có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 11 13, 2020

Từ Bình Sơn tới Đông Bàn


nhà văn Phạm Phú Minh
(Phạm Xuân Đài)


Bắt đầu viết sau khi được tin anh Chu qua đời tại Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2011, thọ 77 tuổi.

Thầy mợ tôi có cả thảy bảy người con, hai chị đầu rồi đến một dọc năm đứa con trai. Anh Hòa là con trai đầu, kế đến là anh Chu. Sau anh Chu là anh Hiển, đến tôi là Minh rồi đến Lợi là út.

Chu là tên gọi ở nhà, chứ tên khai sinh của anh là Hiệp, Phạm Phú Hiệp. Một lần tôi nghe thầy tôi kể về nguồn gốc tên Chu: khi anh Hiển tôi ra đời, anh Chu mới lên ba, một hôm vào buồng mợ tôi thấy em bé đang trần truồng, bèn chỉ vào và nói to lên với giọng còn ngọng: “Chon chu kìa, chon chu kìa!” Mọi người đều bật cười và từ đó gọi anh là Chu.

Dù gia đình gốc tỉnh Quảng Nam, các anh em trai chúng tôi đều sinh tại làng Tiên Đào, phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian thầy tôi làm hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Sơn, từ khoảng cuối thập niên 1920 đến 1945. Đó là phủ lỵ có quốc lộ 1 chạy qua, gồm một ngôi chợ tên là chợ Châu Ổ, một trạm y tế, một rạp hát, một trường học và dĩ nhiên, một phủ đường là nơi tri phủ và bộ phận hành chánh của phủ làm việc. Con sông Trà Bồng chảy qua chia thị trấn phủ lỵ ra làm hai phần: phía hữu ngạn có chợ Châu Ổ và trạm y tế, coi như là khu thương mại, tả ngạn có phủ đường, trường học, rạp hát, tạm coi là khu văn hóa. Nối liền hai bên là cây cầu Bình Sơn của quốc lộ 1, nơi xe hơi, xe đạp, xe kéo và người đi bộ qua lại hằng ngày. Nhà thầy tôi cũng như hầu hết giáo viên trong trường Bình Sơn đều nằm bên tả ngạn.


Tôi ra đời năm 1938, khi bắt đầu có nhận thức (chắc vào khoảng bốn tuổi) thì thấy trong nhà tôi rất đông đúc, vì anh chị em tôi vốn đã đông, lại thêm nhiều học trò trọ học. Những người trọ học ấy đều từ Quảng Nam vào, là con cái của bà con, bạn bè của thầy mợ tôi gởi gắm. Đã có nhiều đợt học trò ngụ tại nhà của thầy tôi khi tôi còn quá nhỏ, thậm chí khi tôi chưa ra đời, nhưng khi tôi bắt đầu nhận biết thì trong đám đông đúc ấy lờ mờ có hình ảnh các anh Tạ Ký, Hoàng Dũng (anh Ngọ, anh họ tôi), Hà Xân, Phạm Phú Kiền..., họ họp với các anh của tôi thành một tập thể nghịch ngợm, năng động và rất vui. Nhưng có vẻ tôi thân với anh Chu của tôi hơn cả, vì anh có một quyển vở chép bài hát mà tôi rất thích giở ra coi. Tôi rất mê hình ảnh mà anh vẽ ngay trang đầu, gần như nguyên một trang: một cậu bé ngồi nhìn lên trời, và trên trời có một mặt trăng rất to với mấy vệt mây bên cạnh. Ngay dưới bức tranh có chép mấy câu hát, tôi nhớ vì anh Chu của tôi hát cho tôi nghe chứ hồi đó tôi chưa biết đọc:

Trăng lên kia rồi
Như gương lưng trời
Cùng nhau múa hát ngắm trăng chơi

Bài hát theo điệu Clementine, đây là các câu hát tiếng Việt đầu tiên theo điệu này mà tôi biết. Sau này lớn lên tôi còn biết nhiều câu hát khác đặt theo điệu dân ca Tô Cách Lan này nhưng tôi không bao giờ quên mấy câu mà anh Chu hát cho tôi nghe khi tôi còn bé tí, nó luôn luôn gợi trong tôi một tình cảm rất trong sáng như một mảnh gương tròn nằm vằng vặc giữa trời.

Một điều nữa tôi nhớ về anh Chu của tôi trong thời kỳ này là một buổi diễn kịch của trường Tiểu học Bình Sơn. Tôi không biết buổi diễn là trong dịp gì – có lẽ vào dịp cuối niên học – sân khấu ngay trong préau (một khoảng sân chơi có mái lợp) của trường, thời gian chắc vào năm 1943 dựa trên những gì còn nhớ được của một đứa bé năm tuổi là tôi lúc bấy giờ. Anh Chu xuất hiện trong hai vở kịch. Vở thứ nhất dựng theo bài thơ ngụ ngôn “Cô Pérette” của La Fontaine do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, gồm hai diễn viên, cô Pérette và ông chồng. Vai chính là cô Pérette do Cao Huy Thuần đóng, một cô gái trắng trẻo bước ra sân khấu với một cái bình trên đầu vừa đi một cách yểu điệu vừa đọc bài thơ:

Cô Pérette đi mang liễn sữa
Kê đệm bông để giữa đỉnh đầu
Ắt rằng Kẻ Chợ xa đâu
Nhẹ nhàng thoăn thoắt chẳng âu ngại gì...

Cô gái diễn xuất các ước mơ sữa bán xong, mua trứng về, ấp thành gà con, vừa chỉ tay khoa một vòng quanh mình vừa hào hứng đọc Chẳng trong mấy chốc đàn gà đầy sân... Giấc mơ tiếp tục cho đến lúc cô hứng chí quá nhảy lên khiến liễn sữa trên đầu rơi xuống đổ tan tành, cô vừa khóc vừa ngâm nốt bài thơ:

Sữa đổ nhào hết thảy còn chi
Nào bò nào lợn nào bê
Nào gà nào trứng cũng đi đàng đời
Cô tôi thấy của rơi lênh láng
Lủi thủi về chịu mắng cùng chồng...

Đúng lúc ấy ông chồng, do anh Chu tôi đóng, xuất hiện, đầu thắt khăn đầu rìu lại vẽ thêm hai vệt râu mép, cầm cây gậy đánh vào cô vợ mấy cái, rồi cả hai cùng đọc để kết thúc vở kịch:

Đành rằng mấy gậy là cùng
Để câu chuyện sữa kể rong khắp làng.

Vở kịch thứ hai là vở Trần Bình Trọng, anh Chu đóng vai Trần Bình Trọng khi đã bị giặc Tàu bắt, có cuộc nói qua nói lại gì đó giữa tướng Tàu và tướng ta, tôi chỉ còn nhớ câu anh Chu thét rất to: Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc, sau đó bị lính Tàu xúm đâm chém, Trần Bình Trọng ngã xuống cùng lúc có tiếng hát đồng ca từ hậu trường:

Trần Bình Trọng, Trần Bình Trọng!
Dưới gươm đầu rụng
Lòng không lay động
Lấy thân đền nợ nước
Lòng tôi chết vì trung
Kìa gươm thiêng từ thuở trước
Rạng vẻ đấng anh hùng
Trần Bình Trọng, Trần Bình Trọng!

Làm sao cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ đầy đủ lời ca lẫn nhạc điệu của bài Trần Bình Trọng này, dù khi tôi lớn lên bài đó đã tuyệt tích trong xã hội? Tôi không nghĩ chỉ coi một buổi kịch đó mà tôi nhớ mãi bài hát, chắc trong gia đình về sau các anh chị tôi đã hát bài đó nhiều lần tôi mới nhập tâm như thế.

Thời tôi lên bốn năm tuổi ấy, suốt ngày tôi và anh Hiển (hơn tôi chỉ một tuổi) chơi trong một ngôi nhà vắng lặng bên cạnh mợ tôi, vì thầy tôi và cả đám học trò đều lên trường hết. Có thể thời gian ấy chị Cả tôi lên 16, 17 đã thôi học nhưng tôi không để ý sự hiện diện của chị ở nhà, tôi chỉ nhớ thường ở bên cạnh mợ tôi. Thú vị nhất là cảnh dưới mái hiên khi người bán thịt heo ghé lại mời mợ tôi mua hàng. Bà hàng thịt gánh hai cái rổ lớn miệng rộng có nắp đậy bên trên, một bên là thịt sống, một bên là thịt chín trong đó luôn có hai món huyết và gan đã luộc. Dù mợ tôi có mua thịt hay không, anh Hiển và tôi luôn luôn được mỗi đứa một miếng huyết hoặc gan, hai đứa tôi sung sướng vừa ăn vừa nhảy cà tưng khắp nhà, và cho đến ngày nay tôi vẫn còn nhớ lúc đó tôi thấy gan ngon hơn huyết nhiều. Một món quà nữa tôi vẫn được mợ tôi mua cho ăn là xu xoa, tức là món đông sương nấu bằng rau câu đổ vào cái chậu bằng đất, người bán xắn từng miếng bỏ vào cái chén nhỏ rồi rưới nước đường lên trên. Món ngọt còn có đậu hũ, ăn nóng, cũng với nước đường giống như xu xoa. Hai món quà ngọt này thường được gọi chung là “xu xoa đậu hũ” mặc dầu chúng được bán riêng rẽ.

Buổi trưa nhà ồn lên vì gần mười người từ trường về, nhưng sau bữa ăn trưa, nhà yên tĩnh lại vì một kỷ luật rất nghiêm nhặt: phải giữ yên lặng cho thầy tôi ngủ trưa. Đám học trò tản ra, có một hình ảnh tôi còn giữ mãi: bên cạnh đường quốc lộ chạy ngang trước nhà có trồng một hàng cây, hình như là dương liễu, có lần tôi thấy đám học trò ấy mỗi người mang vở leo lên một cây ngồi học bài, cả một hàng dài tụng bài nghe như tiếng ve kêu, rất ngộ nghĩnh. Chắc cũng là một trò nghịch thôi, nhưng cái hình ảnh đó rất vui và độc đáo.

Sau khi mợ tôi qua đời đột ngột vào mùa hè năm 1944 (mới có 38 tuổi), tôi và anh Hiển tôi được gửi về Đông Bàn, Quảng Nam ở nhà ông nội với sự săn sóc của cô Tư tôi. Cô Tư góa chồng, không có con, về ở với ông bà nội tôi từ bao giờ tôi không biết, nhưng từ khi có nhận thức tôi đã thấy cô Tư là người cai quản mọi chuyện trong nhà ông nội tôi. Nói cách khác, dưới mắt tôi, ngôi nhà ngói bên bờ sông Thu Bồn thuộc làng Đông Bàn đó cũng là nhà cô Tư. Bây giờ nhớ lại, tôi thấy việc tôi và anh Hiển tôi về Đông Bàn thời gian ấy là phải lẽ, vì sau cái tang bà nội tôi vào năm 1943, ngôi nhà ở Đông Bàn chỉ còn có ba người: ông nội tôi, cô Tư tôi và thằng Kề, một đứa bé giúp việc mà cô tôi mang về từ quê chồng ở Cẩm Toại, huyện Hòa Vang; trong khi đó nhà thầy tôi ở Bình Sơn sau khi mợ tôi mất thì khá lúng túng vì mọi sự cai quản trong cái nhà rất đông đúc phức tạp ấy đều do hai người con gái lớn là chị Ba và chị Cả tôi, chỉ mới ở tuổi mười lăm mười bảy.

Đông Bàn là một thế giới khác hẳn Bình Sơn. Nếu phủ lỵ Bình Sơn là một thị trấn ven quốc lộ hàng ngày rộn rịp xe cộ chạy qua, có sự buôn bán tấp nập, có trạm y tế, rạp hát, và một trường học khá lớn với nhiều thầy giáo từ xa được bổ tới, nói chung có nhiều dấu vết của nền văn minh thị thành trong thời Pháp thuộc, thì Đông Bàn là một ngôi làng cổ truyền thuần túy Việt Nam. Về sống dưới mái nhà ông nội, tôi và anh Hiển rơi vào sự cổ kính ấy. Phần giữa nhà là gian thờ, một nơi nhiều bí ẩn mà chúng tôi ít khi dám tới gần. Bên trên gian thờ có treo bức chân dung màu vẽ một ông mặc triều phục đầu đội mũ cánh chuồn tay cầm hốt, đó là ông cố chúng tôi. Vì ông tên là Thứ, cô tôi không bao giờ phát âm chữ thứ và dặn chúng tôi cũng phải kiêng chữ ấy. Để biết ngày trong tuần thì cô hỏi: “Bữa ni là thớ mấy vậy con?” Nửa nhà phía tây là giang sơn của ông nội tôi, với những thứ đồ dùng cổ xưa. Trên cây cột có treo một cái quạt lớn tôi chưa từng thấy, gồm một cái cán gỗ sơn đỏ dài độ nửa thước, rồi đến nan quạt là những lông chim rất to ghép vào nhau xòe ra làm thành một hình tròn đường kính gần một thước tây (sau này lớn lên đi nhiều nơi tôi cũng chưa thấy giống lông vũ nào mang bộ lông lớn như vậy – có người nói đó là lông đà điểu). Chỉ một vài lần vào những ngày nóng quá tôi thấy ông sai thằng Kề mang cái quạt ấy xuống ra sức quạt cho ông, tạo ra sức gió đi rất xa.

Ở chái tây, trên sát mái nhà có treo một cái cáng, gồm một cái mui che mưa nắng hình khum khum, một cái đòn dài có chạm trổ và một cái võng rất rộng. Khi di chuyển, người dùng cáng nằm trên võng, trên có mui che và hai người khiêng ở hai đầu cái đòn. Trong thời gian mấy năm ở Đông Bàn tôi chưa bao giờ thấy cái cáng ấy được hạ xuống để dùng – có lẽ vì người duy nhất sử dụng nó là ông nội tôi, năm ấy ông đã 80 tuổi, không còn muốn đi đâu nữa. Nhưng có một lần tôi thấy một cái cáng lạ xuất hiện ở ngay cổng nhà tôi, hai bên buông rèm kín mít. Hai người phu khiêng dừng ngay trước cổng nhà chuẩn bị cho người nằm trên cáng bước xuống. Khi rèm được vén lên thì tôi nhận ra người đi cáng đó là bà ngoại tôi, từ trên làng Quảng Huế huyện Đại Lộc xuống thăm nhà sui gia. Tôi và anh Hiển đã từng được đi Quảng Huế thăm bà và được bà rất thương yêu cưng chiều, thế nhưng khi bà xuất hiện trong cái cáng ấy, tôi thấy bà rất khác thường như từ một thế giới xa xôi nào hiện về, đầy vẻ sang cả xa lạ, và bí mật nữa, chứ không phải bà ngoại bình dị đầy yêu thương như tôi đã biết.


Ông nội tôi là một ông già hiền lành, người dong dỏng cao và nước da trắng, đi lại chầm chậm đôi khi có chống gậy, nhưng sức khỏe tốt, tôi không thấy ông đau ốm gì. Tôi và anh Hiển “làm bạn” với ông tương đối nhanh chóng. Hằng ngày ông hay đọc tiểu thuyết chữ nho, thường là bộ Tam Quốc, tôi biết vì ông chỉ vào các hình vẽ trong sách và giới thiệu các nhân vật cho tôi: “Ông có râu rậm ni là ông Trương Phi, còn ông cỡi ngựa là ông Quan Công ngồi trên con ngựa Xích Thố...” Đó là những nhân vật truyện Tàu đầu tiên mà tôi biết. Ông rất coi trọng chữ nho, coi là chữ của thánh hiền, không bao giờ ông cho phép chúng tôi chơi với một mảnh giấy có chữ nho mà bắt đem vào bếp đốt đi, dù đó chỉ là cái toa của chai dầu Nhị Thiên Đường.

Bây giờ nhớ lại tôi cũng lấy làm lạ vì sự sùng kính gần như tôn giáo đó của ông tôi đối với chữ của nước Tàu. Lạ hơn nữa thân phụ của ông nội tôi là ông Phạm Phú Thứ, dĩ nhiên cũng là một nhà nho, nhưng có tư tưởng rất là duy lý, trong chuyến đi sứ bên Pháp đã cố gắng tìm hiểu và ghi chép lại bằng chữ nho những tiến bộ về khoa học của Âu Tây một cách rất cặn kẽ, nhiều khi phải chế ra chữ mới hoặc phiên âm tiếng Pháp để diễn tả những hiện tượng, sự kiện và những ý niệm mới mẻ mà phương Đông chưa hề biết. Nhưng đến đời ông nội tôi lại chìm đắm vào thế giới chữ nghĩa “của thánh hiền”, coi đó như là cái gì linh thiêng không được xúc phạm, như thế chứng tỏ tất cả những cố gắng canh tân của ông cố tôi không có ảnh hưởng gì vào sự giáo dục của thời đó, có chăng chỉ đánh thức một số sĩ phu ưu thời mẫn thế.

Đọc sách chán thì ông nội tôi ra ngồi chơi trên cái chõng ngoài hiên, sai tôi hay anh Hiển mang cái chén bằng đất nung xuống bếp lấy lửa cho ông hút thuốc. Thật ra cái dụng cụ để lấy lửa ấy không phải gọi là cái chén, nó có hình dáng như một cái lò nhưng chỉ nhỏ bằng cái chén, ngày nay tôi đã quên mất tên gọi của nó là gì. Tôi mang xuống bếp, gắp bỏ vào trong đó vài viên than hồng rồi mang lên cho ông. Nếu hút thuốc điếu thì ông vấn thuốc rê bằng giấy quyến, rồi châm lửa từ cục than hồng. Hút gần hết điếu thuốc, ông dụi cho tắt rồi dán phần còn lại lên cây cột, cây cột chỗ ông ngồi chi chít những tàn thuốc dán lên. Có lần vừa hút thuốc, ông nói với tôi và anh Hiển có muốn xem ông phà khói ra hai mắt không, nếu muốn thì phải ngồi lại gần nhìn vào mắt ông. Chúng tôi nhao nhao chịu liền, leo lên giường chăm chăm nhìn vào mắt ông, cho đến khi tôi cảm thấy nóng ở bàn tay mới biết ông đưa điếu thuốc từ từ dí vào tay tôi. Dĩ nhiên ông dí đùa thôi không làm phỏng tay tôi, nhưng khi phát giác thì tôi hoảng hồn la lên và nhảy vọt xuống giường, khiến ông phá lên cười lên ha hả.

Nếu ông hút thuốc lào – mà trong nhà tôi gọi là thuốc trà – thì nhiêu khê hơn. Ông có một cái điếu thuốc trà khá đẹp làm bằng một mắt (lóng) tre, và một cái xe điếu (tức cái ống để ngậm vào miệng mà hút) bằng một đoạn cây trúc cong cong. Hút thuốc trà (tức thuốc lào) thì phải có lửa ngọn từ một cái đóm (từ đó có cụm từ “điếu đóm”) để đốt cháy viên thuốc để trong cái nõ, cùng lúc người hút ngậm lấy cái xe điếu và hút. Khói thuốc từ nõ chạy xuyên qua khối nước đựng trong điếu trước khi tới miệng người hút tạo nên tiếng kêu rọc rọc dòn dã, hồi nhỏ tôi thấy đó là một điều ly kỳ và lấy làm thích thú vô cùng.

Nhưng làm sao từ mấy cục than hồng, ông tôi có được ngọn lửa cháy trên cái đóm để hút thuốc trà? Đây là cách làm của ông nội tôi: ông dùng một tờ giấy bản, tức loại giấy xốp dùng để viết chữ nho, cuốn tròn lại thành như chiếc đũa. Khi châm cây đũa giấy ấy vào than hồng, nó sẽ ngún cháy. Muốn có lửa ngọn ông tôi kê cây đũa đang ngún cháy ấy gần môi và làm động tác miệng gần như phát âm tiếng “huỵch” tức thời một luồng gió vừa đủ từ miệng thoát ra và làm cho chỗ ngún cháy phát lên lửa ngọn, ông châm vào cây đóm và bắt đầu hút thuốc trà.

Ông tôi gọi cây đũa giấy ấy là “cây huỵch”, cô tôi và thằng Kề cũng gọi như thế, nhưng suốt đời tôi, tôi không bao giờ thấy lại cái dụng cụ lấy lửa và tên gọi “cây huỵch” ấy ở bất cứ nơi nào khác. Tôi nghĩ đây là phương pháp tạo lửa ngọn để hút thuốc lào của các nhà nho xưa (vì nhà nho mới có giấy bản) và còn giữ nguyên trong nhà ông nội tôi thời điểm tôi về ở Đông Bàn năm 1944. Trong những nhà nông dân, cách lấy lửa phổ biến vẫn là dùng một nắm rơm vùi vào bếp có ủ than rồi thổi phù một cái là lửa bùng lên. Nhưng cũng nhiều khi trong bếp chẳng còn một chút lửa nào, thì phải đi sang hàng xóm “xin lửa”. Thời đó cái quẹt máy có thể chưa phổ biến lắm, nhưng diêm quẹt thì đã được dùng khá rộng rãi rồi, nhưng tôi đã nói, làng Đông Bàn của tôi vẫn còn giữ nguyên những lề thói xưa cũ theo nếp cổ truyền.

Ông nội có dạy cho chúng tôi một số câu vè, ví dụ như:

Con nít con nít
Cái hình nhỏ xít
Đội mũ lá mít
Cỡi ngựa tàu cau
Đứa trước đứa sau
Rủ nhau một lũ
Ăn rồi đi ngủ
Ngủ dậy đi chơi
Xuống nước đập bơi
Lên bờ đánh đá
Miệng thổi kèn lá
Tay phất cờ tre
Rủ nhau hè hè
Giả đò đánh giặc!

So với nhiều bài đồng dao khác thường có nhiều câu vô nghĩa, bài này tả sinh hoạt trẻ con khá linh động, ý nghĩa rõ ràng. Có người trong vùng tôi nghĩ rằng có thể những câu này được sáng tác trong thời kỳ Văn Thân, đặc biệt năm câu cuối nhằm kích động trẻ em tinh thần chống Pháp. Tôi thì thật sự không rõ nguồn gốc những câu đồng dao này, nhưng nghĩ rằng nó được sáng tác ngay trong vùng quê Quảng Nam, vì những chi tiết như “mũ lá mít” hay “ngựa tàu cau” sau này lớn lên đi nhiều nơi tôi không thấy ở các địa phương khác.

Quê tôi rất nhiều mít, vườn nào cũng trồng ít nhất dăm ba cây, trẻ con trong làng tôi hay dùng lá mít chằm thành những cái mũ để đội trong những trò chơi của mình. Đơn giản thì dùng những cây tăm để gài lá nọ dính với lá kia thành cái vòng vừa đầu mình, giống như cái khăn đóng của người lớn. Người khéo tay có thể chằm thêm một lớp lá phủ trên đỉnh đầu, có lần ông nội tôi lại làm thêm cho tôi hai cái cánh chuồn như mũ hát bội, khiến tôi thích thú vô cùng. Đó là “mũ lá mít”. Còn “ngựa tàu cau” là những tàu lá của cây cau rụng xuống, sau khi đã được người lớn cắt lấy cái mo, chúng tôi lấy phần lá dài đặt vào giữa hai chân và cứ thế kéo nó chạy, miệng hò hét điều khiển tàu lá như một con ngựa.

Trong các trò chơi, có một trò cả lũ chồng nắm tay lên nhau, rồi một đứa vừa đọc những câu thiệu vừa chỉ vào từng nắm tay từ trên xuống dưới rồi từ dưới ngược lên, cứ đọc một tiếng lại chỉ một bàn tay cho đến khi đến tiếng cuối cùng rơi vào tay nào thì đứa đó được tuyển chọn để làm một việc nào đó tùy trò kế tiếp. Nói chung đây là một lối rút thăm chọn người rất công bằng, vì bài thiệu khá dài không ai có thể tính toán trước chữ chót sẽ rơi vào tay nào:

Xít cây rồng (?)
Trồng cây nạng
Cây làng áng (?)
Cây bí đao
Cây nào cao
Cây nào thấp
Cây nào mập
Cây nào rời
Mùng tơi chín đỏ
Quan văn quan võ
Ăn trộm trứng gà
Bù xa bù xít
Mà ra tay này!

Đây chỉ là những câu ghép vần dùng cho trò chơi, không có ý nghĩa gì, nhưng được lũ trẻ chúng tôi dùng thường xuyên như một công cụ trong việc lựa chọn người nên nó in hẳn vào trí óc tôi như một bài văn vần, gần 70 năm vẫn không phai mờ.

Ông tôi cũng dạy cho chúng tôi một số đồng dao khác, như đoạn sau đây:
...
Cái xuổng đắp bờ
Cái lờ bắt cá
Cái ná bắn chim
Cây kim may áo
Cái dáo (1) thợ may
Cái cày làm ruộng
...

Tôi nghi đây là cái vạch, làm từ một mảnh xương trâu bò, giống hình lưỡi dáo, mà người thợ may dùng để vạch hằn lên vải để đánh dấu chỗ sẽ cắt.

Rõ ràng đây là một bài dạy ngữ vựng cho trẻ nhỏ, cứ ê a đọc như thế trẻ sẽ nhập tâm tên những thứ vật dụng quanh mình. Bài rất dài, rất tiếc tôi chỉ còn nhớ mấy câu, nhưng cũng đủ để khẳng định tính chất giáo dục của lối truyền đạt này.

Và cũng từ ông nội, tôi học thuộc bài này, mà lớn lên mới biết nó cũng được phổ biến ở nhiều địa phương khác cách rất xa Quảng Nam:

Con chim se sẻ
Nó đẻ mái tranh
Tôi vác miểng sánh
Tôi liệng chết dãy
Tôi làm thịt bảy mâm
Tôi kỉnh ông một mâm
Ông hỏi thịt gì
Tôi nói thịt se sẻ
Nó đẻ mái tranh
Tôi vác...

Cứ lòng vòng như thế có thể đọc mãi không bao giờ dứt.


Sống ở Đông Bàn tôi đã làm quen với các sinh hoạt nông tang của làng, mặc dù nhà ông nội tôi không trực tiếp canh tác đất ruộng. Các nhà làm rẻ đất có khi gặt lúa rồi mang thẳng về nhà ông nội, vì nhà rộng, có chỗ “đạp lúa”. Ở căn nhà ngang lúa vừa gặt được xếp thành đống tròn rồi cho trâu vào đạp, tức là điều khiển cho trâu đi vòng tròn trên đống lúa cho đến khi tất cả hạt rời khỏi thân cây. Có những mảnh ruộng nhỏ, lượng lúa gặt được ít thì người đạp lúa thay trâu, và đây là dịp tôi và anh Hiển được tham gia vào công việc này. Người ta lấy một cây sào buộc nằm ngang nối hai cây cột, cao cỡ tới ngực người lớn, và trải nhiều cái nong dọc cây sào ấy. Người đạp lúa sẽ lấy một bó lúa mới gặt đặt vào nong, hai tay vịn vào cây sào, rồi dùng chân trần đạp vào bó lúa để làm cho hạt rớt ra. “Đạp” đây có nghĩa là đi, vừa bước vừa dùng bàn chân vén các nhánh lúa thành một khối tròn gọn ghẽ, cho đến khi nào các thân cây lúa nát nhàu thành rơm thì cũng là lúc hạt đã rời hết khỏi nhánh. Lúc ấy thì gọi một “nhã lúa” đã “thục”, người ta cúi xuống dũ rơm dưới chân mình để tất cả hạt lúa rớt xuống nong, rồi ném nhắm rơm đi và bắt đầu đạp một nhã lúa khác. Tôi với anh Hiển tham gia đạp vài nhã lúa thì thấy chân đã mỏi và bàn chân bị rát, thì bèn bỏ việc đạp lúa chạy đi kiếm một trò chơi khác thú vị hơn


Phạm Phú Minh
(từ: DĐTK)