có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 5 21, 2021

Mùa hè và phượng vỹ ở Togo

Mùa hè ở Togo cũng phượng đỏ nở hoa (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Ngày còn là sinh viên Đại học U.C. Berkeley, trưa thứ Sáu nắng đẹp anh em trong ban chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam thường đem bàn, ghế ra ngồi ngoài Sproul Plaza để quảng bá sinh hoạt, tạo cơ hội cho các bạn ghé thăm nhau, chia sẻ buồn vui hay tán dóc sau một tuần học hành căng thẳng.

Những buổi trưa như thế, tôi đi loanh quanh dưới hàng cây xanh rợp bóng mát, chụp vài pô hình, ghé vào bàn của các hội đoàn sinh viên khác xem có những hoạt động gì.

Tin trên báo La Nouvelle Marche ngày 16/9/1983 về lễ tuyên thệ 
của các tình nguyện viên Peace Corps (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Vài chục hội sinh viên mang nhiều sắc thái, như các hội sinh viên Taiwan, Hong Kong, Philippines, Hàn quốc, Nhật là cùng gốc Á Châu, còn có hội sinh viên Do Thái, sinh viên Iran. Theo ngành nghề có hội sinh viên dự bị y khoa (Pre-Med), sinh viên khoa thương mại, kỹ sư. Quan điểm chính trị có hội sinh viên cộng hoà, dân chủ, có bàn xin chữ ký phản đối Hoa Kỳ can thiệp vào El Salvador, vào Iran.

Vào mùa xuân có bàn của các công ti tài chính thương mại tuyển người, nhiều công ti máy tính đang cần kỹ sư sắp ra trường.

Có bàn đề tên Peace Corps. Tôi ghé tìm hiểu và được biết tổ chức này tuyển sinh viên vừa tốt nghiệp đại học đi giúp các nước kém phát triển ở nhiều nơi trên thế giới. Một điều kiện cần có là tình nguyện viên phải là công dân Mỹ.

Giảng viên tiếng Pháp (bên trái), tác giả và hai bạn tình nguyện viên (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Lúc đó tôi vẫn còn là thường trú nhân. Hè năm 1982 tôi tuyên thệ nhập tịch và trở thành công dân Hoa Kỳ. Tháng 10 tôi điền đơn xin gia nhập Peace Corps.

Sau thời gian hoàn tất thủ tục với giấy giới thiệu của các giáo sư, bạn bè, từ những nơi đã làm việc cùng hồ sơ an ninh từ ty cảnh sát, đầu năm 1983 tôi nhận được thư Peace Corps báo tin tôi sẽ được gửi qua Togo dạy học.

Peace Corps được Tổng thống John F. Kennedy khai sinh vào năm 1961. Câu nói của vị tổng thống trẻ tuổi: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn mà hãy tự hỏi, bạn đã làm được gì cho tổ quốc chưa” là những thúc đẩy cho tôi có lý tưởng phục vụ quốc gia, nhân loại từ thời niên thiếu ở quê nhà. Hơn nữa là một người tị nạn đã được Hoa Kỳ nhận cho định cư, tôi biết ơn xứ sở này và muốn đáp đền, đóng góp cho đất nước đã cho tôi được sống trong tự do, dân chủ.

Cảnh một làng quê Togo (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Một chi tiết về liên hệ sớm nhất giữa Peace Corps và Đại học U.C. Berkeley là khi toán tình nguyện viên đầu tiên được gửi ra nước ngoài, trước khi đến Ghana, Phi Châu mùa hè năm 1961 thì chương trình hướng dẫn đã được tổ chức tại đại học này.

Trước khi rời Hoa Kỳ, tôi ghé vùng thủ đô chào những người thân quen, rồi đến Philadelphia tham gia một chương trình hướng dẫn kéo dài một tuần.

Đoàn chúng tôi gồm tất cả 45 người đến từ Iowa, California, Florida, Minnesota, Massachussetts, Kentucky, Hawaii, Texas, Indiana…, đa số trong lứa tuổi 20, vừa tốt nghiệp đại học, có bạn từ Ivy League. Có bạn trong lứa tuổi 30 và dăm người ở tuổi 60, có bạn đã có nhiều kinh nghiệm dạy học.

Các buổi huấn luyện đều nhằm thử sức xem chúng tôi có đủ khả năng và can đảm sống trong một môi trường hoàn toàn xa lạ với đời sống Mỹ. Chúng tôi bàn về tình bạn, những người thân sẽ bỏ lại, những bạn mới sẽ gặp. Làm sao để làm việc và thích ứng với hoàn cảnh mới. Làm sao tìm được những niềm vui, trò giải trí ở một nơi không tivi, rạp hát, không điện nước hay tiện nghi vật chất.

Buổi hướng dẫn đầu tiên cho đoàn tình nguyện viên vừa đến Togo (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Chúng tôi viết kịch bản ngắn và diễn theo một chủ đề. Đang giảng bài, có học trò nói thày viết sai chính tả, ông hiệu trưởng tình cờ đi ngang lớp nghe thấy, bắt em đó lên đứng trước lớp phạt cho mấy roi tre vào tay, trong trường hợp đó, là thầy giáo của lớp bạn sẽ phản ứng ra sao. Hay khi có học trò muốn giúp mình trong việc quét nhà, giặt giũ thì phải làm sao. Trò chơi văn hoá alfafa làm tôi và nhiều bạn nhức đầu tìm câu giải đáp.

Buổi tối trước ngày từ giã Hoa Kỳ, tôi và Rick cùng Liz là cặp vợ chồng mới quen rủ nhau đi ăn cơm tối ở tiệm Vinh Hoa mà tôi tìm được địa chỉ trong cuốn niên giám điện thoại khu vực. Với tôi có lẽ đây là lần cuối được thưởng thức món ăn Việt, vì không trông mong tìm thấy hương vị quê nhà nơi đất Phi Châu trong hai năm tới.

Một sạp bán hàng trước cửa khách sạn nơi đoàn dừng chân (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Trưa ngày 16/6/1983 chúng tôi lên đường. Việc khởi hành bằng xe buýt ra phi trường phải đình hoãn ít lâu vì một bạn không có mặt trên xe. David còn bận bịu nói chuyện điện thoại với cô nhân tình mà anh để lại. Anh nói chúng tôi cứ đi trước và sẽ gặp lại ngoài phi trường.

Trong đoàn có Gregg và Jennifer thông thạo tiếng Pháp nên được chỉ định làm hướng dẫn viên cho đoàn từ đây cho đến khi máy bay đáp xuống Togo.

Máy bay cất cánh rời phi trường Philadelphia lúc 12 giờ trưa. Sau các trạm dừng và chuyển máy bay ở New York, Pháp, Thụy Sĩ và Ivory Coast, phi cơ của hãng Air Afrique đáp xuống phi trường Thủ đô Lomé, Togo xế chiều ngày 17/6.

Quán bán thức ăn Việt ở Lomé (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Trời bỗng dưng mưa lớn. Từ cửa sổ phi cơ tôi không thấy gì ngoài hàng chữ Tokoine Aeroport bằng điện mầu xanh lá cây nổi bật trên nền trời xẫm. Phi đạo vắng ngắt. Xa xa chỉ thấy một máy bay khác nơi đuôi có hàng chữ KLM.

Trời tạnh mưa. Vừa ra khỏi cửa phi cơ thì một luồng hơi nóng và ẩm thổi vào người. Nó đem đến cho tôi chút hương thơm quen thuộc của mùa mưa ở Việt Nam.

Không như các phi cảng ở Mỹ, hành khách lên xuống máy bay theo thang dẫn từ cửa phi cơ vào đến bên trong, ở đây chúng tôi xuống thang máy bay, lên xe buýt để được đưa vào sảnh.

Fou-fou là thức ăn hàng ngày của người dân Togo, như người Việt ăn cơm 
(Ảnh: Bùi Văn Phú)

Thủ đô Lomé nằm ở ven biển và có những nét giống Biên Hoà hay thành phố Tijuana của Mexico ở sát biên giới California mà tôi đã qua chơi vài lần. Những con đường tráng nhựa nhưng thiếu đèn lưu thông, xe máy và người qua lại không theo một hướng nhất định nào.

Xe buýt đưa chúng tôi về khách sạn Le Prince nằm trên một con đường đất đỏ nhiều chỗ ngập nước, trong một khu cư dân.

Xe đò trên xa lộ nối liền nam bắc Togo (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Togo là một giải đất nhỏ gần đường xích đạo, nằm ép giữa Ghana và Bénin ở phía tây của Phi Châu. Vùng đất này trước là thuộc địa của Đức, Anh rồi Pháp và mới được trao trả độc lập năm 1960. Dân số khoảng 3 triệu người da đen và gồm nhiều sắc dân trong đó người Kabiyes, Ewes là chính. Dân Togo nói nhiều thổ ngữ khác nhau và dùng tiếng Pháp là ngôn ngữ chính. Đa số thờ vật tổ và cũng có nhiều người theo đạo Hồi, đạo Thiên Chúa.

Ngày đầu ở Togo, ra đường gặp đám trẻ nhỏ gọi chúng tôi “yovo, yovo” có nghĩa là những người da trắng. Đó là một từ của tiếng Ewe mà chúng tôi mau chóng học được.

Cảnh vật, không khí ở Togo làm tôi hồi tưởng quê nhà Việt Nam, từ khí hậu nóng ẩm, con đường đất ngập nước sau cơn mưa, những cây phượng đang nở hoa đỏ; những cây đu đủ, cây na xanh lá nhiều trái. Bên đường có bắp ngô nướng trên bếp than cạnh những sạp hàng; trong chợ có bán mãng cầu, na. Những hình ảnh, những cây trái mà tôi đã không còn thấy từ ngày rời quê hương ra đi tị nạn ở Mỹ.

Ở Lomé vài ngày để hoàn tất các thủ tục y tế và giấy tờ cần thiết, sau đó đoàn được chia theo nhóm công tác và được đưa về mấy nơi để qua chương trình huấn luyện “total immersion”.

Ở Togo có các trái cây quen thuộc với người Việt (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Nhóm toán, lý hoá và sư phạm về thành phố cao nguyên Aktapamé, cách Lomé 160 cây số về hướng bắc. Đây là nhóm đông nhất với 20 tình nguyện viên, 16 sẽ dạy toán, lý hoá và 4 làm giảng viên sư phạm Anh ngữ.

Trên đường đi, xe chạy qua những làng mạc cho tôi cảm giác như đang về vùng thôn quê nước Việt. Khi qua một thị xã bên đường có phượng đỏ lại khiến lòng bồi hồi nhớ thuở học sinh. Những điều tôi học được trong hai tuần qua về hệ thống giáo dục Togo thì lúc này các em học sinh lớp 11 và 12 đang lo ôn bài cho các kỳ thi tú tài nhiều cam go. Như tôi đã trải qua vào mùa hè một thập niên trước khi còn ở quê nhà.

Theo chương trình huấn luyện, mỗi ngày chúng tôi có 7 giờ để học tiếng Pháp, văn hoá Togo và sư phạm. Ăn uống chung như ở trong ký túc xá. Chỗ ngủ là căn phòng lớn chia ra thành những khuông nhỏ 2 mét bề ngang, 4 mét bề dài, trong có giường và mùng ngăn muỗi.

Mới đến Togo vài tuần thì tôi bị bệnh. Người mệt mỏi và sốt. Nghi ngờ sốt rét vì khi trời tối xuống, ngồi ôn bài là muỗi bu quanh, vo ve bên tai, trên đầu nên tôi dùng tay đập muỗi liên tục. Lạ là các bạn khác ngồi quanh không bị muỗi cắn. Bạn đùa bảo tôi chưa ăn bơ uống sữa đủ, tôi cũng giỡn chơi nói chắc là muỗi thích nước mắm hơn.

Tôi đã uống thuốc theo căn dặn của bác sĩ, một tuần trước khi rời Hoa Kỳ và từ khi sang đây mỗi sáng Chủ Nhật đều uống chloroquine. Người phụ trách huấn luyện quyết định đưa tôi về thủ đô để chữa trị.

Sau khi thử máu và nước tiểu, bác sĩ riêng của Peace Corps xác nhận tôi bị sốt rét. Ông nói tôi là người lớn lên ở Việt Nam đúng ra không bị sốt rét nữa, nhưng tôi vẫn bị và ông không hiểu vì sao. Một chục viên ký ninh là khỏi, nhưng phản ứng của thuốc đã làm tôi ói mửa, mờ mắt, chóng mặt mấy ngày liền trước khi hết bệnh.

Vài tuần lễ đầu tinh thần có lúc xuống thấp vì bị bệnh như tôi hay có mấy bạn bị tiêu chảy liên tục. Vài bạn đã xin về lại Hoa Kỳ, hai bạn lớn tuổi cảm thấy học một ngôn ngữ mới quá khó khăn, một bạn trẻ từ Hawaii thấy không hợp với đời sống mới. Hai chữ E.T. (Early Termination) trở thành ngôn từ không đẹp và làm chúng tôi lo lắng vì không biết có vượt qua được khó khăn, thử thách trong giai đoạn huấn luyện hay không.

Học Pháp văn trong lớp với một thầy và chỉ có 2 hay 3 học trò nên phải tập nói liên tục. Tôi gặp trở ngại phát âm lẫn lộn Anh, Pháp và dùng mạo tự “le, la, les” không đúng. Cái nhà là “la maison” mà cứ nói “le maison” thì không ai hiểu tôi muốn nói gì, vì thế văn phòng cho tôi thêm một giờ trong ngày học riêng với một thầy để luyện phát âm và dùng mạo từ.

Có những buổi học chúng tôi được ra ngoài thực tập ở chợ, hàng quán, tiệm sách, được đi thăm giới chức làng xã, xem những sinh hoạt múa ca của dân địa phương.

Cuối tuần không có ăn chung, văn phòng cấp tiền “walk around” cho chúng tôi ra ngoài tìm hàng quán, chọn mua thức ăn để có cơ hội giao tiếp với người dân và hiểu hơn đời sống địa phương. Món fou-fou còn xa lạ nên không thử, nhưng có cơm ăn với sauce gombo, nhớt như canh rau đay mùng tơi, hay gà nấu bơ đậu phộng (peanut butter). Chúng tôi thích nhâm nhi bia BB với gà hay bò nướng than, ngon tuyệt.

Người dân ở đây tính tình vui vẻ, thích nhún nhẩy theo điệu nhạc và rất thân thiện, cởi mở. Riêng với tôi, khi thấy mình thay vì gọi “yovo, yovo” họ lại nói “ni hao, ni hao”. Nếu gặp trẻ nhỏ là các em vung tay lên như múa võ. Thật là ngạc nhiên khi nhận ra nét văn hoá Á Châu mà người dân Togo biết lại là tiếng chào và bài quyền múa võ.

Nhóm tình nguyện viên toán lý hoá, sư phạm và các giảng viên 
trong thời gian huấn luyện ở Atakpamé (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Mỗi ngày, sau giờ học chúng tôi chơi bóng chuyền. Cơm tối xong dành thời giờ ôn bài. Thỉnh thoảng rủ nhau ra bistro uống bia, nghe nhạc.

Đầu tháng 8 về lại Thủ đô Lomé để dạy thực tập trong các lớp do bộ giáo dục tổ chức tại Collège Protestant. Trong bốn tuần, buổi sáng mỗi tình nguyện viên lên lớp dạy một tiết.

Dù mới học tiếng Pháp tôi cũng đã nói được và đủ từ vựng khoa học để thực tập giảng bài. Nội dung vật lý không có gì khó khăn, chỉ cần cố gắng dùng ngôn ngữ mới. Khi vừa đến Mỹ tôi đã làm tutor (dạy kèm) toán mấy năm, đó cũng là cách giúp mình học một ngoại ngữ nhanh, khi mà chuyên môn mình biết rành.

Buổi chiều có giảng viên sư phạm là cựu tình nguyện viên và giới chức giáo dục góp ý giúp cải tiến cách giảng dạy cho từng tình nguyện viên.

Cuối tuần tôi và mấy bạn hay đạp xe vào trung tâm thành phố, đi qua con đường mà hôm mới tới mấy cây phượng đang nở rộ, nay chỉ còn lác đác vài bông hoa đỏ.

Thời gian dạy thực tập, chiều chiều ghé bistro gần trường thấy có sứ quán Trung Quốc trong khu vực. Một hôm đi ngang qua, bên trong có ba bốn nhân viên đang ngồi chồm hổm trên sàn nhà lựa thư. Tìm hiểu quan hệ ngoại giao, ở Lomé có sứ quán Pháp, Mỹ, Đức, Nhật, Liên bang Xô-Viết, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên. Togo là một quốc gia trong khối phi liên kết. Chuyện “ni hao” và múa võ tôi cho là do từ phim ảnh Hồng Kông, không phải ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc ở đây.

Qua đầu tháng 9 chương trình huấn luyện cho các nhóm hoàn tất. Giữa tháng chúng tôi tuyên thệ trở thành tình nguyện viên Peace Corps trong một buổi lễ có sự tham dự của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và đại diện chính quyền Togo.

Khi đặt chân đến Togo ba tháng trước đoàn chúng tôi có 45 người. Lúc tuyên thệ còn 31, nhiều bạn đã bỏ cuộc vì thấy công tác có quá nhiều khó khăn.

Chúng tôi sẽ về phục vụ tại các tỉnh, làng mạc xa xôi từ nam chí bắc đất nước Togo. Chính phủ Togo lo chỗ ở. Chính phủ Hoa Kỳ cung cấp phương tiện di chuyển, có thể là xe máy 100 phân khối, xe Mobylette hay xe đạp tuỳ theo phải di chuyển bao xa từ nhà đến nơi làm việc và mỗi tháng được trợ cấp một số tiền để lo thực phẩm, tiêu vặt, tương đương với lương của người đồng nhiệm địa phương.

Về nơi công tác mỗi tình nguyện viên tự lo liệu, hoà mình vào công việc và đời sống mới với nhiều bỡ ngỡ, nhiều điều để học hỏi.

Nơi xứ lạ, có một điều ngạc nhiên cho tôi là ba tháng trước khi vừa xuống máy bay, ông giám đốc Peace Corps ra đón đoàn, gặp tôi ông cho biết ở đây có người Việt và quán ăn Việt. Ông đã xem hồ sơ lí lịch và biết tôi gốc Việt, nên muốn đem đến cho tôi niềm vui để đỡ nhớ quê hương nguồn cội vì dù gì tôi cũng lớn lên ở Việt Nam và mới sống ở Mỹ có tám năm.

Tôi nghe cũng mừng nhưng không để ý nhiều vì sau bữa cơm Việt ở Philadelphia lòng đã thầm nhủ sẽ không còn thấy nét văn hoá Việt trong hai năm tới, ngoài vài quyển sách, băng cát-sét nhạc Việt tôi mang theo.

Sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện, theo sự giới thiệu của giám đốc Peace Corps, tôi tới chào xã giao ông giám đốc ngân hàng Pháp, có vợ người Việt và được ông mời ghé nhà chơi. Đó là gia đình gốc Việt đầu tiên ở Lomé tôi gặp.

Trước khi về tỉnh nhận nhiệm sở, tôi và vài bạn đồng hành, cũng có Rick và Liz đã cùng tôi ăn tối ở Philadelphia, tìm ăn cơm Việt ở Lomé. Từ thông tin ông giám đốc cho, chúng tôi đến quán 4eme Zone mà tôi gọi là Quán Vùng Bốn, nằm trên Boulevard Circulaire.

Một thiếu nữ Pháp trông dễ thương mang ra tờ thực đơn. Nhìn qua tôi thấy có mấy món nước như phở, bún và nhiều món xào. Tôi thích phở vì giá tương đối rẻ, vừa bụng và lại món quốc hồn quốc tuý. Đồ xào tôi e ngại sẽ pha nấu kiểu Tầu. Mấy bạn hỏi ý kiến, tôi đề nghị phở và mọi người đồng ý.

Cô tiếp viên bưng phở ra, bốn tô phở chỉ thấy bánh trắng điểm mấy lát thịt bò, không hành ngò xanh xanh, không ớt đỏ, không rau thơm, giá sống khi tôi hỏi xin. Phở mà không chút hương vị phở. Phải nói phở ở Togo nhạt nhẽo nhất mà tôi đã được nếm. Hỏi chuyện và được biết chủ nhà hàng người Li-băng, đầu bếp người Togo. Ăn thử một lần cho biết, chắc chắn tôi sẽ không trở lại quán này.

Các tình nguyện viên lần lượt được đưa về nhiệm sở. Tôi phải học thêm Pháp ngữ hai tuần vì thi FSI theo tiêu chuẩn của bộ ngoại giao tôi mới đạt điểm 2+, trong khi cần điểm 3.

Sau đó ông giám đốc đưa về thị xã Notsé nhận công tác. Bên đường Route d’Atakpamé mấy cây phượng không còn hoa đỏ như lúc tôi mới đến mà giờ đang xanh lá xum xuê, dấu hiệu hè đã qua để vào niên học mới.

Tôi đã trải qua một mùa hè cam go, thử thách lẫn nhiều điều thích thú nơi miền đất mới. Ngày mai tôi sẽ là thầy dạy lý hoá, cầm phấn, đứng trước bảng đen giảng bài cho học trò nơi xứ lạ.


Bùi Văn Phú