Biểu tượng chiều dài lịch sử 130 năm của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ tại Mt Rushmore. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Mount Rushmore chỉ là tên của một dãy núi nằm trong khu vực Black Hills của tiểu bang South Dakota. Tuy nhiên, kể từ sau năm 1941 tên của tiểu bang đất rộng người thưa ở miền Trung Tây Hoa Kỳ, ít được để ý đến, lại được du khách chú ý đến, nhờ thắng cảnh Mount Rushmore National Memorial với những bức tượng tạc khắc trên núi “diễn tả về chiều dài 130 năm lập quốc của Hoa Kỳ.”
South Dakota là vùng đất được sáp nhập vào Hoa Kỳ cùng ngày 2 Tháng Mười Một, 1889, trở thành tiểu bang 39 và 40 của Hoa Kỳ. Nhằm để thúc đẩy ngành du lịch, chính quyền tiểu bang đã nghĩ ra một kế hoạch thu hút du khách đến nơi đây. Một trong những thiết kế đó được giao cho nhà tạc khắc núi John Gutzon de la Mothe Borglum (gọi tắt là Gutzon Borglum). Ông đã chọn vùng núi Mount Rushmore để tạc khắc chủ đề lịch sử Hoa Kỳ suốt từ lúc lập quốc cho đến thời của ông sinh sống.
Gutzon Borglum đã chọn ra hình ảnh của bốn vị tổng thống trong số 30 vị đã lãnh đạo Hoa Kỳ từ năm 1789 cho đến khoảng năm 1925 để tạc khắc trên núi. Tuy chỉ là hình ảnh của bốn vị tổng thống nhưng làm sao để “các hình ảnh đó” có thể nói lên sự nối tiếp vươn lên trong lịch sử của một đất nước hãy quá còn non trẻ như Hoa Kỳ vào thời điểm đó. Cuối cùng ông đã chọn ra các tổng thống George Washington, Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, và Theodore Roosevelt đại diện cho sự liên tục trong dòng sử Hoa Kỳ.
Trở về câu chuyện lịch sử, năm 1776, bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ ra đời, nhưng chiến tranh với đế quốc Anh vẫn tiếp diễn mãi đến năm 1789, ngày 30 Tháng Tư, George Washington mới chính thức được bầu lên làm tổng thống thứ nhất của Hoa Kỳ. Ông được xem như người khai sinh đất nước Hợp Chúng Quốc tươi trẻ vào cuối thế kỷ 19. Từ một người làm tướng trở thành vị tổng thống đầu tiên dẫn dắt Hoa Kỳ vươn lên trong hoàn cảnh hết sức khó khăn lúc bấy giờ, George Washington đã được người dân Hoa Kỳ xem ông như “Cha già của nước Mỹ.”
Mt Rushmore Memorial nhìn từ dưới chân núi.
(Hình: ATNT Tours & Travel)
Người dân Hoa Kỳ khi nói đến bản Tuyên Ngôn Độc Lập thì phải nói đến Thomas Jefferson. Ông trở thành vị tổng thống thứ ba Hoa Kỳ từ 1801đến 1809. Không những là một người học giả mà còn là một thức giả trẻ tuổi uyên thâm trong xã hội lúc đó. Ông chính là người đã viết ra bản dự thảo Tuyên Ngôn Độc Lập vào năm 1776 và đã trở thành bản tuyên ngôn bất tử trong dòng lịch sử lập quốc Hoa Kỳ cho đến ngày nay.
Ý tưởng của ông Thomas Jefferson cho rằng chính phủ không phải chỉ “của dân – cho dân – vì dân” mà trách nhiệm của chính phủ còn phải “bảo vệ hạnh phúc của người dân.” Chính nhờ những ý tưởng này mà đất nước Hoa Kỳ đã vượt qua những con sóng lớn của thế giới vào các khủng hoảng thế chiến. Đồng thời tạo thành một nền văn hóa khác hẳn với các nước trên giới. Nền văn hóa mở rộng – tiếp thu – bao dung – vượt qua mọi biên giới đến với con người.
Một góc nhìn của Mt Rushmore Memorial và Native Indian.
(Hình: ATNT Tours & Travel)
Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ là Abraham Lincoln. Ông trở thành tổng thống năm 1861, nhưng ông đã không đi hết được quãng đường làm tổng thống. Nhờ tài lãnh đạo, ông đã thành công trong việc giữ lại sự thống nhất liên bang Hoa Kỳ trong cuộc nội chiến Nam Bắc. Ông cũng ra tuyên ngôn giải phóng nô lệ và chấm dứt chế độ nô lệ. Bài diễn văn Gettysburg của ông trở thành một bài diễn từ nổi tiếng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ khi xảy cuộc chiến tương tàn. Bài diễn văn súc tích diễn tả đầy đủ về “tinh thần Hoa Kỳ” dựa trên các nguyên tắc bình đẳng – tự do – dân chủ của bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Ông bị ám sát ngày 14 và mất ngày 15 Tháng Tư, 1865. Tổng Thống Abraham Lincohn được người dân Hoa Kỳ chọn là một trong ba vị tổng thống vĩ đại nhất.
Ông Theodore Roosevelt là vị tổng thống thứ 26 Hoa Kỳ từ năm 1901 đến 1909. Ông là một vị tổng thống trẻ tuổi nhất của Hoa Kỳ (42 tuổi). Dưới sự lãnh đạo của ông, Hoa Kỳ đã dần vươn mình ra với thế giới bên ngoài như phô trương sức mạnh của Hải Quân Hoa Kỳ trên các đại dương. Ông cũng là người đứng ra hòa giải cuộc hải chiến Nga-Nhật (Nga thua trận năm 1905). Nhờ đó ông được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1906.
Tượng Gutzon Borglum, tác giả điêu khắc bốn tượng tổng thống trên Mt Rushmore.
(Hình: ATNT Tours & Travel)
Ngoài ra, ông cũng chính là người đã hỗ trợ cho dự án kênh đào Panama. Từ năm 1904, Hoa Kỳ đã mua lại các công trình dở dang của Pháp và hoàn thành con kênh đào lớn nhất thế giới vào năm 1914. Nhờ vậy sự thông thương giữa hai đại dương Atlantic và Pacific đã giúp cho thế giới di chuyển nhanh hơn, cần kiệm hơn vào đầu thế kỷ 20.
Không phải vô cớ mà mà tượng các vị tổng thống George Washington – Thomas Jefferson – Theodore Roosevelt – Abraham Lincoln được chọn tạc khắc trên đỉnh Rushmore khi công lao của họ quá to lớn với đất nước Hợp Chúng Quốc. Nếu đỉnh Rushmore còn dư chỗ để dành cho tượng một vị tổng thống khác, không biết từ tổng thống thứ 26 đến tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, ai sẽ là người xứng đáng được ở trên núi!
Khác với các đất nước khác trên thế giới, quá khứ lịch sử đất nước Hoa Kỳ không có một ông vua hay một hoàng đế nào ngự trị để cai trị người dân. Đất nước này liên tục được lãnh đạo với một “tinh thần dân chủ,” người ta có thể thêm Tu Chính Án để làm phong phú thêm bản Hiến Pháp, thích ứng thêm vào ý tưởng “bảo vệ hạnh phúc của người dân.” Không ai có thể sửa đổi Hiến Pháp ở Hoa Kỳ như Tổng Thống Vladimir Putin sửa đổi Hiến Pháp ở Nga, hay Chủ Tịch Tập Cận Bình lên ngôi ở Trung Quốc để họ trở thành hoàng đế chí tôn.
Con đường dẫn vào Mount Rushmore National Memorial. (Hình: ATNT Tours & Travel)
United States of America là nơi di dân của những con người đã bị chính quê hương, tôn giáo của họ ruồng bỏ suốt từ thời lập quốc cho đến tận ngày nay. Họ cần một khế ước để chung sống với nhau. Cũng vì thế Mount Rushmore còn được Hoa Kỳ xem như “linh hồn của nền dân chủ” (Shirne of Democracy) qua các biểu tượng các vị tổng thống tạc khắc trên núi.
Những ai bán linh hồn cho quỷ dữ, được quỷ dữ sai khiến phá hủy các biểu tượng của Shirne of Democracy thì chính họ đã và đang phá hủy “linh hồn của chính tổ tiên” họ!
Trần Nguyên Thắng