có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 10 05, 2020

Thu



Ngồi ở căn hộ tầng hai trên chiếc ghế quay này, trước cái computer này, bao nhiêu tháng năm rồi nhỉ, bao nhiêu lần rồi nhỉ, chốc chốc tôi xoay hẳn người qua phía trái nhìn mông ra ngoài thật lâu. Tôi không biết tại sao tôi làm như vậy. Vô thức? Theo quán tính? Hay tại vì phải đổi thế ngồi cho đỡ mỏi. Già rồi, ngồi lâu mỏi đã đành, nằm lâu cũng không yên, đi lâu cũng mệt. Và cái gì đập mãi vào mắt tôi? Những bức tường vôi trắng vàng ngang dọc, những mái nhà nghiêng, dăm ba ô cửa sổ – tất cả đều hiện lên bằng những đường thẳng băng, khô khốc, cứng đơ, góc cạnh. Vô ý chạm mạnh vào sẽ u đầu, sứt trán. Tôi bỗng nghĩ đến mái chùa, mái đình uốn cong ẩn sau rặng tre, khóm trúc; mái tranh, mái lá mềm mại nằm sâu trong vườn cau, chuối, nhãn, mít ... 

Thế ra trong tôi, hay có lẽ trong rất nhiều người nói chung, vẫn âm ỉ nhiều hoài niệm về nếp sống “nhà quê” cũ mà hắn từng trải qua. Hoài niệm ấy sẽ trói buộc hắn vào cái mà có người mệnh danh là “phong thái đình làng”, là sinh hoạt “tiểu nông”, là “gà què ăn quẩn cối xay”, và sẽ không cho phép hắn mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài? Một cây non yếu đuối mọc rễ trong quá khứ, vừa nhú lên thấy trời cao đất rộng bỗng choáng ngợp, chết đứng, không còn khả năng sống cho ngày mai. 


Có thể như vậy. Mà cũng có thể quá khứ làm bệ phóng cho cây non ngạc nhiên bước vào những cuộc hành trình mới xa xôi và đầy thách thức.


Xa hơn là những chòm cây lá xanh quanh năm khắc hình lên bầu trời. Hầu hết là thông, tùng, bách. Xa hơn nữa, dăm ba cây cọ, cây gồi xoè bẹ lá như những mái tóc bờm xờm khổng lồ.


Tất cả đều quen thuộc, nhàm chán, cứng nhắc nếu những ngọn cây không khẽ đu đưa trong gió, nếu thỉnh thoảng không thấp thoáng mấy cánh chim bay vờn vờn, lúc hiện ra trong tầm mắt, lúc ẩn sau đám nhà cửa, cây cối, lúc mất hút trong mây. 


A, mâyMây mới thật là chuyện đáng nói. Mùa nào mà lại không có mây, nhưng mây luôn luôn gợi lên trong tôi hình ảnh của mùa Thu. Màu sắc lung linh, thay hình đổi dạng. Có khi múa may, uốn lượn, có lúc như chìm trôi dưới đáy nước. Lại có hôm hoàn toàn không một sợi mây trên vòm trời cao rộng mà người Tây phương gọi là bầu trời Tháng Tám không mây (the August cloudless sky), mà ta gọi trời toàn mây xanh. Như trong trong ca dao: 

 

Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng


Lại như sáng hôm nay, ngủ dậy muộn sau một đêm thao thức trằn trọc, đến ngồi ngay trước computer định mở ra xem thư bạn bè gởi về, theo dõi tình hình thời cuộc, tranh cử tổng thống, và những số thống kê về cơn đại dịch, thì lại đổi ý kéo cánh cửa quay nhìn ra ngoài. Để làm gì, chẳng biết, như bao nhiêu lần khác. Và vô cùng kinh ngạc. Kìa, mây bao la không biết từ đâu kéo về, và đến lúc nào, mà nhiều thế, giăng kín cả bầu trời, không chừa một khoảng trống nhỏ nào cho mây xanh chen vào.Thiên nhiên chìm trong một màu trắng đục, nhàn nhạt, ảm đạm.


Thu đang muốn về? Tháng mấy rồi nhỉ? 


Mây làm nhớ muà Thu. Không có mây, hay nói chung, không có không gian, thì không có mùa, không có thời gian. Ý tưởng đó không mới. Từ ngàn xưa đã có câu thơ: “Mây trắng ngàn năm bay cứ bay” (Bạch vân thiên tải không du du – Thôi Hiệu). Không có mây hiện diện thì ai biết được ngàn năm đã qua? Mây, không gian, là những thứ có thực, có ba chiều, thấy được, chứng nghiệm được. Thời gian chỉ là tưởng tượng, quy ước. Là co giãn, là triệt tiêu. May ra là hàm số của không gian. 


Mây cũng làm nhớ quê hương. Thử đứng ngóng mây trong một buổi chiều mùa Thu trời trong, thấy cuối chân trời có đám mây trôi lững lờ, bâng khuâng như chờ đợi, như vẫy gọi người đang trông ngóng. Mà ngóng cái gì nhỉ, và thấy lòng nao nao. Thế là mây kéo tôi đi xa mãi, xa mãi, qua cả đại dương, qua tận bên kia Thái Bình Dương nơi đó có ngôi làng cũ lặng lẽ nằm ngửa mặt lên nhìn trời cao. Ý tưởng đó cũng đã cũ, đã được Nguyễn Du nói: “Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.”


Mây trắng hôm nay về đầy trời chắc là muốn mang mùa Thu tới.

            

Mới hôm qua, buổi trưa nắng nẩy lửa. Mấy cây rau húng mang về định ươm vào chậu, để tạm ngoài ban-công,bước vội vào nhà, mở ngay máy lạnh. Mệt lả người vì nắng, nằm soãi trên đi-văng, giấc ngủ như đang phục kích ập vào lúc nào không biết. Giật mình thức dậy, thảng thốt nhìn đồng hồ, ngủ quên mới chừng mươi phút. Nhớ ngay cây rau húng, vội vàng ra ban-công. Lá rau tuy còn màu xanh nhưng dòn như bánh tráng nướng, thử bẻ, nó gãy từng chiếc một. Nó chết vì nóng.


Thời tiết nóng quá. Theo con số thống kê của tuần trước đó, tại Thung Lũng Tử Thần – Death Valley – không xa lắm vùng tôi đang sinh sống, sức nóng lên đến mức cao nhất trên thế giới trong vòng  hơn 100 năm nay, hơn 130 độ F. Còn có một hiện tượng quái lạ nữa, sấm sét nổ vang trời hàng ngàn lần trong một ngày, làm mồi lửa thiêu đốt núi rừng chạy dài từ Bắc đến Nam Cali, rồi chạy ngược lên hai tiểu bang phía bắc của Cali là Oregon, và Washington. 


Lửa cháy nhiều nơi suốt bờ phía Tây của nước Mỹ. Hơn 5 triệu mẫu Anh rừng núi bị thiêu rụi, nhà cửa bị tàn phá như sau những trận mưa bom xăng đặc. Một số lớn người và vật tử nạn. Không khí ô nhiễm. Bầu trời cao biến thành một màu vàng da cam kinh dị. Và mặt trời khi thì lấp ló sau những màn khói đen bao la che phủ, khi thì ln lút trong tàn lửa đỏ bay vèo vèo trên những ngọn cây, khởi sự cho những đám cháy mới. Trên trời máy bay chữa cháy lượn qua lượn lại phun khói vàng, khói đỏ lên trên núi non đang bốc cháy, dưới đất xe chữa lửa, lính cứu hoả xịt vòi rồng vào nhà cửa, dinh cơ gục ngã trong biển lửa. 


Và thật là khủng khiếp, nhiều tiểu bang ven bờ phía Đông lại đang bị bão tố tấn công, nước sông, nước biển dâng cao tràn ngập nhiều đô thị, có nơi nước lên cao hơn 1 mét, trùm lên nóc những chiếc xe đậu hai bên đường. Chưa hết, lại có tuyết rơi trên tiểu bang Colorado nằm giữa lục địa bao la này. Mùa Hè tuyết rơi!

            

Thế mà sáng hôm nay, như đã nói trên, mây trắng giăng kín đầy. Trong gió có lạnh. Đã nghe rét mướt luồn trong gió(Xuân Diệu). Tôi bỗng cảm thấy như gặp lại người bạn mới làm quen đang bước những bước ngại ngùng, sợ sệt. Người bạn Mùa Thu đó ngập ngừng trở về hình hài đầy thương tích, máu me sau cả tháng trời bị đánh phá, vùi dập, tan tành.

Thật ra vùng Nam Cali này không có mùa Thu đích thực, mà là mùa trung gian giữa Hè nắng cháy và Đông lạnh giá. Muốn tìm Thu, hãy lên mấy tiểu bang thuộc vùng Đông Bắc tiếp giáp với Canada. Hãy lên đó để cảm nhận cái lành lạnh thấm vào bên trong lớp áo ấm. Để nhìn trời cao rộng trong veo. Và đặc biệt, để ngắm lá phong vàng tươi, đỏ thắm, rơi nhiều trên đường phố, sân ga, bến cảng, vàm sông, ven hồ, bãi biển. Và trải thảm lên trên sườn đồi. Và khoác chiếc áo lộng lẫy lên khắp núi rừng mênh mông.  


Mùa Thu nơi quê hương thứ hai này được làm bằng tiết trời lành lạnh, ánh sáng trong trẻo, và màu sắc rực rỡ. Chỉ đơn giản có thế dưới cái nhìn nhanh của tôi. 


Quê cũ của ta khác hẳn. Những chuyển động sang mùa lặng lẽ như tơ trời lửng lơ bay trên không gian vào những ngày khai trường cho năm học mới. Ai mà quên được ngày khai trường đúng vào lúc Muà Thu tới. Thỉnh thoảng, Mùa Thu khua động lên một chút âm thanh, Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo (Nguyễn Khuyến), hay Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi (Đặng Thế Phong). Mọi vật, mọi thứ đều gượng nhẹ, nhỏ nhắn, Sóng biếc theo làn hơi gợn tí (Nguyễn Khuyến), hay Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì (Xuân Diệu). Nếu miền Tây nước Mỹ chuyển mùa kéo dài cả tháng bằng những trận cháy rừng dữ dội, thì tại quê cũ là cơn mưa đầu Thu thật ngắn ngủi, Mới tạnh mưa trưa chiều đã tà (Xuân Diệu)


Nhưng trong tất cả cái mong manh, nhỏ nhắn, ngắn ngủi vừa nói đến của Mùa Thu trên quê hương xưa, còn có biết bao nhiêu nỗi niềm u uẩn khác. Dường như lúc Thu về nỗi niềm đó mới bộc lộ ra rõ ràng hơn. Và không phải chỉ là nỗi niềm, nó còn là tâm trạng bi thương bị dồn nén sau bao cơn xâu xé, tương tàn, tự hủy, đưa đẩy quê hương đất nước ngày càng tiến gần đến bờ vực thẳm. Cho nên Mùa Thu là muà ưu phiền, thất lạc, đổ vỡ. Là Mùa Thu Huế. Vì nghĩ đến Thu là nghĩ đến Huế. Thu Huế mới là mùa Thu. Và cũng có thể nói Huế là mùa Thu muôn đời dù vật đổi sao dời, dù thời gian có đứng lại chờ đợi hay trôi đi biền biệt.


Vậy cái gì làm nên Thu của Huế? Phải chăng đó là những đoá sen tàn, hương sen phai trong những dãy hào chạy dài dưới chân Hoàng thành câm nín, trầm mặc, hay trong những ao hồ ven đế đô lạnh lẽo, xác xơ, tàn tạ. Đó là tiếng ve dồn dập, bồn chồn khi mùa Hè đến rồi tắt dần và im bặt khi nắng chết. Là tiếng đổ quyên thiết tha, đau thương, ai oán điểm từng giọt nhỏ trong không gian trưa. Là những con đường xóm quanh co, heo hút trong những rặng tre kẽo kẹt suốt ngày đêm của những làng xa khuất nẻo, đìu hiu chạy theo những con hói rong rêu. Là mái chùa rêu phong, mái tranh ủ rũ. Là núi sông lạc lõng, kỳ đài ngơ ngác, mồ mả thê lương. Là giọt lệ chưa khô trên má nhăn nheo của bà mẹ của những đứa con lao đao đi mãi không về, nụ cười héo trên môi người thiếu phụ trông chồng qua bao năm tháng.  


Và Thu cũng làm bằng mây khói. Khói cơm chiều từ bếp lửa ấm vừa dâng lên khỏi mái tranh đã mất hút trong hoàng hôn lạnh; mây bay lang thang trên trời cao vô định có biết chăng bèo cũng trôi giạt trên sông rộng không bến bờ. Hợp rồi tan. 

Cũng làm bằng biệt ly.

 

Biệt ly thì nhớ. Mùa Thu là mùa nhớ. Ngồi chán, đứng dậy, đi quanh phòng, lấp ló ra ngoài ban-công, trở vào, không đi ra khỏi nhà khỏi phải mang khẩu trang. Lại đứng lại ngồi bồn chồn không yên, và nhớ. Nhìn xéo, thấy vườn hoa. Chồn chân, quẫn trí, định xuống vườn hoa tìm chút không khí. Vườn hoa không còn như xưa dù là trong mùa Thu vẫn khá nhộn nhịp, nay vắng người hẳn kể từ ngày cơn đại dịch hoành hành. Vài ba người dẫn chó đi thủng thẳng cách xa nhau, gặp người đi ngược chiều  vội vàng chuyển hướng đi, tránh nhau, và không quên vẫy tay chào nhau phân bua. 


Nhớ viển vông, hoang mang. Chế Lan Viên thời tiền chiến có lần nhớ nhung muốn tìm về thu cũ:

 

Đường về thu cũ xa xôi lắm

Mà kẻ đi về chỉ một tôi 

 

Nhà thơ muốn nói gì? “Chỉ một tôi”mà thôi hay sao? Thật ra có nhiều kẻ khác đồng cảm với nhà thơ lắm đấy nhưng không thể nói ra thành tiếng, thành lời, nhờ nhà thơ nói giúp. Nghe rất nên thơ, rất lãng mạn. Và cũng có phần đúng. Đúng đối với nhà thơ, là người mong tìm Thu cũ như tìm quá khứ đã mất. Nhưng đối với những đứa con của Huế bỏ Huế mà đi, đi mãi không về, hay không có đường về, Thu cũ lại là Thu mới trong lòng, là Thu hiện tại, và sẽ là Thu tương laicủa “Huế Buồn Chi” (Hoàng Xuân Sơn), Huế sầu bi, Huế tím, Huế bơ vơ. Huế buồn không bao giờ nguôi.


Thu là Huế biệt ly.                                                                                                                                         


Ngự Thuyết

9/2020


Nguồn