có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 1 10, 2021

Ngồi Starbucks Nghĩ Về Em




Nhạc và lời: Ngô Minh Trí 
Trình bày: Ngô Minh Trí
Piano: Dan Lamaestra
Ghi âm: Ngô Minh Trí
Final mix: LeVuMusic Studio
Photo và graphics: MarcMarc



Ngồi Starbucks Nghĩ Về Em 

Ngồi quán cà phê mờ trông nắng dần tan
Còn chút tà dương, lững lơ chiều lang thang
Trời đâu đã vào Đông mà lạnh giá
Ngồi vân vê một ly cà phê ấm ...ấm trái đất này.

Ngồi quán cà phê mình anh nghĩ về em
Còn chút tà dương đời anh, nghĩ về em
Trời hôm nay vì sao trời lộng gió
Mùa Đông chưa về sao lòng lạnh giá ...buốt trong tim anh

Lời hẹn xưa ta bà thế giới đã lỡ rồi
Ngày vắng em, vắng tiếng cười
Có vui cũng ngậm ngùi
Từ chia xa khuất bóng
Tình còn chi trông mong?
Mà em đầy men sống
Vẫn yêu, vẫn lả lơi, vẫn lẳng lơ,
Vẫn khi dịu dàng tựa giòng suối ngoan

Trời lạnh trong quán người đông, một mình anh
Tình tự cùng ly cà phê còn hương ấm
Cà phê quen vì sao chợt mặn đắng
Nghĩ về em làm chi, làm sao cũng
Xa lìa tầm với
Xa rồi, còn đâu!



Cách đây mười mấy năm, NT quen với Ngô Minh Trí qua trung gian một người bạn. Lúc ấy NMT đang sửa soạn làm cuốn CD đầu tay Buồn C Major. Sau đó chúng tôi vẫn liên lạc qua điện thư, tuy không thường xuyên. Khi KẻJazz có dự định mang những ca khúc jazz Việt Nam vào chương trình, tôi hỏi NMT và anh đã gửi cho KJ một số ca khúc mới mà KJ sẽ lần lượt giới thiệu trong tương lai.

Sau đây là cuộc điện đàm cùng NMT.

NT: Xin bạn cho biết cơ duyên gì đã đưa bạn vào con đường âm nhạc, nhất là nhạc jazz?

NMT: Lúc mới sang Mỹ đầu thập niên 80, lần đầu được nghe Nat King Cole, Frank Sinatra, Louis Armstrong, Ella Fitzgerald v.v… thì rất thích. Thích cái “air” nhạc, ở cấu trúc bài hát, ở hòa âm phối khí, hết sức khác lạ chưa từng nghe qua ở VN. Nó mở ra một chân trời âm nhạc hoàn toàn mới mẻ mà tôi cảm thấy rất hợp với mình. Tuy nhiên, thời đó tôi vẫn chưa có một ý niệm cụ thể gì về jazz cả.

NT: Nghe như vậy thì hình như bạn đã có một số kiến thức về âm nhạc trước thời điểm này? Bạn đã học về nhạc hay chỉ vì yêu thích và nghe nhiều?

NMT: Tôi yêu nhạc từ lúc còn bé. Sau này sang Mỹ, tôi có thử một số những lớp học về khoa học kỹ thuật trong một thời gian ngắn. Sau đó biết ngay 100% rằng tôi sẽ không thể học được vì không thích hợp. Và quyết định chọn con đường mình đi: âm nhạc. Follow Your Heart! Người Mỹ vẫn nói như thế. Và khi đã chọn học nhạc thì có nghĩa là mang cái nghiệp âm nhạc vào thân rồi chứ gì nữa?

NT: Vào lúc ấy, bạn đã chọn học về nhạc jazz? Tôi thấy hình như nhiều thính giả VN không chịu được nhạc jazz vì tính cách “lơ lửng” làm họ cảm thấy “bất an”. Bạn thích nhạc jazz và chọn theo đuổi thể loại này thì tôi phải phục bạn rất là avant-garde.

NMT: Nghe [nhạc jazz] thì thích lắm nhưng lúc vào đại học, tôi lại chọn học nhạc cổ điển tây phương. Sau này nghĩ lại, thuở đó, thứ nhất, tôi vẫn nghĩ học nhạc có nghĩa là nhạc cổ điển tây phương; thứ nhì, không ai hướng dẫn cụ thể về những “genre” (thể loại) âm nhạc khác nhau.

Nói như vậy không có nghĩa là tôi xem nhẹ nhạc cổ điển tây phương. Tôi vẫn thưởng thức, vẫn cảm kích, và vẫn sáng tác ca khúc bán cổ điển đó chứ (không nhớ ai là người đầu tiên đặt cho cái tên bán cổ điển này. Cần phải tìm hiểu xem tại sao gọi như thế v.v…). Trở lại với jazz, chương trình học đòi hỏi sinh viên phải chọn học một số tín chỉ các môn phụ (elective), tôi chọn jazz. 

NT: Và bạn đã nghiêng về hướng jazz, viết nhạc jazz lời Việt. Chắc bạn cũng đã nghĩ đến vấn đề của nghệ thuật này có ít người thưởng ngoạn?

NMT: Lúc bước vào sáng tác, tôi không nghĩ mình sẽ viết nhạc jazz, vì làm sao có đủ khả năng? Hơn nữa, theo tôi, VN chúng ta (nhất là thế hệ tuổi tôi) không thể viết nhạc jazz như người Hoa Kỳ được. Muốn hiểu rõ cặn kẽ lý do có lẽ phải làm cả một…luận án cao học (đùa tí nhé), nhưng nói chung tôi nghĩ nguyên nhân chính là do ngôn ngữ, văn hóa khác biệt. Người VN chỉ có thể viết ca khúc mang âm hưởng jazz. Có thể thế hệ con cháu của chúng ta sẽ viết nhạc jazz theo tiêu chuẩn jazz Hoa Kỳ. 

Sau này khi viết ca khúc jazz đầu tay, jazz đến với tôi như một tình cờ. Có thể trong lúc viết, những gì tôi hấp thụ được về jazz lúc còn đi học đã in vào trong đầu mà mình không hay. Rồi khi viết, note này cứ nối tiếp note kia, kéo tôi sang một con đường không phải là nhạc bán cổ điển như trước đây: nó nghiêng về nhạc jazz.

Về sau một nhạc sĩ Jazz người Hoa Kỳ, Greg Adams, tốt nghiệp cao học về Jazz Studies, đã nhận xét về nhạc của tôi như thế này: “Nhạc của bạn có ít nhiều đặc tính (characteristics) nhạc jazz.”

Về nhạc jazz lời Việt, rất đơn giản là vì tôi viết cho chính mình, và viết cho thính giả người VN nếu tác phẩm của tôi được đón nhận. 

NT: Tôi biết nghệ sĩ có những cách làm việc khác biệt. Có người mỗi ngày đều sáng tác đều đặn. Có người lại phải chờ cảm hứng. Bạn thì như thế nào? Bạn có thể cho biết đại khái quy trình sáng tác một ca khúc như thế nào không?

NMT: Theo tôi, sáng tác, dù bất cứ ngành nghề nào, từ hội họa cho đến thơ văn, đều cần phải có nguồn cảm hứng nào đó chứ? Thật ra nếu có ai đó làm việc theo qui củ, ngày nào cũng sáng tác, thì tôi không biết. Có thể nếu người đó được trả tiền (commission) để viết nhạc cho một công ty nào, thì phải viết mỗi ngày như một nhân viên phải đi làm mỗi ngày.

Theo tôi, nếu không tính đến nguồn cảm hứng từ đâu tới, bao lâu mới thành hình, thì có thể nói cái quy trình sáng tác bắt đầu từ nguồn cảm hứng khi đã chín mùi, đặt ngòi bút xuống viết note đầu tiên cho tới note cuối cùng. Nó là đoạn đường đi chứ không phải tác phẩm đã thành hình.

Cái quá trình đó, nó giống như một cuộc vượt núi, băng ngàn. Trên đường phiêu lưu này có thể sẽ khám phá ra những loại kỳ hoa dị thảo mà bình thường mình không thấy. Ý tôi muốn nói đến những note nhạc, những âm trình (melody/harmony progression) lạ, hay, xưa nay chưa hề nghĩ ra. Hoặc cũng có những đoạn đường bằng phẳng nhàm chán, như việc phải dùng những ý nhạc cũ kỹ mà chưa biết làm sao thay thế.

NT: Có phải những “kỳ hoa dị thảo” này đã làm cho bạn đam mê sáng tạo âm nhạc?

NMT: Nói một cách khác, nó như một bào thai trong bụng mẹ, từ lúc chỉ là một tinh trùng bé xíu cho tới khi thành hình để ra đời. Người mẹ phải chăm sóc cái bào thai của mình như thế nào thì ai cũng đã biết. Người mẹ mang nặng đẻ đau. Người mẹ nửa đêm thức giấc xuống bếp tìm thức ăn vì “thèm ngọt hoặc thèm chua” v.v…

Cũng vậy, tôi đã trải qua những đêm thức trắng chỉ vì một vài note nhạc đang “bí” phải giải quyết cho xong, không thì sáng ngày lại quên mất. Hoặc lỡ nếu ý nhạc bị cắt đứt, nếu chờ cho đến sáng ngày hôm sau thì khó lòng tìm lại được. Có khi đang ngủ phải thức giấc vì chợt nghĩ ra một đoạn nhạc chuyển tiếp từ A sang B chẳng hạn, bèn chạy ra bàn giấy ghi xuống ngay. 

Nếu không là đam mê thì gọi là gì?

NT: Bạn sáng tác đã khá lâu, bạn có thấy những chuyển hướng nào trong thể nhạc hay cách thức sáng tác của bạn, từ Một Chút Jazz Vào Giọng Hát Em cho đến Nghịch Âm Buồn?

NMT: Không hề có vấn đề chuyển hướng trong sáng tác của tôi. Ca khúc tôi nói chung có ba khuynh hướng: bán cổ điển, jazz và….tạp lục. Chỉ có một điều quan trọng nếu cần đề cập đến là, sau mỗi sáng tác là một kinh nghiệm. Rồi lại tự học thêm những mới lạ trong cách viết melody, harmony v.v… Nghe thêm, quan sát thêm, học hỏi thêm ở những tác phẩm khác, nhạc sĩ khác. Tóm lại, nhạc tôi có thể có những mới lạ hoặc khác lạ ở bài sau so với bài trước, không có nghĩa hay hơn hoặc dở hơn, nhưng khuynh hướng sáng tác không có gì thay đổi.

NT: Đa số những nhạc sĩ Việt Nam đều không thích ca sĩ đổi lời bài hát. Đã có nhạc sĩ lớn của Việt Nam buộc tội một ca sĩ cũng rất lớn, rằng đổi lời thì cũng giống như được nhờ đọc một lá thơ mà lại cố tình đọc sai đi. Nhưng trong tinh thần ứng biến của jazz, bạn nghĩ sao khi những nhạc sĩ khác “improvise” giai điệu, hoặc ca sĩ “improvise” ca từ của bạn?

NMT: Trong tinh thần “ứng biến” của Jazz, theo tôi, vì VN không có jazz theo đúng tiêu chuẩn jazz của người Hoa Kỳ, nên câu hỏi này tôi không trả lời cụ thể được. Nếu cố gượng ép thì dù jazz hay không jazz, dù bạn có dùng những ngôn từ hấp dẫn tới đâu – improvise – mà đổi giai điệu – nếu hiểu giai điệu là melody – hoặc đổi ca từ thì chắc chắn là không được rồi. Nếu đổi cách đệm sao cho hay hơn hoặc hay bằng thì còn có thể chấp nhận được.

Tôi đã từng nghe Trần Mạnh Tuấn chơi jazz saxo bài Hạ Trắng. Các bạn đã biết rồi: Hạ Trắng không phải là một ca khúc jazz. Lưu ý: TMT chỉ improvise những đoạn chuyển mà thôi, melody vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên ngay cả những đoạn chuyển, nếu quá nhiều yếu tố jazz sẽ làm lạc mất tinh thần bài Hạ Trắng.

Những bài nhạc Pháp như Les Feuilles Mortes (Autumn Leaves), La Vie En Rose khi sang tới Hoa Kỳ đều chơi theo phong cách jazz. Jazz đó làm cho bài hát hay hơn mà không đổi giai điệu, không đổi ca từ (dịch không chính xác thì có, mà thật ra rất khó dịch). Những đoạn chuyển cũng “phăng” rất nhiều nhưng lại không làm lạc đi tình thần bài hát như trường hợp Hạ Trắng. Lý do, theo tôi, cái ngôn ngữ âm nhạc của nhạc VN (đông) và tây phương khác nhau rất nhiều. Do đó nhạc Pháp chơi theo kiểu jazz rất hay mà không làm lạc tinh thần bài hát.

Nhạc bossa nova, ví dụ bài The Girl from Ipanema của Antonio Carlos Jobim, được đón nhận nồng nhiệt và trở thành một bài Jazz standard của nền âm nhạc Hoa Kỳ. Vì sao? Vì cái ngôn ngữ âm nhạc tây phương của ca khúc này. 

Nếu bạn vẫn chưa tin, xin đưa ra một ví dụ khác. Nhạc Nhật, nhạc Tàu đều có những ngôn ngữ âm nhạc riêng của nó. Đây tôi chỉ muốn nói về tân nhạc chứ không nói về nhạc cổ truyền. Khi bạn nghe một ca khúc của họ, dù không hiểu tiếng nói, bạn cũng có thể đoán ra ít nhiều rằng đây không phải là một ca khúc tây phương. Thử jazz improvise xem nó có ra bài hay không. 

Thêm một ví dụ nữa về nhạc VN. Những ca khúc viết sau 75 như Không Còn Mùa Thu, Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa; nhạc trước 75 ví dụ như Cỏ Hồng, Trả Lại Em Yêu, v.v… bạn thử improvise jazz xem sao?

Đổi lời thì, xin lỗi, không thể chấp nhận được. Tác phẩm của bất cứ tác giả nào, dù hay, dù dở, thì nó cũng đã ra đời với hình hài như thế. Một đứa bé dù xấu đẹp, lành lặn hoặc tật nguyền, thì đứa bé cũng đã ra đời. Bạn không thể uốn nắn, bẻ cong, kéo thẳng theo ý mình được. Vì thế, nên tôn trọng tác phẩm người khác.

NT: Như vậy, ngoài tôn trọng ca từ, bạn còn có gì để nói với những ca sĩ muốn hát nhạc của bạn không?

NMT: Tôi không có câu trả lời cụ thể. Tuy nhiên, một cách tổng quát thì như thế này: đến với một tác phẩm nghệ thuật thì nên đến với một tấm chân tình, sống với tác phẩm đó, tự đặt mình vào vị trí của người mang nặng đẻ đau ra nó, do đó có thể hiểu tác phẩm đó hơn. Tôi nghĩ người nghệ sĩ sáng tác nào cũng sẽ cảm kích điều này

NT: Tôi không hẳn đồng ý kiến với bạn về “ứng biến” ca từ. Tôi nghĩ, đôi khi, những thay đổi có thể làm tác phẩm mang một ấn tượng, sắc thái mới lạ, hoặc một xúc cảm có thể gần gũi hơn cho thính giả trong một không gian khác hoặc một thời điểm khác. Lẽ dĩ nhiên, điều này lại đòi hỏi cái khả năng cũng như trình độ của người hát khi đột xuất ứng biến, vì nếu không, lời ca sẽ thành ngô nghê hoặc quê mùa.

Và tôi rất đồng ý với bạn về việc hát bằng tấm chân tình. Một phần nào, đây là một cách thể hiện lòng yêu quý nghệ thuật cũng như tôn trọng tác giả và tác phẩm. Ngoài ra, tình cảm chân thật khi bộc phát dễ gây xúc cảm và ấn tượng cho người nghe hơn là những màu mè giả tạo.

Thêm một câu hỏi cuối: Với một nhạc sĩ trẻ mới bắt đầu sáng tác, bạn có lời khuyên gì?

NMT: Tôi không có ý kiến hay lời khuyên gì cụ thể cho các nhạc sĩ trẻ. Một cách tổng quát, thì bất cứ ngành nghề nào cũng cần phải học thêm mỗi ngày. Nếu bạn là một nghệ sĩ (văn, thơ, nhạc, họa…) thì lại càng phải trau dồi khả năng của mình, cũng như tìm tiếng nói riêng cho mình. 

NT: Xin cám ơn Ngô Minh Trí.

Và hôm nay, KẻJazz rất hân hạnh giới thiệu đến với các bằng hữu của KJ một người nhạc sĩ mà bao nhiêu năm qua chúng tôi vẫn yêu mến, qua một nhạc phẩm của anh do chính anh trình bày. Mời thưởng thức.