có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 3 27, 2021

Ánh mắt mùa xuân



Thế là tôi được đứng trên nước Mỹ đã gần mười tiếng đồng hồ. Cả ngày trên thế giới thần tiên mơ ước của bao nhiêu người nhưng sao nghe chập chùng lo lắng. Lạ lùng cảnh vật và ngỡ ngàng ngôn ngữ, nhưng điều quan trọng là nỗi thắc mắc về tương lai bất định, về lối ứng xử dự định tối nay khi gặp lại Tân sau chục năm lạnh nhạt và âm ỉ nghi ngờ. Tôi vốn giống tánh mẹ, có gì trong dạ là nói ra ngay, những giận hờn dù nhỏ nhoi tôi chưa từng bỏ qua không nói, chất chứa và ẩn dấu tình cảm, chỉ buông ra khi gặp dịp thật thuận tiện, làm người con gái Hà Nội khôn ngoan của nửa thế kỷ trước– tủm tỉm cười cười nói nói như không chuyện gì — không phải là thái độ hằng có của tôi khi đã ở Miền Nam từ ngày còn trong bụng mẹ. Chắc chắn Tân sẽ không thích người mới đến đem theo những vấn đề lương tâm từ lâu anh trốn chạy cũng như anh đã nhắm mắt đà điểu lại coi như không có vấn đề quan trọng của gia đình hai đứa từ bao nhiêu năm nay. Chắc chắn thái độ khôn ngoan nhứt là biết vị thế của mình ở đâu trong lòng người chồng chỉ còn trên danh nghĩa và những ràng buột mơ hồ từ sợi dây cương thường Khổng Mạnh nát nhòe khói sương. Xé tấm giấy hôn thú, ban đầu tưởng là kế hoạch tranh khôn nhưng thời gian đã biến thành một thực tế nhói tim xé ruột. Biết vậy mà sao tôi vẫn muốn nói lời phiền giận, muốn trách hờn một phụ phàng. Cho hả tức, cho tai Tân tràn đầy những phẩn nộ chuyên chở đau khổ hằng cữu của tôi. Và chuyện gì sẽ xảy ra? Có thể Tân sẽ không ký lại cái hôn thú, xé toạt những kỹ niệm thần tiên ngày xưa cũ để cho tôi bị đuổi về Việt Nam như lời hai chị tôi tiên đoán? Trả về! Rồi tôi sẽ sống như thế nào? Trường học, nơi tôi vừa từ nhiệm, người ta đã tiệc trà tiển đưa với những ánh mắt ganh tỵ lẫn dè bĩu, tôi lòng dạ nào trở về dù rằng về đó sẽ dễ dàng sống được, sống còn trong cảnh hầu như mọi người đều hành nghề dối trá và bóc lột lũ học trò. Trở về để thấy lại những kỹ niệm muốn quên của hai lần bị chèn xe cho ngã rồi những tên đầu đường xó chợ đập bể những chai nước trà pha loãng rượu dỡm để bắt tôi bồi thường với giá trên trời dưới lời hăm dọa của những con dao Thái Lan nhọn lễu và hàng chục cánh tay bạo tàn vây bủa chung quanh. Không! Tôi không thể trở về khi đã muốn xóa trong ký ức một quá khứ nhọc nhằn vô nghĩa và đồng lõa. Tôi tặc lưỡi cố gắng đè nén xúc động khi suy nghĩ đến những khó khăn trước mặt. Tới đâu hay đó. Vài ba đứa nhỏ da màu ít oi trong đám đông da trắng chạy nhảy vui cười từ khu nầy sang khu khác làm tôi vui vui hơn đôi chút. Phải chi lòng mình bình thản như chúng nó! Thần tiên biết mấy và đạt đạo biết mấy!

Tiếng loa báo tin gì đó tôi không hiểu. Thiên hạ trong vùng tôi ngồi đợi đã lục đục đứng lên xếp hàng vào cửa. Tôi sợ bị bỏ rơi như nhiều lần đã bị bỏ lại trong đời nên cố gắng len lỏi tới trước. Nhiều ánh mắt nhìn tôi lạ lùng chen lẫn bất bình và tội nghiệp. Cô tiếp đãi viên hàng không soát vé, to lớn mạnh mẽ và có cặp đùi thật đẹp nói gì đó với tôi một tràng dài. Trông cách ra hiệu của cô ta trong khi nói, tôi mang máng hiểu rằng mình được bảo đứng ra ngoài hàng và đợi cách giải quyết sau. Tôi bước ra ngoài hàng. Đứng mà lo sợ và tủi thân. Sao lại đợi? Chuyện gì đây? Tiếng người thì ngọng ngịu, nói ra thì thiên hạ cứ hỏi đi hỏi lại. Cái hàng đã vơi tới năm sáu người cuối cùng. Lác đác chỉ còn vài ba người ung dung trên ghế đợi, như chừng không phải đi chuyến nầy nên cứ tà tà nói chuyện. Tôi muốn bật khóc. Nếu giấy tờ trục trặc thì không biết tính sao. Ai giải quyết cho mình đây. Tôi mừng rỡ đưa mắt cầu cứu một ông khách có vẽ Á Đông mới tất ta tất tưởi chạy tới. Thấy ánh mắt tôi, ông ngó cô tiếp đãi viên như để đoán chừng thời gian còn lại cho ông rồi tiến về phía tôi. Tôi nói cầu âu bằng tiếng Việt. ‘Nhờ chú coi lại coi sao họ bắt cháu đợi không cho lên tàu.’ Vừa nói tôi vừa chìa hộ chiếu và vé phi hành ra.

Ông khách nhìn lướt qua nhưng không có vẽ gì như muốn đưa tay ra lấy mà buột miệng nói một câu vô duyên như núi lỡ: ‘Cô mang thông hành Việt Cộng!’ Rồi như thấy mình lỡ lời vì ánh mắt đau khổ của tôi, ông đưa tay cầm lấy tất cả giấy tờ, ngoắc tôi đến quày vé, trình và nói gì đó. Người nhân viên bấm máy vi tính. Sau một hồi tìm kiếm trên máy, in ra cho tôi một vé lên tàu.

Mặc dù đang mang xách cũng hơi khá nặng, ông vẫn đề nghị xách hộ tôi cái xách tay kồng kềnh làm khổ sở tôi từ lúc lên phi trường Tân Sơn Nhất đến giờ. ‘Cám ơn chú, cháu lo liệu được.’ Tôi từ chối. Từ không biết bao lâu rồi, những giúp đở của bất kỳ ai tôi đều đón nhận với tất cả lòng ngờ vực. Người thân ruột thịt còn chưa tin được huống hồ gì người gặp gỡ giữa đàng! Tôi mang xách lên vai, tay kia kéo cực khổ cái túi mang những thứ lỉnh kỉnh cho con, né không cho ông để tay vao, nhưng chỉ đi được vài ba bước thì ông ta đã đưa tay ra đở lấy, thân thiện và quyết liệt. Phi cơ nhỏ hơn chiếc đi từ Đài Bắc sang đây nhiều, đường giữa hai hàng ghế hẹp. Tôi lo tìm số ghế mình, nhìn lại thì không thấy ông ta đâu nữa.

Tôi ngồi xuống ghế thắc mắc. Bên cạnh trống trơn. Ước gì không có ai ngồi chỗ nầỵ Thoải mái cho tôi. Phải chi lúc nảy đừng cho ông ta giằng lấy cái xách. Của không bao nhiêu nhưng cái tình cho con mang tràn đầy trong đó. Mười năm rồi tôi không thấy mặt con. Chỉ là những tấm áo tôi đo cắt đoán định vóc dáng con với cả tấm lòng trời biển của người mẹ. Chỉ là những thứ mứt tôi xên phơi với lòng thương cao ngút ngàn như núi. Không biết ông ta có lục ra coi rồi lấy bớt hay không, hay ông ta ngồi luôn ở đó đợi phi cơ ngừng rồi lẻn ra trước, lấy theo luôn đồ đạc của tôi. Phi cơ cất cánh, tôi chìm trong những suy nghĩ vẩn vơ về sự xấu xa của người đời mà lâu rồi tôi quá ư thất vọng. Tôi thiếp đi trong sự mệt mỏi của chuyến bay đêm với tiếng động cơ ù ù ru ngủ và bóng tối bao phủ chỉ còn chút ánh sáng le lói từ một vài hàng ghế xa xa.

Tiếng ghế cạnh tôi động nhẹ. Ông ta sửa soạn ngồi xuống, gật đầu chào, nói nho nhỏ khi tôi mở mắt nhìn.

‘Thỉnh thoảng đường bay nội địa còn lại nhiều chỗ trống như thế nầy.’ Ông vừa nói vừa thắc dây an toàn, ‘Hành khách có thể ngồi đâu tùy ý. Xin lỗi, nếu tôi không lầm thì cô đến định cư ở Mỹ chớ không phải đi công tác cho chánh phủ.’

‘Cháu sang đây đoàn tụ với nhà cháu.’

‘Chúc mừng cô. Đợi bao lâu rồi mà được đoàn tụ.’

‘Hơn mười năm rồi.’

‘Chúc mừng cô lần nữa. Thời gian tuy dài nhưng cô đã qua tới đây. Bây giờ là lúc an vui và lo liệu cho tương lai. Ông ta dùng lại chữ của tôi khi nảy.’

‘Vui gì mà vui. Đang buồn chết người.’ Tôi cũng không biết tại sao mình nói nhiều, tại sao lại nói như là khơi chuyện. Có thể vì sự cô đơn, có thể ông ta là người Việt Nam đầu tiên tôi chuyện trò từ khi rời nước. ‘Từ Đài Loan qua Cali còn có người Việt Nam, từ lúc đợi ở phi trường khi nảy không còn thấy bóng một người Việt nào. Muốn hỏi một vài điều mà không biết hỏi ai.’

‘Cô có chuyện buồn?’

‘Có khi nào người sang đây mà bị bắt buộc trở về vì những thỏa thuận trước khi ra đi không

hoàn tất hay không?’

‘Tùy nhiều chuyện. Anh ấy… đang có người khác?’

Một giọt rồi cả tràng dài nước mắt rủ nhau chạy ra khỏi khóe mắt cay xè của tôi.

‘Cháu không biết phải nói gì, phải làm sao khi qua bên đó khi bắt buộc phải sống chung nhà với người ta, người thứ ba.’

Người đàn ông sửa lại thế ngồi, có vẻ chăm chú hơn câu chuyện của tôi.

’Trước hết cho xin lỗi về câu nói đầu tiên của tôi khi gặp cô. Danh từ mà tôi đã dùng có vẻ không được đàng hoàng. Mỗi người trong chúng ta đều dị ứng trước một số vấn đề, một số dữ kiện.’ Ông ngừng một vài giây, ngó tôi rồi bật đèn chỗ ghế ông ngồi, như muốn quan sát những giọt nước mắt tình cảm đàn bà của tôi.’ Mà thôi, trở về câu chuyện. Mỗi người trong ba người đều có lợi thế và bất lợi thế. Cô phải sử dụng lợi thế của người đến trước, đã có con với anh ấy mà hành động bằng sự nghiêm trang cần thiết. Tiểu tinh sẽ co vòi ngay.’ 

Tôi thích chữ tiểu tinh của ông dùng. Nó vừa ý tôi hơn chữ hoa trong câu thơ ‘Rằng nghe vườn mới thêm hoa.’

‘Tránh mè nheo, chửi rủa, than thở dài dòng. Phải tươi tắn, nhỏ nhẹ. Càng nói ít càng tốt. Đàn ông vốn dễ chán ngán và mệt mỏi trước sự trách móc dai dẳng và quy chụp thường xuyên của đàn bà.’

Quy chụp? Ông nầy là hạng người nào mà sử dụng từ nầy! Tôi chú ý hơn người đối thoại. Đây là loại người để mình học hỏi, trao đổi. Ông ta không già như tôi tưởng. Có thể ông ta mới rời Việt Nam không bao lâu. Nhưng mà không cần chú ý tới ba cái thứ vặt vãnh đó. Tôi đang có quá nhiều điều bận trí.

‘Em sợ mình hiền quá anh ấy sẽ theo người ta luôn, đàn ông mà, mới cũ. Nhưng dữ quá thì sợ anh ấy bực mình không ký lại giấy hôn thú.’ Tôi thay đổi cách xưng hô hơi sớm nhưng mà thật ra tôi chỉ muốn thân mật để coi ông ta có cho mình được lời khuyên gì đó xứng đáng hay không.

‘Đàn ông không ích kỷ đến mức làm hại vợ kiểu đó. Đàn ông có thể dối vợ để rong chơi cuối trời quên lãng, nhưng đàn ông ác độc thì không nhiều, lịch sử cho thấy điều đó.’ 

Để tránh vẻ quá chăm chú nghe ông ta nói, tôi mở giỏ lấy quyển truyện ngắn của tác giả hiện sinh Lý Lan, tác giả mới nổi tiếng trong nước, cầm trên tay. Ông ta nhìn tựa quyển sách, không nói gì, chỉ tiếp theo đề tài của mình.

‘Cô cũng còn đẹp.’ Tôi không hiểu ông có dụng ý gì trong câu nói đó. Đàn ông không mấy người nói về sắc đẹp của người đàn bà đối diện mà không có ẩn ý. Đó là cái tật, cũng giống như tật truyền kiếp của họ là chỉ nói chuyện với đàn bà bằng nửa não vì nửa kia bận tưởng tưởng về hình ảnh trần truồng của người đối diện.

‘Lợi thế là ở đó. Phải biết mình muốn gì. Phải đầu tiên là muốn ở lại lập nghiệp trên nước Mỹ không? Sau đó là có chút tiền đỡ khổ lúc ban đầu bỡ ngỡ. Cuối cùng là được sống hạnh phúc gia đình với chồng con. Nếu mất thì theo thứ tự chồng, tiền, chót nhứt mới là sự tự do.’

Tôi muốn há hóc mồm ngạc nhiên. Ông ta nói trúng những gì tôi suy nghĩ và quyết định trước khi lên phi cơ sang đây. Tôi làm thinh, tay lật lật quyển sách.

‘Vậy thì phải từ từ, sao cho đạt được ba mục tiêu đó. Không cần phải cùng một lúc. Không cần làm cho hai người kia sợ mình. Cũng không cần cho họ thấy sự bất bình của mình. Từ từ và nhỏ nhẹ.’ Ông ta lập lại kế sách nầy nữa. Từ từ và nhỏ nhẹ khi anh ta xéo lên giao ước của người đi trong khi tôi khổ sở ôm giữ từng chữ, từng câu giao ước của người ở lại?

‘Cám ơn lời khuyên của anh, anh thấy nhu mì, nhỏ nhẹ đắc dụng trong trường hợp nầy?’  Tôi hỏi cho có. ‘Em đã định làm ngược lại đó chứ.’

Tôi thay đổi cách xưng hô, ông ta xứng đáng được xưng hô như vậy. Sành tâm lý dễ sợ, nói ít nhưng đúng lúc. Tôi không hổ thẹn gì khi dùng chữ anh-em thân mật đó. Ông ta như không chú ý.

‘Xứ nầy là xứ cơ hội và an toàn cho tất cả mọi người. Cô không nên thất vọng về bất cứ chuyện gì. Rồi mọi chuyện sẽ được giải quyết tốt đẹp thôi. So sánh sự khó khăn khổ sở của cô bây giờ với sự khó khăn và cô đơn của anh ấy lúc mới tới đây với đứa con nhỏ thì cô sẽ thấy từ từ và nhỏ nhẹ là kế sách công bình mà lại hữu hiệu..’

Tôi thở dài. ‘Vậy mà em định tới đó nói phải quấy cho hả hơi rồi chia tay. Nếu không có giấy tờ thì trốn lại sang đây sống với chị bạn. Chị ấy hứa với em nhiều lần.’

‘Cô đã sai lầm vì có giải pháp trước khi nhìn rõ công chuyện. Cô cũng không biết mình nên tiến nhanh hay tiến chậm trong kế hoạch. Cô bị ảnh hưởng vì cái phao người bạn. Cô quên xét những khía cạnh đáng tha thứ của anh ấy.’ Tôi bàng hoàng. Mười năm nay tôi chỉ nghe lời xúi giục, bênh bổ đứng về phía tôi. Chưa từng nghe ai đứng về phía anh ấy, những chữ khía cạnh đáng tha thứ là những chữ chưa bao giờ có mặt trong tự điển cuộc tình nhiều nước mắt của tôi. Vâng! Tôi phải tìm cách tha thứ. Cho dẫu lòng mình tan nát!

Vẳng bên tay tôi nghe mơ hồ không biết là tiếng ông ta hay tiếng từ trong lòng tôi phát ra. ‘Tha thứ ở đây không có nghĩa là dối lòng, che mắt không biết đến những chuyện đã xảy ra. Tha thứ đây là thông cảm với những yếu đuối vật thể của con người trước hoàn cảnh đẩy đưa. Tha thứ là mở đường thực hiện tình mẫu tử gián đoạn từ lâu.’

Tôi thầm cám ơn người đối thoại đã đưa cho tôi một giải pháp khiến mình có được sự thanh thản cần thiết. Trạm tới không là ngưõng cửa vào địa ngục mà tôi phải cầm gươm đánh nhau với quỷ dữ như mình đã hình dung, trạm tới là bước đầu tôi tập luyện thành người có cái minh triết, nhìn sự kiện trên khía cạnh sâu sắc nhứt để đem lại hạnh phúc cho tất cả người trong cuộc. Cái tôi sẽ không bị xóa tan như mình tưởng mà sẽ phát triển ra cao rộng, bao la hơn khi tôi đem tình thương lại cho con, cho anh ấy, và đem cái nhìn lân mẫn trao đến kẻ thứ ba. Tôi nhắm mắt chìm trong giấc ngủ thoải mái.

Chia tay tôi ở trạm đợi khu A để tôi sang chuyến đi về Florida, anh nói là mình đi về trạm đợi ở khu B nhưng không nói sang chuyến đi về đâu. Trước khi quay lưng anh nhìn vào mắt tôi cười cười, điệu bộ lừng khừng. Tôi biết anh thấy trong đó ánh mắt tươi sáng Mùa Xuân của tôi do anh trao tặng trong chuyến bay vừa rồi.

Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa biết tên và cũng không biết anh sống ở đâu, làm gì trên cái xứ Mỹ to lớn nầy.


Nguyễn Văn Sâm