Không biết mưa từ lúc nào, sáng sớm, nửa khuya, hay mới vừa, nhưng khi tôi áp mặt vào cửa nhìn ra ngoài, những hạt nước bay ngả nghiêng đập vào mặt kính tạo ra thứ tiếng động đặc biệt không thể lẫn lộn với bất cứ âm thanh nào làm tôi có cảm tưởng như cơn mưa đã đến từ lâu lắm rồi và sẽ không bao giờ chấm dứt. Cơn mưa nhanh, hạt nối hạt chẳng ngừng làm mờ cả khoảng không gian rộng lớn bên ngoài.
Mưa buồn. Đều đặn rơi khiến tôi không nghe thấy cả tiếng Lũy mở cửa, tiếng chân anh bước vào phòng. Mãi cho đến lúc anh hỏi đùa tôi đã làm được bài thơ nào chưa, tôi mới giật mình quay lại. Lũy bật ra một tràng cười. Bóng dáng anh to lớn, che khuất cả một phần khung cửa sau lưng tôi. Tôi hỏi nãy giờ anh làm gì mà bỗng dưng lại hiện ra một cách đáng sợ như vậy. Lũy lại cười. Đáp anh làm vài việc vặt dưới basement.
Từ chỗ tôi đứng, nhìn ra ngoài, là khoảnh vườn đầy những loại cây lá nhiệt đới mà Lũy đã ra sức tim kiếm, mang về trồng trọt, chăm sóc trong nhiều năm liền. Cây lớn, nhỏ. Cao, thấp không đều nhau. Lũy trồng cây hoàn toàn không theo một thứ tự nào cả, anh nói sự ngăn nắp, trật tự trong một khu vườn như vậy, sẽ làm mất đi tính cách tự nhiên của đất trời. Tôi đã đùa với Lũy, tôi yêu hai cây cọ châu Phi với những nhánh lá thật lớn nằm ở cuối vườn, chẳng phải vì sự không ngăn nắp trật tự đầy cố gắng, hay vì sự tự nhiên cố ý, mà chỉ vì chúng nhắc nhở cho tôi nhớ đến bóng dáng oai phong lẫm liệt của anh mà thôi.
Lũy lại gần tôi, cùng đứng nhìn ra ngoài. Mưa càng lúc càng lớn nên trời chuyển sang tối hơn. Tôi hỏi Lũy cơn mưa này có làm anh nhớ gì không. Lũy đáp anh đang nhớ đến những cơn dông của Sài Gòn. Tôi so vai:
- Mưa lớn, giống những cơn giông của miền nam thật, nhưng trời lại tối quá làm em nhớ miền trung. Nhớ Huế lạ.
Lũy bật cười to lên:
- Bao lâu rồi em không về Huế?
Tôi nhẩm tính:
- Dễ chừng trên ba mươi năm.
Lũy nghiêng mặt, nhìn tôi một lúc rồi lắc đầu:
- Nói nhớ miền trung thì còn nghe được, chứ em làm sao có thể nhớ Huế với chừng ấy năm không về thăm?
Tôi quay hẳn lại phía Lũy:
- Anh không biết có những điều, những khung cảnh đến trong trí một người, rồi nằm luôn ở đó không chịu biến mất đi hay sao? Nhất là những kỷ niệm vui, dễ thương, hiền hòa. Em nghĩ hệt như các dữ kiện khó xóa nào đó trong máy vi tính, em chắc không thể nào quên Huế được mặc dầu có thể chẳng bao giờ em có dịp về đó lần nữa.
Tôi tiếp:
- Em nhớ Huế vì em đã về Huế vào những năm tháng ký ức còn trắng tinh, chưa có chỗ để đựng những điều phiền toái của cuộc đời. Những gì em nhìn thấy, những gì đẹp nhất về Huề cứ nguyên vẹn trong em như vậy từ hồi đó đến giờ.
Tôi từng kể với Lũy, Huế trong ký ức tôi, chẳng bao giờ là những gì thiên hạ vẫn thường hay ca tụng. Huế không Trường Tiền, không Thiên Mụ, không sông Hương, không núi Ngự, cũng chẳng bến Vân Lâu... Mà trong tôi, Huế chỉ là những đêm trăng rất sáng sau mảnh vườn thơm ngát hương hoa lài nhà người bác họ. Là những sáng trời mưa dầm, con bé mười, mười một, mười hai tuổi tôi thẩn thơ dưới hàng hiên, đưa tay tinh nghịch đón những hạt nước trời trong veo rơi xuống từ mái ngói. Là những chập choạng hoàng hôn, trốn cả nhà ra cuối vườn hái mấy đóa trà mi, hải đường dấu cuối đáy giỏ, chờ đem về bên kia đèo ép vào sách. Là những nhá nhem tối, hai mắt nhắm chặt, co chân chạy một mạch không thở, băng ngang qua nhà từ đường vào phòng khách lớn để khỏi phải nhìn thấy những ngọn đèn bạch lạp le lói, khỏi phải ngửi mùi trầm và nhang dễ vẽ lên trong trí tưởng tượng những hình ảnh ma quái, kinh dị.
Tôi nói với Lũy, Huế trong tôi, còn đằm thắm chén mắm tôm chua chấm thịt luộc. Thơm ngát tô canh khế nấu nước mưa. Cay tê dại thẩu mứt gừng, không xắt mỏng như vẫn thường thấy, mà các o tôi lại để nguyên nhánh, bóc vỏ cẩn thận, tỉ mỉ bằng con dao têm trầu bén ngót, rồi sên với lửa liu riu hàng giờ trong thau đường cát trắng tinh. Huế trong tôi, còn ngọt lừ trên đầu lưỡi chùm nhãn lồng, dòn tan trái chùm ruột vừa mới hái sau vườn... Hơn ba mươi năm tôi không về Huế, chắc chắn vị giác, khứu giác tôi đã đổi thay theo thời gian, nhưng tôi vẫn có cảm giác sẽ không bao giờ tìm ra nơi đâu miếng nem nướng đậm đà hơn nơi ba tôi hay dẫn đi ăn bên kia cầu Gia Hội, sẽ không thấy ở đâu chén chè bắp thơm hơn mùi cốm non ở thôn Vỹ Dạ bác tôi nấu những lần cha con tôi về thăm.
Tôi kể:
- Dưới mắt em hồi đó, Huế xinh đẹp không bắt đầu từ những con đường dẫn vào thành phố như có người từng viết, mà từ lưng chừng đèo Hải Vân. Lần nào về Huế, em cũng chỉ mong chiếc xe chở khách bị dừng lại ở đỉnh đèo vì bị mây che hết lối. Thử tưởng tượng nỗi sung sướng của em khi được ngừng lại như vậy đi! Em nghĩ chắc chắn người lớn đã rầu rĩ lắm, nhưng còn em, thì anh biết em làm gì không? Chao ơi, em mừng như bắt được vàng, bị la cách gì đi nữa em cũng đưa cả hai tay ra ngoài cửa sổ xe để bắt gặp cái cảm giác lành lạnh chạy dọc từ lòng bàn tay lên đến vai, rồi từ đó xuống đến xương sống. Bao giờ em cũng ước ao được giữ lại một cụm mây để mang về nhà. Và cuối cùng thì để em dịu xuống, chiều ý em, ba sẽ đọc những câu thơ cổ, tả cảnh trời nước, mà có lẽ ba biết chắc là khi trời quang đãng, xe chạy qua được phía bên kia chân đèo thì em chẳng còn nhớ được chữ nào.
Lũy bật cười:
- Nghe cũng lãng mạn quá ha!
Tôi cười theo Lũy. Bỗng sực nhớ lại có lần nào đó Lũy bảo anh thích nhìn những hạt mưa rớt rơi trong vườn, và thường ghi lại bằng ống kính từng hạt long lanh còn đọng trên lá bởi chúng luôn luôn làm những kỷ niệm êm đềm thuở ấu thời quay trở về với anh. Và cũng như tôi, anh nói hầu hết tất cả những gì anh canh cánh mang trong lòng ấy, chẳng hề to tát, lớn lao. Hầu như cũng chỉ là cái nhớ nhung một gánh hàng rong, một thúng cá nồng nàn mùi muối biển cửa Thuận An hứa hẹn bữa cơm chiều ngon miệng. Cũng chỉ những chén chè đậu ngự, đậu ván, những trái bắp nướng, những hạt đậu phụng dòn tan béo ngậy tan ra giữa hai hàm răng. Cũng chỉ cái thời tiết khắc nghiệt, những trưa nắng khét mùi nhựa đường, những tiếng gió rít lạnh người khi trời bão to quét ngang về thành phố.
Chiều hôm qua, lúc nhìn thấy Lũy đứng ngắm nhìn hàng phút những hạt nước đọng trên một nhánh lá vả, tôi đã tự hỏi không biết trước những hình ảnh đẹp ấy, Lũy đã ngắm bằng đôi con mắt người làm nghệ thuật, hay bằng cái nhìn từ quá khứ, mà khi đưa cho tôi xem những bức hình tuyệt mỹ, gương mặt đầy vẻ bồi hồi của anh làm tôi thật cảm động. Tôi bảo:
- Em nghĩ những kỷ niệm ấu thời của bất cứ người nào cũng không bao giờ to tát lớn lao đâu anh. Nhưng bình thường vậy đó, nhỏ vậy đó, mà thỉnh thoảng hiện về, quẫy lên, là chúng sẽ biến thành những con kình ngư làm đau lòng nhức dạ chúng ta.
Tôi cười, quê hương là vậy đó mà. Lũy hỏi chùm khế ngọt, hay con diều biếc. Tôi trêu nếu khế không ngọt và diều đứt dây thì có quê hương không nhỉ. Lũy phì cười theo. Chúng tôi nhắc với nhau về những nơi từng đi qua ở Huế, ở quê nhà, những trò chơi thuở nhỏ, những món ăn chừng như chỉ còn nằm trong quá khứ. Lũy bảo:
- Có nhiều khi vẩn vơ một mình, anh vẫn thường nghĩ, quê hương của con cái chúng ta hẳn đã là một nơi nào đó trên xứ này, bởi chúng được sanh ra, lớn lên tại đây, nên chúng cũng có những buồn vui thời thơ nhỏ như chúng ta ngày xưa, nhưng anh cứ tự hỏi khi bắt buộc phải rời xa chốn chôn nhau cắt rốn, rời xa nơi chúng ra đời, không biết chúng có đớn đau cùng khủng như mình không.
Nhìn nét mặt Lũy, tôi biết lần này anh không đùa, nên thận trọng trả lời:
- Con cái mình, khi rời xa nơi chúng yêu mến, nơi chúng từng ở, chắc chắn sẽ buồn lắm chứ, nhưng để có những chuyến trở về, đầu phải như chúng ta, ray rứt, day trở và ngậm ngùi, nên chúng sẽ không bao giờ bị những nỗi đớn đau, cùng khủng dày vò mình một cách tội nghiệp.
Tôi nói vậy, vì cả Lũy lẫn tôi đều có những kinh nghiệm buồn bã, xót xa tương tự nhau trong lần trở về. Cũng bùi ngùi và ngơ ngác khi đứng trước căn nhà cũ đã thuộc về những con người xa lạ. Lũy nói:
- Nghe em nói nhớ Huế, và giữ đậm nét về Huế, mà bỗng thấy sợ.
- Sợ? Anh sợ điều gì?
Tôi ngạc nhiên nhìn Lũy. Anh nhìn lại tôi:
- Thật ra chữ sợ này anh nên để trong hai ngoặc kép. Vì ý anh muốn nói tuy anh không đi nhiều, không sống ở nhiều lục địa khác nhau như em, nhưng dẫu sao thì cũng đã đi, đã dời chỗ tới lui vài nơi do cuộc sống và cả những ham muốn thúc đẩy, nhưng kể từ ngày các con anh lớn lên thêm vài tuổi, anh bỗng hết còn muốn đó đây, hết muốn dời nhà như trước nữa. Anh nghĩ, tha phương, đó đây nhiều quá, rồi các con anh cũng sẽ cưu mang những tâm tư buồn bã như anh.
Tôi thở dài:
- Em hiểu điều anh muốn nói. Và thật ra chính em cũng chỉ muốn sống một đời bình lặng, yên ổn như bao người, nhưng anh thấy đó, cuộc sống không cho phép, nói đến hai chữ “cũng đành“ mà buồn.
Lũy im lặng. Tôi nghĩ đến những đoạn đời phiêu bạt của mình. Nghĩ đến những ước mơ bình thường của tôi -lẫn của Lũy- về một mái gia đình. Những quẫy đạp tội nghiệp, đau đáu bám theo mình nhiều tháng năm dài cho đến khi không còn đủ sức để ước mơ. Tuy nhiên tôi biết không như tôi, Lũy vẫn còn đi tìm và còn mơ về một chốn bình an. Tôi bỗng muốn đùa với anh rằng anh hãy còn quá nhiều lạc quan và yêu đời, nhưng sợ Lũy buồn, tôi nói sang chuyện khác:
- Hôm nào đó anh có muốn ăn cá nục kho cho đỡ nhớ Huế không? Em kho cá cũng thuộc loại ngoại hạng đấy.
Lũy bảo anh sẽ chờ tôi trổ tài để xem tôi giỏi đến đâu. Mấy hôm nay tôi về, Lũy nấu cho tôi ăn. Và không như nhiều người đàn ông sống một mình khác, anh nấu ngon, nấu giỏi. Lũy bảo do thói quen thích chăm chút lo lắng cho con cái nhiều năm liền. Tôi trêu anh, cái thói quen ấy của anh chỉ làm đau lòng phụ nữ. Nhất là những người phụ nữ phải gồng gánh một mình cả đời như tôi và... bà Trần Tế Xương.
Tôi nói:
- Em đi năm châu bốn biển, nhưng chưa thấy hải sản ở đâu tươi ngon như ở đây. Thiên nhiên ưu đãi cái xứ này quá.
Lũy cười:
- Vậy mà em bỏ nơi này đi đến hơn mười lăm năm mới trở lại.
Tôi không biết trả lời sao, nên lại nhìn ra khoảng không gian ướt nước bên ngoài. Không tưởng tượng được thời gian mình bỏ đi đã lâu đến vậy. Đóa hoa, ngọn cỏ ở quanh đây trong mắt tôi, vẫn cứ như ngày hôm qua. Chưa tàn. Nhưng bất chợt tôi sực nhớ đã gần cuối tháng tư, đã lưng chừng nửa mùa thu ở miền nam bán cầu, nghĩ vội đến những bước bắt đầu lại cho cuộc sống mới ở nơi này, bỗng không tôi thấy mệt mỏi lạ. Mơ hồ, tôi nhận ra khi những động lực bắt buộc con người vươn tới trước chừng không còn nữa với mình, tôi tự hỏi lòng, chẳng biết rồi đây tôi có dang tay, thả nốt một quãng đời kế tiếp rơi vào hư vô hay không.
Thấy tôi im lâu quá, Lũy tiếp bằng giọng giễu cợt:
- Anh thấy nãy giờ em nói ra điều gì cũng có vẻ hết sức mâu thuẫn với nhau. Chẳng hạn như em bảo nhớ Huế mà hơn ba mươi năm không hề về thăm, rồi gọi đây là xứ tốt tươi, xứ đượm sữa và mật ong như em vẫn thường ví von, nhưng cũng bỏ đi thật lâu. Và lạ hơn nữa là khi về lại đến đây thì có vẻ như chẳng muốn ổn định lâu dài.
Tôi bật cười:
- Nếu như vậy, có lẽ phải nói là nơi đây đất không lành với em.
Hôm tôi vừa mới về, bằng một giọng cũng hết sức giễu cợt, Lũy đã hỏi tôi lần này có chịu ở lại luôn xứ này hay chưa. Và lúc hỏi tôi như thế, mắt anh long lanh cười. Tôi biết Lũy chỉ muốn trêu tôi vì nhiều lần tôi đã nói với anh, mãi cho đến tận tuổi năm mươi, tôi vẫn chưa hề đặt bất cứ điều gì trong cuộc sống có thể lên hàng tối quan trọng, cũng như chưa hề có nơi đâu khiến tôi muốn dừng chân.
Lũy nói tôi có thể cho anh biết lý do tại sao hay không. Tôi thở dài:
- Bình thường trong đời sống, có những điều vốn đã không “nặng ký“ đối với em, đến lúc những bổn phận phải cưu mang trong nhiều năm trời tự dưng hết đi, chẳng hạn em đã không còn phải lắng lo những cái gọi là hằng ngày cho con cái như cơm ăn áo mặc, sách vở áo quần, thì mọi thứ quanh em bỗng lại càng trở nên mất trọng lượng. Tất cả các ước muốn và ước mơ của em gần như không còn, hoặc có còn chăng nữa, cũng không dữ dội, không mạnh mẽ để bật em dậy.
Tôi từng kể cho Lũy nghe ngày cầm xấp hồ sơ ly dị với chữ ký và mộc dấu của tòa án trên tay, tôi đã lật tới lật lui nhiều lần, vì cái cảm tưởng mình không giống ai cứ đến với tôi. Tôi thấy mình lạ. Dị kỳ. Tôi nói:
- Thay vì xa xót, đắng cay, hay chua chát, thì em lại ngẩn ngơ cố nhớ lại những cảm giác của ngày mình ký giấy hôn thú, để so sánh thử xem nó khác với những gì đang hiện diện trong tâm em như thế nào.
Lũy hỏi:
- Rồi em có tìm thấy sự khác biệt nào không?
Tôi lắc đầu:
- Không. Chẳng có sự khác biệt nào cả.
Không? Lũy ngạc nhiên hỏi. Tôi gật đầu:
- Vì vậy em mới thấy mình không bình thường. Em vẫn nghĩ em không phải là kẻ coi thường những sự kiện quan trọng trong đời sống một con người, cũng không là một người thờ ơ, vô trách nhiệm với bản thân và với người chung quanh, nhưng chẳng hiểu sao bất cứ điều gì xảy ra với em, từ điều lành đến điều dữ, chuyện lớn đến chuyện nhỏ, đều hiếm khi làm em bối rối hoặc hoảng hốt quá độ. Vui, với em, gần như cũng chỉ chừng mực, giới hạn ở một mức nào đó mà thôi. Và buồn, thì có thể nói là em thường rất tỉnh táo, rất bình tĩnh để chấp nhận. Có thể vì em vẫn hay nghĩ đến những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra với mình ngay cả khi chưa hề có một báo động về những dấu hiệu xấu ấy, vì vậy khi chuyện dữ đến, em luôn có cách để đối phó. Thiên hạ chơi chữ, hay bảo em là con người biết trực diện với sự thật. Nhưng càng ngày, em càng thấy chẳng những thế thôi, mà em còn biết cách để trực diện với sự... giả nữa anh Lũy ạ.
Tôi phá ra cười khi dứt câu. Lũy làm thinh đôi giây. Anh cũng từng kể cho tôi nghe, anh có trái tim bọc thép, do nhiều lần phải “đương đầu“ với những quyết định phũ phàng và tàn nhẫn của những người anh yêu hoặc từng yêu anh.
Và có lẽ “trái tim bọc thép“ của tôi đang nghĩ đến một bàn tay nào đó có khả năng tháo gỡ cái vỏ bọc của mình, nên anh quay sang ngó tôi, bảo, em cần phải có một người cột chân để ổn định ở một nơi nào đó. Tôi lại phì cười:
- Anh định khuyên một người phụ nữ không có nhu cầu làm vợ như em nên đi lấy chồng, lập gia đình hay sao đây?
Lũy nhăn mặt:
- Một người phụ nữ độc thân mà không có nhu cầu làm vợ! Em ví von nghe cũng thuận tai đấy chứ nhỉ?
Tôi thu tay ôm lấy vai. Không biết nhìn đi đâu nên lại nhìn ra trời mưa. Mưa, mưa dầm dề. Mưa trút nước. Mưa tựa hồ những đợt sóng dữ không dứt đổ xuống đời tôi những tháng năm vừa qua đi trong quá khứ. Tôi xa xót nghĩ đến điều Lũy từng nói, rằng đi mãi, tìm kiếm mãi, đến tuyệt vọng, nhưng vẫn chưa được thấy đốt xương sườn của mình ở nơi nào.
Tôi quay mặt hẳn về phía Lũy. Nhớ mình mới vừa đề nghị sẽ kho cho anh nồi cá nục kiểu Huế, tôi hỏi anh:
- Anh có nghe nói về loại cowfish bao giờ chưa nhỉ?
Lũy gật:
- Hình như đó là một loại cá có nọc độc.
Tôi mỉm cười:
- Không những nó chỉ có nọc độc thôi anh, mà loại cá này trước khi dãy chết, hoặc dẫu có bị chết bất đắc kỳ tử đi nữa, nó cũng sẽ không quên nhả hết nọc độc trong người ra để làm chết luôn những con cá khác ở chung quanh nó.
Lũy lườm tôi:
- Em định nói gì anh phải không?
Tôi đưa cả hai bàn tay lên che miệng cười:
- Thấy anh thật giống hệt con cowfish, chết mà cũng không muốn chết một mình, còn định rủ người khác chết chung cho vui! Nếu không thích giang hồ lãng du nữa, và cảm thấy cần dừng gót thì anh cứ đi kiếm người cột chân, kiếm người nào đó làm anh… mất độc lập tự do hạnh phúc đi. Chứ anh xui em làm như vậy chi cho khổ đời em!
Lũy không đáp. Chỉ lắc đầu, rồi nói, mưa dầm dề kiểu này, lười ra đường kiểu này, có lẽ cho tới khi em về, cũng chưa có nổi một nồi cá kho.
Hoàng Nga