Chưa có du khách nào đến Rome mà không ghé đến thăm Vatican City. Đây là một quốc gia nhỏ bé nhất thế giới, nhưng lại là thánh địa lớn nhất của tôn giáo Catholic.
Đến thưởng ngoạn ngôi đại giáo đường St. Peter (Thánh Phê-rô) lớn nhất thế giới, nhưng nếu bạn chưa dừng chân lại bên Sistine Chapel ngay cạnh nhà thờ Thánh Phê-rô thì quả là một điều thiếu sót lớn khi đến Vatican. Ðiều gì đã khiến Sistine Chapel lôi cuốn và hấp dẫn du khách như thế?
Đức Giáo Hoàng Francis chụp hình với các nhà ngoại giao được Tòa Thánh công nhận tại Sistine Chapel ở Vatican hôm 9 Tháng Giêng, 2020. Trên vòm là các bức họa tranh của đại danh họa Michelangelo. (Hình minh họa: Remo Casilli/Pool/AFP via Getty Images)
Sistine Chapel là một nhà nguyện tương đối nhỏ, kích thước được thiết kế tương đương với kích thước của ngôi đền Jerusalem được viết trong Kinh Thánh. Chapel có chiều dài khoảng 40 mét, chiều ngang 13.5 mét, và chiều cao 20 mét. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là kích thước của ngôi nhà nguyện, mà là sự trang trí và thiết kế bên trong mới chính là bảo vật của Vatican. Những bức họa tranh quanh tường, và trên vòm trần nhà của ngôi nguyện đường là những bức họa tranh tuyệt hảo, làm kinh ngạc và sửng sốt cho tất cả các du khách khi đặt chân vào bên trong ngôi nhà nguyện này.
Có nhiều nghệ nhân thiên tài tại thời điểm đó tham gia vào sự thiết kế trang trí lại Sistine Chapel. Một trong những nghệ nhân thiên tài phải nói đến là Michelangelo. Ông sinh vào năm 1475, là một trong những nghệ nhân thiên tài của nhân loại vào trong thời văn hóa Phục hưng bên La Mã. Ông là người đa tài, vừa là một nhà kiến trúc, vừa là một họa sĩ, vừa là một nhà điêu khắc lỗi lạc của thế kỷ 15-16.
Các tác phẩm của Michelangelo ngày nay đã trở thành những bảo vật của nhân loại như pho tượng thần David được ông hoàn thành vào năm 1504 lúc ông mới 29 tuổi. Nhưng vượt lên trên tất cả các kiệt tác của ông, người ta phải nói đến bức họa tranh trên vòm trần Sistine Chapel và bức họa tranh Last Judgement (sự phán xét cuối cùng) trên tường sau lưng cung thánh của Sistine Chapel.
Năm 1508, Michelangelo được Ðức Giáo Hoàng Julius II cho vời đến Rome, và đề nghị ông phụ trách việc vẽ lại các bức họa tranh trên vòm thánh đường Sistine, để thay đổi những họa tranh đã được vẽ trước đó. Nhưng lần đầu gặp, và khi biết ý định của Đức Giáo Hoàng, ông đã từ chối vì sợ không đủ tài
Một góc họa tranh trên trần vòm Sistine Chapel.
(Hình minh họa: Andrew Medichini/AFP via Getty Images)
Tuy nhiên, vì biết tài ông nên Ðức Giáo Hoàng lại cho vời ông đến một lần nữa, và ủy thác cho ông việc trang trí vòm thánh đường bằng những bức tranh họa có ý nghĩa sâu xa hơn, nhằm để thay đổi các bức họa trên vòm thánh đường, mà khi đó Đức Giáo Hoàng vẫn cho là vẫn chưa diễn tả được hết ý nghĩa trong Kinh Thánh như ý Đức Giáo Hoàng muốn.
Ðây là một việc làm rất là khó khăn cho một nghệ nhân, khi mà phải trang trí vòm của thánh đường Sisstine bằng những hình ảnh để diễn tả ý nghĩa những hoạt cảnh theo Kinh Thánh.
Cần nói thêm một chút về ý nghĩa của Sisstine Chapel. Đây là một ngôi nhà nguyện của tòa thánh La Mã, được xem như là một ngôi nhà nguyện riêng biệt dành cho Ðức Giáo Hoàng. Hơn nữa, mỗi khi phải bầu lên một vị Giáo Hoàng mới (thay thế vị Giáo Hoàng vừa mới qua đời), tất cả các Hồng Y trên thế giới đều tụ tập về Sistine Chapel hội họp và bỏ phiếu để bầu chọn một vị Giáo Hoàng mới.
Vì thế không gian trong Sistine Chapel có lẽ là một điểm rất quan trọng với Đức Giáo Hoàng Julius II. Đó cũng là công việc rất là phức tạp cho người họa sĩ, hoàn toàn không dễ dàng chút nào.
Bức họa tranh của Michelangelo thiết kế trên vòm thánh đường là một loạt các bức họa tranh dưới hình thức như là các bức thảm treo trên hai bên tường cao và trên trần Chapel. Những họa tranh ông vẽ trên mái vòm Chapel có thể chia ra làm hai phần.
Phần thứ nhất, Michelangelo bắt đầu vẽ từ phía dưới vòm thánh đường bằng các bức tranh mà tạm dịch là “Tổ tiên của Chúa Giê-Su,” gồm có tranh vẽ về các nhà tiên tri (đã tiên đoán
Chúa sẽ đến), và các hoạt cảnh của xứ Israel được cứu vớt.
Ba họa tranh diễn tả “Phân chia ánh sáng và bóng tối,” “Phân chia nước và đất,”
“Sự sáng tạo ra mặt trời-mặt trăng-cây cỏ.” (Hình: Poster)
Ba họa tranh diễn tả “Sự tạo thành Adam,” “Sự tạo thành Eve,” và
“Tội lỗi nguyên thủy và Adam-Eve bị trục xuất ra khỏi vườn Eden.” (Hình: Poster)
Ba họa tranh diễn tả về “Trận Đại Hồng Thủy,”
“Cơn say rượu của Noah,” và “Sự hy sinh của Noah.” (Hình: Poster)
Phần thứ hai là phần trung tâm của mái vòm được chia ra làm các bức tranh nhằm diễn tả “Chín hoạt cảnh chính trong Kinh Thánh.” Một trong những điều hay nhất của Michelangelo là ông đã không vẽ các bức họa tranh quá lớn mà ông lập ra từng khung tranh ảnh diễn tả ý nghĩa từng phối cảnh của tranh.
Cách phối trí này của Michelangelo làm cho người xem khi đi vào từ cổng chính của Sistine Chapel có thể hình dung ra được phần ý nghĩa của các bức tranh rất là rõ ràng. Chín hoạt cảnh chính trong Kinh Thánh này được chia làm ba phần, mỗi phần gồm ba bức họa tranh nhằm diễn tả từng giai đoạn chính trong Kinh Thánh.
Vừa bước vào Chapel, ngước nhìn lên trần nhà hướng về cuối cung thánh, người du khách có thể nhận ra ngay là ba bức tranh diễn tả về “Phân chia ánh sáng và bóng tối,” “Phân chia nước và đất,” “Sự sáng tạo ra mặt trời-mặt trăng-cây cỏ.”
Ba bức họa tranh nối tiếp theo diễn tả về “Sự tạo thành Adam,” “Sự tạo thành Eva,” và “Tội lỗi nguyên thủy.” Ðây là các hoạt cảnh diễn tả về sự cám dỗ của Eva đến Adam và cảnh cả Adam-Eva bị trục xuất ra khỏi vườn Eden.
Ba bức tranh cuối, là các họa tranh diễn tả về “Trận Đại Hồng Thủy,” “Cơn say rượu của Noah,” và “Sự hy sinh của Noah.”
Nét vẽ của tất cả các họa tranh không những đã tinh xảo cộng lẫn với màu sắc rực rỡ hài hòa lẫn nhau, tất cả các yếu tố ấy đã tạo thành một bảo vật của Sistine Chapel suốt từ 6 thế kỷ nay.
Chỉ cần chín bức họa tranh, nhưng rõ ràng Michelangelo đã dùng hình ảnh để dẫn dắt người thưởng ngoạn đến với Kinh Thánh một cách dễ dàng. Ðức Giáo Hoàng John Paul II đã nói về người nghệ nhân này như sau: “Hình như Michelangelo đã thả hồn theo sự hướng dẫn của sự gợi ý trong sách Sáng Tạo để sáng tác ra lối diễn tả độc đáo của ông về những nét tuyệt đẹp của con người mà Chúa đã tạo ra người Nam và người Nữ.”
Toàn cảnh họa tranh trên trần vòm Sistine Chapel.
(Hình minh họa: L’Osservatore Romano/The Vatican-Pool/Getty Images)
Riêng bức tranh Thiên Chúa tạo ra nhân loại nam nữ là bức họa tranh thu hút tâm tư tôi nhiều nhất. Đây cũng là một bức tranh diễn tả về sự sinh tạo danh tiếng nhất thế giới trong lịch sử của nghệ thuật. Michelangelo cho người xem thấy khả năng sáng tạo lạ lùng của ông qua hình ảnh Ðức Chúa Trời tạo nắn hình thù của con người từ một mảnh đất sét vô hình.
Ngoài các tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác nhất như vừa kể trên, Michelangelo cũng là tác giả của bức tranh đầy kịch tính “Sự phán xét cuối cùng” được vẽ ngay trên tường điện thờ. Đây lại là một tuyệt tác khác của ông trong Sistine Chapel.
Có nhìn thấy tận mắt những bức họa tranh trên vòm trần nhà thờ Sistine, bức họa tranh “Sự phán xét cuối cùng” trên tường điện thờ. Chúng ta mới cảm thấy được cái thiên tài và vĩ đại của người nghệ nhân Michelangelo. Ngoài những bức họa tranh tại nguyện đường Sistine để lại cho hậu thế, Michelangelo còn rất nhiều các tác phẩm điêu khắc và hội họa khác được xem như tài sản cho cả nhân loại.
Michelangelo đã làm việc 17 năm liên tiếp tại thánh đường Thánh Phêrô (St. Peter). Vào cuối đời, ông gần như bị lòa và sức khỏe rất là yếu kém, nhưng ông vẫn cố gắng cầm búa, cầm đục để hoàn thành những bức tượng cuối cùng trong đời sống ông. Ông mất ngày 17 Tháng Hai, 1564, thọ 89 tuổi.
Lúc gần mất, Michelangelo biết về sức khỏe của ông, nên ông đã gọi người cháu ông đến Rome và di chúc ông để lại: Linh hồn ông sẽ về với Thượng Đế, thể xác ông ở lại lòng đất, và tâm hồn ông thì ở lại với gia đình. Người cháu ông đã theo di chúc ông, đưa thân xác ông về Florence và an táng ông chung với dòng họ ông ở đây.
Trần Nguyên Thắng