Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang hát trong chương trình “Thế Giới Du Ca Nguyễn Đức Quang”
tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Cách đây đúng 10 năm, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, cựu tổng giám đốc, cựu chủ bút nhật báo Người Việt (thời kỳ 1981-1988) từ giã cõi trần.
Đó là lúc 4 giờ 30 sáng ngày 27 Tháng Ba, 2011.
Ông ra đi ở tuổi 68, cái tuổi không còn trẻ, nhưng vẫn chưa già, và để lại nhiều kỷ niệm đẹp với những câu chuyện khó quên của bạn bè.
Ông Trần Trọng Thảo, một trong những thành viên đầu tiên của Trầm Ca trong đó có ông Nguyễn Đức Quang, nhớ về bạn:
Mùa hè 1965 tại Thạnh Lộc Thôn, Gia Định, nhóm anh em Đà Lạt chúng tôi kéo nhau về Sài Gòn tham dự trại công tác xã hội tại “Công Trường Thanh Niên Tự Do” (tiền thân của Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường – CPS) với những công tác vét mương, đào giếng, xây dựng nhà ở, lập trại chăn nuôi, làm ao thả cá, trồng trọt rau quả…cho những người chạy nạn chiến tranh đang sống trong hoàn cảnh chật vật khó khăn. Sau kỳ trại này, mấy anh em gồm Hoàng Kim Châu, Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Quốc Văn, Đinh Gia Lập, Hoàng Thái Lĩnh, và Trần Trọng Thảo đã đồng lòng chọn đất Sài Gòn làm nơi “dụng võ.”
Gặp và quen biết Châu và Quang qua trại họp bạn toàn quốc Hướng Đạo Việt Nam – trại Phục Hưng tại Trảng Bom, Biên Hòa, Tháng Mười Hai, 1959. Tôi sinh hoạt trong thiếu đoàn Tây Hồ, đạo Cửu Long, Sài Gòn. Châu và Quang sinh hoạt trong đạo Lâm Viên Đà Lạt, thuộc thiếu đoàn Lê Lợi. Sau một thời gian sinh hoạt ca hát trong một số trại công tác xã hội, chúng tôi thấy cần phải thành lập một ban hát để đi trình diễn khắp nơi.
Từ đó hình thành Ban Trầm Ca.
Do sự giới thiệu của anh Đỗ Ngọc Yến (sáng lập viên nhật báo Người Việt) chúng tôi được dọn về ở trong garage của Dược Sĩ Hoàng Ngọc Tuệ trên đường Sương Nguyệt Ánh. Ban đầu ở garage rồi sau đó không lâu chúng tôi được di chuyển lên nhà trên, nơi nhà bếp đã được tu sửa lại làm phòng thực tập cho sinh viên dược, sau khi anh Hoàng Ngọc Tuệ giải ngũ từ Pleiku trở về.
…
Không mấy khi Quang ôm đàn hay ngồi yên vào bàn để viết nhạc mà cứ hay đi loanh quanh trong căn phòng nhỏ như “gà mắc đẻ” – danh xưng anh em đặt cho Quang, hoặc đi lui đi tới quanh khoảng sân trước garage với chiếc quần xà lỏn và áo thun ba lỗ lúc nào cũng xắn lên để phanh cả bụng… vừa đi vừa lẩm bẩm một mình, hai cánh tay lỏng khỏng luôn múa may trước ngực như người ca trưởng đang đánh nhịp.
Quang thường suy nghĩ và sáng tác rất nhanh. Hình như trời phú cho Quang một ngăn âm nhạc có sẵn trong đầu để đến khi cần, chỉ lôi nó ra để sắp xếp lại. Một khi đã ôm đàn lên là đã hình thành một bài hát và khi đó anh em Trầm Ca mới ngồi lại để nhận xét và mổ xẻ bài hát. Các ca khúc dù cũ hay mới sáng tác của Quang, sau mỗi lần đi trình diễn về, anh em lại quây quần trong căn phòng nhỏ, kẻ ngồi, người nằm… ồn ào mổ xẻ, phân tích từ lời ca đến tiếng hát: Đó là tiếng nói chung của Trầm Ca.
Gia đình Trầm Ca cùng nhau chung sống và làm việc, vui buồn có nhau đã gây được thiện cảm với mọi từng lớp, đặc biệt là giới thanh niên sinh viên học sinh và thành quả là đã lập nên Phong Trào Du Ca Việt Nam. Rồi do thời cuộc xã hội biến động, hoàn cảnh gia đình và việc học hành, anh em chúng tôi tạm chia tay. Nguyễn Đức Quang một mình ở lại và luôn luôn bận rộn và hội nhập vào vòng quay của lớp văn nghệ sĩ mới quen với binh xập xám, xì phé, nhậu, và thuốc lá như điên! Chả bù cho những lúc phải cùng nhau sống nguyên tắc trong gia đình Trầm Ca…
Đến nhạc sĩ Quang không “hoa hòe hoa sói” của Phong Trào Du Ca
Một trong những đồng môn của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang – ông Hoàng Kim Châu – kể lại “chuyện của Quang:”
Quang có những năm ở đại học thật sinh động và có một số bạn bè đi chung với Quang thêm một đoạn đường dài của tuổi trẻ mà Quang là một tài năng vượt trội, bản lãnh và nhạy cảm với những vấn đề của xã hội, vượt ra ngoài không gian của các giảng đường hay những khu phố loanh quanh lên xuống của của núi đồi Đà Lạt mù sương.
…
Cho đến nay, tôi vẫn còn nghe rõ âm thanh và hình ảnh Quang ôm đàn đứng hát trên sân khấu, hội trường, sân cỏ, đất trại hay trong những căn phòng ấm cúng của thân hữu. Không màu mè, không khẩu hiệu, không đèn xanh đèn đỏ. Những đôi mắt mở to để nhìn, tai lắng nghe từng chữ từng lời của Quang nói và hát. Quang hát không cần MC, không hoa hòe hoa sói vẽ vời giả tưởng về những bài hát do mình sáng tác.
Không một ai có đủ thẩm quyền giải thích về nội dung những bài hát của Quang, ngay cả những bản nhạc viết cho tình yêu. Quang không dùng thứ ngôn ngữ ẩn dụ để vuốt ve thính giác người nghe. Nhưng khi nghe Quang hát, thính giả phải động não và đôi khi phải sử dụng đến cả trực giác mới bắt kịp từng lời từng chữ của bài hát. Khi Quang buông phím, thính giả thấy cả khung cảnh và tình huống mà Quang đã nói đến trong các bài hát của mình. Nó có sức tác động vào tâm thức người nghe, bắt người nghe phải suy nghĩ.
Lối trình bày các bài hát của Quang rất giản dị nhưng thể hiện được hết cảm xúc qua từng chữ từng câu. Quang không dùng những từ ngữ phù phiếm kiểu “nước chảy hoa trôi” để khi bài hát kết thúc, như con nước cuốn lá cuốn hoa trôi phăng ra biển cả. Ngược lại, khi Quang chấm dứt bài hát thì những lời đã biến thành những con suối nhỏ chảy vào trong tim trong óc của mọi người.
Tôi đã nhiều lần nghe những đám đông hát bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.” Đây là một bài ca thuộc loại “hát cộng đồng” nhưng “hát cộng đồng” không có nghĩa là muốn hát sao thì hát, họ hát theo chữ chứ không hát theo ý của bài hát, họ hát thật to thật lớn. Nếu Quang nghe chắc cũng không mấy vừa lòng. Thỉnh thoảng tôi mở bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ,” do ban hợp xướng Ngàn Khơi trình bày, để nghe. Đây là một trong những bài mà Ban Trầm Ca đã tập dợt lần đầu tiên trong garage của Dược Sĩ Hoàng Ngọc Tuệ khi Quang vừa mới viết và lời ca chưa được hoàn chỉnh.
Không phải người Đà Lạt nào cũng biết Quang là một nhạc sĩ du ca. Không phải những học sinh ngày xưa của trường Bồ Đề hay Trần Hưng Đạo cũng biết Quang là một nhạc sĩ du ca. Trái lại những cựu sinh viên đại học Đà Lạt, đặc biệt là sinh viên trường Chính Trị Kinh Doanh khóa I, II, đều biết Quang. Rất dễ hiểu. Quang hát cho anh chị em Chính Trị Kinh Doanh nghe chứ chưa bao giờ hát riêng cho người Đà Lạt hay bạn bè từ hai trường trung học mà Quang đã trải qua những năm tháng theo học ở đó nghe. Họa hoằn đâu đó trong những buổi sinh hoạt ở hải ngoại, dăm ba người Đà Lạt có tham dự nhưng họ không biết Quang vốn xuất thân từ Đà Lạt.
Quang là người nổi tiếng, nhiều hội đoàn thường mời Quang đến hát cho họ nghe và cũng có vài hội đoàn ái hữu hay tổ chức nhận Quang là “người nhà” của mình. Quang là người của đám đông nên chuyện xảy ra như thế cũng là chuyện thường tình do sự mến mộ tài năng.
…
Cuối Đông 2010 và đầu xuân 2011, đám cựu học sinh Đà Lạt chúng tôi thương tiếc tiễn đưa mấy người bạn cũ lìa xa gia đình và bạn bè. Sáng sớm ngày 11 Tháng Ba, 2011, tôi nhìn thấy trên màn ảnh cơn sóng thần “tsunami” khủng khiếp đánh vào miền Bắc nước Nhật. Liền sau đó nhận được tin Quang được các con đưa vào bệnh viện, nằm phòng ICU. Tin loan ra nhanh khắp thế giới. Tin từ báo chí, truyền thanh, truyền hình. Các cú điện thoại cũng làm công việc thông báo, nhiều người thăm hỏi và hồi hộp đợi chờ. Kẻ ở gần đến thăm, người ở xa nghe ngóng. Lúc tỉnh lúc mê rồi vĩnh viễn ra đi vào ngày 27 Tháng Ba, 2011 tại bệnh viện Fountain Valley.
Bàng hoàng và thương tiếc! Đám tang mấy ngày sau trời không có nắng, cũng chẳng có mưa. Người tiễn đưa đông như đến để nghe Quang hát. Bài ca buồn không lời. Không ai khóc. Đầu đen đầu bạc nhấp nhô. Mắt thoáng ngậm ngùi…
—
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang là một trong những người sáng lập phong trào Du Ca Việt Nam hồi thập niên 1960.
Ông sinh năm 1944 tại Sơn Tây, theo gia đình di cư vào Nam năm 1954, định cư tại Đà Lạt năm 1958. Ông tốt nghiệp đại học Đà Lạt, phân khoa Chính Trị Kinh Doanh, khóa I.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang bắt đầu sáng tác nhạc năm 1961, với ca khúc đầu tay dành cho Hướng Đạo, tác phẩm “Gươm Thiêng Hào Kiệt.”
Sau biến chuyển chính trị lớn ở miền Nam Việt Nam vào năm 1963, ông bắt đầu sáng tác các tác phẩm mang chủ đề thanh niên và những vấn đề đất nước.
Đến năm 1964 ông chuyển hẳn sang chủ đề tuổi trẻ, quê hương, dân tộc, xây dựng đề tài mới cho tập Trầm Ca, hát nhạc tranh đấu xã hội và nhạc sinh hoạt thanh niên, thành lập Phong Trào Du Ca Việt Nam năm 1966.