Khi tôi chờ đáp chuyến bay đến Dakar từ New York, người phụ nữ quấn quanh mình một mảnh vải sặc sỡ và khăn trùm đầu sáng màu hỏi cô ấy có thể sử dụng điện thoại di động của tôi được không.
Trong khi tôi đang phân vân thì một hành khách ăn mặc tương tự đưa điện thoại của bà ta cho người phụ nữ đó mà không cần suy nghĩ.
Những trải nghiệm như thế này tiếp tục diễn ra trong suốt hành trình của tôi đến Senegal, và tôi nhanh chóng nhận ra rằng đó không phải là yêu cầu táo bạo từ người lạ.
Senegal được mệnh danh là 'Miền đất Teraanga'.
Các hướng dẫn viên du lịch thường định nghĩa từ tiếng Wolof này (còn được viết là 'teranga') là 'lòng hiếu khách' nhưng đó là một cách dịch thoát. "Nó thực sự phức tạp hơn nhiều. Đó là một cách sống," ông Pierre Thiam, đầu bếp Senegal và đồng sáng lập nhà hàng Teranga ở New York, nói.
Là một du khách, tôi nhanh chóng nhận thấy rằng giá trị này thấm đẫm nhiều khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày ở Senegal. Teraanga nhấn mạnh tính hào phóng về tinh thần và sự chia sẻ của cải vật chất trong mọi cuộc gặp gỡ - ngay cả với người lạ. Điều này dựng nên một nền văn hóa mà ở đó không có 'cái khác'.
Bằng cách cống hiến cho tất cả, bất kể quốc tịch, tôn giáo hay giai cấp, chúng ta sẽ ngày càng có cảm giác mọi người đều được an toàn và được chào đón.
Trong suốt mùa hè mà tôi đã tham gia hoạt động tình nguyện tại một trung tâm giáo dục ở Yoff, một cộng đồng 90.000 dân bên bờ biển khô cằn và bụi bặm ở phía bắc trung tâm Dakar, teraanga đã giúp tôi tìm hiểu và hòa mình và tiếp thu văn hóa Senegal.
Tôi được mời đến ở chung với một gia đình địa phương và hàng ngày nhận lời mời đến nhà hàng xóm chơi và uống trà.
Khi tôi đắm mình trong cách sống của người Senegal này, những bức tường Tây phương của tôi tan biến. Sự cởi mở, hào phóng, ấm áp và thân thuộc - những thành phần chính của teraanga - đã thay thế vị trí của những bức tường đó. Tôi liên tục có cảm giác như cả gia đình 16 triệu dân ở Senegal đang chào đón tôi về nhà.
Tại Senegal, mọi người thường chia sẻ thức ăn trong một tô lớn hoặc đĩa lớn, và những phần ngon nhất sẽ được nhường cho khách. NGUỒN HÌNH ẢNH, GETTY IMAGES
Trong bữa trưa ở nơi làm việc, bảy người chúng tôi sẽ ngồi trên sàn xung quanh một cái đĩa thức ăn chung to đùng chất đầy cơm, cá tươi và rau.
Biết tôi ăn chay, những người bạn Senegal ăn trưa cùng sẽ đẩy món rau qua cho tôi, trong khi tôi lùa cá qua cho họ.
Khi chúng tôi đi chơi ở bãi biển, những đứa trẻ hầu như không biết tôi là ai sẽ nhảy vào vòng tay tôi để tránh khỏi những cơn sóng khó lường.
Tôi đã sốc trước sự dễ dãi của họ đối với tôi, cho đến khi tôi nhớ rằng họ đã được dạy dỗ để tin rằng mọi người trong xã hội - ngay cả những người tương đối xa lạ - sẽ luôn nâng đỡ nhau.
Trẻ con bốn tuổi đi bộ về nhà một mình từ trung tâm nơi tôi làm việc và không ai lo lắng cả. Tôi thường thấy những người lớn bỏ thời gian để dạy dỗ và hướng dẫn trẻ con trong khu phố không khác chi cha mẹ.
Theo Tiến sĩ Ibra Sene, nhà sử học người Senegal đang giảng dạy tại Đại học Wooster ở bang Ohio, Mỹ, đây là một phần của teraanga mà theo đó "bạn sẵn sàng nhìn vào mọi người và khuyên họ như đối với thành viên trong gia đình bạn".
Có từ rất lâu
Mặc dù ngày nay teraanga phổ biến như thế nào đi nữa trong xã hội Senegal, nguồn gốc của nó vẫn là điều bí ẩn.
Nhưng các sử gia đồng ý rằng nó là một phần không thể tách rời của văn hóa khu vực trong nhiều thế kỷ, đã có từ rất lâu trước giai đoạn 300 năm thuộc địa của Hà Lan, Anh và Pháp kéo dài từ năm 1659 cho đến năm 1960.
"Tâm lý tương tác, trao đổi và cởi mở với người khác có thể được bắt nguồn từ thời các đại đế chế ở Tây Phi," Sene nói, ý nhắc đến các Đế chế Mali, Ghana và Songhai vĩ đại một thời phát triển rực rỡ trong khu vực.
Sene giải thích rằng trong hơn 1.000 năm, nền kinh tế khu vực này phát triển dựa trên giao thương, và việc trao đổi hàng hóa và ý tưởng vốn là nền tảng tạo dựng nên các đế chế đã thăng hoa nhờ vào tinh thần hào phóng và cởi mở này. "Ngay cả khi nó không được gọi là teraanga, bạn vẫn thấy nó dưới những hình dạng và cách thức khác nhau trong suốt lịch sử của Tây Phi."
Mặc dù một dạng teraanga sớm có thể đã có mặt trên khắp Tây Phi, một số người tin rằng khái niệm teraanga hiện đại bắt nguồn từ thành phố Saint-Louis (hay Ndar trong tiếng Wolof) ở tây bắc Senegal. Tuy nhiên, các học giả nói rằng điều này không có cơ sở, mặc dù chúng có giả thiết về nguồn gốc của nó.
Vốn là Địa điểm Di sản Văn hóa Thế giới của Unesco, Saint-Louis là thành phố quan trọng trong quá trình xâm chiếm thuộc địa của Pháp ở Tây Phi. Đó là nơi họ đã xây dựng khu định cư đầu tiên trong khu vực vào năm 1659 và thành lập thủ đô.
Nhưng Sene giải thích rằng trong khi Saint-Louis đóng vai trò như là "chỗ đứng đầu tiên và bệ phóng cho việc mở rộng thuộc địa của Pháp ở Tây Phi", đồng thời "thành phố dần dần trở thành nơi diễn ra cuộc kháng chiến tinh vi nhưng nhiều mặt chống chủ nghĩa thực dân. Cộng đồng Phi châu trong thành phố đã mạnh dạn tôn vinh nét đặc thù văn hóa của mình tại không gian thuộc địa này".
Nhiều gia đình Senegal thường có thói quen nấu dư thức ăn mỗi ngày, để 'nhỡ có ai đến chơi' thì cũng có đầy đủ để đãi khách. NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Theo thời gian, người dân Saint-Louis trở nên nổi tiếng, được biết đến về cách cư xử, ẩm thực và kiến thức tôn giáo của họ.
Cho dù teraanga có bắt nguồn ở Saint-Louis hay không, ngày nay nó vẫn hiện diện đặc biệt mạnh mẽ ở thành phố.
Astou Fall Gueye, nghiên cứu sinh tiến sĩ thuộc Khoa Nghiên cứu Văn hóa Châu Phi ở Đại học Wisconsin, giải thích rằng Saint-Louis 'là hình ảnh thu nhỏ' của giá trị này.
"Bất cứ khi nào bạn nghĩ đến teraanga ở Senegal, bạn cũng sẽ nghĩ đến 'teraanga Ndar'," bà nói. "Điều đó rất quan trọng trong văn hóa thành phố. Người dân thành phố luôn khoe rằng họ là những người biết cách thực hành teraanga tốt nhất."
Bản sắc dân tộc
Khi Senegal giành được độc lập vào năm 1960, từ 'teraanga' được sử dụng như một cách để định hình bản sắc của đất nước non trẻ.
Việc làm cho teraanga hiện diện rõ hơn thông qua những nỗ lực như đặt tên cho đội tuyển bóng đá quốc gia là 'Những chú sư tử Teranga' đã giúp đoàn kết đất nước xung quanh đức tính này và thể hiện nó trước thế giới như là một giá trị đặc trưng của Senegal.
Ngày nay, nhiều loại hình kinh doanh - từ công ty khoáng sản đến nhà khách - được đặt tên 'teraanga' và du khách có thể thấy và cảm nhận khái niệm này khắp đất nước.
Teraanga đặc biệt dễ nhận thấy trong văn hóa ẩm thực của Senegal.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Marie Correa Fernandes, giảng viên tiếng Wolof tại Đại học Kansas, giải thích về việc lòng hiếu khách được đưa vào mỗi bữa ăn như thế nào: "Trong nhiều gia đình, khi nấu nướng, họ luôn nghĩ rằng ai đó có thể đến; đó có thể là bất kỳ ai mà họ biết, hoặc họ có thể không biết." Để chuẩn bị tiếp đón ngay cả những vị khách không mời bằng teraanga, các gia đình đều để sẵn một đĩa 'biết đâu'.
Và đối với những vị khách thực sự xuất hiện vào giờ ăn, cách ăn của người Senegal là hiện thân của tinh thần chia sẻ teraanga.
Theo truyền thống, tất cả mọi người dùng chung từ một đĩa hoặc tô lớn. "Nhưng phần ngon nhất của món ăn luôn dành cho khách," Thiam nói. "Họ đưa cho bạn những miếng thịt và cá và rau ngon nhất."
Như Thiam nhận thấy, lý do của việc làm này rất đơn giản. "Chúng tôi thực sự tin rằng nếu cho đi càng nhiều, thì nhận lại càng nhiều. Đó thực sự là teraanga'."
Theo Fall Gueye, vai trò của thức ăn trong teraanga không dừng ở bữa ăn. Nó đoàn kết những người thuộc các tôn giáo khác nhau.
Senegal là một quốc gia đa số theo đạo Hồi và vào dịp lễ Phục sinh "những người theo đạo Thiên Chúa nấu nướng bữa ăn mà chúng tôi gọi là ngalax, làm từ hạt kê, bơ đậu phộng và bột trái cây bao báp", bà cho biết. "Sẽ có những gia đình Thiên chúa giáo mang món ăn đó đến cho các gia đình Hồi giáo."
Việc chia sẻ thức ăn trong ngày lễ diễn ra cả hai chiều: trong ngày lễ Eid al-Adha, những người theo đạo Hồi cho những người hàng xóm đạo Thiên Chúa món thịt cừu của họ.
Sức mạnh lòng khoan dung
"Chúng tôi tôn vinh cả hai tôn giáo và điều đó khiến chúng tôi cảm thấy thoải mái trong cộng đồng," Correa Fernandes nói thêm. "Ở teraanga, chúng tôi có lòng khoan dung đối với sự khác biệt. Chúng tôi là một nền văn hóa rất đa dạng."
Senegal bao gồm vài dân tộc khác nhau, bao gồm người Wolof, Pular, Serer, Mandinka, Jola và Soninke. Nhưng không như các nước láng giềng Guinea Bissau và Mali, vốn đã vật lộn với các cuộc đảo chính và bạo lực sắc tộc, sự đa dạng của Senegal không dẫn đến nhiều xung đột trong lịch sử.
Thực ra, Ngân hàng Thế giới gọi Senegal là "một trong những quốc gia ổn định nhất châu Phi" và theo Sene, tinh thần teraanga đã giúp thống nhất người Senegal thuộc mọi thành phần. "Điều mà người Senegal chia sẻ nhiều nhất là teraanga," ông nói.
Correa Fernandes nói rằng một trong những khía cạnh quan trọng nhất của teraanga là chào hỏi. "Bạn không thể chỉ đến gần và hỏi kiểu 'Bưu điện ở đâu?' 'Này. Chào tôi trước chứ!" bà nói. "Chào hỏi rất quan trọng. Sẽ thật sỗ sàng nếu chỉ bước vào bắt chuyện mà không chào người đối diện."
Tinh thần này giữ cho cuộc sống trong khu phố luôn hòa thuận. "Có một câu nói nổi tiếng của người Senegal rằng hàng xóm là gia đình, bởi vì nếu có bất cứ điều gì xảy ra với bạn, trước khi ngay cả người thân của bạn đến cứu bạn, thì hàng xóm sẽ đến," Fall Gueye nói.
Các buổi lễ hiếu hỉ trong cộng đồng cũng thể hiện nguyên tắc chào đón của teraanga. Các sự kiện trọng đại thường chào đón mọi người và không phân biệt. "Bạn không thể nói với một người rằng 'Anh có thể đến' hoặc với người khác rằng 'Không, anh không được đến'," Correa Fernandes nói. "Mọi người đều được mời."
Khi Correa Fernandes lấy chồng ở làng cô, không có thiệp mời nào cả. Cha mẹ cô cho hàng xóm láng giềng biết khi nào làm đám cưới và "ngày hôm đó, mọi người sẽ có mặt".
Sự cởi mở đối với hàng xóm này cũng mở rộng đến những người lạ đi ngang qua. Lớn lên ở nông thôn, gia đình Sene thường chào đón khách đến chơi nhà của họ trong một hoặc hai đêm, đôi khi thậm chí lâu hơn. Ông cho rằng lòng hiếu khách này vẫn được duy trì cho đến ngày nay.
"Ở Dakar, ngay cả với sự giấu danh tính ngày càng trở nên phổ biến ở các thành phố lớn, mọi người vẫn sẵn sàng chia sẻ bất cứ thứ gì họ có," ông nói.
Hỏi xin người lạ về chỗ nghỉ, nhà tắm, điện thoại hoặc nước, có thể sẽ được đáp ứng với tinh thần teraanga. "Bạn có thể đi quanh Dakar, gõ cửa và nói, 'Cho tôi xin miếng nước'. Mọi người sẽ cho bạn nước mà không hề có vấn đề gì."
Một trong những ca sĩ được kính trọng nhất ở quốc gia này, Youssou N'Dour, có bài hát về teraanga tóm tắt lại khái niệm này.
"Nit ki ñew ci sa reew, bu yegsee teeru ko, sargal ko ba bu demee bëgg dellusi," anh hát. Theo Correa Fernandes, nó có nghĩa là "Ai đó đến đất nước của bạn, khi họ đến, hãy chào đón họ, tôn vinh họ đến nỗi khi ra đi họ sẽ muốn quay trở lại."
Không có gì lạ khi chúng tôi, những du khách đến thăm đất nước này, rất háo hức được quay lại.
Colette Coleman
BBC Travel