Gã đứng nhìn về phía trước. Cái nhìn tự tin nhưng không biểu lộ đang nhìn vào cái gì cả. Tôi tin như thế vì ở đầu này sân tập, bước đều trên máy với tốc độ được lập trình sẵn diễn ra suốt ba mươi phút mỗi ngày, mắt tôi luôn nhìn phía trước. Tôi nhìn gã trắc diện và mọi động tác tập thể dục của gã không ra ngoài tầm nhìn của tôi. Không hiểu tại sao mỗi khi nhìn thấy gã, tôi cho rằng mình đang nhìn một thế kỷ đi qua? Thật lạ lùng và vô nghĩa! Làm thế nào một gã đàn ông khoảng năm mươi lăm tuổi tập thể dục lại có thể đại biểu cho một thế kỷ đang chuyển động cho được? Tôi có bất bình thường trong suy nghĩ hay chính tôi cũng là một gã điên rồ, và ngu ngốc nếu cố bày tỏ sự suy nghĩ bất chợt của mình cho người khác hiểu?
Thực ra tôi đang chiêm ngưỡng những thành quả của thế kỷ. Willy đứng cách tôi sáu mươi feet đang làm những động tác nóng người thường ngày, trước khi kéo hai quả tạ bằng hai sợi dây lò xo. Trên tầm nhìn đến Willy phía bên phải, một người con gái chừng hai mươi tuổi, đang từng bước tập động tác chân để tiêu mỡ hông qua dụng cụ leo cầu thang. Cô ta cứ dăm bước lại thay phiên đưa chân lên cao. Cô nói chuyện qua cell phone, một tai đang nghe nhạc qua iPod đeo trên cánh tay phải. Mắt cô gái chăm chú đọc một quyển sách đang cầm trên tay trái mà tôi nghĩ phải là bài học ở trường. Cô ta là biểu tượng của thế kỷ. Cô đang diễn tả chức năng multitasking của máy tính. Multitasking là chức năng đặc thù của nhu liệu Windows và Windows mở ra những cánh cửa biểu hiện khát vọng con người. Bill Gates sáng tạo nhu liệu Windows, trở thành tỉ phú sau khi cấu tạo được bộ óc con người bằng máy và mở đầu cho kỷ nguyên người máy.
Cô gái bên phải tôi tên Jenny là biểu tượng của một PC, và Windows đang mở cửa ra để làm nhiều việc cùng một lúc. Ngay lúc này Jenny làm bốn công việc khác nhau: trả lời phone, học bài, nghe nhạc và tập thể dục. Thế kỷ trước, lúc tôi bằng tuổi cô ta, cha mẹ, anh chị em, bạn bè tôi chưa có người nào làm được công việc mà Jenny đang làm.
Bên trái Jenny là một người đàn ông mập. Người này là nhân viên của phòng tập thể dục. Nhìn phía sau lưng ông ta trên bộ đồng phục, sẽ thấy hàng chữ in màu trắng trên nền đỏ: “Chúng tôi là lực sĩ”. Nếu đó là một định nghĩa để miêu tả nhân viên phòng tập thể dục thì thật đáng thất vọng! Điểm này có thể trái ngược với tinh thần quảng cáo sản phẩm, vì nếu ông ta là lực sĩ, tất nhiên không ai đến phòng tập này. Ông ấy mập đến độ cái bụng phía trước thiếu điều rơi xuống đất. Ông cũng là biểu tượng của thế kỷ. Thế kỷ của quảng cáo! Quảng cáo cố làm cho người ta thích, đôi khi say mê nhưng chưa chắc là thực. Người ta ai cũng có thể thích qua cảm tính, qua bản năng, nhưng từ một ước muốn đến hiện thực dù không xa, chưa có gì chắc chắn là thật như gã đàn ông trước mặt. Tôi nhớ câu “chiếc áo không làm nên thầy tu” và trường hợp này không sai. Không có loại lực sĩ nào mà thân thể đầy mỡ như gã. Thế nhưng gã vẫn lượn lên lượn xuống phòng tập. Đi lòng vòng giữa đám người đổ mồ hôi làm công việc tiêu bớt năng lượng dư thừa của mình trên hằng trăm cái máy tập thể dục.
Không buồn nhìn gã nhân viên ấy nữa, tôi nhìn xuống cái đồng hồ đo trước mặt xem hôm nay mình đã đốt hết bao nhiêu năng lượng, chạy được bao xa và trung bình bao nhiêu vòng đạp một phút? Ngẩng đầu lên, tôi lại thấy cái nhìn không nhìn của Willy cùng cái cười không cười của anh ta. Thật lạ lùng, và bên phải tôi Jenny tiếp tục multitasking.
Tôi chạy tiếp thêm năm phút, đo nhịp tim để tự củng cố niềm tin rằng “tập thể dục đều đặn rất tốt cho lứa tuổi sau năm mươi” mà đôi khi trong đầu cứ lởn vởn câu “mê tín dị đoan”. Mỗi lần nghĩ đến văn minh nhân loại, tôi nhớ đến cái vòng tròn rồi cho rằng càng văn minh, con người càng trở về tinh thần bộ lạc của thời xa xưa. Tôi bướng bỉnh phán đoán đấy là tuyệt vọng chứ không hề hy vọng, bởi con người đang tranh thủ cuộc đời này một cách tiêu cực. Một phát minh ra đời với lý do nếu không có nó, con người sẽ lâm vào cảnh hiểm nghèo hơn như những cái máy chung quanh tôi. Con người sẽ nguy vì mập, mà mập là đầu mối của bao căn bệnh chết người. Con người ngày hôm nay say mê, thờ phụng sản phẩm và tin vào sản phẩm bằng niềm tin bộ lạc, để rồi sản phẩm trở thành thần thánh cứu chuộc con người. Tôi cho hai cái earphones vào tai rồi mở iPod. Nhạc êm dịu dễ chịu với một chút thoải mái khiến thân thể như nhẹ hơn, và tôi bắt đầu chạy trên mười đầu ngón chân. Cách này, theo võ thuật đông phương là đề khí, làm nhẹ trọng lượng thân thể, không gây tiếng động. Khác với gã thanh niên bên cạnh, đang chạy mà như mang cả toa xe lửa gầm thét chạy theo sau! Chạy kiểu này mệt hơn bình thường, nhưng tôi tin rằng ngườicó sức khỏe khá mới thực hiện được.
Tôi ngừng chạy và chiếc máy ngoan ngoãn dừng lại. Tôi chạy đến đâu nhỉ? Bắt đầu chạy cuối thế kỷ và dừng lại đã đầu một thế kỷ khác? Willy cười. Lại cười trong những động tác thể dục nặng nhọc thế này! Thật là một gã lạc quan lạc loài. Tôi đến gần, gã nhìn tôi nhưng vẫn tiếp tục cười và nâng tạ. Tôi nhìn vầng trán cao, mái tóc bạc hất ra sau. Toàn khuôn mặt đầy nếp nhăn nhưng Willy trông khỏe, không mập như đa số những gã Mỹ lớn tuổi khác trong phòng tập. Tôi chào. Willy đứng dậy:
“Mày khỏe không?”
“Cám ơn, tao được được. Nếu ngon lành, tao đã không vào đây!”
Willy cười. Chúng tôi quen nhau. Gã biểu lộ sự thích thú trên mặt khi biết tôi là người Việt Nam. Will nói như gào trong cái ồn ào của những chiếc máy tập thể dục đang vận hành tối đa công suất:
“Tao là cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam đây!”
“Ồ! Thật hả?!”
Tôi cũng gào lên trả lời. Willy móc trong túi cá nhân một chiếc nón vải xanh dương, trên có thêu chữ Đà Nẵng màu vàng. Hắn chỉ cho tôi hai chữ này rồi nói:
“Hồi xưa đơn vị tao đóng ở đây. Rất nhiều cô gái Việt Nam thích tao!”
“Tao thấy Tom Selleck cũng có cái mũ có chữ Đà Nẵng, không biết có phải cựu chiến binh như mày hay không?”
Willy cười cười lắc đầu, đôi mắt như mơ màng rồi nói “Ôi con gái Việt Nam! Tuyệt vời!” Tôi cười, gã nói không sai. Lịch sử cũng hay nhắc đến lính viễn chinh và các cô gái địa phương. Willy móc chai nước trong túi ra uống một hơi dài. Lấy tay chùi những giọt nước trên bộ râu hai phần ba bạc trắng, Willy nói vào tai tôi. “Mày có thường đến đây không?” Tôi gật đầu. “Mày còn đi làm hay không?” Tôi lại gật đầu. “Mày có tham dự cuộc chiến tranh?” Tôi gật đầu và nói vào tai Willy:
“Tao là sĩ quan quân báo.”
Một người đàn bà Mỹ to béo đến gần Willy. Gã nói, “Bồ tao!” Tôi đưa tay chào hai người nói, “Hẹn mày dịp khác” rồi ra sau đi tắm. Chiếc máy của tôi đã có một cô gái Mỹ to mập khác đang chạy. Tôi nhìn chung quanh mọi người đều chạy và mọi người đều mập. Tôi nghĩ đến những con bọ mập trên guồng quay. Tôi cũng là con bọ mập ấy. Bụng tôi to thêm làm chiếc quần chật và khó thở khi cúi xuống cột dây giày. Tôi thở dài và hòa mình vào đám mập trần truồng đi tắm.
Ra bãi đậu xe, Willy và cô bồ đứng nói chuyện đằng xa thấy tôi, gã cười và ra dấu chào. Tôi chào lại rồi lên xe. Nắng gắt, trong xe oi bức, tôi mở máy lạnh và mở nhạc. Một bản soft rock dễ chịu. Tôi ngửa lưng lái xe ra khỏi bãi đậu trở về nhà. Buổi trưa thứ bảy, bầu trời tháng tám cao, xanh ngắt không một gợn mây nhỏ. Xe chạy nối đuôi nhau. Bản nhạc chấm dứt. Chương trình luật pháp. Một cô gái gọi vào hỏi thủ tục ly dị. Hai phút sau một cô gái khác, rồi mụ đàn bà khác hỏi làm thế nào để đuổi chồng ra khỏi nhà mau nhất. Mụ đàn bà vừa hỏi vừa thở hào hển và cô phát ngôn cáu gắt:
“Chồng mày nói gì?”
“Nó chửi tao là con chó cái!”
“Như thế chưa đủ ly dị đâu!”
“Nhưng tao không muốn sống với nó nữa.”
Tôi nói nho nhỏ sau khi mở sang một đài FM khác, “Nghe mày nói thực tao muốn ly dị!” Nói xong, tôi cười một mình, nhớ đến Willy và Đà Nẵng. Tôi tự nhủ, ngày mai nói chuyện với hắn nhiều hơn về một nơi chốn xa xăm hay về trong cơn mơ. Đài FM 103.5 đang hát một bản nhạc nổi tiếng của Backstreet Boys. Khi nghe đến câu It’s hard to see in a crimson love… Tôi nhớ màu hoa phượng và buồn lạ lùng.
Hôm qua có người con gái nói với tôi:
“Tôi chọn nơi này làm quê hương.” Tôi hỏi:
“Thế nơi sinh đẻ của cô thế nào?” Cô ta trả lời quyết liệt:
“Nơi đó không phải là quê hương của tôi.”
“Tại sao?” Cô ta dứt khoát:
“Nơi đó không văn minh. Tôi chọn nơi văn minh làm quê hương của mình.”
Vẻ mặt cô kiêu hãnh. Tôi nói:
“Cô anh dũng hơn những người da đen.”
“Tại sao?”
“Vì hơn trăm năm sau người da đen mới chịu nhận nơi này làm quê hương, trong khi cô mới đến đây chưa được ba thập niên, cô đã quên nơi cô sinh ra.”
Cô ta là kỹ sư tốt nghiệp đại học tại Mỹ. Tôi suy nghĩ, không biết đại học Mỹ nào đào tạo cô và đời sống ở đây làm cho cô trả lời như thế, hay bản thân cô trả lời như một phẫn nộ với bóng tối quá khứ? Tôi đi ra cửa sổ nhìn dãy núi xa xa. Mây mùa thu xây thành trên đỉnh núi giống như quê hương miền Trung của tôi. Hồn tôi cứ lạc loài trôi nổi trên không gian vô định này, trong khi thân xác lại chạy lòng vòng trên guồng quay! Tôi nghe tận đáy lòng hỏi, “Sao quê hương ruồng bỏ tôi như thế?!”
Chiều xuống từ sân sau. Bóng nắng vàng nhạt nhòa trên tàn hoa giấy đỏ. Tiếng lá rơi mà tôi nghe chừng như tiếng mưa rơi. Trước khi ra sân ngồi, tôi bỏ một đĩa hát và nghe vọng ra một phần nhạc ngày còn bé từng hợp ca tại một trường trung học cao nguyên. Âm thanh bi tráng. Trường ca một dân tộc vọng lại trong một linh hồn đang vất vưởng lang thang đâu đó trên quả địa cầu! Tổ tiên tôi từ Ải Nam Quan đi đến Mũi Cà Mau. Còn tôi, từ Cà Mau vượt biển ra đi. Tôi đi như trốn chạy dân tộc mình, cho đến khi nhận ra quê hương ruồng bỏ thì tóc đã bạc trắng. Và trong cái vòng tròn thời gian, không gian vô giới hạn, tôi là con bọ mập già đã chạy lòng vòng trong guồng quay đến hai thế kỷ!
*
Từ xa, Willy đưa tay lên làm dấu uống rượu với tôi. Tôi gật đầu, nhìn đồng hồ trên máy. Còn hơn mười phút. Tôi mở iPod. Một bản nhạc dành cho kẻ lưu đày Nostalgia, buồn ngất ngây vì tiếng kèn kéo dài áo não. Tôi nhìn đằng trước. Vẫn những cô Jenny và những gã Willy đang cố làm cho thế kỷ này nhẹ bớt những tảng mỡ dư thừa trên thân thể họ. Đôi mắt tôi di chuyển trên một vòng cung 180 độ. Đi từ quang cảnh này đến động tác kia, trồi sụt, lên xuống, đôi khi không ăn nhập với nhau như một quang cảnh trong tranh siêu thực. Mồ hôi ướt một khoảng lưng và ngực. Tôi thở phào khi thấy chiếc máy chậm dần rồi dừng lại. Sờ bụng, tôi cảm giác nó nhỏ lại và săn chắc hơn. Willy đến gần nói, “Tắm xong đi bar?” Tôi gật đầu và đi về phía nhà tắm. Tôi để ý Willy thường ra dấu cụng ly với bạn bè trong câu lạc bộ thể dục. “Gã này nghiện rượu.” Tôi nghĩ như vậy.
Ra khỏi câu lạc bộ thể dục, Willy và một gã Mỹ cỡ tuổi hắn, thân thể gầy ốm một cách đáng khâm phục nếu thật sự hắn không mang bệnh nan y nào, đang chờ tôi ngoài bãi đậu xe. Tôi biết được Nick qua Willy giới thiệu. Chúng tôi đi chung xe, Willy lái về hướng Anaheim. Nick không phải cựu chiến binh như tôi tưởng. Hắn là thầy giáo đang dạy trung học, bộ môn English. Nick đầu tóc dài hoa râm, râu quai nón cũng bạc màu trên đôi má hõm như thiếu ăn, đôi mắt sâu mỏi mệt như mất ngủ kinh niên, nhưng toàn khuôn mặt phảng phất nét nghệ sĩ. “Chúng ta đi uống rượu, ngắm ngực đàn bà.” Tôi cười nghe Willy nói và hỏi thêm sở thích tôi là gì:
“Tao thích uống rượu, hút xì gà và nghe nhạc.”
“Vợ mày đâu?”
“Tao sống độc thân.” Nick thì thầm vào tai tôi:
“Tao cũng vậy, mày có thích văn chương không?” Tôi gật đầu nói:
“Thích, nhưng tao vẽ tranh.”
Nick và Willy gật gù. Tôi hỏi:
“Mày dạy English chắc thích văn chương. Mày có sáng tác gì không?”
“Tao thủ dâm mà!”
Nick tỉnh bơ trả lời, Willy phá lên cười khi thấy tôi há hốc kinh ngạc.
“Nó nói làm thơ đấy. Làm thơ với nó là thủ dâm.”
Tôi ngơ ngác. Willy lại cười, trong khi Nick nói như giải thích:
“Khi làm thơ tao thích thú, khoái lạc. Không phải thủ dâm là gì. Mày có hiểu không?”
“Hơi hiểu hiểu! Mày có thể nói thêm chút nữa đi.”
“Tao không cần ai hiểu thơ tao nó ra làm sao, nhưng tao khoái lạc là đủ. Nếu có kẻ nào đó thích thú thơ tao, có lẽ nó là người chia sẻ được cảm giác thủ dâm của người khác vậy!”
Tôi gật đầu đồng tình rồi nói:
“Bây giờ tao hiểu và thích cách giải thích của mày. Tao chắc mày làm thơ hậu hiện đại?”
“Có thể như vậy. Hay giống như vậy vì tao chưa bao giờ nắm được định nghĩa thực sự của nó.”
Nick tự hào trả lời và tròn mắt khi nghe tôi nói:
“Tao có đám bạn làm chủ một câu lạc bộ thơ hậu hiện đại. Hôm nào tao đưa mày đến đó để gia nhập vào hội các thi sĩ hậu hiện đại, lúc ấy mày thủ dâm thoải mái.”
Gã Nick cười, đầu gục gặc như một con dế nhủi và tôi nói với hắn:
“Mày hậu hiện đại đến từng cử chỉ, lời nói!” Gã hỏi tôi:
“Mày thích nhạc gì nào?”
“Jazz.”
“Mày thích khi nào?”
“Lúc tao mới đến Mỹ.”
“Lý do mày thích nhạc Jazz?”
“Dù nhiều người thích Jazz, nhưng với tao, mỗi khi nghe Jazz tao lại thấy mình trôi nổi trên một không gian riêng lẻ và gặp lại ký ức đã mất từ ba thập niên trước. Tao cũng thực sự khoái lạc khi nghe nhạc Jazz!”
Nick gật gù và ra dấu bước ra khỏi xe. Chiếc Mustang Cobra cổ lỗ sĩ của Willy đậu trước một cái hộp màu đỏ sậm như máu khô. Kín mít. Trên cửa ra vào đóng im ỉm in đôi môi tím, phía dưới một tấm bảng ghi, “Chỉ cho phép trên 21 tuổi vào quán.” Sân đậu xe trống trải, có lẽ quán vắng khách vì còn sớm. Từ sân đậu xe đến đường, một khoảng không gian mênh mông và tôi thấy mình như đang lềnh bềnh trong đó.
Willy lục trong xe lấy một gói thuốc lá Winston và rút một điếu hút. Gã đưa cho tôi, tôi lắc đầu. Nick đốt một điếu và chúng tôi đứng trước cái hộp đỏ bầm ấy nhìn trời đất. Trời về chiều như mát hơn, dòng xe cộ vẫn nối đuôi nhau trên một con đường dài không thấy đầu lẫn đuôi. Chúng tôi đang đứng đoạn giữa của con đường. Tôi biết con đường này đi ra biển. Có thể nó bắt đầu từ núi phía sau lưng tôi và chấm dứt ở biển đằng trước mặt. Trên con đường này, người ta ra đi rồi trở về. Riêng tôi, tuy có nơi ra đi nhưng không nơi trở về. Càng đi càng thấy mình lặng lẽ hơn trong cái ồn ào chung quanh. Lặng lẽ đến độ đáng sợ. Willy dụi điếu thuốc vào gốc cọ và chúng tôi vào quán.
Đi trên một hành lang tù mù, chúng tôi đến một khoảng sáng là một căn phòng khá rộng. Bên trái là quầy rượu dài có hai cô gái cùng một gã thanh niên đang ngồi ở cuối quầy nói chuyện. Không ai khác, quán yên tĩnh và lập tức ồn ào khi Willy chồm người qua quầy chào hỏi rôm rả với cô gái cao lớn tóc nâu mặt áo trễ ngực. Hình như họ quen nhau từ trước. Nick và tôi ngồi ở đầu quầy. Cô gái thứ hai tóc vàng mang hai cái ly đặt trước mặt rồi chào hỏi chúng tôi. Nick và tôi gọi hai chai bia. Trên kệ cao sau quầy bày rất nhiều loại rượu. Ngoài rượu mạnh whisky còn có rượu mùi Pernod, rượu pha cocktail và một dãy rượu Gin, Vodka trắng. Nick chỉ cái sàn vuông nhẵn bóng phía sau hỏi, “Sao không thấy các em?” Cô gái trả lời:
“Sáu giờ chiều họ mới đến làm việc.”
Chung quanh sàn nhảy sắp nhiều ghế rải rác. Ở giữa sàn có viết chữ topless thật to màu trắng. Nhớ lại Willy nói uống rượu ngắm đám con gái để ngực trần ở đây. Rót bia vào ly, tôi cụng với Nick. Uống một hơi như giải tỏa cái nóng mang từ bên ngoài còn sót lại trên thân thể. Tôi hỏi tên cô gái đứng trong quầy. Cô gái trả lời, “Donna!” Tôi giới thiệu tên tôi rồi chồm qua quầy bắt tay cô gái nói, “Tên cô hay lắm!” Tôi nói như thói quen, nhưng khi buột ra khỏi miệng, tôi mới nhớ đến bản nhạc ngày xưa tôi và bạn bè thường hát lúc còn học đại học. Trong tôi, hình ảnh ký ức thường được mang trở lại như để xác định qui chế hiện tại của bản thân, một con người đánh mất phần đời vì cơn sóng cuồng bạo lịch sử. Thân xác còn đó nhưng như cái cây vật vờ trôi nổi trên dòng thời gian, bởi không chỗ bám víu để có thể sản sinh một niềm tin. Tôi hỏi Nick, “Mày uống rượu không? Tao gọi một shot Tequila.” Nick gật đầu bảo “Tao ra ngoài mua xì gà”, rồi biến mất trong hành lang tù mù phía sau. Tôi nói thì thầm “Mày thật điệu nghệ!”
Donna mở nhạc. Một bản blues miền Nam buồn kể lể. Willy đến bên tôi ngồi hỏi, “Nick đâu?” Tôi nói đi mua xì gà. Hắn gọi một shot Jameson, làm một hơi cạn. Rồi ra dấu một shot nữa. Willy bắt đầu kể với tôi về những ngày ở Đà Nẵng, “Lúc bấy giờ tao chỉ biết làm cách nào để khỏi chết. Nón sắt người chết nhiều đến độ đổ cát vào có thể xây thành lô cốt. Đơn vị tao đóng ở Khe Sanh, suốt ngày trong hầm nghe đạn pháo của địch và ta. Thế nên khi được phép cuối tuần, Đà Nẵng là thiên đường. Những cô gái tóc dài nhỏ nhắn yêu kiều. Những con đường vắng xe, không thấy bóng chiến tranh. Tao yêu và làm tình vội vã với những cô gái Việt Nam bán bar, như là nỗi khao khát bình an trong cái bất trắc luôn đe dọa tính mạng mình.” Willy nói trong khi mắt nhắm lại như hồi tưởng cảm giác cũ. Tôi uống nửa ly rượu. Tequila nhạt hơn rượu nếp Hóc Môn, Bà Điểm. Tôi như nhớ lại vị ngọt ở cổ, thứ nước cay nồng đậm đà quyến rũ mà tôi đã ngồi uống trong chiếc sân đầy những chậu mai chiếu thủy, chung quanh vườn là những thân cau cao ốm vươn lên bầu trời xanh tháng chạp. Những ly rượu chiều xuân của thế kỷ trước trên quê hương tôi!
Willy uống cạn ly Whisky thứ ba. Như đã cơn khát rượu, hắn từ tốn hỏi, “Mày có ở Đà Nẵng không?” Tôi lắc đầu, “Nhưng tao có người yêu ở đó.” Tôi vừa trả lời vừa nhớ đến tên người con gái gầy ốm có đôi mắt buồn áo não, đứng dưới tàn dương xanh gần khu phố cổ Hội An, đầu tháng hai năm 1975. Willy hỏi:
“Cô ta bây giờ thế nào?”
“Đã chết trong chiến tranh!”
Tôi trả lời rồi hỏi thêm:
“Trong suốt thời gian ở Việt Nam, mày có bị thương lần nào không?”
“Chỉ một lần nhưng suýt chết. Mày thấy tao hay cười chứ?”
Tôi gật đầu tò mò hỏi:
“Tại sao?”
Willy kéo ghế đến gần thì Nick trở lại, đưa cho chúng tôi mỗi người một điếu xì gà Trung Mỹ. Chúng tôi đốt thuốc trong khi cô gái cao lớn tóc nâu đi mở máy hút khói. Willy vạch sau ót cho tôi thấy vệt sẹo cắt mỏng, dài sau mang tai kéo đến hai phần ba phía sau đầu. Hắn nói:
“Tao bị một mảnh 130 ly của Việt cộng. Nó cắt gân hàm phía mặt. Bác sĩ nối lại rồi, nhưng làm như chiều dài không đủ, nên cử động cơ hàm miệng không còn bình thường như trước.”
Willy ngừng nói, uống một hơi cạn ly rượu, rít một hơi xì gà, nhả khói lên trần rồi tiếp:
“Mày biết không, bây giờ khi tao nói, cái gân ấy cứ kéo miệng tao nhếch lên như đang cười. Ngay cả tao khóc hay đau khổ gì gì đi nữa!”
Nick và tôi đều cười trong khi Willy cũng cười, nhưng theo ánh mắt, tôi nghĩ Willy đang nhăn nhó. Tôi nói:
“Như thế cũng tốt, vì ai cũng thiện cảm với mày. Con người ta thường được khuyên làm gì cũng bắt đầu bằng nụ cười kia mà.”
Tôi vừa nói vừa nhớ lại những lần nâng kéo tạ ở câu lạc bộ thể dục. Khi kéo và nâng tạ, hầu như ai cũng nhăn mặt trừ Willy. Nick ngẩng đầu nhả khói xì gà lên trần, hỏi tôi sau khi Willy đi vào nhà vệ sinh:
“Mày vẽ tranh loại gì?”
“Tao vẽ ấn tượng.”
“À, sao mày không vẽ hậu hiện đại?!”
“Nếu vẽ hậu hiện đại có nghĩa tao thủ dâm như mày à!”
Tôi cười và nói tiếp:
“Tao từng vẽ tranh siêu thực, nhưng càng vẽ càng thấy cô đơn!”
“Có cô đơn mới sáng tác được chứ.”
Nick nói. Tôi trả lời:
“Có lẽ là cô lập đúng hơn. Đầu óc tao thích hợp với hiện thực cụ thể. Thế nên, dù có muốn cách mạng, tao cũng phải từ cái trước mặt mà bắt đầu. Tao có thể vẽ từ cảm hứng của một giấc mơ, dẫu nó là ác mộng đi nữa, cái ám ảnh ấy cũng có hình thù nhất định.”
Nick lắc đầu:
“Tao không đồng ý. Nghệ thuật là biểu lộ. Tao thích biểu lộ cái mà chưa ai thấy hoặc biết. Paul Klee nói, nghệ thuật không tái tạo cái đã thấy mà làm thấy cái chưa thấy[1]. Mày xem tranh ông ta chưa?”
Tôi hiểu Nick, tôi không thiếu bạn bè văn nghệ kiểu hắn. Nhìn thẳng vào đôi mắt sâu xanh thẫm mỏi mệt của Nick, tôi nói:
“Tao đã xem tranh P. Klee, nhưng tranh ông ta không phải hậu hiện đại, còn riêng tao, chỉ thích biểu lộ hay tái tạo sự vật, nhưng sự vật này không vô nghĩa.”
Nick lắc đầu, thiết tha nói:
“Mày không có tự do. Mày có hiểu nghệ thuật là tự do hay không?”
Tôi gật đầu trả lời:
“Tao luôn quan niệm nghệ thuật bắt đầu bằng khát vọng. Nếu là khát vọng, nó có tự do hay không? Một khi nghệ thuật không phải là khát vọng mà là tham vọng, hẳn nhiên nó không có tự do. Không thể có khát vọng hư vô được, bởi trong khát vọng có hy vọng. Thế nên, mày cứ thỏa mãn cho chính mình mãi. Sáng tạo tự nó mang tính bệnh lý!”
Nick chăm chú nghe tôi nói. Sau khi tôi nói xong, hắn nhẹ nhàng bảo:
“Mày nói hơi giống những nhà đạo đức xã hội.”
Tôi cười buồn, trong thâm tâm như thấy lại cả quá trình cuộc đời mình, rồi tự nhủ, “Ai thấm thía ý nghĩa tự do bằng dân tộc tôi!” Từ một cậu bé trong một làng quê êm đềm đẹp như tranh vẽ, cho đến những năm tháng chiến tranh đổ lửa xuống dải đất miền Trung yêu dấu, tôi nhìn quen những điều vốn trừu tượng, biểu hiện bằng sự cụ thể phũ phàng trước mắt hoặc ngược lại. Bấy giờ đừng nói lựa chọn, mà chỉ biết chấp nhận. Từ cuộc sống êm đềm hạnh phúc kia cho đến chia lìa đau khổ, đôi khi chỉ bằng một quả bom, một trái lựu đạn, hay một viên đạn nhỏ bé vô tình.
Nghệ thuật hình thành trong tôi mang dần ý nghĩa cứu chuộc. Thế nên, sáng tác dưới bất kỳ khía cạnh nào đều mang ý nghĩa nhân bản. Dẫu biểu hiện nỗi chia lìa trong tình yêu, sự khốn cùng của đất nước, hay hoàn cảnh bất hạnh của con người, nghệ thuật bấy giờ cũng nói lên khát vọng được hàn gắn, xây đắp, và an ủi bằng nỗi niềm trắc ẩn con người. Viết, vẽ về quê hương, là luôn nói đến cái mà quê hương vốn có nhưng đang mất, hay đang tan rã dần, trước tham vọng của chính con người hay hư vô chủ nghĩa. Làm nghệ thuật là đấu tranh, dù có thể đấu tranh với chính mình. Thế nên, dẫu biểu hiện sự bất lực, nó cũng mang một ý nghĩa nào đó. Thế nó có tự do không? Còn thứ tự do theo kiểu Nick thì quá xa xỉ với dân tộc tôi. Tôi nói với Nick:
“Tao có tự do khi chọn lựa cho mình phương thức sáng tác. Nhìn tác phẩm nghệ thuật, người thưởng ngoạn sẽ biết tác phẩm ấy có tự do hay không!”
“Tao hiểu và mong được xem tranh của mày.”
Cuối quầy, Willy đang nói chuyện hăng say với đám khách mới vào. Nick hất hàm về phía Willy nói, “Mày có biết nó là chủ tịch hội cựu chiến binh của thành phố Cypress, và tao là người vận động gây quỹ cho hội ở các đại học cộng đồng. Thỉnh thoảng tao tổ chức nói chuyện văn nghệ với sinh viên để vận động tiền bạc cho các sinh hoạt nghệ thuật thành phố. Nếu cần, tao có thể giúp mở các cuộc triển lãm tranh hay nhiếp ảnh nghệ thuật.”
Tôi nói, “Chúc mừng mày, Nick” rồi gọi thêm rượu. Ly thứ ba làm tôi ngất ngây. Tiếng kèn saxo bất ngờ trổi lên khiến tôi giật mình. Một gã da đen đang ngồi ngất ngưởng trên chiếc ghế cao giữa sàn thổi kèn. Tôi hỏi Willy khi Nick gọi hắn đến ngồi với chúng tôi. Willy nói, “Eric biểu diễn đêm nay với hai cô partners ngực trần.” Cái quầy rượu dài lúc này đã khá đông người. Một số người mang rượu đến ngồi gần sàn biểu diễn uống và nói chuyện rỉ rả.
Khi cô gái đầu tiên ra sàn biểu diễn đã bảy giờ tối. Sinh hoạt cái bar này có vẻ gia đình. Không hối hả hoặc ồn ào như những bar mà tôi đã có dịp đến uống rượu. Dường như chỉ có ba chúng tôi nói chuyện, còn lại tưởng chừng ai nấy đều im lặng, chậm rãi thưởng thức cuộc vui.
Mọi người chăm chú nhìn cô gái tóc nâu váy ngắn, ngực trần, uốn éo thân trên theo tiếng kèn thê thiết của gã da đen. Cô gái hơi lớn tuổi, ngực to như hai quả dưa hấu ngày Tết. Tôi nói với Nick, hắn cười, “Đàn bà Mỹ thích bơm vú và mông, vì đàn ông Mỹ ngoài hamburger ra, chỉ ưa hai thứ ấy.” Tôi nhìn chung quanh sàn biểu diễn, dưới ánh sáng nhấp nháy xanh đỏ của hộp đèn xoay tròn trên cao, mọi người chăm chú vào cô gái ngực trần giữa sàn.
Tiếng kèn chậm dần như kể lể, rồi vút cao và hạ dần xuống khàn đục. Cô gái ngồi trên sàn ưỡn bờ ngực cao theo âm thanh. Cô đứng dậy, lắc nhanh cặp vú khổng lồ, chậm lại, người xoay tròn, đi vòng đến trước gã da đen đang gò mình thổi những nốt nhạc cuối cùng. Âm thanh tắt hẳn. Im lặng. Một vài tiếng vỗ tay rời rạc sau khi đèn bật sáng. Rất nhiều tiền tip trên mặt sàn. Mọi người nâng ly rượu bia của mình lên uống, như vừa được ăn một món ăn ngon. Vẻ mặt ai cũng bằng lòng thỏa mãn.
Tôi đứng lên, nói vào tai Willy, “Tao mệt, muốn về sớm.” Hắn cười nhưng tôi biết hắn nhăn mặt. “Thêm nửa giờ nữa đi, Dina chưa ra biểu diễn. Mày phải biết, rất xuất sắc.” Tôi gật đầu, rồi đi vào toilet. Nước mát lạnh làm tôi dễ chịu hơn, nhưng cổ khản đặc vì lâu không hút thuốc lá. Điếu xì gà Cuba chỉ hút một phần ba, nhưng hình như làm tôi uống rượu mau say hơn.
Uống ngụm nước lạnh xong, tôi ra quầy ngồi để tìm chỗ tựa. Nick ngồi đó một mình, làm như không thích thú gì cuộc vui trước mắt. Mắt hắn nhìn xa vắng. Tôi hỏi, “Mày chưa hề lập gia đình?” “Không, ba lần rồi, nhưng ly dị. May mắn không có con.” Nick nói, đôi mắt không rời sàn nhảy, nơi cô gái thứ hai đang uốn lượn trên sàn như con rắn. Trong ánh đèn nhiều màu chớp tắt, đôi vú cô gái như hai quả bóng trắng, nhảy múa lên xuống qua lại, theo tiếng kèn ma quái của gã nhạc công da đen. Nick hỏi vào tai tôi, “Mày cũng li dị?”
“Không. Vợ tao chết vì bệnh.”
Tôi trả lời và nói thêm:
“Tao có đứa con gái, đang học đại học.”
Nick nói lời chia buồn. Thấy nhiều người đang ngồi trên quầy di chuyển về phía sàn biểu diễn, tôi hỏi Nick, “Gì thế?” “Dina đang chuẩn bị những pha đặc biệt. Mày có thích đến gần xem không?” Tôi lắc đầu, “Tao muốn yên tĩnh. Mày và Willy thường đến đây phải không?” Nick và tôi xoay lưng lại sàn nhảy nói chuyện. Nick bảo:
“Willy thường đến hơn, tao chỉ thích chơi nhạc và làm thơ.”
Tôi ngạc nhiên:
“Mày chơi nhạc cụ gì? Tài tử hay chuyên nghiệp?”
Nick đưa tay chỉ ra phía sau:
“Ba năm trước, tao từng đứng ở chỗ Eric chơi kèn Saxo và Dina biểu diễn.”
“À! Thế ra mày quen với Dina từ trước.”
“Dina là vợ thứ ba của tao. “
Nick bình thản trả lời rồi nói thêm:
“Dina không bình thường đâu, cô ta là lesbian.”
Hình như câu nói cũng hàm ý nguyên nhân ly dị của Nick. Tôi lắc đầu vì cái vòng lẩn quẩn của một chiếc khung, và người ta thay phiên làm trò. Tôi hỏi Nick:
“Mày có thường đến câu lạc bộ thể dục không?”
“Thỉnh thoảng. Tao không thích thể dục, thể dục không có tự do. Nếu cần rèn luyện thân thể, mỗi trưa sau giờ dạy, tao ra sân đánh tennis hoặc basketball.”
Nick chậm rãi nói, và móc trong túi quần jeans một cái business card nhàu nát đưa cho tôi:
“Số điện thoại của tao, hôm nào rảnh, mày đưa tao đến câu lạc bộ những người làm thơ hậu hiện đại chơi.”
Khi chúng tôi ra về lúc mười giờ, quán bar vẫn còn đông khách. Nick bảo quán mở cửa đến nửa đêm và có nhiều đợt biểu diễn. Lái xe ra khỏi bãi đậu, Willy hỏi tôi có thấy vui không? Tôi trả lời, “Vui nhưng không bằng thời trẻ tuổi.” Nick nói:
“Mày hay nhớ dĩ vãng. Tao thì không bao giờ. Nếu cứ nhớ chuyện cũ, tao chết mất, vì có nhiều chuyện khi nghĩ đến thì có ngay câu hỏi, ‘Sao mình còn sống đến ngày hôm nay được nhỉ?’”
Willy la lên, “Tao đồng ý Nick. Đám cựu chiến binh tụi tao, thằng nào hay nhớ đến chuyện cũ đều chết cả, không chết thì cũng dở khùng dở điên. Hãy thoải mái sống, tao bây giờ thất nghiệp, chỉ đến trường học thêm làm niềm vui. Tao thấy thoải mái với những giờ tập thể dục cùng cô bạn gái mới, rồi đi uống rượu như ngày hôm nay. Tao không làm thơ như Nick, nhưng tao cũng sáng tác được cho mình và bạn bè niềm vui. Khi nào mày buồn cứ gọi tao.” Willy sốt sắng cho tôi số cell phone của hắn với nụ cười cố hữu trên miệng của mình.
Bước ra khỏi xe Willy, tôi chào hai người bạn mới với tâm trạng vui vui, giống như có một thời chúng tôi quen nhau đâu đó lâu rồi.
Trên đường lái xe về nhà, tôi suy nghĩ những cái chung của các con bọ già, và khám phá ra mình đã từng chia sẻ với Willy một cuộc chiến tranh, với Nick một bức tranh cùng một bài thơ dang dở. Lúc bấy giờ, đài FM 103.5 đang loan bản tin về việc thành công trong việc tạo ra thuốc chủng ngừa bệnh AIDS.
Tháng 9-2009
Lê Lạc Giao
_______________________________________
[1] Art does not reproduce what is visible but makes things visible. (Paul Klee)