có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 2 21, 2021

Hình Như Có Tiếng Tình Yêu




Nhạc & lời: Ngu Yên
Trình bày: Julie 
Hòa âm & phối khí: Nguyễn Quang 
Graphics: MarcMarc


Hình Như Có Tiếng Tình Yêu

Ngày buồn quá, đưa nhau về chốn mơ hồ.
Chiều chờ đêm, nắng đê mê thành khói.
Hình như có tiếng không gian dặn dò:
Yêu nhau đi, đời không còn bao ngày.

Cởi áo cho mây ngừng bay.
Ngậm lấy con tim bằng đôi môi.
Hãy ở trong nhau cho hết ngày,
Rồi ngày vụt qua nhanh…

Ngày buồn quá, hôn nhau nhìn thấy linh hồn
Nhìn màu trăng xót thương cho màu nắng.
Hình như có tiếng chia ly lập lại:
Yêu nhau đi, đời không còn bao ngày.


KJ: Tuần này, dẫu cơn bão tuyết làm đời sống ở Houston bỗng chốc chìm vào trong tăm tối vì không điện, không nước, dẫu internet thấp thoáng như niềm hy vọng le lói. Dẫu thế, KẻJazz vẫn xin trân trọng giới thiệu đến các bạn một sáng tác jazz của Ngu Yên, qua tiếng hát của Julie, trong một hợp tác tuyệt vời mang tựa đề Hát Không Dám Buồn. Xin mời đọc bài viết của Ngu Yên.

Này, Julie. Hát Lại Lần Nữa.

Tôi thường hay nhớ câu nói ví von của Vera Nazarian, “Nếu âm nhạc là một địa danh, thì Jazz là phố thị, Dân ca là miền hoang dã, nhạc Rock là con đường, nhạc Cổ điển là đền thánh.” Nghĩa là, nhạc Jazz có cá tính đa dạng và tình cảm phức tạp như sinh hoạt trong một thành phố.

Tình yêu cũng đa dạng và phức tạp như Jazz. Vì vậy, dùng nhạc Jazz để trang trải ái tình, sẽ không mùi mẫn như nhạc Sến, không gò bó lưu đày như nhạc Cổ điển, không mộc mạc hồn nhiên như Dân ca, không cường điệu bốc đồng như nhạc Rock, không quá chú trọng đến bản thân âm nhạc như nhạc Pop, mà trung thực với cảm xúc trong lòng. Jazz hội đủ những sắc thái của các loại nhạc khác nhưng “trần trụi” (thành thật, say sưa, không màu mè) với tâm sự khi sáng tác và trình bày. Rốt ráo, nhạc Jazz chỉ là một nghệ thuật, một tài năng thích ứng với tâm hồn Jazz. Không có tâm tư này, thì Jazz bên ngoài chỉ là một trò chơi “ắt có” nhưng “chưa đủ” dù vô tình hay cố ý.

Tôi không thích khiêm nhường, vì khiêm nhường thường dẫn đến đạo đức giả. Tôi không thích huênh hoang, vì nổ thường dẫn đến bị khinh bỉ và tự hại bản thân. Tôi trung thực nghĩ rằng, Việt Nam chưa có nhạc Jazz đúng tinh thần và cảm xúc Jazz. Chúng ta có một số tài năng xuất sắc về Jazz, trong và ngoài nước, nhưng quá ít, không tạo nổi phong trào. Đa số nhạc Jazz, nhất là diện trình bày ca khúc Jazz hiện nay chỉ là Da, chưa phải hồn.

“Hình Như Có Tiếng Tình Yêu”, tuy có tình cảm của một ngày buồn bã, yêu thương, nhưng vẫn là Da. Mượn hoa cúng Phật, mượn Jazz với hàng nốt trầm bổng dằn vặt, với nhịp lẻ rã rời, nhịp chỏi chạy trốn trật tự của đời sống, nhưng tấm da ấy mỏng và không đủ lớn, nên chỉ căng vừa chiếc trống đệm nhạc Pop.

“Hình Như”, ai lại chẳng có lúc đang trầm tư, chìm sâu hồi tưởng, chợt giật mình nghe như có ai đang gọi mình. “Tiếng Tình Yêu”, thứ tiếng này bất kỳ trong ngôn ngữ nào cũng giống nhau, không cần thông dịch. Nghe tiếng đó, toàn thân liêu xiêu, buồn bã, trí nhớ dồn dập một cách mơ hồ, vừa êm dịu lại vừa xâu xé, nếu không có người yêu bên cạnh. Nghe tiếng đó, nếu đang gần gũi người yêu, tất cả chung quanh đều biến mất, chỉ còn hai đứa, chỉ còn hai mê muội sắp sửa” “Yêu nhau đi, đời không còn bao ngày.”

Julie Quang đến với “Hình Như Có Tiếng Tình Yêu” cũng tình cờ như nghe ai gọi. Chúng tôi trở thành bạn thân vì âm nhạc, vì Da. Nàng làm cho Da mượt mà, láng lẩy hơn. Tiếng hát của nàng, nghe vào giữa khuya, làm nổi lên những cảm xúc u u lợn cợn, người bình dân gọi là nổi da gà.

Julie có lối hát nhạc Jazz mà tôi và vợ tôi đều yêu thích. Trung thực, không biểu diễn, thả lời lẽ tự nhiên theo câu nhạc không cần ngân nga. “Ngày buồn quá, hôn nhau nhìn thấy linh hồn” Có thể thấy đôi mắt lớn với hàng mi cong rậm khép lại gần kín như mắt trăng lưỡi liềm sắp khuất vào đê mê. Chúng tôi yêu tiếng hát Julie Quang vì tiếng hát ấy không giả dạng.

Tôi viết bài nhạc này vào những năm cuối thế kỷ 20, bây giờ đã hơn hai mươi năm, nghe lại, ôi, mơ màng một thời quá khứ. Bản của Julie hát là bản tôi viết lại trong tinh thần Free Jazz theo lời yêu cầu của Julie. Khi thâu, nhạc sĩ phối khí Nguyễn Quang lại gia giảm cho thêm màu sắc. Mỗi ca khúc có mỗi số mệnh riêng. Một tác phẩm Jazz luôn luôn cho phép sự cộng hưởng của nhiều nhạc sĩ và ca sĩ. Ca khúc Jazz là ca khúc sống, biến đổi theo thời đại và theo người trình bày. Tác giả chỉ là người bắt đầu, sau đó, tác phẩm sinh hoạt theo từng phố chợ đa dạng và phức tạp.

Tuổi già, tai điếc, không còn nghe được tiếng tình yêu. Dẫu có nghe, chắc không còn ai gọi. Có lẽ, tôi nên viết ca khúc “Dường Như Có Tiếng Ma”, sẽ dễ đúng nhạc Jazz hơn, vì ai mà không sợ chết.

Ngu Yên. Houston.

Viết tay ngày mất điện, không cà phê vì mất nước, vô cùng cách ly vì iPhone mất sóng. Tuyết là một thứ nhìn xa cho đẹp, không nên sống gần.

Này, Julie. Hát lại lần nữa đi.


Nguồn