có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 11 02, 2020

Mộ chí




Mướn cái nhà được hai năm, một hôm vợ chồng chủ nhà đến thăm đột ngột giữa tháng, không phải để đòi sớm tiền nhà.

– Tụi này đến thăm chị, sẵn tiện bàn qua cái vụ nhà. Đang bức thiết quá chắc phải tính chuyện bán nhà thôi, vậy chị tìm chỗ khác thuê. Tụi này sẽ trả lại 5 triệu tiền cọc chị đã gửi hai năm trước, bồi thường thêm một triệu rưỡi tiền nhà tháng này.

– Ủa, hợp đồng mới ký cho sáu tháng tới chưa ráo mực, sao lại có chuyện gì kỳ vậy?

– Chị thông cảm, tôi thất nghiệp từ hôm Tết đến nay; vợ tôi bàn mua một chiếc Cá Mập để tôi lái kiếm thêm thu nhập sẵn đang có người rao bán.

Không rõ Cá Mập là loại xe gì, nhưng biết nói qua nói lại cũng mệt, tôi gật đầu. Đi thì đi. Từ hôm đó cứ cách hai ba ngày họ lại đưa người đến xem nhà một lần. Ngoài việc phải dẫn họ lên tầng trên chỉ trỏ phòng ngủ nhà tắm cầu tiêu, tôi còn phải ngồi chờ hai bên bàn bạc giá cả ngay trong cái nhà mình đang ở. Cũng nên dọn đi cho rồi. Mưa dột tí tách nhỏ giọt từ mái xuống ván trần, chảy tràn ra mép luồn xuống vách, xung quanh sinh hoạt xóm nhỏ rần rần như giặc. Chỉ kẹt có mỗi một chuyện là tôi làm biếng quá. Tưởng tượng phải tom góp các thứ lại cho vô thùng, thông báo các lớp học nhóm ở nhà: các em ơi mình đổi địa điểm vì cô bị chủ nhà đuổi. Rồi các trò trôi theo cô giáo từng về như bèo, như lục bình. Chỉ nghĩ chừng đó thôi đã thấy ngán.

Một mặt đọc báo Tuổi Trẻ mục rao vặt, một mặt la oải oải với các trò, chỉ trong vài ba ngày tôi đã tìm được một chỗ vừa ý, diện tích nhỏ hơn, tiền thuê nhà cũng vậy nhưng chủ nhà không có dáng vẻ của một người đột ngột cần tiền để mua xe Cá Mập. Đó là nguyên tầng trên của một biệt thự nhỏ chỉ có hai mẹ con chủ nhà ở trọn tầng dưới; cầu thang lên lầu đâm thẳng từ dưới cái sân vuông trước nhà. Bà mẹ là bác sĩ đã về hưu, cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học đang là học viên của một nhóm Anh văn tôi đang dạy. Tôi hẹn sẽ dọn tới trong tuần. Họ cam đoan làm sạch sẽ các phòng, dời đi những bàn ghế tôi không cần, chỉnh đốn lại điện đóm. Viết thư gửi bạn bè người thân ở xa, tôi cho địa chỉ và số điện thoại của chỗ ở mới.

Cũng ngay trong tuần lễ đó vợ chồng chủ nhà gọi điện thoại tới phán:

– Thôi tụi này không bán nhà nữa vì đã lỡ dịp mua chiếc xe rồi. Chị cứ việc ở lại.

– Giỡn ông? Tôi đã tìm được chỗ thuê khác, rồi tôi ăn nói làm sao với người ta đây?

– Chị xin lỗi họ một tiếng chứ gì.

– Đâu có đơn giản như vậy. Chỗ quen biết khó lật qua lật lại lắm. Hơn nữa tôi đã xếp đặt mọi thứ cả rồi.

– Chị làm ơn ở lại, tụi này sẽ trừ dần tiền nhà trong số năm triệu tiền cọc, chị chỉ cần đóng thêm bảy triệu tiền thuê cho đến khi chị trả lại nhà trong tám tháng nữa như chị đã định.

– Tôi định gì?

– Thì chị định ở đến tháng 5 năm sau.

– Ông này giễu vui ghê ta! Tôi đào đâu ra bảy triệu để trả một lần? Nhà của ông thuộc khu giải tỏa, bày đặt bán chi cho thêm rộn chuyện vậy?

– Chị thông cảm. Bây giờ không bán được, cũng không có tiền để hoàn lại chị. Đang cần tiền quá, cho người khác thuê kiếm đâu ra được người như chị?

– Người như tôi, sao? Dễ bùi tai ư?

Nói vậy chứ tôi cũng đào ra được số tiền cần thiết vì không còn cách chọn lựa nào khác. Đưa nhau ra tòa thì mệt quá vì hợp đồng chỉ làm giấy tay thỏa thuận giữa hai bên không có chứng thực của chính quyền địa phương. Dọn nhà cũng mệt. Tiền nhà bề nào cũng phải trả, một lần hay nhiều lần thì cũng vậy. Để đỡ ngượng, tôi nhờ một người quen mặt mày nghiêm nghị, có khiếu diễn xuất, rỗi việc, cùng đến gặp bà chủ nhà của nơi tôi định thuê.

– Thưa bác nhận giùm cháu hộp bánh Trung Thu và gói trà. Đây là Đức, chủ nhà cháu đang thuê.

Đức chào, không cười. Ba người ngồi xuống xong tôi bắt đầu trình bày:

– Như đã tính với bác, cháu định dọn vô hồi cuối tuần trước, nhưng cái ông này…

Đức tiếp lời:

– Thưa bác, cháu chưa bán được căn nhà nên năn nỉ chị đây ở lại để trừ số tiền cọc mà cháu còn nợ chị ấy. Vợ chồng cháu đang kẹt…

Lập tức bà chủ nhà sa sầm nét mặt, quắc đôi mắt – mà mấy lần gặp trước không thấy nét dữ – phang một cái nhìn bốc lửa lên toàn thân diễn viên bất đắc dĩ. Cái nhìn cháy dọc xuống rồi bò ngược lên, phừng ngay trên mặt diễn viên.

– Ông nói sao? Ở đời tôi chỉ trọng chữ tín. Không có tiền thì làm sao cho có để trả cho người ta. Tôi đã dọn dẹp sạch sẽ ba phòng trên lầu, thuê người khiêng đi ba cái đồ bằng ván gõ nặng muốn gãy xương sống, đã thông qua với Công an Phường, con trai tôi với bạn bè nó cũng mừng có cô đây về ở chung học hành thuận tiện…

– Thưa bác cháu tưởng bán được căn nhà…

– Tưởng sao được? Khu đó nằm trong kế hoạch giải tỏa của nhà nước, ai cũng biết. Đời bây giờ đâu còn ai khờ nữa đâu mà gạt?

– Thưa bác…

– Còn thưa gửi gì nữa? Chắc thấy cô giáo một thân một mình định lừa người ta? Ăn ở thất nhơn thất đức. May mà tôi không đòi cô giáo đặt trước tiền cọc. Ở đời trọng nhau chữ tín…

Gần nửa giờ đồng hồ bà bác sĩ mắng té tát vào mặt tên chủ nhà giả hiệu. Liệu chừng rồi cũng chỉ trao qua trả lại mấy câu lẩn quẩn, chúng tôi chào lui, xin rút, trong khi bà chủ nhà còn đang ngon trớn.

Xe chạy khuất ngõ hẻm vài chục thước, Đức ngoái lại phía sau cười khẩy:

– Chị chơi cú này hơi ác.

Tôi dỗ:

– Thôi mình đi ăn tối rồi uống cà phê nghe nhạc.

Đức đổi ga băng xe phơi phới trong trời đêm mát mẻ. Chưa chắc cha chủ nhà thật diễn được pha này. Diễn viên hạng ba ngồi trên ghế thấp có lưng dựa, đầu gối nhô cao, hai bàn tay đan khít kẹp giữa hai vế, mặt cúi gằm, mắt ngó ngược lên lòi tròng trắng. Y như tử tội ngồi trên ghế điện. Trong bữa ăn tối Đức thú thật:

– Lúc đó tôi buồn ngủ muốn chết nhướng mắt không nổi. Đêm trước chơi xì phé với mấy thằng bạn tới 4 giờ sáng. Chuyện của thiên hạ mình buồn ngủ là phải.

– Anh làm được cho tôi chuyện này tôi rất mang ơn. Một mình tôi không dám vác mặt đến xin lỗi bà bác sĩ vốn là phụ huynh của học trò mình. Còn cha chủ nhà thì không chịu diễn. Công nhận anh có tài năng tiềm ẩn, nhờ tôi tạo điều kiện cho nảy nở kịp thời trước khi bị thui chột.

Tôi ký lại hợp đồng mới, trả hết tiền nhà cho tám tháng. Do số tiền hơi lớn đối với một cô giáo nên có thêm chữ ký của hai nhân chứng, một phe ta một phe địch. Phe ta là tổ trưởng dân phố khu tôi đang ở, lần đầu tiên ghé qua tệ xá. Đợi cho phe địch ra về, bà tổ trưởng bỏ giọng nhỏ to:

– Ở đây hai năm cô thấy sao?

– Dạ căn nhà cũng hơi rệu, còn xung quanh thì ồn quá. Nhà bên kia hình như mới sắm cái đồng hồ biết nói; đúng 5 giờ sáng có tiếng kèn tây thổi te te te tò tí te, te tí te, tò tí tò, te te… rồi có giọng Mỹ mời thức dậy, chào buổi sáng.

– Ý tôi muốn nói cô có thấy gì lạ không?

– Dạ cháu cũng chưa hiểu ý bác lắm.

– Nhà này có ma. Ai cũng bị ông già trước đây là chủ đầu tiên hiện hồn về đòi lại nhà.

– Trời! Bác nói gì vậy? Sao bác để cho cháu giao người ta bảy triệu rồi bác mới nói?

– Thấy cô nặng vía tôi mới nói, chứ đàn bà thai nghén hoặc nhẹ vía thì tôi ngại. Cách đây một căn cũng có ma về bóp cổ chủ mới; cái ông Thịnh bị tai nạn giao thông dập ống quyển đó. Đã nằm một chỗ mà đêm nào cũng bị ma hành la hét rùm trời. Cô thật sự không thấy gì lạ sao?

– Dạ không! Lúc mới ở cháu có nghe cái tủ đứng trong phòng ngủ thỉnh thoảng chuyển răng rắc, nhưng nghĩ đồ gỗ co dãn theo thời tiết là chuyện thường. Trên gác nóng lắm.

Bà tổ trưởng về rồi, tôi gọi điện thoại cho một bà bạn kể chuyện nhà có ma. Bà bạn cười ặc ặc, xong buông gọn:

– Phải cúng.

Cha, chuyện này căng à. Từ trước đến giờ tôi chưa hề đi chùa chiền hay nhà thờ, cũng không thích việc giỗ chạp cúng kiến. Cha tôi chết cách đây không lâu mà nhớ mãi cũng không ra chính xác ngày tây ngày ta. Mấy năm đầu còn ghi trong sổ tay mồng 5 tháng giêng âm lịch, sau lại lộn qua 1 tháng 5 dương lịch là ngày quốc tế lao động, từ đó lơ luôn nhớ chi cho mệt. Ngày ông còn sống ngày nào cũng bị mẹ tôi mắng hư mắng thúi, vậy mà lúc ông qua đời bà khóc ti tỉ, lập bàn thờ cúng giỗ đều đều hàng năm nấu toàn các món cha tôi thích ăn lúc sinh tiền: hủ tíu xào giá, canh rau thơm lòng gà, hẹ bông xào thịt ba rọi. Bà mắng lũ chúng tôi quân bất hiếu, nhân nào quả nấy, mai mốt con cái nó trả cho biết, quả báo nhãn tiền khỏi đợi kiếp sau.

Chưa kịp cúng ông chủ nhà thì tối đó cụ về. Tôi đang lơ mơ chưa ngủ hẳn, còn nằm ôn lại các cảnh trong phim Hận Thù Sôi Sục: một kỹ sư xây dựng cất nhà trên bãi đất trống trước kia là bãi tha ma đã bị bang thành bình địa, chủ nhân các ngôi mộ ùa về báo oán bắt mất đứa con gái nhỏ xíu của ông ta. Phim chỉ có vậy nhưng không khí lạnh lẽo miền núi Carpathian và mưa bão ven biển Cornwall làm tôi bần thần. Ông cụ đứng ngay chân giường:

– Sao, bây giờ bà biết tôi đang ở ngay trong nhà này với bà, bà tính sao?

Tôi bật người dậy nhưng lưng và đầu như có cái gì níu chặt lại. Tôi quơ quơ hai chân ló ra tấm chăn, miệng ú ớ:

– Ai vậy? Ai vậy?

– Tôi chứ ai! Bà đừng làm bộ. Hồi sáng này mụ tổ trưởng nói với bà rồi. Bấy lâu nay thấy bà ở một mình tôi lơ cho bà yên ổn làm ăn. Biết chuyện rồi chẳng lẽ bà vẫn cứ tỉnh bơ? Tính phải quấy sao coi cho được đi.

Tôi tiếp tục quẫy hai chân như cá mắc cạn, cổ họng nghẹt cứng không phát ra được âm nào ngoài tiếng khè khè. Ông cụ nói xong đi khoan thai đến cửa phòng ngủ mở ra, khép lại. Tôi nghe tiếng chân bước từng nấc xuống cầu thang. Vậy là ông ta trụ tầng dưới, mình ngủ trên này, cũng tiện. Nói vậy chứ tôi thức luôn đến sáng nằm hình dung lại ông cụ: áo sơ-mi nhăn nhíu nhét trong quần tây rộng, đầu hói, mặt xương, hai con mắt nheo nheo, kính lão xệ sóng mũi, cằm nhẵn. Trông giống một công chức già thời Pháp thuộc. Năm giờ kèn tây bên kia vách thổi:

te te te tò te tí te
te tí te, tò tí tò
te te….

Tôi bắt đầu một ngày bình thường, xuống bếp pha cà-phê ngồi uống tà tà tự hỏi ông cụ đâu, ban ngày cụ làm gì, rình tôi từ góc nào, sao không giỏi ngồi đối ẩm chơi, chờ chi đến ban đêm mới giở giọng ngầu. Tôi thay quần áo đi dạy, hơi mệt vì mất ngủ. Trước khi dẫn xe gắn máy ra khỏi nhà tôi nhìn chằm chằm các góc trong phòng khách:

– Cho ông ở nhà một mình cho đã, coi chừng giùm cái nhà, tôi đi đến chiều mới về. Hẹn tái ngộ buổi tối.

Tối đó ông ta trở lại thật. Hàng xóm còn xem ti-vi, có tiếng trẻ con khóc, xe cộ vẫn còn xẹt qua xẹt lại trong xóm nhỏ, nắp cống gập ghềnh kêu đánh bụp mỗi khi bánh xe trườn qua. Tôi còn thức ngồi chờ trên giường hạ quyết tâm đêm nay bàn bạc cho ra lẽ. Ông cụ ngồi ghé trên cái ghế thấp cạnh cửa sổ.

– Bà muốn chơi tay đôi với tôi phải không?

Tôi khè khè một lát rồi tự nhiên bật ra được.

– Cụ muốn gì? Tôi ở đây giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, làm ăn lương thiện, tiền bạc sòng phẳng, đạo đức tốt, có giấy công nhận đạt danh hiệu 6 Chuẩn Mực Gia Đình Văn Hóa do đồng chí Chủ tịch phường Lý Quang Châu ký ngày…tháng…năm…, hồ sơ lưu mang số 109/GĐVH…

– Thì tôi cũng thấy vậy. Chủ trước dẫn gái về ngủ ngay trên cái giường này – cụ giơ ngón tay trỏ phất lên phất xuống hai ba cái – bà thấy cái chân giường trong góc đã được thay mới không? Bọn chúng nó quậy rầm rầm cả đêm không nghỉ ngơi gì được.

Hú vía. May mà lúc mới thuê tôi đã yêu cầu vợ chồng chủ nhà khiêng đi giùm tấm nệm Kymddan, không thôi thì quá mất vệ sinh. Tôi nhỏ nhẹ:

– Vậy cụ cứ yên tâm.

– Bà tưởng như vậy là bà tốt lắm rồi ư? Người sống luôn luôn nghĩ mình tốt lành khi đã chu toàn một số trách nhiệm gia đình và xã hội.

Chắc ông cụ muốn mắng quân bất hiếu là tôi, không nhớ nổi ngày giỗ của thân sinh. Tôi giãi bày:

– Thưa cụ cha cháu lúc sống phá phách tưng bừng. Lúc mang thai cháu mẹ cháu đã suýt soát năm mươi còn ông ấy thì bị ma men nhập đã hơn 30 năm, vậy cháu là sản phẩm của tuổi già và hèm rượu chứ đâu phải trái ngọt cây lành. Các anh chị cháu không ai lãnh nguyên băng đạn như vậy, họ khỏe mạnh tỉnh táo hơn nhiều. Cháu ra đời nhằm đêm có trăng, ông già say bí tỉ ra đứng ngó mông lên trời thấy mặt trăng đang vàng khè bỗng trổ màu đỏ ké nên đặt tên cháu là Nguyệt Hồng. Rồi tuổi thơ èo uột, tuổi trẻ dật dờ. Thiết nghĩ lúc ông còn sinh tiền cháu không yêu kính được nếu không nói là oán hận, nay thờ cúng e rằng giả dối….

Ông cụ gầm lên:

– Cha chả! Nói vậy mà nghe được à? Bà có phải Tề Thiên Đại Thánh nứt đá chui ra đâu mà giở giọng bạc. Con nghịch hầu đó nó không có chỗ để xức dầu cù là, còn bà thì có lỗ rún. Tôi đây lẫy lừng một thời trong gia đình, cờ bạc ăn chơi rượu chè bất tận, đánh đập vợ con không run tay mà chết đi chúng nó còn nhớ Thanh Minh để đi dẫy mả.

Đột nhiên ông già đứng dậy, vẫn cái áo sơ-mi dài tay nhăn rúm nhét trong cái lưng quần rộng rinh. Cụ quắc đôi mắt kèm nhèm nhìn tôi giận dữ:

– Thôi đêm nay như vậy đủ rồi. Nghĩ lại xem bản thân mình còn thiếu sót với bao nhiêu người? Bà thu xếp hôm nào đi với tôi.

Khoan thai, cụ tiến đến cánh cửa trổ ra ban-công. Tôi định nói ngoài đó có rào lưới B.40 nhưng sực nhớ không cần thiết. Cụ mở cửa, khép he hé, quẹo trái rồi khuất sau góc tường. Tối nay ông lão đi chơi không thèm ngủ nhà. Như ông ta thì đi đâu chơi cho vui? Bất quá ra nghĩa địa họp tổ, hoặc đi rình mấy chỗ khác hù dọa những người yếu bóng vía. Tôi vững hơn đêm trước nhiều, nhất định không bước ra gài lại cửa để coi sáng hôm sau sự thể ra sao. Nếu giọng Mỹ chào buổi sáng bên kia vách cất lên mà nhìn ra thấy cửa vẫn còn mở là đích thị nhà có ma. Thường khi dù trời nóng đến mấy tôi vẫn không bao giờ dám để cửa ban đêm. Lại còn rủ hôm nào bà đi với tôi. Xuất hồn theo ông cụ lỡ ham vui như Lưu-Nguyễn, lúc về trần, nhà thuê biến thành bể dâu uổng toi bảy triệu bạc.

Như đêm trước tôi cố gắng không ngủ, để theo dõi chính mình thì đúng hơn. Không đủ kiên nhẫn chờ kèn tây, khoảng 4 giờ sáng tôi lò dò bước đến cái cửa trổ ra ban-công đẩy nhẹ. Chốt không cài. Bỏ mạng! Sẽ không ai tin câu chuyện tôi kể, trừ bà tổ trưởng. Nhưng tôi sẽ không hé răng; nói ra một hồi sẽ lộ tẩy cái quân bất hiếu là tôi. Bây giờ tính sao đây, hay là chờ thêm vài hôm để thu thập thêm dữ liệu. Những buổi đứng lớp đã có dấu hiệu sật sừ. Các trò thắc mắc:

– Cô bệnh hả?

– Đâu có, tôi vẫn khỏe như thần.

Vừa nói tôi vừa lảo đảo đẩy cái Custom 50 ra khỏi bãi giữ xe giữa sân trường. Mới thức có hai đêm mà đã muốn cảm. Tôi cua xe về Tân Định ghé dịch vụ photocopy của bà bạn để in bài cho các lớp ngày hôm sau. Thấy mặt, bà bạn kêu lên:

– Trời! Sao xanh dờn vậy? Bệnh hả?

– Y như muốn cảm.

– Không phải cảm đâu. Âm khí vần vũ lên cả hai chân mày đè cái mặt bà tối hù. Bà bị rồi! Cúng chưa?

– Chưa.

– Tôi đã nói cúng đi, để càng lâu thần sắc càng suy nhược, có khi quá trễ phải nhờ đến thầy mà chưa chắc gỡ được.

– Thầy gì?

– Thì thầy pháp, thầy bùa. Hỏi ngớ ngẩn.

Nhớ lúc còn đi học có lần tôi tò mò chen đám đông vô xem một đám cúng. Một ông thanh niên mặt mũi sáng sủa đầu trùm vuông khăn đỏ đảo xoay lia lịa, mồm lâm râm ư ử một thứ tiếng lạ. Đang xoay, đồng bỗng hước lên một tiếng như nấc cục đoạn giở hé tấm vải đỏ lên lừ mắt nhìn đám đông; chợt đồng chỉ thẳng ngón tay vô mặt tôi, hét giọng mái:

– Con tiểu yêu kia đi chỗ khác chơi!

Hét xong đồng thăng, còn lại ông thanh niên sùm sụp khuôn vải đỏ ngồi xếp bằng, toàn thân rũ mềm như gà rút xương. Đám đông lao xao hướng về phía tôi. Một bà phốt pháp dậm chân thình thịch dọa:

– Mày phải không? Mày nặng vía đi khuất mắt Cô Ba đi, bả giận rồi đó! Khôn hồn thì chạy.

Tôi buộc hai vạt áo dài xách guốc chạy vắt giò lên cổ mặc dù chẳng có ai rượt. Bà tổ trưởng mới đây cũng nói tôi nặng vía vậy thì âm khí vần vũ ngả nào? Tuy vậy tôi không dám kể lại cho bà bạn nghe cuộc gặp gỡ với ông cụ trong hai đêm qua. Có cái gì mê hoặc dữ dội trong chuyện này khiến tôi tò mò muốn đi xa hơn. Tôi về nhà uống hai viên thuốc cảm rồi đi nằm.

Không thấy ông cụ đâu. Tôi nghỉ dạy ở trường lẫn các nhóm học nhà, nằm vùi run cầm cập ba ngày vừa lạnh vừa sốt. Mấy lúc như vầy sao không hiện hồn về bầu bạn với kẻ neo đơn? Chắc có chỗ khác vui hơn. Có lúc tôi thiếp ngất mê thấy có cái huyệt lớn đào sẵn ngập đầy nước mưa, bàn ghế nhô lên từ dưới nước, các trò – trong đó có cả cậu con trai bà bác sĩ – bì bõm quây quần quanh bàn, cô giáo ngồi dạy học như thường. Xung quanh cây xanh gió mát, cảnh trí thật thơ mộng hữu tình. Thỉnh thoảng tôi bừng mắt, bò dậy lò mò pha sữa uống thuốc rồi lại nằm vật ra chờ. Đến ngày thứ tư thì ông ta về, quần áo nhàu nhượi:

– Bà sẵn sàng chưa?

– Tôi đang bệnh muốn chết đây cụ.

– Cũng phải đi thôi vì tôi xếp đặt hết cả rồi.

– Mà đi đâu mới được chứ?

Ông ta không trả lời nắm chân tôi kéo ra khỏi giường. Một luồng khí lạnh chạy dọc xương sống làm tôi rùng mình. Quơ chân tìm không thấy đôi dép, tôi để chân đất lẽo đẽo theo ông ta đến cái cửa trổ ra ban-công, trên người mặc bộ đồ ngủ chua lè, đầu tóc bù xù, bụng lép kẹp. Chợt cuồng phong nổi lên rồi gió ù ù hai bên mang tai. Tôi cong hai cánh tay lên che mặt đỡ gió. Đèn đóm phố phường tất cả biến thành những vệt dài trôi xoèn xoẹt ngang mặt. Như vậy lâu lắm rồi bỗng im vắng tứ bề, đêm đen đặc như mực tàu. Ông cụ vẫn một tay níu chặt vạt áo tôi lôi đi, một tay bơi bơi trong không khí như lái đò mất chèo. Xa tít đằng kia có một đóm lửa lập lòe, liền sau đó tôi thấy mình đứng trong một ngôi nhà đá, hơi lạnh phả ra từ sàn nhà ẩm ướt. Mùi ẩm mốc trộn lẫn với mùi gì như cơm thiu xộc lên tới óc.

Khi mắt đã quen với bóng tối, tôi giật bắn toàn thân thấy một nhóm người lố nhố già trẻ ngồi nghiêm nghị trân trân hướng về phía tôi và ông cụ. Trông họ buồn như có ai chết, mắt trõm lơ lạc thần. Có vẻ như họ đã ngồi trên bệ đá đó lâu lắm rồi để chờ đợi một cuộc hạnh ngộ được xếp đặt trước. Tôi nheo hai mắt cận thị nhìn từng người. Cha tôi kìa. Ông ngồi tựa lưng vô vách đá thở khò khè, bụng trướng to, hai chân sưng vù – đúng hình ảnh lúc ông trút hơi cuối cùng. Ông lờ đờ nhìn tôi, kiểu một người lạ đang ngó vu vơ vào khoảng không.

Kế bên là một thiếu phụ tôi không quen, rồi tôi thấy Tấn – người bạn lớn của tôi khi tôi mới 16 tuổi. Gặp tôi trong tiệc sinh nhật người em họ, Tấn đến ngồi cạnh nói chuyện, xin phép mai mốt đến nhà chơi. Sau lần ấy anh thường tặng tôi những quyển sách tiếng Pháp bỏ túi, loại livres de poche, trang đầu bao giờ cũng ký tắt NgHt., Nguyễn Hữu Tấn. Anh giải thích đó cũng là tên ghép của tôi và anh. Tấn làm thông dịch viên chiến trường, tử nạn ở An Lộc trong một trận đụng độ, ngực anh thủng một lỗ to, áo trây-di còn vết cháy nám, bê bết bùn đất. Tôi không biết Tấn yêu tôi cho đến nhiều năm sau đó, khi người nhà của anh trao lại một gói nhỏ trong đó có cái thư viết dở và hai quyển sách mà trước đó anh có hứa là sẽ gửi cho. Lúc chết anh mới 25 tuổi còn tôi bây giờ là một mụ già 50, mặc đồ ngủ đi chân đất. Đôi mắt sâu của anh nay như thụt hẳn vô trong hốc tối của hộp sọ.

Bỏ hai người nữa là Phùng. Tay này đeo đuổi chị tôi mười năm mới được chị đồng ý cho cưới. Sau khi chung sống chưa được bao lâu chị vì công việc phải đi xa, anh ở nhà ngoại tình lung tung với nhiều người trong đó có tôi. Bất đắc chí sao đó, anh thắt cổ tự tử bỏ lại chị tôi và đứa con trai 4 tuổi với biết bao điều thị phi. Anh đang ngồi lặng lờ, trên cổ còn vết xiết của dây dù. Trông anh lỏng le trong bộ pyjama màu hột gà có viền nâu, đôi mắt dại bất động sau cặp kính gọng vàng. Lúc cắt dây đưa anh xuống đất, người ta thắc mắc sao ông này thắt cổ mà còn mang kính. Lúc ấy anh 43 tuổi.

Sau lưng anh là Từ, sĩ quan hải quân, người phồng to như bị trương sình. Anh biết tôi hồi tôi nhỏ xíu còn ngửa tay xin tiền mẹ mua xí muội. Còn nhớ những bức thư anh viết về Nha Trang, Đồng Đế kể chuyện huấn nhục thời gian anh mới vào binh chủng. Anh hay nói đùa xin phép mẹ cho gửi mấy bao gạo nuôi tôi lớn để cưới làm vợ. Tôi không biết Từ đã chết, tưởng anh lưu lạc đâu đó sau biến cố bảy-lăm.

Gần đó là Trân Châu và Albert, cả hai thân thể móp méo xiêu vẹo sau tai nạn xe hơi ở Nice. Trân Châu là cháu gọi tôi bằng cô Út, con ông anh cả. Tuy vai vế cô-cháu nhưng tuổi tác ngang nhau thường chơi chung như bạn, còn vị hôn phu của nó thì bây giờ tôi mới biết mặt: bộ râu quai nón rậm rịt như xiết chặt quai hàm vô phương nhúc nhích. Hai người ngồi im như tượng, kiểu những pho tượng bằng đá chưa được đẽo gọt kỹ còn lam nham thô ráp theo cố ý của nhà điêu khắc.

Ông già lên tiếng:

– Tất cả đây là người thân của bà.

Tôi nói, nghe giọng mình tỉnh rụi:

– Tôi không biết một số người ở đây. Có tất cả 12 người nhưng tôi chỉ nhận ra chưa tới phân nửa.

– Đó là tại vì bà vẫn vô tâm như lúc còn…

– Còn sống chứ gì! Tôi đâu đã hồn lìa khỏi xác. Cụ lôi tôi đến đây làm chi vậy? Cụ nhìn xem, bọn họ giống như 12 thành viên bồi thẩm đoàn ngồi quan sát bị cáo là tôi, với cụ là người buộc tội, còn Thẩm phán đâu? Lố bịch quá. Trừ cha tôi ra, những người có liên quan đến tôi nay vẫn còn trẻ măng so với mụ già này – tôi hung hăng đấm thùm thụp vào ngực đổi giọng quạu – ông muốn gì mới được chứ? Tôi không ăn nhậu gì đến những cái chết. Chính họ tự xông pha vào cõi bên kia. Ông nhìn xem ai sướng hơn ai? Trong khi tôi tất tả mưu sinh, họ ngồi lờ đờ chơi đâu có vướng bận gì.

– Họ sẽ không thốt ra một lời nào nếu bà không tỏ ra phục thiện một chút. Ngó bộ bà chẳng mảy may xúc động khi gặp lại người thân, lại còn quên bẵng đi những người còn lại.

– Mọi biểu tỏ bây giờ có ích gì? Cho rằng ít nhiều tôi là động lực đẩy họ đến chỗ chết – tôi tặc lưỡi – mà điều này thì vô lý quá, ông tính họ sẽ làm gì tôi đây? Cho rằng tôi cũng một phường ma đói như họ như ông thì rồi ra cũng đi lang bang hù nhát người này người kia, ngon lắm thì bắt hồn người kia người nọ rủ rê cho đông đảo thêm cái cộng đồng vô tích sự…

– Im ngay, nghịch nữ! – ông cụ quát lên – ngậm máu phun người trước nhơ miệng mình. Bà nhìn kỹ lại họ đi. Đó là những người đã từng yêu thương bà. Cuộc sống yên ổn của bà bấy lâu nay đâu phải dưng không mà có. Đã bao lần hoạn nạn xảy ra trong đời, bà kêu réo cầu khẩn ai trong lúc tuyệt vọng? Con gái bà sốt xuất huyết thập tử nhất sinh bà van vỉ các oan hồn xin được chết thế mạng con. Lần hụt giò ở biển Vũng Tàu ai kéo hai mẹ con lên bờ? Ai chận lại chiếc xe đò bị hỏng hộp số khi đang buông dốc? Ai ghìm lại ngọn lửa đang cháy liếm sau lưng nhà bà? Có phải mùa thu năm ngoái bà đã ra nghĩa địa Place de l’Église đứng trước mộ hai vợ chồng Trân Châu xin họ che chở con gái bà đang bơ vơ xứ người? Còn ai vô đây tìm cách ngăn cản không để cho bà thuê cái căn nhà của con mẹ chằn ăn trăn quấn? Còn nữa và còn nữa. Chậc, cái kẻ vô lương tâm như bà có kể lắm cũng vậy thôi. Đã đành sống chết là lẽ thường tình nhưng bà không được coi thường cái lẽ của trời đất. Tôi ân hận đưa bà đến đây. Họ từ nghìn trùng quay về….

Phiên tòa không có Luật sư, Thẩm phán. Tôi tự đối chất một mình với lão Công tố viên. Bọn họ ngồi bất động, ánh mắt lúc níu lúc buông. Có vẻ tôi hơi đuối lý, bởi những điều ông cụ nhắc nhở đều có thật và làm tôi sởn tóc gáy. Thật tình tôi không biết họ đã đuổi riết sau lưng qua từng ấy năm tháng mà rồi cuộc hạnh ngộ làm họ ngỡ ngàng. Tôi xấu hổ quay ngang. Ngoài cha tôi, Tấn, Từ, Phùng, Trân Châu và Albert còn những người kia là ai? Sao tôi không moi ra được trong trí nhớ chút gì quen thuộc. Lão già, chỉ có lão mới có thể đẩy tôi ngược về quá khứ và giữ tôi lại. Ông ta ăn chịu sao với những người này? Tôi có liên quan gì đến những cái chết kia, hay họ toa rập nhau chỉ để trêu chọc tôi? Gió bỗng bật thổi ào ào rồi tôi thấy mình bị tống ngược ra ngoài, chỉ kịp nhìn thấy hun hút trước mắt các hốc đen mờ mờ những bóng người ngồi trên bệ đá.

Có người cạy cửa vào được nhà đang hấp tấp bước hụt lên cầu thang. Lúc đầu nghe tiếng động tôi tưởng ông cụ nhưng khi hé mắt nhìn ra cửa sổ thấy có ánh sáng biết là ban ngày. Ma không đi chơi ban ngày. Nắng lọc qua tấm màn cửa màu vàng đất, dịu lại, loang nhòe trong phòng. Một bà đứng ngay cạnh giường cúi nghiêng người lắc vai tôi, giọng hốt hoảng:

– Trời ơi bà bệnh sao vậy? Tôi gọi điện thoại mấy ngày nay không thấy trả lời.

Bà này tôi quen mà. Tôi bặp bặp hai môi thều thào nhưng không phát ra được âm nào. Sau đó hình như có thêm vài người nữa nhưng tôi đuối hơi nhắm tịt mắt lại, chỉ nghe tiếng lao xao. Họ kéo hai chân tôi ra khỏi giường, không nghe gió thổi ù ù như lần trước. Hai nách tôi bị xốc ngược trong khi đầu gối gập lại, người khuỵu xuống. Tôi nghĩ, lần này tiêu rồi. Bây giờ mình cô đơn, bởi sau lưng đâu còn ai.


Trần Thị NgH.
TkC, tháng 10.2020