Thắng cảnh Ahu Tongariki trên Easter Island. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Hải đảo Rapa Nui được người phương Tây gọi tên là Isla de Pascua theo tiếng Tây Ban Nha, Easter Island theo tiếng Anh, hay đảo Phục Sinh trong tiếng Việt.
Polynesian là một quần thể đa đảo chiếm một diện tích vô cùng rộng lớn trên Biển Thái Bình Dương (Pacific Ocean). Người ta chọn ra ba điểm chóp đỉnh hình tam giác để có thể hình dung ra vị trí của đa quần đảo này. Một đỉnh là nhóm quần đảo New Zealand, đỉnh tam giác thứ hai là quần đảo Hawaii, và đỉnh tam giác thứ ba là một hải đảo rất nhỏ, nằm chơi vơi một mình giữa biển về phía Đông Nam Pacific Ocean. Hải đảo đó là Rapa Nui Island hay còn được thế giới biết qua tên Easter Island.
Năm 1722, một nhà hàng hải Hòa Lan Jacob Roggeveen trên đường đi xuyên qua Biển Thái Bình, ông đã tìm thấy hải đảo Rapa Nui vì hòn đảo này không có trên bản đồ hàng hải của ông. Ông Jacob Roggeveen đặt chân lên đảo đúng vào Chủ Nhật, 5 Tháng Tư, đây cũng là ngày Easter Sunday (ngày Chủ Nhật Phục Sinh) của Kitô Giáo. Ông đã dùng ngay tên này đặt tên cho đảo.
Người ta không hiểu vì sao người thổ dân xưa kia lại đặt tên cho hải đảo này là Rapa Nui, vì tên này chỉ gợi lên một cái tên rất tương phản với thực tế. Rapa Nui có nghĩa là “vùng Đất Lớn” (Rapa: vùng Đất, Nui: Lớn), nhưng thực sự đảo này không lớn chút nào.
Đảo Rapa Nui có dáng hình tam giác với chiều đáy dài khoảng 24 km, và mỗi cạnh khoảng 12 km. Diện tích của nó vào khoảng 164 km2. Theo các nhà địa chất, đảo Rapa Nui được hình thành từ các ngọn núi lửa lớn trên đảo phun trào ra. Đặc biệt, trên đảo không có suối, cũng không có sông mà chỉ có các hồ nước lớn được hình thành từ các miệng núi lửa như Rano Kau, Rano Raraku, và Rano Aroi.
Các tượng Moai trên khu vực Rano raraku. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Lui về quá khứ đôi chút, người ta cho rằng tổ tiên của người bản địa Rapa Nui cũng là những người dân đa đảo Polynesians từ các quần đảo khác đã lưu lạc đến từ các thế kỷ 9-14. Họ đến như thế nào thì vẫn còn là những huyền thoại, nhưng người ta biết được vì họ có những điểm văn hóa giông giống nhau. Vào thời “thịnh trị,” dân số trên hòn đảo này ước lượng có đến gần 20,000 người. Nhưng đến thời “mạt vận” họ chỉ còn sống sót 111 người trên một hải đảo biệt lập hoang vu và chết chóc. Người phương Tây đã đem bệnh dịch và thần chết đến cho họ. Ngoài ra, thực dân cũng đã gom góp người dân Rapa Nui đi làm nô lệ cho các công trình viễn xứ vào thế kỷ 19.
Rapa Nui sẽ là một hải đảo không ai biết đến nếu không nhờ vào các huyền thoại kỳ bí của nó, tạo ra những câu chuyện tò mò hiếu kỳ cho mọi người trên thế giới. Năm 1770, người Tây Ban Nha đã từng ghé đến Rapa Nui. Họ cho biết là đã có dịp nhìn thấy rất nhiều các pho tượng đá điêu khắc (theo hình tượng Moai) được dựng đứng dọc theo các bờ biển quanh đảo. Tuy nhiên chỉ bốn năm sau, năm 1774, nhà hàng hải James Cook (người Anh) có dịp ghé lại đảo và ông cho biết một số các tượng Moai đã bị gãy đổ, không còn nguyên vẹn như trước nữa.
Năm mươi năm sau, các chuyến hải hành từ Âu Châu nối tiếp, dừng lại đảo và họ cho biết tất cả các pho tượng Moai đều đã bị gãy đổ, không còn pho tượng nào nguyên vẹn đứng dọc theo chung quanh bờ biển nữa. Phần lớn các pho tượng đều đổ úp mặt xuống đất. Không ai hiểu rõ lý do tại sao. Các nhà nghiên cứu cho ra giả thuyết các bộ tộc trên đảo đã gây chiến đánh nhau. Bên chiến thắng đã cho phá hủy đi tất cả các pho tượng Moai, một biểu tượng “thần linh” của phe đối nghịch.
Các tượng Moai đẹp nhất tại bờ biển Tahai. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Chính các pho tượng thần Moai là nguyên nhân tạo ra những huyền thoại kỳ bí phủ lên trên đảo Rapa Nui. Ngày nay, những huyền thoại đó dần dần đã được các nhà khảo cổ giải thích, giúp thế giới hiểu rõ hơn về các huyền thoại các pho tượng Moai.
Người Rapanui tin rằng những vị tù trưởng hay những người họ tôn kính sau khi chết vẫn ở lại với họ và ra sức bảo vệ họ. Vì thế họ khắc tạc hình ảnh các vị đó vào đá, tạo ra hình tượng để họ tôn thờ. Họ tìm ra được loại đá trên sườn núi Rano Raraku, có thể đẽo khắc các tượng Moai dễ dàng theo ý muốn của họ.
Khởi đầu các tượng Moai được đẽo gọt rất thô sơ và nhỏ bé, mắt tượng thường được đục khắc lõm vào. Nhưng trải qua thời gian kinh nghiệm, dần dần các tượng Moai được đẽo khắc lớn hơn và có nét sống động hơn. Họ làm thêm đôi mắt vào các pho tượng khiến chúng sống động hẳn lên.
Thí dụ như pho tượng Moai có tên Ahu Te Ko Riku, dựng đứng trên bệ thờ tại bờ biển Tahai, là pho tượng duy nhất đã được thiết kế có đôi mắt mở lớn rất lạ, lúc nào cũng hơi ngước lên nhìn trời với đầu tượng được quấn búi tóc cao lên. Đây là một trong những tượng Moai được xem như hoàn hảo nhất của người Rapanui. Nhưng đẹp sắc sảo và sống động nhất phải kể đến là tượng Moai có tên Hoa Hakananai’a đã được đế quốc Anh đem về cất giữ trong viện bảo tàng ở London.
Tượng Moai được đục khắc trong núi chưa hoàn thành. (Hìn: ATNT Tours & Travel)
Các tượng Moai sau khi đẽo khắc hoàn thành trên sườn núi Rano Raraku, được người bản địa tìm cách di chuyển đến các nơi bệ thờ, và dựng các pho tượng đứng ở đây. Đây cũng là một kỳ công khác của người Rapa Nui, khi phải tìm cách chuyên chở các pho tượng Moai to lớn nặng nề di chuyển qua các đồi núi đến các bệ thờ nằm quanh bờ biển. Hầu như các tượng đều được dựng đứng thẳng và quay mặt vào đảo chứ không quay mặt ra ngoài biển như nhiều người lầm tưởng. Họ tin rằng sức mạnh thần linh của các tượng Moai nhìn họ hằng ngày, và che chở bảo vệ họ.
Các tượng Moai được đẽo khắc bắt đầu từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 16 thì tàn lụi chấm dứt. Ngày nay có hơn 397 pho tượng Moai đứng, nằm ngã đổ trên khu bảo tàng ngoài trời Rano Raraku. Đến đây, bạn được thưởng ngoạn tất cả các công trình thiết kế đục khắc đã hoàn thành và những công trình còn đang dở dang. Có tượng gần như hoàn thành, có tượng dường như mới vừa khởi công. Nhưng có dịp nhìn tận mắt những công trình như thế, người ta mới nhận thấy được kỳ công của người Rapanui ở trên một hải đảo nhỏ.
Ngày nay, các thắng cảnh của đảo Phục Sinh được kể đến như bãi biển Anakena vừa là một bãi biển đẹp cho du khách tắm biển, vừa là nơi có bảy pho tượng Moai Ahu Nau Nau cao lớn cho du khách thưởng thức. Thắng cảnh Ahu Tongariki là nơi có bệ thờ lớn nhất ở Rapa Nui Island ,với 15 pho tượng Moai thẳng hàng, đứng quay mặt hướng nhìn về khu bảo tàng tượng Moai ngoài trời Rano Raraku. Cách đó không xa là pho tượng Moai đã từng đi du lịch Nhật Bản. Người ta gọi Moai này là “traveling moai.” Không rõ tượng Moai này đi sang Nhật tham dự triển lãm hay đi sửa sang lại chút sắc đẹp của thần!
Tượng Moai đầu tròn duy nhất trên hải đảo. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Moai, vị thần bảo vệ người Rapa Nui chắc hẳn cũng linh ứng! Bây giờ các pho tượng Thần cũng đã được người Rapa Nui đưa đứng trở lại ngắm nhìn đời sống trên đảo Rapa Nui như vài trăm năm trước các thần đã từng đứng ngắm nhìn.
Hiện tại, dân số Rapa Nui đã tăng lên được gần 7,000 người (kể cả người Rapanui bản địa và người Chile lục địa). Dĩ nhiên họ được chính quyền Chile nâng đỡ khá nhiều. Có lẽ người dân bản địa Rapanui nên cảm ơn nhà hàng hải Jacob Roggeveen rất nhiều. Nhờ ông đặt tên đảo Phục Sinh mà Rapa Nui Island đang dần dần phục hồi thoát khỏi cơn bệnh nghèo đói. Người ta chỉ chết một lần, nhưng nếu họ vượt qua được khổ ải, vượt đến sự phục sinh thì họ sẽ sống đời đời. Tôi yêu sự phục sinh của nền văn minh Rapa Nui Island.
Ngày nay, đảo Rapa Nui hay đảo Phục Sinh đang trên đường phục sinh giúp cho người Rapa Nui tăng dần dân số, cải thiện đời sống, và hòa mình vào văn minh thế giới ngày nay.
Trần Nguyên Thắng