẽ đứng dậy. Tôi nắm tay đỡ nàng bước xuống xe. Ðặt chân xuống đất xong, nàng nói: “Cám ơn anh.” Ngừng một giây, nàng nói thêm: “Em nhảy xe nhà binh quen rồi, anh thấy không?”. Tôi dắt nàng bước len lỏi giữa đám con nít lô nhô, đi ra một chiếc xe Jeep đậu gần cổng. Tôi lái chầm chậm trong thành phố bắt đầu sửa soạn giấc ngủ. Trên những đỉnh cây, gió thổi rì rào như giải lụa lang thang. Tôi ngừng xe trước một quán nước nhà sàn. Khách hàng đã thưa thớt; chúng tôi chọn một cái bàn ở phía ngoài ngó xuống mặt nước. Theo sự dẫn dắt của liên tưởng chúng tôi kể cho nhau nghe chuyện nhà mình kể từ khi chúng tôi xa cách nhau. Nỗi ngậm ngùi không thể ngăn cản bủa vây và kết hợp chúng tôi. Ðối với những kẻ không hề mãn nguyện về cảnh sống hiện tại của mình như chúng tôi, dĩ vãng quả là điều rất đỗi nhọc nhằn khi nhớ lại.
Phụng là người cùng tỉnh với tôi. Nàng nhỏ hơn tôi hai tuổi và học dưới tôi hai lớp. Từ mấy đời, hai gia đình chúng tôi vẫn giao du thân mật với nhau, chưa kể những cuộc hôn phối giữa nhiều người trong hai họ chúng tôi càng ngày càng siết chặt hai gia đình chúng tôi trong một tỉnh nhỏ vốn thưa người, ít chuyện. Hai đứa chúng tôi gặp gỡ nhau hằng bữa. Tình thân giữa chúng tôi hết sức tự nhiên vì nó bắt nguồn từ thủa ấu thơ, tự nhiên đến độ cả hai gia đình chúng tôi dường như chẳng ai nhìn thấy là chúng tôi khác họ, khác phái và chúng tôi đã lớn khôn, khiến cho chính chúng tôi cũng không nhìn thấy nốt. Là một đứa con độc nhất trong một gia đình đã mấy đời giàu sang, Phụng kiêu kỳ như một con ngựa giống quí. Nàng sai khiến hay cưỡng lại kẻ khác bằng mắt nhiều hơn bằng lời. Mặc dầu nàng không hề cố ý, đôi mắt nàng lúc nào cũng ánh lên một chút trịch thượng khinh mạn - từ tấm bé, nàng đã quen được người khác tuân phục hay nuông chiều. Nhưng lạ một điều là thái độ kiêu kỳ của nàng không những đã chẳng đẩy lui kẻ khác mà trái lại còn thu hút họ vây quanh nàng vì hiếu kỳ cũng như vì tự ái.
Năm tôi vào đại học, gia đình tôi vì sinh kế, dọn về ở một tỉnh miền Ðông, và mối liên lạc giữa hai gia đình đã hoàn toàn bị cắt đứt từ đó. Cha mẹ nàng lần lượt qua đời, ruộng đất phố xá không còn sanh lợi, ngôi nhà thừa tự giao cho người dì độc thân già cả điếc lác ở trông nom. Nàng nói: “Ngôi nhà đó, anh nhớ không, bây giờ chỉ còn mặt tiền thôi chớ bên trong cột kèo mối mọt ăn rệu hết rồi, chưa biết ngày nào sập xuống nữa.” Ngôi nhà đó dựng lên từ khi ông nội nàng ngồi tri phủ ở tỉnh, cột cửa chạm trổ rồng phượng, nền đá tảng cao gần một thước, nằm ẩn trong một cái sân sâu rộng trồng rất nhiều cây kiểng, con đường từ cổng đi vào lót gạch tàu đỏ, lâu năm chầy tháng mòn lõm như lòng tay, mái ngói lợp âm dương đã ngả màu đen và có những búi cỏ cổ trầu, những túm cây chùm gởi mọc bên trên... Phụng nói thêm “Biết bao giờ em mới cất được ngôi nhà khác?” Tôi làm thinh nhưng trong thâm tâm, tôi hơi ngạc nhiên sao nàng còn nghĩ được đến tương lai - tương lai xa vời và khó khăn không tưởng tượng nổi. Ðêm càng khuya - ghe thuyền dưới sông đã tắt ngấm đèn đóm - đêm như được khoét sâu thêm trong bóng tối vô cùng tận. Và câu chuyện càng đưa chúng tôi đi sâu vào quá khứ - con đường hầm không lạ không quen trong núi đá lờ mờ ánh sáng lân tinh. Chợt Phụng nói, mắt nàng rực lên như cố gắng soi tỏ quá khứ: “Sao hồi đó anh không chịu nói yêu em? Anh còn nhớ buổi tối trời mưa trong nhà thủy tạ không?” Thật tôi không ngờ Phụng còn nhớ buổi tối đó; một chút ngượng ngùng và một chút thích thú pha lẫn làm nóng những huyết quản của tôi. Buổi chiều, trời đã sẫm tối, chúng tôi đi dạo ngoài vườn về phía bờ sông, một cơn mưa bất thần đổ xuống, hai đứa chạy vào đứng trú trong nhà thủy tạ, cơn mưa nặng hột và ầm ĩ, Phụng đứng dựa cột ngó ra mặt sông mù mịt, những hạt bụi nước li ti bay đậu long lanh trên mái tóc nàng như một đêm hoa đăng, hơi ấm từ người nàng tỏa ra nồng nàn quyến rũ, tôi kéo nàng sát vào người tôi và hôn nàng. Nàng chọc mạnh tia nhìn vào đôi mắt tôi, lặng thinh một cách khó hiểu. Xong, nàng đẩy nhẹ tôi ra, tia nhìn bí hiểm vẫn không rời khỏi mắt tôi, tưởng chừng muốn chiếu suốt tâm hồn tôi, rồi nàng tiếp tục nhìn ra mặt sông và vẫn giữ chặt sự lặng thinh mà lúc đó tôi cảm thấy như là một sự khinh miệt hỗn hào. Tôi rời nhà thủy tạ lầm lũi đội mưa đi về. Mấy hôm sau, chúng tôi lại gặp nhau và tuyệt nhiên không ai mở miệng nhắc tới chuyện đó. Tôi nghĩ rằng có những con đường định mệnh kỳ lạ, tiếp cận và song song với nhau nhưng vẫn không chịu trùng lẫn. Tôi nói ngập ngừng: “Hồi đó, anh không nói yêu em vì sợ mất em.” Tôi bật cười, nói thêm: “Dầu vậy, anh vẫn mất em như thường.” Phụng nghiêm mặt, hỏi: “Có thật là anh mất em không?”
Tôi đưa Phụng về khi thành phố sắp sửa giới nghiêm. Sân khấu đã tắt đèn lặng trang. Chợt Phụng nói, giọng khuya khoắt như trong cơn mê loạn: “Có ngày em sẽ nổi danh, hát ở những phòng trà sang trọng tại Sài Gòn, kiếm được thật nhiều tiền, cuộc đời sẽ cõng em trên vai. Chừng đó dĩ nhiên, em sẽ không nhẩy tuýt nữa.” Tôi siết chặt tay nàng, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi mới nói: “Em can đảm lắm, anh tin là em sẽ thành công.” Tôi buông tay nàng ra, nói tiếp: “Còn anh, anh sẽ cố gắng lập công to, lên tướng để được cầm nhiều quân, đánh những trận lớn.” Rồi tôi bật cười khan, một cái cười thật độc ác với chính mình.
Vài tháng sau, tôi bị thương nhẹ nơi đùi trái, và chiến thương làm dáng này cũng đóng đinh tôi trên giường quân y viện hơn hai tháng. Khi xuất viện, tôi được thuyên truyền về đơn vị khác, làm việc văn phòng, rời bỏ tỉnh nhỏ đó ở miền Tây. Cứ ít lâu, tôi lại đọc thấy ở trang sau các tờ nhật báo tên họ, cấp bực những người bạn quen trong khung dầy đậm như những nhắc nhở đau nhói của thời gian và nơi chốn đã đi qua. Còn ở những phụ trang sân khấu kịch trường, mãi tôi vẫn chưa tìm gặp sự xuất hiện của nữ ca sĩ nào tên gọi Quỳnh Vân.
Tô Thùy Yên
(Trích trong tập truyện 'Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta', nxb Sóng 1974)