có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 10 15, 2020

Vũ Hoàng Chương và những ẩn số vũ trụ



Nói về Vũ Hoàng Chương, ta thường nghĩ ngay đến bài thơ “Tháng Sáu Mười Hai”, một trong những bài thơ đại diện cho thời kỳ lãng mạn tiền chiến, hoặc nghĩ ngay đến đoạn thơ:

Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh...

Đây là những ý thơ đại diện cho mặc cảm bị trị và thiếu lý tưởng thời kỳ Pháp thuộc. Sau khi di cư vào Nam năm 1954, Vũ Hoàng Chương lại có bài thơ “Bài Ca Bình Bắc”, đại diện cho luồng gió đòi Bắc tiến dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Rồi sau phong trào Phật Giáo tranh đấu đưa tới biến cố 1963, lật đổ Tổng Thống Diệm, ông được truyền tụng với bài thơ “Lửa Từ Bi”. Cuối cùng là sau năm 1975, Vũ Hoàng Chương có các câu thơ dự phòng ngày phải vào tù:

Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh

Như vậy, thơ của Vũ Hoàng Chương bàng bạc dấu vết thời thế, có những cắm mốc cho mỗi giai đoạn lịch sử đất nước. Nhớ những nét chính như vậy cho nên ta quên ông có vài bài thơ như đứng bên lề, không quy tụ nhiều bài thành một đề tài đáng kể trong thi nghiệp Vũ Hoàng Chương. Đó là hai bài thơ ca ngợi kỹ thuật bay lên không gian và kỹ thuật truyền thông vô tuyến của thời đại NASA (gọi là thời đại NASA vì miền Nam Việt Nam lúc đó, thập niên 50 bước qua thập niên 60, dân chúng chỉ biết nhiều qua các thành đạt về khoa học không gian của Hoa Kỳ hơn là của Liên Xô hay của các nước Âu Châu).

Thoạt tiên, bài thơ “Đăng Trình” của Vũ Hoàng Chương mở ra cho ta những ẩn số vũ trụ, nhưng sau đó tự khép lại bằng truyện giả tưởng con người từ không gian xuống trái đất, đi giữa băng sơn núi lửa đang gầm thét hỗn mang, rồi chán trái đất mà bay về trời bằng hỏa tiễn liên hành tinh. Vì vậy những ẩn số siêu hình vốn là nguồn cảm hứng của thi ca không còn nữa. Đoạn mở đầu tuyệt tác, pha trộn chất thơ trong tư tưởng Phật Giáo về cát bãi sông Hằng của A-tăng-kỳ kiếp, và chất thơ của tư tưởng Thiên Chúa Giáo về đấng Tạo Hóa đưa con người từ hư vô ra ánh sáng:

Bao nhiêu hạt cát bến sông này
Đã bấy nhiêu ngàn thế kỷ nay
Ta vượt ngàn năm đường ánh sáng
Tự ngoài vô tận đến nơi đây...

Nếu là Đức Tin tôn giáo thuần thành, con người xuống trái đất trong thơ Vũ Hoàng Chương phải mang hình bóng Adam và Eva nơi Vườn Địa Đàng, nhưng trong thơ ông không thấy những nhân dạng ấy. Vì vậy, nguồn cảm hứng của ông là từ các huyền thoại con người nơi những hành tinh xa xôi xuống bằng đĩa bay hay phi thuyền, những huyền thoại ấy dồi dào trong sách báo Tây Phương. Ví dụ về những đường nét kỷ hà và khắc họa khổng lồ trên sa mạc xứ Peru (chỉ phát hiện ra từ trên máy bay ở độ cao) được một số nhà văn tưởng tượng đó là vùng phi đạo thời tiền sử dành cho tàu vũ trụ của các người Hỏa Tinh. Ví dụ về những tượng đá khổng lồ trên đảo Easter chơ vơ trong Thái Bình Dương, đã hiện diện ở đó cách đây 600 năm, với sức nặng mà máy móc cần trục ngày nay di chuyển mới hiệu quả: bí ẩn này được nhà văn tưởng tượng là do các người từ không gian xuống làm việc với đám thổ dân ít ỏi trên đảo, việc xong họ lại bay đi biền biệt, lưu lại những tượng đá xếp hàng, mặt ngó ra đại dương, mắt trừng trừng về cõi xa xăm nào đó, như một trầm ngâm tưởng nhớ.

Ngoài truyện giả tưởng về con người như trên, ta không thể gán ghép kiến thức về vật chất tiến hóa có tính chất vô thần: Nguyên ủy mầm sống vốn từ thể khí, hỗn hợp thành hóa chất, chứa trong sao chổi hay đá trời (tiểu hành tinh), rồi mảnh vỡ rớt vào đại dương, bị dòng điện do sấm chớp đánh xuống, hỗn hợp thành chất sống hữu cơ, thành đơn bào thô sơ, thành sinh vật sơ khai, và tiến hóa dần thành con người. Đây là những kiến thức mới nở rộ gần đây trên báo chí Mỹ.

Thời Vũ Hoàng Chương làm thơ về con người giáng thế như trong bài “Đăng Trình” đầu thập niên 1960, kiến thức khoa học vô thần này ít phổ biến nên chắc chắn không phải là nguồn cảm hứng của Vũ Hoàng Chương. Trong văn chương ta có thể khám phá nơi tác phẩm phần vô thức cá nhân hay phần vô thức tập thể (thừa hưởng tiềm tàng từ tổ tiên, xã hội, cộng đồng), nhưng không thể gán ghép cho tác giả những kiến thức mà chính người viết chưa hề nghĩ tới.

Vì vậy ta có thể nhắc lại: nguồn cảm hứng của Vũ Hoàng Chương về con người xuống Trái Đất bắt nguồn từ tôn giáo rồi pha trộn với truyện giả tưởng. Sau đó, ông trở về với ý tưởng tôn giáo, ngưỡng vọng về trời khi Trái Đất trở thành đáng chán:

Đêm đêm ta dõi mấy tầng cao
Tìm một không gian mới lạ nào
Lấp lánh Quê Trời, thơ hẹn bến
Giam mình Quê Đất mãi hay sao

Tuy nhiên, thuyết Tương Đối của Einstein đã thấy Vũ Hoàng Chương nói phớt qua. Rõ ràng là chính kiến thức đó. Vậy xin chỉ đề cập vắn tắt: Bằng tốc độ ánh sáng hay nhanh hơn ánh sáng, thời gian và không gian uốn cong lại, quyện vào nhau. Con người với tốc độ ấy cũng phải biến thể mà thuộc về vũ trụ kích thước thứ tư:

Nhân loại ra đi chẳng một lần
Hợp tan nào khác mảnh phù vân
Trên đà tốc độ siêu quang ấy
Một chuyến đăng trình một hóa thân

Nhưng về trời bằng cách nào? Vũ Hoàng Chương nghiêng vào truyện viễn tưởng, cảm hứng vì phấn khởi trước kỹ thuật hỏa tiễn đưa người lên không gian của “thời đại NASA”. Nó gần với thực tế (kỹ thuật khoa học) nhưng mục tiêu về trời thì thật xa vời, nên ta gọi là viễn tưởng. Không tiếp tục với nguồn cảm hứng siêu hình trước những ẩn số vũ trụ, Vũ Hoàng Chương đã viết những câu thơ đẹp có tính cách thực dụng với “mạn phi thuyền cháy lên rừng rực”, gần như hãnh tiến với kỹ thuật tiến bộ, mới bay lên quỹ đạo mà viễn tưởng tới được bờ bến vô cùng:

Này lúc vèo qua Hệ Thái Dương
Ném sau ngàn đốm lửa kim cương

Bài thơ “Đăng Trình” có những câu thơ đẹp, tuy hơi nghiêng về kỹ thuật khoa học, một đề tài thoáng qua trong thi nghiệp Vũ Hoàng Chương. Lúc đó, thơ tự do Thanh Tâm Tuyền và Nguyên Sa chiếm lĩnh ảnh hưởng trong văn học miền Nam, đẩy lùi thơ niêm luật của Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng vào sự thờ ơ của giới trẻ. Không như bây giờ đã bão hòa: thơ giữ niêm luật, thơ mới, thơ tự do, thế nào cũng được miễn là thơ hay. Bằng chứng là các bài thơ “Những Hướng Sao Rơi” và “Chớp Bể Mưa Nguồn” của Đinh Hùng mãi mãi vẫn còn hay. Nhưng sở dĩ bài thơ “Đăng Trình” và “Mây Sóng Tình Thơ” của Vũ Hoàng Chương không được như thơ Đinh Hùng, một là vì đề tài ngả về kỹ thuật khoa học, vượt qua những ẩn số vũ trụ vốn là nguồn cảm hứng và viễn vọng của con người thế gian; hai là vì bài thơ “Mây Sóng Tình Thơ” dùng quá nhiều từ ngữ xưa, gần như đã lỗi thời, chẳng hạn những “tình lang, tình nương, gã si, gã thi nhân, tia sầu nhớ, nàng trinh nữ, tình cháy lòng, tình xé ta nát tan...” Ngôn ngữ thật xưa trong khi bài thơ với đề tài ca ngợi kỹ thuật khoa học, kỹ thuật truyền thông lên không gian của “thời đại NASA”.

Ngược lại, ngôn ngữ thơ Đinh Hùng không phải xưa, hay đã lỗi thời, mà là ngôn ngữ huyền ảo, mê hồn. Nó hợp với nội dung siêu thực, một đề tài chuyên biệt trong thi nghiệp Đinh Hùng.

Bài “Mây Sóng Tình Thơ” pha trộn thần giao cách cảm với điện đàm viễn thông, giữa tác giả và một nữ thi sĩ Tây Phương sau khi cả hai đi dự hội nghị quốc tế thi ca. Vũ Hoàng Chương trở về nước, cộng với cảm hứng vì con người đã thiết lập được trạm tiếp vận tín hiệu trên vệ tinh bay quanh quỹ đạo trái đất (và dự kiến thiết lập trạm tiếp vận trên mặt trăng), bài thơ ra đời trong niềm sảng khoái đó:

Đêm đêm Bắc Hải - Thái Bình Dương
Hai chiếc bao lan dài nhớ thương
Mượn nguyệt cầu kia làm tín trạm
Mây tình lang gửi sóng tình nương
...
Cực tử màu chen sắc ngoại hồng
Ngàn tia sầu nhớ vút hư không
Băng qua nguyệt trạm về nơi ấy
Là gã thi nhân đã cháy lòng...

Vũ Hoàng Chương đề cập đến tia cực tím (cực tử), tia hồng ngoại, tia vô tuyến (radio), đó là những tia nhân tạo, sản phẩm do máy móc phát ra luồng hạt điện tử. Chúng đi với làn sóng dài ngắn khác nhau, mô phỏng theo bước sóng (Wavelength) của từng loại tia vũ trụ trong thiên nhiên. Chính những làn sóng vũ trụ dài ngắn trong thiên nhiên này đã hé lộ cho con người ngày nay biết nơi phát xuất. Đó là do phóng xạ từ Black Hole, từ Thiên Hà, từ Quasar, từ tinh vân Nebula (tàn dư các sao hồng khổng lồ tan rã thành hơi bụi), từ Pulsar (kết tụ do sao nổ sụp vào thành cái lõi vật chất vô cùng nặng), và huyền ảo hơn hết là từ tàn dư của trận nổ Big Bang khai thiên vũ trụ...

Ta tiếc bài thơ “Đăng Trình” với đoạn mở đầu tuyệt tác mà rồi ẩn số siêu hình không hiện diện trong toàn bài; và bài “Mây Sóng Tình Thơ” thì tác giả không đề cập đến nguồn gốc đầy bí ẩn của những tia vũ trụ. Ta thích những giải đáp dở dang như ở bài thơ dưới đây của Vũ Hoàng Chương:

Ta còn để lại gì không
Kìa non đá lở, này sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước, xa xôi dặm về...
(Trích bài Nguyện Cầu)

Ta nghĩ Vũ Hoàng Chương hiện đang lang thang đâu đó trên chặng đường luân hồi, và đang phanh dần ra lời giải đáp cho ẩn số vũ trụ: Ta từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?


Trần Văn Nam