Nằm rải rác trên Biển Ả Rập, phía tây nam của Sri Lanka và Ấn Độ, Quần đảo Maldives mang bộ mặt của một vùng nhiệt đới thơ mộng.
Du khách từ khắp nơi trên thế giới bay đến đây để thưởng thức những đảo san hô đẹp như tranh với rìa là các bãi cát trắng, các khu nghỉ dưỡng sang trọng và những trò thể thao dưới nước đẳng cấp thế giới.
Thành phố thế kỷ 21
Nhưng có lẽ không quốc gia nào khác phải đối mặt với mối đe dọa về môi trường như Maldives.
Các khu nghỉ dưỡng bãi biển sang trọng của nơi này dẫu nổi tiếng thế giới, nhưng với hơn 80% trong số 1.200 hòn đảo nằm rải rác có độ cao chưa đầy 1m so với mực nước biển, việc nước biển dâng cao đang đe dọa sự tồn tại của quần đảo.
"Chúng tôi là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên Trái Đất và do đó cần phải thích ứng," Phó Tổng thống Maldives, ông Mohammed Waheed Hassan, nói trong một phúc trình của Ngân hàng Thế giới vào năm 2010.
Bản phúc trình cảnh báo rằng với tốc độ nước biển dâng hiện tại thì dự đoán toàn bộ khoảng 200 hòn đảo có người ở tự nhiên của quần đảo Maldives có thể bị nhấn chìm vào năm 2100.
Tuy nhiên, người dân Maldives quyết tâm chiến đấu cho sự tồn tại của mình.
Hồi năm 2008, tổng thống khi đó là ông Mohamed Nasheed đã được báo chí toàn cầu đưa tin khi ông công bố kế hoạch mua đất ở nơi khác để công dân nước ông có thể di dời nếu các hòn đảo bị nhấn chìm.
Kế hoạch đó về sau đã nhường chỗ cho việc xem xét liệu nương theo biển có tốt hơn không thay vì kháng cự nó, bằng cách xây dựng các khu đô thị nổi - như các thành phố như Amsterdam đã làm.
Maldives chuyển sang một hình thức địa kỹ thuật khác: tạo ra một thành phố của Thế kỷ 21, được mệnh danh là 'Thành phố Hy vọng', trên một hòn đảo nhân tạo mới được đặt tên là Hulhumalé.
Trước dịch Covid-19, những khách du lịch hiếu kỳ có thể đến thăm thành phố đảo mới khi nó đang thành hình cách thủ đô Malé khoảng 8 km, bằng cách bắt chuyến xe buýt 20 phút đi từ sân bay băng qua cầu.
Tuy nhiên, ít ai đến Maldives trong những kỳ nghỉ sang chảnh ngắn ngày mà lại nghĩ về các vấn đề xã hội thực tế mà Hulhumalé đang nhắm tới.
Với hơn 500.000 cư dân sống rải rác trên quần đảo, việc cung cấp dịch vụ là một cơn ác mộng, làm cạn kiệt tài nguyên. Theo một phúc trình vào năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, thiếu cơ hội việc làm là một ác mộng khác, khiến tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên tới hơn 15%.
Xói mòn và xâm nhập mặn
Cũng như mối đe dọa lâu dài về ngập nước, xói mòn bờ biển ngày càng gia tăng cũng đe dọa 70% cơ sở hạ tầng - nhà cửa, các tòa nhà và các công trình tiện ích khác - trong phạm vi 100m từ bờ biển hiện tại.
Đảo nhân tạo mới Hulhumalé được xây dựng bằng hàng triệu mét khối cát
bơm lên từ đáy biển
Ngoài ra còn có những lo lắng về việc xâm nhập mặn làm ô nhiễm nguồn nước ngọt quý giá, cộng với rủi ro do thiên tai khó lường, như trận sóng thần năm 2004 khiến hơn 100 người thiệt mạng ở Maldives.
"Sau trận sóng thần năm 2004, một chương trình nhằm tăng cường sự bền bỉ thông qua các đảo an toàn hơn đã được đưa ra," ông Areen Ahmed, giám đốc phát triển kinh doanh của Tập đoàn Phát triển Nhà ở (HDC) vốn chịu trách nhiệm giám sát Thành phố Hy vọng, giải thích. "Hulhumalé được xây dựng với những cân nhắc kỹ lưỡng về biến đổi khí hậu trong kiến trúc và cộng đồng."
Việc bồi đắp đất đang diễn ra bằng cách sử dụng hàng triệu mét khối cát được bơm lên từ đáy biển đã nâng hòn đảo mới lên hơn 2m so với mực nước biển, trong khi Thành phố Hy vọng đang lớn dần trên đảo được coi là một khu định cư mới quan trọng để giải tỏa tình trạng quá đông đúc hiện tại ở Malé, nơi hơn 130.000 dân chen chúc trong 1 dặm vuông (chỉ hơn 2,5 km vuông).
"Malé là một trong những thành phố có mật độ dân cư đông nhất trên Trái Đất," Kate Philpot, người từng là quan chức khoa học ở Maldives và nghiên cứu về cá rạn san hô cho trạm nghiên cứu biển Korallion Lab trước khi trở thành nhà sinh thái cao cấp tại hãng tư vấn Ecology By Design ở Anh, cho biết.
Giai đoạn một của cuộc bồi đắp đất cho Hulhumalé bao gồm 188 ha bắt đầu vào năm 1997 và hoàn thành vào năm 2002.
Hai năm sau, hòn đảo này chào đón 1.000 cư dân đầu tiên đến.
Việc bồi đắp thêm 244 ha đất nữa đã được hoàn thành vào năm 2015 và đến cuối năm 2019, hơn 50.000 người đã sinh sống trên đảo Hulhumalé.
Đảo mới sẽ cung cấp đủ chỗ ở cho 240.000 người
và giúp giảm tải mật độ đông đúc ở Malé
Nhưng tham vọng cho Hulhumalé còn lớn hơn nhiều, với mục tiêu cuối cùng là hình dung nó có thể chứa tới 240.000 người trong những căn nhà thiết kế tốt vào giữa thập niên 2020.
Tầm nhìn này bao gồm sự kết hợp đa dạng của nhà ở chất lượng, cơ hội việc làm mới cộng với không gian giải trí mở có diện tích gấp ba lần bình quân đầu người so với Malé.
Quy hoạch xanh
Theo Ahmed, trái ngược với tính không quy hoạch và quá đông đúc của Malé, Hulhumalé được thiết kế với nhiều sáng kiến quy hoạch đô thị xanh.
"Các tòa nhà được định hướng theo phương Bắc-Nam để giảm hấp thụ nhiệt và cải thiện mức dễ chịu về nhiệt. Đường phố được thiết kế để tối ưu hóa sự tiếp nhận gió, giảm sự phụ thuộc vào điều hòa không khí. Trường học, thánh đường Hồi giáo và công viên khu phố nằm trong khoảng cách đi bộ 100-200 mét từ các khu dân cư, giảm việc đi xe," ông nói.
Cảnh quan thành phố mới cũng sẽ có xe buýt điện và làn đường dành cho xe đạp. Các nhu cầu khác nhau về nhà ở cũng đang được đáp ứng.
Hulhumalé bao gồm các dự án nhà ở đa dạng: tầm trung, cao cấp và nhà ở xã hội," Ahmed cho biết. "Sáu mươi phần trăm các đơn vị nhà ở tầm trung phải được bán dưới giá trần do HDC đưa ra. Có nhà ở xã hội giá rẻ dành cho các nhóm đối tượng cụ thể, bao gồm phụ nữ độc thân và những người phải di dời và bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đã có sự tư vấn chi tiết để đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận nhà ở và môi trường xung quanh."
Các đề xuất hạ tầng kỹ thuật số đáng ghen tị bổ sung cho các sáng kiến xanh và quy hoạch xã hội, Ahmed, vốn mô tả Hulhumalé là 'thành phố thông minh dựa trên 100% gigabit đầu tiên ở châu Á' với khả năng truy cập mạng nhanh cho cư dân dựa trên công nghệ cáp quang phổ biến được gọi là GPON (Mạng quang thụ động Gigabit), nói.
Hulhumalé được thiết kế với các ý tưởng quy hoạch đô thị xanh và duy trì sự bền vững
"Lợi ích tối hậu của việc xây dựng thành phố thông minh từ con số không là Hulhumalé sẽ được coi là thành phố bền vững - được xây bởi người dân Maldives, phục vụ người dân Maldives," Giáo sư Hassan Ugail, khoa học gia máy tính người Maldives đang giúp đỡ đưa Hulhumalé thành thành phố thông minh bên cạnh công việc của ông là giám đốc Trung tâm Máy tính Hình ảnh tại Đại học Bradford, Anh Quốc, nói.
Hulhumalé cũng nhắm đến thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị bền vững, bao gồm khai thác khoảng một phần ba năng lượng sử dụng từ năng lượng mặt trời và hứng nước mưa để củng cố an ninh nguồn nước.
Cái giá của bồi đắp đảo
Tuy nhiên, chẳng phải chính hành động xây dựng một hòn đảo nhân tạo là điều có hại cho môi trường hay sao - nhất là ở một nơi nổi tiếng có các rạn san hô và những bờ biển cát trắng nguyên sơ?
Khi công ty nạo vét và san lấp Dredging International của Bỉ hoàn thành việc mở rộng hòn đảo thêm 244 hectare vào năm 2015, công việc này đòi hỏi phải hút khoảng sáu triệu mét khối cát từ đáy biển xung quanh để sau đó vận chuyển đến và bơm lên đảo Hulhumalé.
"Công việc bồi đắp đảo đặc biệt gây nhiều vấn đề," Tiến sĩ Holly East ở Khoa Địa lý và Khoa học Môi trường thuộc Đại học Northumbria, một chuyên gia về các đảo rạn san hô vốn có kinh nghiệm thực hiện nghiên cứu ở Maldives, cho biết. "Nó không chỉ phá hủy các rạn san hô, mà nó còn tạo ra những dải trầm tích lớn di chuyển đến các tảng san hô khác. Trầm tích làm nghẹt san hô và chặn ánh sáng mặt trời, ảnh hưởng đến năng lực của san hô hấp thụ thức ăn, sinh trưởng và sinh sản."
Với mức nước biển dâng hiện nay, dự tính toàn bộ khoảng 200 đảo có người ở
của Maldives có thể sẽ chìm dưới mặt nước chậm nhất là vào năm 2100
Nhưng với dân số tăng đều đặn, bồi đắp đảo đã trở thành một chuyện đơn giản trong đời sống ở Maldives, với các rạn san hô hiện tại làm nền móng rõ ràng.
"Đã có những nỗ lực để giảm thiểu tác động của quá trình xây dựng Hulhumalé, bao gồm cả việc dời đi một số rạn san hô," Philpot nói. "Tuy nhiên, có thể mất một thời gian rất lâu để chúng vững vàng ở nơi khác - tỷ lệ thành công thường là thấp."
Tuy nhiên, với nhiều năm kinh nghiệm ở Maldives, Philpot nhận thức rõ những nhu cầu cạnh tranh nhau. Du khách có thể đến và đi, nhưng người dân địa phương cần đất đai để sinh sống và việc làm. Bà cũng đưa ra nhận xét khá mỉa mai rằng Hulhumalé đang nhô lên ở một vùng mà, ở mức độ nào đó, đã bị phá hỏng.
"Việc xây dựng có thể ít gây thiệt hại hơn những nơi khác ở Maldives," bà nói. "Có vẻ phát triển một khu vực có mức độ ô nhiễm và lưu lượng tàu thuyền tương đối cao sẽ được ưu ái hơn so với bất kỳ nơi nào khác ở Maldives, những nơi vẫn còn chưa bị phá hủy là bao."
Quan điểm này của bà được khẳng định trong phúc trình của Ngân hàng Thế giới vào năm 2020, trong đó lưu ý rằng "Vùng Đại Malé, nhất là ở Hulhumalé, không có môi trường sống tự nhiên đáng kể - và các rạn san hô hầu hết đã bị suy thoái".
Xử lý rác thải
Xử lý rác thải vẫn là một vấn đề quan trọng - cả rác thải xây dựng của Hulhumalé và rác thải từ thành phố đang ngày càng đông dân.
Nổi tiếng là nơi thơ mộng, nhưng rất nhiều trẻ em địa phương ở Maldives
chưa từng có cơ hội bơi snorkelling
"Phần lớn rác thải được chuyển đến và chứa tại hòn đảo Thilafushi được xây dựng cho mục đích này," Philpot giải thích.
Các nhà chức trách Maldives phản bác ý kiến rằng nơi đây cơ bản là một bãi rác nhiệt đới, mặc dù khá mơ hồ. "Tất cả các biện pháp để giảm thiểu tác động của xây dựng đến môi trường đều được Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) của Maldives giám sát," Ahmed nói với tôi.
Trong khi Hulhumalé được thiết kế chủ yếu để cải thiện cuộc sống của người dân Maldives, Thành phố Hy vọng ở đây cũng đang nhắm trở thành nơi đi đầu cho những dạng tân du khách, vốn có mối quan tâm vượt ra ngoài phạm vi chỉ nằm lười trong các khu nghỉ dưỡng bên bờ biển.
Chẳng hạn, bản phúc trình Tài chính Thế giới năm 2018 nêu bật tiềm năng du lịch y tế và du lịch thể thao gắn liền với các dự án sắp tới như bệnh viện đa khoa đầu tiên của Maldives, công viên chủ đề dưới nước và bến du thuyền.
Philpot cũng hy vọng những giấc mơ thúc đẩy dự án Hulhumalé sẽ mở rộng ra đến việc các thế hệ dân Maldives kế tiếp sẽ biết trân trọng môi trường xung quanh hơn nữa.
"Tôi đã dạy các lớp sinh thái san hô cho trẻ em Maldives trong độ tuổi từ 14 đến 17 - và hơn một nửa lớp học của tôi chưa bao giờ xuống nước với ống thở," bà cho biết.
"Thật thú vị khi thấy các em sửng sốt trước những gì các em được chứng kiến - nhưng cũng thật đáng buồn vì các em sống gần biển như thế nhưng chưa bao giờ có cơ hội trải nghiệm ở dưới nước. Có lẽ với giáo dục trực tiếp hơn về sinh học biển, thì sẽ có nhiều sự quan tâm hơn đến việc bảo tồn và giữ gìn hệ sinh thái biển trong giới trẻ."
Nói cách khác, thay vì chỉ xây dựng Thành phố Hy vọng, người dân Maldives đang đưa con đường xây dựng đảo tiến vào tương lai vốn có thể đưa Maldives trở thành Quốc gia Hy vọng.
Norman Miller
BBC Travel