Hai vợ chồng người bạn ở Hoorn gọi điện khoe tụi này sắp “tổ chức” gói bánh chưng tại nhà, qua đây đi, ăn Tết một mình bên đó buồn chết. Thì họ chỉ lủi thủi hai người cao niên quanh quẩn trong căn nhà nhỏ được nhà nước cấp ở khu định cư dành cho dân-vượt-biên-tàu-vớt từ năm 1977 đến giờ coi như sem sém nửa thế kỷ, con cái ra riêng cả, buồn cứ nói là buồn, bày đặt rủ thêm một người vừa nghỉ hưu mà họ nghĩ cũng buồn như họ. Tổ chức gói bánh chưng rộn rịp đông đúc đến 3 người, thôi tạm gọi là vui đi.
Khách lấy chuyến Thalys 12 giờ 22. Lục đục từ Gare du Nord Paris vượt 431 cây số đến ga trung tâm Amsterdam lúc hơn ba giờ rưỡi chiều. Trời hơi sậm sậm, đường sá ươn ướt như mới qua mưa. Chờ xe đến đón như đã hẹn trước, kẻ nhàn du đứng lớ ngớ trước nhà ga với cái va-li du lịch 7kg trong đựng vài bộ quần áo ấm, đồ dùng cá nhân và dăm món lặt vặt gọi là quà Tết để cùng chung vui. Đang hoang mang vì thấy chờ hơi lâu thì nhận được cuộc gọi của bạn báo bà xã bị đột quỵ đang được cấp cứu ở bệnh viện; thôi chịu khó tốn 10 ơ-rô 52 phút bus, hoặc 150 ơ-rô 33 phút taxi vượt thêm 43 cây số tự mò về Hoorn đi, chìa khóa cửa để chỗ cũ, rồi từ từ mình tính tiếp…
Thật là ngại và khó xử, chẳng lẽ quay trở vô ga mua vé cho chuyến Thalys chót khởi hành lúc 19 giờ 15 để về đến Paris gần 11 giờ khuya, y như chạy trốn, đơn giản chỉ để đỡ băn khoăn cho bạn và cả cho mình. Chứ chẳng lẽ xớ rớ ở nhà người ta làm chi trong khi họ đang lu bu đại sự. Bánh chưng hãy đợi đấy. Khách xoay xoay cái va-li một hồi thì quyết định thẳng tiến, băng qua chiếc cầu bắc ngang con kênh trước nhà ga trung tâm, qua đến bờ kênh bên kia liền dứt khoát quẹo trái, bước chân xăng xái như có mục tiêu rõ rệt.
Lòng vòng hồi lâu mới thấy đường Oidekerksplein nơi tọa lạc ngôi nhà thờ nổi tiếng Oude Kerk/Old Church được xây hồi thế kỷ 13; từ năm 2007 có dựng thêm bên ngoài một bức tượng đồng được đặt tên BELLE của điêu khắc gia Els Rijerse. Không phải nhân vật Belle của The Beauty and the Beast/Người Đẹp và Quái Vật. Tượng mô tả một phụ nữ đang đứng ở bậc tam cấp, vai tì vào ngưỡng cửa chờ khách; trên một mặt bệ có gắn tấm biển khắc dòng chữ Respect sexworkers all over the world/Hãy tôn trọng những người hành nghề mại dâm trên toàn thế giới.
Mea Culpa, Mea Culpa/Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi. Lạy Chúa lòng lành. Chỉ là mượn địa điểm nhà thờ làm mốc để lần ra xóm De Wallen, một trong những phố đèn đỏ ở Amsterdam ngoài Ruysdaelkade và Singelgebied mà trước đây khách đã có dịp đi ngang nhưng chưa tìm được lý do để ghé.
Những hồng-hồng-tuyết-tuyết-trong-tủ-kính tự trưng bày vóc dáng mình ở nhiều tư thế. Đứng ưỡn ẹo, ngồi dạng chân, nhìn thách thức, cười mời mọc. Tóc bạch kim, tóc đen, tóc hạt dẻ, tóc nhuộm highlight. Da trắng sữa, trắng kem, trắng bạch tạng, ngăm ngăm, nâu nâu, ngà ngà, vàng vàng. Khách rà chậm tốc độ, lững thững kéo va-li 7 ký đi ngang từng ô cửa đúng tác phong ngã lãng du thời quân thượng thiếu…/lúc mà ta rong chơi không gì bó buộc thì nàng hãy còn nhỏ của Dương Khuê, đưa mắt nhìn thờ ơ các mỹ nữ, ra cái điều không có chi cấp bách đến phải giải quyết tức thì dục vọng thầm kín.
Đi một lát thì lạc vô khu mỹ nam. Khung cảnh na ná như thường thấy trong hình chụp quảng cáo các trung tâm luyện tập thể hình. Sáu múi, bốn múi, hai múi hoặc không có múi nào. Trong khi cung cách các nàng mềm mại oặt oại như loài nhuyễn thể, các chàng biểu dương lực lượng giáp xác bày hàng đủ loại hải sản: cua, ghẹ, tôm hùm, tôm càng. Khi thấy tín hiệu rủ rê sốt sắng từ một cua yếm vuông, khách cười giả lả rồi lật đật đánh vòng hình chữ U trở lại đoạn đường vừa mới đi qua.
Hỏi thăm nhiều người trong khu vực, cuối cùng gặp một bà sồn sồn dáng vẻ dân địa phương đang đẩy chiếc xe nôi quá tải, thoạt nhìn tưởng có trẻ sơ sinh bị chôn sống bên dưới những bao, gói, hộp, bịch đựng các loại hàng hóa mua ở siêu thị, nhưng không phải vậy. Bà ta nhún vai lắc đầu nhưng lại giơ ba ngón tay lên rồi chỉ xeo xéo qua phía bên kia. Xem đồng hồ thấy xần quần mà đã 18 giờ 20, khách chần chừ vài phút, loay hoay giải mật mã ba ngón tay của Da Vinci trước khi băng qua đường.
Đó là một hẻm nhỏ với hai dãy nhà san sát liền vách, tuy chiều chưa xuống hẳn nhưng đã lác đác đỏ đèn. Ánh sáng màu huyết dụ ở từng khung cửa gợi nhớ Đại Hồng Đăng Lung Cao Cao Quải của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Ô cửa thứ ba bên trái đã buông kín tấm màn dày, hắt ra một mảng đỏ bầm – hẳn các đối tác đang hành sự; ô thứ ba đối diện có ông trung niên vừa bước xuống bậc tam cấp; người đang vén rèm cửa là một cô gái Châu Á nhỏ thó, tóc đen mun da bánh mật. Khách nhào tới, sợ huốt mất cơ hội.
Hai người nhìn nhau một khắc. Trong khi khách lúng búng bặp bặp môi tìm chữ, cô gái điềm đạm mở lời bằng tiếng Anh:
– Hôm nay tôi không làm việc sau 18 giờ. Tôi không tiếp khách không có hẹn trước. Tôi không phục vụ người….
– Tôi sẽ trả đúng 70 ơ-rô cho 10 phút theo khung giờ làm việc trong ngày và giá thị trường đã tham khảo… Trong thời gian này cô không phải làm gì cả….
Chỉ có Trời biết khách vừa nã bừa một cách thiếu tự tin. Cô gái lùi một bước, nhìn cái va-li rồi quét xoẹt ánh mắt hơi dữ lên toàn thân người đối diện; tuy nhận thấy khá an toàn, cô vẫn làm cử chỉ như muốn đóng cửa tắt đèn. Khách hối hả nói, vẫn dè dặt dùng tiếng Anh:
– Nghe nói cô là người Việt duy nhất ở đây. Tôi cũng người Việt nè. Ư… tôi đang đi tìm một đồng hương làm việc trong khu này… Ư… tôi cũng hơi lỡ độ đường, nhưng sẽ lấy chuyến 19 giờ 15 để về lại Paris… Tôi chỉ muốn….
Không để khách dứt lời, cô gái bỗng nói, giọng dứt khoát:
– Tôi không phải người Việt, càng chắc chắn không phải đồng hương đồng bào mà bác đang tìm, nhưng sẽ biệt lệ tiếp một khách có cùng màu da, cùng…
Chưa hết lời, cô nép người cho khách bước qua rồi khép cửa kéo màn.
Khách đặt va-li ở góc tường, lựng bựng chưa biết ngồi đâu vì trong căn phòng khoảng 9 mét vuông chỉ vỏn vẹn cái ghế đẩu chân cao đặt cạnh khung cửa be bé, hình như là lối vào nhà vệ sinh vì thấy lấp ló một góc bồn rửa mặt bằng sứ trắng. Cô gái cài cửa xong quay vào chỉ cái ghế mời khách an tọa, đoạn ngồi ghé ở mép giường. Tuy cô tự giới thiệu mình không phải người Việt, khách lướt mắt quan sát thấy có chiếc nón lá máng trên tường bên cạnh một cây đàn tranh, kiểu… trưng bày đặc sản quốc hồn quốc túy tạo dấu nhấn nhằm quảng bá du lịch – như người Hà Lan với guốc gỗ, trang phục dân tộc và cối xay gió, người Tây Ban Nha với flamenco và đấu sĩ bò tót, người Ý với pasta, vespa và gondola, v.v.; lại có cả một kệ treo chưng tượng Phật thạch cao ngồi kiết già dưới gốc bồ đề, lòng bàn tay ngửa thư thái nâng niu một xấp mỏng danh thiếp mang tên Elkwi. Chắc nghĩ có lẽ không còn gì để dè dặt, cô gái bỗng đổi sang nói tiếng Việt, giọng nửa Bắc nửa Nam hơi khàn khàn khao khao, thái độ khác hẳn lúc ban đầu:
– Hôm nay 30 tháng chạp âm lịch, em đang bâng khuâng nhớ nhà… nên chợt mềm lòng với… ư… đồng hương. Đang định đóng cửa về sớm để mua một ít hoa quả cúng Tết. Bác đi đâu mà bị lỡ đường?
Lòng lăn tăn gợn, khách nói:
– Cám ơn em đã đồng ý tiếp. Tôi có hẹn với gia đình người bạn nhà ở gần hồ Ijsselmeer, Hoorn nhưng vừa tới Amsterdam chiều nay thì vướng việc đành phải đổi chương trình, quyết định quay về Paris. Trong khi chờ xe lửa, tôi nhân tiện đi tìm người quen nghe nói làm việc ở xóm De Wallen. Ư mà… tôi thật tình không có nhu cầu chi cần được giải quyết.
Cô gái cười cười:
– Hơn ba năm trong nghề, nhìn thì biết. Người quen của bác làm gì, tên gì? Ở đây làm nghề này đúng là chỉ có mỗi mình em người Việt.
– Tên Elkwi thì khó biết em là người ở xứ nào.
– Elkwi hay L.Quy là chữ viết tắt tên Việt của em: Lãm Quỳnh, thật ra cũng chẳng phải tên khai sinh. Hơi khó đọc khó nhớ nên em chun nó lại cho gọn. Với lại em cũng không muốn ai biết rõ tông tích. Các đồng nghiệp đa sắc tộc quanh đây cũng vậy, thật khó thổ lộ với gia đình. Em về xóm này vì đời đưa đẩy thôi.
Khách khựng lại mấy giây rồi sửa thế ngồi, như thể đang điều chỉnh chi đó bên trong chứ không phải bên ngoài:
– Nghe nói 70% các anh chị em ở đây không phải dân bản xứ. Họ đến từ Châu Phi, Nam Mỹ…
– Có cả Nga, Romania… Không cần bằng cấp hay giấy phép chuyên môn, chỉ cần vốn tự có, miễn sao làm theo pháp luật quy định bằng cách đếm số khách hàng để đóng thuế thu nhập đầy đủ cho nhà nước. Công việc này rất mệt mỏi, đòi hỏi nhiều kỹ năng, đôi khi nguy hiểm vì bị bạo hành nhưng nó giúp trang trải được chi tiêu hàng tháng, có khi còn để dành được nhờ những lúc đông khách, lại không phải làm việc dưới quyền ai… Em thuê cố định phòng này theo hợp đồng dài hạn nên có thể bài trí tùy nghi.
Nói đến đây cô gái nhoẻn miệng cười khoe hàm răng sạch, đồng thời làm hằn sâu hai rãnh quanh khóe môi khiến cô thoáng chốc trông như già thêm mấy tuổi. Khách thấy lấn cấn không tiện hỏi thêm vài điều tế nhị nhưng rồi cô gái đột nhiên tỉ tê:
– Em nghỉ học vì không bắt kịp chương trình mấy năm cuối và vì cha mẹ ở Việt Nam, do làm ăn thua lỗ, không còn khả năng tiếp tế tài chính, mà em thì không muốn quay về, cũng không muốn gia đình vì em phải mang nợ – dù ở nghĩa nào. Họ hoàn toàn không biết em đang ở đâu làm gì.
Khách thở nhè nhẹ, cố nén hơi để ghìm cảm xúc. Đây đúng là cô bé ở Tân Phú có cha mẹ buôn bán hoa quả ở chợ quận. Thảo nào khi nãy lúc nói đến hai chữ “hoa quả” em như bị nghẹn, hay là mình tưởng thế, khách lẩn thẩn tự hỏi. Lần trước về Sài Gòn thăm nhà, tình cờ gặp hai ông bà bán trái cây ở chợ Tân Phú 2; đánh hơi thấy khách có mùi ngoại tuy không biết về từ miệt nào, họ vồn vã nói thách mời chào rồi khoe có con gái 22 tuổi tên Lâm Thị Quý đang du học ở Hà Lan không biết sao bặt tin đã lâu; đoạn nhỏ giọng rầu rầu: nghe người ta đồn nó xin được việc ở phố đèn đỏ xóm nhà thờ mà không biết cái xóm đó ở đâu, làm nghề ngỗng gì; gì thì gì cũng phải…. Ai hiểu chuyện nghe vậy hẳn thấy trong lòng ái ngại giùm. Tuy họ không hề nhờ vả, khách vẫn tâm niệm hôm nào có dịp sẽ đi loanh quanh tìm thử, tò mò thôi chứ chẳng biết để làm chi. Nay biết rồi cũng chẳng biết phải làm chi tiếp theo. Mà có chắc gì Elkwi là Lâm Thị Quý. Khách xem đồng hồ tự nhủ 10 phút thì cà kê dê ngỗng quái gì được, may, có thêm tiết mục hành lạc chắc cú sẽ kéo lằng nhằng ra một lúc nữa, đành tặc lưỡi nói:
– Tôi có mang theo ít quà định Tết gia đình bạn ở Hoorn nhưng thay đổi lộ trình rồi; giờ trễ quá không còn mấy tí thì giờ để đi tìm gặp người quen, thôi xin gửi biếu em chút bánh trái cho vui. Chiều 30 bên nhà đường phố thường vắng vẻ buồn hiu, chợ cuối năm đầy rác rưởi với hoa quả héo dập – không tỉnh bơ sinh hoạt bình thường như ở đây. Ai cũng bươn bả về nhà quây quần chuẩn bị cúng giao thừa. Dù sống ở đâu trên địa cầu thật khó quên không khí Tết ở nhà, thường xôm tụ từ nhiều ngày trước: nhạc xuân rộn ràng, chợ hoa tấp nập, người ôm cành mai kẻ vịn cành đào chở xe gắn máy xẹt tới xẹt lui nhộn nhịp trên đường phố, nhìn toàn cảnh y như rừng hoa di động; rồi mùi nhang đèn, mùi xào nấu thơm lừng hành tỏi, cả mùi bột giặt Viso pha loãng để chùi rửa tổng vệ sinh nhà cửa đón năm mới….
Cô gái đan xoắn mấy ngón tay lại, mắt cụp xuống, sụt sịt khóc.
Khách đứng dậy bước đến góc tường, ngã va-li cho nằm trên sàn nhà, mở dây kéo, lôi ra ba xấp bánh tráng một bịch măng khô một cây chả quế một ký giò lụa mua ở Paris Store hôm trước khi lên đường, xong đặt tất cả lên kệ treo, cạnh tượng Phật, tiện tay nhón lấy một tấm danh thiếp. Trong khi cô gái đang hỉ mũi chùi nước mắt, khách nhẹ nhàng chuồi 70 ơ-rô vào chiếc hộp vuông không nắp đặt trên cái bàn thấp cạnh giường. Cô gái ngước lên, mắt mũi tèm lem, giọng thảng thốt:
– Ấy chết, em không lấy tiền của bác đâu!
– Coi như lì xì lấy hên đầu năm. Tính luôn mấy quãng lặng hơi lâu, mình có hơi lố 10 phút quy định! Giờ tôi phải ba chân bốn cẳng trở lại ga, may ra bắt kịp chuyến xe chót. Thôi em ăn tết vui vẻ, giữ gìn sức khỏe, làm ăn phát tài.
Nói xong mấy chữ cuối khách mới biết mình quen miệng nên lỡ lời, bèn cười huề. Hai người phụ nữ – một chín héo, một chín rục – từ giã ở cửa trong màu đỏ đã nhuộm rực con hẻm, thậm chí có nắm cả tay nhau.
Trần Thị NgH
10.2020